Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1361949

TÌNH YÊU VÀ GIỚI LUẬT

TÌNH YÊU VÀ GIỚI LUẬT

 

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Lượng)

Thiên Chúa thường nói với con người trong cách thế họ có thể lãnh hội được. Thời gian là yếu tố thật cần thiết để Chúa Kitô huấn luyện các Tông đồ của Ngài. Trường huấn luyện của Chúa lại ở ngay trên bước truyền giáo, nên Chúa thường chờ đợi lúc thuận tiện để huấn luyện môn đệ, cơ hội thuận tiện sẽ giúp các Tông đồ dễ lãnh nhận hội giáo lý của Chúa hơn. Và một khi giáo lý đó đã thấm sâu vào tâm trí họ, thì họ sẽ dễ thực hành việc rao truyền cho người khác.

Khi Chúa dạy các Tông đồ: "Ai có các lệnh truyền của Ta và giữ lấy, người ấy mới là kẻ yêu mến Ta, mà ai yêu mến Ta thì được Cha Ta yêu mến, và Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó", Chúa muốn các Tông đồ hiểu mối tương quan giữa Ngài và môn đệ như mối thân tình giữa cha và con, thày và trò. Ngài không chấp nhận một lòng yêu mến hời hợi, căn cứ vào một vài hình thức, lễ nghi, giống như người học trò yêu mến thày, nhớ đến thày ngày giỗ, Tết, vài cánh thư, một vài món quà tặng nhau ngày kỷ niệm. Sự quan trọng của lòng yêu mến mà Chúa muốn thấy ở nơi môn đệ của Ngài: "Ai yêu mến Ta, sẽ giữ lời Ta."Sống lời Chúa, làm theo lời Chúa chỉ dẫn để nên giống Chúa, đó mới là lý tưởng của người công giáo.

Người thày chân chính bao giờ cũng muốn truyền thông cho học trò cái tinh túy nhất của giáo lý của mình. Và còn hơn nữa họ mong chờ môn đệ ngoan ngoãn là người trọn đời cố gắng sức thực hành giáo huấn của thày.

Chúa đã đến trong trần gian, đem giáo lý từ trời xuống cho con người. Để thực hiện giấc mơ truyền bá giáo lý nhiệm mầu của mình, Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta mỗi người một sứ mệnh phải chu toàn, để người đời có thể nhìn thấy giáo lý của Chúa được thực hành trong đời sống của chúng ta mà nhận ra chính Thiên Chúa thượng trí là nguồn phát sinh giáo lý đó. Đây chính là giấc mơ Chúa ôm ấp kỳ vọng ở mỗi môn đệ, ở mỗi người tín hữu theo Chúa.

Càng sống Lời Chúa, chúng ta càng khám phá ra nét mặt dịu hiền của Chúa, tình thương, sự quan phòng và định mệnh mà Chúa an bài cho chúng ta. Nắm giữ giáo lý của Chúa tức là nắm giữ một tâm hồn bình an đích thực Chúa muốn để lại cho chúng ta qua Phúc âm hôm nay. Vì thế, sống lời Chúa là sống sự bình an của Chúa.

Chúa săn sóc và âu yếm những kẻ tin vào Ngài. Nhưng Ngài còn yêu thương những ai trọn đời chăm chuyên tuân giữ giới luật của Ngài.

 

54.Lòng anh em đừng xao xuyến …

Trước khi rời khỏi thế gian nay để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Lòng anh em đừng xao xuyến...”.

Trong Tin Mừng ngày hôm nay viết về ngày thứ Năm Tuần Thánh vào cuối bữa ăn sau cùng của Đức Giêsu. Quả thật bầu khí của nhóm các môn đệ thật bi thương: Đức Giêsu vừa loan báo sự phản bội của Giuđa và y đã đi ra khỏi căn phòng vào đêm tối bên ngoài (Gioan 13,21-30).. rồi Đức Giêsu bảo rằng Người sẽ ra đi và nơi Người đi, các bạn hữu Người không thể theo được (Gioan 13,31-36)... sau cùng, đầy nỗi lo sợ, Đức Giêsu báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Người “ba lần”, trong đêm hôm ấy trước khi gà gáy (Gioan 13,37-38). Như thế, người ta biết được sự xao xuyến kinh hoàng đang xiết chặt mọi tâm hồn vô tư tưởng các môn đệ trong đời sống của chúng ta cũng thế có những giờ phút sự sợ hãi kinh hoàng ập xuống trên chúng ta một tương lai bấp bênh, một thiệt hại không vượt qua được, những suy sụp của tuổi già, một căn bệnh không thể chữa khỏi. Và còn có những sợ hãi tập thể: sự thất nghiệp, bạo lực, nạn nhân mãn, nạn đời sự ô nhiễm của môi trường, những nguy cơ của nguyên tử. Và trong bối cảnh khủng hoảng ấy, những câu hỏi nghiêm trọng mà mọi tín hữu chân chính phải đặt ra. Những giá trị cao cả của con người chẳng phải đang bị xóa nhòa Đó sao? Nhân loại ngày mai sẽ tin vào điều gì? Và một ngọn gió hoảng sợ cũng xâm chiếm những tín hữu mạnh mẽ nhất và người ta lẩm bẩm rằng trong Giáo Hội cũng không có gì là ổn cả.

Chính trong bối cảnh nhân loại như thế mà tính lạc quan không gì thắng nỗi của Đức Giêsu bùng lên như một ngọn lửa nồng nàn, cháy sáng trong đêm tối! Chỉ còn mấy giờ nữa Người phải lên thập giá thế mà Người đã cố sức vực dậy tinh thần của các bạn hữu của Người: “Lòng anh em đừng xao xuyến!” chúng ta hãy đắng nghe những lý do Người sẽ đưa ra để chúng ta không bao giờ còn sợ nữa... về bất cứ điều gì.

“Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”

Đức Giêsu yêu cầu các bạn hữu đang xao xuyến của người hướng cái nhìn về một hướng duy nhất: đức tin, sự bình an sâu xa của Đức Giêsu, vượt qua mọi nỗi sợ hãi, không dựa trên sức người, nhưng dựa trên Thiên Chúa. Tất cả, không chừa một ai đều có thể suy sụp, chỉ có Đức Giêsu nắm giữ sự trợ giúp siêu nhiên nằm bên ngoài ảnh hưởng của mọi sức mạnh phá hoại cái chết cũng không thể phá hủy sự bình an của Người: Sự bình an của Người không do sức con người mà do Thiên Chúa! Vả lại, chúng ta nhận thấy rằng Đức Giêsu đòi hỏi đối với bản thân Người một thái độ đức tin mà người ta có thể có đối với Thiên Chúa. Tính duy lý của con người vỡ tung như một nhân nguyên tử dưới sức ép khó quan niệm nổi của cái vô cùng thánh thiêng: Làm thế nào mà Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa lại có thể nói về Thiên Chúa như một Đấng khác mình? Và điều Đó mang lại công thức làm ngạc nhiên: “Hãy tin vào THIÊN CHÚA... Hãy tin vào THẦY...”. Vậy thì Người là ai để nói như thế?

“Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.

“ Phải, Đó là mầu nhiệm không thể hiểu thấu của Nhập Thể. Đức Giêsu với tư cách con người, phân biệt không ngừng với Thiên Chúa! Người nói về Thiên Chúa như thể Đó là một Đấng Khác (Tha Thể Tuyệt Đối) người nói về Chúa Cha. Không bao giờ Đức Giêsu hướng cái nhìn của con người về chính mình. Không bao giờ Đức Giêsu lôi kéo sự tôn kính hay thờ phụng về bản thân Người: Người hoàn toàn hướng về một Đấng khác...và Người muốn xoay hướng chúng ta về Đấng khác ấy, Đấng hoàn toàn khác, Đấng mà chưa có ai đã từng trông thấy, tức là Chúa Cha.

Như thế Đức Giêsu đối diện với cái chết của Ngài, sự ra đi khỏi thế gian này, như một sự trở về nhà mình: Người sẽ tìm lại nơi Đó một Đấng mà Người yêu mến và mến yêu Người. Đức Giêsu biết mình được yêu.

Sau những lời làm vỡ tung lý trí, giờ đây là những lời hoàn toàn thân mật, những lời thường nói mỗi ngày: nhà, chỗ ở, dọn chỗ...

“Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy”

Đây là những lời dịu dàng không tả nổi: “Đem về với Thầy... trở lại...” Thiên Chúa tất nhiên là Đấng hoàn toàn khác không thể đạt đến được nhưng cũng là Đấng rất gần, thân thiết chúng ta không có một Thiên Chúa dửng dưng và lãnh đạm, nhưng là một người Cha đầy tình âu yếm, một người Anh để cho những nổi lo sợ của chúng ta làm thương tổn và Người nói với chúng ta những lời an ủi và thân ái.

“Hễ Thầy ở đâu, anh em cũng ở Đó”.

Chúng ta chớ lướt qua nhanh quá trên những lời xem ra có vẻ đơn giản và thân mật một cách ngây thơ. Có cả một thần học được diễn tả xuyên qua mạc khải ấy. Khi dám nói rằng: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở Đó”. Đức Giêsu mở ra cho nhân loại một viễn cảnh có âm vang vô tận, siêu nhân, siêu nhiên: Chính “đời sống thánh thiêng” được ban cho chúng ta mục đích của con người không còn ở trong con người, mà ở trong Thiên Chúa! Nhân loại đi về hướng có Đức Giêsu ở Đó con người đã được lập trình để trở thành “như Thiên Chúa” người ta hiểu được lời Người nói: “Lòng anh em đừng xao xuyến!”

“Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

Đây là một điệp khúc: “Thầy đi...” “chúng con không biết Thầy đi đâu...”. Đó là câu hỏi nền tảng của nhân loại mà Tôma dũng cảm đặt ra nhân danh chúng ta. Chúng ta sẽ đi về đâu? Ý nghĩa, mục đích sau cùng của đời sống là gì? Có cái gì sau khi chết?.

Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống: Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

Đối với Đức Giêsu, chân trời không bao giờ bị ngăn chặn, gây ra sự tuyệt vọng.

Đối với người tin, ai chấp nhận lời Đức Giêsu, lịch sử sẽ có một ý nghĩa, đời sống sẽ không còn phi lý nữa Đức Giêsu là “người mở đường”, Người đã mở ra một lối thoát cho cái hữu hạn và cho đặc tính phải chết của con người. Không có Đức Kitô con người bị giam hãm trong những giới hạn của mình. Với Người, và chỉ với Người, như Người khẳng định có một con đường không dẫn tới cái hố đen của nấm mộ, nhưng về “nhà của Chúa Cha”.

Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng sẽ biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”.

Câu này của Thánh Gioan là một câu làm hiện ra tính không thể diễn tả của Thiên Chúa, sự “mạc khải” này vẫn còn một phần “không thể quan niệm được”: ánh sáng.. nhưng vẫn còn một thứ ánh sáng của đêm tối... ánh sáng của đức tin.

Thật vậy, câu này gồm hai khẳng định bề ngoài trái ngược nhau: Anh em cũng (sẽ) biết Cha của Thầy (ở thì tương lai).. bây giờ, anh em biết: Người (thì hiện tại).

Rõ ràng là Thiên Chúa không hiển nhiên và thật ra, chúng ta không biết Người. Người ta cũng có thể nói rằng chúng ta hiểu được Người! Rõ ràng có một thứ hồ nghi, không chắc chắn đã xuất hiện trong câu hỏi của Tôma: “chúng con không biết...”. Tình cảnh của chúng ta hiện nay đúng là như thế có thể một ngày nào Đó, chúng ta sẽ biết Thiên Chúa. Sự vô tri về Thiên Chúa hôm nay, sẽ biến đổi thành trí thức, như lời Đức Gìêsu nói: Anh em sẽ biết Người! Vả lại trong Đức Giêsu, sự hiện diện vô tri của Thiên Chúa chịu một “cú sốc của tương lai” đến độ những thực tại phải đến đã trở thành hiện tại: “Ngay từ bây giờ, anh em biết Thiên Chúa và đã thấy Người!”. Có thể nói rằng, bằng một cảm thức siêu nhiên, tương lai được tiên cảm trong hiện tại đối với những người tin Đức Giêsu: “Thời sau hết đã ở Đó, mặc dù chưa hoàn tất. Giáo Hội, nơi cư ngụ của các tín hữu đã trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa ở giữa con người” (Khải Huyền 21,3). Một ngày nào Đó, chúng ta sẽ có một sự hiểu biết nào Đó về Chúa Cha, còn bây giờ chúng ta đã hiểu biết Chúa Cha qua bức màn của đức tin. Đó là điều mà các nhà thần học gọi là cánh chung: Tương lai được cảm nghiệm trước trong lòng của các tín hữu, trong Đức Giêsu Kitô.

Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?”.

