Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1361777
TÔI ĐẾN CHO CHIÊN ĐƯỢC SỐNG
TÔI ĐẾN CHO CHIÊN ĐƯỢC SỐNG
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J)
Suy Niệm
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường ví mình với điều cụ thể: "Tôi là bánh, là Ánh Sáng, là Đường...”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài ví mình như Mục tử.
Người mục tử chân chính đi qua cửa mà vào chuồng chiên. Anh gọi chiên của anh bằng một tiếng gọi riêng, chiên nhận ra tiếng của anh và đi theo.
Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng. Chiên không theo anh ta, nhưng sợ hãi chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.
Đức Giêsu gọi những mục tử giả hiệu là trộm cướp. Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên.
Còn Ngài đến để chiên được sống, và sống dồi dào. Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết: "Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi." Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài, đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.
Giáo Hội muốn đặc biệt dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Đây là vấn đề sống còn của Giáo Hội.
Nhiều nơi trên thế giới đang thiếu linh mục trầm trọng, nhiều nhà thờ phải giao cho giáo dân coi sóc. Cũng có những dòng tu phải đóng cửa cơ sở của mình vì không có lớp người trẻ kế tục.
Giáo Hội hôm nay cũng như mai ngày vẫn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi.
Giáo Hội vẫn cần đến các tu sĩ sống đời thánh hiến, để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu, thấy được những thực tại vô hình, và vươn lên khỏi cái tự nhiên, bình thường, hợp lý.
Được làm Kitô hữu là một ơn gọi của Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng, nhưng một số người được mời gọi đặc biệt để dấn thân cách trọn vẹn hơn cho Nước Chúa và bắt chước Đức Giêsu tận căn hơn.
Chúng ta băn khoăn trước câu hỏi tại sao Giáo Hội hôm nay thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Vì đời tu không hấp dẫn người trẻ? Vì bầu khí của thời đại: thực dụng, hưởng thụ, Mất cảm thức về đức tin, xa lạ với Thiên Chúa? Hay vì chúng ta chưa có can đảm để cổ võ ơn gọi?
Trong sứ điệp năm 1996 về ơn gọi, Đức Thánh Cha đã nhắc đến việc phải chăm lo cho mảnh đất nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên. Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ. Ngài đã phác họa những nét chính của cộng đoàn này như sau:
Một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa. Khi đã quen nghe tiếng Chúa trong Thánh Kinh, người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi vang lên từ sâu thẳm của con tim mình.
Một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện, dành ưu tiên cho đời sống tâm linh, coi trọng việc cầu nguyện riêng tư, lặng lẽ trước nhan Chúa. Chỉ trong bầu khí trầm lặng của cầu nguyện, người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời, quên mình để phục vụ cho lợi ích của tha nhân.
Một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa. Từ đó những bạn trẻ quảng đại sẽ được thúc đẩy dâng trọn đời mình để làm cho Chúa Kitô được nhận biết.
Một cộng đoàn quan tâm phục vụ người nghèo, chọn đứng về phía những người khổ đau, túng thiếu. Cộng đoàn này sẽ sản sinh những bạn trẻ biết phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện.
Như thế ơn gọi chỉ nảy nở từ vùng đất màu mỡ. Nó là hoa trái của một Giáo Hội đầy sức sống.
Một Giáo Hội mạnh mẽ sẽ cho nhiều ơn gọi. Nhiều ơn gọi sẽ làm cho Giáo Hội mạnh hơn.
Giới trẻ hôm nay không thiếu lòng quảng đại, không thiếu lý tưởng và những ước mơ cao cả.
Họ cần có ai đó giúp họ gặp được Đức Giêsu, say mê con người Ngài, và chia sẻ nỗi bận tâm của Ngài về thế giới.
Họ cần có ai đó giúp họ nghe được tiếng kêu của bao người đói khát chân lý và công lý, giúp họ cảm nhận được bổn phận lớn lao là xây dựng trái đất thành mái ấm yêu thương.
Giới trẻ cần những người thầy, người bạn dám sống điều mình tin giữa muôn vàn khó khăn và giúp họ đứng vững trước cơn lốc của cám dỗ.
Giáo Hội thiếu ơn gọi là do lỗi của mỗi người chúng ta.
