Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 81

Tổng truy cập: 1357297

TIN TƯỞNG CHỌN LỰA ĐỨC GIÊSU

TIN TƯỞNG CHỌN LỰA ĐỨC GIÊSU– Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 

Càng lúc càng tiến gần đến mầu nhiệm khổ nạn và thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta càng được mời gọi đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa bằng cách đón nhận người Con một của Thiên Chúa để được sống. Chúa Giêsu đã nói chuyện thân mật và thẳng thắn với Nicôđêmô, một bậc thầy trong dân do thái, và nhắc lại dấu chỉ được tường thuật trong Cựu ước là việc Môisen đã treo con rắn đồng lên cao trong sa mạc là hình ảnh báo trước thực tại là chính Người Con một Thiên Chúa cũng sẽ bị treo lên như vậy, để những ai nhìn lên người thì không bị hủy diệt nhưng được sống.

Cái chết đe dọa dân Chúa trong sa mạc là do thái độ cứng lòng tin của họ. Những người do thái, trong hành trình sa mạc để đến đất hứa, bị rắn cắn chết vì thiếu lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Họ chạy đến với Môisen và nhờ ông kêu cầu Thiên Chúa cứu chữa họ khỏi phải chết. Chúa truyền cho Môisen treo lên một con rắn đồng để những ai nhìn lên con rắn đồng thì được cứu thoát. Việc chữa lành này không phải là một phép mầu tự động, nhưng nó là biểu tượng ý nghĩa theo lệnh Chúa truyền cho Môisen, là lòng tin vào Thiên Chúa. Khi nhìn lên con rắn đồng thì được cứu thoát không phải bởi sức mạnh ma thuật nào hơn là sức mạnh của Thiên Chúa. Thực tại trọn vẹn mà biểu tượng rắn đồng báo trước giờ đây được mạc khải trọn vẹn nơi cái chết trên thập giá của Đức Giêsu Kitô. Tất cả biểu lộ tình yêu và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người : «Như Môisen đã tren con rắn lên ở sa mạc thế nào thì Con người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để những ai tin ở Người thì không bị hủy diệt, nhưng được sống đời đời ». Lời đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô nhấn mạnh ý định đầy lòng nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu độ và giải thoát con người khỏi phải chết đời đời. Thập giá đó là lúc Đức Giêsu, người con một Thiên Chúa được giương cao lên. Đó cũng là lúc biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập giá, lúc người Con một của Thiên Chúa chịu chết tủi nhục vì sự độc ác của loài người đến độ muốn khai trừ người, kể người vào số các tội nhân, lại là nơi và lúc mạc khải cao độ tình yêu của Thiên Chúa : «Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con một của mình, để tất cả những ai tin người Con của Thiên Chúa thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời ». Thập giá diễn tả tình yêu cứu độ, ý muốn cứu độ đầy tình yêu của Thiên Chúa đến mức độ không từ chối điều gì đối với con người, ngay cả cái chết ô nhục trên thập giá. Vì thế, thập giá vừa diễn tả tình yêu của Chúa Con đối với Cha và tình yêu của Cha đối với Con vừa diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi vong ân. Chúa Cha và Chúa Con đã yêu thương loài người và cùng hiệp nhất trong hành động cứu độ con người. Chúa Cha yêu thương loài người đến mức độ trao ban chính người con một của mình, Chúa Con yêu thương loài người đến mức độ trao ban chính mình nơi cái chết thập giá và Thánh Thần là tình yêu và sức mạnh Thần linh, luôn nối kết tình yêu và ý muốn của Thiên Chúa đối với loài người. Thập giá, nơi diễn tả cái chết đẩm máu, do hậu quả của tội lỗi của con người lại trở thành nguồn ơn tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.

Tình yêu mãnh liệt thì cũng đòi hỏi sự ưng thuận, và tình yêu càng mãnh liệt thì sự đáp trả là điều được chờ đợi hơn cả. Thiên Chúa chờ đợi lời ưng thuận của mỗi người đứng trước cái chết cứu độ đẩm máu của người Con một Thiên Chúa. Chúa Giêsu bị đóng đinh và treo trên thập giá chờ đợi lời ưng thuận và đáp trả của mỗi người. Đây cũng chính là lúc diễn ra sự phán xét. Sự phán xét diễn ra quyết định và tức thời trong cuộc đời hiện tại của mỗi người do bởi người Con một của Thiên Chúa đã hiện diện và đã chịu treo trên thập giá cho mỗi người. Mọi người được mời gọi ngay từ lúc này phải bó buộc lựa chọn và quyết định, không được phép chần chừ, hoặc họ chọn Chúa Giêsu để được cứu độ và được sống hoặc từ chối Đức Giêsu và vì thế phải bị hư mất đời đời. Chính mỗi người, với tự do của mình, quyết định cho sự sống hay sự hư mất đời đời của mình : «Ai tin người Con ấy thì không bị luận phạt, ai không tin người Con ấy thì bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con một Thiên Chúa ».

Vì thế, tin là chọn lựa và quyết định, là hành vi đến với sự sáng và sự sống, là can đảm và mạnh mẽ từ bỏ bóng tối tội lỗi với những thói hư tật xấu của mình. Thiên Chúa cũng chính là sự sáng và sự sống, mời gọi và thúc đẩy mỗi người chúng ta hãy đến với ngài cũng chính là chân lý cứu độ và giải thoát. Những ý tưởng của lời đối thoại với Nicôđêmô trở đi trở lại nhiều lần trong phần kết, thúc đẩy và hối thúc mỗi người hãy biết can đảm chọn lựa để đến với Thiên Chúa là chân lý và là ánh sáng ban sự sống. Lịch sử luôn là bài học của quá khứ để cho mọi người suy gẫm và biết tránh lặp lại những sai lầm của những người xưa. Hành vi tội lỗi sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại chết chóc cho con người, ngược lại Thiên Chúa luôn nhân từ tha thứ và mời gọi toàn dân thống hối và trở lại với ngài. Dân Chúa đã sống bất trung, đã bắt chước lối sống của dân ngoại, đã làm ô uế đền thờ, đã giết hại các tiên tri là những vị được Chúa sai đến với họ, đã xem thường lời Chúa. Vì thế họ phải chịu những hình phạt nặng nề, bị quân thù xâm chiếm và bắt đi nô lệ cho đến thời đế quốc Ba tư. Họ bị bắt làm nô lệ ở Babylon cho đến thời vua Kyrô được Chúa soi sáng, ra lệnh thả họ trở về quê hương và tái thiết đền thờ.

Thánh Phaolô cũng là người nhấn mạnh đến tình yêu thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Người nhìn thấy tình yêu tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa vượt trên tình trạng tội lỗi và phải chết của con người. Tình trạng thực của mỗi người là tội lỗi và vì thế phải chịu hậu quả là sự chết thì tình yêu của Thiên Chúa mạnh mẽ dồi dào, tha thứ và chữa lành mỗi người để lôi kéo con người chúng ta ra khỏi sự chết đang bao bọc. Chúa Kitô là Đấng thực hiện sự giải thoát chúng ta khỏi tội và sự chết. Vì thế, đây là ân sủng cứu độ, không phải do bởi công nghiệp hay việc làm nào của con người, nhưng hoàn toàn là ân huệ cứu độ của Đức Giêsu Kitô, được dự liệu bởi Thánh ý của Thiên Chúa, vì chúng ta được nối kết mật thiết với Đức Kitô trong trật tự tạo dựng cũng như trong trật tự cứu độ, và luôn được mời gọi kết hiệp với Đức Kitô trong mọi việc làm tốt đẹp hiện tại của chúng ta.

Người tín hữu đã bắt đầu được nối kết với Chúa Kitô từ khi lãnh nhận phép rửa, và được mời gọi hằng ngày xác định lại sự cam kết này. Nhờ được kết hợp với Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi sống mật thiết hơn nữa sự tự hạ của Người, biết từ bỏ lối sống cũ tội lỗi của mình để sống đời sống mới đầy tràn ân sủng của Chúa Kitô. Tin là nhận thức được tình yêu tha thứ cứu độ của Thiên Chúa để rồi can đảm từ bỏ bóng tối tội lỗi của mình để đến với Đức Giêsu. Tin không phải chỉ là việc tuyên xưng ngoài miệng mà thôi, nhưng còn là sự dấn thân mạnh mẽ để kết hiệp đời sống cụ thể của mình với Chúa Giêsu. Mầu nhiệm thập giá cứu độ của người là điều làm cho chúng ta ghê sợ và từ chối, nhưng thập giá này đã trở nên dụng cụ ơn cứu độ bởi vì Đức Giêsu đã đón nhận khổ hình thập giá vì tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa Cha và mọi người. Thập giá là con đường chắc chắn nhất để dẫn tới vinh quang phục sinh, và chúng ta được mời gọi tin tưởng và bước theo Đức Giêsu bằng cách đón nhận những thập giá trong đời sống của chính mình.

 CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY-B

LÒNG YÊU THƯƠNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA- Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng, một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha!”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lổ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

Lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa lớn lắm, mạnh lắm. Có lẽ, nếu có so sánh với trời cao biển rộng vẫn cứ còn khập khiễng. Lòng tha thứ của Thiên Chúa lớn cho đến mức, tội lỗi đã quá sức chịu đựng của lòng người, Thiên Chúa vẫn một lòng tha thứ. Dẫu cho mọi người rất kinh nghiệm về nỗi yếu đuối của bản thân mình, nhưng vẫn khó tha thứ cho anh chị em, thì Thiên Chúa không mảy may vướng một lỗi lầm nào, lại rất dễ dàng thứ tha.

Đọc bài Tin Mừng Chúa nhật thứ IV mùa Chay, ngay câu đầu tiên, câu nói của Chúa Giêsu: “Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, con người cũng sẽ giương cao như vậy”, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện cảm động bên trên, để càng cảm nhận rất nhiều lần rằng: Thiên Chúa là Chúa của tình yêu. Tha thứ là gương mặt chói ngời của tình yêu Thiên Chúa. Bởi tôi nhận ra trong câu nói của Chúa Giêsu bộc lộ cả một nỗi lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa.

Vậy câu nói của Chúa Giêsu: “Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, con người cũng sẽ giương cao như vậy”, có liên quan thế nào với tình yêu tha thứ của Thiên Chúa?

Chắc anh chị em còn nhớ câu chuyện con rắn đồng trong sa mạc? Sau khi xuất Ai Cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Môsê hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên cây để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được cứu. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.

Hình ảnh con rắn đồng đó, là biểu trưng của Đấng Cứu Chuộc. Cũng như con rắn đồng được giương cao, Chúa Kitô sẽ giương cao như vậy. Nếu con rắn đồng nói lên lòng tha thứ, thì Chúa Kitô được giương cao, chính là lòng tha thứ của Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối, chiếu sáng ngời ngời và lan tỏa đến bất cứ người nào đã từng được sinh làm người trong cuộc trần. Chúa giương cao, nghĩa là lòng tha thứ của Thiên Chúa được gương cao cho cả nhân loại nhìn vào mà học lấy, mà tha thứ cho nhau.

Lòng tha thứ của Thiên Chúa mạnh lắm, mạnh đến nỗi, Thiên Chúa như ném chính Người Con duy nhất và yêu quí nhất của mình cho trần gian để thực hiện hiện lòng tha thứ đối với chính trần gian vô vàn lần xúc phạm Thiên Chúa.

Trong mạch văn của bài Tin Mừng, thánh Gioan còn ghi thêm chính lời Chúa Giêsu: “Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến luận phạt trần gian, nhưng để trần gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Thiên Chúa luôn ở về phía chúng ta để ra tay cứu chứ không phải phạt.

Mùa Chay là mùa của lòng yêu thương tha thứ. Bởi thế, việc ăn chay trong mùa Chay, trước hết phải là xóa bỏ hận thù và tha thứ. Nhưng để có tha thứ, cần đến sự hòa giải. Anh chị em mất lòng nhau, anh chị em có hố sâu ngăn cách bởi hận thù, tinh thần chay tịnh đòi anh chị em phải lấy lại lòng nhau, phải lấp đầy những ngăn cách để những gì thuộc về thù hận bị chôn xuống, những gì là trao ban, là yêu thương sẽ bùng lên, vương mạnh. Anh chị em và tôi hãy nhớ rõ một điều: Làm sao có thể tha thứ nếu không bao giờ muốn hòa giải; làm sao có thể nhận được ơn tha thứ nếu không biết tha thứ.

Không biết câu chuyện về cánh tay Chúa Giêsu trên thánh giá ban phép lành để tuôn đổ ơn tha thứ cho tội nhân, thực hư thế nào, nhưng lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa đời đời vẫn thế: bền vững và cao ngất. Câu chuyện có thể không có thật, nhưng lòng tha thứ của Thiên Chúa mãi mãi vẫn thật. Vì thế dẫu cho không có thật, nó vẫn đáng quí, vì nó phản ánh một sự thật rất thật: Lòng Thiên Chúa yêu thương tha thứ. Câu chuyện càng đáng quí khi nó giúp ta ghi lòng để học lấy lòng tha thứ của Thiên Chúa mà tha thứ cho anh chị em.

Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Chúa Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Người: “Như Môsê đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, con người cũng sẽ giương cao như vậy”.

home Mục lục Lưu trữ