Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1361487

TÍNH HỮU HIỆU CỦA LỜI CHÚA

TÍNH HỮU HIỆU CỦA LỜI CHÚA (*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Chủ đề Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A là tính hữu hiệu của Lời Chúa.

Is 55: 10-11

Trong đoạn trích tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị này, Lời Chúa được sánh ví với ơn vũ lộ chan hòa làm cho hạt giống đâm chồi nẩy lộc và đem lại cơm bánh cho con người.

Rm 8: 18-23

Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Trong đoạn trích hôm nay, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Rô-ma hãy suy niệm, bên kia mầu nhiệm đau khổ, số phận vinh quang đang chờ đón: không chỉ con cái Thiên Chúa nhưng còn muôn loài muôn vật nữa.

Mt 13: 1-23

Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giê-su sánh ví Lời Ngài với hạt giống. Hạt giống có sinh hoa kết trái hay không tùy theo những mảnh đất đón nhận hạt giống. Trong những mảnh đất tốt, hạt giống mang lại một vụ mùa bội thu.

BÀI ĐỌC I (Is 55: 10-11)

Bản văn này gợi lên tính hữu hiệu của lời Chúa có thể sánh ví với tính hữu hiệu của ơn vũ lộ làm cho đất phì nhiêu. Bản văn này được chọn vì mối liên hệ gần gũi của nó với dụ ngôn “người gieo giống” được tường thuật trong Tin Mừng hôm nay. Bản văn này được trích từ chương cuối tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a biệt danh là I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55). Đây là vị ngôn sứ của thời lưu đày Ba-by-lon, ông đang an ủi những người đồng hương bất hạnh của ông khi hứa với họ rằng Đức Chúa sắp ra tay giải thoát họ.

1-Tính hiệu quả của lời Chúa:

Ông khẳng định, lời Thiên Chúa hứa như thế không là lời dối trá, vì Lời Chúa nhất thiết phải xảy ra. Những thành quả của nó là tất yếu, chắc chắn như những thành quả của trận mưa từ trời xuống và tuôn đổ muôn phúc lành của mình trên đất đai trước khi trở về trời.

Sự so sánh này không thuần túy thi ca: “nước là hình ảnh của ơn cứu độ” và mưa là dấu chỉ của ơn cứu độ nhưng không. Ở đầu bài thơ của mình, vị ngôn sứ đã nhắc nhớ rằng nước trời ban, nên không phải trả đồng nào. Như vậy, ông lại kêu gọi dân chúng hãy tin tưởng. Tính hiệu quả của Lời Chúa được chứng mình một cách tuyệt vời nhất đó sẽ là cuộc giải thoát sắp đến của những người lưu đày. Ông kêu to lên ngay sau đoạn trích này:

“Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan,

rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự,

Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò,

cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay.

Cây bách vươn cao thay bụi rậm,

cây sim lớn mạnh thế tầm ma,

để Đức Chúa được lừng danh nức tiếng,

được ghi nhớ ngàn năm và truyền tụng muôn đời” (Is 55: 12-13).

2- Ngôi vị hóa lời Chúa:

Trong bản văn, Lời Chúa được ngôi vị hóa. Như một sứ giả ra đi, Lời Chúa được giao phó một sứ mạng và sẽ trở về chỉ khi nào sứ mạng được hoàn thành. Đức Giê-su sẽ hiện thân Lời Chúa này. Ngài sẽ trở về Chúa Cha chỉ khi Ngài hoàn tất sứ mạng cứu độ của mình.

BÀI ĐỌC II (Rm 8: 18-23)

Trong Bài Đọc II, chúng ta tiếp tục đọc chương 8 thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma.

Thánh nhân vừa mới chứng tỏ rằng người Ki-tô hữu được liên kết với cùng một vận mệnh của Đức Ki-tô, vì người Ki-tô hữu được làm con cái Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Ki-tô: “Vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người”.

1-Số phận vinh quang của con cái Thiên Chúa:

“Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ, sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa đã mặc khải nơi chúng ta”. Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ, có thể hiểu những hoàn cảnh trần thế ở đó người Ki-tô hữu đang sống, nhưng chắc chắn những gian nan thử thách mà họ phải chịu trong cuộc chiến đấu chống tội lỗi. Đau khổ tự thân không là nguồn mạch vinh quang; nhưng nhờ thông hiệp với Đức Ki-tô mà đau khổ trở thành vinh quang. Chính trong Đức Ki-tô mà đau khổ và vinh quang là hai khía cạnh của một mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

2-Muôn loài mong chờ được giải thoát:

Điều thánh Phao-lô khai triển không xuất phát từ một hệ thống triết học, cũng không từ một quan niệm khoa học về vũ trụ, nhưng được đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Thế giới đã được sáng tạo cho con người; nó liên đới với vận mệnh của con người; nó đã bị nguyền rủa bởi tội lỗi của con người: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3: 17). Lời nguyền đè nặng trên đất đai chứ không trên con người: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng vì Thiên Chúa bắt chịu vậy” (do tội lỗi của con người mà lời nguyền của Thiên Chúa đè nặng trên muôn loài muôn vật). Thánh Phao-lô cho rằng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, muôn loài muôn vật được liên kết với sự trừng phạt của con người, được dự phần vào ơn cứu độ của nó và được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát. Thật ra các ngôn sứ đã loan báo một sự đổi mới của muôn loài muôn vật:

“Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,

không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa.

Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan

vì những gì chính Ta sáng tạo” (Is 65: 17-25; x. 11: 5-9).

Thánh Phao-lô ám chí đến điều này: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài trong vũ trụ cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh con”.

Vả lại, văn chương khải huyền đã mở rộng những niềm hy vọng thời Mê-si-a vượt qua bên kia cái khung quốc gia chật hẹp, và đã trương rộng chúng đến toàn thể nhân loại, thậm chí đến muôn vật vô tri vô giác. “Thế giới tương lai” được mô tả như một thế giới được thay hình đổi dạng mà những thực tại thiên giới đột nhập vào trong thế giới đó. Thư thứ hai của thánh Phê-rô gợi lên viễn cảnh này bằng những ngôn từ khải huyền: “Trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu hủy và ngũ hành sẽ cháy tan ra trong lửa hồng. Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3: 12-13).

Trong các thư được viết trong cảnh bị giam cầm, thánh Phao-lô sẽ lấy lại cùng viễn cảnh vĩ đại, bằng những biểu thức ngắn gọn hơn. Trong thư gởi các tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô chúc tụng Đức Ki-tô, Thủ Lãnh của vũ trụ:

“Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

Thiên Chúa đã đem lại bình an

cho mọi loài dưới đất

và muôn vật trên trời” (Cl 1: 20).

Đó cũng là những điểm nhấn trong thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô (Ep 1: 9-13).

3-Vai trò của Chúa Thánh Thần:

 Tư tưởng của thánh Phao-lô dựa trên thần học Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, ở đó vai trò của Chúa Thánh Thần chiếm một vị thế quan trọng. Chính Chúa Thánh Thần đã khởi sự rồi trong chúng ta sự biến đổi này và cho phép chúng ta hy vọng “một sự giải phóng tương lai thân xác chúng ta”. Cũng như vậy đối với muôn loài muôn vật, tức là toàn thể thế giới hữu hình biệt phân với loài người. Vì thế, thánh Phao-lô đi ngược lại với tư tưởng Hy-lạp. Theo tư tưởng Hy-lạp: mong muốn giải thoát tinh thần khỏi vật chất, còn thánh Phao-lô thì nhắm đến sự khôi phục vật chất bởi Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội không từ chối viễn cảnh của thánh Phao-lô. Công Đồng Vatican II được gợi hứng theo viễn cảnh này (được gợi hứng một phần bởi Teilhard de Chardin).

