Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 109

Tổng truy cập: 1358185

TRUYỀN GIÁO TRONG THẾ GIỚI ẢO

TRUYỀN GIÁO TRONG THẾ GIỚI ẢO

 

(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Ngày nay không ai phủ nhận sự tích cực của công nghệ thông tin. Con người ngày nay đang tận dụng rất nhiều về công nghệ để giải quyết công việc hằng ngày. Với thời đại hôm nay chỉ cần ngồi một chỗ là có thể làm được mọi thứ từ làm việc đến mua sắm, học tập, giải trí... Đặc biệt là công nghệ đã giúp con người giải quyết tốt các vấn đề việc làm nhờ sự phát triển đa phương tiện.

Tuy nhiên mặt tiêu cực của công nghệ thông tin cũng đưa con người vào một lối sống mới mà người ta gọi là “sống ảo”. Sống ảo là sống không thực với hiện tại, luôn có những suy nghĩ, ý tưởng dựa vào những gì xa vời mà internet mang lại. Với thế giới ảo này người ta cũng dễ phạm tội từ việc bêu xấu, đả kích nhau, lừa tiền, lừa tình... dẫn đến phạm pháp giết người cướp của tràn lan.

Theo số lượng thống kê mới đây nhất của Facebook thì Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng thường xuyên trên Facebook, và con số này còn tăng trưởng mỗi ngày. Như vậy với dân số hơn 90 triệu dân thì 1/3 dân số Việt Nam biết đến mạng xã hội Facebook.

Dù facebook có mặt tốt mặt xấu nhưng thực tế trong thế giới ảo đó hiện đang có số lượng người tham gia rất nhiều. Là người ky-tô hữu chúng ta có bao giờ nghĩ mình phải là gạch nối cho những con người trong thế giới đó biết Thiên Chúa, hiểu Thiên Chúa và sống gắn bó với Thiên Chúa hay không?

Thiết nghĩ đây là cánh đồng truyền mà Chúa đang nhắc nhở chúng ta nếu không nhanh tay gặt hái thì chim trời sẽ tha đi hết. Nếu người ky-tô hữu chúng ta không tận dụng những công nghệ hiện đại để tiếp cận với cánh đồng truyền giáo mênh mông này thì ma qủy sẽ cướp đi biết bao linh hồn. Ngày xưa các nhà truyền giáo phải lặn lội cả hàng tháng trời để tới những vùng sâu vùng xa mong tiếp cận với những người chưa biết Chúa để nói về Chúa cho họ. Ngày nay chúng ta chỉ cần một nút nhấn có thể gởi một thông điệp về Chúa cho hàng ngàn con người trong một giây. Tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội giới thiệu Chúa cho anh em đang khi chúng ta có khả năng để giới thiệu Chúa?

Thánh Gioan Tẩy Giả đã luôn tận dùng mọi thời cơ để giới thiệu Đấng Cứu Thế đến cho mọi người. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông nơi hoang địa hay nơi sông Giordan. Ông tận dụng thời cơ để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng, Ngài đã không tự biểu dương mình. Ngài cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu cho Ngài đến với nhân loại. Nếu con người cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ Ngài thì hãy giới thiệu tình yêu ấy cho nhiều người khác. Nếu con người cảm thấy tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài thì hãy tuyên xưng Ngài cho thế trần. Đây là bổn phận của lòng biết ơn. Đây là cách chúng ta tỏ bày lòng biết ơn của mình với Đấng tạo thành khi đã nhận ơn của Ngài.

Ước gì chúng ta biết noi gương bắt chước thánh Gioan luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong hoang địa hay đường phố. Nơi người thân hay người xa lạ. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin khi mà một lượng người rất lớn đang sống ảo thì một sứ điệp về Chúa rất cần được chúng ta loan tải trên trang cá nhân của chúng ta. Một hành vi tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng chúng ta tin rằng Chúa sẽ làm điều kỳ diệu qua những nỗ lực của chúng ta. Một hành vi tưởng như dã tràng xe cát biển đông nhưng với quyền năng Chúa sẽ cứu rỗi được nhiều linh hồn. Điều quan yếu là ta đã biết tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại để nói về Chúa cho con người hôm nay. Amen.

 

15.Nghề mai mối

(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Chuyện cưới xin ngày xưa ở Việt Nam thường lệ thuộc vào ông mai bà mối. Ông mai bà mối được xem là một nghề. Khi nhà trai muốn kiếm vợ cho con. Họ cần một bà mai để kiếm vợ cho con. Họ nhờ vả bà mai kiếm cho họ một cô con dâu vừa đẹp vừa ngoan. Có khi gia đình nào có con gái đến tuổi cập kê kiếm chồng không ra, hay gọi nôm na là ế chồng thì cũng nhờ đến bà mai. Sở trường nổi bật của bà mai là phải thật dẻo mồm dẻo miệng, nói dở thành hay, mới hy vọng kết mối tơ duyện cho đôi vợ chồng.

Điều hay nơi các bà mai mối thường đóng vai trò con thoi khiêm nhường. Nhiệm vụ của họ chỉ là giới thiệu hai gia đình quen biết nhau, đốc thúc gặp gỡ để hai họ đi đến việc thăm viếng làm quen rồi đề nghị đám hỏi, đám cưới...

Theo thời gian, với cuộc sống hiện đại, khi các mối quan hệ ngày càng mở rộng, toàn cầu, con người sẽ dễ dàng tìm được bạn đời ưng ý, song thực tế, chuyện mai mối vẫn là điều đang diễn ra hàng ngày, chỉ có điều ở hình thức khác, hiện tượng khác hơn và ông tơ bà mối cũng khác hơn ngày xưa.

Có một người bạn tâm sự: “Hôm vừa rồi, mình vừa giới thiệu cô bạn thân với anh bạn đồng nghiệp. Tưởng chỉ làm bạn, ai dè thành đôi đấy. Cũng khá đẹp đôi với nhau. Mà mình cũng mát tay thật. Đây là đôi thứ 3 đấy. Cứ không ngờ mà lại thành thật. Hai đôi trước cưới nhau rồi. Mà toàn là bạn thân thiết của nhau cả. Cũng thấy vui vui vì đã làm được điều có ích”.

Sự khác biệt của ông tơ bà mối ngày nay không còn là một nghề nữa, nhưng nó lại đa dạng nơi mọi thành phần. Có thể là một người bạn, người anh, người chị, thậm chí là một chiếc điện thoại, máy tính cũng thành bà mối tình duyên.

Tình yêu Thiên Chúa đến với con người cũng cần ông mai bà mối. Thiên Chúa cần một ai đó để giới thiệu về tình yêu Chúa cho con người. Thiên Chúa cần một bà mối nói thật hay, sống thật tốt để giới thiệu Chúa cho anh em của mình. Thiên Chúa cần chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em lương dân đang sống bên cạnh mình. Hãy nói về tình yêu của Chúa. Hãy mạnh dạn giới thiệu Chúa đến cho bạn bè, cho đồng nghiệp và cho anh em của mình.

Ngày xưa là thời các nhà truyền giáo làm nghề giới thiệu Chúa, hôm nay không còn các nhà truyền giáo chuyên biệt mà là từng người chúng ta. Mỗi người phải có bổn phận làm ông mai bà mối cho anh em, bè bạn của mình.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng từng là ông mai bà mối cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông. Ông tận dụng thời cơ để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng, Ngài đã không tự biểu dương mình. Ngài cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu cho Ngài đến với nhân loại. Nếu con người cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ Ngài thì hãy giới thiệu tình yêu ấy cho nhiều người khác. Nếu con người cảm thấy tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài thì hãy tuyên xưng Ngài cho thế trần. Đây là bổn phận của lòng biết ơn. Đây là cách chúng ta tỏ bày lòng biết ơn của mình với Đấng tạo thành khi đã nhận ơn của Ngài.

Thế nên, , không phải chỉ Gioan mới được Chúa mời gọi làm người “mai mối” cho Ngài đến với nhân loại. Không phải chỉ Gioan mới có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa, mà tất cả những ai mang danh kitô hữu. Qua bí tích rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho Chúa. Làm chứng bằng lời nói và bằng cả hành động. Hãy mạnh dạn nói về Chúa. Hãy chia sẻ niềm vui làm con Chúa cho tha nhân. Nhất là hãy sống một đời nhân chứng khi biết nói không với tội lỗi, khi biết vượt lên những bon chen tầm thường để chọn Chúa làm gia nghiệp. Và chắc chắn điều mà chúng ta có thể thuyết phục tha nhân tin theo Chúa là hết mình sống vì Tin mừng qua giới luật yêu thương.

Ước gì chúng ta biết noi gương bắt chước thánh Gioan luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong hoang địa hay đường phố. Nơi người thân hay người xa lạ. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Amen.

 

16.Chúa Nhật 2 Thưởng Niên

(Suy niệm của JB. Nguyễn Quốc Tuấn)

BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ TRONG CUỘC SỐNG HÔM NAY

Cuộc sống hôm nay đang đặt ra cho người Kitô hữu rất nhiều chọn lựa: chọn lựa giữa niềm tin vĩnh cửu với sự hấp dẫn kỳ thú của những thành tựu vĩ đại do nền khoa học kỹ thuật tiên tiến mang lại, giữa hành vi buông thả, tự do quá trớn với thái độ đúng mực theo nền tảng luân lý truyền thống, nhất là sự cân nhắc chọn lựa giữa các “thần tượng” trần thế với lời mời gọi lý tưởng đến từ thập giá Đức Kitô… Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta bắt gặp được câu trả lời thỏa đáng cho những chọn lựa ấy. Tin mừng Ga 1, 35 – 42 đã gợi lên cho chúng ta kinh nghiệm đáp trả đích thực của người môn đệ Chúa trước lời mời gọi của Đức Kitô.

1. Tiếng gọi từ thập giá

Gioan Tiền hô đã không giới thiệu Đức Giêsu “với hai người trong nhóm môn đệ” như là vị vua hùng dũng sẽ đem vinh quang cho toàn cõi Israel ở phương diện trần thế, nhưng “là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 36b). Khi nghe biết tước hiệu của Đấng đang “đi ngang qua” là “Chiên Thiên Chúa”, chắc hẳn hai môn đệ của Gioan (Anrê và một môn đệ khác) không khỏi sững sờ và kinh ngạc về vai trò và vị thế của Đức Giêsu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lời giới thiệu của Gioan mở ra bước ngoặt trọng đại có liên quan đến sứ vụ của các ông và toàn nhân loại. Cũng chính trong thời điểm ấy, hai môn đệ của Gioan đã lắng nghe “tiếng gọi từ phía bên trong”, nhắc bảo các ông hãy bước theo Đấng cứu độ đích thật, là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”, “Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1, 33b). Nghiệm thấu điều này, hai môn đệ “liền đi theo Đức Giêsu” với tất cả niềm tín thác và hy vọng về giá máu cứu độ của “Chiên Thiên Chúa”. Hành trình sứ vụ trước mắt các ông là chặng đường đau khổ để minh chứng cho sự chọn lựa đúng đắn của mình vào thập giá Đức Kitô. Với tất cả tình yêu tận hiến, hai môn đệ của Gioan đã trở thành những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu.

Tiếng gọi từ thập giá vẫn vang vọng trong tâm thức của người Kitô hữu hôm nay và với hết thảy những ai đang hướng chiều về Đấng là “Chiên Thiên Chúa” đang “đi ngang qua” đời họ với bao nỗi niềm buồn vui, khổ đau, hạnh phúc… Có khi, dường như ta đã tỏ ra e sợ trước những khổ đau đến từ thập giá. Có lúc, người mang danh kitô hữu lại nhát đảm, thậm chí khước từ, chạy xa khỏi mối dây thông hiệp với cuộc khổ nạn, phục sinh của “Chiên Thiên Chúa” trước những đắng cay, nghiệt ngã của cuộc lữ lành đức tin. Giữa bộn bề, ngổn ngang của bao định hướng, lựa chọn và những áp lực, cám dỗ của lối sống hình thức, tiếng gọi từ thập giá nhiều khi bị chìm lắng và có nguy cơ tan biến trong tâm khảm chúng ta…Hệ quả là, ta phải đứng giữa trăm chiều do dự, lần mò giữa mục tiêu tối hậu với những phương tiện tạm thời, làm cản lối về vinh quang đích thực chỉ có thể tìm thấy nơi thập giá Đức Kitô.

Thái độ đáp trả của hai môn đệ mời gọi ta hãy dứt khoát, can đảm bước ra khỏi lối mờ tối của những lựa chọn và hướng thắng về phía thập giá, ở đó, “Chiên Thiên Chúa” là mẫu hình lý tưởng nhất cho đời ta. Vì chỉ nơi “Chiên Thiên Chúa”, ta mới được biến đổi trong tiến trình hoán cải nội tâm thực sự, nhờ hiệu quả “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận từ ơn này đến ơn khác” (Ga 1, 16).

2. Sống với Đức Kitô

Bước theo Đức Kitô, cũng có nghĩa là chúng ta biết đáp trả cách nhiệt thành và kiên trung trước tiếng gọi từ thập giá. Như hai môn đệ của Gioan, sau khi đã nghe Gioan giới thiệu Đấng “là Chiên Thiên Chúa”, hai ông đã không hề do dự nhưng đã hoàn toàn dứt bỏ lối cũ và nhất mực bước đi theo Người, để sống với Người. Câu hỏi của các ông, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1, 38b), hàm ẩn niềm khát khao kiếm tìm tận căn thân thế và hành động yêu thương của “Chiên Thiên Chúa” khi Người cứu độ nhân loại. Được tình yêu cứu độ thúc bách, các ông đã “đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (Ga 1, 39b). Để từ đây, “hai người trong nhóm môn đệ” của Gioan có thể thông dự vào đời sống thần nhiệm sâu xa và sung mãn của Đức Kitô, nhờ lòng tin và tình yêu tận hiến cho vinh quang thập giá.

Đời sống của người kitô hữu là một tiến trình bền bỉ, liên tục kết hiệp mật thiết và sinh động với sự sống của Đức Kitô. Dấu chứng cho sự kết hiệp này được biểu tỏ qua thái độ hy sinh trao hiến của chúng ta như hệ quả do bởi giá máu cứu chuộc của Con Chiên Thiên Chúa. Dù phải đối diện với những chọn lựa đầy khó khăn, người tông đồ của Đức Kitô hôm nay cũng được mời gọi đáp trả tiếng Chúa qua hành động kiếm tìm và “ở lại” trong tình yêu của Người.

Sống với Đức Kitô là cảm thông, sớt chia và làm triển nở tình yêu cứu độ của Người. Hôm nay, ta không thể “đến xem chỗ Người ở” cách thể lý, nhưng mỗi người chúng ta là thành viên chính thức, được hạnh phúc thông dự vào “Ngôi Nhà” Giáo hội do Đức Kitô thiết lập nên, là chính Nhiệm Thể của Người. Do đó, khi ta chu toàn sứ vụ của một chi thể ngay giữa lòng Giáo hội thì ta cũng đồng thời được kết hiệp với sự sống trọn hảo của Đức Kitô.

Sống với Đức Kitô, là tháp hiệp vào trong từng hơi thở, trong ánh mắt yêu thương, trong mỗi cử chỉ, hành vi trao hiến của Người. Tình yêu của Đấng “là Chiên Thiên Chúa” sẽ hiển trị khi ta biết mở rộng cõi lòng để đón nhận và đỡ nâng biết bao phận người đang bị vùi dập giữa những khổ đau của kiếp nhân sinh. Như Đức Kitô, ta hãy dõi ánh mắt yêu thương về phía hận thù và hãy nói lời thứ tha được khởi phát từ con tim dạt dào Đức ái trong ta. Như Đức Kitô, ta hãy cúi xuống và vực dậy nhân loại hôm nay đang cố rời xa những chuẩn mực nền tảng của Tin Mừng.

Ta hãy “ở lại” với Đức Kitô trong nhiệm tích Thánh Thể, để được thông truyền sự sống và tình yêu tuyệt hảo, nhờ đó, ta có được sức mạnh thần linh để sống chứng nhân cho Người trong cuộc sống hôm nay.

3. Chứng nhân cho Đức Kitô

Theo lời mời gọi của Đức Giêsu, Anrê và người môn đệ ẩn danh không chỉ “đến xem” và “ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1, 39b), nhưng các ông đã báo tin vui cho Si-mon và những người khác: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (Ga 1, 41b). Như vậy, được sống với Đức Giêsu dù chỉ trong khoảng khắc ngắn ngủi của buổi đầu gặp gỡ, các môn đệ đầu tiên đã thấu cảm gương mặt đích thực của “Chiên Thiên Chúa” như lời giới thiệu của Gioan. Các ngài đã được biến đổi thành những tông đồ thực thụ nhờ được “ở lại” trong tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu ấy thúc bách các ngài tiến xa hơn trên hành trình sứ vụ giới thiệu “Chiên Thiên Chúa” cho muôn người, dẫu phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Bước theo Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi trở nên chứng nhân trung thành của Người trước một nhân loại đang tỏ ra lãnh đạm với chân lý và mục tiêu tối hậu. Trong bối cảnh ấy, tiếng gọi từ thập giá vẫn không ngừng âm vọng trong cõi sâu thẳm của con người, kêu mời sự dấn thân quả cảm của những tâm hồn thiện chí cho sự sống và tình yêu của Đức Kitô được trở nên dũng khí linh nhiệm nhằm cảm hóa và biến đổi thế giới này.

Các môn đệ đầu tiên chỉ có thể giới thiệu Đức Kitô cho những người khác sau khi các ông đã “đi theo”, đã “đến xem” và “ở lại” với Người. Chúng ta chỉ có thể trở nên chứng nhân mạnh bạo, can trường của Đức Kitô khi ta đã sống kinh nghiệm thông dự vào tình yêu thập giá cách trọn hảo.

 

17.Ơn gọi

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người; tuy nhiên nếu ai không đáp trả tiếng gọi của Ngài, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương và tiếp tục mời gọi họ theo chương trình yêu thương của Ngài. Thiên Chúa luôn mong muốn và mời gọi mỗi người sống hạnh phúc, không chỉ ở đời sau nhưng ngay đời hiện tại này nữa.

1) Chúa gọi Samuel

Samuel là người con được sinh ra sau khi bà Anna, một phụ nữ hiếm muộn, cầu khẩn Đức Chúa. Người mẹ đã cầu xin Thiên Chúa ban cho mình người con, bà cầu nguyện khẩn thiết đến độ thầy tư tế Hêli tưởng bà say rượu nói nhảm. Sau khi nghe bà trình bày, thầy Hêli chúc lành cho bà, và sau đó bà sinh hạ Samuel. Bà mẹ này đã dâng người con quý cho Thiên Chúa, để Samuel được phục vụ trong nhà Thiên Chúa. Bà Anna nhận ra rằng, tuy Samuel là con bà, nhưng Samuel cũng là người thuộc về Thiên Chúa, là người của Thiên Chúa. Người hiếm muộn dễ nhận ra con cái là quà tặng của Thiên Chúa; họ thường trân trọng và quý món quà Thiên Chúa ban này cách đặc biệt.

Thiên Chúa gọi Samuel. Đầu tiên Samuel cũng tưởng đó chỉ là lời gọi của người phàm. Samuel chỉ nhận ra Chúa gọi mình khi thầy Eli dạy cho cậu biết. Phải chăng tiếng Chúa và tiếng con người cũng có những nét giống nhau, và chỉ con người thân quen với Thiên Chúa hay có kinh nghiệm với Thiên Chúa mới dễ dàng nhận ra? Con người là thể xác và tinh thần, nên để nghe được tiếng Chúa, con người cần nhận ra điều gì đó và xác tín rằng điều này đến từ Thiên Chúa. Thánh Yuse qua giấc mộng, nhận ra đó là tiếng Chúa. Giấc mộng, có thể là trung gian Thiên Chúa dùng để tỏ lộ Ý của Ngài cho con người. Đức Maria được thiên thần truyền tin. Có thể thiên thần lấy hình một người hiện ra cho Đức Maria và nói với Mẹ, nhưng cũng có thể Mẹ Maria nhận ra Ý Thiên Chúa qua những ý tưởng hiện ra trong đầu Mẹ.

Thiên Chúa có chương trình cho Samuel. Ngài có chương trình cho Yuse và Maria. Thiên Chúa có chương trình cho Phaolô (1Cor.1, 1). Thiên Chúa cũng có chương trình cho mỗi người chúng ta, vì Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như yêu chính Đức Yêsu (Ga.17, 23. 20; 15, 9.13). Thiên Chúa muốn chúng ta thuộc về Thiên Chúa, và sống hạnh phúc nhờ và trong Đức Yêsu Kitô (Eph.1, 3tt).

2) Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô

Con người là tạo vật vô cùng quý đối với Thiên Chúa, đến độ Thiên Chúa đã ban chính Con Một Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Con Ngài thì được cứu (Ga.3, 16). Không phải những ai tin vào Con Ngài thì mới được cứu, nhưng những ai tin vào Con Ngài thì qua việc tin vào Con Ngài họ nhận ra sự thật về Thiên Chúa và về chính con người, và qua đó họ được giải phóng (Ga.8, 32) và được cứu.

Cả thân xác con người cũng là quý giá đối với Thiên Chúa. Thân xác của Đức Yêsu đã phục sinh, và cũng vậy thân xác của mỗi người chúng ta. Một số người tưởng rằng chết là hết, hoặc thân xác bị tiêu hủy sẽ vĩnh viễn không còn gì nữa; nhưng dựa vào biến cố Đức Yêsu phục sinh từ cõi chết, và theo sự hiểu biết của thánh Phaolô (1Cor.15), thân xác chúng ta sẽ phục sinh cho dù hiện tại chúng ta thấy thân xác của con người bị tiêu hủy với thời gian. Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Mỗi Kitô-hữu không chỉ phải sống sao cho tâm hồn được tinh tuyền để xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa, nhưng Kitô-hữu còn phải sống sao để thân xác cũng là thánh và thuộc về Thiên Chúa nữa. Với Kitô-hữu, không chỉ linh hồn là quý nhưng cả thân xác nữa.

3) Ơn gọi

Cuối tuần thứ hai trong cuộc Linh Thao, thánh Ynhã Loyola đề nghị người làm Linh Thao chọn lựa bậc sống. Với thánh Ynhã, chọn lựa bậc sống gia đình hay “dâng hiến” không phải là mình thích bậc sống nào thì mình chọn bậc sống đó, nhưng là nhận ra Thiên Chúa muốn mình sống bậc sống nào thì mình sẽ “chọn” bậc sống đó.

Xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi người. Nên nếu Thiên Chúa muốn ta sống ở bậc sống nào, thì bậc sống đó (dù gia đình hay dâng hiến) sẽ giúp ta triển nở và hạnh phúc nhất. Như vậy, để nhận ra Thiên Chúa muốn mình sống ở bậc sống nào, hãy xem bậc sống nào làm mình triển nở và hạnh phúc thật. Đời sống gia đình không kém giá trị hơn đời sống dâng hiến. Đời sống nào giúp tôi sống triển nở và hạnh phúc, thì đó là bậc sống Thiên Chúa muốn tôi sống, và đó là bậc sống tốt nhất đối với tôi. Nếu Chúa muốn tôi sống đời gia đình, thì bậc sống gia đình là tốt nhất đối với tôi; nếu Chúa muốn tôi sống đời “dâng hiến,” thì đời sống dâng hiến là đời sống tốt nhất đối với tôi, vì nơi bậc sống này tôi được triển nở và hạnh phúc, và như vậy Thiên Chúa được tôn vinh nơi tôi.

Các tông đồ và thánh Phaolô, một khi biết Đức Yêsu, đã dâng hiến cả cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Các tu sĩ trong dòng lịch sử, đã hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và con người. Những người có gia đình muốn phục vụ Thiên Chúa cách đặc biệt, chẳng hạn nơi trách vụ phó tế vĩnh viễn, cần có sự đồng ý của người phối ngẫu, vì các vị này phải có trách nhiệm đầu tiên với gia đình, nên để có thời gian và sức lực phục vụ tha nhân, cần sự đồng ý của người phối ngẫu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Xin bạn cho biết những nét đẹp của đời sống gia đình.

2. Xin bạn liệt kê những nét đẹp của đời sống dâng hiến (đời sống tu trì).

3. Theo ý riêng của bạn, đời sống nào giúp bạn triển nở và hạnh phúc hơn?

 

home Mục lục Lưu trữ