Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 70

Tổng truy cập: 1352351

Tin Mừng đặc biệt cho dân ngoại

Tin Mừng đặc biệt cho dân ngoại

1. Một chuyện trớ trêu trong đoạn Tin Mừng hôm nay


Trong bài Tin Mừng, ta thấy có điều khá ngộ nghĩnh và buồn cười, đó là: Dân Do Thái nóng lòng trông chờ suốt mấy trăm năm trời Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ loan báo trước đó. Thế mà chẳng mấy ai muốn tìm kiếm Ngài, nên khi Ngài đến, thì chẳng mấy ai trong nhận ra mà đến gặp Ngài. Thật đúng như Tin Mừng Gio-an nói: «Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận» (Ga 1,11). Chẳng những họ không nhận ra, mà còn bách hại Ngài nữa.

Điều ngược đời và trớ trêu là những người đến tìm Ngài, nhận ra Ngài là Vua, là Đấng Cứu Thế, lại không phải là những người mang danh là vẫn trông chờ Ngài đến, không phải là những người đã từng nghe nói về Ngài, không phải là những người thông thạo Kinh Thánh, càng không phải là người biết được Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở đâu. Đúng lý ra, chính những người trông chờ Ngài, biết nhiều về Ngài phải là những người đến tìm Ngài và nhận Ngài đầu tiên, trước tất cả những người khác. Nhưng trớ trêu thay, những người tìm Ngài, gặp được Ngài, và nhận ra Ngài là ai, lại là những người ngoại giáo ở tận đâu đâu, rất xa xôi, và những mục đồng dốt nát chẳng hề cầm đến cuốn Kinh Thánh, thậm chí có thể chẳng biết Kinh Thánh nói gì.

Điều ấy khiến chúng ta nhớ đến lời Đức Giêsu nói khi nghe viên đại đội trưởng đến xin Ngài chữa bệnh cho con gái ông ta: «Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12).

2. Biết đâu chuyện trớ trêu ấy lại ứng nghiệm nơi chúng ta!

Những sự kiện ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhiều khi chúng ta tự hào mình là đạo gốc, là người thuộc hàng giáo sĩ, tu sĩ, là giáo lý viên, là giáo dân loại «hảo hạng», hay là người thông thạo lẽ đạo, hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, v.v… Vì thế, chúng ta nghĩ mình sẽ là những người ưu tiên vào Nước Trời: ta nghĩ rằng nếu mình mà còn không được vào Nước Trời thì còn ai vào được nữa? Suy nghĩ và tự hào như thế có thể chúng ta đã lầm. Một cái lầm hết sức tai hại.

Chúng ta tưởng rằng mình có đức tin, chúng ta tưởng rằng cách giữ đạo của mình hiện nay là đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta tự hào là mình đã nắm được ý muốn của Thiên Chúa, luật lệ của Ngài, hiểu rõ lẽ đạo, chân lý của Ngài, và tưởng rằng mình đang sống đúng đường lối của Ngài. Nhưng thật ra chúng ta đang sống một lối sống ích kỷ, kiêu căng, tự mãn, tự hào về những công đức của mình, chẳng hề quan tâm và giúp đỡ những người khốn khổ chung quanh ta. Có thể chúng ta có tính ganh tị, thấy ai hơn mình, may mắn hơn mình, thì tìm cách dèm pha, hạ giá họ xuống. Có thể chúng ta là những người không thể cộng tác với nhau và với ai, vì «cái tôi» của chúng ta lớn quá. Có thể chúng ta có tính không tha thứ khi có ai đó xúc phạm đến ta. Có thể chúng ta chưa yêu thương những người sống ngay bên cạnh ta ở mức độ đúng như Chúa đòi hỏi. Có thể chúng ta có rất nhiều hành vi có vẻ yêu thương, chứ không phải thật sự yêu thương. Có thể chúng ta đang sống rất xa Chúa, mà cứ ngỡ là mình gần Chúa lắm.

Chúng ta tưởng rằng mình thiện chí hơn, sống tốt hơn những người ngoại đạo, hay hơn nhiều Kitô hữu khác, nhưng trong thực tế, chúng ta kém họ, chúng ta không quảng đại bằng họ, không hy sinh cho những người sống chung quanh bằng họ, không cư xử có tình có nghĩa bằng họ. Và chính vì thế, họ gặp được Chúa, được Ngài chúc phúc, còn chúng ta thì chẳng gặp được Ngài, không nhận ra sự hiện diện rất cụ thể và tràn đầy của Chúa ở nơi những người mình gặp, trong những biến cố hằng ngày. Và vì thế, những người chung quanh ta không cảm thấy hạnh phúc vì có ta ở giữa họ, ở với họ.

Những người thông luật, thông Kinh Thánh, được tiếng là đạo đức như những người Pha-ri-siêu, các Ráp-bi Do Thái, các tư tế, các thầy Lê-vi đã không gặp được Ngài lúc Ngài sinh ra. Và ngay cả sau này, khi Ngài đích thân đến gặp họ, nói chuyện với họ, thì họ cũng chẳng nhận ra Ngài, mà tệ hơn nữa, còn tìm cách hãm hại Ngài. Hãy nghiêm túc tự hỏi: tinh thần của chúng ta hiện nay có giống họ không? giống chỗ nào? và nếu có khác, thì khác họ ở chỗ nào? Nếu Chúa đến theo cách khác hẳn với cách mà chúng ta vẫn nghĩ – mà chắc chắn là như vậy – thì ta có nhận ra và tiếp đón Ngài không? hay chúng ta lại nhân danh luật đạo và niềm tin của ta để kết án Ngài, giống như những người có vẻ đạo đức xưa kia đã làm cho Ngài? Ngài tiên báo sẽ đến như kẻ trộm, mà kẻ trộm thì lúc nào cũng đến bất ngờ, không chỉ theo thời gian mà theo cách thế nữa. Nếu không tỉnh thức, làm sao biết được. Coi chừng Ngài đang ở ngay bên ta, mà ta đâu có biết!

3. Đây là dịp để chúng ta xét lại cách suy nghĩ về cách sống

Trong lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa dành rất nhiều ưu tiên cho Dân Ngài trong việc lãnh nhận ơn cứu độ. Đức Giêsu cũng vậy. Ngài nói với các môn đệ: «Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc nhà Ít-ra-en» (Mt 10,5-6), hoặc «Ta chỉ được sai đến với các chiên lạc của nhà Ít-ra-en thôi» (Mt 15,24). Nhưng điều tai quái xảy ra là những kẻ được ưu tiên thì lại tự hào về sự ưu tiên ấy, để rồi sống ngược lại với ý của Thiên Chúa, khiến họ không xứng đáng được cứu rỗi. Dụ ngôn tiệc cưới (xem Mt 22,1-14, hay Lc 14,15-24) cho thấy rõ điều đó. Người được ưu tiên mời thì không chịu đến, khiến cho chủ tiệc phải mời tất cả những người ở ngoài đường vào dự tiệc. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với họ, nhưng họ không nhận ra đó là ngôn sứ của Thiên Chúa, trái lại họ nghe thấy các ngôn sứ nói chói tai, và giết đi.

Phải coi chừng kẻo điều ấy lại xảy ra tương tự cho chính chúng ta, những người đã được rửa tội, mang danh là Kitô hữu, là người theo Chúa, là người đạo đức, nhưng nếu trong thực tế, đời sống chúng ta lại phản lại Tin Mừng, nghĩa là ích kỷ, kiêu căng, rất tự hào về đạo mình, khinh chê đạo khác. Liệu Đức Giêsu có thể nói với chúng ta như đã từng nói với người Do Thái xưa: «Tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi» (Mt 21,43).

Lễ Hiển Linh là một tin mừng đặc biệt cho dân ngoại. Qua nhiều đoạn Tin Mừng (như đã từng trưng dẫn ở trên), ta thấy Thiên Chúa mạc khải rằng chính dân ngoại cũng có thể được cứu rỗi nếu họ sống đúng theo lương tâm, hay sống đúng theo truyền thống tôn giáo của họ, sống xứng đáng là người đúng nghĩa là con người (xem thêm Rm 2,17-29; Rm 10,19-21; v.v…)

NGUYỆN:

Lạy Chúa, bài Tin Mừng về lễ Hiển Linh khiến con phải xét lại cách sống đạo của con. Có thể con đang sống theo kiểu người Do Thái xưa, hiểu biết về Chúa rất nhiều, nhưng lại sống một lối sống hết sức xa lạ với tinh thần Tin Mừng. Xin Chúa hãy làm cho trái tim của con mềm lại thành trái tim bằng thịt đích thực, biết rung cảm trước những đau khổ, những cảnh ngheo nàn túng thiếu, những thế kẹt của những người đang sống quanh con, đồng thời biết quảng đại ra tay giúp đỡ, dấn thân bênh vực. Amen
Lm Anrê Nguyễn hữu Nghĩa=====================Hãy Đón Nhận Những Ngôi Sao Ân SủngGần 2 tuần trước Giáo Hội mừng đại lễ Giáng Sinh, Ngôi Hai xuống thế làm người: "Ngôi Lời hóa thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta" (Gn 1:1ê). "Ngôi Lời là ánh sáng thực. Những ai tiếp đón Người sẽ được trở nên con Thiên Chúa" (Gn 1:9,12).

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Hiển Linh (Ba Vua), lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Chúa không chỉ tỏ mình ra một lần cho ba vua đại diện cho dân ngoại cách đây 2000 năm, nhưng Ngài vẫn còn và sẽ luôn tỏ mình ra cho từng người chúng ta. Hôm nay chúng ta cùng nhau suy về một điểm nhỏ đó là việc Chúa tỏ mình ra cho từng cá nhân trong cuộc sống thường ngày.

Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc ba vua xuất hiện trong bối cảnh Giáng Sinh ít lâu sau khi Chúa sinh ra đời. Sau bao lâu ta không biết nhưng điều quan trọng là các ngài đã đến thờ lậy Chúa. Việc xuất hiện của ba vua dạy cho ta một bài học hữu ích là các ngài đã sẵn sàng theo đuổi sự hướng dẫn của trời cao. Sự hướng dẫn đó biểu lộ qua ngôi sao sáng. Ngôi sao này có thật hay không không quan trọng bằng việc các ngài đã đón nhận lời mời của trời cao.

Ba vua đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn khi theo đuổi ngôi sao thì ta không biết, nhưng ta chỉ biết là các ngài đã sẵn sàng theo sự hướng dẫn từ trời. Một điều chắc chắn không thể nghi ngờ được là khi quyết định theo ngôi sao sáng các ngài đã phải hy sinh rất nhiều: chăn ấm, gối êm, bạn bè thân thuộc, và nhất là những lời chỉ trách phê bình của những người không hiểu được việc làm của các ngài. Nhưng vì đã sẵn sàng đáp lại ơn thánh của Chúa trong hoàn cảnh đó các ngài đã được thấy Chúa Kitô.

Không có ngày nào qua đi mà không có những lúc Chúa muốn ban ơn sủng cho ta. Tuy những lúc đó không được biểu lộ cách rõ ràng như ngôi sao sáng, nhưng dù sao cũng là những dấu chỉ ân sủng. Nó có thể là một sự thúc đẩy đi làm hòa với một người, hay giúp đỡ tha nhân khi họ chưa kịp ngỏ lời, hoặc viếng thăm và tham dự một thánh lễ tại nhà thờ nơi mà ta đã lâu nay tránh xa. Đây chỉ là một vài thí dụ nho nhỏ và chắc chắn còn có nhiều lúc tương tự mà Chúa muốn ban ơn thánh cho ta.

Hình thức ơn sủng đến với ta không quan trọng bằng tinh thần đón nhận chúng. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình đã, đang và sẽ đáp lại những lúc Chúa muốn ban ơn cho ta như thế nào? Dĩ nhiên khi đáp lại ơn Chúa chúng ta sẽ phải trả giá. Ta sẽ phải hy sinh nhiều" có thể bị xã hội cười chê, trách móc, nhưng đó là điều kiện cần thiết một khi muốn cương quyết đáp lại lời Chúa kêu mời.

Lời đáp trả phải mau chóng vì những dịp may Chúa ban ơn không kéo dài. Chúng sẽ qua đi rất nhanh. Nếu chần chừ chúng sẽ tan biến vào không gian như những vì sao và sẽ không tái xuất hiện. Vì thế ta cần chuẩn bị tinh thần để có thể nhận ra lời mời của Chúa và đáp lại cách mau chóng. Làm như thế chúng ta cũng sẽ được nhìn thấy Chúa Kitô, ánh sáng của trần gian như ba vua xưa. Và chúng ta sẽ chia sẻ ánh sáng đó cho mọi người qua lời nói và cử chỉ của chúng ta.
Br. John Quốc Toản, CMC==============================CHÚA GIÊSU TỎ MÌNH RA CHO CÁC DÂN, CÁC NƯỚC NGOÀI DÂN TỘC DO THÁI

NHẬP LỄ :
Trong thánh lễ hôm nay chúng ta hãy cầu xin cho nhau, để xin Chúa hãy ban cho chúng ta có một thiện chí và một tâm hồn thật mềm mỏng, dễ dạy để có thể nhận được những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời và tìm được ơn cứu độ. Mặc dù trên hành trình đi tìm Chúa vẫn có nhiều khó khăn, hy sinh và thử thách nhưng hãy noi theo những đạo sĩ.

Chúng ta cũng cầu xin cho nhau, để chúng ta vừa là những con người luôn biết đi tìm Chúa, để gặp được Chúa. Nhưng cũng còn phải cố gắng để trở nên những ánh sao dẫn đường cho những người khác, cho những anh em lương dân bằng đời sống Kitô hữu tốt lành, thánh thiện để giúp họ tìm về với Chúa, gặp được Chúa, gặp được đạo thật và được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Chúa.

Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các đạo sĩ hôm nay là khi đã gặp được Chúa rồi, các ông đã từ bỏ con đường trước đây, để đi con đường khác trở về.

Chúng ta cũng vậy, ước gì khi đã gặp được Chúa rồi thì mỗi người chúng ta cũng biết thay đổi đời sống mình để nên tốt hơn. Amen.

****

Một nhà truyền giáo đã kể lại một câu chuyện lạ về một hòn đảo thuộc vùng rất xa đất liền. Một hòn đảo mà chưa có một nhà truyền giáo nào đặt chân đến, nhưng hơn 100 gia đình ở đảo đã trở lại đạo công giáo. Họ đã rửa tội cho nhau và hướng dẫn nhau sống đời sống Kitô hữu rất tốt. Khi hỏi ra mới biết cách đây ít năm, có một gia đình công giáo đã tới sống ở đảo. Đó là một gia đình về kinh tế cũng ở mức độ trung bình, nhưng họ sống thuận hoà vui vẻ và yêu thương nhau, chỉ có vậy thôi, và họ đã cảm hoá được toàn dân trên đảo. Theo gương của gia đình đó, dân chúng đã tìm được chân lý thật và tin vào Chúa Kitô.

Một câu chuyện lạ lùng khác là ngay tại miền Bắc Việt Nam chúng ta, nơi có một số dân tộc thiểu số sinh sống. Họ cũng là những con người đơn sơ, thật thà chất phát, chưa biết gì về đạo, cũng chưa có một linh mục nào đến rao giảng về đạo cho họ, nhưng họ chỉ nghe nói về Chúa qua đài phát thanh của đạo Tin Lành trên radio, thế mà họ đã tin Chúa và xin rửa tội theo Giáo Hội Công giáo hàng ngàn người.

Thưa quý ÔBAEC.

Những câu chuyện đó cho thấy: Chúa có thể lôi kéo người ta đến với Chúa, bằng rất nhiều cách, có thể do tự họ tìm tòi, suy nghĩ, có thể do từ một gương sáng của ai đó; hoặc của một linh mục, tu sĩ hay của một người giáo dân, có thể Chúa tự biểu lộ ra cho họ sau một cơn bệnh, sau một tai nạn, hoặc sau một biến cố của cuộc đời họ vv...

Câu chuyện các nhà đạo sĩ phương Đông tìm về máng cỏ trong bài Tin Mừng thánh Mátthêu kể lại hôm nay đã giúp chúng ta hiểu phần nào ý định của Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu sinh ra, trên bầu trời xuất hiện một ngôi sao lạ, có thể cả thế giới đều nhìn thấy ngôi sao, nhưng chỉ có mấy nhà đạo sĩ từ phương Đông chú ý theo dõi và lên đường đi theo hướng sao chỉ, vì các ông là những con người thiện chí sẵn sàng đi tìm Chúa và đón nhận Tin Mừng.

Các nhà đạo sĩ lên đường tìm Chúa, họ đã phải hy sinh rất nhiều, nào là tiền của, nào là sự vất vả, nào là những hiểm nguy trên đường vì thời xưa phương tiện đi lại đâu có như ngày nay, mà thường là bằng lạc đà để đi quãng đường xa và lâu ngày, cũng không có những khách sạn loại năm sao đầy đủ tiện nghị như hôm nay. Như vậy, các đạo sĩ đã chấp nhận một sự liều lĩnh của cuộc hành trình, một sự liều lĩnh táo bạo để đi tìm một Đấng mà các ông không biết rõ cách chính xác Đấng đó đang ở đâu, mà chỉ lần mò theo ánh sao dẫn lối và vừa đi vừa thăm hỏi, nhưng các ông đã chứng tỏ ơn Chúa giúp để các ông đạt được ý nguyện. Các ông đã không nản chí, sờn lòng nhưng đã can đảm và kiên trì... để cuối cùng gặp được Đấng cứu độ.

Trong khi đó, dân Do Thái đã thấy ngôi sao, đã được nghe lời các tiên tri loan báo trước trong Kinh Thánh, như ngôn sứ Isaia đã viết: “Dân đi trong tăm tối đã thấy ánh sáng, vì một em bé đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,1-5), vậy mà họ vẫn không chịu đi tìm, vẫn không hề nhận ra Đấng cứu độ.

Còn với vua Hêrôđê, ông cũng không biết Đấng cứu thế mới sinh ra, chỉ đến khi ông nghe các đạo sĩ đến hỏi thăm, thì ông mới giật mình sửng sốt. Điều đó cho chúng ta biết rằng: Vua Hêrôđê là một con người rất lãnh đạm với tôn giáo vì ông chỉ lo sống cho ông, sống hưởng thụ. Đàng khác ông còn sợ Chúa đến sẽ lấy đi vinh quang, lấy đi quyền hành của ông, nên ông đã tìm cách tiêu diệt Chúa, loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc sống, ngăn không cho Chúa đi vào lịch sử nhân loại, không những ông không muốn Chúa đến với ông, mà ông còn ngăn cản không cho Chúa đến với những người khác nữa.

Thực sự Chúa đến không phải để gây xáo trộn an ninh trật tự, Chúa đến không phải là một nguy hiểm cho xã hội, không phải là một hăm doạ cho quyền hành chính trị... Nhưng Chúa đến để mang lại tình thương, để mang lại sự đạo đức đích thực, để phục vụ con người và giúp con người tìm được hạnh phúc vĩnh cửu.

Kính thưa quí ông bà anh chị em.

Trong cuộc sống của chúng ta, Chúa cũng thường xuyên gởi cho chúng ta nhiều dấu chỉ như là một ngôi sao dẫn chúng ta đi về với Người. Có thể đó là một lời dạy dỗ của các vị chủ chăn, có thể đó là một biến cố vui buồn trong gia đình, có thể đó là một lời Chúa đánh động trong tâm hồn, và có thể đó là một gương sáng mà chúng ta được nghe hay được thấy.

Nhưng tôi nghĩ, để có thể nhận ra tiếng Chúa nói với chúng ta, nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng ta như ánh sao dẫn đường, thì chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng, như một thửa đất đã được làm cỏ sạch, đã được cày bừa để sẵn sàng đón nhận hạt giống tốt. Cần phải có lòng khao khát, cần phải cầu nguyện và quảng đại, cần phải cố gắng tìm hiểu như các nhà đạo sĩ hôm nay thì chúng ta mới có thể tìm gặp được Chúa trong cuộc đời.

Thực tế trong đời thường, có lẽ nhiều khi chúng ta quá mải mê đi tìm của cải vật chất, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm với lời mời gọi của Chúa hay còn tệ hại hơn nữa là sợ rằng: Chúa đến, Chúa sẽ quấy rầy cuộc sống yên ổn của chúng ta chăng? Chúa đến thì chúng ta phải từ bỏ những ước muốn xấu xa và bất chính của mình chăng?

Trong thánh lễ hôm nay chúng ta hãy cầu xin cho nhau, để xin Chúa hãy ban cho chúng ta có một thiện chí và một tâm hồn thật mềm mỏng, dễ dạy để có thể nhận được những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời và tìm được ơn cứu độ. Mặc dù trên hành trình đi tìm Chúa vẫn có nhiều khó khăn, hy sinh và thử thách nhưng hãy noi theo những đạo sĩ.

Chúng ta cũng cầu xin cho nhau, để chúng ta vừa là những con người luôn biết đi tìm Chúa, để gặp được Chúa. Nhưng cũng còn phải cố gắng để trở nên những ánh sao dẫn đường cho những người khác, cho những anh em lương dân bằng đời sống Kitô hữu tốt lành, thánh thiện để giúp họ tìm về với Chúa, gặp được Chúa, gặp được đạo thật và được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Chúa.

Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các đạo sĩ hôm nay là khi đã gặp được Chúa rồi, các ông đã từ bỏ con đường trước đây, để đi con đường khác trở về.

Chúng ta cũng vậy, ước gì khi đã gặp được Chúa rồi thì mỗi người chúng ta cũng biết thay đổi đời sống mình để nên tốt hơn. Amen.
Bài giảng của Đức Cha Bùi Tuần - Gm Long Xuyên

home Mục lục Lưu trữ