Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1362359

THỰC TẾ HAY HUYỀN THOẠI ?

Thực tế hay huyền thoại?

 

(JM. Lam Thy)

Cho đến tận ngày nay biến cố Phục Sinh vẫn còn là một huyền thoại đối với con người chỉ thích được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền). Không chỉ ở bên ngoài Kitô giáo, mà ngay trong Giáo Hội cũng vẫn còn không ít Tôma-thời-đại cứ đòi được “xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn” Đức Giêsu mới chịu tin. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì bản chất con người là thế. Nói về một chuyện cách xa cả 20 thế kỷ, mà cứ đòi được trực diện quan sát thì quả là không tưởng! Đến ngay như người đương thời, nhất là những kẻ ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ với Đức Kitô, được “thực mục sở thị” mà khi biến cố xảy ra cũng không thiếu những suy nghĩ trái chiều.

Xin thử đặt mình vào thời điểm cách đây hơn 2000 năm, với một nhãn quan của một trong những người-còn-hoài-nghi, để nhìn vào hiện tượng “Giêsu Na-da-ret” qua biến cố Phục Sinh. Trước hết, ngay ở chính quê hương Na-da-ret, chàng thanh niên Giêsu là con ông thợ mộc Giu-se khiêm tốn và bà Maria nội trợ hiền lành, cũng không có tiếng tăm gì, chẳng mấy ai biết đến, thậm chí sau một thời gian dài đi xa trở về, chẳng được ai đón tiếp, đến nỗi chàng phải thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13, 57), rồi còn nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8, 20).

Những lời phát biểu của chàng, nếu không là những câu chuyện dụ ngôn khó hiểu, thì cũng chỉ là những lời tréo cẳng ngỗng, nếu không muốn nói là nghịch thường, phi lý. Chẳng hạn như: “Hãy để người chết chôn người chết” (Lc 9, 60); “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.” (Mt 10, 34-35); “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5, 44); ”Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 39). Đó là chưa kể – nói theo đám kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu – Người còn nói “phạm thượng” nữa (Lc 5, 21), dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa (Lc 22, 70; Ga 13, 34), rồi còn tự coi mình vừa là con lại vừa là Chúa của vua Đa-vit (Lc 20, 41-44 ). Chưa hết, về giao du, sinh hoạt, Người chỉ chuyên “ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi” (Mt 9, 10-11).

Nếu không được ở liền bên Đức Giêsu hàng ngày, mà chỉ được nghe thuật lại những lời nói và hành động như nêu trên, chắc chắn sẽ cho Người chỉ là một chàng trai tự phụ, đại ngôn vậy thôi. Đám kinh sư và luật sĩ Pha-ri-sêu chống đối Người cũng là vì thế. Khoan thử nói đến những người ở bên ngoài Giáo Hội, mà hãy nói thẳng vào những người đã tin và đi theo Đức Giêsu như tìm đến một cứu cánh cho cuộc đời. Họ đi theo Đức Giêsu vì tin rằng mình sẽ trở nên những kẻ “lưới người như lưới cá”. Rồi thì ngày ngày được nghe lời dạy bảo, được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ, mà vẫn còn bán tín bán nghi (khi thì coi Thầy mình đúng là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật; khi thì lại coi Thầy là ma, là bị quỷ ám – Mc 3, 22 ; Lc 24, 37-39 ; Ga 8, 52 ; 10, 20…). Theo Thầy ròng rã 3 năm liền mà đến giờ phút quyết định, thì bỏ mặc Thầy mướt mồ hôi máu khi cầu nguyện trên núi Cây Dầu, còn mình thì thản nhiên ngủ khì (Mt 26, 36-45). Đến khi Thầy bị bắt giải đi thì chẳng thấy ai đi theo, ngoài một Phêrô lảng vảng bên ngoài nhà Cai-pha, để rồi thì chối phăng Thầy 3 lần liền trong một đêm chỉ vì một đứa tớ gái vặn hỏi.

Trên đường lên Núi Sọ, cũng chẳng thấy môn đệ nào đi gần bên (để được như Si-mon – một dân quê xa lạ – vác đỡ thập giá, hoặc như một Vê-rô-ni-ca trao khăn cho Người lau mặt đầy máu), nếu có đi theo cũng chỉ ở xa xa hoặc lẫn trong đám người hiếu kỳ. Cho đến khi Đức Giêsu chết trên thập giá và được mai táng, thì hầu như chẳng còn một ai tin rằng Thầy mình sẽ sống lại. Ngay đến sáng ngày thứ ba, các phụ nữ – sau khi được chứng kiến Đức Kitô Phục Sinh hiện ra – đến báo tin cho các môn đệ (trong đó có Phêrô) mà các ngài vẫn còn chưa tin hẳn và một lần nữa lại tưởng Người là ma! (“Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin… Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” – Lc 24, 11…37). Thậm chí cho đến lúc trắng đen rõ ràng rồi, vậy mà vẫn còn một Tô-ma “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20, 25).

Tuy nhiên, chính cái mâu thuẫn nội tại trong con người các môn đệ lại là một bằng chứng sống động nhất cho biến cố Phục Sinh. Thật thế, khi người ta mang một tâm trạng hoài nghi thì khó lòng làm cho người ta tin tưởng được. Chẳng thế mà thế giới đã có cả một chủ thuyết hoài nghi hiện diện (không tin vào bất cứ sự gì, nên sống hôm nay không cần biết đến ngày mai). Nhưng nếu đến một lúc nào đó, được “nghe”, được “thấy tận mắt”” (“thực mục sở thị”), được “chiêm ngưỡng”, tay được “chạm đến” (như trường hợp Gioan thánh sử – 1Ga 1, 1), tâm trạng hoài nghi thực sự được gỡ bỏ; thì lúc đó niềm tin của họ sẽ kiên định không gì lay chuyển nổi. Cho nên có thể nói: Nếu không vì cái tâm trạng hoài nghi đã từng dằn vặt tâm trí trước đó, thì khi được gột rửa (được thanh tẩy “trong Thánh Thần và lửa” – Mt 3, 11), niềm tin của các môn đệ tiên khởi không thể kiên định được đến độ dám đem cả sinh mạng của mình ra để làm chứng cho mầu nhiệm Phục Sinh. Nói cách khác, đức tin có vượt qua được thử thách mới trở nên kiên định (Gc 1, 3), vàng được thử lửa (1Pr 1, 7) mới thật sự là vàng ròng.

Đến ngay như Đức Giêsu Thiên Chúa nếu không trải qua cuộc Khổ Nạn (với những vết đòn roi trên thân xác, mão gai trên đầu, dấu đinh ở chân tay và nhất là vết thương ở cạnh sườn bị lưỡi đòng tội ác đâm thấu con tim) thì sự Phục Sinh của Người cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Vì thế, vấn đề đặt ra với người Kitô hữu ngày hôm nay khi bước vào Tuần Thánh, chuẩn bị cử hành Tam Nhật Vượt Qua, không chỉ là tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô và ăn mừng Lễ Phục Sinh đánh dấu mầu nhiệm Vượt Qua vinh hiển của Người, mà còn là làm sao vượt qua được chính mình trên hành trình dương thế, ngõ hầu tiến về được quê Trời vui hưởng hạnh phúc đời đời. Một cách cụ thể, chúng ta chỉ có thể đạt được ước vọng đó khi chúng ta được “cùng chết với Đức Kitô” (thử thách, thử lửa). Và chỉ có “cùng chết với Đức Kitô” thì mới được “cùng sống lại với Người”. Cụ thể hơn, cần phải vượt qua được bản chất “sợ chết” cố hữu của con người. Đức Kitô đã chết vì tội lỗi loài người, vậy thì tại sao loài người lại không sẵn sàng chết vì tội lỗi của chính mình, để hy vọng được thực sự “sống lại” trong Nước Trời vinh quang?

Mỗi năm chỉ có một Mùa Chay 40 đêm ngày hãm mình ép xác, ăn năn sám hối. Mỗi Mùa Chay cũng lại chỉ có một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài ý nghĩa trọng đại của Tam Nhật Vượt Qua như đã dẫn ở đầu bài viết, tôi cứ muốn nghĩ thêm rằng tôi phải thực hành (không chỉ là cử hành) cho kỳ được công cuộc vượt qua được Mùa Chay của bản thân tôi, của cuộc đời tôi. Và nhất là làm thế nào để mỗi năm thêm một lần tôi ghi dấu được cuộc vượt qua bằng một cái mốc thời gian trong cuộc đời. Tôi phải sống làm sao cho đúng với ý nghĩa “sống là chấp nhận vượt qua, vượt qua mọi cám dỗ ngọt ngào, mọi đam mê thấp kém, vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, mọi thử thách nghiệt ngã – vượt qua được chính mình”. Cuộc sống của tôi không chỉ là mỗi năm một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua, mà phải là thực hành liên lỉ cuộc “bách-niên-vượt-qua”, cho tới ngày tới được cùng đích của cuộc đời. Ở đó, chính Người-đã-chết-cho-tôi, đã Vượt-Qua-sự-chết-vì-tôi, sẽ dang rộng vòng tay đón nhận tôi để tôi được cùng-sống-lại-với-Người.

Có thể ai cũng đã quen với lối diễn tả sống đức tin vào sự Phục Sinh là chết đi con người cũ của mình để sống đời sống mới trong Thánh Thần. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Nói thì thật dễ, và chính vì tưởng dễ như vậy nên mới vênh vang tự đắc; nhưng làm thế nào để có thể “chết đi con người cũ của mình” mới là thiên nan vạn nan. Và vì thế, để thực hiện sống niềm tin Phục Sinh cách thực tế và sống động, chỉ có một bí quyết, đó là: “Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1Cr 5, 6-8).

Vâng, người Kitô hữu “ăn mừng đại lễ Phục Sinh” cũng có nghĩa là sống mầu nhiệm Phục Sinh, sống với “lòng tinh tuyền và chân thật”. Cuộc đời Kitô hữu là một tiến trình “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”. Cuộc loại bỏ và trở thành ấy diễn ra trong mọi quyết tâm và nỗ lực là “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (“Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” – Pl 3, 10-11).

Tóm lại, để sống trọn hảo Mùa Chay thánh 2014, người Kitô hữu hãy mau mắn đáp lại mong ước của vị Cha Chung (ĐTC Phan-xi-cô): “Anh chị em thân mến, ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta.”

Quả thật “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 4-5). Và chỉ đến khi đó, tôi mới thật sự vui mừng mà hoà chung tiếng hoan ca với mọi người: Chúa đã sống lại hiển vinh! Alleluia! Alleluia! Ôi, lạy Chúa! Con đã tự ru mình vào những cám dỗ ngọt ngào của ba thù, đã tự kết án mình, đã chết vì chính tội lỗi của con. Xin cho con vượt qua được mọi nỗi thống khổ trần ai, vượt qua được chính mình, để được cùng sống lại với Ngài trong ngày sau hết. Amen. Alleluia! Alleluia!

 

14. Biến đổi trở thành con người mới

(‘Sống Tin Mừng’ – Radio Veritas Asia)

Một câu chuyện dụ ngôn của Nhật Bản kể về Hoàng tử bị gù lưng, theo tục lệ của Hoàng Triều đang trị nước, bất cứ Hoàng tử nào được chỉ định thế nghiệp Vua Cha thì phải đúc tượng của mình đặt vào trong Bảo Tàng Viện của Quốc Gia để lưu danh muôn thuở. Tiếc thay vị Hoàng tử được chỉ định này lại là vị Hoàng tử bị khuyết tật gù lưng nên nhất định không chịu cho tạc tượng mình trưng trong Bảo Tàng Viện.

Cuối cùng với áp lực của nhà Vua, Hoàng tử chấp nhận nhưng với hai điều kiện:

Thứ nhất, tạc tượng Hoàng tử không bị gù lưng, nhưng đứng thẳng người như thể không bị khuyết tật nào cả.

Thứ hai, Hoàng tử được giữ bức tượng này trong phòng riêng cho tới khi nào mình chết thì bức tượng mới được đem trưng trong Bảo Tàng Viện Quốc Gia.

Làm như vậy Hoàng tử muốn giấu đi những khuyết tật của mình không cho thần dân trong nước biết đến. Vua cha để tuỳ ý. Sau khi đã có bức tượng rồi, Hoàng tử đem trưng trong phòng riêng, hàng ngày đứng ngắm mình lâu trước bức tượng, vừa cố gắng thẳng người lên như bức tượng và điều lạ lùng xảy ra, sau thời gian dài ngắm bức tượng thẳng người, Hoàng tử cảm thấy mình như thật sự đã đứng thẳng người, không còn gù lưng nữa.

Đây là một chuyện dụ ngôn nhưng cũng có thể được người Kitô chúng ta áp dụng vào trong cuộc sống tinh thần của mình. Đến với Chúa Giêsu Kitô, khuyết tật gù lưng thể xác không có gì là xấu phải giấu diếm, nhưng gù lưng tinh thần không những là khuyết tật xấu, mà còn là tội lỗi, là những tật xấu bám chặt với điều xấu.

Hoàng tử gù lưng không bằng lòng với khuyết tật thân thể của mình. Người Kitô chúng ta cũng ý thức về những khuyết tật tinh thần của mình.

Không bao giờ bằng lòng với những khuyết tật này, Hoàng tử có một ước muốn mãnh liệt thoát ra cảnh gù lưng. Người Kitô cũng cần có ước muốn mạnh mẽ thoát ra khỏi những tật xấu của mình. Hoàng tử nhờ nhìn vào bức tượng thẳng người, là lý tưởng của mình và trở thành thẳng người; người Kitô chúng ta cần nhìn thẳng vào lý tưởng của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô và không những phải nhìn từ cái nhìn bên ngoài mà thôi mà còn thực hiện điều Chúa Giêsu mong ước, đó là sống kết hiệp với Ngài để trở nên giống Chúa đến mức độ trở nên giống Chúa đến mức độ như thánh Phaolô Tông Đồ đã sống: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Chúa Giêsu là mẫu gương của chúng ta, Chúa đã thực hiện cuộc vượt qua, đã chết và sống lại để thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những gì gù lưng tật xấu, để trở thành của ăn nuôi sống chúng ta và biến đổi chúng ta thành con người mới được tái tạo theo hình ảnh Chúa Kitô, và chúng ta cần luôn nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để giải thoát mình khỏi những tật xấu, để chúng ta không còn bị gù lưng tinh thần mà đứng thẳng lên sống lại cuộc sống mới với Chúa.

Vậy mừng Lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta phải nhất quyết luôn nhìn vào Chúa để sống đồng hoá với Chúa, để mình sống sự sống của Chúa, để trở nên giống như Chúa và được phục sinh với Chúa. Alleluia.

 

15. Phục sinh với Chúa

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống”. Cái chết không loại trừ bất cứ ai. Từ đông sang tây không một ai hiện hữu mà không một lần phải đối diện với cái chết, dù đó có là Tần Thủy Hoàng hay Alexander Đại đế. Tài giỏi. Quyền uy. Tất cả cũng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.

Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của đời người. Con người từ khi sinh ra đã tập chia tay. Chia tay từng tuổi đời để tiến đến tuổi trưởng thành hơn hay già đi và chết đi. Chia tay những con người đang sống với chúng ta trong thời gian ngắn, dài hay vĩnh viễn. Và trong số họ cũng có không ít người là thân nhân, là bạn bè của chúng ta.

Một điều mà nhân loại vẫn thao thức qua qua mọi thời đại là chết rồi đi đâu? Mặc dù cũng có rất nhiều câu chuyện được kể từ những người chết rồi bất thần sống lại. Mỗi người kể mỗi khác về những gì họ thấy được trong thời gian chết ấy. Cõi chết mà họ bước vào như thế nào? Phong cảnh, sự vật, màu sắc, âm thanh thế nào? Nơi ấy con người ra sao? Sinh vật nào hiện diện và sự sinh hoạt nơi ấy diễn ra có giống với thế giới mà ta gọi là dương thế hay dương gian hay không?Tuy nhiên, cho đến nay, những tường thuật của những người đã chết sống lại kể ra thì chẳng mấy ai chịu tin nhất là trong thời đại văn minh này. Vì nó vẫn vượt lên trên sự suy nghĩ của con người. Có lẽ con người sẽ không bao giờ lý giải được về cái chết. Cái chết vẫn là ẩn số mà các nhà khoa học không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Người Kitô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô. Sự sống lại của Chúa là lời mạc khải về sự sống đời sau. Cái chết là hậu quả của tội lỗi con người như thánh Phao-lô đã quả quyết: “Vì một người mà tội lỗi đã vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết, như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Thế nhưng, sự sống lại trường sinh lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa không tạo dựng con người để chết mà là để sống, cho dù tội lỗi có phá hủy chương trình của Chúa thì Ngài cũng tìm mọi cách để khôi phục lại sự sống đời đời cho con người. Đức Kitô khi xuống thế làm người đã phục hồi lại những gì đã tan vỡ. Chính Ngài đã lãnh lấy sự chết loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh. Qua sự phục sinh của Ngài đã khai mở một mùa xuân hy vọng cho con người nếu cùng chịu chết với Người thì cũng sẽ được sống lại với Người.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu được Phúc Âm ghi lại qua những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống. Một nơi đã chôn cất xác Chúa nhưng ngày thứ ba dù quân lính canh gác, dù tảng đá nặng trĩu vẫn không còn xác Chúa. Nơi nấm mồ ấy không còn là dấu chỉ sự chết mà là dấu chỉ của sự sống. Vì Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ.

Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy vọng cho kiếp người chúng ta. Kiếp người chúng ta không có tận cùng. Kiếp người chúng ta sẽ được sống mãi trong sự sung mãn của Chúa. Cái chết chỉ là một chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô.

Cùng chết với Đức Kitô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

Ước gì đời sống Kitô hữu chúng ta luôn biết chết đi con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang phục sinh. Xin cho chúng ta đừng vì những đam mê lầm lạc mà đánh mất Nước Trời mai sau. Amen.

 

16. Chúa Giêsu khai sinh kỷ nguyên mới

(‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da, chịu vác thánh giá nặng nề tiến lên núi sọ trong khi sức tàn lực kiệt ngã lên té xuống nhiều lần, rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá… Chúa Giêsu đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ. Tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại, đóng lại lịch sử một đời người đã làm những việc diệu kỳ. Cuối cùng, ngôi mộ đá được đóng lại, chôn vùi một Con Người tưởng là sẽ đem lại niềm hy vọng cho Israel.

Thế là hết! Còn đâu nữa những ngày nắng đẹp Ngài ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng. Còn đâu nữa những buổi chiều trong hoang địa Ngài hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn. Còn đâu nữa vị ngôn sứ oai hùng quát bảo cho sóng yên biển lặng. Còn đâu nữa Con Người làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe… Còn đâu nữa vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những điều đem lại phấn khởi cho bao người…

Đức Giêsu đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.

Thế rồi điều kỳ diệu xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Madalêna đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, bà hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa. Bà hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các môn đệ ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh. Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giêsu đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giêsu nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.

Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.”

* * *

Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn, như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong… Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống và một sớm một chiều sẽ phá huỷ sự sống đi. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.

Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Ngài đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giêsu phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.

Xin mọi người hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Ngài ban tặng.

 

17. Phục sinh niềm hy vọng của nhân loại

Hôm nay toàn thể Giáo hội cử hành đại lễ Phục sinh. Đây là ngày mà Đức Kitô, người anh của chúng ta đã phá tan xiềng xích của sự chết và chỗi dậy vinh quang tử nấm mồ. Ngài đã thực hiện điều này không phải cho chính Ngài nhưng là cho tất cả chúng ta. Ngài muốn chúng ta cũng được thông phần, sẻ chia chiến thắng vĩ đại trên tội lỗi và bóng đêm sự chết bằng cách tin cậy và hy vọng vào Ngài.

Đúng thế! Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã mang lại một niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại đang run sợ trước cái chết và đau khổ do hậu quả của tội lỗi. Nhưng thật đang buồn cho chúng ta vì thế giới không mấy quan tâm đến sự Phục sinh của Chúa.

Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì lý do của chúng rất đơn giản. Vì dù là biến cố vĩ đại, nhưng biến cố này đã được Đức Kitô thực hiện cách âm thầm, khiêm tốn. Chúa Giêsu phục sinh không xuất hiện một cách long trọng, vẻ vang trong đền thánh Giêrusalem để cho những người nỗi nang trong xã hội Do thái thời bấy giờ chiêm ngưỡng. Nhưng Ngài xuất hiện cho những người tầm thường, những người do chính Ngài ọi tên, những người cùng Ngài bẽ bánh, những người biết lắng nghe những lời bình an của Ngài… đặc biệt là những người biết ý thực được sự xuất hiện của Ngài. Và thậm chí họ là những người đã từng gặp khó khăn trong niềm tin vào sự phục sinh của Ngài.

Tin vào biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu đã là một điều không phải dễ. Nhưng sống niềm tin ấy lại là một việc vô cùng khó khăn. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hành trình đức tin và thái độ của Phêrô, Gioan và Maria Macđala trước biến cố Phục sinh của Chúa.

Thời Chúa Giêsu, chắc chắn có rất nhiều người đến nghe Ngài rao giảng. Và chắc chắn tất cả những người trong nhóm họ ít hay nhiều cũng đã từng nghe qua lời loan báo Phục sinh của Chúa. Đặc biệt là các tông đồ, nhòm đông đảo môn đệ từng kề cận bên Ngài suốt những chặng đường rao giảng mà Chúa đã đi qua.

Nhưng sáng hôm nay, chỉ có một mình Maria đi thăm mồ Chúa từ sáng sớm. Việc thăm mồ của bà không phải hoàn toàn để tìm Chúa Giêsu Phục sinh, nhưng bằng con tim dạt dào lòng mến đối với vị thầy Giêsu chí thánh đã từng tha thứ và hướng cuộc đời bà rời xa bóng đêm tội lỗi, lật sang trang mới. Chính lòng cảm mến đó đã thúc đẩy bà lên đường viếng mộ Chúa, đây chỉ là việc thăm viếng bình thường. Nhưng đau thương chồng chất đau thương, bà hốt hoảng, xót xa khi nhận ra xác Thầy không còn nữa. Bà không nghĩ rằng Chúa đã sống lại, đã quên lời Thầy báo trước hôm nào. Bằng linh tính của người phụ nữ và bằng cảm thức của một con tim dạt dào tình yêu đối với Chúa Giêsu làm bà lo âu khắc khoải. Bà nghĩ ngay “xác Thầy đã bị đánh cắp”. Niềm hy vọng của bà hiện nay là làm sao tìm lại xác của Thầy đã chết.

Maria chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan, cả ba hối hả chạy đến mồ. Không thấy xác Thầy đâu, chỉ còn lại nấm mồ trống trơ, lạnh vắng với những khăn vải liệm được xếp ngăn nắp. Đứng trước mồ Chúa, ba người có ba thái độ khác nhau.

Nhìn những tấm khăn vải liệm được xếp ngăn nắp, Gioan tin Thầy mình đã sống lại. Vì chẳng ai ăn cắp xác Chúa lại phải tốn giờ sắp gọn gàng khăn liêm như thế!

Còn Phêrô thì không thấy Tin Mừng ghi lại một lời nào trước ngôi mộ trống. Chúng chỉ biết thánh Phêrô trở về nhà trong sự thinh lặng và chìm sâu trong suy nghĩ. Không phải ngài cứng lòng tin. Nhưng có lẽ vì là thủ lãnh tông đồ đoàn nên ngài cần thận trọng khi tuyên bố những gì về đức tin. Vì lời tuyên xưng của ngài có ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội. Còn Maria thì vẫn là bâng khuân với suy nghĩ “xác Thầy đã bị đánh cắp”.

Giờ đây, Chúa đã phục sinh! Cái chúng ta cần làm hôm nay chính là sống niềm tin ấy. Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của Maria Macđala, nhưng cũng cần phải có sự nhạy cảm của Gioan để nhận ra dấu chỉ của Chúa và cần có sự thận trọng của Phêrô để khỏi rơi vào lầm lạc và mê tín. Tin vào Chúa Giêsu phục sinh là biết nhận ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời nhất là ý nghĩa của đau khổ và sự chết. Chúng ta cần phải có lòng tin để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng trước những thất bại, dổ vỡ, mất mát trong cuộc đời. Tất cả những gì chúng ta đang tìm kiếm rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy sự phục sinh của Chúa ngang qua những gì hư nát. Như Gioan nhận ra Chúa đã sống lại khi nhìn những mãnh khăn liệm.

Niềm tin vòa Chúa Giêsu phục sinh chính là nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta vào sự sống vĩnh cữu. Chính niềm hy vọng này là sức mạnh giúp chúng ta kiên tâm, bền chí để vượt qua những thử thách nghiệt ngã, ngang trái trong cuộc đời. Qua đó, chúng ta có được một niềm vui âm thầm, lặng lẽ và cảm nhận được sự bình an sâu sắc từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Vì chúng ta biết rằng: Tình yêu mạnh hơn sự sợ hãi, sự sống mạnh hơn cái chết và niềm hy vọng vượt thắng nỗi thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã sống đến cùng cuộc vượt qua của Chúa. Xin cho chúng con biết sống cuộc vượt qua của đời mình.

Vượt qua sự nhỏ mọn ích kỷ,

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì chúng con xuống,

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã,

Vượt qua nhưng đêm tối cô dơn của vườn cây dầu đời con,

Vượt qua những nỗi khắc khoải, nghi ngờ trong niềm tin,

Vượt qua những thành kiến của con đang áp đặt cho người khác.

Ước gì chúng con biét noi gương Chúa Phục sinh, luôn biết gieo rắc bình an, hy vọng,

Tin tưởng và niềm vui khắp muôn nơi.

Ước ước gì mọi người khi gặp con cũng nhận ra sự sống mãnh liệt của Chúa. (Rabbouni)

 

18. Chúa đã sống lại

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa đọc trên đây, tác giả chỉ nhắc đến bà Maria Madalena, nhưng qua ba Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta biết có thêm một vài người nữ cùng ra mộ Chúa Giêsu với bà. Các bà đi đến mộ và hốt hoảng khi thấy tảng đá chặn cửa mộ đã bị mở ra. Tại sao có chuyện kỳ cục như thế? Có ai muốn phá rối chăng? Bà Maria Madalena vội vàng chạy về báo tin cho Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Hai ông hối hả chạy đến mộ, hai ông đã thấy mộ trống với các khăn liệm còn lại ở đó, nhưng họ chẳng thấy xác Ngài đâu. Nhìn thấy quang cảnh, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến biết rằng Thầy đã sống lại như lời Thầy đã nói.

Ngôi mộ trống là một dấu chỉ mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ sáng ngày hôm đó. Đứng trước ngôi mộ trống, mỗi người có một phản ứng khác nhau. Các bà thì hoảng hốt, chạy về nhờ cậy các ông tới cứu. Ông Phêrô thì ngạc nhiên về sự việc xảy ra. Còn người môn đệ Chúa Giêsu thương mến thì tin rằng Thầy đã sống lại. Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

Sự thật này có sức mạnh biến đổi cuộc đời chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự sợ sệt, của nghi nan, để sống đến cùng đức tin của mình vào Chúa Kitô. Một ngôi mộ trống nhưng được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng khác nhau.

Trong cuộc sống đức tin, mỗi người chúng ta đã nhiều lần đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của đời Kitô. Dù đã được học hỏi về đức tin Kitô, đã được nghe giảng Lời Chúa, đã được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của biết bao thế hệ tín hữu, nhưng những điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với đức tin của chính mình.

Như nhóm người cùng đi đến mộ Chúa Giêsu sáng sớm hôm ấy, chúng ta cùng hiệp thông với nhau nhưng không thể quyết định thay thế cho nhau. Giáo Hội khuyên chúng ta phải trả lời những câu hỏi về đức tin đặt ra cho chính mình. Có nhiều lúc chúng ta như rơi vào đêm tối bất an, tương tự như các môn đệ trong thời gian sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một mặt chúng ta biết rằng đức tin vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho chúng ta một cuộc sống an bình hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta phải đối diện với những thực tế cấp bách, thực tế xem ra không trùng khớp bao nhiêu với những điều mà đức tin dạy bảo chúng ta. Đức tin dạy chúng ta phải xây dựng hạnh phúc trên những nền tảng siêu nhiên. Thực tế lại cho thấy dường như những điều siêu nhiên chẳng giúp chúng ta đạt hạnh phúc mà đôi khi còn gây ra cho chúng ta bao nhiêu điều thiệt thòi phiền toái. Đức tin dạy chúng ta phải tập trung đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, thực tế lại cho thấy mọi người đều dồn hết sức lực để xây dựng cho cuộc sống vắn vỏi ở đời này. Ai đúng, ai sai, ai khôn, ai dại? Chúng ta bối rối không biết phải theo ai bỏ ai đây? Trước những câu hỏi hóc búa này, chúng ta loay hoay tìm câu trả lời. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu soi sáng cho chúng ta. Nhưng có lúc, thay vì trực tiếp trả lời, Chúa Giêsu đưa chúng ta tới ngôi mộ trống của Người. Người gởi đến cho chúng ta những mật thư, những dấu chỉ, những lời nói, những biến cố đặc biệt xảy đến cho chúng ta. Muốn tìm ra lời đáp, chúng ta phải giải mã những tín hiệu này.

Khi nhìn thấy ngôi mộ trống, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến nhanh chóng nhận ra rằng Thầy mình đã sống lại, ông không nhìn bằng đôi mắt nhưng đã nhìn bằng con tim. Tác giả Tin Mừng theo thánh Gioan đã kín đáo không nêu tên người môn đệ này, nhưng truyền thống Giáo Hội vẫn cho đó chính là tông đồ Gioan. Ông là người được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt và ông cũng đáp lại Thầy mình với tình yêu thương nồng nàn. Chính tình yêu này mách bảo cho ông biết đích xác chuyện gì đã xảy ra với Thầy. Tình yêu hun đúc niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, nhiều lúc con phải giải mã các tín hiệu mà Chúa gởi đến cho con trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con luôn trung kiên trong tình yêu, để con nhanh chóng nhận ra sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho con trước ngôi mộ trống của Chúa, xin cho con vững tin rằng Chúa đã sống lại thật. Allêluia.

 

19. Câu trả lời của ngôi mộ trống

(‘Suy Niệm Hàng Ngày’ – Trầm Tĩnh Nguyện)

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

Hai hôm sau ngày Chúa Giêsu chịu chết và được táng xác trong huyệt đá, trời vừa hửng sáng, Maria Mađalêna đi ra thăm mộ Chúa Giêsu và thấy tảng đá đậy cửa mộ đã bị lăn đi, còn mộ thì trống không.

Bà chạy về báo tin cho ông Simon Phêrô và người được mệnh danh là “môn đệ Chúa Giêsu thương mến”. Cả ba cùng hối hả chạy ra mộ.

Họ đã cùng chứng kiến cảnh ngôi mộ trống không, khăn liệm xếp lại gọn gàng. Nhưng trong thâm tâm, mỗi người lại có những suy nghĩ khác nhau:

Bà Maria Mađalêna cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giêsu đã bị đánh cắp (Ga 20,13-15).

Ông Phêrô thì rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lc 24,12).

Còn “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” thì tin chắc rằng Chúa Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã tiên báo (Ga 20,9).

Cùng một sự kiện, nhưng lại có nhiều thái độ đức tin khác nhau.

Điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

***

Sống đức tin là biết nhìn tất cả mọi việc theo quan điểm của Thiên Chúa và trong ý hướng của Thiên Chúa.

Sống đức tin là xác tín rằng Thiên Chúa đang thực hiện chương trình của Ngài xuyên qua mọi biến cố trong cuộc đời.

Nhưng làm thế nào để biết được ý Chúa?

Cách thế duy nhất và hữu hiệu nhất là sống bằng chính Lời của Ngài.

Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta biết rõ ý Chúa, sẽ giúp chúng ta củng cố, phát triển và kiện toàn đức tin.

***

Chúa Kitô đã sống lại, chỉ còn ngôi mộ trống không.

Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì lúc chúng ta gặp thấy ngôi mộ trống này.

Đó là những lúc chúng ta kiếm tìm một dấu chứng để củng cố lòng tin đang bị lung lay của mình.

Nhưng thay vì một chứng cớ rõ ràng, Chúa Kitô lại chỉ đưa ra cho chúng ta một biến cố tạo nghi vấn.

Thay vì trả lời, Ngài lại bắt chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho chính mình:

“Như thế nghĩa là gì?”

Quả thật lắm lúc chúng ta đã bối rối phân vân trước câu hỏi bỏ ngỏ ấy.

“Chúa muốn nói gì?”

Thật khó mà xác tín được!

***

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta trả lời câu hỏi ấy:

Cũng như cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu đã được tiên báo trong Kinh Thánh, sứ mạng của mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa tỏ lộ bằng cách này hay cách khác trong chính cuộc đời chúng ta.

Thiên Chúa cũng đã mở sẵn cho chúng ta một tương lai bằng cách chuẩn bị cho chúng ta những bước đường trong quá khứ.

Xuyên qua những hỗn độn trong cuộc sống, Thiên Chúa đã tỏ ý của Ngài cho chúng ta bằng những biến cố bỏ ngỏ, những “ngôi mộ trống” mà Ngài đặt trước mắt chúng ta.

Muốn biết được những “ngôi mộ trống” ấy muốn nói gì, chúng ta phải duyệt xét lại quãng đời đã qua của mình, để nắm bắt những dữ kiện chính và xếp đặt chúng lại dưới ánh sáng của Tin Mừng.

Với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ nhận ra được thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

***

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã sống cuộc sống trần gian, đã chịu chết và đã sống lại để mở ra cho nhân loại đường về cõi trường sinh.

Con tin chắc một điều là Chúa cũng muốn con sống, chết và sống lại như thế.

Nhưng để được sống lại như Chúa, con phải theo con đường nào để hiến tế bản thân con?

Đâu là đỉnh núi Sọ của con?

Xin Chúa dạy con biết nhìn để thấy được điều Chúa muốn con thi hành.

Và xin Chúa trợ giúp để con đủ nghị lực hoàn thành điều Chúa muốn.

Những lúc Chúa cho con xem thấy “ngôi mộ trống”, thì xin Chúa cũng cho con luôn nhớ rằng Chúa đã phục sinh. Amen!


home Mục lục Lưu trữ