Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1361118

TÍN THÁC VÀO CHÚA

TÍN THÁC VÀO CHÚA

 

Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

Tin Mừng Mt 14: 22-33: Tin mừng hôm nay ghi lại sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ Tibêria. Phép lạ này tiếp tục là lời mời gọi hãy tín thác vào Chúa.

Thiên Chúa kết hợp mật thiết trong đời sống con người. Ngài phung phí tình yêu của Ngài cho chúng ta cách lạ kỳ. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đến với nhân loại, nói với nhân loại qua các Tiên tri mà vẫn chưa đủ để thỏa mãn tình yêu của Ngài, Thiên Chúa đã làm người nơi Chúa Giêsu, Con Một của Chúa Cha. Người đã sống giữa nhân loại trong thời gian. Người tiếp tục sống, hiện diện và hoạt động nơi Thánh Thần, Giáo hội và Bí tích Thánh thể của Người.

Sự hiện diện của Thiên Chúa kín đáo, im lặng và vô hình. Cần phải có con mắt đức tin để nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. "Kẻ kém lòng tin. Tại sao lại nghi ngờ?" Lời Chúa Giêsu khiển trách Phêrô cũng liên quan đến chính chúng ta, Kitô hữu hôm nay. Chúng ta hãy cầu xin cho đức tin mỗi người thêm mạnh mẽ, vững vàng để nhạn ra bàn tay Chúa Giêsu đang nâng đỡ trước những đau khổ, thử thách và cám dỗ.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: 1V 19,9.11-13

Tiên tri Êlia gặp gỡ Thiên Chúa trên Núi Sinai

Thiên Chúa đã tỏ mình ra với Tiên tri Êlia không phải trong cảnh tượng hùng vĩ kinh thiên động địa, nhưng trong im lặng của sự hiện diện nội giới và thiêng liêng, biểu tượng là cơn gió nhẹ.

a. Chống cự lại Nữ hoàng Jézabel, muốn du nhập vào Israel việc thờ cúng Thần Baal, Tiên tri Êlia đã gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ông đã phải trốn về phía nam của Sinai, là nơi ngày xưa Môsê đã gặp Thiên Chúa.

b. Nhưng trong khi Thiên Chúa tỏ mình cho Môsê với sức mạnh của gió lốc tự nhiên, thì Ngài lại tỏ mình cho Êlia, con người đang kiệt sức và chán nản, bằng sự dịu dàng trong im lặng của núi rừng, trong tiếng thì thào.

c. Thiên Chúa mạc khải những điều cao siêu kín nhiệm ngay trong nội giới của các Tiên tri, chứ không bằng các hiện tượng lạ thường bên ngoài. Điều này là kinh nghiệm cho đời sống nội tâm của Kitô hữu: tìm Chúa, gặp Chúa và lắng nghe tiếng Chúa trong chính tâm khảm của mình là nơi bí ẩn. Tiếng Chúa cần phải được đánh động lương tâm mỗi người.

2. Bài đọc II: Rm 9,1-5

Nỗi đau khổ lớn lao của Phaolô

Thánh Phaolô nói nỗi buồn lớn lao nhất của ngài là thấy phần lớn anh em Do Thái của ngài không tin vào Đức Kitô. Nếu cần thiết làm hiến vật tách khỏi Đức Kitô vì người Do Thái, ngài cũng chấp nhận.

a. Toàn bộ chương 9 của Thư Rôma này, Phaolô đề cập đến vấn nạn dân Do Thái không tin nhận Chúa Giêsu Kitô.

b. Ước vọng của Phaolô không thể thực hiện được nhưng lại nói lên tình yêu lớn lao của ông dành cho dân tộc của mình, một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, được đón nhận tràn đầy nhất đặc quyền trải suốt nhiều thời đại.

c. Người Do Thái có nhiều đặc ân mà các dân tộc khác không thể nào được, thế mà phần đông họ lại không tin vào Chúa Giêsu Kitô, tự đánh mất ơn cứu độ, ơn nghĩa tử.

3. Tin mừng: Mt 14,22-24

Chúa Giêsu đi trên mặt nước

Tin mừng hôm nay ghi lại sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ Tibêria. Phép lạ này tiếp tục là lời mời gọi hãy tín thác vào Chúa.

a. Việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ, xem ra như là phép lạ chỉ dành riêng cho các môn đệ, những người đang ở trên con thuyền, nghĩa là cho Giáo hội của Người. Chính Chúa Giêsu sẽ là Đấng cứu Giáo hội khỏi mọi dòng nước dữ, mọi cơn sóng nguy hiểm rình chực nhận chìm con thuyền Giáo hội.

b. Phêrô đi trên mặt nước: Ông được Chúa Giêsu thông ban quyền lực của mình, đây là chi tiết làm nổi bật khía cạnh Giáo hội học của bản văn. Giáo hội được Người thông ban các năng quyền để phục vụ nhân loại. Tuy nhiên, Phêrô chỉ đi được trên mặt nước khi ông tin, còn khi ông kém tin, tỏ ra sợ hãi thì ông bị chìm. Mọi quyền năng, ân sủng đều đi kèm theo lòng tin. Một khi đã tin thì không có gì mà không làm được.

c. Kết thúc trình thuật là lời tuyên xưng của mọi người: "Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa". Lời tuyên xưng này mở ra một hành trình mới, đánh dấu một sự trưởng thành trong niềm tin của các môn đệ. Tín thác vào Chúa Giêsu Kitô để mạnh mẽ, can đảm vững bước theo Người.

II. GỢI Ý BÀI GIẢNG

1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an:

Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba bão táp của cuộc sống, những lúc như thế, hơn bao giờ hết cần phải chạy đến với Chúa Giêsu Kitô. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao sóng gió.

Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.

2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu:

Các môn đệ vì sợ hãi sóng to gió lớn nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: "Thầy đây, đừng sợ". Còn hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải: sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng ; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người: Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy.

Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng trong thử thách gian nan. Nếu biết tín thác vào Người, thì càng khó khăn, càng vất vả, càng gặp nguy khốn, càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, càng trung thành theo giáo huấn của Người và càng tìm kiếm được bình an.

3. Can đảm dấn thân lên đường cùng Giáo hội:

Việc chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ trên thuyền là một hình ảnh mang tính Giáo hôi học. Chúa Giêsu luôn đồng hành cùng con thuyền Giáo hội. Phêrô thủ lãnh của Giáo hội, tin tưởng nhảy xuống nước để bước đi. Mọi thành phần Giáo hội hôm nay cũng phải tin tưởng cùng nhau nhảy xuống nước để đi gặp Chúa Giêsu. Khi Phêrô sợ hãi, kém tin là chính lúc đó ông bị chìm. Một khi đã liều mình theo Chúa thì phải theo đến cùng, bằng không chính nỗi sợ hãi sẽ nhạn chìm chúng ta.

Kitô hữu phải biết can đảm mạnh mẽ băng mình vào dòng đời này, để loan Tin mừng cho con người và thế giới hôm nay. Cùng với toàn thể Giáo hội, lèo lái con thuyền Giáo hội xông pha vào trong bão táp của thế giới đầy bất công, bạo lực, chiến tranh, vô luân này không chút sợ hãi. Chúa Giêsu luôn hiện diện và ở cùng con thuyền Giáo hội.

III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU:

Mở đầu: Anh chị em thân mến, xác tín vào sự hiện diện mang bình an của Chúa Giêsu trong cuộc sống này, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1. Giáo hội ngày nay đã và đang đương đầu với biết bao thách đố, chống đối trong đời sống luân lý. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta luôn được hồn an xác mạnh, kiên định trong đức tin, vững vàng trong đức cậy và chân thành trong đức mến để hướng dẫn dân Chúa vững bước trên đường nên thánh.

2. Ngày nay thế giới đang phải đối đầu với biết bao tai ương, chiến tranh và phân hóa, khiến cho biết bao người phải sống trong sự bấp bênh kinh tế, bất ổn tinh thần và bất hòa với nhau. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức thiện nguyện, các phong trào xã hội luôn hết lòng cộng tác để xây dựng một thế giới văn minh, hòa bình và thịnh vượng.

3. Cuộc sống Kitô hữu không thể tránh khỏi phong ba bão tố. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn tìm được nơi Chúa Giêsu sự bình an và sức mạnh để can đảm tuyên xưng niềm tin của mình.

