Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1355275

Trách Nhiệm Cha Mẹ

Cập nhật : 26-12-2010
 

Trách nhiệm cha mẹ

(Mt 2,13-15.19-23)

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Những vụ án liên tục xảy ra trên địa bàn thành phố, cũng như trên các tỉnh thành trong cả nước, mà thủ phạm đa phần là thanh thiếu niên, đang làm cho giới hữu trách và những người có trách nhiệm quan tâm suy nghĩ. Quả thực, có lẽ chưa bao giờ những vụ án hình sự, thậm chí là những vụ trọng án, mà thủ phạm là thanh thiếu niên, chiếm tỉ lệ cao như hiện nay. Tình trạng này không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà hầu như quốc gia nào cũng đang phải đối mặt. Có thể nói vấn đề thanh thiếu niên phạm pháp đang làm đau đầu các nhà chức trách, là nỗi lo âu cho các bậc cha mẹ, và là mối bận tâm của các nhà giáo dục.

Có nhiều nguyên nhân giải thích tình trạng phạm pháp của thanh thiếu niên. nhưng chưa có cơ quan hữu trách nào chính thức đưa ra những nguyên nhân ấy, rải rác đó đây, chúng ta có thể nhận ra được một số lời giải thích. Hầu hết những trường hợp và vụ việc phạm pháp của thanh thiếu niên đều bắt nguồn từ sự sụp đổ hay ít là sự lỏng lẻo trong quan hệ giữa vợ chồng hay cha mẹ.

Trường hợp của Nguyễn Chí Hận Thù là một thí dụ, cha đã bỏ mẹ lúc Hận Thù mới được ba tháng tuổi. Đó cũng là tình trạng gia đình của một số thành viên trong các băng đảng cướp giật, buôn bán và sử dụng Hê-rô-in mà công an đã triệt phá trong thời gian gần đây. Điều đáng nói là hậu quả của sự sụp đổ này lại trút lên đầu những đứa bé vô tội. Mẹ của Nguyễn Chí Hận Thù đã giải thích vì sao tên em được đặt như vậy, em không còn vinh dự là hoa trái của tình yêu mà đã trở nên dấu hiệu, nên bằng chứng “chí hận thù” của mẹ đối với cha.

Nhiều bậc cha mẹ ngày nay vo tròn bổn phận của mình vào vấn đề kinh tế. Họ tưởng rằng khi cung cấp cho con cái đầy đủ những nhu cầu về tiền bạc, là có thể, hoặc chắc chắn đã cung cấp cho con cái chìa khóa giải quyết hết mọi vấn đề, “có tiền mua tiên cũng được”, huống hồ những vấn đề khác từ cuộc sống. Thế nhưng sự thật đâu phải đơn giản như vậy. Những gì từ cuộc sống đã bao lần chứng minh, đó chỉ là một lối lập luận cường điệu, méo mó và nông cạn. Con cái, ngoài cái ăn cái mặc, còn có biết bao điều khác nữa, thế mà không ít bậc cha mẹ quên mất trách nhiệm này. Nhân ngày lễ Thánh Gia hôm nay, xin gợi ý chia sẻ một ít điều về vấn đề trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái.

Đối với những bậc cha mẹ, điều chắc chắn là họ sẽ phải trả lẽ về những bổn hận và trách nhiệm của họ trong vai trò làm cha làm mẹ của mình. Bổn phận ấy là tạo nên con cái về phần xác và nuôi nấng cho chúng lớn lên. Trách nhiệm ấy là hướng dẫn và giáo dục con cái nên những con người. có một điều khá mỉa mai là mối bận tâm và sự đầu tư cho khâu trách nhiệm này thường bị thả nổi hoặc giản lược đến không bằng nhu cầu cơm áo.

Chẳng hạn, chúng ta thấy có một nét chung trong các vụ án phạm pháp của thanh thiếu niên, đó là nhiều thủ phạm xuất thân từ những gia đình có chức có quyền, từ những gia đình giàu có. Khi bị bắt, phương tiện đi lại của chúng là những loại xe đắt tiền, và trong túi ngoài số tiền mặt nhiều đến kinh ngạc, còn có cả ngoại tệ và điện thoại di động cao cấp. Khi được hỏi, một trong số hàng trăm thanh niên bị bắt vì tội mua bán và sử dụng Hê-rô-in tại Tân Bình, đã trả lời tỉnh bơ: “Tiền này là mẹ cho để bỏ túi tiêu vặt”. Câu trả lời này là bằng chứng cho thấy nhiều bậc cha mẹ đã sai lầm tai hại khi nghĩ rằng: thương con là thỏa mãn đầy đủ những gì chúng yêu cầu và chu cấp cho chúng nhiều tiền mà không hề quan tâm chúng sẽ sử dụng những đồng tiền đó vào mục đích gì và thái độ của chúng trước đồng tiền ra sao ?

Người ta thường nói: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ xấu”. Ai mà chả biết ông chủ xấu thường bày ra trước mặt những con thiêu thân non dạ non lòng nhiều cạm bẫy mang dáng vẻ hấp dẫn, hào nhoáng và lôi cuốn. Các bậc cha mẹ không thể vô can vì quan niệm sai lầm và cách hành sử vô trách nhiệm như vậy. Lo cho con cái nên người, chuẩn bị cho chúng một hành trang tâm thể lý là một bổn phận không thể thiếu. Bổn phận ấy không thể nhờ tiền bạc làm thay được, nhất là khi những đồng tiền ấy có được từ những nguồn thu bất chính.

Bên cạnh những cha mẹ đáng trách ấy, vẫn còn những bậc cha mẹ quan niệm một cách đúng đắn rằng: “Để lại cho con một rương vàng, không bằng để lại cho con một quyển sách quý”. Quyển sách ấy có thể đơn giản là một nghề lao động chân chính, bởi vì “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Ở tầm cao hơn, quyển sách ấy có thể chứa đựng nhiều điều hay, lẽ phải, những chuẩn mực nên theo, những lãnh vực nên làm để con người sống, suy nghĩ và hành động thế nào cho đúng với phẩm giá của một con người. Ở tầm cao hơn nữa, là những chiều kích bao la của kiến thức, của tư duy. Gia sản tinh thần của nhân loại đẹp hơn, lớn hơn là nhờ có nhiều người vào được vùng trời này và triển nở được trong đó.

Tuy nhiên, để cái đức lại cho con cái mới chính là đỉnh điểm của những gì tốt đẹp và cao quý nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái. Điều đó có nghĩa là trong khi thi hành bổn phận và thiên chức làm cha làm mẹ, những người cha người mẹ ấy biết trước hết phải giáo dục chính bản thân mình, bởi một lẽ rất đơn giản: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn” và “Không ai có thể cho cái mình không có”, cha mẹ hãy trở nên người để con cái trở nên người, cha mẹ thế nào thì con cái sẽ như thế.

Nhìn dưới góc cạnh trên, thì gia đình với con cái ở trong đó được ví như con tàu đang lướt sóng trên biển đời trần thế, cần có vị thuyền trưởng tài ba và dũng cảm là cha mẹ. Con tàu gia đình có tới bến an bình, nghĩa là con cái sau này có trở thành người trưởng thành và hữu ích cho xã hội và Giáo Hội, thì cũng tùy thuộc vào công trình giáo dục mang tính chất gương mẫu và yêu thương của cha mẹ. Xin ông bà anh chị em hãy nhìn vào gương mẫu của Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, và xin các ngài hướng dẫn và giúp đỡ.


Xin Chúa chúc lành cho gia đình chúng con 

(Mt 2:13-15.19-23)

Fx. Trần Đức Tuân, OP

Giữa bối cảnh thế giới và xã hội đang phát triển không ngừng. Giáo dục gia đình được xem như là một vấn đề của Giáo hội. Ngày nay, nhiều gia đình đổ vỡ vì những lý xem ra chẳng đáng là gì. Chúng ta biết rằng thế giới ngày nay đang đứng trước nguy cơ đe dọa cuộc sống gia đình.

Gia đình Giáo hội rút gọn, là trường dạy đức tin, là nơi đầu tiên con cái nhận được sự giáo dục, và gia đình cũng là nơi con cái trưởng thành về đời sống tinh thần và thể chất của một con người. Đức Pio XI trong thông điệp về giáo dục Kitô có viết: “Nền giáo dục hữu hiệu nhất và bền bỉ nhất là nền giáo dục được nhận lãnh từ một gia đình Kitô giáo có qui củ và khuôn phép. Những gương lành của cha mẹ và của những người trong gia đình càng chiếu toả và bền bỉ, thì kết quả giáo dục càng lớn lao”.

Gia đình Thánh Gia có thế nói là một gia đình rất thánh thiện và gương mẫu, nhưng cũng đã phải chịu bao đau khổ và nghịch cảnh như bao gia đình bình thường khác khi bị vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi, và thánh Giuse đã phải đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập. Nhờ đó mọi gia đình Kitô hữu khác có thể yên tâm đứng vững trước những khó khăn thử thách của cuộc sống. Hình ảnh Thánh Gia cho chúng ta thấy, người ta có thể sống hạnh phúc ngay cả trong những biến chuyển của cuộc sống, và nhất là có thể nên thánh trong chính đời sống gia đình.

Ngày nay gia đình cũng bị đe doạ khi mà có những gia đình quá nghèo và nợ nần, có những gia đình thiếu bóng người cha, vắng người mẹ, có những gia đình vì quá nghèo, con cái phải đi bán vé số, đi làm thuê làm mướn. Có những đứa con bị bỏ rơi, bị thất học, bị lam dụng.... bên cạnh đó cũng có những xung đột giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Kết quả là nạn phá thai, ngoại tình, ly dị... từ đó gia đình không còn nơi êm ấm cho con cái. Gia đình Thánh gia là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo, nếu mỗi thành viên trong gia đình biết hy sinh cho nhau, biết giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn cho nhau thì gia đình sẽ hạnh phúc.

Một gia đình sống có qui củ và khuôn khổ thì đó là một môi trường tốt để dạy đức tin cho con cái. Cha mẹ phải ý thức công việc đó trước tiên là của mình và chính mình phải chịu trách nhiệm về việc giáo dục đức tin cho con cái trước mặt Thiên Chúa sau này. Như trong Hiến chế về Giáo hội, Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nói: “Những người đầu tiên phải lấy lời nói và gương sáng mà dạy dỗ đức tin cho con cái chính là cha mẹ ”.

Bên cạnh đó, trong đời sống gia đình, ta cũng sẽ gặp thử thách và đau khổ do sự thiếu tình thương, vô tình, hiểu lầm, tính ích kỷ của người khác, thậm chí của chính những người trong gia đình mình. Chính ta cũng gây ra những thử thách và đau khổ tương tự như thế cho tha nhân, và cho cả những người trong gia đình mình. Nhưng những thử thách đó đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa nhằm thánh hóa và tinh luyện tình yêu nơi bản thân ta cũng như những người thân trong gia đình ta. Điều quan trọng là ta phải nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong những thử thách đó, và luôn luôn sẵn sàng làm theo thánh ý Ngài. Gia đình Nadarét xưa cũng gặp rất nhiều đau khổ, nghịch cảnh như gia đình chúng ta đã gặp. Có biết bao hoàn cảnh khiến người trong gia đình hiểu lầm nhau, tạo nên những xung đột, v.v… làm cho nhau đau khổ, và đòi buộc mọi người phải chịu đựng, tha thứ lẫn nhau. Chính trong thử thách và đau khổ, con người mới chứng tỏ được tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt đối với những người trong gia đình mình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Đời sống gia đình có biết bao khó khăn, thử thách và đau khổ, chẳng những đến từ ngoại cảnh, từ xã hội, mà còn đến từ chính những người trong gia đình. Xin cho chúng con nhận ra những đau khổ, những thử thách đó đều là những phương tiện Chúa dùng để thánh hóa, tinh luyện tình yêu của bản thân chúng con và gia đình chúng con.

Lạy Chúa, xin Chúa cũng chúc lành cho gia đình chúng con để mọi người luôn được sống trong tình yêu Chúa. Amen.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