Cần phải cầu nguyện và cũng cần phải canh tân cuộc sống.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Bạn mơ ước một linh mục trong thời đại hôm nay cần có những phẩm chất nào, để có thể phục vụ hữu hiệu cho Dân Chúa?
2. Theo bạn, đâu là nét nổi bật trong công việc phục vụ của các nữ tu ở Việt Nam: ở nhà thương, trường học, trại phong, giáo xứ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu dâng hiến, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
2.Được sống dồi dào
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
SUY NIỆM
Chiên là con vật quen thuộc đối với người Do-thái.
Người ta nuôi chiên thành từng đàn trên những đồng cỏ.
Chiên cho con người nhiều thứ cần dùng như sữa, thịt, len, da…
Người ta thương chiên vì thái độ hiền lành của chúng:
“như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53,7).
Ở Israel, chiên bao giờ cũng phải có người chăn,
Vì luôn có những hiểm nguy do chiên đi lạc đàn hay do dã thú.
Người mục tử ngày đêm lo cho sự an toàn và hạnh phúc của chiên.
Ngày phải đưa chiên đi tìm những đồng cỏ mới (1 Sbn 4,39-40),
Đêm phải thức để canh phòng cho chiên (Lc 2,8).
Tương quan giữa người mục tử và chiên thật thân thiết,
Đến nỗi gần như là tương quan giữa người với người (2 Sm 12,3).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta cũng thấy tương quan thân thiết ấy.
Người mục tử đường đường chính chính đi qua cửa mà vào,
chứ không lén lút như kẻ trộm leo rào mà vào (Ga 10,1).
Anh được người giữ cửa mở cửa cho.
Trong ràn chiên có thể có mấy đàn chiên ở chung.
Anh gọi đàn chiên riêng của anh bằng giọng của anh,
gọi chúng bằng tiếng kêu mà chỉ chúng mới hiểu là tiếng của chủ.
Khi cả đàn chiên của anh nhận ra tiếng của người chăn,
chúng sẽ theo sự dẫn dắt của anh để ra khỏi ràn.
Anh đi trước, chúng theo sau.
Tiếng của anh, bóng của anh, là hướng để chúng đi tới.
Chúng an tâm vì biết mình đang đi theo ai.
Như thế đàn chiên trông có vẻ ngây ngô, ngờ nghệch,
nhưng lại có sự bén nhậy trong việc nhận ra mình nên đi theo ai.
Không phải ai gọi cũng theo đâu,
mà phải đúng tiếng gọi quen thuộc của chủ mình, với nét rất đặc biệt.
Người lạ đừng hòng đánh lừa chiên, đừng hòng nhái tiếng gọi của chủ.
Vì chiên chẳng những không theo, lại còn chạy trốn vì sợ (Ga 10,5).
Người lạ hay kẻ trộm kẻ cướp đều mưu tìm ích lợi cho mình,
Bằng cách ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (Ga 10,10).
Đức Giêsu nhận mình là người mục tử nhân hậu.
Ngài phán: “Tôi đến để chiên có sự sống và có dồi dào” (Ga 10,10).
Ngài trao sự sống đó bằng cách hy sinh sự sống của chính mình.
Đức Giêsu cũng nhận mình là Cửa ràn chiên (Ga 10,7.9).
Nếu ai qua Cửa Giêsu mà vào thì sẽ được cứu.
Qua Cửa này mà đi vào thì được bảo đảm an toàn,
qua Cửa này mà đi ra thì sẽ gặp được đồng cỏ xanh non (Ga 10,9).
Thiên Chúa của dân Israel thường được ví như một mục tử,
vừa bổ sức, vừa dẫn dắt, lại vừa bảo vệ đoàn chiên (Tv 23; Is 40,11).
Đức Giêsu nhận mình là Mục tử tốt lành của đàn chiên (Ga 10,11),
và trong lần hiện ra bên bờ hồ Galilê sau phục sinh,
Ngài đã muốn Phêrô chăn dắt đàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).
Trong Chúa nhật thứ tư sau Lễ Phục sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành,
Giáo Hội mời chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ.
Giáo Hội cần mục tử cho cánh đồng thế giới với 7 tỷ rưỡi con người.
Có những chiên ở trong ràn, và chiên ở ngoài ràn.
