Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1355342

TÓM VỀ HAI ĐIỀU NÀY MÀ NHỚ

TÓM VỀ HAI ĐIỀU NÀY MÀ NHỚ

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Kinh Mười Điều Răn có câu kết: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự; Sau lại yêu người như mình ta vậy.Amen“.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa nhóm tiến sĩ luật và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau:

Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu trả lời: “Giới răn quan trọng nhất chính là: Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn ấy”. Ông kinh sư hoàn toàn đồng ý với Người và còn thêm lời bình: “Đó là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúa Giêsu được một lần sảng khoái vì gặp một ông kinh sư thân thiện với mình, Người khích lệ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Tại sao lại không còn xa? Bởi vì, Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu đang ở trước mặt ông!

Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5 và Lv 19,18) thành một điều răn duy nhất là Yêu Thương. Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau.

“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo. Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học. Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.

  1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.

Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái. Cho nên người tín hữu yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.

Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.

Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.

Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.

Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.

Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.

Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.

  1. Yêu tha nhân như chính mình.

Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy” (1Ga 4,20); “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1Ga 2,9).

Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.

Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì “Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

  1. Việc làm của Đức tinlà Đức ái.

Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).

Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.

Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. “Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy” (Mt 25,40) : những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi “trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ” (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1). (x.Porta Fidei, Số 14).

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).

Dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.

Luật mới của Chúa Giêsu chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.

Về mục lục

 


 

 

 

 


CHÚA DUY NHẤT, LUẬT BẤT BIẾN

 

Trầm Thiên Thu

Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Đnl 6:4; Nkm 9:6; Xh 20:3; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is 43:10; Is 45:6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4) và là Đấng Cứu Độ duy nhất: “Chính Ta, chính Ta đây là Đức Chúa, ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.” (Is 43:11) Muôn đời Ngài vẫn là Ngài. (Is 43:13) Vì thế, luật yêu thương của Ngài cũng bất biến và vĩnh tồn.

Sau khi bất tuân và phạm tội, gây xáo trộn, con người bị đuổi ra khỏi Địa Đàng, thế nên bắt đầu cần có luật để duy trì trật tự trần gian. Chưa hết, gia đình cũng rắc rối khi Cain giết chính em ruột của mình là Abel vì ghen thét. Do đó, luật càng cần thiết hơn, cần thiết ngay từ trong gia đình nhỏ bé.

Nhà có gia phong, nước có quốc pháp, tu viện có tu luật. Có nhiều loại luật – cả đạo và đời, ngay trong một nhóm nhỏ, thậm chí chỉ hai người, cũng vẫn có những quy ước nhất định để tránh lạm dụng vì tùy tiện hoặc tùy hứng. Trong mọi mối quan hệ, muốn hợp tác lâu dài với nhau, người ta phải tôn trọng hợp đồng với nhau – dù đó là thỏa thuận bằng miệng hoặc hợp đồng bằng văn bản.

Xét theo luật học, luật pháp được hiểu là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế. Thường thì luật pháp được thực thi thông qua hệ thống tòa án. Trong đó, quan tòa sẽ nghe tranh tụng từ các bên và áp dụng các quy định để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Cách thực thi luật pháp được coi là hệ thống pháp lý, thường phát triển trên cơ sở tập quán của mỗi quốc gia.

Luật có ở khắp nơi, mọi lĩnh vực, với nhiều mức độ: kinh tế, kinh doanh, chính trị, xã hội, môi trường, giao thông (đường thủy, đường bộ, đường hàng không) học tập, hôn nhân,… Nhưng tất cả các loại luật đều phải dựa trên Thiên Luật. Chỉ có Luật Chúa là Đệ Nhất Thánh Luật, là luật quan trọng nhất, dựa trên nền tảng yêu thương: mến Chúa và yêu người.

Thật ngán ngẩm với luật hội đường Do Thái ngày xưa. Có tới 613 điều khoản, bao gồm 365 điều CẤM làm và 248 điều PHẢI làm. Nếu chia đều một năm thì mỗi ngày có một khoản luật cấm. Điều cấm làm nhiều hơn điều phải làm, mà “cấm làm” với “phải làm” cũng đâu khác gì nhau. Mệt mỏi thật!

Ông Môsê nhận lệnh của Thiên Chúa và truyền cho dân chúng: “Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu. Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em MỌI NGÀY TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI, tuân giữ tất cả những CHỈ THỊ và MỆNH LỆNH của Người mà tôi truyền cho anh em và anh em sẽ được sống lâu.” (Ðnl 6:1-2) Chỉ thị và mệnh lệnh là điều phải tuân giữ, xã hội trần gian còn như vậy, huống chi huấn lệnh của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta phải ưu tiên số một, không sợ khi phải chọn lựa, chấp nhận bỏ luật đời.

Giữ Luật Chúa là điều tuyệt đối phải làm, không phải vì miễn cưỡng mà vì yêu mến, và có lợi cho chính chúng ta. Thánh Catarina Genoa (1447-1510) cho biết: “Thiên Chúa Toàn Năng tinh khiết đến nỗi nếu người ta ý thức được dấu vết của sự bất toàn và cũng hiểu rằng luyện ngục được ấn định để loại bỏ sự khiếm khuyết đó, thì linh hồn vào nơi thanh tẩy này vui mừng đón nhận Lòng Thương Xót cao cả của Thiên Chúa. Nỗi đau khổ tồi tệ nhất của các linh hồn nơi luyện ngục là đã phạm tội chống lại Sự Tốt Lành của Thiên Chúa và CHƯA HOÀN THIỆN ở đời này.” Tình trạng bất toàn vì “chưa hoàn thiện” là chưa giữ trọn Luật Chúa. Điều đó chứng tỏ rằng giữ trọn Luật Chúa là điều vô cùng cần thiết và thực sự hữu ích cho người giữ luật.

Chắc chắn rất khó giữ luật, khó thì khổ, nhưng khó mà giữ được mới đáng công. Thật vậy, Thiên Chúa không “đày đọa” ai, vì Ngài hứa ban những điều bất ngờ mà chúng ta không biết: “Hỡi Israel, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em đã phán với anh em Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA DUY NHẤT. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em PHẢI ghi tạc vào lòng.” (Ðnl 6:3-6)

Chính lời hứa của Thiên Chúa nhắc nhở một điều quan trọng liên quan đức tin: Chỉ có MỘT Thiên Chúa duy nhất mà thôi. (Đnl 6:4; Mc 12:29) Ngoài Ngài, không có bất cứ một vị thần nào khác đáng để chúng ta tin kính và tôn thờ. Đó là điều chắc chắn.

Thiên Chúa duy nhất mà chúng ta tôn thờ chỉ là MỘT nhưng có BA NGÔI. Ngài là Đấng nhân hậu, vô thủy và vô chung, Ngài có nụ cười hiền hậu chứ không nhăn nhó khó chịu. Vì thế, Thánh Vịnh gia đã luôn tôn thờ và kính mến Ngài tuyệt đối: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” (Tv 18:2-3) Không thể kiềm chế niềm hạnh phúc đó, Thánh Vịnh gia đã xác nhận và muốn chia sẻ với mỗi chúng ta: “Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen, và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.” (Tv 18:4) Lời xác nhận này giúp củng cố đức tin của chúng ta, những kẻ hậu sinh hèn yếu.

Không thể im lặng, Thánh Vịnh gia tiếp tục tuyên xưng: “Đức Chúa vạn vạn tuế! Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn. Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi, là Thượng Đế giúp tôi rửa sạch hận thù, bắt chư dân quy phục quyền tôi. Lạy Chúa, Ngài giải thoát con khỏi thù địch cho thắng cả đối phương, cứu khỏi người tàn bạo. Vì thế giữa muôn dân, con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa. Chúa ban nhiều chiến thắng lớn lao cho Đức Vua chính Người đã lập.” (Tv 18:47-51ab) Thiên Chúa là “đèn trời soi xét,” (Tv 4:2) Ngài “biết thừa mọi bí ẩn tâm can,” (Tv 44:22) và Ngài biết ai chân thật hay lọc lừa. Ngài thấu suốt mọi sự.

Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4:4b) Ước gì mỗi chúng ta đều có thể thanh thản thân thưa: “Lạy Chúa, xin dò xét và thử thách con, tâm can này, xin đem thử lửa.” (Tv 26:2) Đó là điều không dễ thực hiện, cần phải thực sự can đảm và dứt khoát, cùng với tình mến chân thành. Luật Chúa là Lời Chúa, là Ý Chúa, là lương thực của các Kitô hữu.

Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa không thích tế phẩm và lễ vật, Ngài cũng chẳng đòi lễ toàn thiêu và lễ xá tội. (Tv 40:7) Ngài muốn chúng ta tuân giữ luật Ngài truyền, nghĩa là vâng lời Ngài. Ngài mở tai chúng ta để chúng ta lắng nghe Ngài, và Ngài muốn chúng ta mau mắn thân thưa: “Này con xin đến!” (Tv 40:8) Ước gì chúng ta luôn chân thành nói với Ngài: “Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con!” (Tv 40:9) Giữ Luật Chúa thì có lợi, không giữ thì thiệt thòi. Ngài không bắt ép, mà là sự công bằng.

Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta dù chúng ta bất xứng, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân kia mà, nghĩa là chúng ta còn dơ bẩn chứ đâu phải đã “tắm rửa” cho bớt hôi thối. (x. Rm 5:8) Đó là bằng chứng minh nhiên về lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cho biết: “Trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt 7:23-25) Nếu chúng ta yêu ai đó mà không được đáp lại, thậm chí bị phản bội và bị gièm pha, chắc chắn chúng ta nói họ là dại dột, ngu xuẩn, si tình hoặc lụy tình. Thế mà Thiên Chúa là người yêu cuồng si những kẻ phản bội Ngài. Quả thật, chúng ta quá đáng, có trái tim bằng sắt nung chứ không chỉ là gỗ hoặc đá.

Bởi vì chúng ta bất xứng đến nỗi không thể tự đền tội, mà phải nhờ đến Vị Thượng Tế Thập Toàn là Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để ĐỀN TỘI CỦA MÌNH, sau là để ĐỀN THAY CHO DÂN; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” (Dt 7:26-28)

Điều răn đứng hàng đầu là điều răn quan trọng nhất, được nói tới trong trình thuật Mc 12:28b-34 (≈ Mt 23:34-40; Lc 10:25-28) và cũng đề cập “MỘT Thiên Chúa duy nhất” như Cựu Ước đã nói.

Thánh sử Máccô cho biết rằng có một kinh sư đã nghe nhóm Sađốc tranh luận với Đức Giêsu. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông kinh sư đến gần Ngài và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Ông kinh sư này ra vẻ thế thôi chứ không hề tâm phục khẩu phục. Kinh sư là ai? Đó là chuyên gia nghiên cứu, khai triển, dạy dỗ và áp dụng luật Cựu Ước. Nhưng khi áp dụng luật thì giá trị của lời dạy được coi trọng hơn chính văn bản luật. Vì thế mà họ hống hách và gây nhiều rắc rối, nhất là khi họ gặp Chúa Giêsu.

Họ hỏi không do lòng thành mà chỉ muốn gài bẫy Chúa Giêsu mà thôi. Ngài không nói điều nào trọng nhất, mà Ngài điềm nhiên trả lời bằng một mệnh lệnh: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA DUY NHẤT. Ngươi PHẢI yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Đó là luật hai-trong-một, một điều to và một điều lớn, điều nào cũng quan trọng. Thật kỳ diệu và độc đáo!

Sau khi nghe Đức Giêsu nói vậy, ông kinh sư thực sự tâm đắc, tâm phục và khẩu phục, và ông nói: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là ĐẤNG DUY NHẤT, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”

Phục thiện là bắt đầu khôn ngoan. Biết mình sai là bắt đầu sáng mắt. Ngược lại, kẻ cố chấp sẽ mù vĩnh viễn. Còn hơn thế nữa, bởi vì “đứa ngu đần tuy sống mà tệ hơn là chết.” (Hc 22:11) Chúa Giêsu thấy ông kinh sư trả lời khôn ngoan nên Ngài nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Tất cả im lặng, không ai dám chất vấn Ngài hoặc nói ra nói vào lời nào nữa. Trứng không thể chọi với đá!

Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, thông minh, sáng suốt phân định vấn đề, và biết  ưu tiên việc tuân giữ luật Ngài. Xin thanh tẩy và đổi mới chúng con theo đúng Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

home Mục lục Lưu trữ