Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1358393

TIẾNG GỌI

TIẾNG GỌI

 

Tôma Lê Duy Khang

Các bài đọc lời Chúa hôm nay là các trình thuật về ơn gọi, trong Cựu Ước thì Thiên Chúa gọi Samuel và trong Tân Ước thì Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Nhưng nếu để ý thì ơn gọi mà Chúa gọi thường qua trung gian con người.

Chẳng hạn như trong bài đọc 1 trích sách Samuen quyển thứ nhất trình bày cho chúng ta thấy khi Thiên Chúa gọi Samuel thì Samuel không nhận ra. Sau đó nhờ ông Eli nhắc nhở nên Samuel đã đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa.

Rồi trong Tin mừng cũng vậy, sở dĩ các môn đệ biết được Chúa Giêsu để đi theo là nhờ lời rao giảng của Gioan Tẩy: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là tại sao khi được gọi, khi được giới thiệu thì Samuel, cũng như các môn đệ khác, hay thậm chí là những người trung gian sẵn sàng giới thiệu Chúa cho người khác biết? Thưa vì họ có lòng khao khát Chúa, khao khát chân lý cao hơn.

Chúng ta hãy nhớ câu chuyện của ông Nathanaen, khi ông Philípphê được biết Chúa, thì ông đi gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!”

Chúng ta thấy, mặc dầu Nathanaen bị thành kiến về xuất thân của Chúa Giêsu, nhưng điều mà ông khao khát đã chiến thắng được thành kiến của ông, nên ông đã đến mà xem Chúa Giêsu.

Tin mừng thuật lại: “Chúa Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” Chúa Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (x. Ga 1, 45-51).

Còn ngược lại nếu không có lòng ao ước, khao khát những điều lớn lao hơn thì sẽ không bao giờ chiến thắng được thành kiến của mình để đi tìm kiếm Chúa. Đọc lại Tin mừng chúng ta thấy rất rõ điều này, đó là khi Chúa Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Chúa Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13, 54-58).

Nên chúng ta thấy lòng khao khát rất là quan trọng, có người nói như thế này: “Chúng ta không thể thực hiện được tất cả những ước mơ, những khát khao của mình, nhưng những gì mà chúng ta thực hiện thì sẽ được đặt nền tảng trên những ước mơ, những khao khát đó.”

Một điểm nữa đó là khi chúng ta có lòng khao khát để theo đuổi hạnh phúc lớn lao, chúng ta sẽ truyền cảm hứng cho người khác, để người khác cũng sẽ đi tìm như mỗi người chúng ta.

Tại một lớp giáo lý tân tòng, một cô gái trẻ đang học giáo lý để lập gia đình đã chia sẻ tâm tình và sự chọn lựa của cô như sau. Trong cuộc đời, cô chưa bao giờ nghe biết hay học được điều gì về tôn giáo cả. Gia đình cô rất ghét đạo Công Giáo. Nhưng chàng và nàng lại yêu thương nhau tha thiết. Khi chàng ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ, với điều kiện cả hai phải có cùng một niềm tin tôn giáo. Nàng chấp nhận ngay. Cô nói: tôi muốn có điều mà anh ấy có. Cô chia sẻ rằng, cô nhận thấy, đối với chàng, đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc đời và chi phối toàn bộ cuộc đời chàng. Trong đức tin, chàng có sự bình an và hạnh phúc. Đó cũng là điều cô đang đi tìm kiếm, thì tại sao cô lại không chấp nhận được. Trong khi đó, chàng không có nhiều tiền bạc, nhưng rất hài lòng về cuộc sống của mình, và chu toàn những bổn phận hằng ngày.

Hiểu được như vậy, mỗi người trong chúng ta cần có lòng khao khát Chúa, khi có lòng khao khát Chúa chúng ta sẽ vượt qua được những rào cản bên ngoài, lẫn bên trong để đến với Chúa, cũng như khi có lòng khao khát Chúa, chúng ta sẽ truyền cảm hứng cho người khác, giúp họ biết Chúa và tin theo Chúa. Amen.

 

 


Lm. Thái Nguyên

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ

Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ðức Giêsu cho hai môn đệ của mình là Anrê và Gioan. Họ rụt rè đi theo, chưa biết phải nói gì thì Chúa Giêsu mở lời: “Các anh tìm gì thế?”. Ngài khơi lên ước vọng để họ mạnh dạn nói ra: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Hóa ra hai ông muốn đích thân gặp gỡ để biết được con người Giêsu như thế nào. Ngài đã nhẹ nhàng mời gọi: “Hãy đến mà xem!”. Họ đã đến và ở lại với Ngài. 

Nơi gặp gỡ với Chúa Giêsu chắc chắn không phải là nhà cao cửa rộng, càng không phải là chỗ sang trọng hay vinh hoa phú quí, vì Ngài là một con người của sự nghèo khó “không nơi gối đầu”. Điều quan trọng là Ngài cho hai ông thấy con người thật của Ngài, đã tỏ mình ra cho họ một cách nào đó, khiến họ bị cuốn hút bởi con người Giêsu. Khi viết đoạn Tin Mừng này dù đã trôi qua khoảng 60 năm, nhưng thánh Gioan vẫn nhớ rõ:“Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều”. Cuộc hạnh ngộ đó đã hoàn toàn xoay hướng cuộc đời Gioan và Anrê, để từ đó hai ông bước theo Thầy Giêsu đến cùng trong cuộc đời tận hiến. Quả thật, “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy! Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”.

Sau khi gặp được Đức Giêsu, Anrê liền đi giới thiệu Ngài cho em mình là Simon, và dẫn ông đến gặp Ngài. Dường như mỗi lần Tin mừng Gioan đề cập đến Anrê thì liền sau đó, Anrê lại dẫn một ai đó đến với Đức Giêsu. Có lần đặc biệt là ông dẫn cậu bé đến gặp Ngài để dâng tặng “năm chiếc bánh và hai con cá”. Nhờ vậy mà có được một phép lạ cả thể cho hơn năm ngàn người ăn. Lần thứ ba, lúc Đức Giêsu vào Giêrusalem lần cuối, Anrê cũng đã giới cho mấy người Hy Lạp đến xin gặp Ngài. Nhân cơ hội đó mà Đức Giêsu tuyên bố một điều thật cao siêu về biến cố thập giá: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga12, 32).

Có lẽ không ai không từng thao thức tìm kiếm một điều gì đó cho cuộc đời mình, nhất là các bạn trẻ đang có những ước mơ cho tương lai của mình. Câu hỏi của Đức Giêsu ngày xưa đối với các môn đệ cũng là câu hỏi mời gọi tôi xét lại xem: Tôi đang tìm gì? Nỗi khao khát nào đang chi phối đời tôi? Tiếng gọi nào đang vẫy gọi tôi? Tiền bạc, tiếng tăm, địa vị hay quyền thế? Hay tôi đang tìm kiếm một Ai đó để cho mình một hướng đi, một lý tưởng sống. Có những cuộc tìm kiếm và gặp gỡ rất ý nghĩa, nhưng thật ra chẳng có gì và cũng chẳng có ai đem lại cho đời ta một ý nghĩa thiêng liêng và cao cả ngoài Đức Giêsu.

Đại văn hào Dostoievski, người từng viết nhiều tác phẩm đồ sộ có giá trị vượt thời gian và không gian, ông thường chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong Tin Mừng và đã cảm nhận được những điều tuyệt vời nơi con người của Ngài, nên đã tuyên xưng rằng: “Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Kitô, và hơn thế nữa, nếu ai chứng minh với tôi rằng Đức Giêsu ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Kitô hơn là chiều theo chân lý”.

Chúng ta thật có phúc khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Kitô giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là ta đã thực sự gặp được Đức Giêsu và biết rõ về Ngài. Con đường từ nghe biết tới hiểu biết vẫn là một chặng đường xa. Còn xa hơn nữa con đường từ hiểu biết của cái đầu đến hiểu biết của con tim, tức là sự gặp gỡ Chúa trong chính tâm hồn mình. Đó mới là sự gặp gỡ có thể bứt phá mọi giới hạn của cái tôi, để hướng đến một sự dấn thân trọn vẹn cho tình yêu.

Chẳng ai thực sự gặp được Ðức Giêsu mà lại không nôn nao muốn giới thiệu Ngài cho người khác. Nhưng xem ra có điều gì đó mất mát trong việc giới thiệu này. Như Gioan Tẩy giả phải chia tay với các đồ đệ; như Anrê không được trọng dụng bằng Phêrô; và người ta nhớ đến hành vi quảng đại của em bé chứ không ai nhắc nhở tới Anrê làm gì. Thế mà hạnh phúc lại nằm trong việc chấp nhận tự xóa mình để trao ban. Gioan Tẩy giả và Anrê chắc chắn rất vui mừng khi thấy được Đức Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau. Bản chất của sự thiện là như thế, mất chẳng bao nhiêu nhưng được lại thì rất nhiều. Đức Giêsu là kho tàng cứ luôn phong phú khi được san sẻ cho mọi người.

Đã có lần nào tôi gặp được Chúa Giêsu trong cầu nguyện, trong thánh lễ, trong mọi biến cố lớn nhỏ, cả trong nỗi khắc khoải lo âu? Ngài vẫn đến với tôi trong mọi lúc, có thể qua một người thầy hay một người bạn, qua những người nghèo khổ, những người đang cô đơn và bị bỏ rơi. Họ là những cứ điểm mà tôi luôn có thể gặp Chúa Giêsu, và là những đối tượng đang cần được tôi đưa đến với Ngài. Nếu thực sự tôi đã gặp được Chúa, thì tôi lại là người trung gian để người khác gặp được Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ luôn ham chuộng những lạ thường,
vẫn thích tìm thần tượng để làm gương,
và xem đó như chính là lý tưởng,
để cho cuộc sống mình tỏa ngát hương,
nhưng xem ra có vẻ bất bình thường,
mà cứ tưởng mình vươn lên cao thượng.

Nhiều bạn trẻ muốn thành những ngôi sao,
và nôn nao cho mình được nổi tiếng,
nên không ngại làm những chuyện lạ kỳ,
mất tính cách của con người cao quí.

Chúng con thường băn khoăn thao thức,
nhưng không phải những háo hức mau qua,
mà tìm cho mình một ý nghĩa sâu xa,
nên không thể theo lối sống của người ta.

Hôm nay Chúa muốn biết con tìm gì?
Nếu thật lòng con đang đi tìm Chúa,
thì âm thầm lặng lẽ đến mà xem,
chỉ trong thanh tĩnh Chúa mới tỏ mình.

Xin cho con được một lần hạnh ngộ,
để Chúa chiếm mọi chỗ trong tâm hồn,
không còn phải bôn chôn tìm vui thú,
cũng không mong lợi danh hay chiếm hữu.

Tuy chọn Chúa chẳng làm con nổi tiếng,
nhưng tự do thoát khỏi mọi xích xiềng,
không còn chạy theo đam mê giả trá,
cũng chỉ là một chút bã phù hoa,
con hạnh phúc khi sống như mình là,
là chính con và Chúa là tất cả. Amen.

home Mục lục Lưu trữ