TIN MỪNG (Mt 13: 1-23)

Trong chương này, thánh Mát-thêu tập hợp bảy dụ ngôn, trong số đó bốn dụ ngôn chỉ được gặp thấy tại thánh nhân: “dụ ngôn cỏ lùng”, “dụ ngôn kho báu”, “dụ ngôn ngọc quý”, “dụ ngôn chiếc lưới”; hai dụ ngôn chung với thánh Mác-cô và thánh Lu-ca: “dụ ngôn người gieo giống”, “dụ ngôn hạt cải”; và một dụ ngôn khác với chỉ thánh Lu-ca: “dụ ngôn men trong bột”.

Bảy dụ ngôn này hình thành nên một tổng thể thuần nhất: cả bảy dụ ngôn đều có liên hệ tới “Nước Trời”. Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc chúng.

1-Dụ ngôn:

Các dụ ngôn là những thực tại thường ngày dễ thấy được dùng để nói về những thực tại tinh thần vốn cao siêu mầu nhiệm khó nắm bắt được. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư thực hành phương pháp này để đánh thức sự chú ý và khêu gợi những suy tư; họ dựa trên một truyền thống dài lâu: các ngôn sứ đã cho mẫu gương và truyền thống đã gán cho vua Sa-lô-mon nhà khai sinh diễn từ dụ ngôn.

2-Người gieo giống:

Khi dùng những hình ảnh quen thuộc với thính giả Ga-li-lê của Ngài, Chúa Giê-su mô tả mùa gieo giống và số phận dành cho hạt giống tùy theo vùng đất tiếp nhận nó: sỏi đá, bụi gai, con đường băng qua cánh đồng như thường thấy; thêm những chướng ngại đến từ bên ngoài: chim trời, nắng cháy. Nhưng “có những hạt giống rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. Hình ảnh này rất mạnh, vì mùa thu hoạch ở Pa-lét-tin không vượt quá sản lượng từ mười một đến mười hai cho mỗi hạt vào những vụ mùa bội thu nhất.

Qua những gợi ý này, Đức Giê-su muốn giải thích cho đám đông – nếu như họ muốn hiểu – cũng như cho các môn đệ Ngài, những khó khăn mà sứ điệp của Ngài gặp phải. Vì chính Ngài là “người gieo giống đi ra gieo giống”, gieo Lời Thiên Chúa. Ngay từ đầu bài diễn từ về dụ ngôn, thánh Mát-thêu viết: “Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra” (Mt 13: 1).

Thêm nữa, Đức Giê-su là người mà các ngôn sứ loan báo về Đấng Mê-si-a dưới tước hiệu “chồi non”. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên sấm:

“Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít

một chồi non chính trực” (Gr 23: 5 và 13: 15).

Ngôn sứ I-sai-a đã dùng ngôn từ này rồi:

“Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên

sẽ là vinh quang và danh dự

và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh” (Is 4: 2).

Dụ ngôn người gieo giống muốn nói rằng thời kỳ đã đến từ cuộc gặp gỡ giữa “chồi non” và mảnh đất của tâm hồn. Nó cũng có nghĩa rằng Thiên Chúa không áp đặt nhưng đề nghị; Ngài gieo một cách dồi dào, không dè dặt thậm chí dù hạt giống có nguy cơ bị mất đi. Con người phải mở rộng lòng trí của mình.

3-Tiếp đón Lời:

Các môn đệ không hiểu ngay tư tưởng của Đức Giê-su: “Thưa Thầy, sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?”. Câu trả lời của Đức Giê-su thì thật rõ ràng: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không”. Đây là một lần duy nhất và vào một dịp duy nhất này mà trong các sách Tin Mừng xuất hiện từ “mầu nhiệm”.

Tiếp đó, Đức Giê-su còn trở nên nghiêm khắc hơn: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ còn dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, thì cũng sẽ bị lấy mất”. Có thể Đức Giê-su trích dẫn một câu ngạn ngữ và áp dụng vào việc tiếp đón Lời Ngài. Ai mở tâm trí mình với tấm lòng ngay thẳng trước ánh sáng sứ điệp của Ngài, sẽ còn nhận nhiều ánh sáng hơn nữa. Đó là trường hợp các môn đệ, mà Đức Giê-su mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho họ, vì lòng trí của họ sẵn sàng đón nhận.

Nhưng dân chúng, vốn thiện cảm với vị thần thông này, ngộ nhận con người của Đức Giê-su. Qua những dấu chỉ Ngài ban, họ không nhận ra Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến; họ gắn bó với Ngài vẫn nông cạn. Đối với các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, việc tiếp đón Lời Ngài còn lạnh nhạt hơn; họ không có bất kỳ thành tâm thiện chí nào. Thế nên, ai không màng đến ánh sáng thì càng tăm tối hơn: “Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”.

4-Lòng chai dạ đá:

Thật ra, những dụ ngôn của Đức Giê-su thật sự trong sáng và rõ ràng. Đức Giê-su không có ý làm cho lời dạy của Ngài khó hiểu để làm nhụt chí thính giả của Ngài. Trái lại, khi dùng ngôn ngữ cụ thể, Ngài muốn chuyển giao cho họ những chân lý khó nắm bắt. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh điều đó xa hơn khi trích dẫn Tv 78: 2:

“Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ,

công bố điều huyền bí thuở xa xưa”.

Đám đông này lắng tai nghe mà không thật sự hiểu, Đức Giê-su muốn chữa họ khỏi những giấc mơ sai lạc và lòng nhiệt thành vô tích sự. Ngài lấy làm tiếc vì những tâm trí mù lòa của họ. Chúa Giê-su giải thích chứng mù lòa tâm linh của đám thính giả thời Ngài là ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành”. Lòng chai dạ đá của đám đông dân chúng vào thời Đức Giê-su, ngôn sứ I-sai-a đã đối mặt rồi vào thế kỷ VIII tCn.

Sấm ngôn của I-sai-a được cả ba sách Tin Mừng nhất lãm (Mt 13: 14-15; Mc 4: 12; Lc 8: 10) cũng như thánh Gioan kể ra (Ga 12: 40) và được dùng trong phần kết thúc sách Công Vụ Tông Đồ. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng sấm ngôn này đã được ứng nghiệm: việc dân Ít-ra-en từ chối là một sự kiện; vì thế “ơn cứu độ này của Thiên Chúa đã được gởi đến cho các dân ngoại” (Cv 28: 26).

Sấm ngôn của I-sai-a này được trích từ bài trình thuật về ơn gọi của ngôn sứ I-sai-a. Đức Chúa cho vị ngôn sứ hiểu rằng sứ mạng của ông sẽ gặp nhiều khó khăn, vì ông sẽ phải ngỏ lời với một dân chúng lòng chia dạ đá và rồi thế nào sứ mạng cũng sẽ phải thất bại. Đây là kiểu nói mang đậm nét sê-mít diễn tả sự trách móc pha lẫn nỗi giận dỗi và dễ gây nên sự mâu thuẫn:

“Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn,

cho tai nó điếc, cho mắt nó mù;

kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu,

mà trở lại và được chữa lành” (Is 6: 10).

Sau đó, Đức Chúa loan báo một sự trừng phạt khủng khiếp: “Và nếu ở đó còn sót lại một phần mười, thì đến lượt phần đó cũng sẽ bị lửa thiêu, như một cây vân hương, một cây sồi bị đốn, chỉ còn sót lại cái gốc thôi. Gốc ấy là một mầm giống thánh” (Is 6: 13). Hoàn cảnh của vị ngôn sứ tương tự với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su chính là “mầm giống” thánh này.

5- Những người gieo giống tương lai:

Tương phản với những viễn cảnh bi quan này, Đức Giê-su cho thấy niềm vui mà niềm tin của nhóm nhỏ môn đệ của Ngài đem lại cho Ngài, những người mà Ngài sắp làm cho họ trở thành những người gieo Lời Ngài trong tương lai. Họ sẽ vấp phải những khó khăn tương tự, nhưng trên những mảnh đất tốt họ sẽ thu hoạch một vụ mùa kỳ diệu. Chúa Giê-su lập lại những con số thật choáng ngợp: “Kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba mươi”. Vì tính hữu hiệu của Lời Chúa không thể nào nghi ngờ được.

Từ đó, người ta hiểu tại sao Đức Giê-su đã nói về sứ mạng của Ngài bằng ngôn từ vụ mùa: “Hạt giống phải chết đi mới sinh được nhiều hoa trái”. Vụ mùa bao gồm một cái chết phong phú. Cái chết này sẽ là cái chết của chính Ngài.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- A

ĐÓN NHẬN NHỮNG HẠT GIỐNG LỜI CHÚA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

Sợi chỉ đỏ : Không như lời của người phàm, Lời Thiên Chúa có sức sinh hiệu quả (bài đọc I : Is 55,10-11) ; Sở dĩ như thế vì Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa, Ngài chăm sóc cho sự sống của Ngài nảy sinh hoa quả trên khắp trái đất (đáp ca Tv 64) ; Lời của Đức Giêsu chính là những hạt giống tốt, nếu con người biết làm mảnh đất tốt mà đón nhận thì Lời ấy sẽ sinh kết quả gấp bội (Tin Mừng Mt 13,1-23).

– Bài đọc II (Rm 8,18-23) (Chủ đề phụ) : “Chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta”

*I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Chúng ta đều biết ảnh hưởng của lời nói : có những lời nói khiến ta sung sướng vô cùng, nhưng cũng có những lời nói làm lòng ta đau nhói ; lời của những bậc khôn ngoan dạy ta nhiều điều hay lẽ phải, còn lời đường mật của những người xấu có thể dụ ta đến những thiệt hại khôn lường.

Hôm nay, Chúa bảo ta hãy lưu ý đến Lời của Chúa. Đó là những hạt giống tốt có khả năng sinh những hoa trái rất tốt lành.

Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa gieo vào sinh hoa kết quả tốt đẹp.

*II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta chưa quan tâm đủ đến việc học hỏi Lời Chúa trong Tin Mừng.

– Rất nhiều hạt giống lời Chúa gieo vào lòng chúng ta đã uổng phí vì chúng ta không thành tâm đón nhận.

– Chúng ta nghe Lời Chúa rất nhiều nhưng thi hành thì rất ít.

*III. LỜI CHÚA

*1. Bài đọc I (Is 55,10-11)

Đoạn trích này thuộc về phần thứ II của sách Isaia, phần này được gọi là “Sách an ủi”. Ngôn sứ Đệ nhị Isaia nói rằng Thiên Chúa đã hứa sẽ cho dân do thái thoát khỏi cảnh lưu đày và được trở về quê hương.

Thế nhưng nhiều người do thái tỏ ra không tin vào lời hứa đó. Ngôn sứ lưu ý họ hãy nhớ rằng Lời của Thiên Chúa luôn luôn hữu hiệu : Ngài đã nói thì thế nào cũng xảy ra đúng như lời Ngài nói ; Ngài đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện.

Lịch sử đã chứng minh cho điều Đệ nhị Isaia nói : dân do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công nguyên.

*2. Đáp ca (Tv 64)

Thánh vịnh 64 ca tụng Thiên Chúa Tạo Hoá : sau khi tạo dựng trái đất, Ngài thường xuyên thăm viếng, tưới gội, để cho trái đất thấm nhuần mầu mỡ, cây trái đâm chồi nẩy lộc sinh hoa kết quả, gia súc sinh sản và lớn lên, muôn loài hát xướng hoan ca.

Phụng vụ chọn những lời ca tụng này như một bức màn nền để làm nổi bật ý nghĩa dụ ngôn Tin Mừng về việc gieo những hạt giống lời Chúa.

*3. Tin Mừng (Mt 13,1-23)

Dụ ngôn này đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng ta hãy để ý đến vài chi tiết mang ý nghĩa đặc biệt :

– Người nông phu này gieo hạt giống xuống mọi loại đất mặc dù biết trước là nhiều hạt sẽ không nầy mầm mọc lên à Thiên Chúa rất hào phóng sẵn sàng ban Lời Ngài cho mọi người và ban cách rất quảng đại dồi dào.

– Dụ ngôn kể ra 4 loại đất, trong đó có tới 3 là đất xấu à Thực tế đáng buồn là rất nhiều người đã không đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời ấy sinh kết quả.

– Lời Đức Giêsu trích dẫn sách Isaia “Các ngươi lắng lai mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì” à Tâm thế của những người lòng chai dạ đá trước Lời Chúa. Đối với họ, Lời Chúa như “đàn gãy tai trâu” và như “nước đổ lá môn” chẳng chút hiệu quả.

– Nhưng đối với người biết đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành thì kết quả rất phi thường : một hạt sinh ra 30, 60, 100 hạt khác.

*4. Bài đọc II (Rm 8,18-23) (Chủ đề phụ)

Đoạn thư này chứa đựng một ý tưởng khá mới lạ của Thánh Phaolô, đó là có một sự liên đới số phận giữa con người và các thụ tạo khác : khi con người phạm tội và do đó bị rơi vào vòng nô lệ tội lỗi thì các thụ tạo cũng bị lôi cuốn vào vòng nô lệ đó ; hiện nay con người ngóng chờ ơn giải thoát thì các thụ tạo cũng ngóng trông như vậy.

*IV. GỢI Ý GIẢNG

*1. “Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều”

Một Rabbi do thái kia rất thích dùng các câu chuyện để giải thích những chân lý. Có một môn sinh hỏi ông tại sao ông thích dùng cách đó. Thay cho câu trả lời, ông lại kể một câu chuyện như sau :

Ngày xửa ngày xưa, chàng Sự Thật đi rảo khắp nơi, không mặc quần áo mà cũng chẳng trang sức gì cả, cho nên ai nấy vừa thấy chàng là mắc cỡ đỏ mặt và chạy trốn hết. Sự Thật buồn lắm. Một hôm chàng gặp nàng Dụ Ngôn mặc một chiếc áo muôn màu tuyệt đẹp.

– Anh Sự Thật ơi, sao anh buồn thế ?

– Tôi buồn vì tôi vừa già vừa xấu, không ai muốn nhìn tôi.

– Không phải thế đâu. Nàng Dụ Ngôn cười đáp. Đây anh hãy mượn chiếc áo của tôi mặc vào. Rồi anh sẽ thấy điều gì xảy ra.

Chàng Sự Thật mặc chiếc áo muôn màu của nàng Dụ Ngôn vào. Và chàng đi đâu cũng được mọi người niềm nở tiếp đón.

Kể xong câu chuyện, Vị Rabbi kết luận : Người ta rất khó đón nhận sự thật “trần trụi”, nhưng rất dễ đón nhận sự thật được diễn tả bằng dụ ngôn.

*2. Lựa lời mà nghe

Có câu ca dao : “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu này có thể gợi ý cho một câu khác : “… Lựa lời mà nghe sao cho có phúc”

Chúng ta phải lựa lời để nghe, bởi vì có những lời toàn gây thiệt hại và có những lời đem lại phúc thật.

Lời Chúa rất đáng cho chúng ta lựa để nghe, vì :

– luôn đúng sự thật, không sai bao giờ, bởi Chúa chính là Sự Thật.

– Chúa không gạt gẫm chúng ta bao giờ. Ngài nói gì cho chúng ta nghe đều chỉ vì lợi ích cho chúng ta.

– Lời Ngài là ánh sáng chỉ đường, lời Ngài là sự sống.

– Lời Chúa rất quý trọng, đến nỗi Ngôi Hai Thiên Chúa được gọi là Ngôi Lời.

*3. Sống đạo bằng gì ?

Nếu được hỏi câu này, một người bàng quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng : họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng lãnh nhận các bí tích và bằng tham dự các lễ nghi.

Đúng vậy, người công giáo chưa hoặc rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là hết sống đạo ! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp để sống đạo đâu ! Và nếu sống đạo bằng tham dự các lễ nghi thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ ! Vả lại, đạo ở trong các kinh đọc, trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã hội.

Đạo là đường, sống đạo là đi đường. Trong cuộc hành trình này, Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi, Lời Chúa dạy ta giải quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng đích.

*4. Bốn thái độ trước Lời Chúa

Chúng ta hãy nghe chính Đức Giêsu giải nghĩa 4 loại đất, tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa :

– Đất vệ đường : những kẻ chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.

– Đất lẫn sỏi đá : những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó thì bỏ cuộc.

– Đất có nhiều gai : những người cũng đón nhận lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải… Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngạt.

– Đất tốt : những người sốt sắng nghe Lời và quảng đại thi hành.

Mỗi ngày Chúa Nhựt chúng ta dự Thánh Lễ, Lời Chúa đều được gieo vào lòng chúng ta.

– Có khi nghe xong chúng ta quên liền. Sau Lễ, nếu có ai hỏi ta bài Tin Mừng hôm nay nói gì, chắc ta không trả lời được. Chúng ta là vệ đường.

– Có khi chúng ta cảm thấy Lời Chúa rất hay và có ý muốn làm theo. Nhưng trở về với cuộc sống nhộn nhịp, vài ngày sau ý muốn ấy đã tắt ngúm. Chúng ta là đất lẫn sỏi đá.

– Có khi chúng ta thực tâm thi hành lời Chúa. Thế rồi chuyện này chuyện nọ trong cuộc sống xảy đến. Chúng ta quan tâm giải quyết những chuyện ấy hơn. Lời Chúa bị bóp chết. Chúng ta là đất có nhiều gai góc.

– Chỉ cần một câu Tin Mừng thôi nhưng được suy gẫm kỹ và được kiên trì thực hiện thì sẽ sinh kết quả gấp trăm.

*5. Chuyện minh họa

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”… Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được : Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”.

*V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Với tâm tình yêu mến lời Chúa, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1- Lời Chúa là nền tảng đức tin của người tín hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh / biết ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa / cũng như cố gắng đọc thường xuyên / và đem ra thực hành trong đời sống thường ngày.

2- Kinh Thánh chứa đựng Lời Chúa / là cuốn sách được in ra nhiều nhất / được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất / và được đọc nhiều nhất trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết trân trọng bộ sách quý báu này.

3- Thường thì những người rao giảng Lời Chúa / hay gặp nhiều thử thách gian nan trong cuộc sống thường ngày / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn che chở giữ gìn các vị ấy / để các ngài có thể chu toàn trọng trách của mình.

4- Sống đạo là sống theo Lời Chúa dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ sẽ / biết cố gắng sống theo Lời Chúa trong Tin Mừng / để đời sống đức tin ngày càng vững chắc và trưởng thành hơn.

CT : Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho chúng con luôn biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng và chăm chú lắng nghe, để Lời Chúa được công bố thực sự trở nên nguồn dinh dưỡng quý báu cho đời sống đức tin của chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

*VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu đã nói “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”. Trong kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy tha thiết “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

– Trước rước lễ : Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được dự hai bàn tiệc là bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa rồi. Giờ đây chúng ta sắp được nuôi dưỡng bằng chính Thánh Thể Chúa. “Đây Chiên Thiên Chúa…”

*VII. GIẢI TÁN

Chúng ta sắp trở về cuộc sống phức tạp với nhiều cực khổ, lo toan, đam mê, tranh chấp… Chớ gì tất cả những thứ ấy không bóp nghẹt những hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng chúng ta trong Thánh Lễ này.

home Mục lục Lưu trữ