Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1356338

TIN VÀ SỜ

TIN VÀ SỜ

 

(Suy niệm của Guy Morin)

Đừng sờ!” đó là điều cấm đoán đầu tiên trong thời thơ ấu của chúng ta. Những món đồ chưng bày mảnh mai, những đồ vật nguy hiểm bị cấm đụng tới, và người lớn đàn áp chúng ta, không muốn chúng ta tiếp xúc với chúng. Trái lại họ tìm cách dụ dỗ chúng ta khi bắt chúng ta sờ con chó khiến chúng ta sợ hãi. Trong cuộc sống, chúng ta có kinh nghiệm là xúc giác hủy bỏ khoảng cách giữa những con người. Người ta có thể nhìn và nghe thấy từ xa nhưng người ta chỉ sờ khi ở gần mà thôi, sờ tức là gần ai đó, thân mật với họ.

Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, rất thường dùng đến việc tiếp xúc thể lý. Ngài dùng tay sờ mắt, lưỡi, lỗ tai, da thịt bệnh nhân. Ngài ôm hôn trẻ con. Hơn nữa Ngài để cho những người bệnh đụng tới mình và bảo thánh Tôma thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài. Để diễn tả sự thật không chối cãi được của nhân tính Ngài, thánh Gioan viết: “Những gì tay chúng tôi đã sờ nơi Ngôi Lời sự sống… chúng tôi đã loan báo cho anh em” (Ga 1,1). Trong Tin Mừng hôm nay, có hai trường hợp sờ: Một phụ nữ sờ gấu áo Chúa Giêsu; Ngài nắm tay một cô bé đã chết để làm cho cô được sống lại. Lúc ban đầu, người phụ nữ này cũng như ông Giairô không muốn trở nên thân thiện với Chúa Giêsu; họ chỉ muốn được Ngài chữa lành thôi. Tuy nhiên đối với Chúa Giêsu những việc tiếp xúc này không chỉ là hành động thể lý mà thôi; chúng phải dẫn đến một mối tương quan cá vị, mối tương quan của đức tin.

Từ tiếp xúc đến đức tin.

Trong đám đông có một phụ nữ băng huyết. Thất vọng về các y sĩ, bà đã nghe nói về Chúa Giêsu và thấy Ngài là cơ hội cuối cùng để bà được chữa lành. Bà táo bạo vì bệnh của bà hay lây và làm cho bà trở nên ô uế (Lv 15,25). Không sao! Bà vẫn len lỏi tới, sờ vào gấu áo Chúa Giêsu và bà được chữa lành. Chúa Giêsu là ai đối với bà? Bà xem Ngài như thế nào? Bà không nghĩ đến việc này nhưng cử chỉ của bà cho thấy Ngài là ai. Ngài là người chữa lành; còn bà là bệnh nhân. Ngài có thể thỏa mãn nhu cầu về sức khỏe của bà; nơi Ngài có những năng lực chữa lành. Bà muốn được đón nhận năng lực này. Hoàn toàn chỉ quan tâm đến bệnh tật của mình, bà không tìm kiếm tương quan cá vị với Chúa Giêsu. Sờ được vào gấu áo của Ngài là đủ cho bà rồi. Đối với bà, Chúa Giêsu trước hết là một phương tiện để được chữa lành.

Chúa Giêsu sẽ dẫn đưa bà đến một mối tương quan cá vị. Bà muốn lẩn trốn; Ngài kéo bà ra khỏi sự vô danh của bà khi đưa mắt tìm bà. Và này đây bà run rẩy sụp lạy dưới chân Ngài. Lúc này, Ngài chữa lành bệnh cho bà, bây giờ, là Ngài làm cho bà run sợ. Chúa Giêsu không để bà phải sợ hãi, Ngài bảo: “Hãy đi về bằng an. Đức tin của bà đã cứu bà”. Ngài trả lại sức khỏe cho bà nhân danh đức tin của bà. Bà được chữa lành không vì đã đụng tới áo Chúa Giêsu như bà tưởng, nhưng vì bà đã tin nơi Ngài. Từ nay, bà biết rằng chính đức tin đã cứu thoát bà. Chúa Giêsu đã dẫn đưa bà từ một tin tưởng ma thuật đến đức tin vào bản thân Ngài.

Trường hợp ông Giairô lại khác hẳn. Với niềm tin tưởng, ông xin Chúa Giêsu đến đặt tay lên con gái ông đang hấp hối để nó được sống. Dọc đường có người đến báo cho ông hay rằng cô bé đã chết và khuyên ông đừng làm phiền Chúa nữa: “…Phiền Thầy làm gì nữa?”. Tức khắc Chúa Giêsu đã hỗ trợ đức tin của ông Giairô, duy trì mối liên hệ của ông với Ngài và đồng hành với ông, giúp ông vượt qua nỗi sợ hãi: “Đừng sợ chỉ cần tin mà thôi”. Cứ tiếp tục tin, dù sao cũng cứ tin! Khi đến nhà ông, Chúa Giêsu nắm tay cô bé đã chết và cho cô sống lại như Ngài đã làm sống lại đức tin đang tàn lụi của ông Giairô để giúp ông niềm tin vào quyền năng của Ngài, quyền năng làm cho kẻ chết sống lại.

Tin, tức là gặp gỡ.

Người phụ nữ bênh hoạn và ông Giairô đã tin vì họ đã gặp Chúa Giêsu. Từ đó họ có những lý do riêng biệt để tin: Người phụ nữ tin vì bà được chữa lành, nhưng nhất là vì cách mà Chúa Giêsu đã dùng để làm cho đức tin của bà biến chuyển: Ông Giairô tin, vì việc con gái ông được sống lại, nhưng nhất là vì cách mà Chúa Giêsu đã dùng để nâng đỡ niềm tin của ông và giúp ông thắng vượt nỗi sợ hãi.

Bài tường thuật của thánh Marcô hôm nay cũng có liên quan đến Kitô hữu chúng ta: Đức tin của chúng ta có được nuôi dưỡng bằng việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Đó là luật của Tin Mừng: Chúng ta tin tùy theo mức độ chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Ta hãy nghiêm túc tự đặt câu hỏi này: Tôi đã gặp Chúa Giêsu khi nào? Tin Mừng sẽ chúng ta trả lời. Mỗi lần chúng ta xem Chúa Giêsu như Đấng Cứu Độ chứ không phải như kẻ chữa lành hoặc giúp đỡ điều nọ điều kia, mỗi khi lâm cảnh đau buồn hoặc nguy nan, chúng ta vẫn tiếp tục tin, đó là những khi chúng ta gặp gỡ Ngài.

 

40.Lòng tin

Bài Tin Mừng tường thuật hai phép lạ Chúa Giêsu đã làm: phép lạ cho một phụ nữ được khỏi bệnh băng huyết, và phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường Gia-ia được sống lại. Chúng ta thấy hai phép lạ như có một số điểm tương đồng: người phụ nữ mắc bệnh đã 12 năm, bằng với số tuổi của em bé kia, vì Tin Mừng cho biết khi em chết em được 12 tuổi. Cả hai phép lạ xảy ra đều do hành động thể lý là chạm tay vào tua áo Chúa và Chúa cầm tay em bé đã chết. Chúa Giêsu ban phép lạ này do lòng tin.

Trước hết, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhận lời kêu xin của ông Gia-ia đi chữa bệnh cho con gái ông. Dân chúng đông đảo đi theo có vẻ háo hức và chen lấn, các môn đệ cùng đi bên Chúa. Gĩưa lúc ấy các môn đệ nhận ra một người đến quỳ trước Thầy mình, nhưng lúc ấy phép lạ đã xảy ra rồi, đó là một phụ nữ đầy lòng tin đã được Chúa cho khỏi bệnh. Thực vậy, giữa đám đông dân chúng dày đặc, phụ nữ này nhận ra một vị Thiên Chúa ẩn dật nhưng đầy quyền năng, bà không dám công khai trực tiếp xin Chúa trước mặt mọi người, có thể là vì xấu hổ hoặc ngại ngùng. Ngoài ra, bà cũng biết luật Lêvi cấm ngặt về loại bệnh này. Đối với người Do Thái, băng huyết là một bệnh được liệt vào số các chứng bệnh nan y và ô nhục, làm cho người bệnh ra dơ bẩn trước mặt Chúa và cộng đồng. Hơn nữa, chứng bệnh này còn làm cho người khác lây sự dơ bẩn của bệnh nhân, tức là họ đụng chạm đến ai hay ai đụng chạm đến họ đều trở thành dơ bẩn và phải dâng lễ tẩy uế mới được sạch. Đó là điều hết sức rắc rối.

Nên bà không dám đến trước mặt Chúa xin Chúa chữa lành, nhưng bà có một lòng tin chắc chắn vào sức mạnh uy quyền toàn năng của Chúa. Bà tự nhủ: "Không cần phải ra mặt, chỉ cần đụng chạm vào tua áo khoác ngoài của Ngài thôi thì chắc chắn sẽ được khỏi". Chúng ta thấy bà thật khiêm tốn. Vì thế, bất chấp tất cả luật lệ phiền phức và nghiêm ngặt, bà lén đến sau lưng Chúa, để thực hiện ý định rút ơn Chúa, và kết quả bà được toại nguyện. Bà thể hiện đức tin một cách sâu sắc, như chính Chúa xác nhận và thưởng công cho lòng tin của bà: "Lòng tin của con đã cứu chữa con".

Phép lạ thứ hai Chúa Giêsu làm là nơi nhà ông trưởng hội đường Gia-ia. Ông có đứa con gái mắc bệnh nặng thập tử nhất sinh, ông đến xin Chúa cứu con ông. Lòng tin mạnh mẽ được bộc lộ ra qua tất cả con người ông, nghĩa là qua các cử chỉ cũng như lời yêu cầu của ông. Thực vậy, khi đến trước mặt Chúa, ông quỳ sụp dưới chân Chúa, đây là một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Giavê trong Cựu ước, cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Cử chỉ thứ hai là ông xin Chúa đến đặt tay trên con ông. Ông tin chắc chắn chứ không hồ nghi: "Thưa Thầy, con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống". Ông tin chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế, nếu Chúa muốn. Ngài động đến đâu thì sức mạnh và sự sống lan tràn tới đó. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.

Đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật chất, nhưng thuộc về tinh thần. Người ta không thể thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi nó biểu lộ qua hành động bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Gia-ia và của người đàn bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, người ta có thể biết được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là: đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài.

Vì thế, chúng ta cần phải có một đức tin mạnh mẽ như ông Gia-ia, hiên ngang mà không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi. Đàng khác, chúng ta cũng cần có một đức tin kín đáo nhưng dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ trên đây, bà không cần kêu xin mai như ông Gia-ia, bà chỉ có một thái độ khẩn khoản khiêm nhường và đầy tin tưởng trong tâm hồn, thế là đủ. Chúa đang chờ đợi ở chúng ta cónhững tâm tình như thế.

Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta.

 

41.Chúa Nhật 13 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)

ĐỨC TIN KHAI MỞ QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

Sau phép lạ dẹp yên bão tố và phép lạ giải thoát người bị quỷ ám, hôm nay chúng ta được nghe trình thuật diễn tả hai phép lạ khác đan kết với nhau một cách chặt chẽ: phép lạ chữa người đàn bà loạn huyết và phép lạ phục sinh con gái ông Giaia. Qua các phép lạ này, ta thấy có một sự tăng trưởng dần dần trong niềm tin của các môn đệ vào quyền năng của Chúa Giêsu. Quyền năng trên các định luật thiên nhiên: làm cho sóng yên biển lặng. Quyền năng trên các thần ô uế: giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Quyền năng trên bệnh tật: chữa lành người đàn bà bị chứng xuất huyết. Và quyền năng trên sự chết: phục sinh con gái ông trưởng hội đường. Thế nhưng để quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ, đòi hỏi con người phải có niềm tin. Nói cách khác, tin là điều kiện cần có để được Đức Giêsu thực hiện các phép lạ.

