Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 64
Tổng truy cập: 1362286
TIN VÀ KHÔNG TIN
TIN VÀ KHÔNG TIN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Tuần Thánh được khai mạc bằng nghi thức làm phép và kiệu lá, tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem được người Do Thái tung hô: Hoan hô con vua Davit! Trong suốt Tuần Thánh cũng là tuần lễ Giáo Hội theo sát Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của Ngài cho đến khi bước vào cuộc khổ nạn. Khung cảnh ngày lễ hôm nay mang màu sác tương phản, lúc đầu lễ là một cuộc rước tưng bừng theo hình ảnh cuộc rước của dân Do Thái ngày xưa khi Đức Giêsu công khai vào thành Giêrusalem trong tư cách là Vua Mesia, ngay sau đó các bài đọc và bài Tin Mừng lại kể về cuộc thương khó của Người. Trong trình thuật cuộc thương khó cho thấy những người Do Thái đồng hương của Chúa, họ tìm mọi cách để loại trừ Đức Giêsu vì họ không tin Ngài là Đấng Mesia – Con Thiên Chúa, trong khi đó chứng kiến cuộc khổ nạn của Ngài thì những người dân ngoại lại tin nhận Ngài là người công chính.
Những người Do Thái họ muốn loại trừ Chúa Giêsu vì thấy Đức Giêsu không như họ nghĩ và Ngài đã không đáp ứng những điều họ muốn, những người này không chấp nhận một vị Thiên Chúa mà lại khiêm nhu mang gương mặt của một người đầy tớ như bài đọc thứ nhất mô tả. Trong khi họ chờ đợi một Đấng Mesia oai phong, bách chiến bách thắng, thì Isaia lại nói về một tôi tớ khiêm hạ, đưa lưng cho kẻ đánh mình, và đưa má cho kẻ giật râu, không tránh né những lời nhạo cười phỉ nhổ.
Hình ảnh người tôi tớ của Thiên Chúa đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng đã đến và sống theo tinh thần của một người tôi tớ phục vụ, và cư xử nhân từ tha thứ, trong khi đó người Do Thái lại muốn một Thiên Chúa phảỉ trừng phạt hết những kẻ mà họ cho xấu xa, như quân La Mã để đem lại sự độc lập và thịnh vượng cho đất nước, họ không chấp nhận Đức Giêsu giao du tiếp xúc với người thu thuế và tội lỗi, họ muốn một Thiên Chúa phải đáp ứng ngay lập tức những thứ họ cần. Chính vì Đức Giêsu đã không như họ mong đợi, nên những người Do Thái đã muốn mượn tay Philatô để loại trừ Ngài.
Để thực hiện ý đồ này, những người lãnh đạo Do Thái đã không ngần ngại vu khống bịa chuyện, xuyên tạc để có cớ lên án Chúa Giêsu. Những người Do Thái cho là Chúa Giêsu nói phạm thượng khi Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng đến từ Thiên Chúa và làm những việc của Thiên Chúa, họ cho rằng Chúa Giêsu lộng ngôn khi dám tuyên bố tha tội cho người mù và người bại liệt, và là người vô đạo khi vi phạm trầm trọng luật nghỉ việc ngày Sabat. Từ những xung khắc ban đầu hoàn toàn chỉ là những vấn đề liên quan đến niềm tin tôn giáo và những cáo buộc về tôn giáo tại dinh Caipha, thì sáng hôm sau, vì nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu, những người Do Thái đã dẫn Chúa Giêsu đến dinh Philatô và bịa ra những vấn đề chính trị xã hội để cáo buộc Ngài, và vu cho Ngài như là một tội phạm chính trị: Tên này đã xúi dân làm loại, đã tự xưng mình là vua, đã ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế La-mã.
Bài tường thuật cũng cho thấy, Chúa Giêsu đã trở thành nạn nhân của con người và trở thành trò chơi cho các thế lực và như quả bóng trên sân chính trị của con người. Tất cả những việc làm vì yêu thương của Chúa đối với dân chúng, thì giờ đây lại bị coi như là những thứ để họ đùa cợt, trong khi quan Philatô không tìm ra tội gì nơi Chúa Giêsu thì những người Do Thái lại đòi giết Ngài, Philatô muốn phủi trách nhiệm của mình không chỉ bằng việc rửa tay để cho rằng mình là người vô can, mà ông còn chuyển giao Đức Giêsu cho vua Hêrôđê để khỏi mang trách nhiệm. Vua Hêrôđê, đùa cợt coi thường và còn thách thức Chúa Giêsu làm vài phép lạ để xem cho vui, và khi không được như ý muốn, thì ông cho rằng Chúa Giêsu là một người điên và trả lại cho Hêrôđê. Mặc dù việc làm này cho thấy Chúa Giêsu trở thành như quả bóng bị đá qua đá lại giữa những người có thế lực, như Thánh Luca lại cho thấy, nhờ Chúa Giêsu mà Hêrôđê và Philatô đã trở nên thân thiết với nhau xóa bỏ được sự thù hằn đã lâu.
Từ sự căm thù, mà những thượng tế và luật sĩ đã cố tình muốn đưa Đức Giêsu đến cái chết, mặc dù Philatô đã mượn cả Hêrôđê để cho thấy Chúa Giêsu là người vô tội, nhưng các thượng tế và luật sĩ vẫn muốn loại trừ Ngài, và đánh đổi Ngài để lấy một tên trộm cướp giết người tên là Baraba. Cuối cùng Philatô cũng phải chiều theo ý họ, giao Đức Giêsu vào tay họ để họ thỏa mãn cái ác của mình và đem đi đóng đinh. Kế hoạch của người Do Thái đến đây đã thành công, kẻ mà họ muốn loại trừ đã ở trong tay họ, cái ác đã thắng thế và càng ngày càng đi đến tột cùng, họ điên cuồng gào thét, họ hả hê thỏa mãn vì thành công của mình là đã loại trừ được Đức Giêsu bằng việc đóng đinh Ngài vào thập giá và đứng dưới chân thập giá để nhạo cười thách thức Người: nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin.
Còn về phía Chúa Giêsu, Ngài đã im lặng và đón nhận tất cả những sự độc ác và gian dối mà con người đang trút xuống trên Ngài, với lòng tin vào quyền năng và sự chiến thắng của sự thiện trên sự ác, của Thiên Chúa trên ma quỷ, của tình yêu thương trên hận thù. Trên cây thập giá khi mà tay chân bị đóng chặt vào cây gỗ, đau đớn đến tột cùng vì sư phản bội của các môn đệ, sự bội bạc tráo trở vô ơn của dân chúng, và sự độc ác dã man của con người, Chúa Giêsu đã hướng về Thiên Chúa Cha để xin Thiên Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho nhân loại cho những người gây ra cái chết cho mình, cho những kẻ đang nhạo cười Người: Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc họ làm. Chính khi ở trên cây thập giá Chúa Giêsu đã làm cho tình yêu thương trổ sinh hoa trái là sự tha thứ, và chính lúc bị treo, bị mọi người từ chối, thì viên sĩ quan người Rôma lại nhận ra kẻ tử tội mà ông vừa mới hành hình là Người Công Chính, là Con Thiên Chúa. Viên sĩ quan này đã tin vì đã chứng kiến từ đầu của bản án và thấy ở nơi Đức Giêsu sự nhân từ và tha thứ, điều mà ông chưa bao giờ thấy ở nơi các tử tội khác.
Thưa quý ông bà và anh chị em,
Không phải chỉ có người Do Thái ngày xưa họ muốn loại trừ Chúa Giêsu, mà ngày nay thế giới và con người cũng vẫn đang muốn tìm mọi cách để loại trừ Ngài. Trong Tông Thư Cánh cửa Đức tin, Đức Thánh Cha Benedictô cũng cho thấy thế giới ngày hôm nay vẫn đang tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, ra khỏi thế giới và ra khỏi tâm hồn họ. Con người ngày nay dường như họ sợ Thiên Chúa ngăn cản lối sống buông thả dễ dãi của họ, họ sơ Thiên Chúa đòi họ phải sống nghèo khó thay vì chạy theo lối sống vật chất hưởng thụ, họ sợ Thiên Chúa đòi họ phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy thay vì trả thù trả đũa, cấm vận, và người ta không muốn chấp nhận một Thiên Chúa đòi con người phải từ bỏ phải hy sinh và dám sống theo ngài, chính vì thế mà người ta tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống họ.
Không chỉ những người vô thần hoặc thế giới đang tìm cách loại trừ Thiên Chúa, mà ngay những người mang danh là Kitô hữu, cũng đang xa rời Ngài, vì cho rằng Đức Kitô gây cản trở cho tự do của họ. Chính vì thế, nhiều người tín hữu ngày nay mang danh là Kitô hữu nhưng lại không thực hành niềm tin của mình, không hiểu biết về Thiên Chúa và không yêu mến Ngài, và cũng không có Chuá trong tâm hồn, vì nhiều người đã lười biếng không đón nhận Ngài vào tâm hồn, không muốn để cho lời Ngài hướng dẫn mình, họ sống một đời sống tôn giáo khô khan, không tham dự nghi lễ hoặc chỉ tham dự một cách hời hợi cho qua lần.
Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa hôm nay, mỗi người hãy tự đặt cho mình cầu hỏi: tôi có còn tin thật Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hay không và tôi sẽ phải làm gì để tuyên xưng và diễn tả đức tin ấy trong cuộc sống hiện tại của tôi?
Cầu chúc cho mọi người có những ngày Tuần Thánh thật sốt sáng, theo sát Đức Giêsu trên con đường yêu thương và dành những phút thinh lặng trong ngày để chiêm ngắm về một tình yêu đến cùng mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Amen
14. Định mệnh an bài! – Như Hạ
Thời gian nào cũng là thời gian. Nhưng không phải thời gian nào cũng giống thời gian nào. Mỗi người sẽ trải qua những giây phút cực kỳ quan trọng. Đức Giêsu đã biết trước những giây phút đó. Cuối đời Người là một chuỗi vinh nhục.
TÌM MỘT CON ĐƯỜNG.
Dù khi vinh quang vào thành Giêrusalem hay tơi tả dưới làn mưa roi, Đức Giêsu chỉ biết vâng theo thánh ý Chúa Cha mà thôi. Đó là con đường dẫn tới vinh quang. Con đường phục vụ luôn sáng chói giữa những tương quan chằng chịt và biến cố bất ngờ. Tương quan trần gian thật mỏng manh. Có ai đáng tin cậy hơn các môn đệ? Thế mà ông Phêrô “chối Chúa trước mặt mọi người” (Mt 26,71). Giuđa “nộp Đức Giêsu.” (Mt 26,16.48) “Các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26,56). Cháy nhà mới ra mặt chuột! Nhưng Đức Giêsu không lệ thuộc vào con người dòn mỏng. Chỗ dựa không phải là con người. Sức mạnh cũng không phải là gươm giáo gậy gộc, nhưng là “Cha Thầy” với “mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26,53) Bởi vậy, Người mới có thể đứng vững trước bao thử thách. Qua bao đoạn đường gập ghềnh, Người vẫn thẳng bước, vì mục tiêu đã được xác định dứt khoát.
Mục tiêu đó chính là vinh quang Thiên Chúa. Có lúc vinh danh Chúa Cha và Chúa Con không tách lìa. Chính lúc vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu tưởng như đã lên chín tầng mây với Chúa Cha khi dân chúng tung hô: “Hoan Hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21, 9) Nhưng Người cũng thấy vinh quang Chúa Cha tràn ngập ngay cả lúc nghe những lời nhục mạ: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?” (Mt 26, 68) hay khi “lính của tổng trấn quì gối trước mặt Người mà nhạo rằng: ‘Vạn tuế Đức Vua dân Do thái!'” (Mt 26,29) Một nguồn bình an khôn tả khỏa lấp con tim ngay giữa cảnh “kẻ qua người lại đều nhục mạ Người.” (Mt 27,39) Vinh quang vẫn lóe lên ngay trong đêm đen hận thù: “Nếu mi là Con Thiên Chúa… Hắn là Vua Ítraen! Hắn đã nói: ‘Ta là Con Thiên Chúa!'” (Mt 27, 40.42.43) Đã đến lúc Cha làm vinh danh Con. Đứng trước các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng, Người vẫn khẳng quyết mình “là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.” (Mt 26,65) và trước mặt tổng trấn Philatô, Người xác nhận mình là “vua dân Do thái.” (Mt 27,11) Đứng giữa đám đông khát máu đang gào thét: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27,23.25.26), Đức Giêsu vẫn nghiễm nhiên vươn lên như Đấng “Kitô” (Mt 27,22)
Tất cả xảy ra không ngoài “ý cha” (Mt 26,39). Những lúc “làm thinh” (Mt 26,63) hay “không trả lời một tiếng” (Mt 27,12) là những lúc Đức Giêsu kiên cường bất khuất trước cường lực đối phương. Người như chìm sâu trong tình yêu Thiên Chúa để tìm một lối thoát cho những bế tắc hiện tại. Càng nhìn lên cao, Người càng không thấy lý do phải đối đầu với những toan tính thấp hèn như thế. Chấp nhận cái chết nhục nhã để thi hành thánh ý Cha, chứ không chịu uốn cong ba tấc lưỡi để tìm đường chạy trốn khỏi định mệnh. Nếu chối bỏ sự thật về mình, chắc chắn Người đã không khơi bùng ngọn lửa căm hờn trong lòng các thượng tế và dân chúng. Nhưng Đức Giêsu đã không hèn nhát đi tìm một con đường dễ dãi như thế. Ngay cả khi giang tay trên thập giá, Người cũng không chấp nhận những thách thức rẻ tiền để chứng minh mình là “Con Thiên Chúa” (Mt 27,43). Không thể tìm thấy chân lý nơi những ồn ào phức tạp đó. Chính trong thinh lặng và cầu nguyện, Đức Giêsu đã khám phá được tất cả nét hào hùng và dịu ngọt của tình yêu Thiên Chúa.
Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đức Giêsu đã có thể mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu ngay giữa lúc tâm hồn đang cay đắng vì cảnh Giuđa “nộp Người” (Mt 26,48) và “tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy.” (Mt 26,31) Chính khi mọi tương giao nhân loại bị bứt tung, Đức Giêsu lại mạc khải “đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,28) Máu Thầy đem lại sự giải thoát cho toàn thể nhân loại. Tất cả kế hoạch thâm hiểm của con người vô tình đã làm cho máu Thầy đổ ra theo đúng chương trình tình yêu của Thiên Chúa.
Khám phá và chấp nhận tất cả chương trình tình yêu Thiên Chúa đòi nhiều sáng suốt và can đảm. Chính vì vậy, trước khi nộp mình vào tay các quân lính thượng tế và kỳ mục, Đức Giêsu đã cầu nguyện ba lần trong vườn Ghếtsêmani. Trước giờ phút cực kỳ quan trọng đó, các môn đệ vẫn vô tình như đã vô tình từ trước đến nay. Lúc nào họ cũng chỉ quan tâm đến quyền lợi riêng. Họ có thể dùng chính những mỹ từ thân thương và cử chỉ âu yếm để che dấu sự phản bội (x. Mt 26,49). Những dấu chỉ tình yêu đó và những lời khẳng quyết “không chối Thầy” (Mt 26,35) đều mất hết ý nghĩa. Có nhiều lúc ngôn từ không mang nổi nội dung diễn đạt. Nhưng nếu cố tình phản bội nội dung ngôn từ, con người sẽ phải trả giá. Sau khi nuốt lời hứa, ông Phêrô “ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26,75) Giuđa cũng hối hận không kém: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt 27,4) rồi “Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ.” (Mt 27,5) Hối hận đến thế vẫn chưa đủ sao? Tại sao phải thắt cổ mới xứng với việc đền bù? Thật là một mầu nhiệm. Giuđa đã trả giá quá mắc! Chúa có đòi vậy đâu!
NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH.
Điều Chúa đòi là người môn đệ phải chân thành với chính mình. Sau khi chối Chúa, ông Phêrô đã “khóc lóc thảm thiết” vì thấy mình quá yếu đuối. Còn ông Giuđa không hề khóc lóc, chỉ giận dữ lên án chính mình và tự xử cho mình, không kiên nhẫn đợi giây phút trở về với Cha nhân lành. Từ chỗ ồn ào hăm hở trả giá Thầy, ông đã đụng đầu một cái tôi rối loạn đến nỗi không còn nhận ra sự thật về mình. Muốn tránh được tai họa thảm khốc đó, “trên hết trong xã hội tục hóa ngày nay, cần phải có một mục tiêu rõ ràng và một ý chí kiên vững, trực tiếp phát sinh từ những nguồn mạch Phúc âm chân chính.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 18/03/2002) Sống với Thầy suốt một quãng đường dài, nhưng ông Giuđa không hề một lần kinh ngạc về thực tại trước mắt. Thói quen và lối sống hằng ngày đã bưng mắt không cho người môn đệ thấy sự thật về Thầy. Mọi sự đương nhiên phải như thế!
Thực tế mọi sự chẳng sẵn sàng như ta tưởng. Chính Thầy cũng không hiện diện đấy như một thực thể nằm sẵn trong tầm tay. Không coi Thầy như một giá trị tuyệt đối, không thể khám phá Thầy như một chân lý giải thoát. Nhất là trong thế giới ngày càng xa lạ với Thiên Chúa hôm nay, con người không biết mình là ai và tại sao mình sống. Triết lý sẽ giúp con người khám phá ra chiều kích sâu xa đó. Nhưng chỉ “khi triết lý gặp gỡ Đức Kitô trong Tin Mừng, thì Tin Mừng thực sự mới bắt đầu lan tỏa khắp thế giới.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 19/03/2002) Hiện nay, công bố Phúc âm ngày càng gặp nhiều khó khăn vì hoàn cảnh văn hóa phức tạp (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 19/03/2002). Trong thế giới quá ồn ào hôm nay con người không còn thời giờ khám phá những giá trị vô cùng quan trọng và cần thiết cho cuộc sống. Nếu không thấy mình có “bổn phận nặng nề phải chuyển đạt những giá trị nhân bản, tinh thần và thiêng liêng cho các thế hệ trẻ,” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 19/03/2002) cha mẹ và nhà giáo sẽ không thể cung cấp cho xã hội tương lai những con người chân chính và đầy trách nhiệm đối với xã hội.
Chỉ trong xã hội đầy những con người như thế mới có thể loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu như Đấng cứu độ duy nhất cho toàn thể nhân loại.
15. Chọn Chúa Giêsu – ĐGM. Bùi Văn Đọc
(Bài Giảng của Đức Cha Bùi Văn Đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá năm 2005 cho Giới Trẻ).
Cha phải nói với chúng con những gì trong thánh lễ chiều nay? Cha đã cầu nguyện rất nhiều, và Chúa đã dạy cha.
Chiều nay, cha mời gọi chúng con cùng với cha, chúng ta hãy quyết tâm thực hiện điều quan trọng nhất đối với cuộc sống kitô hữu của chúng ta: hãy chọn Chúa Giêsu giữa nhiều đối tượng, dù Chúa Giêsu chịu đóng đinh, dù Người chịu treo trên thập giá, Người bị bỏ rơi, dù Người bị sỉ nhục, và bị giết chết…
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị sỉ nhục ngày hôm nay; Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị bôi tro trét trấu trên gương mặt đẫm máu của Người. Chúa Giêsu vẫn không ngừng bị bôi nhọ cho đến ngày tận thế, bấy giờ không ai có thể bôi nhọ Người nữa, vì Người trở lại trong vinh quang để phán xét mọi người.
Chúng ta chọn lựa Chúa Giêsu, dù có những tiếng kêu mời khác: tiếng kêu mời của hưởng thụ và tiện nghi, của lợi nhuận và tiền bạc, tiếng mời gọi của danh vọng và địa vị, của các loại tình cảm và đam mê. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt các con để các con đi và sinh nhiều hoa trái và hoa trái các con tồn tại (Ga 15, 16).
Khi nói như thế, Chúa Giêsu cố ý dạy chúng ta rằng: chính tình yêu của Người đi bước trước: Chúa Giệsu yêu chúng ta trước, chứ không phải chúng ta yêu Người trước. Như lời kinh Tin Kính: vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Người đã chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta. Người đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Kinh Thánh và như lời thánh Phaolô, Người đã sống lại cho chúng ta được nên công chính, được cứu độ, được chia sẻ Thần Khí Phục Sinh của Người, thông phần sự sống thần linh của Người…
Khi nói với các môn đệ không phải các con đã chọn Thầy, Chúa Giêsu không cố ý nói rằng các con đừng chọn Thầy, đừng theo Thầy. Trái lại Người luôn mời gọi hãy theo Thầy, hãy từ bỏ mọi sự vác thập giá mà theo Thầy. Và đã có biết bao nhiêu người trẻ bỏ mọi sự mà theo Người.
Đứng trước những khó khăn, Chúa Giêsu còn cho thấy rõ ràng là phải chọn lựa, như trường hợp có nhiều người bỏ Chúa Giêsu, nhiều môn đệ nói với Người: lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi? Bấy giờ Chúa Giêsu đã hỏi nhóm 12: các con cũng muốn bỏ đi hay sao? Và ông Simon Phêrô đã nhanh nhẩu đáp thay cho nhóm 12: thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6, 67-69).
Các con sẽ nói với Chúa Giêsu như thánh Phêrô: Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con theo ai? Chỉ theo Thầy, chúng con mới có những lời ban sự sống đời đời. Các con chọn Chúa Giêsu; Các con có biết rằng chọn Chúa là chọn lời của Người, chọn Tin Mừng của Người không? Lời của Người vẫn còn chướng tai đối với nhiều người hôm nay. Giáo huấn của Người, dù rất tiến bộ vẫn bị coi là bảo thủ đó! Muốn vâng nghe lời Người, đôi lúc các con phải lội ngược dòng sông!
Theo bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hôm nay, đám đông người Do Thái đã bị xúi giục chọn lựa Barraba, và họ đã chọn ông. Còn Chúa Giêsu, thì họ để cho bị lôi đi đánh đòn, và giết chết. Các con có dám nói ngược lại với đám đông không? Các con có dám chọn Chúa Giêsu, khi nhiều mãnh lực thế gian tìm cách loại bỏ Người? Các con có sợ mình lỗi thời khi chọn Chúa Giêsu không? Có nhiều người, vì sợ lỗi thời mà đã bỏ Chúa. Nhưng tất cả những ai đã bỏ Chúa rồi sẽ thất vọng, vì thế gian này qua đi, chỉ có Chúa mới tồn tại. Chỉ có Chúa mới là Tương Lai đích thực của loài người.
16. Cùng theo Chúa – Lm. Nguyễn Nguyên
Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu bằng việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thủ đô Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông nô nức phất cao cành lá “Hoan hô con Vua Đavít” có vẻ giống một cuộc toàn thắng vang dội. Nhưng thực ra, đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc đời Chúa Giêsu.
Thật vậy, khi cho chúng ta nghe lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu, không phải để gợi lên trong ta niềm thương cảm đau xót, nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Rước lá đi theo Chúa một vòng quanh nhà thờ hay trong vài giờ là điều dễ. Theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô, cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng theo Chúa khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều. Tin mừng cho thấy không một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. Bước vào tuần thánh, người tín hữu kytô chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Kytô trên con đường thập giá. Những nẻo đường không phải lúc nào cũng thuận lợi, êm ái. Vì luôn có đó những thánh giá – đời cũng như đạo.
Đúng như vậy, bước đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá hôm nay, cho dù chúng ta không bị đòn vọt, tù tội, không có mão gai, không bị đóng đinh vào tay chân, không bị lưỡi đòng đâm thâu, nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn phải đối diện với nỗi đau đớn của sự phản bội, vu khống, bội bạc của những người đang cùng sống với chúng ta. Thậm chí, có khi sự vô ơn, bội bạc đó còn đến bởi những người thân yêu nhất của chúng ta, những người cùng chung chăn chung gối, anh chị em trong một nhà, con cái, bạn bè…
Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là giữa một thế giới người ta đặt vật chất, danh vọng và thú vui là trên hết, còn ta lại chọn Chúa và đặt Chúa làm giá trị cao nhất là ta đang vác thập giá theo Chúa Giêsu.
Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là giữa một thế giới người ta chỉ muốn hưởng lạc thú thể xác mà không muốn sinh con, người ta dễ dàng “khóc”, và lớn tiếng kêu gọi “chia sẻ” khi thấy những nạn nhân của sóng thần, thiên tai, nhưng lại cho phép và cổ võ việc giết những con người vô tội, vô phương chống cự, đó là những thai nhi còn nằm trong bụng mẹ, hay những người già yếu, bệnh tật. Còn ta, ta biết cộng tác với Chúa một cách ý thức và trách nhiệm trong việc sinh và giáo dục những con người mới là ta đang vác thập giá theo Chúa Kitô.
Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là giữa một thế giới người ta xem lường gạt và dối trá như đút lót, tham nhũng, hay đơn giản hơn, việc “quay” bài của các em học sinh là điều bình thường, còn ta, ta sống chân thật chấp nhận chịu thiệt thòi, mất mát là ta đang vác thập giá theo Chúa Giêsu.
Như vậy, bước vào Tuần thương khó, giáo hội mời gọi mỗi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa bằng cách sống đời sống công chính – đời sống đòi hỏi khước từ những quyến rũ của những thực tại phù vân, đòi hỏi đóng đinh tính xác thịt mình, đòi hỏi chấp nhận đau khổ, chấp nhận hiến thân, hy sinh vì phần rỗi của mình và của người khác. Tuy nhiên, để có thể bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, chúng ta phải chấp nhận đi ngược với suy nghĩ, với cách sống của con người hôm nay, và lúc ấy người kitô hữu chúng ta sẽ cảm thấy mình như cô đơn, như đang đứng bên lề của xã hội.
Thế nhưng, cho dù vậy, chúng ta cũng không được phép nản lòng, thối chí, bởi vì chúng ta tin rằng, chúng ta không vác thập giá một mình, chúng ta có Đức Giêsu, người Thầy, người bạn, và là Chúa của chúng ta cùng vác với chúng ta. Và nếu chúng ta dám đi trọn con đường thập giá với Ngài, thì chắc chắn, cuối cùng chúng ta cũng sẽ được cùng Ngài hưởng trọn niềm vui của cuộc Phục Sinh vinh hiển. Xin Chúa Giêsu, Đấng đã từng chịu đau khổ thêm sức cho mỗi người chúng ta, để chúng ta cùng chết với Chúa nhờ đó mai sau được cùng Người phục sinh vinh hiển. Amen.
17. Vào thành để chịu chết – Lm G. Nguyễn Cao Luật
Nét bi đát của cuộc khải hoàn
Để sửa soạn vào thành, Đức Giêsu sai hai môn đệ đến ngôi làng trước mặt để mượn tạm con lừa. Có lẽ không nơi nào cho thấy sự mâu thuẫn như trong biến cố này: một bên là Thiên Chúa uy quyền, một bên là “tính con người”. Cả hai đều thể hiện trong con người Đức Giêsu. Đó là sự pha trộn giữa quyền năng Thiên Chúa và sự lệ thuộc, giữa giàu sang và bần cùng. Và đó cũng là hiệu quả của mầu nhiệm nhập thể.
Vì lòng yêu thương con người, Đấng vốn giàu có đã trở nên khó nghèo, để con người được giàu có. Trong cuộc đời, có lần Đức Giêsu đã mượn chiếc thuyền của dân chài làm chôỵ đứng giảng dạy; lần khác Người đã mượn hai cái bánh và năm con cá của cậu bé vô danh để làm phép lạ nuôi cả đám đông; sau này, khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu còn mượn tạm ngôi mộ để gửi tấm thân trong khi đợi ngày sống lại vinh hiển.
Vẫn có những chuyện bi đát như thế trong cuộc đời Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Nhưng chưa hết.
Hãy bảo thiếu nữ Xi-on
Kìa Đức Vua đến với ngươi
khiêm tốn ngổi trên lưng lừa
lưng lừa con là con của thú vật chở đồ. (Mt 21,5)
Thời đó, các vị hoàng đế thường ngồi trên chiến mã, oai hùng tiến vào thành phố. Ngược lại, ở đây, Đấng khải hoàn khiêm tốn ngổi trên lưng lừa con. Nếu Phi-la-tô có dịp đứng quan sát cảnh này, hẳn ông phải bật cười vì tính cách khôi hài của con người tự xưng là Vua. Con người ấy đang ngổi trên lưng một con vật biểu tượng của sự tự huỷ, tượng trưng cho việc tiến dần đến cái chết.
Nếu Đức Giêsu tiến vào thành phố trong tiếng nhạc hùng tráng, trong tư thế của người chiến thắng, chắc sẽ có kẻ nghĩ rằng Người là Đấng giải phóng về mặt chính trị. Trái lại, Đức Giêsu chọn những hoàn cảnh để chứng thực cho lời tuyên bố: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Như thế, chẳng có gì cho thấy vị vua này có thể là đối thủ của Xê-da.
Phía sau những lời tung hô
Khi Đức Giêsu đến gần thành phố, một “đám rất đông” dân chúng ra đón Người. Trong số đó, không chỉ có những người cư ngụ tại Giêrusalem, nhưng còn có những người từ nơi khác về thủ đô dự lễ, và dĩ nhiên, cả những người Pha-ri-sêu.
Trong những lần trước đây, Đức Giêsu luôn ngăn cản lòng nhiệt thành, sự phấn khởi của dân chúng. Người đã lánh mặt khi đám đông hứng khởi, Người tránh tạo nên những quang cảnh náo nhiệt (x. Mt 16,20; Mc 5,43; Mc 9,9; Ga 6,15). Vậy mà, trong khi Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, các người Pha-ri-sêu phải thốt lên: “Kìa thiên hạ theo ông ấy hết” (Ga 12,19).
Điều này ngược hẳn với thái độ của Đức Giêsu. Trước đây, Người xoa dịu sự hứng khởi của dân chúng, còn bây giờ, Người lại khơi lên. Tại sao vậy ?
Bởi vì “Thời” đã đến. Lúc này, sẽ đến giờ Người công khai tỏ cho dân chúng biết về uy quyền của Người, và đây là lần cuối cùng. Đức Giêsu biết rõ điều này sẽ đưa Người lên đỉnh Can-vê, đến việc Thăng Thiên và thiết lập vương quốc trên trần gian. Đây là cơ hội cuối cùng để Đức Giêsu đưa ra tiếng nói quyết định và đặt con người trước lựa chọn: hoặc tuyên xưng, hoặc từ khước.
Những cái áo được trải trên đường, những ngành ô-liu được phất cao; đám đông vui mừng tung hô:
“Hoan hô Thế tử nhà Đa-vít, hoan hô !
Vạn phúc Đấng ngự đến nhân danh Chúa !
Hoan hô Chúa ngự chốn cửu trùng” (Mt 21,9).
Đức Giêsu là Hoàng tử thuộc dòng dõi Đa-vít. Người là Đấng được sai đến để thực hiện công trình của Thiên Chúa. Hosana, khởi đầu là một lời cầu nguyện, giờ đây trở thành bài ca chiến thắng để đón tiếp Đấng Cứu Tinh. Mặc dù đám dân đang reo hò không hiểu rõ lý do Người được sai đến, họ cũng chẳng hiểu được bình an do Người mang lại, nhưng họ cũng biết rằng Người từ Thiên Chúa mà đến.
Đúng là một cuộc khải hoàn, nhưng Đấng Cứu Thế biết rõ rằng lời tung hô “Hosana” sẽ được đỗi thành “đóng đinh nó đi”, và vòng gai sẽ thay cho ngành vạn tuế. Ngày hôm nay, người ta trải áo dưới chân Người, nhưng ngày thứ Sáu tới đây, cả áo của Người họ cũng lột hết. Mặc dù Người là Vua, và dân chúng nhận rằng Người là Ngôn Sứ, là Thầy… nhưng Đức Giêsu biết rõ hoàng cung được dành cho Người chính là đổi Can-vê.
* * *
Lạy Chúa,
dù con có thế nào chăng nữa,
cũng xin cho con được tung hô Chúa trong ngày hôm nay.
Ngày thứ Sáu, tất cả tội lỗi của con sẽ bị phơi trần,
nhưng con biết lòng thương xót của Chúa
sẽ ngập tràn trên con:
đó là ngày Phục Sinh.
Cùng với tất cả mọi người
con sẽ reo lên
“Vạn phúc Đấng ngự đến nhân danh Chúa”
Đó là hy vọng, là niềm cậy trông
cho suốt cả hành trình tăm tối của con.
18. Vui lòng vâng phục Thánh ý Chúa
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam