Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 54
Tổng truy cập: 1355973
TRÚT BỎ
TRÚT BỎ
(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)
Nếu có lần nào đi cắm trại, nhất là trại huấn luyện, chắc bạn sẽ hiểu: Ý nghĩa đúng của việc cắm trại là hòa hợp với thiên nhiên, là sống hết mình cho thụ tạo, là thở hơi thở của hoang dã, là sống sức sống của ngàn xanh, là đi vào lòng của tự nhiên để khám phá siêu nhiên, đắm mình với tự nhiên để vươn hồn lên tới siêu nhiên, gọi về lòng biết ơn thụ tạo đã cho nhau sự sống và dâng muôn muôn lời cảm tạ Tạo Hóa ân ban cho muôn loài sự sống toàn hảo. Vì thế, đi cắm trại cũng đồng nghĩa với việc trút bỏ một cách tự nguyện.
Càng trút bỏ bao nhiêu có thể và biết giữ lại những gì thật cần thiết, và cần thiết đúng mức, người ta càng thanh thoát, càng nhẹ nhõm, không vướng bận hay lo toan điều gì. Bởi đó, hành trang của trại viên càng nhẹ nhàng bao nhiêu, ăn mặc càng giản dị bao nhiêu, lòng khiêm nhường, tinh thần nghèo khó càng lớn bao nhiêu, người ta càng sống hết mình với giây phút hiện tại, hết mình với không gian, với thời gian. Nhất là càng thấm đẫm lòng yêu mến tự nhiên, người ta sẽ càng dễ dàng trở về Nguồn Cội Vĩnh Cửu, Đấng đã tác sinh mọi loài.
Hiểu được sự "trút bỏ" là điều cần thiết của người đi cắm trại, ta sẽ dễ hiểu hơn mệnh lệnh lên đường mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ của Người. Đấy cũng là một sự trút bỏ, nhưng còn hơn cả sự "trút bỏ" của người trại viên, môn đệ của Chúa Giêsu phải trút bỏ đến trở nên nghèo khó, một cái nghèo đúng mức, nghèo trọn nghĩa nhất: "Người truyền cho các ông lên đường, đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo".
Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho người nghèo, Tin Mừng của người nghèo. Do đó chỉ có người nghèo mới có thể nên chứng nhân cho Tin Mừng ấy, mới có thể loan báo Tin Mừng ấy hữu hiệu. Chúa Giêsu không dạy gì mà Người đã không sống lời dạy ấy. Cả cuộc đời của Người là một bài học lớn cho người môn đệ về sự nghèo khó. Chúa Giêsu đã trút bỏ hoàn toàn. Sự trút bỏ của Chúa là sự trút bỏ đúng nghĩa nhất (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Người đã không dành cho mình một sự riêng tư nào: Là thân phận Thiên Chúa, nhưng đã trở nên người phàm, một sự trút bỏ không thể tưởng tượng. Vậy mà Đấng Thiên Chúa làm người ấy đã chấp nhận sống nghèo, nghèo đến mức không còn gì. Bạn và tôi chắc không giàu có gì, nhưng khi sinh ra, chắc không ai sinh nơi chuồng thú vật, nằm trên rơm rạ xót xa. Ngược lại, dẫu là người nghèo, ta vẫn còn có một mái nhà ấm áp, một chiếc nôi xinh xắn. Nếu mai này, bạn và tôi có chết, chắc cũng chết trong những điều kiện tươm tất. Nhưng Chúa Giêsu, cả một đời, từ lúc bắt đầu sinh ra tới khi trưởng thành, chối từ sự sang giàu đã vậy, đến lúc sinh thì, ngay đến manh áo cuối cùng cũng không có, chết trần treo giữa trời giữa đất, chết chung với kẻ trộm cướp, cùng chịu một hình khổ ngang hàng với kẻ trộm cướp... Chúa Giêsu đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến khi trao hơi thở sau cùng, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa Kitô, nhà truyền giáo đại tài, đã trút bỏ để Tin Mừng Tình yêu lớn lên. Chúa chính là bài học ngàn vàng cho những ai là môn đệ của Người.
"Đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo". Hôm nay khi nghe lại lời dạy ấy của Chúa Giêsu, bạn và tôi nghĩ gì? Ta nhận ra rằng Chúa cũng đang mời gọi mình hãy trút bỏ tất cả những gì là cồng kềnh, những gì là cản trở, là chướng ngại làm cho lời rao giảng Tin Mừng thiếu chứng tá, công cuộc rao giảng Tin Mừng bị khựng lại.
Giống như người đi cắm trại, nếu biết trút bỏ mọi cái không cần thiết, họ mới sống hoàn toàn, sống hết mình cho ý nghĩa của việc cắm trại. Cũng vậy, người đi gieo Lời Chúa, đi cắm rể Lời Chúa sâu trong lòng người, càng phải là người biết trút bỏ mọi vướng bận để việc phục vụ Lời đạt kết quả lớn lao. Bởi thế, Chúa sai chúng ta ra đi, nhưng hành trang của người môn đệ không là gì khác ngoài đức tin dâng hiến và lòng phó thác. Dâng hiến đến trút bỏ hoàn toàn. Phó thác đến mức trở nên nghèo khó, đến không còn gì. Chỉ có thế, người rao giảng Lời mới trở nên chứng tá cho Lời. Vì chứng tá cho Lời quan trọng hơn nói về Lời. Chỉ có một lối đường duy nhất là sự trút bỏ: mặc lấy tinh thần nghèo khó, sống lối sống nghèo của Chúa Kitô, chính bạn và chính tôi mới hy vọng nên chứng tá gieo Lời đạt kết quả.
Thánh Phaolô rất hay, khi một lần nào đó, đã đúc kết bài học trút bỏ của người môn đệ Chúa Kitô bằng những lời rất chân thành và lạc quan: "Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi bị mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúnh tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả" (2 Cr 7, 8 - 10). Nếu đồng cảm với thánh Phaolô, ta cũng sẽ hiểu rằng trút bỏ là đánh mất, nhưng kỳ thực, không hề mất mát bất cứ điều gì.
17.Bài Sai
(Suy niệm của Lm Giuse Trần Việt Hùng)
Tiên tri Amos xuất hiện khoảng năm 760 trước Công Nguyên dưới thời của Vua Phương Nam Uzziah (783-742) và Vua Phương Bắc Jeroboam II (786-746).
Tiên tri Amos làm việc nơi đồng áng và chăn nuôi súc vật. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi rao giảng sám hối tại trung tâm miền Bắc Bethel và Samaria. Quan niệm thần học tập trung việc cảnh cáo dân Do-thái rằng Thiên Chúa sẽ trừng phạt và phá hủy dân Israel bởi vì tội lỗi của họ. Amos kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối và cải đổi đời sống theo giới răn của Chúa.
Phúc âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi. Chúa ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Với lời nhắn nhủ sống đơn sơ chân thành và đi làm nhân chứng với hai bàn tay trắng. Các ông đã ra đi vào các làng mạc chuẩn bị các tâm hồn đón nhận ơn Chúa. Các ông hoàn toàn cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã chọn những con người tầm thường, họ không có nhiều tài năng chuyên môn, không có của cải và không có chỗ đứng trong xã hội. Chúa chọn những người bình thường để làm những việc phi thường cho Nước Chúa.
Thật lạ lùng, Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi loan truyền sứ mệnh quan trọng nhưng không ban cho các phương tiện, tiền bạc hay của cải. Ngày nay trong công tác mục vụ, chúng ta thường chuẩn bị rất kỹ càng, nào là tiền mặt, thẻ tín dụng, thức ăn thức uống, bản đồ, áo trong áo ngoài, máy móc đủ loại và các dụng cụ cá nhân. Nếu khi phải ở qua đêm, chúng ta còn cần nhiều thứ lỉnh kỉnh nữa. Chúng ta lo lắng cho những nhu cầu vật chất như chỗ ăn chỗ ở, cái ăn cái mặc và những tiện nghi tối thiểu. Đôi khi chúng ta lại quá lo lắng cậy dựa vào những nhu cầu vật chất của đời thường. Theo thông lệ một số các đấng bậc khi thăm viếng mục vụ, các giáo đoàn phải chuẩn bị đón tiếp long trọng và đôi khi còn phải chi tiêu hao tốn, thiếu đi tinh thần nghèo khó và sự phó thác.
Mỗi năm kết khóa, mùa Hè là mùa ra trường. Các ứng sinh lãnh nhận những mảnh bằng tốt nghiệp đã bắt đầu bước vào đời. Những vốn liếng thu lượm qua việc trau dồi học hỏi trên ghế nhà trường nay đem ra áp dụng theo những sở trường và khả năng. Trong sứ mệnh dâng hiến, mỗi năm Giáo Hội đón nhận nhiều tu sĩ nam nữ khấn dòng, khấn tạm hoặc vĩnh khấn, các chủng sinh lãnh nhận chức đọc sách, giúp lễ, phó tế và các tân chức linh mục. Mỗi tu sĩ hay tân chức sẽ lãnh nhận những bài sai từ bề trên để ra đi làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Các sứ giả phúc âm không được tự chọn cho mình nơi chỗ, nhưng được sai đến bất cứ nơi nào để phục vụ Giáo Hội và tha nhân.
Tháng Sáu vừa qua, tôi rất hân hạnh được tham dự thánh lễ truyền chức linh mục tại Đài Đức Mẹ, Tân Hiệp, Địa phận Long Xuyên. Lễ phong chức cho 18 tân linh mục rất là hoành tráng. Với trên hai trăm linh mục trong Giáo phận có mặt và có thêm nhiều vị từ khắp nơi đổ về. Với sự hiện diện trên mười ngàn Giáo dân vui mừng hân hoan tụ về tham dự nghi lễ phong chức linh mục. Ngay sau thánh lễ truyền chức, một vị linh mục đại diện đã công bố Bài Sai của Đức Giám Mục Địa Phận cho từng tân linh mục. Một sự chọn lựa cắt đặt các tân chức vào các sứ vụ tùy theo khả năng thích hợp của mỗi tân linh mục.
Chúng ta biết rằng lãnh nhận thiên chức linh mục không phải riêng cho mình, nhưng cho Giáo Hội và chung cho mọi người. Các tân chức nhận những Bài Sai khác nhau như về trụ sở Tòa Giám Mục, các Giáo Xứ và có những Bài Sai về nơi truyền giáo vùng sâu vùng xa. Niềm vui trào dâng khi nhận lãnh thiên chức cao cả. Khi nghe rao báo Bài Sai, các tân chức cũng có những cảm tình vui buồn lẫn lộn. Có những bà mẹ nhảy cẫng vui mừng vì con mình được về giáo xứ giầu có ổn định. Có những gia đình vỗ tay hãnh diện vì tân linh mục nhà mình được về xứ lớn ở trung tâm thành phố. Có những vẻ mặt không được vui lắm khi nghe Bài Sai sẽ đi phục vụ ở những nơi khai hoang truyền giáo. Thật vậy, được sai đi nơi đâu, cũng là để phục vụ tha nhân. Chúa Kitô vẫn luôn là trung tâm điểm của đời sống mục vụ và phục vụ.
Câu truyện vào thời chiến, có một sự kiện xảy ra nơi một làng nhỏ ở nước Đại Hàn. Trước nhà thờ có một tượng Chúa Giêsu bị trúng mảnh bom làm vỡ bể. Một nhóm binh sĩ Hoa Kỳ đã giúp linh mục lau dọn và thu thập các mảnh vỡ vụn để gắn đặt lại tượng Chúa. Họ tìm thấy mọi phần của tượng Chúa, trừ một cánh tay bị vỡ tan. Các binh sĩ đề nghị với linh mục là đưa tượng Chúa về Hoa Kỳ để tu sửa và làm cánh tay mới. Linh mục bổn sở từ chối. Ngài nói: Tôi có một ý tưởng. Cứ để tượng như thế, thiếu một cánh tay. Chúng ta hãy viết trên bệ cho các khách hành hương chú ý: Hỡi bạn, cho tôi mượn cánh tay của bạn.
Trong cách này, mỗi tu sĩ nam nữ, các thiện nguyện viên hay các linh mục ra đi giúp mọi người nhận ra những nhu cầu trong sứ mệnh phục vụ của mình. Chúng ta sẽ là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu để xây dựng lại những đổ nát và hư mất. Cùng một suy tưởng, Chúa cần những đôi chân của chúng ta để đi tìm kiếm những ai đã lạc bước. Chúa muốn những đôi tai của chúng ta để nghe những tâm sự cô đơn buồn chán của tha nhân. Chúa dùng miệng lưỡi của chúng ta để nói những lời thân thương, khuyến khích, ủi an và nâng đỡ những kẻ đau buồn, khổ sở và thất vọng.
Trong thơ gởi cho tín hữu Ephêsô, thánh Phaolô đã viết rằng: Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người (Eph 1, 4). Sau khi hồi đầu, Phaolô đặt trọn niềm tin nơi Đức Kitô. Chúa đã chọn và gọi Phaolô một cách đặc biệt. Biến đổi ông từ một người bách hại các Kitô hữu trở nên nhân chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Phaolô đã được sai đi rao giảng tin mừng cho dân ngoại. Tông đồ Phaolô đã không ngại gian khó rong ruổi khắp các thành thị và làng mạc để loan báo về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.
Giáo Hội luôn kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi dâng hiến. Có rất nhiều tâm hồn đã và đang quảng đại đáp lại tiếng Chúa trong ơn gọi tu trì. Mỗi tín hữu đều có bổn phận góp sức mình, của cải và khả năng để xây dựng và loan truyền tin mừng cứu độ. Chúng ta không thể đổ dồn trách nhiệm cho môt thành phần riêng biệt nào. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm sống động trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Sự cộng tác của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nâng đỡ tinh thần và khuyến khích hơn là sự chỉ trích, gây chia rẽ, đàm tiếu hoặc phá đổ. Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát, xin Chúa sai thêm những thợ gặt lành nghề. Chúng con cảm tạ Danh Chúa đến muôn ngàn đời. Amen.
18.Chúa sai tôi đi
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ của Thiên Phúc)
Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm sâu, tường đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo.
Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên.
Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh:
- Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ ngày tôi chịu chức linh mục: "Nay con làm linh mục Chúa, cha chỉ cầu ước cho con 3 điều: Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào; Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào; Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa". Và ngài an bình đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.
***
Vị linh mục trong câu chuyện trên đây, không những đã làm theo lời khuyên của thân phụ, mà còn thi hành đúng lời dạy của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Chúa phán: "Không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc..." (Mc.6,8). Hành trang của các ông chỉ là chiếc áo đang mặc, cây gậy và đôi dép đi đường. Vì chính Người đã từng nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, con Người không có chỗ dựa đầu". Người muốn các ông hoàn toàn nương tựa vào Chúa, phó thác cho tình yêu quan phòng của Người, và cậy dựa vào lòng tốt của tha nhân.
Đó là thân phận của kẻ được sai đi: ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi. Thành công không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Vì "Phaolô trồng, Apollo tưới và Chúa mới cho mọc lên" (1Cr.3,6).
Hôm nay Chúa cũng sai chúng ta đi vào lòng thế giới, để "rao giảng sự sám hối" (Mc.6,12). Sám hối rất khó nói vì chẳng mấy ai thích nghe. Đó cũng là thách thức của người tông đồ: can đảm nói lên những điều phải nói. Nói mà không giảm nhẹ những đòi hỏi của Tin mừng. Nói mà không lợi dụng tin mừng để mưu cầu cá nhân. Nói mà không trích dẫn Tin mừng để khoe khoang kiến thức. Nói mà không bóp méo Tin mừng để vuốt ve quần chúng. Dù sao Tin mừng vẫn phải được loan báo. Chúng ta hãy xem câu nói của Thánh Phaolô như là của chính mình: "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cr.9,16).
Hôm nay, Chúa cũng trao cho chúng ta những quyền năng như hành trang để lên đường. Đó là quyền rao giảng Tin mừng, quyền trừ quỷ và quyền chữa bệnh.
Chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng với niềm hân hoan của người tìm được viên ngọc quí.
Chúng ta có thể nói về Chúa như nói về một người bạn thân.
Chúng ta có thể xua trừ quỉ bằng cách đẩy lui những thói hư tật xấu.
Chúng ta có thể chữa bệnh bằng cách lau khô những giọt lệ của bao người quanh ta.
***
Lạy Đức Giêsu, mỗi thánh lễ là một bài sai, mỗi bài Tin mừng là một sứ điệp Chúa gởi cho trần gian qua từng người chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ cậy dựa sức riêng mình, nhưng tin tưởng vào quyền năng Chúa mà chu toàn sứ vụ Người đã trao ban. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam