Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1349801

TÔN TRỌNG CHÂN LÝ - LƯƠNG TRI SẼ DẪN TA GẶP ĐẤNG CỨU THẾ

TÔN TRỌNG CHÂN LÝ - LƯƠNG TRI SẼ DẪN TA GẶP ĐẤNG CỨU THẾ

 

(Suy niệm của Lm. Đaminh Hương Quất)


Hiển linh là màu nhiệm Thiên Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm tục của loài người được thấy. Từ rất xa xưa (khoảng 525- 520 TCN), ngôn sứ Isaia đã tiên báo (bài đọc 1); Thánh Mátthêu qua bài Tin Mừng đã đề cao dân ngoại nhờ lý trí tự nhiên đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Thánh Phaolo tóm tắt: màu nhiệm chưa hề được tỏ lộ, thì nay được mạc khải cho Lương dân cũng là người cùng được thừa tự, đồng thừa hưởng Lời Hứa trong Đức Kitô nhờ Tin Mừng (bài đọc 2) [1]

Đấng Cứu thế đã Giáng sinh. Ánh sáng Cứu độ của Thiên Chúa đã chiếu tỏa trên trần gian. Đây là Tin vui chung cho cả loài người. Sau khi báo tin Chúa Giêsu Giáng cho các mục đồng, đại diện cho dân Do Thái, Thiên Chúa liền tỏ mình cho muôn dân qua ngôi sao lạ.

Thánh sử Mátthêu cho biết có ba nhà Đạo sĩ từ phương đông, nhờ dấu chỉ sao lạ trên bầu trời họ nhận ra Đấng Kitô, vua các vua mới chào đời. Họ đã tức tốc mang các tặng phẩm qúy giá đến tận nơi để bái thờ vua Hài nhi Giêsu.

Vâng, chỉ qua dấu hiệu sao lạ các nhà Đạo sĩ nhận ra Đấng cứu thế mới giáng trần và nhìn lễ vật tiến dâng Vương Nhi Giêsu (vàng, mộc dược, nhũ hương) cũng đủ cho thấy các vị đạo sĩ này là những người học cao, hiểu rộng, đặc biệt giỏi về khoa chiêm tinh (nay gọi khoa thiên văn học), có địa vị uy tín, thuộc hàng giầu sang trong xã hội.

Có tiền, có quyền, có trình độ hơn người nhưng các nhà đạo sĩ không hống hách, kiêu căng trái lại họ sống đạo đức, biết dùng tài trí của Chúa ban ấy để tìm sống điều thiện, có lòng khao khát đi tìm Đấng Chí Tôn để tôn thờ. Khoa học chân chính, không mâu thuẫn với tôn giáo. Nhà khoa học thành tâm, khiêm tốn sẽ dẫn đến Đấng Tạo Hóa. Quả thật, phần lớn những nhà khoa học làm nên nền văn minh nhân loại trong quá khứ và hiện đang đều có niềm tin tôn giáo.

Ba nhà Đạo sĩ đại diện cho Lương dân, những người thành tâm thiện chí nhưng chưa biết Đấng cứu thế.

Lương dân chưa có mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh như Dân Chúa thời cũ (Do Thái), Dân Chúa mới (Kitô giáo), song với lý trí tự nhiên lòng thiện tâm (lương tri), kiên trì theo lẽ phải, tức biết tôn trọng chân lý khách quan trong thiên nhiên cũng như trong đời sống xã hội vẫn có thể nhận biết được Thiên Chúa, dẫu còn hạn chế. (x. Rm 1,19-20)[2].

Một Ngôi sao lạ xuất hiện, ai cũng nhìn thấy song không phải ai cũng nhận ra ‘dấu chỉ’ Đấng Cứu Thế Giáng sinh. Ba nhà đạo sĩ nhận ra ngoài kiến thức sâu rộng, họ có một Trái tim, khao khát truy tìm Chân - Thiện - Mỹ, biết tôn trọng và theo chân lý khách quan.

Nói về tôn trọng Sự thật, nhất là Chân lý tôn giáo do Thiên Chúa mạc khải mà chính Chúa Giêsu hiện thân, liên hệ với thực tại thật đáng báo động.

Ở thời hậu hiện đại mà chúng ta đang sống, một trong những căn bệnh nguy hiểm hay vấn nạn chết người, có thể làm băng hoại xã hội đó là lối sống vô cảm, thờ ơ, xem thường chân lý khách quan, phổ quát, nhất là chân lý siêu vượt trên cái tầm thường vật chất, trần thế.

Đấy là lối sống hời hợt, cảm tính, coi mình là vũ trụ là thước đo các giá trị. Cái đúng cái sai, tiêu chuẩn Chân- Thiện- Mỹ không còn theo giá trị khách quan mà hoàn toàn lệ thuộc vào cảm tính tương đối của cá nhân. Cái tôi thích, tôi yêu, cái tôi quan tâm thì là cái đúng- cái tốt- cái đẹp; ngay cả Chân lý tuyệt đối mà Thiên Chúa mạc khải cũng thế.

Chúa Giêsu là Đường- Sự thật- Sự sống, là tiêu chuẩn- thước đo; đồng thời là nền tảng xây dựng nên Hòa bình- Hạnh phúc đích thực đời này và đời sau. Trong lối sống vô cảm, theo cảm tính thì …quên đi nhé (!) Một bộ phim Hàn mình thích, dễ dàng bỏ cả Thánh lễ Chúa Nhật (bổn phận tối thiểu của Kitô hữu đạo đức); bê bối trong bổn phận gia đình…

Đứng trước vấn đề có lập trường rõ ràng, yêu ghét phân minh dù sao vẫn còn hy vọng. Ghét là mặt trái của yêu; Phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa- đời sau thực chất còn quan tâm đến Thiên Chúa, đời sau dù đứng ở mặt tương phản dưới góc độ nào đó vẫn còn hy vọng hơn thái độ không yêu không ghét; dửng dưng, vô cảm theo kiểu ““Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc” (ca từ bài hát một thời top ten).

Lùi lại lịch sử một chút…

Trong thế kỷ 19- 20, nhân loại chứng kiến tri thức con người phát triển như rầm rộ, đặt con người lag trung tâm vũ trụ, đề cao lý trí, đến độ duy trí, coi khoa học có thể giải quyết tất cả, cả vấn đề Thiên Chúa… Dẫu vậy con người vẫn còn tôn trọng quy luật khách quan trong tự nhiên với khả trí mình; tôn trọng quyền làm người, đề cao dân quyền, tự do. Về tư tưởng, dẫu có ‘triết gia’ tuyên bố ‘Thiên Chúa chết rồi!’, được nhiều người ủng hộ… dù sao vấn đề Thiên Chúa vẫn còn sự quan tâm.

Sang thế kỷ 20, các xu hướng thái quá trên có lẽ đưa đến hệ quả: xuất hiện chủ thuyết biện chứng Duy vật- Vô thần (loại bỏ tôn giáo, coi tôn giáo như thuốc phiệt làm người u mê) kết hợp với đấu tranh bạo lực đã lộng hành, đã lôi kéo rộng khắp trái đất, đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền làm người, nếu không muốn nói gây ra nhiều tội ác, bất công… đến độ Nghị Viện Châu âu xếp vào tội ác chống nhân loại.

(Nói thêm: Mặc dù Duy vật- vô thần biện chứng, có người coi là Triết học, song tôi coi đây là một học thuyết lệch lạc, chứ không phải Triết học, bởi Triết học truy tìm sự khôn ngoan, suy tư về sự hiện hữu của thể nhân linh, hướng dẫn con người yêu quý hơn chân- thiện- mỹ, ít là trên bình diện nhân bản).

Như thế, đứng trước vấn đề còn lập trường rõ ràng, yêu ghét phân minh dù sao vẫn còn hy vọng. Ghét là mặt trái của yêu; Phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa- đời sau thực chất còn quan tâm đến Thiên Chúa, đời sau dù đứng ở mặt tương phản. Phủ nhận cũng là mặt trái của sự quan tâm.

Và như thế vẫn còn hy vọng về với chính lộ- chân lý dễ hơn loại vô cảm, dửng dưng, yêu ghét theo cảm tính cá nhân mau qua và hay thay đổi.

Vô thần lý thuyết không đáng ngại bằng vô thần thực tiễn. Không ít Kitô hữu, sống như không có Thiên Chúa.

Vì sống vô cảm, theo cảm tính cá nhân, nhất là thờ ơ với Tin Mừng, về đời sau, về đời sống tinh thần… nên xu hướng chọn lựa cho cuộc sống hiện tại xem ra cũng tầm thường, xoàng xoàng, thiếu lý tưởng cao quý, thiếu bên vững.

Thật đáng buồn, mới rồi Google, trang tìm kiếm nổi tiếng- phổ thông nhất hiện nay, thống kê 10 từ tìm kiếm nhất Việt Nam trong năm 2015 toàn liên quan đến giải trí, như bài hát gì, phim gì (đơn cử bài ‘đâu phải chuyện vừa’; phim ‘cô dấu 8 tuổi’…) trong khi các nước khác trên thế giới, nhất là các nước văn minh người ta chú ý tìm kiếm các đề tài thiết thực với nhân sinh, quyền lợi chính đáng: kinh tế, chính trị- tự do- nhân quyền- dân chủ…

(Nói thêm: cũng trang mạng này thống kê, năm 2009 VN đạt quán quân thế giới về tìm kiếm từ ‘sex’).

Cũng liên quan đến xu hướng sống xem ra ‘chưa chuẩn’ trong xã hội ta, gần ta hơn. Mùa Seagame vừa qua, đội tuyển VN thua trong trận bán kết, bị loại khỏi vòng chung kết. Thắng thua trong thể thao là chuyện bình thường, hết sức bình thường. Ta thấy gì nơi các fan hâm mộ: khóc lóc thảm thiết, nước mắt và nước mắt…

Khóc đội nhà thua cũng chuyện bình thường, chẳng có gì đáng trách nếu không cùng dịp này ngư trường ta bị ‘tàu lạ’ xâm chiếm, Ngư Dân ta bị chúng cướp, đánh đập dã man, thậm chí có cả án mạng (chuyện đã- đang và sẽ còn thường xuyên xảy ra). Đây là những vấn đề lớn đến chủ quyền dân tộc, đến quyền sống con người song lại ít thấy nước mắt quan tâm. Đến độ, một tờ báo chính thống phải thốt: ‘Nước mắt cho bóng đá, nước mắt nào cho ngư dân?”

Thống kê trên, hiện trạng trên cho thấy điều gì mà người VN, phần lớn là giới trẻ quan tâm, phản ánh rõ lối sống, lối suy nghĩ nào đang phổ biến phổ biến tại quê hương đất nước ta?

Phải chăng đó là hệ quá đáng báo động cho xu thế vô cảm, sống hời hợt dửng dưng, cảm tính, thiếu lý tưởng, thiếu chiều sâu, trong đo có cả con em chúng ta?

Xu thế sống thờ ơ, vô cảm, theo chủ nghĩa ‘makeno’ xem ra ngày càng thịnh phát, nhất là trong giới trẻ. Sống hời hợt, cảm tính, thiếu lý tưởng, thiếu chiều sâu, nhất là những vấn đề thiết yếu đời sống con người, trong đó đặc biệt những vấn đề liên quan đến phần Linh hồn… hệ quả tất yếu thế nào, câu trả xin nhường cho mỗi chúng ta, nhất là Bạn trẻ.

Đức Thánh Cha Phanxico trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới- 2016, có chủ đề trực diện vấn nạn thời đại: “Vượt Qua Vô Cảm Và Dành Hòa Bình”, nhất là trong Năm Thánh Lòng Chúa thương xót. Ngài nói “Vô cảm với Thiên Chúa dẫn đến vô cảm với Tha nhân, sau đó đến Môi trường”. Ngài nhấn mạnh: “Thương xót là tâm điểm nơi Thiên Chúa và do đó cũng là tâm điểm của tất cả con cái Ngài nhắm đến”; Ngài kêu gọi việc xây dựng - đóng góp cho Hòa bình thế giới khởi đi từ Gia đình.

Chúa Giêsu Hiển linh, lương dân nhận biết Chúa khởi đi từ Ánh sao lạ. Trong cuộc sống, trong môi trường làm việc, xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta, cách riêng các Bạn trẻ là Ánh Sao của Chúa để người khác nhận ra Tin Mừng cứu độ là chính Chúa Giêsu.

Ngôi sao tỏa sáng được là nhờ đón nhận ánh mặt trời, Trong Giáo hội Hiệp thông và Sứ vụ, xin cho chúng con luôn biết nối nguồn Ánh sáng Chân - Thiện - Mỹ là chính.

Muốn được như thế, xin Chúa tiêu diệt nơi chúng con lối sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ nhất là đối với Tin Mừng Cứu độ. Amen.

‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm’.

------------------

1) Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông, Tin Mừng Chúa Nhật Năm C, tr.54-55

2) x. Những con đường giúp Con người nhận biết Thiên Chúa, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (số 31-35)

 

130.Muốn gặp Chúa

Hôm nay Giáo hội mừng kính việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại (Mt 2, 1-12). Ngay từ giây phút đầu tiên hạ sinh tin vui Thiên Chúa hạ sinh đã được loan báo cho các mục đồng và họ đã đến chiêm bái Người. Hôm nay thì đến lượt ba nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi đến kính thờ. Dấu chỉ ánh sao mà ba nhà đạo sĩ dõi theo để tìm ra Ấu Chúa có khó tìm lắm không? Nếu không thì tại sao lại chỉ có ba đạo sĩ nơi xa xôi này?

Tin Mừng theo Thánh Mathêu ghi lại việc ba đạo sĩ nhìn thấy ánh sao của vua Do Thái xuất hiện bên phương Đông và các ông đã theo ánh sao đất Do Thái, đến hoàng cung để hỏi về dấu chỉ ánh sao. Nghe tin ấy vua Hêrôđê và dân Giêrusalem đều xôn xao và họ cũng tìm ra được lời giải đáp là ở Bêlem. Nhưng không vì thế mà họ đi tìm Chúa. Chỉ có ba đạo sĩ ra đi và họ đã được toại nguyện là nhận ra Ấu Chúa (x Mt 2, 1-12). Qua đoạn Tin Mừng này cho tôi hai suy nghĩ về việc muốn gặp được Chúa.

Muốn gặp được Chúa phải có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn. Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa làm người không chọn cho mình nơi hoàng cung, lầu các....mà chọn cho mình một người Mẹ là một thôn nữ bình thường ở làng Nagiareth, chọn cho mình một người cha cũng bình thường, chọn cho mình sống trong một gia đình bình thường.... tới lúc hạ sinh Người không tỏ lộ mình ra cho những bậc vua chúa, quan quyền nhưng Người chọn các mục đồng để tỏ lộ Người đã giáng sinh, và hôm nay là các đạo sĩ. Tại sao Chúa lại chọn thế? Theo tôi vì các mục đồng là những người đơn sơ khi nghe Thiên Thần loan tin thì đã mau mắn đến bái thờ, các đạo sĩ khi thấy ánh sao lạ thì đã dõi theo ánh sao mà đến chiêm bái Hài Nhi. Đời sống người Kitô hữu chúng ta tuy mang danh là Kitô hữu nhưng có nhiều lúc ta lạc mất Chúa do những ham muốn, những tự phụ, những tính toán, những cách đặt vấn đề của chúng ta. Chúa thì luôn hiện diện nhưng những thứ đó đã làm mờ hình ảnh Thiên Chúa khiến ta khó nhận ra. Chúa Giêsu đã từng nói "ai không nên như trẻ nhỏ thì chẳng được vào Nước Trời". Thế nên muốn được gặp Chúa trước hết phải có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Có thấy mình thiếu thốn, có thấy mình cần Chúa thì Chúa mới có thể lấp đầy.

Muốn gặp Chúa phải kiên nhẫn đi tìm. Các đạo sĩ đã rất gian nan để tìm đến nước Do Thái, có những lúc lạc mất ánh sao nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Họ dùng đủ mọi cách để tìm cho được Hài Nhi. Và Chúa đã không phụ lòng họ. Có lẽ ánh sao không chỉ là dấu chỉ cho ba nhà đạo sĩ mà thôi nhưng chỉ có ba đạo sĩ tìm ra Chúa. Bằng chứng là vua Hêrôđê và cả thành Giêrusalem xôn xao nhưng không ai đi tìm như ba đạo sĩ. Chúa Giêsu nói:"Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho". Ơn gọi của chúng ta là ơn gọi nên thánh, nên thánh là được ở bên Chúa, nên giống Chúa. Theo Chúa không phải một ngày một lúc nhưng đòi hỏi ta luôn nép mình luôn trong tình thương Chúa cho dù có lúc ta như lạc lối nhưng với sự kiên trì chắc chắn ta sẽ gặp được Ngài như ba đạo sĩ.

Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho ba đạo sĩ phương Đông, cho lương dân cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa không là độc quyền của dân tộc hay quốc gia nào nhưng là phổ quát cho mọi dân tộc, mọi người. Vì thế, ta có nhiệm vụ là làm sáng lên trong ta ơn cứu độ của Thiên Chúa cho anh chị em chưa nhận biết Chúa (Ba đạo sĩ dù được ánh sao chỉ đường nhưng phải nhờ đến dân Do Thái và Thánh Kinh mới tìm ra được Vì Cứu Tinh). Các đạo sĩ đã dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Chúa Hài Đồng tượng trưng cho Vương Quyền, Thiên Tính và Khổ Nạn của Chúa Giêsu, nay chúng ta đến với Chúa ta có gì dâng Chúa, Chúa muốn đón nhận tất cả những ai đến với Chúa với tâm lòng thành thật khiêm tốn, cho dù có những vết thâm tím của những lần lưu lạc nhưng tin chắc rằng Chúa sẽ đón nhận, chữa lành và thêm sức cho ta vững bước về cùng Chúa.

 

131.Lễ Hiển Linh

(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)

Phụng vụ nay dùng từ Lễ Hiển Linh thay cho từ lễ Ba Vua trước đây với ý nghĩa Chúa Hiển linh tức là Chúa tỏ mình ra cho các đạo sĩ từ Đông Phương tìm đến để được gặp Chúa.

Hành trình của các đạo sĩ từ Đông phương tới Belem có khá nhiều khó khăn vất vả. Trước hết họ được Chúa cho thấy ngôi sao lạ rồi nhờ ơn Chúa soi sáng kết hợp với kiến thức về thiên văn. Chắc chắn họ biết có lời sấm của ông Balaam trong sách Dân số: "Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacop, một vương trượng nổi dậy từ Israel (Ds 24,17)". Có tín hiệu là Ngôi sao lạ rồi, họ quyết định lên đường. Đường xá xa xôi cách trở, phương tiện đi lại hạn chế của thời xưa, họ cỡi lạc đà hay đi bộ? chúng ta không biết rõ, nhưng họ đã tới được kinh đô Do thái là thành Giêrusalem. Có lẽ họ nghĩ rằng vị Vua mới phải sinh ra tại thành đô này khiến họ vào triều đình vua Hêrôđê để hỏi cho đích xác. Nhưng Đấng Cứu thế đâu có chọn sinh ra ở đây, sau đó nhờ các Tư tế và kinh sư dựa vào Kinh thánh cho biết Belem chính là nơi Chúa sinh. Họ tiếp tục lên đường và đã tới nơi gặp được Chúa Giêsu Hài nhi và Mẹ Ngài. Họ có thất vọng không khi chỉ thấy một hài Nhi bé nhỏ khó nghèo?  Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho họ nên họ đã biểu lộ một đức tin chân thành là quì gối xuống phủ phục và dâng lên lễ vật mà họ trân trọng đưa từ quê hương tới là Vàng, nhũ hương và mộc dược.

Các thánh giáo phụ đã nói lên ý nghĩa của ba lễ vật này: Vàng: để nói lên Chúa Giêsu là Vua vì người ta thường dâng vàng cho Vua, Nhũ hương để chỉ Chúa Giêsu là Thần linh vì người ta thường dâng hương cho Thần linh, mộc dược để nói lên Chúa Giêsu cũng là con người và cũng sẽ phải chết vì người ta thường dùng mộc dược để ướp xác người chết.

Chúng ta lưu ý một chi tiết thánh Matthêô ghi: đó là các đạo sĩ vào nhà chứ không nói vào hang đá như các mục đồng: có thể hiểu  với thời gian sau đêm Giáng sinh, Đức Mẹ và thánh Giuse đã tìm được căn nhà để trú ngụ. Các đạo sĩ  gặp được Chúa Giêsu và Mẹ Ngài. Chắc chắn Đức Mẹ đã bế Chúa Giêsu Hài Nhi dơ cao lên để giới thiệu cho họ. Hình ảnh này chúng ta thấy được ở điêu khắc gia tạc tượng Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu tại núi Bãi dâu Vũng tàu.

Thánh Matthêô cho biết: "Sau đó, họ được mộng báo là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình". Các đạo sĩ sau khi gặp Chúa đã có sự biến đổi cuộc đời, họ vâng lời Chúa hơn là vâng lời người đời như các tông đồ sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống đã làm như vậy.

Nếu các mục đồng là người Do thái và là những con người có tâm hồn đơn sơ bé mọn được Chúa tỏ mình ra ngay trong đêm Giáng sinh, thì các đạo sĩ thuộc thành phần dân ngoại cũng được Chúa tỏ mình ra, họ thông thái nhưng vẫn có được đức tính thành tâm và tuy là tôn giáo khác nhưng họ có lòng tìm kiếm. Họ là những người thực hành lời Chúa Giêsu: "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho (Mt 7,7)" Họ không có thái độ hờ hững như các tư tế, kinh sư tuy có học kinh thánh, biết nơi Đấng Cứu thế sinh ra nhưng lại không tìm đến; đó cũng là thái độ của đa số dân Israel  nên thánh Gioan đã phải đau lòng viết nên lời nhận xét như sau: "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1, 11). Còn Vua Hêrôđê thì tàn ác khỏi nói, ông đã mưu tính hãm hại Chúa ngay từ lúc ông cặn kẽ hỏi các đạo sĩ ngày giờ sao lạ xuất hiện và ông có thái độ giả nhân giả nghĩa khi nói với các đạo sĩ: "Xin quí ngài đi hỏi tường tận về Hài nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người".

Qua việc Chúa tỏ mình cho các đạo sĩ, thánh Phaolô nói lên cảm nghiệm của Ngài như sau: "Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin mừng, các dân ngoại được nên cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể, và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa" (Ep 3, 6). Như vậy ngày nay chúng ta được bình đẳng với người Do thái về mọi ân phúc Thiên Chúa ban.

Câu chuyện: Có một người lái xe con trên con đường đồi núi vắng vẻ ở tây nguyên, tới một khúc quanh, ông gặp thấy một gia đình đi trên một chiếc xe bị chết máy mà tài xế bó tay không sửa được. Họ rất lo sợ vì còn xa thành phố và đoạn đường này hay có trộm cướp mà trời đã nhá nhem tối. Ông tài xế chiếc xe con dừng lại tình nguyện đến sửa chữa  chiếc xe hỏng máy này, ông phải chui nằm xuống gầm xe để tháo ra bộ phận hư hỏng, chừng nửa giờ sau thì xe nổ máy! Chủ gia đình đó mừng quá xin ông nhận tiền công nhưng ông không nhận. Người chủ gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ để có dịp tới thăm. Sau ông được biết vị ân nhân đã sửa xe cho mình chính là Đức Giám mục Paul Seitz Kim đang cai quản giáo phận Kontum trong thập niên 1960. Gương bác ái hi sinh của vị Giám mục đã khiến gia đình này xin theo đạo công giáo.

Noi gương các đạo sĩ, chúng ta tìm đến với Chúa Giêsu như lời ca: 'Venite! Adoremus': Các bạn hãy tới và chúng ta thờ lạy Chúa. Chúa sẽ rộng rãi ban cho chúng ta từ ơn này tới ơn khác. Để được Chúa tỏ mình ra, chúng ta hãy có đức tin, lòng khiêm nhường và đón nhận tín hiệu ánh sao là Lời Chúa và những tấm gương sáng trong Giáo hội chúng ta gặp được trong cuộc sống hằng ngày dồng thời mỗi người chúng ta cũng hãy trở nên một ánh sao cho anh em chưa nhận biết Chúa bằng đời sống tốt đẹp của người Công giáo. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