Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1356188

Thử Thách Và Lựa Chọn

THỬ THÁCH VÀ LỰA CHỌN

Mt 4, 1-11

G. Nguyễn Cao Luật, OP

Trình thuật về các lần cám đỗ được coi như phần mở đầu giúp người tín hữu hiểu được điều sâu kín nhất trong tâm hồn Ðức Giêsu. Ðó là một bản Tin Mừng thu gọn, một thứ hướng dẫn. Những ai muốn hiểu rõ về cuộc đời công khai của Ðức Giêsu, cần phải để ý điều này: nếu muốn hiểu biết điều gì trong đó, hãy luôn nhớ lại 3 lựa chọn căn bản này của Ðức Giêsu, những điều Người còn lựa chọn lại trong suốt cả cuộc đời.

Cuộc thử thách và lòng trung thành

Thời gian 40 đêm ngày Ðức Giêsu trải qua trong sa mạc đánh dấu việc khởi đầu một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu của Giao Ước Mới. Cuộc phiêu lưu này tái hiện quãng thời gian 40 năm dân Do-thái đã trải qua trong cuộc Xuất hành, đồng thời nhắc lại 40 ngày đêm ông Mô-sê đã ở trên núi Xi-nai.

Còn hơn thế nữa, khoảng thời gian này không chỉ là một cuộc khởi đầu, nhưng còn là một cuộc sáng tạo với những yếu tố như cuộc sáng tạo vũ trụ : sa mạc (miền đất trống rỗng, hoang vu), và sự thử thách.

Trong cuộc sáng tạo, A-đam đã phải chịu thử thách, đã đứng trước một lựa chọn, trong đó ông phải bày tỏ tự do của mình. Cũng vậy, với biến cố hôm nay, với cuộc thử thách và lựa chọn trong sa mạc, Ðức Giêsu đã bày tỏ tự do của mình, đã thể hiện sự gắn bó với Thiên Chúa, và cho thấy bản tính sâu xa của Người : Con Thiên Chúa và Con Loài Người.

Thực vậy, sa mạc và thử thách luôn là những cơ hội để bày tỏ lòng trung thành hay thái độ bất trung (A-đam, sự kiện con bò vàng ...). Lần đầu tiên trong suốt lịch sử cứu độ, Ðức Giêsu thực hiện điều mà trước đây, cả A-đam lẫn ÍT-RA-EN không thể thực hiện : lòng trung thành với Thiên Chúa.

Nhờ sự trung thành với căn tính Con Người và Con Thiên Chúa, Ðức Giêsu mở ra con đường cho Giao ước Mới, con đường đặt nền tảng trên lòng trung thành, một yếu tố mà con người có thể thực hiện được với nỗ lực và tự do của mình. Và lòng trung thành này được biểu hiện qua việc nhìn nhận Lời Chúa là của ăn, nhìn nhận thánh ý Chúa Cha có giá trị ưu tiên tuyệt đối, nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất.

Một cuộc chiến đấu

Con người vẫn thường nghĩ về Ðức Giêsu như Ðấng có uy quyền, Ðấng bày tỏ các mầu nhiệm và thực hiện những điều lạ lùng. Về phần mình, Ðức Giêsu lại đề ra một cuộc chiến đấu.

Quả thực, qua các cám dỗ tại sa mạc, Ðức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tính cách con người. Mặc dù có thể, Người đã không sử dụng các phép lạ cho riêng mình để loại bỏ đi những yếu tố vẫn gắn liền với thân phận con người.

Ðức Giêsu muốn uống lấy chén đắng, Người muốn cứu nhân loại chứ không cứu lấy bản thân mình. Chính ý tưởng này còn đưa đến cho Người nhiều thử thách khác, không kém phần cam go, nhưng Người đã vượt qua. Thử thách cuối cùng là cái chết, Người cũng đã đón nhận, bởi vì Người hiểu rằng, chính trong tâm tình tự hiến vì yêu thương, Người nhận lấy vinh quang của cuộc chiến đấu, đồng thời đem lại vinh quang cho tất cả những ai bền lòng vững chí.

Suốt cuộc đời của Ðức Giêsu là một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại sự dữ, chống lại quyền lực xấu xa đang đè nặng trên cuộc sống của con người. Người muốn giải phóng họ khỏi những quan niệm, những cách sống đang làm vướng bận mối tương giao của họ với Thiên Chúa, hay làm cho mối tương giao đó không được trong sáng, không đạt tới ý nghĩa thâm sâu. Chẳng hạn như sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tôn Người làm vua, nhưng Người đã lánh đi (Ga 6,15) hoặc khi Phê-rô lên tiếng can ngăn Ðức Giêsu, xin Người đừng lên Giê-ru-sa-lem, Người đã không xiêu lòng trước thử thách, nhưng đã quyết liệt khước từ và nặng lời trách móc Phê-rô (x. Mt 16,23).

Như thế, Ðức Giêsu không muốn sống an toàn, trái lại, Người lao vào một cuộc đấu tranh, chấp nhận những mất mát thua thiệt về phía mình, kể cả sự sống. Người hiểu rằng, để khai sinh một nhân loại mới, một ý nghĩa mới cho cuộc sống của con người, cần phải chiến đấu, phải hi sinh, phải liều lĩnh. Nếu không có can đảm vượt lên trên cái nhìn bình thường, vượt lên trên sự an toàn cho riêng mình, thì nhân loại không thể nào được cứu vớt, được giao hoà với Thiên Chúa.

Cuối cùng, cuộc chiến đấu này đã dẫn đưa Người tới cái chết trên thập giá, và Người đã chiến thắng nhờ sự Phục sinh. Sự kiện này cho thấy rằng cuộc chiến đấu của Người không phải là vô nghĩa, và con người có thể đạt tới chiến thắng vinh quang nhờ lòng trung thành, nhờ thái độ tuân phục thánh ý Thiên Chúa.

Vì vậy, xét theo cái nhìn bình thường, Ðức Giêsu đã hành động như là không yêu mến con người ; Người đã mở ra một cuộc chiến và mời gọi họ dấn thân, chứ không đem đến cho họ sự an toàn. Tuy nhiên, chính cuộc chiến do Ðức Giêsu khởi đầu lại là con đường duy nhất để đạt tới vinh quang đích thực. Trong cuộc chiến đấu của mình, Ðức Giêsu đã liên đới với tất cả những người đau khổ, liên đới với thân phận làm người của nhân loại ; Người hành động như thế vì yêu mến họ, yêu mến cách tận tình, muốn đưa họ tới sự sống chân thật. Bình an do Ðức Giêsu đem đến là bình an được chiếm đoạt bàng sức mạnh, bằng sự trung tín với Lời Chúa.

Chiến dấu từng ngày và suốt đời

Ba cám dỗ, hay ba chọn lựa, vẫn thường xảy ra trong suốt dòng lịch sử. Mỗi người sẽ gặp phải những thử thách và họ sẽ ngã gục như A-đam và dân It-ra-en, nếu họ không nhìn vào Ðức Giêsu, và không noi theo gương của Người.

Cuộc chiến đấu ấy, thử thách ấy vẫn diễn ra cách này cách kia theo nhiều hình thức khác nhau ; mỗi thời mang một vẻ khác, mỗi giai đoạn lại có vẻ tế nhị hơn, quyết liệt hơn, nhưng bao giờ cũng vẫn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và trần gian. Ðó là một cuộc chiến đấu dài, rất dài, không bao giờ chấm dứt ; người ta phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng, mà không được quyền bỏ cuộc, rút lui.

Vậy, đâu là những thử thách vẫn thường xảy ra và không khi nào Ðức Giêsu nhượng bộ ?

Thứ nhất : Con người được dựng nên không phải chỉ vì những lương thực trần gian. Họ còn có những lương thực thiêng liêng và chính thứ lương thực này mới cần thiết.

Thứ hai : Con người được dựng nên không phải để cảm nghiệm về Thiên Chúa mà thôi. Họ cần phải hiệp thông với Người, như một đứa con, với lòng tin tưởng tuyệt đối. Ðó không phải là mối tương giao đặt nền tảng trên lòng yêu mến. Họ ở trong Người, không một chút nghi ngờ, không một khoảng cách.

Thứ ba : Con người được dựng nên không phải để thống trị anh em mình, không phải để bắt người khác thần phục mình. Trái lại, mọi người đều là con một Cha ; tất cả đều quy hướng về Thiên Chúa. Hơn nữa, họ không được dựng nên để phục lạy các ngẫu tượng, nhưng là để thờ phượng Thiên Chúa:

Như vậy, vấn đề được đặt ra chính là căn tính của con người. Họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Chí Thánh không ngừng làm cho họ nên giống hình ảnh của Người. Ðó là chương trình đã có từ thời sáng thế, và hôm nay vẫn đang được thực hiện. Chương trình này vẫn đang bị đe doạ vì những ham muốn chống đối của con người, và Thiên chúa không ngừng bày tỏ lòng yêu thương của Người:

Chính trong việc cử hành Thánh Thể,
Ðức Kitô ban mình làm lương thực để nuôi sống con người.
Ðức Kitô xoá tan mọi khoảng cách và nghi ngờ,
Ngài đến ở với chúng ta qua việc rước lễ.
Ðức Kitô quỳ gối trước mặt chúng ta,
rửa chân cho chúng ta,
biến chúng ta thành một dân biết phục vụ,
sắn sàng quỳ gối để rửa chân và giúp đỡ người khác.

Con người không được dựng nên cho riêng mình. Cộng đoàn ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng ta thấy rõ căn tính của mình. Trong cộng đoàn này, chúng ta chia sẻ với nhau những thành quả do cuộc chiến đấu của Ðức Kitô, đồng thời trở nên hình ảnh của Thiên Chúa.

Ði vào Mùa Chay
là cùng với Ðức Kitô
lao vào cuộc chiến đấu.
để bày tỏ lòng trung thành
đặt nền tảng trên Lời Chúa.
 


Xa-tan cám dỗ

(Mt 4,1-11)

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Năm nào cũng vậy, cứ vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ và chiến thắng Xa-tan. Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng này để mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta trong cuộc chiến đấu với Xa-tan và những cám dỗ của nó.

Đời người được ví như một đấu trường, ở đó con người phải luôn chiến đấu với ngoại cảnh, chiến đấu với nhiều thứ, nhất là chiến đấu với chính mình. Tại sao vậy ? bởi vì mang thân phận con người, ai cũng bị giằng co, xâu xé bởi hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau, một cái kéo con người lên và một cái lôi con người xuống. Hai khuynh hướng đó đều nội tại trong con người, khiến cho nội tâm con người trở thành chiến trường, đôi khi rất cam go làm con người đau khổ.

Khuynh hướng đi lên là khuynh hướng căn bản của ý chí con người. Ai cũng muốn mình là người tốt, ai cũng muốn mình làm điều thiện, chứ không ai muốn mình xấu hay làm điều ác cả. Nhưng muốn là một chuyện, còn có làm điều tốt hay không lại là chuyện khác. Thánh Phaolô đã nói : “Tôi không hiểu nổi việc tôi làm : điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm”. Vì thế, muốn đi lên, con người phải cố gắng, phải dùng chính sức mạnh của mình, phải hao tổn năng lực của mình.

Còn khuynh hướng đi xuống cũng ở trong nội tâm, nhưng kể từ khi nguyên tổ phạm tội, khuynh hướng này đã được ma quỷ tăng cường làm cho mạnh lên, khiến con người muốn đi lên phải chiến đấu rất vất vả. Còn muốn đi xuống thì chẳng cần phải cố gắng gì cả, chỉ cần buông thả, không cố gắng nữa là tự động đi xuống. Chính vì thế làm thiện khó hơn làm ác rất nhiều. Và cái lực hấp dẫn mọi người làm ác hoặc không làm thiện là lực của ma quỷ. Tác động của ma quỷ hấp dẫn người ta làm ác gọi là cám dỗ.

Đúng vậy, đằng sau bối cảnh chiến trường mà con người phải chiến đấu, ẩn hiện chập chờn một nhân vật rất nguy hiểm mà Kinh Thánh gọi là kẻ thù, ấy là Xa-tan. Xa-tan là quỷ, nó là “xếp sòng” của loài quỷ. Xa-tan hay quỷ trước kia là các thiên thần, nhưng vì làm loạn cùng Thiên Chúa, nên bị tống cổ ra khỏi thiên đàng, bị đày xuống hỏa ngục. Từ ngày thất thế, Xa-tan và bè lũ trở nên những kẻ thù nguy hại của loài người. Chúng chuyên môn áp đảo, quấy phá để làm cho người ta hư hỏng theo chúng.

Chúng đã làm hư hỏng biết bao nhiêu người, chúng đã du nhập vào trần gian này đủ thứ gian tham, lừa lọc, tội ác, bất công và những lối sống lố bịch, nham nhở, nhăng nhít. Đó là một sức mạnh vô hình luôn tác động trong tâm trí chúng ta, lôi kéo, xúi bẩy chúng ta đến chỗ hành động xấu xa tội lỗi. Chiến thuật hay phương thế ma quỷ sử dụng để lôi kéo, xúi giục, thúc đẩy chúng ta phạm tội là cám dỗ. Chúng không kiêng nể ai hay buông tha ai, vì thế, không ai thoát khỏi cám dỗ của chúng.

Ma quỷ cám dỗ thế nào ? Chúng lợi dụng chính những nhu cầu, ham muốn, sở thích, đam mê của chúng ta để cám dỗ, để đưa chúng ta vào bẫy của chúng. Nếu chúng ta không cần gì, không thích gì, không ham muốn gì, thì ma quỷ khó lòng cám dỗ chúng ta được. Ma quỷ biết rất rõ những gì chúng ta cần, chúng ta thích, chúng ta ham mê, nếu không tỉnh táo, chắc chắn chúng ta sẽ bị sa bẫy cám dỗ của chúng vì chính những nhu cầu và sở thích của mình. Vì vậy, để đề phòng cám dỗ, chúng ta nên đề phòng chính những nhu cầu và ham muốn của chúng ta. Những người nào giảm thiểu nhu cầu của mình tới mức tối đa và tập luyện không ham muốn ước vọng nhu cầu gì cả thì ít khi bị cám dỗ, và nếu có bị cám dỗ thì cũng thắng được dễ dàng.

Chúng ta thấy ma quỷ đã lợi dụng ngay những nhu cầu căn bản nhất của con người là ăn uống để cám dỗ Chúa. Ngài nhịn ăn đã 40 ngày, nên nhu cầu ăn uống lúc đó thật là khẩn thiết và chính đáng… nhưng Chúa Giêsu đã làm chủ được nhu cầu thể xác của mình và không sa chước cám dỗ. Tiếp đến, ma quỷ nhằm vào những gì mà tất cả mọi người đều ham muốn, thậm chí đam mê, đó là sự giàu sang, quyền bính, địa vị, danh vọng. Hễ đã là người thì ai cũng thích cái tôi của mình được đề cao, được tôn vinh, được triển nở, được thăng tiến. Rất nhiều người đã nhượng bộ ma quỷ để có một đời sống dễ dãi, giàu có, sang trọng, uy quyền. Nhưng Chúa Giêsu đã không để những ham muốn đó làm chủ, nên đã không sa bẫy của chúng. Rồi ma quỷ lại nhằm vào khuynh hướng thích khoe khoang, tỏ mình ra, nhất là sự khoe khoang đó là đúng sự thật. Nhiều khi chỉ cần một câu nói thách thức hay chạm tự ái là người ta làm theo thách thức đó. Nhưng Chúa Giêsu đã làm chủ tính khoe khoang của mình, Ngài không bị mắc bẫy ma quỷ.

Đành rằng ma quỷ cám dỗ chúng ta, nhưng chúng chỉ là kẻ thù nguy hiểm thứ hai sau xác thịt của chúng ta : thế gian, ma quỷ, xác thịt, đó là ba kẻ thù ghê gớm. Ma quỷ chỉ là kẻ xách động, cám dỗ, thúc đẩy, xúi giục chúng ta phạm tội, nhưng chúng có gặp được sự đồng tình đồng ý của chúng ta hay không ? tức là chúng ta có chấp nhận và chiều theo chước cám dỗ hay không. Nói khác đi, ma quỷ chỉ có thể cám dỗ được chúng ta khi chúng ta có nhu cầu, ham thích, đam mê đối với những thực tại trần gian. Chúng ta có làm chủ được những nhu cầu thể chất ấy, chúng ta mới dễ dàng thắng lướt được những cám dỗ, và không để cho những khuynh hướng xấu làm chủ mình. Và nếu chẳng may thất bại, nghĩa là sa chước cám dỗ, phạm tội, chúng ta phải lập tức đứng dậy ngay, nghĩa là hối hận, ăn năn, xưng tội, xin Chúa tha thứ và cố gắng hơn nữa để khỏi tái phạm.
 


Đừng sợ, Thầy đã chiến thắng ma quỷ

(Mt 4, 1-11)

Giuse Lê Xuân Hiệp, OP

Khởi đầu Mùa Chay Thánh, người tín hữu được mời gọi “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Lời kêu gọi này được nói với từng tín hữu, khi được chịu tro, khởi đầu mùa chay thánh. Với tâm tình yêu thương con cái mình, Giáo Hội cho chúng ta những bài học qua mỗi ngày của Mùa Chay, để mỗi tín hữu có điều kiện trở về với Chúa, củng cố thêm niềm tin của mình nhất là được sống trong tình yêu của Thiên Chúa.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta chịu nhiều tác động của hoàn cảnh bên ngoài, có những điều nâng đời sống của ta lên, và cũng có những điều khiến cho chúng ta quỵ ngã. Từng ngày sống, ai trong chúng ta cũng đều bị chước cám dỗ của ma quỷ. Những cám dỗ lúc thì rõ ràng, lúc được nguỵ trang dưới vỏ bọc khác nhau. Chính vì thế mà ông bà nguyên tổ đã sa chước cám dỗ, nên bất tuân với Thiên Chúa, và mọi người đều không tránh khỏi tội tổ tông.

Bốn mươi ngày chay tịnh trong hoang địa, Chúa Giêsu đã chịu ma quỷ cám dỗ, không chỉ có thế mà còn cả trong những năm rao giảng đến khi Ngài chịu treo trên thập giá. Ngày nay con người cũng bị những cám dỗ vây quanh: vật chất, danh vọng, quyền lực… Nên Giáo Hội mời gọi mỗi tín hữu hãy dùng bài thuốc để chống lại căn bệnh cám dỗ vật chất là “ăn chay”, lắng nghe Lời Chúa để cho Lời Chúa tinh luyện tâm hồn.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để giúp ta nhận diện cơn cám dỗ riêng của bản thân. Giữa những thách đố, con người vẫn cố sức vươn lên. Vươn lên như Đức Giêsu trong hoang địa sau khi chiến thắng những thách đố lớn lao trong thân phận con người. Đức Giêsu đã hoàn toàn tìm thấy cái tôi của mình ngay khi đành mất chính mình. Người không tìm cách xác định thế đứng độc lập với Thiên Chúa Cha. Nhưng Người muốn cho mọi người thấy chỉ có thể tìm được chính mình trong Thiên Chúa mà thôi. Qua những cơn cám dỗ, Đức Giêsu mạc khải bản lĩnh vô cùng vững chắc của mình trong vũ trụ. Sau khi "ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người thấy đói" (Mt 4, 2) Quỷ liền tấn công vào điểm yếu nhất của con người Chúa lúc đó. Trong cơn đói cồn cào, Người vẫn mạnh dạn đáp : "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 4). Còn hơn cơm bánh, lời Chúa là nguồn sống của cả vũ trụ, vì "nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành." (Ga 1, 3). Muốn hay không, con người phải hoàn toàn lệ thuộc vào ý Chúa.

Chính vì thế, Người đã tâm sự với các môn đệ: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy." (Ga 4, 34). Nhờ xác định được nguồn sống đích thực như thế, Đức Giêsu đã đem lại sự sống phong phú cho toàn thể nhân loại. Thật vậy, "nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính." (Rm 5; 19) Khác hẳn với nguyên tổ, Đức Giêsu đã vâng lời Thiên Chúa Cha tuyệt đối. Trước những lời cám dỗ ngon ngọt của ma quỷ. Mặc dù ý thức mình phải lệ thuộc vào nguồn sống là Thiên Chúa, Người vẫn không quên mình là Con Thiên Chúa ngang hàng với Chúa Cha. Nhờ Thần Khí dẫn đường chỉ lối, Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ hiểm độc này. Người đã chọn Thiên Chúa như cứu cánh duy nhất của cuộc đời. Tiếng Người mạnh mẽ vang lên : "Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Mt 4; 10).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, bị cám dỗ là thân phận của con người, nhưng để thắng được cám dỗ thì phải nhờ ơn Chúa. Cuộc sống ngày hôm nay cho chúng con bao cám dỗ ngọt ngào, làm khuấy động những thèm khát nơi chúng con. Cám dỗ thống trị bằng quyền lực, bằng cuộc sống buông thả theo bản năng, cái tôi ích kỷ, giàu sang, danh vọng… Những thử thách đó đã trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ ăn chay và làm chủ bản thân, hy sinh phục vụ. Xin cho chúng con được lớn lên trong tình yêu Chúa, sau những lần chiến đấu vất vả và khi yếu đuối sa ngã. Ước gì chúng con không quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương của Chúa dành cho từng người chúng con, xin cho chúng con can đảm đứng lên, vững tin vào lòng Chúa thương xót là Đấng hay tha thứ. Amen./

home Mục lục Lưu trữ