Mới rồi, chúng ta vừa nghe Đức Giêsu phân biệt Người với Chúa Cha. Giờ đây dường như Người đồng hóa với Chúa Cha. Đức Giêsu đi về với Chúa Cha, Người là con đường dẫn đến Chúa Cha và đồng thời Người ở trong Chúa Cha và ai “thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha”. Đức Giêsu là một con người, nhưng một con người “chứa đầy Thiên Chúa”, một con người Thiên Chúa! Chúng ta phải để những từ có vẻ đơn giản ấy thấm nhuần chúng ta: “Thầy ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong Thầy...Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy...”

Phải, đã có một con người là Giêsu Nadarét, sống cách nay hai ngàn năm trong một tổng nhỏ ít người biết đến của Đế quốc La Mã, một con người bằng xương bằng thịt đã đứng trên đôi chần của mình và trên một miền đất xác định, đất Israen, một con người có những bạn hữu, một con người ăn uống như mọi người.. một người sắp chết như mọi người... và con người này lúc này đây hiệp thông với Thiên Chúa và đồng nhất với Thiên Chúa và hoàn toàn không là một kẻ điên một con người quân bình tột bậc, khiêm tốn, không tham vọng và kiêu ngạo: một con người vừa mới quỳ gối trước các bạn hữu để rửa chân cho họ như một tôi tớ bình thường vào thời Đó.. đồng thời giao nộp thân thể tan nát, và đã đổ máu ra vì họ.

“Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy chính người làm những việc của mình: Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì chính các việc kia vậy thật Thầy bảo thật anh em ai tin vào Thầy, thì người Đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người Đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”.

Thiên đàng không phải là một sự chạy trốn vào một giấc mơ của tương lai hoang tưởng. Thiên đàng không phải là một miếng đường được hứa ban cho sau này để bỏ qua sự chua cay hiện tại Thiên Chúa không phải là một thứ thuốc phiện dùng để ru ngủ những đau khổ cho một cuộc sống đời đời.

Một thiên đàng để bắt đầu và được cảm nghiệm bởi những người “làm những việc Đức Giêsu làm”: Có một cách nào Đó để suy nghĩ, để chọn lựa, để gặp gỡ Thiên Chúa và con người, một cách sống nào Đó cũng chính là cách sống của Đức Giêsu.

 

55.Ngôi Lời tỏ tình yêu Thiên Chúa

(Suy niệm của Pm. Cao Huy Hoàng)

Chung quanh chúng ta và ngay trong chúng ta, còn có rất nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhưng họ tin có Tình Yêu. Họ cũng đang yêu, đang khát khao được yêu. Họ đang sống nhờ tình yêu vợ chồng, cha mẹ, anh em, bạn hữu, và cả tình yêu tha nhân cộng đồng. Họ không thể thiếu tình yêu, nhưng họ chưa nhận ra Thiên Chúa vì họ vẫn cho rằng tình yêu trong mỗi con người là một khả năng tự nhiên, một nhu cầu tự nhiên. Họ không hiểu được cội nguồn siêu nhiên của tình yêu là Thiên Chúa, và có thể, họ đã thể hiện cách yêu tự nhiên ở một cấp độ dưới bản tính con người.

Kitô hữu công giáo được Chúa Giêsu mạc khải cho biết cội nguồn của tình yêu là Thiên Chúa và thật là diemx phúc khi được tuyên tín mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm của các mầu nhiệm khác. Lý trí con người không thể hiểu thấu mầu nhiệm, vì mầu nhiệm chỉ được hiểu thấu khi con người chấp nhận để chính mình tan hòa trong mầu nhiệm ấy: Hòa Tan Trong Tình Yêu Ba Ngôi.

Bài tin mừng hôm nay-trong diễn từ từ biệt của Chúa Giêsu, trước lúc vào cuộc thương khó- được Mẹ Giáo Hội đưa vào tin mừng phụng vụ chuẩn bị cho việc Chúa Giêsu về trời, cho thấy sự viên mãn của tình yêu Ba Ngôi đến mức tuyệt hảo. Nội dung bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra cho các tông đồ lời mời gọi tan hòa vào mầu nhiệm Ba Ngôi hơn là giải thích để hiểu được mầu nhiệm ấy. Đời sống và bản chất nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giêsu ân cần bày tỏ trong lúc chuẩn bị rời bỏ các tông đồ, để các ông được tháp nhập vào mầu nhiệm của chính Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi"(Ga 14,15-16). Lời tình tha thiết Chúa Giêsu muốn dặn dò các tông đồ là yêu mến và tuân giữ giới răn Người, để được Chúa Cha yêu thương và ban cho Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Lời Chúa Kitô tồn tại trong thế gian, và trong mỗi tâm hồn; sẽ làm cho Lời Chúa Kitô trở nên nguồn sống dồi dào và sống động cho giáo hội và cách riêng cho mỗi tâm hồn sẵn sàng đón nhận Ngài như Đấng Bảo Trợ cho ơn cứu rỗi của mình; sẽ làm cho chúng ta khi đón nhận Ngài, trở nên can đảm sống Lời Chúa Kitô và hiên ngang làm chứng cho Thiên Chúa. Vì "Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em"(Ga 14,17). Ôi! Còn hạnh phúc nào bằng khi được sống trong tình yêu vô biên của Ba Ngôi Thiên Chúa: yêu như Chúa Giêsu yêu, dưới ánh sáng của Thánh Thần, để dìm mình trong tình yêu Thiên Chúa Cha. Còn hạnh phúc nào bằng khi tình yêu của Chúa Giêsu vẫn luôn liên tục, không gián đoạn, mà còn dồi dào hơn và kéo dài cho đến ngày Người lại đến: "Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy"(Ga 14,20-21).

Tình yêu của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa thật tha thiết và Ngài tỏ bày tình yêu ấy cách trọn vẹn chu đáo cho các tông đồ, cùng là cho mỗi chúng ta hôm nay. Mỗi người được mời gọi tháp nhập vào mầu nhiệm Thiên Chúa qua việc Yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ điều răn Người.

Nếu yêu mến Chúa Giêsu mà không tuân giữ điều răn của Người, thì không thể đón nhận thần khí, càng không thể đi vào huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ điều răn Người là yêu như Người đã yêu: Yêu thương người khác để người khác được sống và được sống lại

Nếu tình yêu của chúng ta là động lực để người khác sống được chỉ ở đời nầy mà thôi, thì ấy chưa phải là tình yêu của Chúa Giêsu. Việc bác ái đối với tha nhân nếu chỉ dừng lại ở việc xây cái nhà tình nghĩa, giúp đồng vốn vượt khó, giúp xóa nợ lâu năm... thì có thể nói, cũng chưa phải là việc bác ái Kitô giáo đúng nghĩa. Tình yêu Chúa Giêsu đòi hỏi vượt xa hơn thế nữa: yêu người để người được sống và được phục sinh. Vì thế, làm cho người khác có một cuộc sống mới, cuộc sống bình an thánh thiện, cuộc sống phục sinh ngay ở đời nầy là tiêu chuẩn của tình yêu và việc bác ái mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện. Rất tiếc, ở những đất nước đang sống trong một nền giáo dục không Thiên Chúa, con người cũng có tình yêu, tình yêu cũng được giáo dục, nhưng là loại tình yêu tự nhiên dừng lại ở những gì cho nhau ở đời nầy, và hầu như không màng đến cái chung cuộc ở đời sau. Thế hệ trẻ được giáo dục yêu nhau như người lớn đã yêu, và đã chết, không cần biết đi về đâu, miễn là đã yêu và đã sống trong cuộc đời nầy thoải mái. Tình yêu ấy, cách yêu ấy không phải là cách yêu của Chúa Giêsu, vì không bắt nguồn từ Thiên Chúa và càng không thể nào dẫn đến sự tan hòa trong cội nguồn tình yêu là ba ngôi Thiên Chúa để tình yêu ấy sống, và sống mãi muôn đời.

Để gia đình được sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, vợ chồng không chỉ yêu thương tôn trọng chung thủy và lo lắng cho nhau sống hạnh phúc đời nầy; cha mẹ không chỉ hy sinh lo cho con cái có cái ăn, cái mặc, cái chữ...mà còn lo cả nhà sum họp trên nước trời, về với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Yêu như Chúa Giêsu là làm cho người khác sống và sống lại. Giữa xã hội tôn thờ vật chất ngày nay, đây là một thách thức không nhỏ. Giữa nền giáo dục loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng trí con người, đây là một thách thức không nhỏ. Nhận định của ban giáo lý GP. Qui nhơn: "Không còn trường Công Giáo. Xuất thân từ trường nhà nước, các bạn trẻ từ 40 tuổi trở xuống đã được trang bị những cái nhìn về Thiên Chúa, về con người, về vũ trụ, về lịch sử, về xã hội và về cuộc sống rất khác với cái nhìn Kitô giáo" làm cho những người làm cha mẹ phải nghĩ đến vế thứ hai của tình yêu Chúa Giêsu "yêu làm cho người khác phục sinh". Người khác ấy chính là người bạn đời, con cái mình, trước tiên. Không chỉ người trẻ, mà có cả người lớn, cũng cần nhìn lại thực trạng đau lòng nầy: người ta cũng đang yêu, nhưng là tình yêu đưa nhau vào hố thẳm của tội lỗi, của sự chết ngàn thu; nhưng là tình yêu vun quén cho chính mình, cho tập đoàn mình, cho những người đồng tình, đồng phe, đồng đảng với mình những mối lợi mối mọt có thể gặm nhấm, những kho tàng không có sức phục sinh; nhưng là tình yêu thỏa mãn những thú tính.... Tình yêu phải là hoa quả của việc kết hiệp bản thân với Thiên Chúa, tiến đến việc giúp nhau nên thánh thiện nhờ việc tuân giữ toàn bộ Lời Chúa Giêsu trong tin mừng, để được chiếm hữu tình yêu ba ngôi Thiên Chúa, để được sum họp với nhau một nhà ở đời sau, ấy mới là tình yêu của một nền giáo dục Kitô Giáo, tình yêu mà Chúa Giêsu tha thiết dặn dò trên trang Tin Mừng hôm nay.

Trở lại với trào lưu có tình yêu mà không tin có Thiên Chúa, và qua những suy tư trên đây, chúng ta có thể thấy được một âm mưu của thế lực chống lại Thiên Chúa dùng chính tình yêu làm nhản hiệu cho một công cuộc thoái hóa, hoặc chống lại tình yêu đích thực. Sự rạn nứt nội tại nơi tâm hồn các tín hữu bắt nguồn từ tình yêu dành cho thế gian, vật chất nhiều hơn dành cho Thiên Chúa và dần dần lề luật của Thiên Chúa, lời dạy của Tin Mừng, bóng dáng của Thiên Chúa cũng mờ dần trong tâm trí họ-mờ dần rồi biến mất lúc nào không hay biết.

Vì thế, việc chân thành khao khát sống kết hiệp với Chúa Giêsu, giữ Lời Chúa dạy trong Tin Mừng làm mực thước, rước lấy Thánh Thể Chúa làm sức sống thiêng liêng mới là bảo đảm cho phần rỗi chúng ta và bảo đảm cho việc thực hiện các điều răn Chúa dạy, nhất là đức ái. Nói một cách khác, trước khi yêu người như Chúa muốn, hẳn chúng ta phải yêu Chúa để sống và yêu được như Chúa yêu, thì tình yêu cho đi, thì việc thực hiện các điều răn của Chúa mới thực mang lại cho chúng ta một giá trị cao cả: sống trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Yêu mến Chúa Giêsu để nên thánh: chiếm hữu được Thiên Chúa. Tuân giữ điều răn Chúa: giúp cho người khác nên thánh, giúp cho người khác chiếm hữu được Thiên Chúa. Nếu không, hãy coi chừng tình yêu và việc bác ái của ta lại rơi vào kế hoạch của những giả dối, dẫn đến cái vô ích cho mình và cho tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con thật diễm phúc được Chúa Giêsu dạy cho chúng con cách sống yêu, để cuộc đời chúng con nên một chuỗi ngày hạnh phúc vì khi sống yêu, là chúng con sống trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa chí ái. Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ điều răn Người dạy để Lời Mạc Khải, Lời Tỏ Tình Thiên Chúa của Người không trở nên uổng phí cho phần rỗi chúng con. Amen.

 

56.Tình yêu vâng lời

Với thánh Gioan, chỉ có một cách để trắc nghiệm tình yêu thương là sự vâng lời. Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài yêu Chúa Cha bằng sự vâng lời. “Thánh Gioan chẳng bao giờ cho phép biến tình yêu thành một thứ cảm xúc. Tình yêu được bộc lộ dưới tính cách đạo đức, bày tỏ ra bằng sự vâng lời.” (Barett). Chúng ta biết có nhiều người chỉ yêu thương qua đầu môi chót lưỡi, đồng thời lại làm cho những người họ yêu phải đau đớn, khổ tâm. Có những thanh thiếu niên bảo chúng yêu thương cha mẹ, nhưng lại gây buồn khổ, lo âu cho cha mẹ. Có những ông chồng bảo yêu vợ, có những bà vợ bảo yêu chồng, nhưng lại hay cộc cằn, gắt gỏng, thô lỗ, nhỏ nhen, vô tâm vô tình, làm cho chồng hay vợ mình phải đau khổ. Với Chúa Giêsu, tình yêu thương chân thật không phải là điều dễ dàng, tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng sự vâng lời chân thật.

Nhưng Chúa Giêsu đã không bỏ mặc chúng ta chiến đấu một mình trong đời sống theo Ngài. Ngài sẽ sai một Đấng Giúp Đỡ đến. Bản Việt ngữ gọi là Đấng An Ủi. Khi khảo sát từ ngữ Paracletos này thật kỹ, chúng ta mới lãnh hội được phần nào tính cách phong phú về giáo lý về Chúa Thánh Thần.

Parakletos có nghĩa là một người được gọi đến, chính lý do tại sao, người đó được gọi đến khiến từ ngữ đó có ý nghĩa thật độc đáo. Người Hi lạp thường dùng chữ này theo nhiều nghĩa khác nhau. Có thể là một nhân chứng được tòa mời đến bênh vực cho người nào đó. Có thể là một trạng sư được gọi đến để biện hộ cho bị cáo nặng tội. Có thể là một chuyên viên được gọi đến để cho ý kiến về một trường hợp khó khăn. Chẳng hạn khi một đạo quân xuống tinh thần, người ấy được gọi đến để làm cho đội quân lên tinh thần, lấy lại can đảm. Paracletos luôn luôn là người được gọi đến để giúp đỡ trong lúc khó khăn, lúc cần. Có một thời dịch là Đấng An Ủi, từ này do nguyên ngữ La tinh fortis có nghĩa là dũng cảm: người yên ủi là người khiến kẻ mất tinh thần trở thành dũng cảm. Ngày nay, chữ yên ủi hầu như chỉ còn có nghĩa là làm cho khỏi đau buồn, người an ủi là người thông cảm khi ta có chuyện buồn khổ. Chắc chắn Chúa Thánh Thần đã làm công tác đó, nhưng giới hạn công tác của Ngài vào nhiệm vụ đó thôi, quả là đánh giá Ngài quá thấp một cách đáng buồn. Chúng ta vẫn thường nói đến khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh. Đó đúng là công tác của Chúa Thánh Thần, Ngài đến với chúng ta, cất đi mọi khuyết điểm, bất năng của chúng ta, giúp chúng ta đủ sức đối phó với cuộc sống. Chúa Thánh Thần thay thế đời sống thất bại của chúng ta bằng cuộc đời đắc thắng.

Vậy, Chúa Giêsu có ý nói: “Ta giao cho các ngươi một nhiệm vụ nặng nề, Ta sai các ngươi đi thi hành một công tác hết sức khó khăn, nhưng Ta cũng phái theo các ngươi một Đấng Paracletos để hướng dẫn các ngươi biết phải làm gì và giúp các ngươi thực hiện công tác ấy!”

Chúa Giêsu tiếp tục cho biết thế gian không nhận biết Thánh Thần. Chữ “thế gian” ở đây chỉ về những ai sống như không hề có Thiên Chúa. Điểm Chúa Giêsu muốn nói: chúng ta chỉ có thể thấy được điều mà chúng ta có khả năng nhìn thấy. Nhà thiên văn nhìn lên bầu trời sẽ thấy được nhiều điều hơn người thường. Nhìn vào bờ rào, nhà thảo mộc học tìm thấy những khác lạ của cỏ cây hơn một người chẳng biết tý gì về khoa thực vật. Bác sĩ nhìn con người thì khám phá được nhiều hơn một người không chuyên môn. Người am hiểu nghệ thuật nhìn vào bức tranh sẽ chiêm ngưỡng được nhiều hơn về đường nét tuyệt diệu. Người biết chút ít về âm nhạc nghe một bản giao hưởng sẽ thích thú hơn người chẳng biết âm nhạc. Những gì chúng ta trông thấy và từng trải luôn tùy thuộc vào nhãn quan và kinh nghiệm của chúng ta. Vậy người nào đã loại trừ Thiên Chúa sẽ chẳng có giây phút nào trong ngày để trông đợi được nghe Ngài. Người ấy sẽ nghĩ rằng dùng thời giờ như vậy là phí phạm. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận được Chúa Thánh Thần đến nếu không yên lặng chờ đợi, cầu nguyện, trông mong Ngài đến với mình. Người thế gian rất bận rộn đến nỗi không dành một cơ hội nào để Chúa Thánh Thần có thể đến với họ. Thánh Thần chẳng phá cửa lòng ai bao giờ, Ngài chờ đợi để được tiếp rước. Vậy, suy nghĩ đến những điều kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm và đem đến cho đời sống, chắc chắn chúng ta sẽ dành nhiều thời giờ hơn giữa đời sống bon chen này, để yên lặng chờ đợi Ngài đến với quyền năng trọn vẹn của Ngài.

Lúc này, chắc các môn đệ đã cảm nhận được những việc sắp xảy ra. Hẳn họ đã cảm nghiệm được chuyện bi thảm đang tới gần. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu”. Từ ngữ “Mồ côi” dùng ở đây có nghĩa là không có cha, từ ngữ này cũng được dùng để chỉ đám môn sinh, đám học trò bị mất thầy, mất đi những lời dạy bảo của người thầy thân yêu. Lúc Socrates chết, Plato nói về các môn sinh của Socrates rằng: “Họ nghĩ họ sẽ phải sống mồ côi suốt quãng đời còn lại như những đứa con mất cha, và họ chẳng biết phải làm gì”. Nhưng Chúa Giêsu bảo các môn đệ rằng, trường hợp của họ thì không như thế, Ngài phán: “Ta sẽ trở lại”.

Ngài nói về sự phục sinh và việc Ngài luôn luôn có mặt bên họ sau khi phục sinh. Họ sẽ thấy Ngài vì Ngài sẽ sống, và vì chính họ cũng sẽ sống. Chúa muốn nói là họ sẽ sống thuộc linh. Lúc này họ bối rối và tê liệt bởi thảm cảnh đang tới gần, nhưng sẽ có ngày mắt họ sẽ mở ra, tâm trí họ hiểu được, lòng họ bừng sáng, chừng đó họ sẽ thật sự nhìn thấy Ngài. Đó đúng là điều đã xảy ra sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Sự phục sinh của Ngài biến thất vọng thành hi vọng, khi đó họ mới biết rõ không chút nghi ngờ rằng Ngài là Con Thiên Chúa.

Qua những lời này, Gioan đề cập đến những ý tưởng chẳng bao giờ rời xa tâm trí ông:

1. Trước nhất và trên hết: có tình yêu thương. Với tông đồ Gioan, tình yêu thương là căn bản của mọi sự. Thiên Chúa yêu thương Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu thương Thiên Chúa, Thiên Chúa yêu thương loài người, Chúa Giêsu yêu thương loài người, loài người yêu thương Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, loài người yêu thương nhau. Trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người với con người, tất cả đều buộc chặt vào nhau bằng sợi dây yêu thương.

2. Một lần nữa, Gioan lại nhấn mạnh sự cần thiết của việc vâng lời. vâng lời là bằng chứng duy nhất của tình yêu thương. Khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra cho những người Ngài yêu mến, chứ không cho các đạo sĩ, các thầy thông giáo hay những người Do thái thù ghét Ngài.

3. Tình yêu vâng lời và tin cậy sẽ đưa đến hai điều. Một là sự an toàn tuyệt đối. Vào ngày toàn thắng khải hoàn của Chúa Cứu Thế, những người yêu thương vâng lời Ngài sẽ được an toàn giữa một thế gian tan nát. Hai là nhận được mạc khải ngày càng đầy đủ hơn. Sự mạc khải của Thiên Chúa là điều đắt giá. Bao giờ cũng có một căn bản đạo đức trong sự mạc khải. Chúa Giêsu chỉ bày tỏ Ngài cho những người vâng giữ các giới răn của Ngài. Chẳng hề có kẻ ác nào nhận được mạc khải của Thiên Chúa. Kẻ ác có thể được Thiên Chúa xử dụng, nhưng chẳng bao giờ được thông công với Ngài. Thiên Chúa tự mạc khải, tự tỏ ra cho người tìm kiếm Ngài. Chỉ có những người dù thất bại mà vẫn biết vươn lên, mới được Thiên Chúa cúi xuống để tiếp xúc. Sự tương thông với Thiên Chúa và sự mạc khải của Thiên Chúa tùy thuộc vào tình yêu thương, và tình yêu thương tùy thuộc vào sự vâng lời. Càng vâng lời Thiên Chúa chúng ta càng hiểu biết Ngài, và người nào đi trong đường lối của Thiên Chúa nhất định là đang được cùng đi với Thiên Chúa

 

57.Suy niệm của JKN

Câu hỏi gợi ý:

1. Đức Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. “Các điều răn của Thầy” ở đây là những điều răn cụ thể nào? Hãy lấy Kinh Thánh chứng tỏ điều ấy.

2. Đức Giêsu có đưa ra một tiêu chuẩn nào để dựa vào đó ta có thể biết ai là người yêu mến Thiên Chúa đích thực, là môn đệ đích thực của Ngài không?

3. Đức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho những ai? Bạn quan niệm thế nào về Thánh Thần? Và muốn lãnh nhận Thánh Thần ta phải làm gì?

Suy tư gợi ý:

1. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”

Người Ki-tô hữu, theo định nghĩa, là người có Đức Ki-tô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Người không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên không phải là Ki-tô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, thì ta sống trong tình trạng: “Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”. Thật vậy, người ta chỉ sống trong nhau, vì nhau, cho nhau, khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Ki-tô, và được Đức Ki-tô sống trong ta, khi ta yêu mến Ngài.

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được, khi mà một cách hữu hình ta không hề thấy Ngài, nghe Ngài nói, động chạm đến Ngài? Ngài cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Nhưng điều răn của Ngài là gì? Có phải là đi lễ, đọc kinh hay cầu nguyện hằng ngày? Điều ấy chắc chắn là đúng, nhưng có thể chưa phải là điều cốt yếu. Điều cốt yếu trong giới răn của Ngài đã được chính Ngài xác định rõ ràng như sau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34). Ngài cũng xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (nt). Như vậy, câu nói của Ngài “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là “nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau”. Nói khác đi, ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Nói cách khác nữa, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này rõ hơn nữa: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).

2. Làm sao phân biệt Ki-tô hữu đích thực và không đích thực?

Đức Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 12,35). Đọc lời Kinh Thánh trên, tôi nghĩ ngay đến những tiêu chuẩn mà tôi thường dùng để phân biệt hàng hoá nào là thật, hàng nào là giả mạo. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hàng giả mạo, thậm chí tiền cũng bị giả mạo nữa. Nhưng những người có kinh nghiệm nghề nghiệp vẫn luôn luôn có những tiêu chuẩn để phân biệt, nhờ vậy họ ít khi bị lầm. Chẳng hạn tôi đã có dịp so sánh hai loại tiền 50.000đ thật và giả. Loại giả thì giấy mỏng hơn, không cứng và dai bằng loại thật, màu sắc cũng không tươi nhuận bằng. Nhờ tiêu chuẩn ấy, cứ nhìn và cầm tiền giả trong tay là tôi biết ngay.

Cũng vậy, Đức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn để mọi người có thể nhận ra ai là môn đệ đích thực của Ngài và ai là người chỉ mang danh hiệu môn đệ Ngài mà thôi. Đó là dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Đức Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Đức Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ “hữu danh vô thực”, giả hiệu mà thôi.

Thánh Phao-lô nói: “Người Do-thái chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, phép cắt bì chính hiệu không phải là căn cứ vào cái thấy được bên ngoài, nơi thân xác. Nhưng người Do-thái chính hiệu là người Do-thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật” (Rm 2,28-29). Nếu đúng như vậy, thì một cách tương tự, không thể căn cứ vào danh hiệu Ki-tô hữu, vào việc có rửa tội hay không để xác định người ấy có phải là Ki-tô hữu đích thực hay không, mà phải căn cứ vào việc người ấy có tình yêu đối với tha nhân hay không.

3. “Thầy sẽ xin … cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác”

Đức Giêsu hứa ban Thánh Thần cho những ai giữ các điều răn của Ngài là yêu thương tha nhân: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”. Như vậy, phần thưởng lớn nhất mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Đức Giêsu, được thể hiện cụ thể bằng việc yêu thương tha nhân, chính là được Ngài ban Thánh Thần cho. Nhưng Thánh Thần là ai? Được ban Thánh Thần thì có gì đặc biệt?

Trước hết, theo Đức Giêsu, Thánh Thần là “một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Theo tinh thần của câu này, thì Đức Giêsu là một Đấng Bảo Trợ đến trước, còn Thánh Thần là “một Đấng Bảo Trợ khác” đến sau Ngài. Thánh Thần là “Thần Khí sự thật”. Ai yêu sự thật, muốn biết rõ sự thật, ắt hẳn sẽ thấy “Thần Khí sự thật” này rất cần thiết cho mình và xã hội, hay thế giới. Nhưng vì thế gian không yêu sự chân thật, nên Đức Giêsu mới nói Thánh Thần là “Đấng mà thế gian không thể đón nhận”.

Thánh Thần hay Thần Khí của Thiên Chúa là một thực tại được nói đến rất nhiều trong Thánh Kinh, nhất là Tân Ước. Có thể nói Thánh Thần là sức sống, là tình yêu, sức mạnh, là sự khôn ngoan, thánh thiện của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Ngài cho Giáo Hội, cho chúng ta, nhất là cho những ai yêu mến Thiên Chúa hay Đức Giêsu, được thể hiện qua việc yêu thương tha nhân.

Đọc sách Tông đồ Công vụ, ta nhận thấy mọi hoạt động trong Giáo Hội thời ấy đều do Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, thúc đẩy. Ngài tác động trực tiếp trên tâm trí người này người kia. Và những người được tràn đầy Thánh Thần qua việc đặt tay của các tông đồ để được biến đổi một cách kỳ diệu: họ trở nên yêu mến Thiên Chúa, Giáo Hội và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân một cách hăng say, trở nên mạnh mẽ, can đảm, không sợ khó khăn, nguy hiểm, hay cả cái chết, trở nên khôn ngoan, sáng suốt phi thường, có thể làm nên những phép lạ. Đặc biệt họ trở nên bình an, hạnh phúc bất chấp những hoàn cảnh khó khăn bên ngoài như bị bách hại, ghen ghét. Tư cách của những người được tràn đầy Thánh Thần hết sức phi thường. Thánh Phao-lô đã diễn tả những đức tính mà những người đã lãnh nhận Thánh Thần có được như sau: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).

Theo lời Đức Giêsu hứa, nếu ta tuân giữ các giới răn của Ngài, cụ thể là yêu thương tha nhân như chính Ngài đã yêu thương ta và yêu thương họ, thì ta sẽ nhận được Thánh Thần. Nhờ đó, đời sống của ta sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu và phi thường. Và chắc chắn ta sẽ đạt được sự sống vĩnh cửu, vì “kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời” (Gl 6:8). Vậy muốn được tràn đầy Thánh Thần, ta phải yêu thương tha nhân.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, qua bài Tin Mừng trên, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Cha và Đức Giêsu yêu mến, tỏ mình ra cho, đồng thời được ban tràn đầy Thánh Thần, đó là tuân giữ giới răn yêu thương của Đức Giêsu. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Cha hay Đức Giêsu phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xưởng thợ, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.

 

58.Yêu là chu toàn lề luật

Tiếp tục trong diễn từ chia tay của Chúa Giêsu với các môn đệ, sau khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của mình đi trên Con Đường là chính Ngài để đến với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu lại mời gọi các ông hãy đi trên con đường đó với một lòng yêu mến chân thật. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" (G14,15).

Trong thực tế của cuộc sống, đặc biệt nơi người Việt Nam, chúng ta dể dàng nhận ra nguyên tắc song hành này trong đời sống con người, "yêu ai thì muốn làm đẹp lòng người đó". Trong cuộc sống đức tin, việc chúng ta tuân giữ các giới răn của Chúa, các luật của Giáo hội có phải là một đòi hỏi quá đáng không và con người có thể tuân giữ các giới luật đó không?

Đôi khi trong cách sống đạo của người Kitô hữu đã làm cho những người ngoài Công giáo hiểu rằng: Đạo Công giáo là một tôn giáo với vô số các luật lệ, cấm đoán, làm cái gì cũng tội, cái gì cũng không được phép làm....và như thế những người giữ đạo Công giáo quả là tội nghiệp vì đạo đã làm cho họ mất tự do. Nhưng thật sự có phải như thế không? Cái gì làm cho con người mất tự do?

Trở lại với những trang đầu tiên của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho họ được sống trong ân sủng của Thiên Chúa theo như kiểu nói của "Sách Giáo Lý hỏi thưa" là họ không phải đau khổ và không phải chết. Lý do nào mà Sách giáo lý nói như thế? Có phải họ không phải lao động, có phải họ không phải dấn thân cho nhau?... Chắc hẳn là không phải như thế, bởi chính trong Sách Sáng Thế đã nói: Thiên Chúa đặt con người vào trong vườn cho họ canh tác và giữ vườn. Canh tác là gì nếu không là lao động, canh tác là gì nếu không phải là cộng tác với Chúa làm cho công trình tạo dựng của Chúa ngày một tốt đẹp hơn. Sách giáo lý khi nói họ (nguyên tổ loài người) không phải đau khổ và không phải chết là có ý nói rằng họ sống trong tình yêu tròn đầy với Đấng Tạo Hóa và với nhau nên những gì họ thể hiện với Đấng Tạo Hóa cũng như đối với nhau đều là những hạnh phúc được dấn thân, hạnh phúc gì đã làm đẹp lòng "Người Yêu" và họ muốn dấn thân để được thể hiện tất cả trong tình yêu.

Cũng vậy trong đời sống gia đình người ta không thể nào thấy được tình yêu mà người nam và người nữ trao hiến cho nhau nhưng qua hành động hy sinh cho nhau, phục vụ nhau người ta có thể nhận định được tình yêu hai người trao cho nhau lớn lao như thế nào. Cũng vậy, trong đời sống đức tin, tôi không thể nào thấy được đức tin của tôi to lớn như thế nào, nhưng tôi hoàn toàn có thể biết được tôi có tin Chúa hay không qua việc tôi có hạnh phúc khi tuân giữ các giới răn của Chúa hay không. Khi tôi yêu mến Chúa thật sự thì tôi mới mong ước được đáp lại tình yêu của Ngài bằng việc tuân giữ lời Ngài.

Mà thật ra, việc tuân giữ các giới răn của Chúa không làm cho con người mất tự do nhưng lại làm cho con người có tự do và hạnh phúc thực sự. Bởi bản chất con người là siêu nhiên, con người từ nơi Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa nên khi tuân giữ luật Chúa là con người tháp nhập mình với chính nguồn cội của mình là Thiên Chúa và khi đó con người được hạnh phúc trọn vẹn.

Trong thâm tâm mỗi người Kitô hữu chúng ta, ai cũng muốn yêu mến Chúa cách trọn vẹn. Nhưng cuộc sống đôi khi làm cho chúng ta lu mờ đi khát vọng yêu mến này. Nhớ lời dạy của Chúa Giêsu "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ các điều răn của Thầy" (x Ga14,15) để mỗi người chúng ta biết để tâm thi hành lời dạy của Chúa trong cuộc sống mình, để chúng ta biết yêu mến Chúa nhiều hơn và để chúng ta tìm được hạnh phúc chân thật trong tình yêu của Chúa.

 

59.Suy niệm của Lm Nguyễn Bình An

Như vô tình Chúa gặp gỡ và gõ cửa lòng người thiếu phụ Samaria bên bờ giếng. Coi thường thành kiến và dị nghị, Chúa lưu lại vài ngày để truyền rao ơn giải phóng và hình thành tiểu tổ tín hữu đầu tiên tại Samaria. Khi Philipphê xuất hiện, họ niềm nở đón tiếp, lắng nghe và tin tưởng. Qua Phêrô và Gioan họ lãnh nhận Thánh Linh. Từ đó, Samaria không còn là vùng đất kiêng kị và cần xa lánh, nhưng là tiểu tổ đáng yêu của nhiệm thể Chúa Kitô. Ơn Chúa Thánh linh tác động thật tài tình và không ai hiểu thấu!

Thánh Linh qui tụ nhân loại vào một mối, không phân biệt phong tục, tiếng nói, mầu da và văn hóa. Thánh Linh kết thân mọi dân nước, xoá bỏ hiềm thù và tạo cảm thông. Thánh Linh thôi thúc mọi lứa tuổi sống đức tin và hoạt động trong những phạm vi đặc thù. Thánh Linh khơi dậy những nguồn sống mới thích nghi với mỗi thời. Thánh Linh canh tân, biến đổi và sửa sai Giáo hội theo tinh thần trách nhiệm và tạo cho Giáo hội một bộ mặt mĩ miều. Thánh Linh chính là Nội tướng của mỗi tâm hồn, đưa chúng ta ra khỏi tình trạng thỏ đế, vững tin bước vào đời và sống chứng nhân giữa đời.

Bước đầu chúng ta nhát sợ, luống cuống vì thiếu niềm tin, mặc cảm yếu hèn, lẻ loi và cô độc. Lúc ấy chúng ta như một em bé ngày đầu tiên lên trường một mình. Bước ra khỏi nhà mà mắt còn rướm lệ vì “con đã lớn rồi! mẹ không thể dẫn con đi hằng ngày.” Tại ngã tư chúng ta còn ngoái cổ lại nhìn ngôi nhà thân thương, và chợt thấy mẹ vẫn đứng trông theo sau bức rèm. Mẹ như thầm nhủ rằng “can đảm lên con! mẹ vẫn âm thầm theo dõi và ngó chừng con!”

Chúa Kitô đã chuẩn bị ngày ra dàn của các tín hữu tương tự như thế. Sau những chuỗi ngày cùng sống, cùng chơi, cùng học, cùng tôn thờ và củng cố đức tin trong vô tư và vô trách nhiệm, Chúa sai chúng ta vào đời trong tư thế là người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, chủ chăn và thầy dạy. Tinh thần tự tin dần dần phát triển. Năng khiếu, tài quán xuyến và chỉ huy bộc phát. Tâm tình cậy nhờ và nương bóng đã biến mất. Chúng ta đủ nghị lực phấn đấu, sinh tồn, hoạch định và phát triển. Đồng thời chúng ta lưu giữ tinh thần “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” quay về yêu thương, giúp đỡ và chăm sóc cái cội nguồn mà từ đó chúng ta phát sinh, trưởng thành và vào đời.

Chúa Kitô ân cần căn dặn và chuẫn bị chúng ta đương đầu với nghịch cảnh, lo sợ và khổ đau. “Thế gian sẽ giét các con, hãy nhớ là họ đã ghét Ta trước” (Jn15,18). “Các con sẽ khóc, sẽ than khi thế gian mừng rỡ. Các con sẽ ưu phiền, nhưng ưu phiền sẽ thành niềm vui” (Jn 16,20). Thấy được tâm tình bất an và khiếp đảm nơi các môn đệ, Chúa Kitô nhấn mạnh “Ta đi thì tốt hơn cho các con... vì Đấng Phù Trợ sẽ đến... Ta không bao giờ để các con mồ côi đâu” (Jn 14,15-17). Giáo hội đã, đang và sẽ phải trải qua và chấp nhận những giai đoạn bất ổn và đau thương này. Giáo hội đã kiên cường sống đức tin, cảm hóa nhân loại bằng yêu thương và đang chiêu hồi những hổ mang, rắn lục, gấu beo... bằng nhân nghĩa và tình thương. Khi nào không còn hận thù, ghét ghen, bất công, bất nhân... trên mặt đất thì bấy giờ sứ mạng của Giáo hội mới hoàn tát và viên mãn.

Chúa dùng các môi trường khác nhau để chúng ta thi thố tài năng, biểu lộ đức tin, tự lực cánh sinh và hành trình về nước trời. Chúa tôn trọng quyền sống, quyền lựa chọn và quyền sáng kiến của mỗi tín hữu. Bởi vậy nhân sinh đa dạng là sắc thái trăm hoa đua nở trong vườn hoa thánh, luôn được khích lệ theo ơn Chúa Thánh Linh. Bao lâu nguyên tắc căn bản “nếu các con thương mến Ta, hãy cẩn trọng thực thi giới lệnh Ta trao là các con hãy thương yêu nhau” (Jn 14,15) được thực thi thì bấy lâu lộ chúng ta hành hương là nẻo thanh quang và chính trực. Và chính Ngài, sau rèm đang nâng đỡ và dõi theo, là nguyên nhân và động lực thánh cứu độ chúng ta.

 

60.Dưới tác động Thánh Thần

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.

Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Ki-tô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Ki-tô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và Rô-ma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.

Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rô-ma, phải đối diện với ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và triết học Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết học Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rô-ma. Chỉ với những người dân chài Ga-li-lê ít học, chỉ với một Phao-lô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.

Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh I-rê-nê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Ki-tô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”

Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stê-pha-nô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn Ki-tô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu”.

Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng đến cho người ngoại giáo, đó là người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, phó tế Phi-lip-phê. Ngài tới thủ đô Sa-ma-ri rao giảng làm phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật. Người ta vui mừng đón nhận và xin theo Đạo (Cv 8, 5-8). Sau khi xứ Sa-ma-ri được đón nhận Tin Mừng, các Tông Đồ đã cử Phê-rô và Gioan đến cũng cố Niềm Tin cho các tân tòng (Cv 8, 14-24).

Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Ki-tô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.

Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần, trong mọi thử thách Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.

Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa, thế nhưng những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, bùng nổ thông tin, toàn cầu hoá... Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ?ã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.

Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Như thế người Ki-tô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây? Bài Phúc Âm chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).

Khi người tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Ki-tô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Ki-tô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ” Đức Ma-ri-a hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bê-lem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.

home Mục lục Lưu trữ