Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 84
Tổng truy cập: 1357415
TỘI LỖI VÀ TÌNH THƯƠNG
TỘI LỖI VÀ TÌNH THƯƠNG
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Đối với người tín hữu, đây là “thời Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2). Sống tinh thần Mùa Chay là khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều tội lỗi, đồng thời nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Nhờ tình thương, chúng ta được canh tân đổi đời và nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta được mời gọi thực hành những việc đạo đức truyền thống như chay tịnh, hãm mình, hy sinh, cầu nguyện. Thoạt nghĩ đến những thực hành này, chúng ta thường coi đó là những ràng buộc nặng nề, làm giảm tự do ngăn cản ham muốn hưởng thụ của chúng ta. Tuy vậy, những việc đạo đức của Mùa Chay, nếu được thực hiện có ý thức, sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, sống đẹp lòng Chúa và sống tốt với anh chị em mình.
Bài đọc I trích sách Sáng thế giúp chúng ta rút ra bài học từ một biến cố trong quá khứ. Đây cũng là một kinh nghiệm về lòng từ bi hay thương xót của Thiên Chúa, mặc dù con người tội lỗi phản nghịch. Vào thời xa xưa, đã có lúc nhân loại trở nên xấu xa và đầy tội lỗi. Chúa đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi cả dòng giống con người. Tác giả sách Sáng thế diễn tả với nỗi đau đớn: “Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 5,6). Ngài đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi loài người và mọi loài thụ tạo, để thiết lập một dòng giống mới, tinh tuyền thánh thiện hơn. Dòng giống này phát sinh từ gia đình ông Nôê, người sống đạo đức và kính sợ Chúa. Bằng con tàu khổng lồ ông đã chuẩn bị theo lệnh truyền của Chúa, gia đình ông và các loại có cây, súc vật, chim trời đã trở thành những nhân tố đầu tiên của cuộc sáng tạo mới sau khi nước hồng thủy rút đi. Nước vừa có sức mạnh hung dữ nhấn chìm mọi tạo vật, vừa có khả năng làm sinh ra một thế hệ mới. Các hiền sĩ Do Thái đều nhìn nhận biến cố này diễn tả thân phận tội lỗi của con người và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Đoạn sách Sáng thế chúng ta được nghe hôm nay là kế hoạch của Thiên Chúa sau khi nước hồng thủy đã rút đi. Thiên Chúa hứa với ông Nôê và các con ông: từ nay về sau sẽ không bao giờ tái diễn sự hủy diệt tàn khốc như vậy. Lời hứa của Chúa được gọi là giao ước, và được đánh dấu bằng cầu vồng trên các tầng mây. Sau này, thánh Phêrô và các nhà thần học đầu tiên của Giáo Hội đều giải thích Đại hồng thủy là hình bóng của bí tích Thánh tẩy (Bài đọc II). Thánh nhân còn diễn tả: “Lãnh nhận phép Rửa, không phải để được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô”. Nhờ dòng nước tái sinh, con người cũ của chúng ta đã chết đi để nhường chỗ cho con người mới, tức là con người được ân sủng của Chúa nâng đỡ và thánh hóa. Nhờ tình thương của Chúa, nhất là nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người một giao ước mới. Đây là giao ước được ký kết trong máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, để quy tụ muôn dân về một mối, làm thành gia đình của Thiên Chúa có Chúa Giêsu là trưởng tử.
Việc cảm nhận thân phận tội lỗi sẽ dẫn chúng ta tới sự sám hối chân thành để cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay sẽ giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha tội, được trở nên con người mới. Chúa nhật đầu tiên này của Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng vào sa mạc với Chúa Giêsu để tìm lại chính mình. Bởi lẽ, giữa biết bao bon chen giành giật của cuộc sống, nhiều khi chúng ta trở thành vong bản, tức là đánh mất bản thân, sống trong lầm lạc, không có định hướng và tương lai. Khi diễn tả Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” trong sa mạc, Thánh Máccô giúp chúng ta liên tưởng tới khung cảnh vườn địa đàng thuở ban sơ, ở đó, mối tương quan Thiên Chúa – Con người và Tạo vật rất hài hòa êm đẹp, niềm vui và hạnh phúc luôn tràn trề viên mãn. Nếu biết sống tinh thần sa mạc giữa lòng đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa, được tâm sự với Ngài và được Ngài hướng dẫn, giúp chúng ta bước theo đường ngay nẻo chính. Thực hành tốt những việc đạo đức của Mùa Chay (cầu nguyện, chay tịnh và bác ái) chính là sống tinh thần sa mạc, nhờ đó, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, để cùng với Người đem phần rỗi cho anh chị em. Tinh thần sa mạc giúp ta có sức mạnh để chiến thắng cám dỗ đang bủa vây xung quanh chúng ta.
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là lời rao giảng mở đầu trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Hai ngàn năm đã qua, lời kêu gọi này vẫn mang tính cấp bách. Bởi lẽ con người khước từ lời Chúa, chuộc sống gian dối hơn là sự thật; thích chiều theo lối sống thế gian hơn là hy sinh để nên trọn lành. Nhờ sám hối, chúng ta được hòa giải với Chúa và với anh chị em, để cùng nhau tiến bước trên con đường về nhà Cha, Đấng luôn yêu thương và chúc phúc cho chúng ta.
5.Nơi hoang địa--GM. Arthur Tonne
Richar Miller là một học sinh cấp ba vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Chàng là một thanh niên hay chống đối, coi thường quyền bính. Chàng yêu say đắm một cô gái lối xóm tên là Muriel Mc. Comber. Cha nàng sợ lối sống lập dị của Richar nên cố gắng dập tắt mối tình lãng mạn ấy.
Thất vọng, Richar lui tới một quán rượu, chàng gặp một phụ nữ tên Belle. Theo ngôn ngữ thời ấy người ta gọi là “Flirt” (gái giang hồ). Một người đàn bà đùa dỡn với tình yêu không đứng đắn. Richar uống rượu và đánh lộn với một thương gia và bị tống cổ ra khỏi quán rượu. Cha của Richar hiểu và thông cảm với con mình. Ông từ từ giúp chàng lấy lại quân bình. Nhờ một tin mật, Richar được biết Muriel thực sự yêu chàng. Chàng quyết định hối cải và đợi nàng.
Đó là cốt truyện một vở hài kịch Eugne - O’neil viết vào năm 1933 tựa đề “Ah Wilderness “ (Nơi hoang tàn) vở kịch được trình diễn rộng rãi vì nó phát hoạ một hoàn cảnh chung, rất nhân bản trong đời sống hàng ngày, nó vẽ nên phần nào cảnh hoang dại mà chúng ta đang sống.
Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã ở trong sa mạc, nơi hoang dã 40 ngày đêm. Đó là lý do cho 40 ngày mùa chay. Sa mạc là nơi trú ẩn của thần dữ. Thú dữ, tượng trưng cho sự dữ mà Đức Kitô đã đến chế ngự. Tại sao chúng ta đọc bài Tin Mừng này vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay. Có gì liên hệ giữa nơi hoang dã Chúa Giêsu đã sống trong Mùa chay đầu, với bạn và tôi trong Mùa chay này. Đơn giản thôi, chúng ta đang sống trong một nơi “hoang dã” một thế giới ngập những tạo vật man rợ dưới hình thức con người. Có gì hung dữ hoặc xấu xa hơn sự tàn bạo của con người thời đại - sát nhân không gớm tay cướp giật, đốt nhà, ngược đãi trẻ em. Có con thú dữ nào giết hại hàng triệu người mỗi năm? việc phá thai làm đúng như thế đó. Thú dữ hình người trong hoang địa của chúng ta đang phá huỷ không những sự sống thể xác, mà còn đặc biệt sự sống tinh thần của những người gần chúng ta và thân yêu của chúng ta nữa; Xin kể một vài con thú xấu xa đó: người quảng cáo ma tuý, người xuất bản sách báo đồi truỵ, những tác giả chuyện phim và chương trình truyền hình.
Không có cách nào để kiềm chế những kẻ tàn phá thể xác và tâm hồn này sao? Dạ có, phương cách của Đức Giêsu có nhiều sự dữ Chúa Kitô đến cứu chữa. Lý do chính Chúa vào nơi hoang địa là để chiến thắng những sự dữ này bằng đền tội và cầu nguyện. Chỉ trong đường lối của Chúa, chúng ta mới chiến thắng sự dữ trong thế giới ngày nay. Chỉ bằng lời cầu nguyện xin Chúa giúp, bằng sự hy sinh để tỏ lòng mến Chúa. Chúng ta có thế kiềm chế, thuần hoá những thú dữ ở giữa chúng ta. Chúng ta cũng có thể kiềm chế những thú tính trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Thời gian bắt đầu việc này là mùa chay. Trong tinh thần chúng ta hãy cùng sống với Đức Giêsu trong “hoang địa” ngày nay. Với Người, chúng ta thống hối và cầu nguyện. Như thế, cũng như người đã chiến thắng sự dữ trong thời của Người, chúng ta cũng sẽ chiến thắng sự dữ trong hoang địa hiện đại của chúng ta. Xin Chúa chúc lành bạn.
6.Chúa Nhật I Mùa Chay--Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
“Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ”
1. Hoang địa
Tại sao Thần Khí đưa Đức Giê-su vào sa mạc hay hoang địa, chứ không phải là nơi nào khác? Đó là vì, trong bối cảnh lịch sử cứu độ và nhất là khởi đi từ kinh nghiệm Xuất Hành và hành trình tiến về Đất Hứa của Israen, hoang địa là nơi Thiên Chúa dẫn con người vào để gặp gỡ Ngài. Và để gặp gỡ Ngài, con người phải bỏ lại tất cả phương tiện, công việc, những lo lắng, những ràng buộc, những ngẫu tượng hay thần tượng như tiền bạc, danh vọng, lạc thú, để được tự do và bình tâm. Như xưa kia, Dân Chúa đã phải bỏ lại “Ai Cập” và tất cả những gì thuộc về “Ai Cập” ở đàng sau. Nhưng như chúng ta đều biết, điều này không dễ dàng, vì họ bỏ ra đi, nhưng trong lòng còn đầy quyến luyến.
Vì thế, hoang địa còn là nơi của thử thách, nhất là thử thách về lòng tin. Thật vậy, hoang địa là nơi không nhiều lương thực hay nước uống, để con người chỉ sống bằng của ăn, của uống, như là ơn Chúa ban từng ngày, giống như em bé được mẹ nuôi nấng từng ngày. Đó cũng chính là trường hợp của chúng ta trong thời gian tĩnh tâm, hay cách chúng ta sống bốn mươi ngày của Mùa Chay. Ngoài ra, hoang địa còn là nơi không có đường đi, để chỉ nhận Lời Chúa là:
Ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường cho con đi.
(Tv 119, 105)
Trong biến cố chịu phép rửa, Đức Giê-su được nhìn nhận là Con Thiên Chúa; nhưng điều này không miễn cho Người khỏi chịu thử thách trong hoang địa, do chính Thần Khí dẫn đưa. Đức Giê-su Ki-tô, dù là Con Thiên Chúa, vẫn để cho mình được dẫn đi chịu thử thách, dù mang thân phận Thiên Chúa, Người vẫn muốn chia sẻ thân phận đầy thử thách của loài người chúng ta. Trong khi đó, loài người chúng ta lại ham muốn thân phận thần linh của Ngài, khi tin và làm theo lời của Ma Quỉ: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 4-5)
Ngài chịu thử thách để cảm thông với thân phận và số phận đầy thử thách của loài người và từng người chúng ta, và nhất là để chia sẻ chiến thắng thử thách cho chúng ta; bởi vì cả loài người và từng người chúng ta, không ai đứng vững được trước thử thách. Hình ảnh Đức Giê-su sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người, diễn tả và loan báo chiến thắng của Đức Giê-su đối với thú tính, Xa tan, sự dữ và sự chết.
Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
(c. 12-13)
2. “Chịu Xa tan cám dỗ”
Sau khi chịu phép rửa, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ.” “Cám dỗ”, trong tiếng Hi lạp, còn có nghĩa là “thử thách”. Tương tự như trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, động từ to tempt hay tenter vừa có nghĩa là “cám dỗ” vừa có nghĩa là “thử thách”; tùy theo chủ thể hay nội dung mà chúng ta hiểu đó là cám dỗ hay thử thách.
* Thiên Chúa thử thách con người (chứ không thể cám dỗ!); còn Xa tan thì cám dỗ. Và con người cũng thử thách Thiên Chúa nữa; như Đức Giê-su nói với Xa tan trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4, 7); và như Dân Chúa trong sa mạc, thử thách Đức Chúa tới mười lần (x. Ds 14, 22).
* Và khi cám dỗ liên quan đến lòng tin, chứ không phải là các vấn đề luân lí (trộm cắp, giết người…) hay dục vọng, thì nên dịch là thử thách. Trong trường hợp của Đức Giê-su, Xatan “cám dỗ” Ngài về lòng tin mà Đức Giê-su đặt để nơi Thiên Chúa, chứ không phải là hay không thể là vấn đề luân lí hay giới tính (x. Mt 4, 1-11). Tương tự như Dân Chúa trong sa mạc, họ chịu thử thách về lòng tin. Bởi vì, theo sáng Sáng Thể (x. St 3) mặc khải cho chúng ta về tội nguyên tổ, thái độ nội tâm nghi ngờ Thiên Chúa, không tin Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ngay trong lòng của mình, mới là gốc của mọi tội, tội luân lí hay dục vọng.
Thiên Chúa “thử thách” con người, không chỉ qua những biến cố cuộc đời, nhưng qua chính thân phận và ơn gọi làm người, nhưng với mục đích khác hẳn. Giống như những thử thách trong sư phạm huấn luyện, đó chính là để cho chúng ta lớn lên trong tương quan tình yêu và nhưng không với Chúa. Còn Ma Quỉ, và những người hành động theo Ma Quỉ, ý thức hay không ý thức, thử thách người khác nhằm mục đích lên án; theo nghĩa này “thử thách” được gọi là “thử” hay “giăng bẫy”, như những người Pha-ri-sêu và luật sĩ hay làm để hại Đức Giê-su. Và ở mọi thời, nhất là thời nay, người ta hay làm hại nhau theo kiểu này[1].
Ngoài ra, loài người chúng ta cũng “chuyên môn” thử thách Chúa và thử thách nhau; trong trường hợp này, thử thách có nghĩa là: không tin, nên thử cho biết. Nhưng vì đã không tin, nên loài người chúng ta sẽ thử thách Chúa và thử thách nhau không cùng (rõ nhất là trường hợp của người ghen tương). Bởi lẽ, tin không phải đến từ biết, vì người ta không biết hết về Chúa và về nhau, nhưng đến từ quyết định tự do của con tim; tin là quà tặng của con tim (điều này được minh họa thật rõ trong tình yêu nam nữ).
Công trình của Thiên Chúa là con người tin vào Đấng Ngài sai đến (x. Ga 6, 29 theo bản văn Hi-lạp). Tin là cả một công trình; chính vì thế, công trình của ma quỉ cũng phải là làm cho con người không tin, nghi ngờ; và không tin vào Thiên Chúa, sẽ tất yếu tin vào những điều khác, thuộc về ma quỉ và sự chết. Không tin nơi Thiên Chúa, thì người ta sẽ thuộc về sự chết, làm việc sự chết, bởi vì sự chết là mạnh nhất, có khả năng xí xóa tất cả, giải quyết mọi vấn đề, và nhất là làm cho mọi người “huề cả làng”.
3. “Sau khi ông Gio-an bị nộp”
“Sau khi ông Gioan bị nộp”, điều này có nghĩa là bị bắt, bị giam và bị giết một cách bất công. Đó là kế hoạch của con người phát xuất từ lòng ghen ghét đi đôi với bạo lực, không chấp nhận những gì thuộc sự thật và ánh sáng. Nhưng đồng thời đó cũng là, một cách mầu nhiệm, “kế hoạch của Thiên Chúa”, như Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử cứu độ, và vẫn còn hành động như thế; Ngài nương theo hành trình của sự dữ và tội lỗi để thực hiện kế hoạch của mình. Thật vậy, sự kiện Gioan bị nộp (in divine passive) lại loan báo mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su, như lời truyền phép trên bánh trong Thánh Lễ: “Anh em hãy nhận lấy mà ăn. Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”.
Và ngay sau khi Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nghĩ đến những kinh nghiệm “bị nộp’ nho nhỏ hằng ngày của chúng ta: đó là những lúc chúng ta bị coi thường, không được tôn trọng, bị hiểu lầm, bị phân biệt; và những kinh nghiệm “bị nộp” lớn hơn: bị ghét, bị loại trừ, bị bách hại. Nhưng đó lại là là những cơ hội tốt, Chúa mời gọi để chúng ta công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, bày tỏ lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa: “Người ta sẽ nộp anh em…, nhưng đó là cơ hội làm chứng cho họ được biết” (Mc 13, 9). Hay đúng hơn, đó là những cơ hội để cho Đức Kitô đến công bố Tin Mừng của Ngài ngay trong những khó khăn và thử thách của chúng ta.
------------
[1][1] Trong tòa án Thượng Hội Đồng, câu hỏi của vị Thượng Tế: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26, 63), cũng là một hành động giăng bẫy. Trước đó, Đức Giê-su luôn phá bẫy người ta giăng ra, nhưng lần này, Ngài để cho mình bị mắc bẫy và bị kết án: “Hắn nói phạm thượng… Hắn đáng chết” (c. 65-66). Đó thực sự là cái bẫy chết người, vì mang dáng vẻ bề ngoài “đi tìm sự thật”, hơn nữa còn đưa cả “Thiên Chúa Hằng Sống” vào làm “mồi” giăng bẫy! Biến Thiên Chúa thành “mồi giăng bẫy”, với ý đồ giết chết, đó mới là phạm thượng! Giống như Con Rắn nói với bà E-và: “Có thật Thiên Chúa bảo…” (St 3, 1). Vậy thì ai phạm thượng? Loài người chúng ta, ngang qua hình ảnh Vị Thượng Tế cao quí, hay Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó? Giăng bẫy kiểu này, chính là hành động đặc trưng của Satan. Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây thì được thoát khỏi” (Tv 141, 10; sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ loại bỏ lời này; lời loan báo mầu nhiệm Vượt Qua!)
7.Sám hối và tin vào Tin Mừng--‘Xây Nhà Trên Đá’--ViKiNi--Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Sám hối và tin vào Tin Mừng có thể diễn tả cụ thể như câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần”. Hay câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Muốn được ăn bát cơm dẻo thơm, nhà nông phải chịu biết bao nhiêu đắng cay, đổ ra bao nhiêu công sức gian khổ, muốn được cây kim xinh đẹp, người công nhân phải gò lưng mài dũa cây sắt han rỉ bao nhiêu ngày tháng!
Muốn tin được Tin Mừng, chúng ta phải sám hối với tâm hồn cay đắng, xót xa: “Họ phải thú nhận tội lỗi và ông Gioan làm phép rửa cho họ trong giòng sông Giócđan” (Mc. 1,5). Thú tội là việc làm cay đắng, xót xa, không còn lên mặt tự phụ và kiêu ngạo, chỉ còn khiêm tốn chôn mình dưới giòng sông, nơi sâu thẳm nhất, để chuẩn bị đón rước Tin Mừng Đấng Cứu Thế.
Ông Noe cũng phải thanh tẩy trong Đại hồng thủy sau một thời gian dầy công sám hối. Ông và cả gia đình sám hối bằng việc làm, bằng bao nhiêu ngày tháng gian khổ băng rừng đốn cây, chẻ gỗ đóng tầu. Một công việc to lớn kỳ dị bị chê cười, nhạo báng như một lũ điên không giống ai. Mặc cho thế gian nguyền rủa khinh bỉ, Noe tin vào Lời Chúa sống đức nghĩa vẹn toàn giữa những người đồng thời đầy tội ác. Noe hằng đi đứng rập theo ý Thiên Chúa (St. 6, 9), nên ông sẵn sàng chịu muôn ngàn đắng cay, muôn ngàn hy sinh để chiến thắng mọi thử thách cam go. Noe và gia đình đã thực sự sám hối bằng đức tin có việc làm, chứ không chỉ đau đớn hối hận. Nhờ đó, cả gia đình ông và bao nhiêu muôn chim cầm thú đã được cứu sống. Thiên Chúa đã ký kết với ông một giao ước mới. Ông là cha một dòng dõi mới, một dân tộc mới.
Noe và dòng dõi ông là hình bóng tạm thời của Đức Giêsu là đầu một dân tộc mới, một dân tộc trường tồn muôn đời, là dân Chúa, là Giáo hội Chúa Kitô.
Bài Tin Mừng và bài đọc 2 cho thấy rõ chân lý hiển nhiên đó. Đức Giêsu, dầu là Thiên Chúa, đã đến chịu phép rửa sám hối của ông Gioan, Người cũng phải khiêm tốn chôn mình dưới sông Giócđan. Hơn nữa, Người còn phải chịu rửa bằng Thánh Thần và lửa (Mt. 3, 11); “Thánh Thần đã thúc đẩy Người vào hoang địa, ở đó lâu ngày, chịu satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú”. Hoang địa là nơi phải sống khắc khổ, thiếu thốn, nghèo khổ, nhưng trong lành, và thanh thoát mọi tham lam phàm tục. Sống nghèo khó thì lại được chúc phúc: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì nước Trời là của họ. Sống trong khóc lóc đắng cay thì lại được Thiên Chúa an ủi (Mt. 5, 3-5).
Satan là tướng quỷ dữ, gieo rắc chống lại Thiên Chúa, lôi kéo vào tội lỗi, vào cực hình. Phép rửa bằng Thánh Thần sẽ giúp chiến thắng Satan đem ta trở về Thiên Chúa, hướng dẫn ta vào con đường thánh thiện vinh phúc muôn thuở.
Sống giữa dã thú là sống giữa loài hung dữ, dã man, tàn ác, bằng phép rửa Thánh Thần sẽ thanh luyện ta sạch mọi dã man, gian tà, tội ác trở nên hiền hòa khả ái, nhân từ, yêu thương, an lành.
Đức Giêsu đã chịu phép rửa bằng Thánh Thần, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, trở nên Con chí ái của Đức Chúa Cha, mọi sự vâng theo thánh ý Cha như Người đã cầu nguyện: “Một theo ý Cha, đừng theo ý con”. Và Đức Chúa Cha đã hoàn toàn hài lòng về Người. Người không còn một chút bẩn nhơ bụi trần, hoàn toàn siêu thoát mọi tham lam, cho nên chiến thắng và tiêu diệt tướng quỷ dễ dàng. Người sống giữa những quân thù như dã thú mà vẫn vô cùng dịu dàng nhân ái, không ai nghe thấy tiếng Người dức lác, Người không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không nỡ tắt tim đèn còn khói.
Thánh Phêrô còn nói: “Đức Kitô đã chịu chết vì tội chúng ta, Đấng công chính đã chết cho kẻ bất chính. Thân xác Người bị giết chết, nhưng nhờ Thánh Thần Người được phục sinh … Nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, Người đã tiêu diệt sự chết cho chúng ta được hưởng sự sống đời đời”.
“Đức Kitô đã chịu chết”, đó chính là phép rửa bằng lửa. Lửa bừng lên trong trái tim Người vì yêu thương chúng ta. Người đã nói: “Không có tình yêu cao quý nào bằng tình yêu chết cho người mình yêu”. Lửa tình yêu mà Đức Giêsu đã thực hiện như Người nói: “Thầy đem lửa đến trần gian, Thầy ước mong lửa ấy bừng lên. Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc. 12, 49-50).
Đức Giêsu đã khắc khoải sám hối thay cho nhân loại qua chịu phép rửa bằng Thánh Thần và lửa. Người đã hoàn tất. Các Tông đồ cũng đã chịu phép rửa bằng Thánh Thần và lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần (Lễ Hiện Xuống). Thánh Thần đã thúc đẩy các ông đem lửa tình yêu của Đức Giêsu bừng cháy lên, tỏa sáng khắp thế gian, hoang địa và đã chiếu tỏa trên chúng ta, thúc đẩy chúng ta sám hối và tin vào Tin mừng. Để chúng ta cũng được chịu phép rửa bằng Thánh Thần và lửa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng kiên tâm sám hối và tin vào Tin mừng, cho chúng con được thanh tẩy, để sống trong Thánh Thần và trong lửa tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam