Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 69

Tổng truy cập: 1362670

TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

 

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Con người có phẩm giá rất cao quý

Một hôm, vị linh mục giảng tĩnh tâm cho giới trẻ giáo xứ nêu đề tài sau đây cho hai nhóm thanh niên thảo luận: “Các bạn hãy cho ý kiến: phẩm giá của bức tượng Đức Mẹ (đề cập đến bức tượng Đức Mẹ chứ không đề cập đến Đức Mẹ đâu nhé) và phẩm giá của các Kitô hữu đang sống chung quanh ta, bên nào trọng hơn?”

Thấy câu hỏi dễ ợt, không cần suy nghĩ, nhóm A giơ tay phát biểu trước: “Tất nhiên là phẩm giá của tượng Đức Mẹ cao trọng hơn.”

Nhóm B trầm tĩnh hơn, sau khi suy nghĩ chín chắn, phát biểu ngược lại: “Phẩm giá người Kitô hữu cao trọng hơn.”

Nhóm A nhao nhao phản đối, nhưng rồi đại diện nhóm B bày tỏ lập luận của nhóm mình như sau:

Sở dĩ chúng tôi quả quyết phẩm giá người tín hữu cao trọng hơn phẩm giá của tượng Đức Mẹ là vì những lý do sau:

- Thứ nhất: Tượng Đức Mẹ không phải là hiện thân của Đức Mẹ mà chỉ là hình hài tượng trưng cho Đức Mẹ, do bàn tay người phàm tạo ra bằng thạch cao hoặc bằng gỗ đá, không có linh hồn, không có sự sống; trong khi những con người chung quanh ta đây thực sự là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, là hiện thân của Chúa Giêsu, có linh hồn, có sự sống, có trí khôn, do chính Ba Ngôi Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Chúa.

- Thứ hai: Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Tẩy để tái sinh các tín hữu, cho họ trở nên con Thiên Chúa, cho họ được tháp nhập vào thân mình Chúa như cành nho tháp vào thân nho, như bàn tay nối liền cơ thể, để các tín hữu được trở nên chi thể của Chúa Giêsu. Các bức tượng thánh không được vinh dự đó.

- Thứ ba: Các tín hữu đều được lãnh nhận dồi dào Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức; ảnh tượng Đức Mẹ không được đặc ân rất cao quý nầy.

- Thứ tư: Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể để ban Thịt Máu Ngài cho các tín hữu, cho họ được trở nên đồng huyết nhục với Ngài, cho họ được tiếp nhận sự sống thần linh của Ngài. Các bức tượng thánh không được vinh dự tuyệt vời như thế.

- Thứ năm: Mai đây, các bức tượng thánh sẽ bị mai một theo thời gian, còn các tín hữu sống theo đường lối Chúa sẽ được lên thiên đàng hưởng phúc đời đời với Chúa. Không một bức tượng thánh nào được diễm phúc lớn lao như thế.

Đến đây thì nhóm A không thể chống chế được và tất cả đều chấp nhận rằng phẩm giá người tín hữu nói riêng, của con người nói chung, là rất cao cả. Chưa có một chủ nghĩa, một học thuyết nào của nhân loại đề cao phẩm giá con người đến thế.

Cuối cùng, vị linh mục giảng tĩnh tâm kết luận: Như thế, chúng ta chấp nhận rằng con người có phẩm giá rất cao và mọi người đều đáng được kính trọng tương xứng với phẩm giá của mình. Tuy nhiên, khi đề cao phẩm giá người Kitô hữu hơn tranh ảnh thánh không có nghĩa là bác bỏ việc tôn kính ảnh tượng thánh. Đúng ra, chúng ta phải tôn kính ảnh tượng Đức Mẹ và các thánh như Giáo Hội dạy, và mong sao chúng ta cũng có lòng tôn trọng tương xứng đối với anh chị em chung quanh.

Không được xúc phạm con người

Vì con người có phẩm giá cao cả như thế, nên Chúa Giêsu rất mực tôn trọng họ, kể cả những người tội lỗi và Chúa đã mạnh mẽ cảnh báo rằng: người nào xúc phạm đến con người, chà đạp danh dự con người, làm tổn thương phẩm giá con người sẽ phải gánh lấy những hình phạt nặng nề:

“Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mat-thêu 5, 22)

Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta rằng tha nhân là hiện thân của Ngài và tất cả những gì chúng ta làm cho các anh chị em chung quanh là làm cho chính Chúa. (Mat-thêu 25,40)

Vì thế, khi chúng ta giận ghét anh em mình là giận ghét Chúa, tội đó đáng bị đưa ra toà; khi ta mắng anh em là ngốc, là khùng, chửi anh em là quân phản đạo… là chúng ta xúc phạm đến chi thể của Chúa Giêsu, tức là xúc phạm đến chính Ngài, vì thế nên đáng bị vạ lửa địa ngục như Lời Chúa phán.

* * *

Từ lâu nay, vì đánh giá thấp về người khác nên chúng ta cho rằng việc chửi mắng họ là chuyện thường tình. Nay Chúa Giêsu cho biết đó là một xúc phạm nặng đến phẩm giá cao cả của người khác, đồng thời cũng là xúc phạm đến Chúa nên phải bị luận phạt nặng nề.

Ước chi nhận thức nầy giúp chúng ta có thái độ tôn trọng tha nhân nhiều hơn và tuyệt đối không bao giờ chửi mắng, xúc phạm bất kỳ ai.

 

12.Phẩm giá cao quý của con người

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ khởi đầu từ năm 1502, người nô lệ da đen Châu Phi bị săn bắt như những con thú rừng, bị lùa lên tàu buôn như súc vật rồi bị đem đi bán cho các chủ đồn điền, cho những chủ nhân khai thác hầm mỏ ở Châu Mỹ… như những món hàng ngoài chợ. Họ không được xem là con người mà chỉ như là con vật, bị đối xử như súc vật, như trâu kéo cày, như ngựa kéo xe…

Như thế, người nô lệ không có chút phẩm giá nào trước mắt chủ cũng như trước mặt mọi người trong xã hội đương thời.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong xã hội phong kiến, phẩm giá của người phụ nữ cũng bị hạ thấp so với nam giới. Họ phải gánh chịu nhiều trói buộc, bị nhiều thiệt thòi, bị xem thường… vì não trạng trọng nam khinh nữ.

Theo quan điểm của những người theo thuyết tiến hóa, họ cho rằng con người là hậu duệ của loài khỉ, vượn… do khỉ, vượn tiến hóa mà thành, thì phẩm giá con người không hơn loài vật bao nhiêu.

Phẩm giá con người theo nhãn quan Ki-tô giáo

Trong khi đó, theo giáo lý Công giáo, con người có phẩm giá rất cao.

Con người có phẩm giá rất cao vì con người là tạo vật ưu việt của ba ngôi Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa sáng tạo nên theo hình ảnh Ngài.

Con người có phẩm giá rất cao vì con người là con chí ái của Chúa tể trời đất, được Thiên Chúa ưu ái như đứa con bé bỏng trong gia đình.

Con người có phẩm giá rất cao vì con người, một khi đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, được trở thành một phần trong thân thể Chúa Giê-su (I Cr 6,15, GLCG số 1267).

Con người có phẩm giá rất cao vì con người được đồng hóa với Thiên Chúa, được nên một với Chúa; vì thế, những gì ta làm cho người chung quanh là làm cho chính Chúa. “Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” (Thánh Athanasio, GLCG số 460).

Như thế, theo giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, con người có giá trị cao vời, cao tột đỉnh.

Chính vì thế, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải tôn trọng phẩm giá con người tối đa. Việc gây tổn thương cho con người dưới mọi hình thức đều bị Chúa Giê-su lên án mạnh mẽ.

Vì thế, chẳng những “không được giết người” mà ngay cả việc hờn giận người khác cũng bị luận phạt: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà”; ngay cả việc mắng chửi người khác cũng bị tuyên án gắt gao như lời Chúa nói: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”, còn ai đang có điều bất hòa với người khác thì phải liệu làm hòa trước khi đến dâng lễ vật cho Thiên Chúa (Mt 5,22-23).

Ngoài ra, chiếu theo luật Mô-sê: “Con cái phải thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!” (Mc 7,10).

Và ngay cả kẻ thù cũng phải được thương yêu, cả những người tội lỗi cũng phải được tôn trọng, những kẻ bé mọn nhất cũng không được xem thường (Mt 18, 10).

Nói tóm lại, vì con người có phẩm giá rất cao, nên phải tôn trọng mọi người cách tuyệt đối và không được xúc phạm con người dưới bất cứ hình thức nào. Mọi hình thức khinh khi, mắng chửi, xúc phạm con người đều bị Thiên Chúa lên án nặng nề.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì từ thân phận bụi đất thấp hèn, Chúa đã nâng chúng con lên hàng thần thánh, cho làm con của Vua cả trời đất, cho trở nên phần thân thể của Thiên Chúa chí tôn và được Chúa cho nên một với Ngài.

Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng, yêu mến, phục vụ những anh chị em chung quanh, vì họ cùng là anh chị em con cùng một Chúa, cùng là những chi thể trong thân thể Chúa, cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng mai sau.

 

13.Sự công chính – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Truyện kể: Có thánh lễ an táng trong khu phố. Mọi người trong xóm đạo đều có mặt. Cha xứ có công truyện phải vắng mặt vào ngày đó, nhưng cha rất vui lòng vì có cha phó sẽ cử hành thánh lễ an táng. Cha phó là người dễ dãi và nhạy bén cảm tình. Khi chiều đến, cha xứ trở về hỏi han xem lễ an táng diễn tiến thế nào? Cha phó trả lời:Mọi sự tốt đẹp, không có vấn đề gì cả. Đông người tham dự, nhưng cũng có một vấn đề nho nhỏ. Vấn đề gì thế? Bà Robinson có mặt tại lễ an táng và như cha biết bà là người Tin Lành. Ô! không có vấn đề, vì tôi cũng mong có bà hiện diện ở đó vì bà là bạn thân của gia đình đó mà. Cha phó nói: Ô, nhưng bà ta đã xếp vào hàng đi lên rước lễ. Cha xứ vội ngồi xuống ghế và với vẻ mặt lo lắng bồn chồn. Cha giật nẩy mình hỏi: Điều gì đã xảy ra? Cha phó trả lời: Bà ta xếp hàng lên rước lễ và chỉ còn cách có hai người nữa thì con mới nhìn thấy bà ta. Cha xứ hỏi dồn: Kể tiếp, kể tiếp và cha đã nghĩ gì và làm gì? Cha phó: Con không biết phải làm sao nữa, nhưng con phải quyết định nhanh. Con quyết định ngay rằng con nên làm điều mà con tin Chúa Giêsu sẽ làm. Cha xứ: Ô! không, lạy Chúa tôi, chắc là cha đã không làm điều đó chứ!

Khi mở mắt đón chào một ngày mới, mỗi người chúng ta đều có quyền chọn lựa cho mình một thái độ sống vui hay buồn. Nếu chọn sống vui, chúng ta sẽ có một ngày vui tươi an lạc. Chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận mọi trạng huống xảy đến, dù thuận lợi hay không thuận lợi. Đối diện với cuộc sống hàng ngày, chọn lựa thái độ sống là cần thiết, như tác giả sách Đức Huấn Ca đã viết: Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào thì được thứ ấy (Hc 15, 17). Sự lành hay sự dữ, mong ước thứ nào sẽ được thứ ấy. Vì sự tốt lành mà chúng ta nhìn thấy nơi người khác, thì cũng ẩn hiện trong chúng ta. Những lỗi lầm chúng ta nhìn thấy nơi người khác, cũng là lỗi lầm của chúng ta. Những khả thể chúng ta nhận biết nơi người khác, thì cũng khả thể nơi mình. Nhận biết sự tốt đẹp chung quanh, cũng chính là sự tốt đẹp của chúng ta.

Thế giới chung quanh là một sự phản ảnh, giống như chiếc gương phản chiếu khuôn mặt của chúng ta. Để thay đổi thế giới quanh ta, chúng ta phải thay đổi chính mình trước. Khi chúng ta than phiền hay càm ràm, thì chỉ làm cho vấn đề thêm rắc rối và tồi tệ hơn. Bất cứ điều gì chúng ta quan tâm, đó là trách nhiệm của chúng ta. Điều chúng ta nhìn thấy nơi người khác thì cũng xuất hiện nơi con người chúng ta. Nhìn thấy cái tốt nơi người khác và chúng ta cũng trở nên tốt. Những gia sản mà chúng ta chia sẻ cho người khác, là chúng ta đang cho chính mình. Ước mong sự tốt lành và chúng ta sẽ được tốt lành. Yêu và chúng ta sẽ được yêu. Tìm học hỏi và chúng ta sẽ được hiểu biết. Lắng nghe và lời của chúng ta sẽ được lắng nghe. Chúng ta nhìn vào gương với khuôn mặt rạng rỡ, chúng ta sẽ vui mừng vì cùng khuôn mặt vui tươi đang nhìn lại mình.

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta hãy tránh điều ác và thực hành điều thiện: Người không truyền dạy cho ai làm điều gian ác và không cho phép một ai phạm tội (Hc 15, 20). Con người yếu đuối hay hướng chiều về đàng xấu và thích tìm thỏa mãn những đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Chúng ta biết rằng thả dốc thì dễ dàng và để thuyền trôi xuôi theo dòng thì nhẹ nhàng thoải mái, không cần phải gắng sức chèo chống. Sống thỏa mãn theo các đòi hỏi của nhu cầu bản năng tự nhiên xem ra không khó. Các loài thú vật luôn sống theo bản năng: Đói tìm ăn, khát tìm uống và đến mùa, đến ngày đi tìm thỏa mãn nhu cầu tính dục tự nhiên. Con người thì cao trọng hơn con vật bội phần. Tuy rằng con người vẫn còn thú tính, nên đôi khi cũng lạc bước tìm thỏa mãn các thú vui. Con người có trí khôn, tự do và ý chí. Nhờ có trí khôn, con người đã có những bước tiến nhảy vọt cả về đời sống tâm linh, về luân lý đạo đức và khoa học kỹ thuật.

Trải qua lịch sử ngàn năm, con người đã cố gắng góp nhặt và hệ thống hóa những tư tưởng, suy tư, chiêm niệm và tu thân để đi tìm chân lý. Sự khám phá tâm linh thì như đi vào một cõi vô định, tâm trí của con người chìm sâu vào các bí nhiệm và huyền nhiệm. Hành trình đi vào nội tâm sâu thẳm, tự con người vẫn chưa tìm được ngõ ra. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho giáo đoàn Corintô đã khai mở một cửa ngõ: Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi (1Cor 2, 7). Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, đã mạc khải mầu nhiệm cao siêu của Nước Trời qua chính Con Một là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là trưởng tử và trung gian của vạn vật. Phaolô đã diễn tả rằng: Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép: Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người (1Cor 2, 9). Tình yêu là tất cả.

Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã gom trọn những lỗi lầm mà con người thường hay ngã phạm, cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Những tội về giết người, phẫn nộ, chửi rủa anh em là ngốc, là khùng, tội ước muốn điều tà dâm, gây dịp tội của con mắt và của tay chân, tội ngoại tình, tội bỏ vạ cáo gian và thề gian dối...Chúng ta biết các cám dỗ về đàng tội, luôn rình chờ sự sơ hở của ý chí chọn lựa trong mọi nơi và mọi lúc. Khi chúng ta thiếu tỉnh thức, các dịp tội sẽ xâm nhập vào tâm trí một cách rất tinh tế và nhẹ nhàng tưởng như vô thưởng vô phạt. Chúa Giêsu cảnh tỉnh: Vậy Thầy bảo cho anh em biết, nếu các con không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và Biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu (Mt 5, 20). Chúa Kitô thấu tỏ tấm lòng của các vị lãnh đạo tôn giáo, vì lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Họ trang sức bên ngoài với lễ phục tươm tất gọn gàng nhưng trong lòng chứa đầy những ý tà và sự gian dối. Chúa mời gọi chúng ta sống công chính không chỉ trước mặt người đời, nhưng là trước mặt Thiên Chúa.

Một trong những lỗi lầm mà chúng ta thường hay phạm nhất là sự nói dối. Đôi khi chúng ta muốn nói dối để tránh tội và chối tội vì sợ bị vạ lây. Có khi nói gian hay chứng dối để được thêm lợi lộc tiền của. Khi tiền đề câu truyện là sự nói dối, chúng ta cứ phải nói dối tiếp để bịa thêm truyện. Cứ thế, càng nói dối càng xa sự thật. Chúa nhắc nhở chúng ta: Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt truyện là bởi ma qủi mà ra (Mt 5, 37). Lòng con người sâu thẳm, chẳng mấy ai có thể dò thấu. Ở đời, người ta có thể dùng ảnh hưởng quyền lực và tiền bạc để che dấu sự thật, nhưng không thể lừa dối lương tâm. Chỉ có sự thật mới có thể giải thoát và làm sáng tỏ mọi vấn đề. Hằng ngày qua truyền thông báo chí, chúng ta biết có rất nhiều câu truyện gian dối và lừa đảo đã bị phát giác và bại lộ. Mỗi người hãy tự cảnh tỉnh lương tâm của mình qua công ăn việc làm, qua lời ăn tiếng nói, qua việc khai báo bản thân và qua việc hành xử trong cuộc sống. Hãy luôn nhớ: Có thì nói có, không thì nói không.

Lạy Chúa, Chúa Giêsu phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Xin cho chúng con biết dõi theo lối bước của Chúa để chúng con sống như con cái sự sáng giữa ban ngày. Chúng con sẽ suy nghĩ sự thật, phát biểu sự thật và luôn sống trong sự thật.

 

14.Sống điều mình tin – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

(Trích từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

Một hôm, một người có đạo gặp một người vô đạo. Người vô đạo hỏi:

- Anh đi đâu về?

- Tôi đi nhà thờ về,

- Bữa nay, nhà thờ giảng gì?

- Giảng về vấn đề nên thánh.

- Anh đã nên thánh chưa?

Anh có đạo đáp:

- Anh coi cái mặt tôi đây thì đủ biết.

- À để coi thử.

Nói rồi, anh vô đạo tát một cái thật mạnh vào mặt anh có đạo. Anh này quạu cọ, chửi mắng om sòm.

Giơ tay giơ chân đòi đánh lại. Người vô đạo nói:

- Anh tự xưng là nên thánh, sao còn chửi mắng và đòi đánh tôi? Anh có đạo nói:

- Tôi nói cái mặt nên thánh, chứ cái miệng, cái tay, cái chân thì chưa nên thánh, nên tao đánh được.

Người vô đạo nói:

- Ôi tưởng anh nên thánh trọn vẹn, chứ anh nên thánh nửa vời như vậy còn xấu hơn cả tôi. Xin anh nên thánh trọn vẹn mới là người sống đạo.

Có người nói rằng tin đạo chứ không tin người có đạo. Bởi vì vẫn còn đó những người mang danh Ky-tô hữu mà sống thiếu bác ái, thiếu công bình và thiếu tình yêu. Họ đi lễ nhưng không dám sống thánh lễ trong cuộc đời của họ. Họ có đạo nhưng hành động của họ lại ngược với giáo huấn của Chúa. Họ có đạo nhưng họ vẫn sống rối vợ rối chồng, vẫn chồng chung vợ chạ, vẫn lăng nhăng, vẫn ngoại tình... Họ vẫn đến nhà thờ nhưng vẫn trộm cắp gian tham, vẫn ăn gian nối dối, vẫn buôn bán lường gạt... Họ mang danh Chúa Ky-tô nhưng lại sợ hy sinh, sợ trách nhiệm và trốn tránh bổn phận với gia đình và giáo hội.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần phúc âm. Hãy ăn ở ngay lành. Hãy làm việc thiện. Hãy từ bỏ những tính hư nết xấu, những đam mê tội lỗi. Đừng có đạo mà sống xa rời tình nghĩa với anh em, xa rời tình nghĩa với Chúa. Đạo không dừng lại ở việc tuân giữ điều này điều kia mà còn thể hiện tình liên đới, sự chia sẻ, cảm thông với anh em. Đạo được quy chiếu vào lòng mến. Mến Chúa thì phải yêu mến anh em. Tình yêu đó đòi hỏi phải sống hiệp thông với nhau trong yêu thương và tha thứ. Tình yêu đó đòi hỏi tránh xa những mâu thuẫn, những ghen ghét, giận hờn. Chúa còn coi trọng sự hoà giải với nhau hơn cả việc đến dâng của lễ. Vì khi "anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người đang bất bình với anh, thì hãy bỏ của lễ mà đi làm hoà trước đã rồi hãy trở lại mà dâng lễ".

Nhìn vào thế giới hôm nay đó là một thế giới đầy bạo lực. Con người không cần lý lẽ. Người ta có thể dùng quyền để bẻ cong công lý. Người ta dùng sức mạnh để đè bẹp tự do và xâm phạm quyền sống của tha nhân. Vâng, giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng bạo lực, bằng gươm đao. Giữa một thế giới mà lòng nhân đã đánh mất chỉ còn sự giả hình, hay nhẹ hơn là mạnh ai nấy lo, sống thiếu tình liên đới với nhau. Người kytô hữu cần phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta hãy nhịn nhục lẫn nhau. Vì Chúa chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Vì Chúa chúng ta hãy "chín bỏ làm mười", sống vị tha và bác ái với nhau.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã tha thứ cho mọi tội khiên của nhân loại xin cũng tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết sống tha thứ và hoà giải với nhau. Amen.

 

15.Tha thứ là một món quà

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Nếu một lần có ai đó làm tổn thương chúng ta và làm hại đến sinh hoạt cộng đoàn, chúng ta sẽ làm gì?

Chúng ta sẽ hận thù, tẩy chay, loại trừ họ một cách vĩnh viễn? Chúng ta sẽ cô lập họ trong cô độc suốt đời?

Có lẽ đây không phải là giải pháp hay. Loại trừ một người thì dễ nhưng cứu chữa một người mới khó. Kinh nghiệm cho thấy, sức mạnh của con người nằm ở sự tha thứ, giúp nhau sửa đổi, chứ không phải là trả thù, trả đũa nhau. Hơn nữa, khi chúng ta sống và làm việc cùng với nhau, chắc chắn sẽ có những lúc làm buồn lòng nhau, và đôi khi những người thân thiết nhất lại dễ làm tổn thương đến nhau. Có khi chính chúng ta cũng làm tổn thương họ vì biết bao lời nói, việc làm của mình. Mặc dù chúng ta dễ làm tổn thương đến nhau nhưng chúng ta vẫn phải sống bên nhau, có khi phải sống suốt đời như những đôi vợ chồng với nhau.... Thế nên, để sống bên nhau điều kiên quyết chính là phải sống tha thứ và hòa giải với nhau.

Có một nhóm học trò cũng từng nghĩ rằng mình không thể tha thứ cho kẻ đã làm hại mình. Mình sẽ ôm hận và tìm cơ hội trả thù. Thầy giáo đã yêu cầu mỗi một học sinh mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ khi nào mà trò không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.

Sau đó, thầy lại yêu cầu hoc sinh phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến họ cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, họ còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa và các học trò dường như chỉ muốn vứt đi và không muốn mang nó trong người nữa.

Lúc này, thầy giáo mới nói: Các trò thấy không? sự bực tức giận dữ một ai đó chỉ là gánh nặng thêm cho bản thân mình, nó làm cho chúng ta mất thời gian suy nghĩ; để tâm; nhiều khi lại làm cho người khác bực dọc nữa…

Ai cũng biết rằng sự tha thứ chính là một cách để xoa dịu tâm hồn, là tự tìm cho chính mình sự thanh thản và giải thoát về mặt tinh thần, qua đó giúp cho cuộc sống mình trở nên bình yên hơn. Tha thứ chính là món quà mang đến cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng làm thì thật không dễ. Vì tự ái, vì thiếu lòng quảng đại nên chúng ta đã từng nuôi dưỡng hận thù và tự đầy đọa mình trong bất an, tức giận.

Lời Chúa hôm nay là một bài học của sự tha thứ. Chúa bảo rằng tha thứ quan trọng hơn lễ vật. Tha thứ hòa giải là cách sống đạo mà Chúa đòi buộc người tín hữu phải tuân giữ. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta không chỉ chớ giết người mà còn không giận dỗi nhau, không chửi rủa nhau, không mắng nhiếc nhau. Tình thương tha thứ đó đòi hỏi chúng ta phải thu xếp làm hòa với nhau trước khi đến bàn thờ và trước khi thời gian không còn nữa.

Có một cách để giúp cho chúng ta sống tha thứ là hãy cầu nguyện cho người làm tổn thương chúng ta. Cầu xin ơn Chúa giúp họ thay đổi đời sống. Qua đó, chúng ta cũng có được một đời sống không có cay đắng và buồn giận. Sự buồn giận làm tổn hại cho chúng ta và gia đình chúng ta nhiều hơn là cho người mà chúng ta giận ghét. Tha thứ giúp chúng ta hết mệt mỏi khi cứ luôn mang trong mình cái bao nặng những cay đắng hận thù.

Tóm lại, để sự tha thứ có thể xảy ra, chúng ta hãy ngưng suy nghĩ về nó, nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn và rõ ràng, sẵn sàng xin lỗi phần sai trật của mình, sẵn sàng tha thứ để chúng ta có thể sống vui vẻ, thoải mái.

Chính Chúa Giêsu đã luôn tha thứ cho các tội nhân. Ngài không trừng phạt họ nhưng luôn tạo cơ hội để họ sửa đổi canh tân. Ngài còn tha thứ cho cả kẻ đã làm hại mình. Trên cậy thập giá Ngài đã xin Chúa Cha tha thứ cho “họ vì họ không biết việc họ làm”.

Hôm nay, Ngài cũng mọi chúng ta hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường. Xin cho chúng ta luôn mặc lấy tâm tình của Chúa để sống với nhau trong tha thứ và bình an. Amen.

 

16.Sống tinh thần luật

Người ta thường nói: "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy", nghĩa là nước có luật nước và nhà có luật nhà. Chúng ta là những người công giáo, là công dân Nước Trời, hẳn là cần biết và sống luật của Nước Trời.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đây, thoạt đầu nghĩ rằng Lời Chúa hôm nay đem lại một lề luật mới. Nhưng thưa không! Chúa Giêsu nói rất rõ ở đầu bài Phúc Âm "Thầy đến không phải là để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn". Nói cách khác, Chúa Giêsu kiện toàn luật nghĩa là đem lại một tinh thần mới, một sức sống và một sự sống mới cho lề luật. Ngài mời gọi hết mọi người xưa cũng như nay sống điều đó để được công chính, thánh thiện và đẹp lòng Chúa hơn những người kinh sư, biệt phái đã sống và cũng để ta xứng danh là Kitô hữu, con cái Nước Trời.

Thật vậy, những Kinh sư cũng như các Pharisêu là những người tuân giữ lề luật cách triệt để, họ cũng muốn làm đẹp lòng Chúa, nhưng có điều họ tự mãn, tự kiêu. Họ nghĩ rằng chỉ cần tuân giữ đúng những gì luật dạy là đẹp lòng Chúa, là nên công chính rồi. Điều này cũng được khắc ghi nơi mỗi người Do Thái, ai muốn phục vụ Chúa là tuân giữ lề luật, ai tuân giữ luật là làm theo ý Chúa. Họ an lòng tuân giữ luật hơn là thi hành ý Chúa.

Một câu chuyện kể rằng, có một tu sinh theo học đạo với một vị chân tu. Sau một thời gian theo học và thực hành đạo, anh tu sinh đến gặp thầy, vì anh cảm thấy mình đã xứng đáng được gọi ngang hàng với những bậc thánh thiện, nếu không muốn nói là thánh nhân. Người thầy khôn ngoan mới hỏi: "Vậy những đức hạnh con đạt được là gì?". Môn sinh trả lời: "Con đã đạt được cao độ của khổ hạnh. Con đã tự kỷ luật thân xác mình, để bây giờ con có thể ngủ trên đất, ăn những rau cỏ để sống và chịu đánh tội mỗi ngày 3 lần". Nghe vậy, vị thầy của anh cười nói: "Con cũng khá lắm, nhưng con hãy nhìn ra ngoài sân, xem con lừa của nhà mình kìa, nó cũng ngủ trên đất, nó cũng ăn cỏ ngoài đồng và bị đánh đòn mỗi ngày ít là 3 lần. Vị thầy phía tên đệ tử và nói: con chưa đạt được sự thánh thiện đâu huống hồ là một vị thánh".

Anh môn sinh nghĩ rằng khi mình thi hành một số quy tắc, một số luật lệ thì đã đạt sự thánh thiện rồi, nhưng cuối cùng: anh chỉ được ngang hàng với con lừa thôi!

Chúng ta có thể thấy thái độ vụ luật này nơi nhiều người Pharisêu, họ cho rằng làm thế là được nên công chính. Còn Chúa Giêsu nhiều lần lên án sự giả hình: "khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và pharisêu giả hình... bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác" (Mt 23,27-28). Cũng vậy, chúng ta nhớ câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18,9-14), một người Pharisêu và người thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Hai người cùng thấy, người Pharisêu thì thấy những công việc mình làm, những công trạng mình đạt được để khoe với Chúa. Còn người thu thuế thì thấy con người thực đầy tội lỗi của mình và biết cậy dựa vào Chúa. Cuối cùng, ta thấy Chúa Giêsu không bảo người Pharisêu, con tốt lắm! Nhưng lại nói với người thu thuế khi về nhà thì được nên công chính, còn người Pharisêu thì không.

Lời Chúa nói với các môn đệ xưa, cũng chính là nói với chúng ta hôm nay "nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 5,20). Công chính hơn nghĩa là sao? Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra bốn trường hợp cụ thể sau:

Thứ nhất, Luật cũ cấm giết người - còn Chúa Giêsu thì dạy phải coi người khác là anh em, nên phải yêu thương nhau. Thứ hai, Luật cũ cấm hành vi ngoại tình - còn Chúa Giêsu ngăn chận từ bên trong, từ ước muốn xấu, vì ước muốn xấu sẽ nảy sinh những hành động xấu khi có dịp.

Thứ ba, Luật cũ quy định thủ tục li dị - còn Chúa Giêsu triệt để cấm li dị (trừ trường hợp bất hợp pháp).

Thứ tư, luật cũ cấm thề gian - còn Chúa Giêsu dạy "có thì nói có, không thì nói không", nghĩa là Ngài dạy ta sống thành thật, vì khi sống thành thật thì không cần phải thề.

Nói cho cùng, Chúa Giêsu mời gọi ta trở về với chính lòng mình nhằm thanh luyện nội tâm, thanh luyện lòng trí cũng như những ý định và ước muốn của ta. Chúa Giêsu mặc cho lề luật một ý nghĩa mới, một tinh thần mới. Chính vì lẽ đó, mà việc giữ luật không là một cùng đích, nó chỉ là phương tiện đưa ta đến với Chúa. Khi ý thức điều này, ta sẽ dễ dàng chấp nhận cũng như thi hành luật một cách trọn hảo hơn.

Một việc cụ thể là giữ ngày Chúa nhật, nếu ta không để ý thì việc đến nhà thờ ngày Chúa nhật chỉ là chu toàn lề luật, để tránh cho khỏi tội. Vì thế, mà có nhiều người và nhiều lần ta mới chỉ đi 'xem' lễ chứ chưa thật sự 'tham dự' Thánh lễ. Thật vậy, đi lễ ngày Chúa nhật không phải chỉ để chu toàn lề mà là để thể hiện tình yêu của ta, là để gặp Chúa và gặp nhau. Tham dự lễ là để lắng nghe Lời Chúa và múc lấy sự sống Chúa nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh thể. Đến nhà thờ còn là để chia sẻ niềm vui, hiệp thông với nhau trong tình thân mật là con cùng một Cha Trên Trời. Và đi lễ ngày Chúa nhật còn là để thể hiện tình bác ái nữa, để chia sẻ cho nhau niềm vui, lẫn nỗi buồn... Đó mới thật sự là ý nghĩa và mục đích của việc đi lễ và tham dự Thánh lễ, tham dự vào một Giáo hội hiệp thông và bác ái.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có một cái nhìn mới khi thi hành luật Chúa dạy. Đó là việc hiểu sâu xa ý nghĩa và mục đích cao đẹp của luật Chúa, để khi thi hành, ta được nên công chính hơn, thánh thiện hơn và cũng để xứng danh là con cái Nước Trời. Xin Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta luôn tìm thấy niềm vui và sự bình an khi thi thành luật Chúa. Amen.

home Mục lục Lưu trữ