Lời kết: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nguồn mạch bình an. Chúng con, từng hoàn cảnh, từng cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn đã và đang gặp biết bao sóng gió thử thách. Xin Chúa đến với chúng con, nâng đỡ chúng con và giúp chúng con vững bước trong niềm tin của mình. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

21.Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con

(Suy niệm của Lm. Anmai, DCCT)

Liệu người ta có sống được không khi không có lòng tin? Câu trả lời dường như quá dễ dàng, người ta chết vì thiếu cơm thiếu gạo, thiếu chất dinh dưỡng hay thuốc men chứ có ai chết vì thiếu lòng tin!

Nhưng cứ thử hình dung, một đứa trẻ nếu không có lòng tin vào tình thương, vào trách nhiệm của cha mẹ mình thì dù có ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ mọi tiện nghi, thậm chí được học hành thì đứa trẻ ấy cũng chẳng bao giờ được sung sướng. Nếu sống như vậy nó chỉ là một đứa trẻ vất vưởng mồ côi, có lẽ trong số những trẻ bỏ nhà đi bụi đời nhiều em đã mang theo cõi lòng tan hoang như thế. Bình thường, ra khỏi cái thế giới của gia đình, một thiếu niên có thêm lòng tin mới, tin vào thầy cô bạn bè, nhà trường. Chúng đau khổ khi bị bạn bè chơi xấu, và đâu đó nhà trường đã biến thành thị trường, người dạy không vì chúng mà vì túi tiền của cha mẹ chúng nên chúng đã hỗn láo, hư hỏng hoặc lớn lên ra trường đi làm, chúng tìm mọi cách để tận thu lại với đời.

Vợ chồng mà không tin nhau thì dù nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm thì cũng chỉ là một sự "liên hiệp", và những cuộc hành lạc hợp pháp. Không niềm tin thì không thể có tình yêu, còn hạnh phúc càng là chuyện hoang tưởng.

Một cuộc sống thiếu lòng tin thì đó không phải là cuộc sống...

Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.

Nhan nhản, sách báo, tivi, các chương trình truyền thông đại chúng cho chúng ta thấy một cuộc đời thật ê chề, thật chán chường. Tất cả chỉ là những lời hứa hão huyền, những lời hứa cuội. Mới đây thôi, tuần qua, một sự kiện đáng nhớ của người dân Sài Gòn: cơn mưa chiều ngày 1 tháng 8 đã biến Sài Gòn thành một dòng sông. Do đâu? Do người ta hứa hẹn, người ta thiếu trách nhiệm để ma lo cho dân. Ngân sách rót ra cho chuyện sửa chữa cầu cống, ngập lụt đổ ra bạc tỷ, tiền ấy gom góp từ mồ hôi nước mắt của dân, vậy mà sau những trận mưa thì người dân hoàn toàn chịu trận. Chịu riết rồi chẳng còn ai tin vào lời hứa là sẽ lo cho dân, sẽ phục vụ dân nữa. Một lần, hai lần, ba lần người ta còn cố gắng chờ đợi để mà tin nhưng nhiều lần quá chẳng ai còn can đảm để mà tin.

Ngoài đường là như vậy, còn trong nhà thì sao? Trong nhà hình như cũng nhuốm một cái màu đen tối của sự mất niềm tin vào nhau. Ai cũng sợ sống sự thật, đối diện với sự thật để rồi người ta không còn đến với nhau thật lòng nữa. Chắc có lẽ từ cái lối sống "làm láo báo cáo hay" nó nhen nhúm vào trong con người ta khi nào mà người ta không hay để rồi ai cũng báo cáo, cũng "nổ" cũng tô son trát phấn về mình. Vì sao? Vì sợ người đối diện biết cái bộ mặt thật của mình nên người ta phải làm như vậy. Và khi làm như vậy đến một lúc nào đó cũng xuất đầu lộ diện thì thử hỏi còn ai dám tin vào nhau nữa?

Cay đắng, bi đát ở chỗ là con người, ai ai cũng thấy và cần sống với những người có niềm tin vào nhau nhưng rồi người ta cư xử với nhau làm sao đấy. Cứ thật thật giả giả lẫn lộn để rồi đi tìm một lòng tin nguyên vẹn hơi bị hiếm.

Đứng trước vấn nạn của lòng tin, chúng ta có lòng tin như thế nào với người xung quanh và người xung quanh chúng ta có tin chúng ta hay không? Cách riêng, người kitô hữu, người có Chúa thì sống lòng tin như thế nào?

Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục... được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta?

Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.

Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh:

Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời

Thì hơn tin cậy ở người trần gian

Tin vào thần thế vua quan

chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời (Tv 117, 8.9)

Cuộc đời mỗi người chúng ta vẫn bị giằng co, vẫn đứng giữa cái ngã ba đường là dựa vào Chúa hay dựa vào thần thế vua quan, tin vào Chúa hay tin vào của cải vật chất? Đây không phải là chuyện đơn giản mà là chuyện chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật.

Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn lại tất cả các biến cố lớn bé từ khi cất tiếng khóc chào đời đến ngày hôm nay chúng ta thử hỏi xem ai đã quan phòng cho cuộc đời chúng ta? Ai yêu thương chúng ta? Ai là thành luỹ đời chúng ta? Ai là cùng đích đời chúng ta? Vậy mà chúng ta đã không dựa vào tình yêu, vào đấng quan phòng, vào thành luỹ, vào Chúa của đời chúng ta mà chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong cái thế giới vật chất, trong cái thế giới mau qua chóng tàn này.

Tuần trước, khi đang giúp cho một đôi hôn phối do một cha trong Dòng nhờ bỗng dưng cô bé nói với tôi rằng: "Mẹ bạn trai con đi coi thầy rồi, phải là trong tháng 10 này phải cưới vì tuổi của con và tuổi của anh ấy chỉ cưới trong tháng 10. Nếu không thì chúng con phải đợi đến 3, 4 năm nữa mới cưới được!".

Tôi nghe xong tôi ngạc nhiên vì tôi biết rằng hai bên đều là đạo gốc, được học hành giáo lý nghiêm túc ở một giáo xứ lớn hẳn hoi mà nói với tôi như thế! Hoá ra là mẹ của chú rễ dù là người có đạo nhưng hình như chẳng còn tin vào Chúa mà tin vào ông thầy bói. Tôi bèn nói với hai bạn trẻ rằng tôi cảm ơn mẹ của chú rễ. Và, nếu được xin kính mời bà mẹ của chú rễ đến đây, dẫn tôi đến với ông thầy bói nào đó đã coi cho hai bạn. Tôi nói rằng:

Thứ nhất: tại sao ông thầy bói coi cho hai bạn được mà sao không coi tương lai cho ông như thế nào? Tại sao ông phải đi lượm bạc cắc từ những người nhẹ dạ và thiếu lòng tin vào Chúa? Nếu giỏi, sao ông không coi chiều nay xổ số ra số mấy để ông mua nguyên tập vé số để có nhà lầu xe hơi mà phải đi coi bói thế này?

Thứ hai: nếu được nhờ ông coi xem tương lai tôi có làm giám mục hay không? Nếu tôi làm giám mục tôi mời ông về ở trong "Toà" với tôi? Làm gì mà ông coi được? Ngay cái bản thân của ông ông không biết ông sống ngày nào, chết ngày nào sao mà coi được cho ai?

Và còn nữa về chuyện thiếu lòng tin vào nhau, thiếu lòng tin vào Chúa nên đến với bói toán. Nhất là các cô các chị. Đôi khi chồng mình mệt mỏi hay có vấn đề gì không chịu hỏi, chạy tới hỏi ông thầy bói và khi mở bài lên con đầm bích. Ông phán ngay cho một câu là chồng chị có một người nước da ngăm ngăm theo đuổi! Thế là về nhà mặt nặng mày nề với ông chồng mà không chịu hỏi thực hư!

Thời buổi ngày hôm nay người ta thường nói đùa với nhau là "lên cung trăng" rồi mà người ta còn tin vào bói toán. Thật ra số người tin vào bói toán ngày nay còn nhiều chứ không phải là ít, cách riêng là nữ giới. Vì nhẹ dạ, vì thiếu lòng tin và nhất là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên họ dựa vào bói toán là điều dễ hiểu. Lẽ ra trong những cơn gian nan thử thách của cuộc đời họ tìm đến Chúa, họ cậy vào Chúa nhưng không, họ đã tìm đến những con người tầm thường của thế gian.

Và như đã nói ở trên, cuối đời Phêrô hối hận về tất cả những gì mình làm buồn phiền Thầy mình nên Ngài đã làm lại tất cả những gì có thể được để minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thầy Chí Thánh. Và với lời nguyện xin quen thuộc của Ngài khi Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh với mẻ cá lạ, mỗi người chúng ta trong từng phút từng giây của cuộc đời cũng biết thưa như Phêrô: "Lạy Ngài ơi thương đến! Xin củng cố giúp con! Này lòng tin con đây còn mỏng dòn non yếu! "Lạy Ngài ơi thương đến! Xin củng cố giúp con! Này lòng tin con đây hầu đã vỡ tan rồi" (bài Con tin thưa Thầy - linh mục Thành Tâm)

Khi và chỉ khi ta đặt niềm tin của ta vào Chúa như Phêrô thì cuộc đời ta mới bình an giữa muôn sóng sóng gió của cuộc đời này được.

Nguyện xin Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch của lòng tin đến và ở lại trên cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta luôn trao phó cuộc đời của chúng ta vào trong bàn tay của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào mà chúng ta đang sống.

 

22.Chính là Ta! Đừng sợ!

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Như Marcô và Gioan, Matthêô đặt trình thuật “Chúa Giêsu đi trên mặt nước” nầy (14,22-32) ngay sau trình thuật về bánh cá hoá nhiều nuôi năm ngàn người. Cả hai trình thuật đều nhằm trả lời những thắc mắc của dân làng Nazaréth (13,54-56), Hêrôđê (14,2), và cả môn đệ (8,27) về căn tính của Chúa Giêsu đã được nêu ra trước đó. Trong câu chuyện bánh cá hoá nhiều, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân chúng như vị mục tử được Thiên Chúa sai đến để nuôi sống họ. Phần các môn đệ, họ chưa nhận ra Ngài là ai (x. 16,9-10). Trong trình thuật nầy, Chúa Giêsu sẽ tỏ mình vinh quang cho họ qua biến cố trên mặt biển, và chính họ sẽ tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa.

Bối cảnh không gian của câu chuyện được xác định là từ lúc Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên thuyền, eis to ploiton (c. 22) và kết thúc là lúc Phêrô đã trở lại trong thuyền; và lúc nầy tất cả các môn đệ đều tuyên xưng Ngài là “Con Thiên Chúa”, eis ton ploiton (c. 32). Cụm từ nầy đóng khung câu chuyện. Hơn nữa, hạn từ eutheōs/euthus xuất hiện ba lần (cc. 22, 27 và 32) và đánh dấu các hành động quyết định của Chúa Giêsu ở khởi đầu, đoạn giữa và kết thúc của câu chuyện. Hạn từ nầy giúp phân đoạn bố cục của câu chuyện như sau: Dẫn nhập (cc. 22-23); Chúa Giêsu với các môn đệ (cc. 24-27); Chúa Giêsu với Phêrô (cc. 28-32); Kết luận (c. 33).

Chủ đề của đoạn 14,22-32 liên quan đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu. Matthêô trình bày theo cách tiệm tiến việc các môn đệ nhận biết Ngài: “ma”, phantasma (c. 26), “Chúa”, kyrie (c. 28), và cao điểm là “Con Thiên Chúa”, Theou uios ei (c. 33). Bên cạnh việc tuyên xưng nầy, Chúa Giêsu còn tự mạc khải “Thầy đây”, egō emi (c. 27).

Dẫn nhập (cc. 22-23)

Các môn đệ đã có mặt với Chúa Giêsu vào buổi chiều ngày Ngài làm phép lạ bánh cá hoá nhiều nuôi năm ngàn người ăn (14,15). Họ đã chứng kiến phép lạ mà họ không nghĩ đến. Họ đã muốn Chúa Giêsu giải tán dân chúng (14,15), nhưng Chúa Giêsu chỉ làm theo đề nghị của họ sau khi chính Ngài đã cho họ ăn thỏa thuê (c. 22). Ngài đã tự tỏ mình ra cho dân chúng như là vị mục tử tốt lành nuôi sống đàn chiên. Bây giờ Ngài muốn tỏ mình ra cho các môn đệ.

Matthêô không đề cập điểm đến “Bethsaiđa” thuyền của các môn đệ như trong Marcô (Mc 6,45). Thật ra, câu chuyện sẽ không diễn ra ở bờ bên kia, mà trên đường đến bờ bên kia. Matthêô nhấn mạnh là Chúa Giêsu “cầu nguyện riêng một mình trên núi”, kat’ idian proseuzasthai (c. 23) và sau đó Ngài đến với các môn đệ; trong khi Marcô lại trình bày Chúa Giêsu “một mình trên núi” và nhìn xuống Ngài thấy thuyền các môn đệ đang ra giữa dòng và gặp gió bão (x. Mc 6,47), và Ngài đi xuống và đến với họ. Như thế, cụm từ kat’idian, “riêng” như thánh sử đã dùng trong nhiều trường hợp khác (x. 14,13; 17,1; 20,17; 24,3), cho biết trước là Chúa Giêsu sắp sửa mạc khải một điều quan trọng liên quan đến bản thân Ngài.

Hai phần cc. 24-27 và cc. 28-32 nằm trong khung cảnh là thuyền đang gặp sóng gió và Chúa Giêsu đến với họ. Câu chuyện bắt đầu từ khi sóng gió nổi lên (c. 24) và chấm dứt khi sóng gió yên lặng (c. 32). Hạn từ “gió”, anemos (cc. 24 và 32) đóng khung phần chính nầy.

Chúa Giêsu với các môn đệ (cc. 24-27)

So sánh với đoạn song song trong tin mừng Marcô (Mc 6,45-52), chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Trước tiên Matthêô nhấn mạnh bằng cách đặt đầu câu là “chiếc thuyền” bị lắc lư, to de ploion (c. 24); trong khi Marcô kể là chính “các môn đệ”, autous (Mc 6,48); tiếp đến là Matthêô bỏ yếu tố “Chúa Giêsu thấy” như trong Marcô, thay vào đó, Matthêô ghi nhận là các “môn đệ thấy” Chúa Giêsu đến với họ (c. 26). Sau cùng Matthêô thêm vào yếu tố (lắc lư) “bởi sóng”.

Trong các câu 24-27 Matthêô cho thấy sự tuơng phản trong thái độ và lời nói của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trước tiên thánh sử trình bày cảnh con thuyền trước sóng gió trên biển. Sóng làm lắc lư con thuyền trên đó có các môn đệ. Động từ basanizō, chỉ được dùng 3 lần trong Matthêô diễn tả sự hành hạ trên con người do bệnh tật (8,6), trên ma quỉ do việc Con Thiên Chúa đến (8,29), và trên chiếc thuyền do sóng gió (14,24). Việc các môn đệ đặt câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu sau khi ngài làm cho sóng gió yên lặng (8,27) cho thấy biển cả biểu tượng cho một quyền lực hỗn mang mà con người không thể làm chủ được. Các môn đệ trên thuyền cũng bị lắc lư bởi các đợt sóng. Trong khi đó, Chúa Giêsu “đi trên mặt biển” mà đến với họ. Cách diễn tả nầy có nghĩa là Ngài làm cho biển cả tùng phục Ngài và Ngài thống trị được nó (x. Tv 77,20; Gióp 9,8; Is 43,16; Xh 14,10-15,21; Tv 107,23-32; Khôn ngoan 14,2–4).

Tiếp đến, Matthêô mô tả các phản ứng tinh thần của các môn đệ (c. 26). Trước tiên họ kinh hãi, tarassō, khi nhìn thấy Chúa Giêsu. Từ phantasma, chỉ xuất hiện nơi đây và có nghĩa là “sự hiện ra”, “ma”. Vua Hêrôđê cũng kinh hãi tương tự khi nghe tin vua dân do thái mới sinh ra (2,3). Như thế, cả hai đều có một phản ứng giống nhau trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô. Phản ứng tiếp theo là sợ hãi, phobos (c. 26). Đây cũng là phản ứng trước các cuộc thần hiện (28,4.8).

Phần Chúa Giêsu (c. 27), Ngài củng cố các môn đệ bằng lời mạc khải về chính mình. Động từ thapseō, “vững lòng” được dùng chỉ ba lần, và trong hai lần khác được dùng vào cuối trình thuật chữa lành bệnh tật (9,2.22). Có thể nghĩ là Chúa Giêsu chữa lành các môn đệ khỏi sự kinh hãi trước sựđe dọa của sóng gió. Cụm từegō emi, “Thầy đây”, vừa là một khẳng định đối nghịch với phantasma, “ma”, vừa mang tính mạc khải về căn tính của Ngài. Ngài là Đấng hiện hữu (Xh 3:14; Is 41,4; 43,10; 47,8). Sau cùng là “đừng sợ!” Cụm từ nầy được Matthêô dùng hầu như chỉ trong bối cảnh của cuộc thần hiện (17,7; 28,5.10). Vậy, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ là một biểu lộ vinh quang và căn tính của Ngài cho họ.

Chúa Giêsu với Phêrô (cc. 28-32)

Phần nầy là riêng của Matthêô. Thánh sử trình bày câu chuyện của Phêrô như là sự tiếp nối câu chuyện của các môn đệđểđi một mạc khải rõ hơn về căn tính của Chúa Giêsu. Thánh sử dựa trên kết cấu của phần trước và liên kết với nó qua cách diễn tả và lập lại từ vựng.

Trong phần trước, các môn đệ nói Chúa Giêsu là “ma”; ở đây Phêrô đặt câu điều kiện “Nếu là Thầy” (c. 28) dựa trên khẳng định “Thầy đây” (c. 27), nghĩa là Phêrô đã được khai sáng. Tiếp đến, Phêrô muốn kiểm chứng giả thiết của mình bằng đòi hỏi một phép lạ, được đi trên mặt nước như Chúa Giêsu (cc. 28.29). Sau cùng, thay vì “gió ngược” làm con thuyền lắc lư, và việc thấy Chúa làm các môn đệ sợ hãi (cc. 24.26), ở đây “gió mạnh” mà Phêrô thấy làm cho ông sợ hãi (c. 30). Lần nữa, tương tự như trường hợp của các môn đệ, Matthêô đặt một mạc khải về Chúa Giêsu vào lúc Phêrô sợ hãi: “Lạy Chúa, xin cứu con”. Thánh sử đã dùng cách diễn tả như một số nơi khác trong tin mừng: động từ “thấy” + động từ “sợ hãi” và lời tuyên xưng về Chúa Giêsu (x. 9,8; 14,30; 27,54). Phêrô không chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, kyrie, mà cả Đấng có thể cứu vớt ông (1,21; 8,5).

Từ oligospistoi gồm oligos + pistis nghĩa là “ít + lòng tin”, “ít + tin tưởng”. Khác với 8,26, lời khiển trách nầy nhắm thẳng vào Phêrô. Sự thiếu tin tưởng nầy trước tiên bởi ông đặt một câu điều kiện với Chúa Giêsu “Nếu là Thầy”, và tiếp đến làông xin đến với Chúa Giêsu mà không nhìn vào Chúa, mà nhìn vào gió. Lòng ít tin tưởng nầy được làm mạnh thêm bởi câu hỏi “tại sao lại nghi ngờ”, distazō. Tuy được cho biết đó là Chúa rồi nhưng lòng nghi ngờ vẫn còn (x. 28,17).

Kết luận (c. 33)

Trình thuật kết thúc với cảnh các môn đệ quỳ gối thờ lạy Chúa Giêsu và tuyên xưng “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa” (c. 33). Thánh sử muốn tập trung vào Chúa Giêsu hơn là các môn đệ. Cao điểm của trình thuật chính là hành động “quỳ gối” và lời tuyên xưng “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho bánh cá hoá nhiều nuôi năm ngàn người cũng là Đấng đi trên mặt biển và cứu Phêrô khỏi chìm xuống nước. Ngài chính là Con Thiên Chúa, được sai đến trần gian để nuôi sống và cứu độ con người.

 

home Mục lục Lưu trữ