Chính nhờ đức tin mà người đàn bà loạn huyết được chữa lành. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: “Đức tin con đã cứu chữa con” (Mc 5,34). Đức tin đã khai mở quyền năng của Ngài, như thể Chúa Giêsu quy gán phép lạ cho khả năng của con người. Đức tin đã giúp bà tìm đúng địa chỉ để dứt điểm căn bệnh mà bà phải gồng mình chịu đựng trong suốt 12 năm trường. Trình thuật Marccô cho thấy người đàn bà bị loạn huyết đang đối diện với một căn bệnh được xem là nan y thời đó. Căn bệnh đang lấy dần đi sự sống nơi bà, vì máu là căn nguyên sự sống, trong khi bà đang bị băng huyết. Nhưng bà tin Chúa Giêsu có dư năng quyền để chữa bà lành bệnh. Bằng chứng là bà tự nhủ rằng chỉ cần một chút quyền năng phát ra nơi gấu áo của Chúa Giêsu thôi cũng bằng ngàn vạn thầy thuốc giỏi nhất trần gian. Quả đúng như thế. Bà vừa mới sờ vào gấu áo Chúa Giêsu, tức khắc căn bệnh đã “say goodbye” với bà. Kỳ diệu thay quyền năng của Thiên Chúa và cũng diệu kỳ thay đức tin của con người.

Cũng vậy, chính nhờ đức tin của ông trưởng hội đường mà con gái ông được cứu sống. Cứ xem diễn tiến của câu chuyện chúng ta sẽ thấy rõ sự kỳ diệu của đức tin.

Khi hay tin con gái cưng của ông đã chết và những người nhà của ông đã tuyệt vọng, ông vẫn tin vào quyền năng của Chúa. Con gái của ông không còn là một bệnh nhân, mà đã trở thành một xác chết. Và điều ông nài xin Chúa Giêsu giờ đây đối với gia nhân của ông cũng không còn giá trị nữa, như lời họ khuyến cáo: Con gái ông đã là người thiên cổ rồi còn làm phiền Thầy chi nữa (x. Mc 5,35).

Sự kiện “người ta khóc than kêu la” là dấu chứng con gái ông đã chết. Thánh sử Matthêu còn thêm chi tiết là “đến nơi Chúa Giêsu thấy phường kèn và đám đông xôn xao” (Mt 9,23). Đang sống thì phường kèn không có lý do gì để có mặt ở đó. Điều này chứng tỏ con gái ông rõ ràng đã chết thật, và đức tin của ông lúc này đang bị thử thách nặng nề. Có thể nói được là thử thách đã lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, khi được Chúa Giêsu khích lệ, ông đã một lòng tin tưởng và tín thác, mặc cho bầu khí kém lòng tin, do những người bà con lối xóm gây ra, đang bao trùm chung quanh. Kết quả là đức tin ấy đã được tưởng thưởng xứng đáng: người con gái yêu quý đã được tử thần trả lại cho ông. Nói cách khác, chính đức tin đã đem con gái ông trở về từ cõi chết. Chẳng phải Chúa Giêsu đã từng có lần nói: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (x. Mt 21,21-22).

Nói tóm lại, tin là điều kiện cần thiết để Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ. Thế nhưng việc Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ cũng không nằm ngoài mục đích là củng cố niềm tin cho những kẻ đi theo Ngài, để họ tin rằng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, nhờ đó mà họ được ơn cứu độ. Không bao giờ Chúa Giêsu làm phép lạ để biểu diễn như lời dụ khị của Satan; hay là để cho nhân dân tán thưởng như các võ sĩ, các nhà ảo thuật, hoặc các diễn viên xiếc…

Qua phép lạ, Ngài kiện cường, thanh luyện niềm tin của những kẻ theo Ngài vốn còn nông cạn, thậm chí còn mang hơi hám ma thuật sơ đẳng, như đức tin của người đàn bà bị loạn huyết, hay còn đang bị chao đảo như đức tin của ông trưởng hội đường, trở thành một đức tin chân chính và sâu xa.

Niềm tin của tôi đang mang màu sắc nào? Tôi có để cho Chúa thanh luyện và “nâng cấp” để đức tin của tôi ngày càng trở nên tinh ròng và kiên vững hay không? Xin Chúa gia tăng lòng tin còn non yếu của chúng ta, hầu chúng ta có thể mở các kho tàng ân sủng trào tràn của Thiên Chúa. Amen.

 

42.Chúa Nhật 13 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Gioan Phan Tiến Dũng)

“Tôi đã, đang và sẽ làm gì trước những nỗi đau khổ của anh chị em tôi”? Đây là câu hỏi đang được đặt ra để tự vấn lương tâm và lòng trí của mỗi người chúng ta. Là những người con cái Chúa, là những Kitô hữu, là đồng bào ruột thịt với nhau, khi chứng kiến những nỗi đau khổ của anh chị em mình, có điều gì từ thâm tâm đã thôi thúc, đánh động chúng ta? Thú thật, ngay cả chính bản thân là mục tử, mỗi khi vào bệnh viện đi thăm người bệnh, đi xức dầu, hay đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân…, những lần chứng kiến và tiếp xúc với những người nghèo, người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ... và càng bi đát hơn, giờ đây, khi phải đối diện với những khó khăn, đau khổ từ dịch bệnh gây ra cho tha nhân…, trước những hoàn cảnh thương tâm như vậy, làm sao mà tôi không khỏi xúc động-chạnh lòng, nhưng tôi phải làm gì đây? Vì với thân phận và giới hạn của con người, nhiều lúc chúng ta cảm thấy “bó tay-bất lực” và không biết phải làm gì.

Thánh vịnh 29 trong bài đáp ca cho chúng ta một bí quyết: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ”.(Tv 29,11) Thật vậy, cách hữu ích duy nhất trong nguy khốn là: hãy chạy đến với Thiên Chúa với lòng tin, hãy cậy trông và phó thác vào Chúa, vì chính Ngài là Đấng sẽ ban ơn giúp sức, chính Chúa sẽ hướng dẫn, chỉ bảo cho chúng ta phải hành động, ứng xử và làm những gì, như thế nào trong từng hoàn cảnh cụ thể của chúng ta. Thế nhưng, liệu rằng chúng ta có thể tin cậy và phó thác mọi sự cho Chúa?

Bài đọc một từ sách Khôn ngoan cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa chính là Người Cha yêu thương, Đấng đã dựng nên mọi sự trong vũ trụ này, đều tốt lành và đem lại ơn ích cho chúng ta. Chúa đã không tạo nên sự dữ, đau khổ và chết chóc. Thế nhưng những hậu quả của đau khổ mà con người đang phải gánh chịu là do bởi sự ích kỷ, hẹp hòi và tội ác của con người gây nên cho nhau. Một khi con người không chấp nhận Chúa, khước từ và không tin vào Chúa, thì con người đã mở cửa lòng trí mình cho ma quỷ, thế gian, xác thịt xúi giục, chiều theo và hậu quả là sự đau khổ và sự chết đã xảy ra. Thế thì, trước nỗi đau khổ và cái chết, con người có còn được Thiên Chúa đoái thương, ban ơn cứu chữa và cho chúng ta cơ hội, cho con đường sống tốt lành không?

Tin mừng theo Thánh Marco, cho chúng ta hai mẫu gương của những con người biết chạy đến kêu xin Chúa trong lúc khó khăn, đau khổ và đang đối diện với cái chết. Mẫu gương của ông trưởng hội đường, một người cha có đứa con bị bệnh gần chết và mẫu gương của người đàn bà bị bệnh nan y không thể nào cứu chữa. Hai con người này, cũng đang đại diện cho tất cả chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, khi bản thân chúng ta đang phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của tha nhân vì dịch bệnh, đồng thời cũng chính bản thân chúng ta đang phải gánh chịu biết bao sự đau khổ, khó khăn, bệnh tật trong cuộc sống. Điều tuyệt vời nơi mẫu gương này là: trong cơn tuyệt vọng, hai con người này đã biết chạy đến với Chúa Giêsu, vì họ tin Ngài là cứu cánh duy nhất của họ. Người cha đã chạy đến quỳ dưới chân Chúa, sụp lạy, van xin Chúa: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Còn người đàn bà cũng chạy đến với Chúa, vì sợ không dám kêu xin, nhưng đã nghĩ thầm: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Hai con người với hai hoàn cảnh, hai nỗi khó khăn, cùng cực khác nhau, nhưng họ lại có chung một lòng tin rất mạnh vào Chúa. Nhờ vào lòng tin của chính mình mà Chúa đã cứu chữa khỏi căn bệnh nan y của người đàn bà và cũng nhờ vào lòng tin người cha mà đứa con gái của ông sắp chết, đúng ra đã chết được Chúa cứu sống.

Thưa ACE, ai trong chúng ta mà không phải đối diện với những khó khăn, đau khổ và sự chết, đặc biệt trong hoàn cảnh của dịch bệnh hiện nay; càng tệ hại hơn khi chứng kiến hậu quả đau thương của những cách sống, thái độ sống băng hoại trong đời sống xã hội hiện tại. Vậy thì, trong cơn nguy nan, cùng cực như vậy, Chúa có phải là điểm tựa, là cứu cánh, là Đấng mà chúng ta tin tưởng, phó thác, cậy trông để chạy đến van xin Ngài thương cứu giúp. Đồng thời, với lòng tín thác vào Chúa và tình liên đới với ACE, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì cho tha nhân đặc biệt cho những con người đau khổ, phận nhỏ, những con người bị lãng quên và bị bỏ rơi?

Bài đọc hai trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô mời gọi chúng ta dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy sống tâm tình cảm tạ, tri ân, hãy đến với ACE mình với tấm lòng quảng đại yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Vì tất cả những gì mà chúng ta đang có ngay từ mạng sống, từ sức khỏe, đến công ăn việc làm…mọi sự chính là ơn phúc  mà Chúa thương ban, phù trì và che chở.  Do đó, cách sống tín thác vào Chúa và tâm tình tạ ơn chính là cách sống quảng đại để trao ban, chia sẻ và giúp đỡ những gì chúng ta đã và đang lãnh nhận cho ACE mình. Thật ra, không phải chúng ta là người trao ban, chia sẻ, nhưng khi chúng ta khiêm tốn, mở lòng, thì chính Chúa là Đấng đang dùng chúng ta mà trao ban ơn thánh của Ngài cho người khác.

Lạy Chúa, Chúa đã chạm vào em bé dù đã chết, nhưng em đã được cứu sống nhờ lòng tin và sự van xin kêu cứu của người cha; Chúa cũng đã tạo cơ hội để cho người đàn bà bị bệnh chạm đến Chúa để được chữa lành nhờ vào lòng tin mạnh của bà. Giờ đây, với lòng tín thác, chúng con xin Chúa cũng hãy đến chạm vào những nỗi đau khổ, bệnh tật cả về thể lý và tinh thần của chúng con. Xin vì lòng thương xót Chúa mà ban cho chúng con được ơn chữa lành. Xin Chúa cũng hãy dùng chính chúng con, xin ban ơn soi sáng, giúp sức để với tình thương và sức mạnh của Chúa, chúng con mới có những sáng kiến tốt lành để đến với tha nhân, nhờ đó ơn thánh tình thương của Chúa được thực hiện. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