Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 136

Tổng truy cập: 1350069

TRÂN TRỌNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH

TRÂN TRỌNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Hôm nay lễ thánh gia thất. Nói đến thánh gia là nói đến một gia đình hạnh phúc. Một gia đình luôn đồng cảm với nhau, chia sẻ vui buồn với nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Gia đình thánh gia nơi có thánh Giuse, một người cha luôn là lá chắn chở che cho gia đình. Gia đình thánh gia, nơi có Mẹ Maria luôn sống âm thầm, tận tuỵ trong công việc của mình. Và nhất là có Chúa Giêsu luôn kính trọng và vâng lời cha mẹ. Chính các ngài đã tạo nên một mái ấm gia đình. Các ngài đã làm cho gia đình trở thành thiên đường tại thế khi mỗi thành viên đều sống có trách nhiệm với gia đình và cùng nhau vun trồng hạnh phúc cho gia đình. Nhất là các ngài luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc đời.

Là người ai trong chúng ta cũng có một gia đình. Gia đình là chỗ chúng ta tựa nương. Gia đình là thành trì vững chãi cho cuộc đời chúng ta. Gia đình mang lại cho chúng ta niềm vui, tiếng cười. Gia đình là chiếc nôi êm ái cho cuộc đời chúng ta. Thế nên, khi xa gia đình, chúng ta vẫn luôn cảm thấy mất mát, trống vắng trong cõi lòng.

Có một lời bộc bạch của một người con vừa chập chững bước chân vào đời đã tâm sự:

“Em nghĩ tới mẹ em lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói.

Em nhớ mẹ trong lúc đi làm, khi bị người ta nói này nói kia. Mình nghĩ lúc ở nhà, ba mẹ la mình thì mình giận, nghĩ là không thương mình. Rồi bây giờ, đi ra ngoài đi làm, người ta khó khăn với mình thì mình cũng phải chịu thôi, không nói lại được. Nên nghĩ lại thấy thương nhớ cha mẹ.”

Lời tâm tình này cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ - những chú chim non vừa bay ra khỏi tổ, tự một thân một bóng phải vật lộn, chống chọi lại mọi thứ để tồn tại trong khoảng không gian bao la vô tận mà trước đây bầu trời xanh trong với những ước mơ bay bổng từng thu hút và đầy quyến rũ để các chú chim luôn khao khát mau được bay ra khỏi tổ một cách tự do, độc lập.

Chính vì thế mà có nhiều bạn trẻ khi va vấp những khó khăn trong cuộc sống mới giật mình xót xa:

“Có đôi lúc,

Mải mê quay với dòng đời ồn ã

Những đô hội thị thành

Những phương trời lạ

Chợi giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.”

Có một sự thật là khi còn trong mái ấm gia đình chúng ta lại sống dửng dưng. Chúng ta luôn muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của gia đình. Chúng ta muốn tự do, tự tại, tự hành xử theo ý mình. Nhưng, đường đời đâu mấy khi bằng phẳng, dòng đời đâu mấy khi bình yên, đã giúp chúng ta nhận ra không ở đâu bình yên cho bằng gia đình, không ở đâu có tình yêu chân thành cho bằng tình cha mẹ yêu con. Lúc này, kẻ xa quê mới cảm thấy xót xa:

“Giữa bể đời, bao la rộng lớn.

Con bơ vơ, phố xá đông người.

Tìm lối về, mênh mông bóng tối.

Con khóc nhiều, số phận thương đau.

Cuộc đời con, cần một hạnh phúc.

Mái ấm gia đình, buổi cơm chung.

Cùng nhau sum vầy, ba ngày tết.

Mười bảy năm rồi. Có được đâu!”

Hôm nay là lễ thánh gia, ngày thánh hoá các gia đình. Chúng ta xin ơn Chúa thánh hóa từng gia đình chúng ta và ban cho chúng ta một mái ấm gia đình hạnh phúc yêu thương. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình biết trân trọng những ngày tháng bên những người thân yêu nơi gia đình, biết hy sinh, biết sống nhường nhịn và thân ái với nhau. Xin cho chúng ta cũng biết xây dựng gia đình mình hạnh phúc bằng việc chu toàn bổn phận và sống có trách nhiệm với gia đình. Xin đừng xúc phạm đến nhau khi đang được cùng sum họp trong một mái ấm gia đình. Và xin cho mỗi thành viên biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại thánh ý trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 

36.Công cha - nghĩa mẹ

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Câu ca dao này dường như là người Việt nam ai cũng thuộc nằm lòng. Có thể nói bất cứ người Việt nam nào dù sang hay hèn, dù có hay không có địa vị đều ý thức và tôn trọng chữ Hiếu. Đây chình là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.

Không ai có thể phủ nhận rằng cha mẹ là những người có công lớn trong việc sinh thành và dưỡng dục ta. Lại nữa, trong đức tin ta biết rằng cha mẹ được ơn đồng sáng tạo với Thiên Chúa khi sinh ra ta. Do đó, con người dù thành đạt cách mấy mà không biết hiếu thảo với cha mẹ thì cũng được xem là thấp. Bởi vì, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá một con người đó tấm lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

Với thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình như ta. Người luôn ý thức và chu toàn tốt bổn phận làm con của mình. Phải công nhận gia đình Nagiareth là gia đình hạnh phúc và kiểu mẫu. Dù rằng có thể gia đình này thua sút nhiều mặt.

Trong mười điều răn Đức Chúa Trời sau ba điều về Chúa liền đó là điều dạy phải thảo kính cha mẹ. Rồi hằng năm vào mùng hai Tết âm lịch cũng như cả tháng 11 Giáo hội không ngừng nhắc nhở giáo dân nhớ đến ông bà cha mẹ. Ta không thể nào sống hiếu thảo với Chúa nếu như trước đó ta chưa sống hiếu thảo với cha mẹ.

Không biết đã có bao nhiêu bài hát, ca dao, tục ngữ, bài thơ... ca ngợi công ơn cha mẹ. Tuy nhiên, ngày nay do ảnh hưởng lối sống thực dụng nên có nhiều người dường như xem thường công ơn cha mẹ. Có nhiều kẻ làm con vì quá ích kỷ nên đã bỏ cha mẹ cô đơn, trong khi đó mình dư khả năng để lo cho các ngài. Thật đáng tiếc.

Có câu chuyện kể rằng trong gia đình nọ, ngày kia đứa con thấy cha nó gọt cái gáo dừa mới hỏi cha nó gọt làm chi. Lặng nhìn đứa con hồi lâu ông ta trả lời: "Để cho ông nội mày ăn cơm. Vì lúc này ông nội mày làm bể chén hoài, phí quá!". Đứa con suy nghĩ và không nói gì. Vài ngày sau đó, nó cũng đem gáo dừa khác ra gọt. Tưởng là con cũng đồng tình với mình, người cha hí hởn hỏi: "Bộ mày tính giúp tao lo cho ông nội mày hả?". Đứa con trả lời: "Đâu có, cái này con để dành cho cha. Khi nào cha như ông nội con sẽ cho cha xài". Nghe xong câu trả lời người cha tái mặt...

Như vậy, công ơn cha mẹ không biết làm sao ta có có thể đáp đền cho cân xứng. Dù rằng ta có thành tài cách mấy đi nữa mà không có lòng hiếu thảo cha mẹ thì cũng kể bằng không. Hơn nữa, thái độ của ta với cha mẹ như thế nào thì con cháu sẽ nhìn vào đó để cư xử với ta như vậy.

 

37.Lễ Thánh Gia Thất

(Suy niệm của Lm Alfonso)

Tin Mừng Lc 2: 41-52: Nơi gia đình, các thành viên có khi có bất đồng, giận hờn, cãi vã, bực mình do lối sống và cách nghĩ khác nhau giữa các thế hệ. Nhưng nơi đó, con người ta có thể tự nhiên khóc cười...

Suy niệm:

Hẳn là cả người lớn lẫn trẻ em đều rất thích lời bài hát “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của tác giả Ngọc Lễ. Lời bài hát diễn tả hình ảnh gia đình thật sâu đậm: “Gia đình gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ, cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình, vương vấn bước chân ta đi, ấm áp trái tim quay về”.

Gia đình, ở đó có thể có gia đình hạt nhân, có thể có gia đình nhiều thế hệ. Nơi ấy, con người ta có thể lột bỏ thứ mặt nạ vẫn đeo hàng ngày như nụ cười mặc định khi gặp khách hàng, tiếng nói nhỏ nhẹ để dễ ký một hợp đồng với đối tác… Nơi gia đình, các thành viên có khi có bất đồng, giận hờn, cãi vã, bực mình do lối sống và cách nghĩ khác nhau giữa các thế hệ. Nhưng nơi đó, con người ta có thể tự nhiên khóc cười, nhí nhố không cần giữ kẻ, nơi mà người ta nào là thường bị cằn nhằn nhiều nhất, nào là những sự quan tâm nhiều khi thái quá khiến ta cảm thấy phiền hà, là khi bé ta khó chịu vì bị kèm cặp muốn tung cánh, đến khi lớn lên rồi mới thấy khát thèm những nhắc nhở quan tâm, muốn được cha làm con ngựa cõng con trên lưng, muốn nũng nịu được mẹ dỗ dành, nơi chị em chí chóe khóc hờn, sum vầy bên bữa cơm đạm bạc nhưng vô cùng ấm cúng.

Người mẹ trong gia đình vốn rất hiền cũng sẵn sàng xù lông như gà mẹ để bảo vệ gà con khi con mình bị người ta ăn hiếp. Cha tưởng rằng khô khan cứng cỏi nhưng cũng lặng lẽ quay đi lau dòng lệ ngày con gái lên xe hoa. Anh cậy sức trai hay bắt nạt em, thế nhưng ngày em gái lấy chồng thì lăm le chú rể “cậu mà không tốt với nó thì tôi sẽ đón nó về nhà”. Em hay tỏ ra bướng bỉnh, nhưng lại nhắn tin “em nhớ chị quá” ngay đêm đầu tiên chị về nhà chồng. Ở nơi gia đình, có thể có cả những giọt nước mắt khổ đau, nhưng sau tất cả vẫn là tình thương yêu vô bờ bến mà dù những khi ta sai lầm lỡ bước thì vẫn có những người sẵn sàng bao dung và rộng lượng dang tay đón ta về.

Chính vì gia đình có ý nghĩa thiêng liêng thế, nên Chúa Giêsu khi nhập thể làm người, Ngài đã chọn sinh ra trong một gia đình, được nuôi nấng lớn khôn như bao trẻ để đồng hành và dẫn dắt các gia đình. Thế nhưng, phụng vụ Lễ Thánh Gia Thất hôm nay không đóng khung trong phạm vi gia đình trần thế. Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh không phải chỉ để làm con thánh Giuse và Mẹ Maria, nhưng Chúa Giêsu còn thực hiện ý Cha trên Trời khi Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Dĩ nhiên cần thời gian để thánh Giuse và Đức Mẹ Maria nghiền ngẫm, cầu nguyện mới có thể có chung nhịp đập của con tim như Chúa Giêsu, mới hiểu được điều Người muốn nói, để gia đình Thánh Gia trở nên mẫu gương cho chúng ta về việc thờ phượng Chúa, về lối sống đạo và về tình yêu thương hy sinh cho nhau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy vươn xa hơn mối dây gia đình theo máu mủ, theo huyết thống để liên kết mọi người lại với nhau bằng chính Lời Chúa: “Mẹ Ta và anh em Ta là người nghe và thực hành lời Chúa”. Nhờ vậy mới có thể làm cho ý Chúa Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Như chúng ta biết, bệnh ung thư làm hủy hoại tế bào, mà gia đình được ví như tế bào của xã hội. Vì thế, khi cuộc sống gia đình có nguy cơ bị rạn nứt, thì cũng như những ung nhọt làm hủy hoại tế bào của xã hội. Xã hội càng lung lay hơn khi ngày nay người ta làm biến dạng nền tảng gia đình vốn có “ba ngọn nến lung” là cha mẹ và con cái. Nhiều cặp bạn trẻ nam nữ sống theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung” mà không có một cam kết chung thủy, chỉ đơn giản hợp rồi lại tan; một số người lại sống chung đồng tính nam nam – nữ nữ, những người ly dị tái hôn, những “single mom” (người mẹ đơn thân) để tự do bay nhảy…

Giữa những vấn nạn bất cập ấy, gia đình Công giáo có nhiệm vụ thật quan trọng vì là hình ảnh của sự hiệp thông nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Phép bí tích Hôn phối của đôi vợ chồng Công giáo còn là thể hiện sự gắn kết tình yêu giữa Chúa Giêsu Kitô với Giáo Hội của Người là Dân Thiên Chúa. Mà mối dây liên kết keo sơn trong gia đình là do tình yêu thương, có Thiên Chúa hiện diện và là trung tâm. Vì thế, xã hội cũng như Giáo Hội muốn lành mạnh và phát triển, mỗi chúng ta cần lưu tâm đến sự phát triển tình yêu và lòng đạo đức trong mỗi gia đình.

Để được như thế, người cha gia đình hãy biết noi gương thánh Giuse, là người yêu thương Đức Maria hết mực chẳng đay nghiến hay để vợ mình bị kết án, là người đứng mũi chịu sào đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh nạn trong cơn nguy khó, là người trụ cột gia đình trong bổn phận nghề nghiệp để chăm lo cho vợ con. Còn người mẹ gia đình hãy noi gương Đức Maria bớt đi những lời qua tiếng lại, có nhiều tình huống hãy suy đi nghĩ lại, dâng lên Chúa cả những lúc trái ý, khó hiểu. Còn con cái trong gia đình vừa luôn biết làm đẹp lòng Thiên Chúa qua việc sống đạo đức, cũng phải thảo hiếu với cha mẹ qua việc vâng lời, chăm học và trở nên bác ái với nhau. Ý thức sống tốt trong mối liên hệ gia đình, chúng ta sẽ nhận ra “con người ta có nghìn phương để đi, triệu nơi để đến nhưng chỉ có một nơi để quay về là gia đình, nơi chúng ta luôn tìm được bình an”.

Xin Thánh Gia Thất hãy nâng đỡ các thành viên gia đình chúng con, và đồng hành với các gia đình trẻ trong nỗi khó khăn của cuộc sống mưu sinh, để họ luôn ý thức mỗi ngày dành ra bữa cơm gia đình và giờ kinh chung là những chất liệu hun đúc lên sự đầm ấm gia đình. Amen.

 

38.Lễ Thánh Gia Thất

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Thánh gia thất Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse là một gia đình tràn đầy hạnh phúc mặc dù rất nghèo. Tại sao chúng ta có thể nói như thế? Vì một lý do dễ hiểu là cả ba Đấng đều là những người thánh. Nếu chúng ta thấy những gia đình hạnh phúc chúng ta thấy rằng mọi người trong gia đình đều rất đạo đức. Cha mẹ thánh thiện, con cái vâng lời, hiếu thảo. Muốn hạnh phúc chỉ cần sống thánh. Tại sao các gia đình không hạnh phúc? Vì tội lỗi đã lập căn cứ trong gia đình đó. Vì thế rất ít gia đình hạnh phúc thật.

Giáo Hội lấy gương hạnh của thánh gia thất để khuyến khích các gia đình sống tốt đẹp hơn và mọi người khi nhìn vào gương lành đó sẽ hăng hái hơn, cố gắng hơn.

Trong thánh lễ hôm nay, thánh Luca kể lại một câu chuyện xảy ra trong gia đình của Đức Mẹ. Chúa Giêsu cùng lên Đền thờ mừng lễ với cha mẹ và sau khi lễ xong, đã ở lại trong Đền thờ mà không cho cha mẹ hay. Đức Mẹ và thánh Giuse phải tìm Ngài suốt ba ngày. Sau cùng thì gặp Ngài trong Đền thờ ngồi giữa các tiến sĩ… Chúng ta thấy Đức Mẹ phản ứng ra sao? Mẹ Maria trách con nhưng rất nhẹ nhàng: “Sao con làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con”. Chúa Giêsu trả lời cho mẹ biết mình đang làm gì, nhưng Mẹ Maria không thể hiểu được những lời đó. Mẹ chỉ ghi nhớ những điều đó và suy nghĩ. Đức Mẹ tôn trọng đường lối của con mình. Thánh Giuse im lặng vì ngài biết vai trò của mình. Ngài biết rằng Giêsu là của Maria. Vả lại, trong xã hội Do thái, việc giáo dục con cái là việc chính yếu của bà mẹ, người cha chỉ giữ một vai trò che chở và bổ túc thôi. Như thế, chúng ta thấy trong gia đình Nadaret, mọi người ở đúng vị trí của mình, tôn trọng lẫn nhau, không giẫm chân lên nhau. Có một sự hài hòa êm đềm trong gia đình.

Giáo Hội muốn cho các gia đình Kitô hữu noi theo gương lành của thánh thất để sống hạnh phúc giữa những khó khăn ở đời và làm sáng danh Chúa trong đời sống của mình.

Nhưng gia đình ngày nay phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía và có thể bị tan vỡ. Gia đình hôm nay gần như là một con vật bị săn đuổi. Người ta muốn tiêu diệt gia đình vì họ biết rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Tiêu diệt gia đình là tiêu diệt con người. Tất cả những giá trị của con người nằm trong gia đình. Người ta chỉ muốn sống theo thú tính, không cần luân thường đạo lý, không cần tình yêu, không cần hạnh phúc, chỉ cần hưởng thụ thôi.

Chúng ta không thể chấp nhận một lối sống theo bản năng. Chúng ta muốn sống cho ra người, và hơn  nữa, chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta phải sống theo ý Thiên Chúa và đó chính là con đường hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta là phản ánh tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu là yếu tố căn bản tạo nên gia đình. Gia đình là kho báu gìn giữ tình yêu và dẫn đến hạnh phúc.

Đứng trước những trào lưu vật chất đang tàn phá gia đình, các Đức Giáo Hoàng luôn lên tiếng và mạnh mẽ chống lại tất cả những gì làm tổn thương gia đình.

Đức Phaolô VI đã từng lên tiếng nhiều lần, kêu gọi các Kitô hữu sống xứng đáng hồng ân là tình yêu gia đình. Thông Điệp Sự sống con người của Ngài tuy bị chỉ trích rất nhiều, nhưng vẫn là một tiếng nói thẳng thắn gìn giữ sự sống con người và giúp cho con người sống đúng trách nhiệm của mình trong hôn nhân.

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã chiến đấu suốt thời làm giáo hoàng của Ngài để bảo vệ gia đình. Ngài đã viết thư, giảng dạy thường xuyên về giá trị của hôn nhân, gia đình và sự sống. Và tông huấn Familiaris consortio (Cộng đoàn gia đình) là một tài liệu quí giá, là một tổng hợp có thể nói là đầy đủ nhất về vai trò ưu việt của gia đình trong đời sống con người. Ngài gọi gia đình là tế bào căn bản của xã hội, là đền thờ của sự sống, là nền tảng của tương lai nhân loại, là giáo hội tại gia. Ngài kêu gọi người Kitô hữu phải làm bất cứ điều gì có thể để tạo nên một nền văn minh của tình thương, một nền văn minh của sự sống. Nỗ lực của Ngài không vô ích. Nhiều hiệp hội và nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi của Ngài và giúp thăng tiến các gia đình khắp nơi trên thế giới.

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI cũng luôn đề cập đến gia đình trong những bài suy niệm vào thứ Tư mỗi tuần. Ngài cũng thường nhắc đến những giáo huấn của Đức Gioan-Phaolô II về gia đình và kêu gọi mọi người trở về với những giá trị của gia đình là tình yêu và lòng hiếu thảo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô của chúng ta cũng rất tha thiết với vấn đề gia đình và sự sống con người. Mới đây, qua hai cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục nghiên cứu về gia đình để đưa ra những đường hướng cụ thể cho đời sống hôn nhân và gia đình, cho thấy mối ưu tư hàng đầu của Ngài về gia đình.

Về phần chúng ta, hãy cố gắng củng cố gia đình của chúng ta, bảo vệ gia đình của chúng ta bằng một cố gắng liên lỉ sống cho nhau hơn. Lắng nghe Lời Chúa để sống theo con đường mà thánh gia thất đã đi, theo hướng đi yêu thương mà Chúa Giêsu đã vạch ra: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ có tình yêu chân thành mới bảo đảm cho hạnh phúc gia đình. Tình yêu tự nhiên nối liền với tình yêu siêu nhiên bắt nguồn từ tình yêu của Chúa.

Xin thánh gia thất cầu bàu cho chúng ta biết khám phá những hồng ân của Chúa ban cho gia đình và củng cố những hồng ân ấy với tất cả thiện chí. Cho chúng ta đủ can đảm để yêu thương nhau thực sự, hi sinh hằng ngày cho nhau trong mỗi hoàn cảnh vui buồn. Thánh giá sẽ không thiếu trong gia đình: thất bại, bệnh hoạn, tang chế, bất hòa, hiểu lầm… Chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa.

Hãy biến gia đình chúng ta thành một thánh thất khi quây quần trong những giờ kinh tối, khi tất cả mọi người trong gia đình đều ăn lấy Chúa khi cùng nhau đi dự lễ. Hãy biến gia đình chúng ta thành một đền thờ như thánh thất, vì nơi đó có Chúa hiện diện. Chúa luôn gần kề chúng ta mà chúng ta không hay biết, Ngài tham gia vào mọi biến cố trong gia đình mà chúng ta không để ý. Hãy chú ý đến Chúa hơn. Ngài sống với chúng ta chứ không để chúng ta mồ côi, chỉ chúng ta không chú ý đến Ngài thôi.

Hãy cùng nhau ăn lấy Chúa mỗi khi chúng ta tham dự vào thánh lễ, để chính Chúa nối kết chúng ta lại với nhau và tình yêu của Ngài nuôi sống tình yêu của chúng ta.

home Mục lục Lưu trữ