Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1364268

TỪ CHỐI

Từ chối – Lm. Vũ Đình Tường

Kinh nghiệm bị từ chối ai cũng có. Ai cũng có lần bị từ chối và cũng có lần từ chối người khác. Ta vừa là nạn nhân vừa là người gây tổn thương cho người khác. Dù là gì chăng nữa thì cũng có lí do biện hộ cho hành động của mình. Khi bị chối từ như thế nhẹ nhàng thì bỏ qua rồi quên bẵng trong chốt lát; nặng thì để nó đeo sau lưng thời gian ngắn và nặng nhất là ôm ấp ủ nó trong lòng. Sung sướng gì khi phải ôm đá tảng trong lòng, ngày đêm sầu khổ. Điều rõ ràng từ chối hay bị từ chối là một thực tế trong cuộc sống, không ai tránh khỏi. Đau buồn do bị từ chối gây nên là điều không thể tránh. Có khác chăng là người đau buồn nhiều và dai dẳng hơn trong khi lại có người đau buồn ít và cũng để cho cho qua mau hơn. Người để cho đau buồn đến và đi nhanh là người có tinh thần cởi mở và khiêm nhường. Chính cởi mở và khiêm nhường giúp học biết đau thương vì bị từ chối có giá trị tích cực riêng của nó. Khi nhận biết giá trị tích cực của từ chối là biết đón nhận điều lợi ích cho bản thân. Người đó dùng kinh nghiệm trên để xét mình, tự tìm hiểu và sát hạch chính mình từ đó rút ra kinh nghiệm riêng biệt, làm giầu gia tài kinh nghiệm thực tế, sống động cho tương lai. Trái lại, không chấp nhận chỉ trích, từ chối là tự làm cho vấn đề trầm trọng hơn và từ những suy nghĩ trong đầu làm cho vấn đề đáng chán ghét trở nên kinh tởm hơn.

Kinh nghiệm của những kẻ mong trả đũa cho thấy họ đau khổ, mất bình an. Phúc âm thuật lại Đức Kitô sai các sứ giả của Ngài đi loan báo tin Ngài đến làng của người Samaritanô. Khi nghe tin này dân làng không muốn đón tiếp các sứ giả tỏ thái độ bực dọc vì bị từ chối. Để trả đũa cho sự việc các ông xin cho lửa trời xuống thiêu rụi, giết chất dân trong thành. Trước thái độ hằn học trả đũa của các sứ giả Đức Kitô đã nghiêm cấm các ông không được hành động lỗ mãng đồng thời Thầy trò đi sang làng khác Lk 9,54

Điều may mắn người được sai đi không phải là các môn đệ mà là những sứ giả. Những vị này đã tin theo Đức Kitô, nghe Ngài giảng dậy, mong trở thành môn đệ chân chính. Tin và theo Đức Kitô chưa đủ biến các ông thành người môn đệ chân chính bởi vì tin và theo chưa biến đổi tâm hồn và trái tim các ông. Người môn đệ chân chính là người cần có tâm tình của Đức Kitô, cần có trái tim của Đức Kitô. Khi nào có được trái tim sẵn sàng tha thứ, yêu thương mới là môn đệ thực thụ, ngoài ra thì còn phải học rất nhiều.

Để giúp các ông tránh khỏi nơi thị phi Thầy trò lánh sang làng khác. Bước khỏi nơi thị phi thì hoàn cảnh và vật cảnh chung quanh thay đổi dẫn đến thay đổi tâm tình. Ra khỏi chốn thị phi chỉ là cách giải quyết tức thời. Để giải quyết vấn đề tận gốc rễ Đức Kitô giáo huấn các ông nếu người ta từ chối đón nhận thì đi nơi khác, không cần phải tức tối, bực dọc. Thực tế cuộc đời là thế luôn có người từ chối lại cũng luôn có người đón nhận. Tìm chưa đúng nơi, đúng chỗ, đúng người thì không cần bực dọc.

Chính Đức Kitô cũng có nhiều kinh nghiệm bị từ chối. Phúc âm hôm nay cho thấy cả ba người muốn đi theo Ngài nhưng cả ba đều có những lí do riêng và điều kiện kèm theo. Đức Kitô không chấp nhận điều kiện kèm theo cho việc phục vụ Tin Mừng. Bao lâu ngưòi ta chưa coi việc rao giảng Tin Mừng quan trọng hơn tất cả mọi sự thì việc đi theo vẫn là nửa vời. Để được tâm tình ưu tiên rao giảng Tin Mừng việc đầu tiên là cần bỏ chính mình, ý riêng mình và lối sống quen thuộc, thay vào đó là tâm tình cởi mở, khiêm nhường, dấn thân, tha thứ và học nơi Đức Kitô. Không cần học nơi ai khác.

 

60. Đồ bỏ – Lm. Vũ Đình Tường

Chúng ta sống trong thời đại tạm gọi gọi là phí của bởi vì các hãng sản xuất chủ trương làm sản phẩm có giới hạn thời gian. Sau thời gian ấn định máy móc tự nó hư hỏng. Mua được bộ phận thay thế đã khó, tiền công sửa tốn gần bằng mua máy mới vì thế thảy nó vào thùng rác là khôn hơn cả. Những quốc gia tiên tiến trở thành những thùng rác lớn. Người ta sống trong bãi rác, trên bãi rác vì nhà nào cũng có thùng rác lớn nhỏ trong nhà, ngoài ngõ.

Có lẽ xài xong rồi dục xuất phát từ những nhà thời trang. Mùa đông bắt đầu người ta chuẩn bị quảng cáo bán đồ mùa hè và cứ thế nối tiếp nhau hết mùa này sang mùa khác. Cạnh tranh thương mại, sản phẩm rẻ, hàng hoá trưng bày bắt mắt là một cám dỗ lớn với người có khả năng mua sắm. Cám dỗ lớn hơn nữa là cách chưng diện trên người, dấu chỉ của người theo kịp thời đại. Người ta nhìn nhau, định giá trị con người bằng những thứ chưng diện trên người. Hàng hoá mới có mặt trên thị trường bao giờ cũng đắt đỏ. Người có khả năng quàng nó lên người trước thiên hạ ngấm ngầm hãnh diện. Họ là những người đáng thương đói khát lời khen, tâng bốc của người khác. Dấu chỉ của một nội tâm yếu kém.

Mua sắm trở thành nhu cầu của một vài giới và vì mua nhiều nên cần phải thải bớt dành chỗ cho đồ mới mua. Đồ bỏ không phải là hư hay dở mà là lỗi thời nên cần loại bỏ. Chạy theo thời trang trở thành lối sống mới và lối sống đó ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm linh. Canh tân nhà cửa bằng cách dục bỏ đồ cũ trong nhà và thay bằng những thứ mới. Nhiều nhà ngày nay coi treo hình tượng ảnh Chúa và các thánh là lỗi thời. Gia đình không có dấu chỉ đức tin hay biểu tượng đức tin quanh nhà. Bên ngoài như thế đời sống nội tâm cũng không kém. Từ bỏ nhà thờ, từ bỏ kinh sáng tối và thay vào đó là những chương trình vui nhộn khác. Nghèo khổ, đói khát tâm linh nên chạy theo những xu nịnh, lời khen, nịnh hót bên ngoài mà muốn có những điều đó thì cần phải khoe ra để người biết mà ca tụng.

Có người cho rằng đức tin Kitô giáo là sản phẩm của khối óc. Mà là sản phẩm nên có lúc hết hạn, hết thời nên cần phải bỏ. Đức tin Kitô giáo được coi là hàng thời trang. Thời trang nào cũng có thời, thích hợp cho một số nên bỏ khi không còn cảm thấy thích hợp. Đức tin Kitô giáo trở thành thứ yếu khi người ta quá chú trọng bề ngoài, coi thường, lơ là nhu cầu tâm linh. Đức tin Kitô giáo là sản phẩm của khối óc. Đây không phải là óc của nhân loại mà là óc của Con Thiên Chúa giáng trần. Đó là sản phẩm của tình yêu Thiên Chúa. Một tình yêu vị tha, không vị lợi có giá trị bất biến, có giá trị đời đời. Đức tin Kitô giáo không phải là thời trang mà là nhu cầu của tâm tinh, giúp sống an vui, hạnh phúc. Tâm hồn an vui tìm bình an nội tâm mà không quá chú trọng đến vật chất bề ngoài, lời khen chê, bình phẩm.

Đức Kitô nhắc nhở chúng ta cần loại bỏ, vất vào thùng rác những gì nguy hại cho đức tin. Không dính bén đến những gì cản trở mến Chúa, yêu người. Cần loại bỏ ngay người hay những vật mình yêu mến nếu chúng ngăn cản ta đến với Chúa. Điều căn bản cần giữ là tình yêu Chúa thể hiện qua đức ái. Hãy mặc lấy tâm tình yêu thương nơi Thiên Chúa và làm cho tình yêu đó sống động mãnh liệt trong cuộc sống qua. Chân lí thực và lợi ích tích cực đức tin mang lại giúp ta sống an vui, tự tại.

 

61. Xiềng xích.

Dostoyevsky chỉ mới 20 tuổi khi ông viết cuốn sách đầu tiên nhan đề Người Nghèo. Cuốn này đạt được thành công lớn. Ông đã mau chóng trở thành nổi tiếng. Sự tâng bốc này có thể dẽ dàng làm ông trở nên ngông cuồng nhưng cũng do sự kiện ấy, không bao lâu sau, ông đụng chạm với chính quyền. Bị buộc tội một cách sai lầm là một người vô chính phủ, ông bị bắt giữ và cùng mấy người khác bị kết án tử hình. Tuy nhiên, bản án giảm xuống thành án tù và cùng với các bạn, ông bị đày đến Xibêri. Dostoyevsky trải qua bốn năm lạnh lẽo ở đó. Mười năm trôi qua trước khi ông cầm bút trở lại.

Kinh nghiệm ấy, thay vì làm ông cay cú và tàn phá đời ông, đã làm ông phong phú rất nhiều. Giờ đây, ông đã có mười năm đau khổ để rút tỉa sức mạnh và quyền bính cao cả. Bất cứ lúc nào có người đến gặp ông và nói: “Ông lấy quyền gì để nói thay cho dân chúng?” Thì ông chỉ việc kéo ống quần cao lên và chỉ cho người ta thấy những vết sẹo mà xiềng xích còn để lại. “Đây là quyền của tôi” ông nói. Và những người đã hỏi ông phải im lặng.

Đối với những người tỏ vẻ ái ngại về mọi đau khổ mà ông đã chịu đựng, ông nói “Nhà tù đã cứu tôi. Vì có nhà tù, tôi đã trở thành một con người hoàn toàn mới. Xibêri và sự giam giữ đã trở thành một niềm vui to lớn đối với tôi. Chỉ ở đó, tôi mới có thể sống một đời sống thanh khiết và hạnh phúc. Chỉ ở đó, tôi mới nhìn thấy mình rõ ràng và đó là nơi tôi học biết Đức Kitô. Đó là một trường học tốt. Nó làm đức tin tôi mạnh mẽ và làm tỉnh thức lòng yêu thương những người phải chịu đau khổ với lòng nhẫn nại. Nó cũng làm mạnh mẽ tình yêu của tôi đối với nước Nga, và mở mắt tôi để tôi thấy những phẩm chất cao cả của dân tộc Nga”.

Phaolô cũng khoe mình về lòng tin của một môn đệ Đức Kitô. Ông cũng bị giam cầm và buộc phải mang xiềng xích (Bài đọc 2). Điều này đã cho ông quyền bính khi ông nói về việc đi theo làm môn đệ Đức Kitô.

Khi các thanh niên đến gặp mẹ Têrêxa và bày tỏ ước muốn gia nhập cộng đoàn, mẹ không giấu giếm những việc mà họ sẽ phải tham gia. Mẹ nói: “Công việc của chúng tôi rất nặng nhọc. Chúng tôi phục vụ người nghèo và người không nhà hai mươi bốn giờ mỗi ngày”.

Cùng một cách ấy, Đức Giêsu đã không giấu giếm những khó khăn, gian khổ và hy sinh mà Người đòi hỏi nơi những ai đi theo Người. Bằng những lời lẽ rõ ràng. Người nói với họ rằng công việc đó không dễ dàng gì. Vì thế sau này họ không thể than phiền: “Ôi, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng nó lại như thế này”.

Có cái gì đó giống như lòng can đảm của người mù. Nhưng Đức Giêsu không biện hộ cho điều đó. Thật vậy, Người làm cho người ta nản lòng. Người nói, khi đi theo Người phải suy xét với lương tri, với sự thận trọng, tính toán cái giá phải trả, nhận định xem mình có thể đảm nhận được việc gì.

Việc quan trọng nhất khi bắt đầu là tự biết mình. Chúng ta không thể đảm nhận công việc vượt quá khả năng của mình. Dĩ nhiên, chúng ta không biết trước mình có khả năng gì. Chúng ta có thể đánh giá cao hoặc đánh giá thấp chính mình. Và chúng ta cần có thách đố để điều tốt nhất trong chúng ta xuất hiện.

Chúng ta có thể rút ra từ gương sáng của các tông đồ một sự khích lệ. Tin Mừng cho chúng ta thấy họ phải chiến đấu ở mọi điểm để tin theo Đức Giêsu. Tuy nhiên, Người không loại bỏ họ. Và rõ ràng họ đã học hỏi từ những sự thất bại của họ. Chỉ sau khi Đức Giêsu từ sự chết sống lại, họ mới thật sự là những môn đệ của Người.

Khi nhìn vào các tông đồ, chúng ta khám phá sự bất toàn của chúng ta. Tin Mừng ban niềm hy vọng cho những Kitô hữu thất bại. Sự sám hối và một cơ may thứ hai luôn luôn có thể có. Đức Giêsu bằng ân sủng của Người, Người luôn luôn quảng đại với những người cố gắng đáp lại lời kêu gọi của Người.

 

62. Môn đệ Đức Giêsu- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Ai cũng được mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu, nhưng không phải ai cũng là môn đệ Ngài. Để trở thành môn đệ của Chúa, phải chọn Thiên Chúa và từ bỏ những gì trái với Ngài.

Từ bỏ chính mình

Đám đông đi theo Đức Giêsu, nhưng không phải tất cả là môn đệ của Ngài: “nếu ai đi theo tôi mà không từ bỏ chính mình, thì không thể theo tôi được”.

Từ bỏ chính mình, là cách nói khác của thái độ chọn Chúa trên tất cả. Không có sự trái nghịch giữa giữa việc đi theo Chúa và đạo hiếu, vì giới răn thứ tư Chúa dạy: “thảo kính cha mẹ”; nhưng giả như cha mẹ hay bất kỳ ai đó có những đòi hỏi trái với luật Chúa, thì phải chọn Thiên Chúa trên tất cả. Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nhưng muốn con người được sống và sống hạnh phúc với Thiên Chúa; nhưng giả như có trường hợp phải chọn giữa Thiên Chúa và mạng sống mình, chẳng hạn như trường hợp bách hại đạo, thì phải chọn Thiên Chúa trên cả mạng sống mình.

Chọn Chúa trên tất cả, sẽ được tất cả. Chọn Chúa, là yêu thương cha mẹ thật sự, là giữ đạo hiếu tuyệt hảo. Thí dụ, cha mẹ của một ai đó ép con mình lấy người nó không yêu không thương; thì theo đạo hiếu “thiển cận”, người con phải vâng lời lấy người cha mẹ muốn; nhưng nếu chỉ một thời gian ngắn sau cha mẹ người đó chết mà người con phải sống khổ cả đời vì đã vâng lời cha mẹ lấy người mình không thương yêu, thì nếu cha mẹ người đó biết con mình không sống hạnh phúc, chắc cha mẹ đã không ép con mình làm như vậy; nên trong trường hợp này không làm theo ý cha mẹ, là có hiếu hơn nghe theo lời cha mẹ. Nói như vậy, không có nghĩa là coi thường ý kiến của cha mẹ về vấn đề hôn nhân cho con cái. Con cái phải trân trọng ý kiến của cha mẹ, vì thường cha mẹ chỉ muốn cho con cái mình hạnh phúc; nhưng giả như có trường hợp khác, thì phải chọn Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn tôi làm điều đúng, và Ngài muốn tôi sống hạnh phúc.

Chấp nhận chính mình

“Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi”. Con người, ai cũng có những giới hạn.

Chẳng hạn, một người không được thông mình như chúng bạn mình, một người không đẹp như bạn mình, một người có một tật nào đó về thể lý hoặc tinh thần. Nếu con người không chấp nhận chính mình, luôn càm ràm Thiên Chúa “tại sao Chúa dựng nên con xấu như vậy, tại sao con lại không được thông mình bằng người khác, tại sao răng của con như vậy, tại sao mắt của con như vậy,…”, muốn làm “tài khôn” cho Chúa, thì người đó không thể làm môn đệ của Chúa được. Chấp nhận con người mình, chấp nhận những giới hạn của mình, đó là vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu. Chấp nhận con người mình như mình là, đã là vượt qua chính mình và nên thánh từng ngày rồi. Phaolô cũng có một cái dằm đâm vào xác thịt, và ngài đã ba lần xin Chúa cất cái dằm đó khỏi mình, nhưng Thiên Chúa phán “ơn ta đủ cho con” (2 Cor.12, 7-9).

Chấp nhận chính mình, là chấp nhận để Thiên Chúa làm tất cả những gì Ngài muốn trên mình. Đó là thái độ cần thiết để một người có thể sống hạnh phúc trên trần gian này. Nếu ai không hài lòng với chính mình, không nhận ra được gì hay nơi con người mình để tạ ơn Chúa, thì thật bất hạnh cho người đó.

Chấp nhận tha nhân trong yêu thương

Thiên Chúa là nhất đối với Phaolô. Con người là một giá trị tuyệt vời đối với Thiên Chúa và đối với con người. Trở nên con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, là một hồng ân vô cùng lớn mà không gì có thể so sánh và mua được.

Onesimus, người nô lệ của Philemon đã được ơn trở lại qua Phaolô. Phaolô chấp nhận Onesimus như một người với tất cả giá trị của con người, cho dù người đời có phân biệt nô lệ và tự do. Phaolô mời gọi Philemon, người môn đệ của mình, nhận ra và chấp nhận phẩm giá của Onesimus, và đối xử với Onesimus, người nô lệ của mình, như người anh em trong Chúa. Để làm được điều này, Philemon phải chọn Chúa trên hết, coi trọng người tông đồ đã rao giảng Lời Chúa cho mình, đặt nhẹ lợi lộc trần gian, và nhận ra giá trị đích thực của con người không tựa vào nô lệ hay tự do theo kiểu trần thế.

Chọn Thiên Chúa trên tất cả, chấp nhận con người của mình như mình là, từ bỏ tất cả thậm chí cả bản thân mình, là điều kiện của người môn đệ Đức Giêsu. Xin cho chúng ta được ơn trở thành môn đệ Đức Giêsu trong cuộc sống.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Có sự xung đột giữa những bổn phận đối với Thiên Chúa, cha mẹ và vợ chồng không? Xin bạn cho thí dụ và chia sẻ cái nhìn của bạn?
  2. Bạn có đồng ý với quan điểm “chọn Thiên Chúa trên tất cả, sẽ được tất cả” không? Đâu là quan điểm của bạn?
  3. Liệu con người có thể từ bỏ chính mình được không? Tại sao?

 

63. Đường dễ đi là ngõ cụt.

Chúng ta thường gặp thấy người khác và cả chính chúng ta vẫn thường tìm cách để làm việc sao cho dễ dàng. Ở tại thành phố Honolulu, ở tiểu bang Hawaii, nếu các bạn đi xa lộ Pali, và đi cho đến đèo Pali, và rẽ vào con đường Park, đi thêm một chút nữa, các bạn sẽ gặp con đường với cái tên là Easy Street. Thế nhưng, nếu bạn đi thêm một tí nữa sẽ là ngõ cụt.

Trong bài Phúc Âm hôm nay cũng như ở nhiều chỗ khác, Chúa Giêsu cảnh cáo với chúng ta rằng nếu chúng ta đi tìm con đường dễ dàng để theo Ngài thì chúng ta sẽ bắt gặp ngõ cụt. Nếu chúng ta muốn theo Ngài, chúng ta phải vác thánh giá mình hằng ngày. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải biết trước cái giá phải trả (Lc 14:27-28).

Khi một người thanh niên và thiếu nữ đứng trước bàn thờ để tuyên lời thề hứa hôn nhân, họ đồng ý là sẽ chung sống yêu thương nhau suốt đời. Họ thề hứa là sẽ yêu nhau cho đến chết. Nếu đó là một cuộc hôn nhân tốt thì cả hai sẽ nên một và mối tình của họ sẽ khắng khít với nhau mãi. Tuy nhiên, thường xảy ra là sau những tuần trăng mật, thì là những chuỗi ngày buồn chán. Cả hai bắt đầu nhận ra rằng sống chết với nhau phải trả một cái giá rất đắt.

Một đứa bé đi nhà thờ với mẹ của nó. Hôm đó, vị giảng thuyết hùng hồn nhắc đi nhắc lại một đề tài đó là “Thế nào là một người Kitô hữu?” Mỗi lần nhắc đến câu này là tay ông vung lên và đập xuống giảng đài. Thằng bé thấy vậy run run thì thầm hỏi mẹ nó, “Mẹ ơi, mẹ có biết câu trả lời không?” Mẹ nói trả lời, “Biết chứ, nhưng giữ thinh lặng đi con.” Sau đó một vài phút, vị giảng thuyết lại hùng hồn cất tiếng và vung tay lên và đập xuống giảng đài, thằng bé sợ quá, liền la lên, “Nói cho ổng biết đi mẹ ơi, nói cho ổng biết đi!”

Thế nào là một người Kitô hữu? Chúng ta có thể trả lời là một người đã được rửa tội trong đức tin; người tin một Chúa tạo dựng nên trời đất; người tin rằng Thiên Chúa yêu thương con người quá đỗi và đã ban Con Một Mình để cứu chuộc; Kitô hữu là một phần tử của cộng đoàn dân Chúa tụ họp để cầu nguyện nhân danh Chúa Kitô để ngợi khen, cảm tạ, chúc tụng, cầu xin Chúa; Kitô hữu là một người tin rằng qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho dân Ngài quyền năng và sức mạnh và giáo huấn để họ có thể nhận biết Ngài.

Đó là một danh sách không diễn tả hết nổi câu hỏi thế nào là một Kitô hữu, nhưng ít ra nó cũng cho chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa ta với Chúa Kitô theo nghĩa của tuần trăng mật. Tiếp theo sau đó, người Kitô hữu phải biết rằng họ phải trả một cái giá rất cao để vâng lời của Chúa Giêsu truyền dạy, “Yêu thương kẻ thù!” (Gn 15:12).

Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác, chúng ta tụ họp lại nơi đây để trả lời cho câu hỏi, “Thế nào là một Kitô hữu?” Chúa Nhật này đến Chúa Nhật khác, nhiều người chúng ta đến đây để liếc nhìn Sự Sống mới của Chúa Kitô, mà không mấy tích cực đi sâu vào. Thật là một điều đáng tiếc cho chúng ta khi nhìn thấy những cái tuyệt hảo như thế mà lại không biết đón nhận và làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú.

Chúa Giêsu đã phán rằng nếu chúng ta muốn Sự Sống Mới thì chúng ta phải biết yêu thương nhau. Điều đó chẳng hệ chi nếu chúng ta yêu thương những kẻ đáng yêu. Tuy nhiên, khi chúng ta phải đối diện với những áp lực nặng nề là yêu thương kẻ không đáng yêu, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình, tha thứ cho kẻ thù mình, thì chính là lúc mà tuần trăng mật đã chấm dứt. Đó chính là lúc mà chúng ta phải trả cái giá vác thánh giá và từ bỏ chính mình để theo Chúa Giêsu.

Có lẽ các bạn mong muốn nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hoặc nhìn về tương lai để xem mình đang đi đâu. Tuy nhiên, nếu các bạn còn chưa nhìn vào giây phút hiện tại, nếu các bạn thấy mình còn chưa có vác thánh giá và yêu thương kẻ thù mình, thì các bạn chưa bắt đầu sống sống đời Kitô hữu.

Nếu các bạn thật sự muốn cho mối liên hệ của mình với Chúa Kitô được mật thiết, sâu xa hơn, thì các bạn hãy nghĩ đến một người nào đó mà các bạn không ưa thích và làm một điều gì tốt cho người đó. Tuần tới khi các bạn đến đây, các bạn hãy báo cáo cho Chúa Giêsu biết kết quả. Khi kể lại bản báo cáo đó, bạn hãy chia sẻ với Ngài niềm vui được thoát khỏi con đường ngõ cụt.

 

64. Vác thập giá mình mà đi theo Đức Giêsu- JKN.

Câu hỏi gợi ý:

  1. Muốn làm môn đệ Chúa, phải từ bỏ tất cả (kể cả cha mẹ, và những người thân yêu nhất). Từ bỏ như thế thì làm sao sống được trên đời? Làm sao tránh được tiếng bất hiếu, vô tình vô nghĩa? Cần phải hiểu hai chữ “từ bỏ” theo nghĩa nào?
  2. Tại sao Đức Giêsu lại yêu cầu những người theo Ngài phải lượng sức mình: có từ bỏ tất cả mọi sự được thì hãy theo, không thì thôi?
  3. Không lượng sức mình mà cứ theo Chúa, thì đã sao? Có tai hại gì đâu? Khối người theo Chúa có phải từ bỏ gì đâu, họ còn được thêm là đằng khác?

Suy tư gợi ý:

  1. Muốn làm môn đệ Chúa, phải từ bỏ tất cả

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói lên một cách quả quyết, rõ ràng và dứt khoát là: muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả: người, vật, ý riêng, thậm chí những người thân yêu nhất như cha mẹ, vợ con, và ngay cả bản thân hay mạng sống mình nữa. Sự rõ ràng và dứt khoát ấy trở nên rất rõ nét nhờ hai dụ ngôn về một người muốn xây nhà và một ông vua muốn chiến đấu. Muốn xây nhà thì phải dự tính xem có đủ tiền không, kẻo đang xây dở dang mà hết tiền, thì sẽ không có nhà ở! Hai dụ ngôn này nhấn mạnh rằng nếu có ý định theo Chúa, thì cần phải lượng sức mình trước, xem mình có thể từ bỏ được như Chúa đòi hỏi không. Nếu không được, thì hãy từ bỏ ý định theo Chúa, kẻo sau đó bị dở dang “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”, lỡ việc, lỡ cả cuộc đời, và có thể lỡ cả đời sau.

  1. Cần phải hiểu “từ bỏ” theo hai nghĩa

Khi Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài phải từ bỏ, điều ấy không có nghĩa là những kẻ theo Ngài luôn luôn phải rời xa cha mẹ, vợ con, và sống như người không có gì. Hiểu theo nghĩa đen như thế không hẳn là sai, nhưng chỉ đúng với ơn gọi của một số ít người. Từ bỏ ở đây nên hiểu theo nghĩa tinh thần nhiều hơn. Nghĩa là người theo Chúa cần phải có tinh thần từ bỏ. Có tinh thần từ bỏ là luôn luôn coi Chúa và những việc của Chúa là quan trọng hơn tất cả mọi sự khác, nên sẵn sàng hy sinh những cái không quan trọng cho cái quan trọng khi thực tế đòi buộc như vậy. Từ bỏ không phải là không quí những điều mình từ bỏ, mà là không quí bằng một cái khác quí hơn, nên sẵn sàng hy sinh cái quí nhỏ cho cái quí to. Mạng sống, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn… đều là những thứ mà người theo Chúa phải quí trọng, thậm chí rất quí, nhưng đối với người theo Chúa, thì phải coi tất cả những thứ đáng quí ấy không quí bằng việc thực hiện Nước Thiên Chúa.

Và khi đã có tinh thần từ bỏ, thì tinh thần ấy sẽ được thể hiện thành hay hành động từ bỏ. Nếu những hành động từ bỏ không phát xuất từ tinh thần từ bỏ thì không có giá trị lắm. Tuy nhiên, nếu tinh thần từ bỏ mà không được thể hiện thành những hành động từ bỏ cụ thể, thì chắc chắn đó không phải là tinh thần từ bỏ đích thực.

  1. Phải lượng sức mình khi theo Chúa

Có thể Chúa không đòi hỏi tất cả mọi người phải có tinh thần từ bỏ như thế. Nhưng Ngài đòi hỏi những ai theo Ngài phải có tinh thần ấy. Vì thế, trong hai dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa yêu cầu những ai theo Ngài phải lượng sức mình xem mình có thể có được tinh thần từ bỏ như vậy không. Nếu không có, thì đừng theo Ngài, Ngài không trách phạt những người bình thường nếu họ không có tinh thần ấy. Nhưng Ngài sẽ trách phạt những ai theo Ngài mà lại không có tinh thần từ bỏ ấy. Chính vì thế, mà cần phải lượng sức mình kẻo có hại cho sự phát triển hay vinh quang của Nước Chúa, đồng thời cho chính bản thân mình.

Rất tiếc là tinh thần từ bỏ này chưa được đặt nặng đúng mức nơi những người mang danh là theo Chúa. Trong nhiều Giáo Hội địa phương, những người mang danh theo Chúa lại được nhiều đặc quyền đặc lợi hơn những người bình thường (được hết sức kính trọng vì danh nghĩa là người theo Chúa chứ không vì tài đức bản thân, dễ dàng có quyền hành, địa vị, chức tước, tiền bạc hơn người bình thường…) Vì thế, có biết bao người theo Chúa vì những động lực trần tục ấy. Theo Chúa, thay vì từ bỏ hay mất đi nhiều thứ mình đang có, thì lại có thêm hay chiếm hữu được nhiều thứ mình chưa có. Do đó, với tinh thần chiếm hữu thay vì từ bỏ, những người mang danh theo Chúa ấy không thể thực hiện được những bổn phận hay trách nhiệm mà những người theo Chúa phải gánh vác trong những hoàn cảnh cụ thể mà Nước Chúa đòi buộc (chẳng hạn phải tranh đấu cho người nghèo, cho người bị áp bức, chống lại sự ác, bất công…) Họ không dám từ bỏ, không dám dấn thân, không dám hy sinh trong những việc đòi hỏi họ phải chấp nhận nguy hiểm đến mạng sống, đến sự an toàn bản thân, đến danh dự, đến quyền lợi… Đương nhiên họ vẫn có thể hy sinh trong những việc nhỏ, miễn sự hy sinh ấy đừng lớn hơn cái lợi trần gian họ đạt được. Cũng như một người đi buôn sẵn sàng hy sinh tiền bạc, công sức để thu vào một cái lợi lớn hơn.

Những người theo Chúa kiểu ấy sẽ rất bỡ ngỡ vào ngày sau hết, khi Chúa bảo họ: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13,27). Và lúc ấy họ sẽ lên tiếng thắc mắc: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26). Hoặc “Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” (Mt 7,22). Chính vì thấy trước viễn tượng ấy, mà Đức Giêsu đã yêu cầu những ai muốn theo Chúa phải lượng sức mình. Nếu không thể từ bỏ mọi sự được như thế (nên hiểu theo nghĩa tinh thần), thì nên rút lui sớm kẻo vừa hại cho Nước Chúa vừa hại cho phần rỗi của mình.

  1. Một đề nghị

Trong các Giáo Hội Á châu, việc Giáo Hội khuyến khích giáo dân tôn kính và dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho những người theo Chúa có rất nhiều điều hay, nên làm, nhưng thiết tưởng cũng nên ý thức và quan tâm tới mặt trái của nó để hành xử cho khôn ngoan. Sự tôn trọng của giáo dân và những đặc quyền đặc lợi mà Giáo Hội dành cho những người theo Chúa có thể khiến cho những Ki-tô hữu không có tinh thần siêu nhiên, sẽ theo Chúa không phải vì Chúa, vì Giáo Hội hay các linh hồn, mà vì một động lực trần tục.

Thật vậy, nếu những ai mang danh theo Chúa mà lại được tôn kính, trọng vọng một cách mặc nhiên bất chấp họ có xứng đáng hay không; nếu những điều kiện sinh sống của họ cũng mặc nhiên trở nên dễ dàng gấp bội so với những giáo dân bình thường chỉ vì họ mang danh hiệu đó mà thôi, thì việc mang danh theo Chúa sẽ trở nên rất hấp dẫn đối với những ai thiếu tài đức nhưng lại ham muốn trèo cao và muốn có điều kiện sống dễ dàng hơn mọi người mà đỡ vất vả. Nếu những điều kiện để được mang danh là theo Chúa lại dễ dàng hơn những điều kiện để mang những danh hiệu khác ngoài đời, thì số người “muốn theo Chúa” với động lực trần tục sẽ đông lên gấp bội. Điều ấy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng của những người mang danh theo Chúa. Nếu những người theo Chúa vì động lực trần tục chiếm đa số, thì thật là tai hại cho Giáo Hội. Họ sẽ không thể dấn thân thật sự cho Giáo Hội khi Giáo Hội cần đến sự dấn thân ấy. Giáo Hội sẽ đầy gương xấu đến từ giới được coi là ưu tú nhất, và bị đình trệ không phát triển được. Và những người muốn theo Chúa thật sự (chiếm thiểu số) sẽ nản lòng và sẽ chẳng hoạt động hữu hiệu được, thậm chí sẽ không muốn vào, mà lại muốn ra khỏi hàng ngũ ấy để … khỏi bị thiên hạ đánh giá kiểu “cá mè một lứa”!

Vì thế, những người hữu trách trong Giáo Hội nên tìm cách tránh cho Giáo Hội tình trạng đồ giả lan tràn như ngoài đời. Làm đồ giả vừa thực hiện dễ dàng lại vừa kiếm được nhiều lợi nhuận hơn làm đồ thật, nên thị trường tràn lan đồ giả. Đồ giả càng tinh vi thì bên ngoài càng giống đồ thật, thậm chí nhiều loại đồ giả còn “có vẻ thật” hơn cả đồ thật. Đương nhiên chất lượng của đồ giả thì luôn luôn kém cỏi. Nếu không có biện pháp xử lý khôn ngoan, thì trong Giáo Hội cũng có thể lan tràn những người có vẻ theo Chúa, nghĩa là theo Chúa một cách “hữu danh vô thực”, không có tinh thần “từ bỏ” làm bảo chứng.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin ban cho Giáo Hội ngày càng tăng số người muốn theo Cha thật sự, nghĩa là những người sẵn sàng chấp nhận tinh thần từ bỏ mà Cha đòi hỏi và mong muốn. Xin cho chúng con dù là giáo dân hay giáo sỹ, cũng có tinh thần từ bỏ đích thực để xây dựng Nước Thiên Chúa tại trần gian, đặc biệt trên quê hương con. Amen.

 

65. Ai xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu?

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi… Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27-33). Những điều kiện Chúa Kitô đặt ra trên đây là cho hết mọi người chứ không riêng gì một ai. Tin Mừng Luca ghi rõ là khi ấy có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu và Người đã nói những lời ấy với tất cảm đám đông. Kitô hữu chúng ta có lẽ quá quen với hình ảnh thập giá và cả sự từ bỏ nhờ các cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong mùa Chay thánh. Phải chăng vì quen quá nên hóa nhàm? Và hệ quả kéo theo là không nắm được, đúng hơn là không hiểu đúng, chưa hiểu hết nội hàm của thập giá cũng như sự từ bỏ.

Nếu hiểu được thập giá và sự từ bỏ đúng như sự tự hủy và như thập giá của Chúa Kitô, đó là chịu án bất công, là chẳng còn hình tượng người ta nữa, là nên như người bị phỉ nhổ, như người bị Thiên Chúa đoán phạt… thì có lẽ khó có ai dám trả lời cách hiên ngang là con muốn theo Chúa, con muốn làm môn đệ của Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn tiên liệu nhiều khó khăn mà những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ Người phải chịu, nên đã căn dặn rằng cần khôn ngoan suy xét cẩn thận. Đừng để chuyện “xôi hỏng, bỏng tay” xảy ra vì thiếu khôn ngoan cân nhắc sự tình cũng như định lượng sức mình. Đừng mạo hiểm khởi công xây tháp mà không hoàn thành nổi để rồi bị người ta chê cười! Đừng mạo hiểm đem quân lính đánh nước người khi không đủ sức để rồi mang lấy thất bại thảm hại! Ai? Ai trong chúng ta, từ người hèn kém tội lỗi đến người tài cao, đức đầy dám nói mình đủ sức làm môn đệ của Chúa Kitô? Ai có thể tự nhận mình đủ đức, đủ tài, đủ khả năng để đi theo Chúa Kitô trên con đường thập giá?

Vậy thử hỏi phải làm sao đây? Bản thân kẻ hèn này xin tự thú nhận mình thật bất tài và bất xứng. Với sức riêng mình, tôi không thể nào làm môn đệ Chúa Kitô được. Với khả năng và cả đạo hạnh riêng mình, tôi không thể nào vác được thập giá mình, cũng không thể nào từ bỏ hết những gì mình có để theo Chúa Kitô. Thế thì phải làm sao đây? Không lẽ rút lui hoặc giơ tay xin hàng?

Với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể được. Ngay đêm Tiệc Ly, Chúa Kitô đã mở cho chúng ta con đường thoát khỏi cảnh bế tắc này. Chính Người đã tự nguyện rủ bỏ vị thế là Thầy và là Chúa để cúi xuống với từng người trong các môn đệ (x.Ga 13). “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu” (Ga 15,15).

Hãy biết khôn ngoan làm bạn của Chúa Giêsu. Đỉnh cao của mạc khải là ở đây. Thiên Chúa không muốn con người làm tôi tớ hay làm môn đệ mà là bạn hữu của Người. Cái hình ảnh Giavê Thiên Chúa ngày ngày đi dạo với tổ tiên Ađam- Evà gợi mở thực tại tốt đẹp này. Có được người bạn là Giêsu Kitô thì chuyện thập giá mình sẽ không còn là vấn đề. Vì chính người bạn Giêsu luôn sẵn sàng nâng đỡ, đồng hành và có khi vác thay thập giá cho ta. Bài thơ “vết chân trên cát” của thi hào Tagor là một cảm nghiệm về một chân lý trong tình bạn. Con ơi, những lúc bão cát nổi lên, con chỉ còn thấy một dấu chân, đó là dấu chân của Ta, vì những lúc ấy là lúc Ta đang cõng con trên vai Ta.

Khi đã là bạn hữu thì không có gì là khoảng cách, là bí mật. “Tất cả những gì Thầy đã nghe biết bởi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.” (Ga15,15). Khi ta biết mở cõi lòng, biết bày tỏ mọi bí ẩn tâm can cho Giêsu, từ chuyện tốt đến chuyện xấu, từ những việc lành đã làm đến những sự dữ xấu xa đã phạm thì ta đang trao dâng hết những gì ta có, cho người bạn Giêsu. Và đây chính là lúc ta thực sự bỏ hết những gì mình có (Avoir – To have). Chính khi ta mở tâm trí đón nhận chân lý Chúa Kitô tỏ bày và sống theo chân lý ấy thì chúng ta đã thực sự từ bỏ những gì chúng ta là (Être – To be).

Ý định của Chúa nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần khí thánh” (Kn 9,17). Nếu Chúa Kitô không tự nguyện cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, nếu Người không minh nhiên tỏ bày rằng Người không còn gọi các môn đệ là tôi tớ mà là bạn hữu, chắc hẳn con đường về trời, con đường theo chân Chúa Kitô quả là vượt quá tầm tay, vượt quá khả năng loài người chúng ta.

Vấn đề đặt ra là khi nào và làm sao chúng ta có được sự chắc chắn, dù tương đối, rằng chúng ta đang là bạn hữu của Chúa Giêsu? Một trong những cách thế hữu hiệu để làm bạn Chúa Giêsu đó là hãy làm như Người đã làm (x.Ga 13,15). Đó là nhận nhau như người anh em thân thuộc, như là bằng hữu nghĩa thiết. Đây là nội dung chính những dòng thư của Thánh Phaolô gửi đến ông Philêmon. Ngài xin Philêmon đón nhận lại Ônêsimô, không phải như một người nô lệ mà như một người anh em rất thân mến, dù cho Ônêsimô đáng phải chết vì là nô lệ mà đã bỏ trốn khỏi nhà của chủ. (Bài đọc 2). Đón nhận nhau như là anh em, như là bằng hữu thì không chỉ loại bỏ những hành vi đàn áp, bất công, quan liêu kẻ cả… mà còn phải thực tâm chia sẻ những gì mình đã có được, đã nghe biết, đã hưởng nhận… cho nhau.

Giả như đang còn đó những sự việc, những sự thật đáng nói, cần chia sẻ mà các vị bề trên còn giữ kín với người bề dưới thì người bề dưới vẫn chỉ mãi là những nô lệ hay tôi tớ mà thôi. Một thực tế khó chối cãi đó là khi sự giữ kẻ, sự giữ bí mật xuất hiện trong đời sống vợ chồng thì người giữ kẻ, giữ bí mật cách nào đó không còn xem người phối ngẫu là bạn trăm năm, là bạn đời, chưa kể có trường hợp chỉ xem nhau như người tôi tớ.

Chưa nhận nhau làm bạn trong cách sống, trong cung cách đối xử, thì chắc chắn chúng ta chưa thật sự là bằng hữu của Chúa Kitô. Và cũng khá chắc chắn rằng quá trình vác thập giá mình, quá trình từ bỏ chính mình của chúng ta đang trong cảnh tình “đơn thương, độc mã”. Độc mã, đơn thương để chiếm được Nước Trời, để có được hạnh phúc thật quả là một sự liều lĩnh thiếu khôn ngoan và không lượng sức.

Biết sống, biết hành xử với nhau như là bạn hữu thì chúng ta luôn là bạn hữu của Chúa Kitô. Có người bạn Giêsu đồng hành thì chuyện vác thập giá, chuyện từ bỏ chính mình cho dù vẫn là khó nhưng luôn là có thể được. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Có người bạn có thể làm được mọi sự luôn ở bên ta, đồng hành với ta thì không có gì là không thể.

Đôi bạn trẻ đã đính hôn xem ra khá hạnh phúc chỉ một nổi vóc dáng bên ngoài như đôi đũa lệch. Chàng ta “ngắn tầm” hơn cô nàng gần 20 phân (20 cm). Sau buổi học giáo lý hôn nhân, được sự đồng ý của cô nàng, anh chàng bèn trao nụ hôn đầu đời cách say đắm trong cái thế phải đứng trên viên đá chẻ của công trình đang xây dựng, để cho vừa tầm cao. Sau đó anh chị bên nhau đi về. Cô nàng thoáng thấy người yêu dáng đi hơi nặng nhọc mà chưa hiểu nguyên do. Có lẽ vì trời tối. Đi được một quãng anh chàng thỏ thẻ xin lặp lại “việc yêu” như ban nãy. Gật đầu chấp thuận thì cô nàng chợt thấy người yêu dừng lại, đặt viên đã lớn đã giấu sau lưng, mang theo nãy giờ, rồi đứng lên trên bày tỏ tình yêu. Được yêu nhưng xem chừng quá vất vả. Không biết kiên trì được bao lâu. Bỗng khi tay trong tay, anh chàng nghe cô nàng thầm thĩ: “Anh ơi, đừng cố vất vả quá! Em cúi xuống một chút là ổn thôi”.

Làm bạn của Giêsu thì hơn làm môn đệ của Người. Một kiểu khôn ngoan mà rất nhiều vị thánh như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu… đã chọn lựa.

 

home Mục lục Lưu trữ