Cả chiên ở ngoài ràn cũng là chiên của Mục Tử Giêsu (Ga 10,16).
“Tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi,
và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một người mục tử” (Ga 10,16).
Đó là ước mơ của Chúa Giêsu.
Chỉ mong chúng ta làm cho tròn ước mơ đó.
CẦU NGUYỆN
Xin hãy gọi tên con, lạy Chúa Giêsu,
xin hãy gọi tên con.
Những khi con tất bật vì bộn bề công việc,
xin hãy gọi tên con để nhắc nhở con,
như Chúa đã gọi tên chị Mác-ta đang dọn bữa.
Những khi con đi lạc đường mà không hay biết,
xin hãy gọi tên con và kêu con trở lại,
như Chúa đã gọi tên anh Sa-un
trên đường đi Đa-mát.
Những khi con khóc lóc và tìm kiếm Chúa,
xin hãy gọi tên con để con thấy Chúa ở ngay bên,
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng bên mộ.
Những khi con sa ngã vì quá tự hào,
xin hãy gọi tên con nhiều lần,
và hỏi con nhiều lần về tình yêu,
như Chúa đã gọi tên anh Simon bên hồ Galilê
trước khi trao cho anh sứ mạng.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy âu yếm gọi tên con,
như một con chiên trong đàn chiên của Chúa.
Và xin viết tên con trong lòng bàn tay.
3.Chúa dẫn đưa con
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Sau khi long trọng mừng lễ Phục Sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ở một khía cạnh khác: Người là Mục tử nhân lành. “Người mục tử” là hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng để diễn tả sứ mạng của Người, là sứ mạng Thiên sai. Hình ảnh này không phải là điều gì mới lạ, vì các ngôn sứ trong Cựu ước đã diễn tả Thiên Chúa như một mục tử. Chúng ta có thể đọc thấy trong giáo huấn của ngôn sứ Giêrêmina và Egiêkien. Như người mục tử chăm sóc đàn chiên thế nào, Thiên Chúa luôn săn sóc dân riêng Ngài đã chọn như vậy. Ngài biết những nhu cầu của đàn chiên. Ngài còn biết tên của từng con cũng như tính nết của chúng. Những điều này cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Suốt bề dày lịch sử Cựu ước, Ngài luôn che chở, hướng dẫn và bao dung nhân từ đối với dân riêng Ngài đã chọn, mặc dù nhiều lần dân lầm lỗi bội phản.
Trong xã hội du mục của người Do Thái thời xưa, hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất gần gũi đối với với cuộc sống hằng ngày. Đi đâu ta cũng có thể gặp thấy đồng cỏ xanh, đàn chiên thư thái ăn cỏ bên dòng suối mát lành dưới dự chăm sóc của các mục tử. Khi dùng hình ảnh người Mục tử, Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước. Tuy vậy, hình ảnh người mục tử nơi Chúa Giêsu mang nhiều nét mới mẻ. Đây là người mục tử dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Người chấp nhận chết cho chiên được sống. Người không chỉ chăn dắt đàn chiên mà còn ban cho đàn chiên sự sống. Tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào. Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu hiến mạng sống mình cho đàn chiên và thông ban cho đàn chiên sự sống thiêng liêng.
Khi quả quyết: Tôi là cửa. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, Người là mẫu mực cho chúng ta. Các tác giả Phúc âm đã phác họa chân dung của Chúa Giêsu trong các tác phẩm của mình. Tất cả đều muốn khẳng định: Chúa Giêsu là dung mạo phản ánh lòng thương xót của Chúa Cha, qua sự khiêm nhường, dấn thân phục vụ con người. Mỗi tín hữu, tức là mỗi con chiên trong đàn chiên của Chúa phải nhìn lên Đức Giêsu là vị Mục tử của mình để noi gương Người trong đời sống. Như thế là chúng ta bước qua cửa có tên là Giêsu, để được quy tụ và được giáo huấn, với mục đích sẽ trở nên hoàn thiện từng bước ngay khi còn sống trên trần gian. Ai qua cánh cửa có tên là Giêsu, sẽ tìm được nơi nương ẩn và được cứu rỗi.
Hình ảnh người Mục tử gắn liền với Cộng đoàn đức tin, tức là Giáo Hội. Trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Phêrô khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Chúa. Người đã chịu đóng đinh trên thập giá. Người giống như mục tử, vì sự bình an và sự sống của đàn chiên, đã hy sinh mạng sống mình. Bài giảng hùng hồn đã khiến cử tọa khóc lóc đau đớn trong lòng, và đã có thêm ba ngàn người xin gia nhập Đạo Chúa trong ngày hôm ấy (Bài đọc I). “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ”. Tránh xa gian tà, tức là từ bỏ lối sống không phù hợp với danh hiệu Kitô hữu như: bạo lực, dâm ô, giận hờn, ghen ghét, chia rẽ suy đồi luân thường đạo lý. Những tệ nạn này cản trở chúng ta đến với Chúa và làm chúng ta trượt dốc xuống vực thẳm của tội lỗi.
Hình ảnh người Mục tử nhân lành nhắc nhớ chúng ta: nhờ Bí tích Thanh tẩy, người tín hữu được tháp nhập vào đàn chiên của Chúa tức là Giáo Hội. Chúa Giêsu là Đầu của Giáo Hội. Giáo Hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu. Mỗi chúng ta là chi thể trong thân thể ấy. Cũng như nơi thân xác con người, chỉ khi nào mọi chi thể liên kết gắn bó chặt chẽ với đầu, thì thân thể ấy mới khỏe mạnh. Mỗi tín hữu cũng phải liên kết với Đức Giêsu là Đầu của Giáo Hội. Hiệp thông gắn bó với Đầu, chúng ta cũng phải hiệp thông gắn bó với anh chị em mình, để làm thành một cộng đoàn Giáo Hội vững chắc, không ngừng tiến triển và diễn tả sự thánh thiện trong đời sống hằng ngày.
Những ai đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy mà không hiệp thông với Giáo Hội, được so sánh như con chiên lạc. Thánh Phêrô lưu ý chúng ta như vậy. Ngài viết: “Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (Bài đọc II). Tin tưởng cậy trông nơi Đấng Phục sinh, đó là điều kiện cần thiết để chúng ta hiệp thông với vị Mục tử và hiệp thông với anh chị em mình, tức là cộng đoàn Giáo Hội.
Giáo Hội không giống như một tổ chức trần thế. Giáo Hội cũng không phải do con người lập nên. Chính Chúa Giêsu là Đấng sáng lập Giáo Hội. Chính Chúa Phục sinh đã trao cho thánh Phêrô và những người kế vị nhiệm vụ lãnh đạo, và thay Người săn sóc, quy tụ đàn chiên. Những đế chế hay những quốc gia trần thế, dù có hùng mạnh đến đâu chăng nữa, chỉ vang bóng một thời rồi đến lúc phải cáo chung. Giáo Hội của Chúa trường tồn qua mọi thời, thấm nhập và góp phần làm thăng hoa các nền văn hóa và các truyền thống nơi các quốc gia. Sở dĩ Giáo Hội trường tồn, vì có Đức Giêsu phục sinh luôn hiện diện và hướng dẫn, như người mục tử chăn dắt đàn chiên.
Sự hiện diện và dẫn dắt của vị Mục tử được diễn tả trong Thánh vịnh quen thuộc. “Chúa là Mục tử”. Lời Thánh vịnh đem lại cho chúng ta sự bình an: Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Nhờ sự dẫn dắt của vị Mục tử Giêsu, chúng ta tìm được cảm giác thư thái an bình, như con thơ nằm trong lòng mẹ: Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên. Còn hình ảnh nào đẹp đẽ hơn để diễn tả tình yêu thương của Chúa dành cho những ai tin tưởng và phó thác nơi Người? Thánh vịnh 23 này thường được hát trong Thánh lễ an táng và cầu hồn. Lời ca sâu lắng, tha thiết và gợi hình, giúp cộng đoàn phụng vụ thêm lòng sốt sắng, giúp thân nhân gia đình người quá cố được ơn an ủi và niềm hy vọng. Thực ra, Thánh vịnh này không chỉ diễn tả việc Chúa dẫn đưa một người đã qua đời về vương quốc vĩnh cửu, mà còn diễn tả sự quan phòng yêu thương của Chúa đối với con người trong suốt cuộc đời. Ngài luôn chăm sóc chúng ta, ân cần chu đáo như mục tử đối với đàn chiên.
Chúa nhật IV Phục sinh cũng được gọi là Chúa chiên lành. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ tình hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Mục tử tối cao của Giáo Hội Công giáo và là người kế vị Thánh Phêrô tông đồ. Chúng ta cầu nguyện cho Ngài và cho các vị chủ chăn trên toàn thế giới, được ơn can đảm, khôn ngoan để có thể dẫn đưa Dân Chúa đến đồng cỏ xanh tươi và đến suối mát trong lành, tức là hưởng trọn vẹn tình yêu ngọt ngào của Chúa, là phần thưởng cho những ai tin cậy yêu mến Người. Xin Chúa ban cho Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương luôn vững mạnh trước phong ba bão táp trần gian.
“Dù qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn”. Thế giới hôm nay đang hoảng loạn trước đại dịch COVID-19, giống như đang qua bờ vực thẳm. Hơn ba triệu người đã lây nhiễm. Mấy trăm ngàn người đã chết vì dịch bệnh. Lòng trông cậy Chúa sẽ giúp chúng ta tìm được sự an bình giữa cơn đại nạn, đồng thời tin tưởng Chúa sẽ cứu với nhân loại.
“Hỡi bạn là Kitô hữu, hãy luôn tự hào vì danh xưng ấy” (Thánh Lê-ô cả Giáo Hoàng). Mỗi chúng ta hãy cảm thấy vinh dự và vui mừng vì được mang danh Chúa Giêsu, đồng thời hãy góp phần mình làm cho đàn chiên Giáo Hội luôn vững mạnh, tỏa sáng giữa lòng đời. Giữa một cuộc sống còn nhiều góc khuất do tội lỗi và hận thù gây, hãy làm cho Giáo Hội thực sự là Ánh Sáng Muôn Dân, rạng soi thế giới.
Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử nhân lành, dẫn đưa nhân loại ra khỏi vực thẳm của tội lỗi và của dịch bệnh đang đe dọa thế giới. Xin Người cho chúng ta được ơn an bình. Amen.
4.Mục Tử Nhân Lành - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
1- Bối cảnh đoạn Tin mừng: Giữa cảnh lễ hội cung hiến đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu thấy đoàn dân chúng tấp nập kéo nhau về mừng lễ trong tám ngày. Người xúc động nhìn họ như những đoàn chiên hiền lành và ngoan ngoãn. Nhưng Người cũng đau xót vì họ như đoàn chiên bơ vơ lạc lõng trong vòng kiềm hãm của những kẻ trộm cướp (Mt. 18, 12; Lc. 15, 4-7). Người nói với họ phải biết phân biệt kẻ trộm cướp với mục tử hiền lành. Trên đường đến đền thờ, họ đi qua biết bao nhiêu chuồng chiên được vây kín chung quanh bằng đá, chỉ có một cửa nhỏ để cho từng con chiên ra vào theo lệnh quen thuộc của mục tử thân yêu gọi tên từng con, rồi mục tử dẫn chiên đi ăn trong đồng cỏ xanh tươi (Ricciotti - Vie de Jesus Christ). Còn những kẻ trộm, chúng trèo qua tường vào chuồng, khiến chiên hoảng hốt chạy tán loạn. Mục tử nhân lành còn giữ nhiệm vụ đóng mở cửa cho chiên ra vào, bảo đảm an toàn cho chiên khỏi bị trộm cướp và lang sói xông vào cắn xé. Nhờ đó chiên được thảnh thơi tự do, được lương thực nuôi sống dồi dào.
Sau khi phân biệt cho dân chúng biết rõ về mục tử nhân lành khác với kẻ trộm cướp, Đức Giêsu đã xác nhận với họ: “Tôi là cửa cho chiên ra vào ... Ai qua tôi mà vào sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ xanh tươi... Tôi đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào”. Người còn tuyên bố rõ ràng: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”.
2- Lý do có đoạn Tin Mừng:
Lý do nào khiến Đức Giêsu nói: “Tôi là mục tử nhân lành”.
Trước nhất, Đức Giêsu thấy dân chúng đang bị dẫn dắt lầm lạc, bơ vơ do tầng lớp lãnh đạo Do thái mù quáng, cụ thể là mới đây họ đã kết án anh mù từ khi sinh ra là “kẻ sinh ra trong tội lỗi ngập đầu, rồi họ trục xuất anh” (Ga. 9, 34). Anh bị loại khỏi hội đường như kẻ vô đạo. Họ còn kết án cả Đấng đã chữa anh khỏi mù. Thật vô lý khi họ cho bệnh tật là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống kẻ có tội. Nhưng họ không công nhận Người cứu chữa khỏi bệnh là bởi Thiên Chúa. Đúng là mù dắt mù xuống hố. Họ chính là kẻ trộm cướp đã giết hại những con chiên vô tội.
Phần Đức Giêsu, Người không kết án anh mù hay cha mẹ anh mù là kẻ có tội. Trái lại, Người đã bênh vực anh: Tật mù của anh “là để Thiên Chúa tỏ hiện quyền phép của Ngài nơi anh” (Ga. 9, 3). Quyền năng đầy thương xót đó đã chữa anh sáng mắt thể xác và con mắt đức tin, để anh nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu thế bởi Thiên Chúa mà đến và Người đón nhận anh vào gia đình Thiên Chúa giầu lòng thương xót khi anh bị đuổi ra khỏi đạo Do thái.
Lý do thứ hai khiến Đức Giêsu nói: “Tôi là mục tử nhân lành” trong ngày lễ hội Cung hiến Đền thờ, vì đây là tuần lễ kỷ niệm thời anh em Macabê khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lăng Hy lạp năm164 trước Công nguyên. Quân xâm lăng đã tục hóa đền thờ, đặt tượng thần trên bàn thờ, bắt dân đến tế thần để bắt dân bỏ đạo. Khi đánh bại quân Hy lạp, anh em Macabê đã lo tẩy uế Đền thờ, xây lại bàn thờ và tổ chức lễ Cung hiến Đền thờ rất long trọng trong suốt tám ngày (1Mac. 2,4). Nhiều kẻ lợi dụng dịp lễ này để xưng hùng xưng bá lăm le xúi dân nổi lên đánh đuổi quân xâm lăng Rôma để lãnh đạo đất nước. Đức Giêsu thấy tham vọng bất chính đẩy dân vào chỗ chết, nên Người tuyên bố: “Đó là những kẻ trộm cướp” làm hại dân, hại đạo. Họ không qua cửa của Thiên Chúa tuyển chọn. Chỉ những kẻ công chính mới được Thiên Chúa xức dấu phong vương như Davit, mới là mục tử thật. Thời này, chẳng ai được xức dầu phong vương, trừ một mình Đức Giêsu đã được Thánh Thần xức dầu sai đi rao giảng Tin mừng như tiên tri Isaia đã loan báo (Is. 61, 1-2; Lc. 4, 18), như Gioan tiền hô đã giới thiệu (Ga. 1, 29-34).
Thực sự, trong nhân loại chỉ mình: “Đức Giêsu là được Thánh thần Chúa xức dầu tấn phong”, vì chỉ mình Người là “Con rất yêu dấu của Chúa Cha” (Ga. 1, 11). Cho nên chỉ mình Đức Giêsu là mục tử duy nhất: “Anh em đừng gọi ai là người lãnh đạo vì chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô” (Mt. 23, 10).
Để tiếp nối và tham gia vào quyền mục tử tối cao của Người, Người đã trao phó đoàn chiên cho Phêrô và các tông đồ. Phêrô đã noi gương Đức Kitô (Bài đọc 2) để cùng với mười một tông đồ, lớn tiếng nói với dân chúng về Đức Kitô giữa ngày lễ Ngũ tuần. Nghe thế, họ đã sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội và lãnh ân sủng của Thánh thần. Họ đã trở nên 3.000 con chiên đầu đàn của hàng tỷ con chiên ngày nay (Bài đọc 1).
Lạy Chúa Giêsu Kitô là mục tử tối cao, xin cho các mục tử tôi tớ Chúa biết luôn luôn theo gương Chúa đi loan báo Tin mừng cho đàn chiên nghèo hèn, bơ vơ để họ trở nên những con chiên đầy ân sủng của Thánh thần, và được sống trong một đàn chiên của một Chủ Chiên tối cao duy nhất mà thôi. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam