Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 68
Tổng truy cập: 1361861
THỜI KỲ ÂN ĐIỂN CỦA THẦN KHÍ
THỜI KỲ ÂN ĐIỂN CỦA THẦN KHÍ
Lm. G.B. Trần Văn Hào SBD
Khi tổng thống Washington lên cầm quyền, vào thời điểm nước Mỹ mới được thành lập, ông và
55 nhà ái quốc đã nhóm họp tại Philadelphia để soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho quốc gia.
Sau bốn tuần làm việc cật lực, họ vẫn không đạt được kết qủa nào vì có qúa nhiều ý kiến bất
đồng, thậm chí đối kháng lẫn nhau. Mọi người toan tính bỏ cuộc. Một nghị viên tên là
Benjamin Franklin đứng lên phát biểu : “Thưa Ngài Tổng thống và thưa toàn thể hội nghị, sức
lực và trí tuệ của con người rất giới hạn và mong manh, cụ thể sau một tháng làm việc chúng ta
vẫn chưa gặt hái được gì vì đầu óc chúng ta quá tăm tối. Vậy tôi đề nghị, chúng ta phải xin ơn
trên soi sáng để có thể tiếp tục công việc”. Ý kiến trên được mọi người chấp nhận. Từ ngày
hôm ấy trước mỗi phiên họp, các nghị viên đều đứng lên cung kính cầu nguyện để xin Chúa
Thánh Thần soi dẫn. Chẳng bao lâu sau, nước Mỹ đã có được một bản hiến pháp lịch sử mà các
sử gia vẫn xem đó là công trình vĩ đại nhất của nứớc Mỹ, được hoàn thành bởi ơn trên cùng với
sự cộng tác của con người. Bản hiến pháp ấy đã trở thành quy chuẩn để nhiều quốc gia khác
trên thế giới soi chiếu và noi theo. Người ta cho in hàng chữ ‘Chúng tôi tín thác vào Thiên
Chúa’ (In God We Trust) trên tờ đôla Mỹ để ghi nhớ biến cố này. Qủa thật, nếu không mở lòng
cho Thánh Thần tác động, chúng ta sẽ không làm được bất cứ công việc gì.
Chúa Thánh Thần là ai?
Trong kinh Tin kính chúng ta vẫn tuyên xưng : “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là
Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ
và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán
dạy”. Đó là 4 tín điều căn bản về Chúa Thánh Thần mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc.
Tuy nhiên, khi chúng ta đặt câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai, chúng ta dễ rơi vào tâm trạng giống
như dân Ephêsô ngày xưa khi họ trả lời Thánh Phaolô: “Thưa ông, ngay cả việc có Chúa Thánh
Thần hay không, chúng tôi còn chưa biết đến”(Cv 19,2). Kinh thánh nói khá nhiều về Thần khí
của Thiên Chúa với nhiều biểu tuợng, nhưng chúng ta không thể hình dung Chúa Thánh Thần
qua một hình ảnh hay qua một danh xưng. Nhà thần học Simeon vẫn hướng về Chúa Thánh
Thần với lời cầu nguyện: “Xin hãy đến, lạy Đấng mà chúng con không hiểu được, cũng không
biết được”. Đấng mà chúng ta không hiểu, không biết, nhưng với cảm thức đức tin, chúng ta
vẫn có thể trải nghiệm được sự hiện diện và tác động của Ngài tận thâm sâu trong cõi lòng mỗi
người.
Vì thế, nói về Chúa Thánh Thần không phải là một điều giản đơn hay chúng ta có thể tự nghĩ
ra. Chúa Giêsu đã từng nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ông nghe tiếng gió
nhưng không biết gió từ đâu đến và đi đâu (Ga 3,8)”. Thánh Thần là Đấng mà chúng ta không
thể nhốt kín Ngài trong một phạm trù cứng ngắc, hoặc trình bày Ngài như một khái niệm xơ
cứng. Chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bằng đức tin, đồng thời chúng ta
suy tư về Chúa Thánh Thần dựa trên Kinh thánh và những giáo huấn của Giáo hội. Tóm lại, để
trả lời câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai, chúng ta có thể trích mượn tư tưởng của thần học gia
Jacques Guillet: “Người ta không thể thông hiểu về Chúa Thánh Thần như hiểu biết về Chúa
Cha và Chúa con. Thánh Thần không có dung mạo cũng chẳng có danh xưng. Chúng ta không
thể đặt mình trước Chúa Thánh Thần để cầu nguyện hay chiêm ngắm Ngài, theo dõi các hành
động của Ngài. Nhưng chúng ta vẫn có thể cảm thấu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ năm xưa : “Anh em sẽ nhận biết Ngài vì Ngài ở trong
anh em” (Ga 14,17).
Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần.
Biểu tượng mà Kinh thánh sử dụng nhiều nhất để nói về Thần Khí, là ‘Gió’ hay ‘Hơi thở’, diễn
tả qua hạn từ ‘Spiritus Sanctus’ trong tiếng Latinh, ‘Holy Spirit’ trong tiếng Anh, ‘L’Esprit
Sainte’ trong tiếng Pháp, ‘Pneuma’ trong tiếng Hy Lạp, và tiếng Do Thái gọi là ‘Ruah’. Chính
Chúa Giêsu cũng đã dùng biểu tượng này khi nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi,
ông nghe tiếng gió và không biết gió từ đâu đến”. Trong sách Tông đồ công vụ, lễ Hiện xuống
(Pentecost) được khởi đầu với một làn gió mạnh thổi vào căn nhà nơi các Tông Đồ đang tụ họp.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cũng thổi hơi trên các môn đệ, trao ban bình an và tuôn đổ Thần Khí
trên các ông (Ga 20,22). Ngay từ đầu sách Khởi nguyên, tác giả cũng đã trình thuật về công
trình tạo dựng, qua đó Đức Chúa Giavê thổi hơi ban sinh khí vào ‘nắm đất’ để dựng nên con
người (St 2,7). Đó là những đặc nét và biểu tượng nói về Thần Khí, Đấng tác sinh và ban sự
sống.
Biểu tượng thứ 2 nói về Chúa Thánhh Thần là mạch nước. Trong thị kiến của tiên tri Ezekiel,
dòng nước chảy từ bên phải đền thờ phát sinh sự sống tiên báo về thời kỳ ân điển của Thần Khí
(Ez 47). Cũng vậy, trong Tin mừng Gioan, Chúa nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng
Giacóp về nguồn nước sự sống phát nguyên từ nơi Ngài, là chính Thần Khí của Đấng Phục
sinh, đem lại cho con người ơn cứu rỗi (Ga 4,13). Rõ nét nhất, Tin mừng Gioan thuật lại cho
chúng ta: “Vào cuối cuộc lễ, Đức Giêsu đứng dậy và hô lớn tiếng: “Ai khát hãy đến với tôi, ai
tin vào Tôi hãy đến mà uống… Đức Giêsu muốn nói về Thần khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ
lãnh nhận. (Ga 7,37-38).
Kế đến là biểu tượng ngọn lửa. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại bối cảnh lễ Hiện xuống đầu tiên
với hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ (Cv 2,3). Lửa có sức đốt cháy những vẩn đục và
rác rưởi của tội lỗi để biến đổi tâm can con người. Chúa Giêsu cũng đã từng tuyên bố: “Thầy
đem lửa từ trời đến thế gian, và Thầy ước mong cho ngọn lửa ấy bùng lên”. Thánh Phaolô cũng
khuyến mời giáo đoàn Thesalonica: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần (1Th 5,14). Hai môn đệ
trên đường về làng quê Emmaus khi nghe Chúa Giêsu cắt nghĩa Kinh thánh, đã cảm thấy như
một ngọn lửa đang bừng cháy nơi tâm hồn mình (Lc 24,32). Đó là dấu chứng về sự tác động
của Thần Khí.
Ngoài 3 biểu tượng nói trên, chúng ta còn thấy khá nhiều biểu tượng khác trong Kinh thánh
biểu thị về Chúa Thánh Thần, như chim bồ câu hoặc như việc xức dầu thánh hiến. Kinh thánh
dùng những biểu tượng trên để nói về Ngôi Ba Thiên Chúa, là ngôi vị không có hình thể, không
có danh xưng nhưng chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm sự tác động nhiệm mầu của Ngài
trong đời sống đức tin của chúng ta.
Kết luận
Tuần trước chúng ta mừng kính việc Chúa về trời, vừa hữu hình vừa vô hình. Tin mừng Gioan
liên kết các sự kiện thành một mầu nhiệm duy nhất: Chúa sống lại đi vào trong vinh quang với
Chúa Cha, và trao ban Thánh thần để Ngài tiếp tục hiện diện giữa Hội thánh. Cũng vậy, tuần
này chúng ta cũng mừng kính việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, vừa hữu hình vừa vô hình, là
cao điểm của mầu nhiệm Phục sinh. Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Rôma đã viết:
“Hướng đi của Thánh Thần là bình an và hoan lạc (Rm 8,6)”. Khi chúng ta có bình an và niềm
vui thực sự trong tâm hồn, chúng ta thực sự đang sở đắc Chúa Thánh Thần. Ngài chính là
nguyên lý của bình an và hạnh phúc. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn
chúng ta mỗi ngày.
2. “Đấng Phù Trợ”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Theo cha Carôlô Hồ Bạc Xái, “Đấng Phù Trợ” là dịch từ chữ hy lạp Parakletos, chỉ một nhân
vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị các trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng
bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều: đối với người bị cáo thì người này bớt sợ
và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời
sao cho khéo léo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với quan tòa thì sự hiện
diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.
Thánh Kinh cũng dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt qua khỏi khung cảnh toà án, áp dụng cho
nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Thí dụ ngôn sứ Đanien là Parakletos bà Susanna khi bà
bị hai ông già dê âm mưu kết án oan; Chúa Giêsu là Parakletos của người phụ nữ ngoại tình khi
chị bị lôi ra xử án ném đá vì phạm tội ngoại tình.
Trong Ga 15,26-27, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ
của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ. Thế gian cũng sẽ thù
ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ
không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh để:
Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.
An ủi họ trong những lúc thua buồn.
Che chở họ trong những khi nguy hiểm.
Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.
Dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.
Đích thân bênh vực họ.
Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai trò Parakletos một cách hữu hiệu thế nào
đối với các tông đồ khi các ngài sống và hoạt động giữa thế gian.(x. suy niệm Tin mừng thứ tư,
tuần 6 Phục sinh).
Trong Tin mừng (Ga 14,13-14), Chúa Giêsu bảo các môn đệ lấy danh của Người mà cầu xin và
Người sẽ thực hiện cho. Chính Chúa Giêsu có sáng kiến thỉnh cầu với Chúa Cha ban Đấng Phù
Trợ cho họ. Đấng Phù Trợ là ân huệ Chúa Cha ban cho và được gởi đến qua lời thỉnh cầu của
Chúa Con. Đấng Phù Trợ, chỉ vai trò trợ giúp hơn là biện hộ (Ga 14,16-17.26; 15,26). Trong
tên gọi “Đấng Phù Trợ khác”, tính từ “khác” chỉ Đấng không phải là Chúa Giêsu. Đấng Phù
Trợ được gọi bằng tên khác là Thần Chân lý (Ga 14,17). Ngoài ra, nhờ Ngài và với Ngài, các
môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt thế gian (Ga 15,26-27). Họ sẽ không hổ thẹn
hay sợ bắt bớ và khốn khổ vì Người. Vậy việc Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ là để thay thế
sự vắng mặt của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu không để những ai thuộc về Ngài phải mồ côi, nhưng sẽ gửi cho họ “Đấng Phù
Trợ”, Thánh Thần an ủi, Đấng sẽ dự phần với họ trong các cuộc bách hại (Ga 14,16.26).Chính
Thánh Thần hướng dẫn họ, soi sáng cho họ, củng cố họ, để mỗi người có thể bước đi trong
cuộc sống, vượt qua cả những nghịch cảnh khó khăn và bách hại, dù trong vui mừng hay sầu
buồn, vẫn đi theo con đường của Chúa Giêsu.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam; sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo
gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa
chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở
thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh
Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất
mới, rừng thiêng nước độc. Họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó,
khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh
chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm
đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh. Những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin
thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ
trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần. Trong
mọi thử thách, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần phù trợ. Trong mọi biến cố đau thương,
Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là
lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các
biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.
Chúa Giêsu còn căn dặn: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy,
chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói
với các con” (Ga 14,26). Khi được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, người tín hữu
sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được
Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh
Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh
Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp người tín
hữu sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua
mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên
trong Giáo hội. Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài
khóa ổ, nhưng một khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn
phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa
xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức
sống mới lạ trong Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội”
tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô
được hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng
ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió
thổi các cánh buồm của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới”
trong thời đại hôm nay.
Chúa Thánh Thần luôn bảo đảm cho sự nguyên vẹn của mạc khải. Ngài dẫn dắt Giáo Hội ngay
giữa những kênh truyền thông mới mẻ của thế giới kỹ thuật số hôm nay. Kitô hữu phải là con
người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các
phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội
như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa,
truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông
Tin Mừng trong thời đại hôm nay.
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, bài đọc 1 kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở
một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ
đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng
người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ
theo khả năng Thánh Thần ban cho… mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 1-
4).
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi
Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong
khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho
đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục
tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức
tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.
Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần.Giáo
hội đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn
ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài
hơn hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.
Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh
một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ
mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa
Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên
cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ
nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút
của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp
đích thực.
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh
sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng
trong lòng mẹ“. Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các
Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và
chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân tình yêu trong nền văn hóa
của thời đại kỹ thuật số, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
3. Hãy nhận lấy Thánh Thần _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó:
“Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?”
Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần,
chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới” (Cv 19,1-2).
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần,
nhưng có thể Ngài vẫn là Ðấng xa lạ với ta.
Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp,
nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần,
Ðấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
Ngài đã làm một việc quan trọng,
đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
“Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Trong Tin Mừng hôm nay, Ðấng phục sinh nói với các môn đệ:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)
Ðức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình.
Chỉ có một sứ mạng duy nhất
là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha.
Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.
Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này?
Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa
mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?
Sức sống ở nơi hơi thở.
Ðức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình,
hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.
Khi được trao ban Thánh Thần,
họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.
Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.
Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa,
và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3),
và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).
Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới
trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.
Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất
bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người
để họ phục vụ lợi ích chung.
Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội,
nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.
Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ.
Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Ðức Kitô.
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội;
không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.
Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt,
nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân,
nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài,
thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu. Amen.
4. Qùa tặng Thần khí _ Peter Feldmeier
Văn Hào SDB chuyển ngữ
“Và họ được đầy Thánh Thần” (Cv 2,4)’
Lễ Hiện xuống mang một ý nghĩa sâu xa đặc biệt đối với từng người chúng ta, cũng như đối
với các tông đồ năm xưa. Chúng ta khởi đầu với lễ Hiện xuống nơi các tông đồ, rồi đến chúng
ta ngày hôm nay. Các tông đồ quy tụ lại mừng lễ ngũ tuần của người Do Thái, tưởng nhớ sự
kiện Chúa ban bố lề luật cho dân trên núi Sinai. Biến cố gợi nhắc việc Thiên Chúa quyền
năngđã đưa dân ra khỏi Ai Cập, dùng cột lửa soi sáng ban đêm trong hành trình sa mạc và đã tỏ
lộ uy quyền của Ngài trên đỉnh núi Sinai. Lễ ngũ tuần ngày xưa là dịp tưởng niệm việc Thiên
Chúa tặng ban lề luật, là quà tặng đặc thù Thiên Chúa gửi trao cho dân. “Chúa bày
tỏ Lời Người cho nhà Gia cóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa không đối xử với dân nào
như vậy, không cho họ biết những luật điều của Người” (Tv 147,19-20).
Chúng ta cũng được gợi nhắc việc Gioan tẩy giả công bố phép rửa “Bằng lửa và Thần khí” (Lc
3,16). Trong lễ Hiện xuống đầu tiên, Thiên Chúa cũng thực hiện lời tiên báo của Thánh Gioan.
Ngài cũng đem Thần khí và lửa từ trời xuống trên các tông đồ. Bài đọc trong sách Tông đồ
công vụ của phụng vụ hôm nay đã mô tả: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió
mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống
như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt
đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,1.4). Sự việc đó diễn
ra, khiến mọi người hiện diện, kể cả các du khách đến từ mọi nơi, thuộc các nền văn hóa và các
ngôn ngữ khác nhau, có thể nghe và hiểu những gì các tông đồnói theo ngôn ngữ riêng
của mình. Sự kiện đó biểu thị hành động uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên nghĩ
rằng các tông đồ lúc ấy đang cầu nguyện bằng tiếng lạ giống như một ơn xuất thần mà Thánh
Phaolô đã nhắc tới trong thơ gửi giáo đoàn Côrinthô (1 Cor 14). Nhưng, lễ Hiện xuống đầu tiên
là thời điểm Tin mừng được quảng bá rộng khắp cho mọi dân mọi nước. Qùa tặng Thần Khí là
động thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua. Cũng như Đức Kitô biến đổi tình trạng tội lỗi
nơi Adam, Thần Khí cũng biến đổi tình trạng hủy diệt nơi sự kiện tháp Babel ngày xưa. Khi
xây tháp Babel, con người đã tỏ ra kiêu ngạo và cố chấp, nên Thiên Chúa đã phân rẽ họ
ra thành nhiều nhóm ngôn ngữ để họ không thể thông tri được với nhau. Ngược lại,
khi Thần Khí được ban xuống, Ngài nối kết muôn người thuộc mọi sắc tộc và ngôn ngữ. Điều
này cũng biểu thị sứ mạng của Hội thánh, đó là công bố Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Bởi
lẽ, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban tặng cho tất cả mọi người.
Động thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua, mà ngày hôm nay chúng ta mừng kính, là tột
đỉnh và tóm kết biến cố Phục Sinh. Thiên Chúa thực hiện việc chuẩn miễn thần thiêng sâu xa
nhất, đó là ban Thánh Thần để Thần khí giờ đây thuộc về chúng ta. Đây là điểm nhấn mà Thánh
Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay. Thánh Phaolô đã khuyến cáo tín
hữu Galat hãy đón nhận tự do đích thực trong Đức Kitô, chứ không phải tự do qua việc tuân thủ
luật Moise. Luật lệ cựu ước rất thánh thiêng. Nó giúp tôi luyện và rèn dũa con người đi vào
khuôn phép, nhưng khi Đức Kitô đến, thời đó đã qua (Gal 3,24). Bây giờ là thời của Thần Khí,
thời mà chúng ta được thông dự vào chính sự sống của Đức Kitô trong Thánh Thần.
Với suy nghĩ như thế, Thánh Phaolô đưa ra sự đối kháng giữa hoa trái của Thần khí và những
công việc của xác thịt. Từ ngữ “xác thịt” (sarx) ở đây không phải chỉ nói về thân xác (soma),
nhưng nói về cả tổng thể con người khi sống dưới sự khống chế của những đam mê tội lỗi.
Thánh Phaolô liệt kêmột loạt những đam mê thuộc về “xác thịt”, từ việc dâm dật đến những
hành vi tôn thờ ngẫu tượng đang xảy ra giữa dân. Cụ thể như tội dâm bôn, sự ô uế, phong đãng,
thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh
tị, say sưa chè chén… Đối nghịch với những tội lỗi theo xác thịt là hoa trái của Thần khí : Tình
yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, quảng đại, trung tín, hiền lành, tiết độ (Gal 5,20-
23). Đây là hai phạm trù tương phản và đối kháng nhau mà Thánh Phaolô nhấn mạnh. Thánh
Phaolô không nhằm đến việc nêu ra những nhân đức để chúng ta thực thi hầu hoàn
thiện chính mình. Ngài muốn nói rằng, nơi một tâm hồn có những phẩm tính cao đẹp này, chính
là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bên trong. Chúng là dấu chứng cụ thểbiểu
tỏ sự hiện lộ của Thần Khí.
Thánh Phaolô muốn nói cho chúng ta phương cách nhận ra sự hiện diện năng động của Thánh
Thần nơi các tâm hồn. Mọi người đều biết rằng, một con người bề ngoài xem ra có vẻ nghiêm
túc về mặt luân lý, nhưng đôi khi đầu óc lại rất u tối, đồng thời trái tim của họ lại quá chật hẹp
và sơ cứng. Tôi sợ rằng khi đến trước cổng Thiên đàng, họ sẽ nghe tiếng Chúa nói : “ Ta không
biết các người là ai, hãy đi cho khuất mắt ta” (Mt 7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở : “ Khi anh em
được Thần khí hướng dẫn, anh em không còn sống dưới lề luật”. Luật bắt chúng ta phải tuân
phục, còn Thần khí mời gọi đi vào tình yêu và sự hiệp thông. Những ai sống tràn ngập yêu
thương trong Thần khí, đương nhiên sẽ hiển thị hoa trái của sự hiệp thông sâu xa này.
Mỗi lần chúng ta hát thánh thi Veni Sancte Spiritus, chúng ta khẩn nài xin Chúa Thánh Thần
đến, nhưng thực sự Ngài đã đến và đã hiện hữu nơi ta. Tuy nhiên chúng ta cần phải làm hiện
lộ sung mãn hoa trái của Ngài. Tất nhiên với tự do, con người có thể cản che hoặc làm suy yếu
hoạt động của Thánh Thần nơi họ, nhưng chúng ta không thể chối từ một sự thật, đó làThần
khí đã được ban cho chúng ta và thuộc về chúng ta. Đó là món quà cao quý nhất mà Thiên
Chúa đã hiến tặng. Thánh Thần chính là quà tặng được ân ban cách nhưng không, còn chúng ta,
chúng ta phải khai mở món quà đó ra và để Thánh thần tác động. Ngay bây giờ và ngay tại nơi
đây, chúng ta cần phải thực hiện công việc này.
5. Chúa Thánh Thần là “Nước Hằng Sống” – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng với đức tin: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên
Chúa và là Đấng ban sự sống”. “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là mạch nước vọt lên
đem lại sự sống đời đời” (x.Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 4). Chúa Thánh Thần là mạch
nước hằng sống xuất phát từ Chúa Giêsu.
Chúa Thánh Thần là “Nước hằng sống”. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của
Thiên Chúa Tình Yêu và khiến cho cuộc sống của họ được Thiên Chúa soi sáng, canh tân, biến
đổi, hướng dẫn, linh hoạt và dưỡng nuôi (x.Đức Thánh Cha Phanxicô huấn dụ tại quảng trường
thánh Phêrô sáng thứ Tư ngày 08.5.2013). Đức Thánh Cha giải thích sự kiện Chúa Thánh Thần
là suối nguồn bất tận sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta. Con người thuộc mọi thời đại và
mọi nơi đều ước mong có một cuộc sống tràn đầy và xinh đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc
sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể chín mùi và lớn lên cho tới sự tràn đầy của nó.
Con người giống như một khách lữ hành đi qua các sa mạc cuộc đời, khát nước mát hằng sống,
vọt lên, có khả năng làm cho đã khát trong tận cùng thẳm tâm hồn; nó ước mong sâu đậm có
được ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và hòa bình. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được ước mong đó!
Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất
từ Thiên Chúa Cha và là Đấng mà Chúa Giêsu đỗ tràn đầy con tim chúng ta. Người nói: “Ta
đến để ban cho chúng sự sống, và sồng dồi dào” (Ga 10,10).
Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta “Nước Hằng Sống” là Chúa Thánh Thần, để cuộc sống
của chúng ta được Thiên Chúa hướng dẫn, linh hoạt, dưỡng nuôi.
Chúa Giêsu mời gọi: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh
Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37tt). “Đức
Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận”(Ga 7,39). Dòng nước
đó đã tuôn trào từ trái tim của Người, trái tim bị lưỡi đòng đâm thủng trên đồi Canvê (x. Ga
19,34). Đó chính là thứ nước mà Chúa Giêsu đã từng nhắc đến trong cuộc trò chuyện với người
phụ nữ Samari bên giếng Giacóp, Ngàitỏ cho bà biết rằng ai uống các nguồn nước tự nhiên sẽ
còn khát mãi, còn: “Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở
thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Nguồn nước
thiêng liêng mà Chúa Giêsu hứa ban chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống(x. Thông
điệp về Chúa Thánh Thần, tựa đề Dominum et Vivificantem – Chúa và là Đấng Ban Sự
Sống, 1986, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Trong Kinh Thánh, nước tượng trưng cho sự sống; do đó, Thánh Thần được biểu tượng hóa
thành dòng nước ban sự sống mới.
Nước cần thiết cho sự sống muôn loài. Nước quan trọng cho sự phát triển của cơ thể con người,
cho sự tăng trưởng của súc vật và cây cối. Không có nước, không có sự sống. Mọi sinh vật đều
gồm phần lớn là nước dù sống ở đâu. Chín phần mười thể tích cơ thể con người là nước.
Khi sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cho là điều tự nhiên. Nhưng thật sự,
nước là của châu báu Trời ban cho quả địa cầu.
Nước từ trên nguồn cao đổ xuống, nước uốn mình theo ghềnh thác, nước lượn khúc trong
những khe suối, nước chảy xuôi dòng sông, nước dồn về biển cả. Không có gì mềm mại hơn
nước và cũng không có gì mạnh mẽ bằng sức nước. Nước không có độ cứng dày nên không đo
lường được chiều cao, sâu, rộng, dài của nước.
Nước chảy tới đâu đem lại sự sống đến đó. Gặp ghềnh thác hay các tảng đá chắn lối, nước vẫn
len lõi chảy, không gây xích mích hay hận thù với ai. Nước có thể bị vẩn đục khi chảy qua rừng
rậm, ruộng đồng, nương rẫy nhưng nước có khả năng thanh tẩy trở lại thanh sạch ban đầu.
Nước thấm nhập vào các loài hoa giúp chúng trổ sinh những bông hoa muôn màu muôn sắc;
nước thấm nhập vào các loài cây ăn trái giúp chúng cung ứng cho đời muôn vạn thứ trái trăng
ngon ngọt với những hương vị khác nhau; nước thấm nhập vào đất đai khiến đất cằn khô trở
nên vườn cây tươi tốt…Chúa Thánh Thần thấm nhập đến đâu cũng làm trổ sinh hoa trái thiêng
liêng cách diệu kỳ đến đó.Xem quả thì biết cây, Thánh Phaolô nói đến 12 hoa trái của Chúa
Thánh Thần là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan
dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết” (Gal 5,22-23).
Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ
Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh
ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như
lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ
bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội.
Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, nhưng một
khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn phòng được mở
toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng
cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong
Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội” tựa như lễ quốc
khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được hoàn thành
và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh
hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm
của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới” trong thời đại kỹ thuật
số hôm nay.
Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh
một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ
mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa
Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên
cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ
nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút
của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp
đích thực.
Trong những ngày qua, báo chí nói nhiều về hình ảnh tuyệt đẹp cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống
Nam Hàn và Chủ Tịch Bắc Hàn.Nói theo Victor Gaetan của tập san Foreign Affairs số gần đây,
phương thức hành động của Moon Jae-inmô phỏng theo phương thức của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô. “Nhà Xanh” là chỗ cư ngụ của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đồng thời là
địa điểm đặt các văn phòng tổng thống và nơi đón tiếp các quốc trưởng đến thăm Hàn Quốc.
Như một tín hữu Công giáo tốt lành, tân tổng thống đã nghĩ đến việc làm phép nơi ở mới. Ngày
13.5.2017, cha Phaolô Ryu Jong-man đang coi sóc giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở vùng phụ cận
Hongje-dong (Seoul), được mời đến đến làm phép cho ngôi nhà và các đồ vật. Cha Phaolô đã
đặt tay trên tổng thống và cầu nguyện cho ông được “khôn ngoan như Vua Salômon”. Cha cũng
nói với tổng thống: “Trước khi quyết định về vấn đề của đất nước, hãy cầu nguyện với Chúa
Thánh Thần. Ngài sẽ đến ban ánh sáng và sức mạnh của Người”. Quả thật, ở đâu có Thần Khí
là ở đó bừng lên niềm vui bình an và tình yêu. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh
sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới, biết xây dựng hòa bình tình
thương và công lý.
Chúa Thánh Thần là Tình Yêu.Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún
nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá
hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên
Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn
chan hoà muôn người. Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp
nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quảng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo.
Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu như Chúa
đã yêu và yêu đến cùng.
Qua phép Rửa bằng nước, người Kitô hữu lãnh nhận sự sống của Chúa Thánh Thần. Nước của
phép Rửa có sức tẩy sạch tội lỗi gây sự chết và đưa vào đời sống mới. Nước của phép Rửa có
sức chữa lành, thánh hóa và đem lại sự tươi mát cho tâm hồn. Từ đó, người Kitô hữuđược thông
dự vào nguồn ân sủng của Chúa Kitô, như cành nho được tháp nhập vào cây nho. Nước hằng
sống, Chúa Thánh Thần là Ơn của Chúa Phục Sinh ở trong chúng ta, thanh tẩy, soi sáng, canh
tân, biến đổi chúng ta, “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh
Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam