Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1363858

TỬ ĐẠO LÀ THÔNG PHẦN VÀO CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

TỬ ĐẠO LÀ THÔNG PHẦN VÀO CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU

 

Có 3 câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc, đó là:

1. Tại sao Thiên Chúa Cha là Đấng nhân lành, lại để cho Con Một yêu quý của Ngài là Chúa Giê-su phải chịu khổ nạn, phải vác thập giá và chịu chết cách đau thương, tủi nhục và rất đỗi khốn cùng?

2. Tại sao Thiên Chúa lại để cho các tín hữu phải chết vì đạo khắp nơi trên thế giới suốt cả hai ngàn năm qua?

3. Tại sao Chúa Giê-su không hứa ban cho những người theo Chúa nhiều lợi lộc, lạc thú trần gian mà kêu mời họ vác thập giá: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”? (Mt 16,24).

Cả ba câu hỏi trên có chung một câu trả lời như sau:

Thiên Chúa đã ra quy luật muôn đời: Bất cứ ai gây ra tội lỗi đều phải lãnh lấy hậu quả của tội là sự chết, tức phải sa vào chốn ngục hình[1]. Điều đau lòng là mọi người đều đã phạm tội, do đó, ai nấy đều phải gánh lấy hậu quả đau thương này. Muốn cứu con người tội lỗi thoát khỏi chốn ngục hình đau khổ thì chỉ có cách duy nhất, không còn cách nào khác, là có ai đó chấp nhận chịu phạt và chịu chết thay cho họ.

Chính Chúa Giê-su đã tình nguyện làm công việc này. Ngài hóa thân làm người phàm, trở thành đại diện chính thức của loài người, trở thành anh cả của nhân loại và Ngài mang lấy tội lỗi của muôn người vào thân, Ngài nộp mình chịu cực hình thay cho họ, chịu chết để đền tội họ gây ra. Nhờ Ngài chịu khổ hình và chịu chết thay, muôn người được ơn tha thứ và thoát khỏi án phạt đời đời.

Tuy nhiên, việc cứu độ là công việc của Chúa Giê-su là Đầu và của toàn thân mình Ngài là Hội thánh. Ai thuộc về Chúa Giê-su, là chi thể trong thân mình Chúa Giê-su thì đều phải tham gia vào công cuộc này.

Chính vì thế, hôm xưa, Chúa Giê-su không chịu khổ nạn, không vác thập giá một mình, mà Ngài mời Mẹ Maria thông phần đau khổ với Ngài, mời ông Simon vác thập giá với Ngài, cùng chịu cực hình với Ngài trên chặng đường thương khó ở Giê-ru-sa-lem.

Và trong suốt hai ngàn năm qua, Chúa Giê-su tiếp tục gọi mời các thánh tử đạo khắp nơi trên thế giới cùng chịu khổ nạn với Ngài, chịu bắt bớ, chịu tù ngục, gông cùm, xiềng xích cũng như hy sinh cả mạng sống… với Ngài để đền tội cho muôn người tội lỗi.

Rồi hôm nay, Chúa Giê-su tiếp tục kêu mời mỗi người chúng ta chịu khổ nạn với Ngài khi nói: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Vác thánh giá theo Chúa không phải là việc tùy thích, nhưng là điều kiện phải có để làm môn đệ Chúa. Chúa Giê-su đã khẳng định điều này như sau: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,27).

Như vậy, muốn làm môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta không thể thoái thác, không thể né tránh, không thể từ chối vác thập giá được.

Thập giá của chúng ta hôm nay

Vì là chi thể của Chúa Giê-su, chúng ta phải cùng vác thập giá với Chúa Giê-su.

Vác thập giá với Chúa như thế nào?

Tôi là một phần chi thể, như là vai, của Chúa Giê-su nên gánh nặng trong cuộc đời tôi là thập giá trên vai Chúa Giê-su.

Bạn là chi thể khác, như là tay, của Chúa Giê-su nên những đau khổ bạn đang chịu là những đinh nhọn đâm vào tay Chúa Giê-su.

Và máu của các ki-tô hữu đã đổ ra khắp nơi trên thế giới cũng chính là máu của Chúa Giê-su đang đổ ra, vì những tín hữu nầy là phần thân thể của Ngài.

Chịu khổ nạn với Chúa cách nào?

Vác thập giá với Chúa Giê-su cách cụ thể là kết hợp với Chúa Giê-su mà làm việc bổn phận hằng ngày và dâng cho Ngài những việc đó.

Quan trọng hơn cả là dâng thánh lễ hằng ngày với Chúa. Vì Thánh lễ là hy tế thập giá của Chúa Giê-su đang tiếp diễn[2], nên những ai tham dự Thánh lễ là đang thông hiệp mật thiết vào cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như Mẹ Maria năm xưa trên đồi Can-vê, như ông Si-mong cùng vác thập giá với Chúa.

Lạy Chúa Giê-su

Xin cho chúng con vui lòng vác thập giá với Chúa, tham gia vào cuộc khổ nạn của Chúa… bằng cách kết hiệp với Chúa mà làm việc bổn phận hằng ngày và dâng cho Chúa những việc đó để góp phần đền tội cho chính mình, cho các tội nhân và cho các đẳng linh hồn.

­­­­­­­­­­_________________________________

[1] Rm 5, 12. Rm 6, 23. Galat 6,7.

[2] Giáo lý HTCG số 1366, 1367

 

7.Noi gương Cha Ông – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Năm 2012 tôi có dịp sang Hoa Kỳ du lịch. Tôi có dịp đến nhiều nhà thờ to lớn nguy nga bề thế ở Mỹ. Có những nhà thờ đã được xây dựng vài trăm năm về trước, và có sức chứa đến vài ngàn người. Nhìn những nhà thờ đồ sộ nguy ngay như vậy cho tôi cảm giác các tiền nhân ở đây đã sống đạo rất phong phú. Họ đến nhà thờ rất đông. Họ cũng quảng đại góp công góp sức để có thể làm nên những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ. Tôi thực sự cảm phục về đời sống đạo của các tiền nhân Nước Mỹ.

Thế nhưng, điều tôi ngạc nhiên là nhiều ngôi nhà thờ này hôm nay đã không còn người dự lễ. Có nhà thờ phải đóng cửa. Có nhà thờ phải bán đi trả nợ. Không biết người Công Giáo Nước Mỹ có suy nghĩ gì khi cha ông họ vất vả xây dựng. Dù rằng ngày xưa còn lạc hậu và phương tiện thô sơ, họ còn làm được những công trình to lớn như thế, mà đến nay con cháu sống trong khung trời văn minh lại để hoang lạnh vì thiếu tiền, thiếu người dự lễ...? Phải chăng những gì cha ông vất vả xây dựng nay con cháu lại bất lực khi nhìn thấy cảnh nhà thờ hoang lạnh và phải bán đấu giá vì thiếu tiền duy trì...

Nhìn họ lại nhớ đến ta. Cha ông ta dù trong hoàn cảnh đạo bị bách hại, cuộc sống còn lam lũ nghèo khó, thiếu thốn tư bề, các ngài vẫn giữ đaọ, vẫn sống đạo... Giáo hội vẫn phát triển không ngừng về con người và cơ sở vật chất. Theo thống kê năm 1975 số người tín hữu đã lên tới 5 triệu người trên tổng dân số toàn quốc hơn 40 triệu dân. Tỷ lệ 1/10. Thế nhưng qua 38 năm Giáo hội Công Giáo dường như không có bước tiến về truyền giáo. Số người công giáo sau 38 năm cũng chỉ mới hơn 6 triệu tín hữu so với dân số gần 90 triệu dân. Tỷ lệ 1/15.

Chúng ta vẫn tự hào về cha ông chúng ta - những anh hùng trung kiên với đức tin, đã can đảm hiên ngang đổ máu đào để minh chứng cho đức tin Công giáo. Chúng ta vui mừng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều vị tử đạo. Chúng ta vui mừng và thành tâm cầu xin, cung nghinh, tôn kính các thánh tử đạo. Đó là những tình cảm và việc làm thật tốt đẹp.

Thế nhưng là con cháu, chúng ta có trung kiên như các ngài hay không? Giáo hội hôm nay không còn kiểu bách hại dẫn đến đổ máu, nhưng lại đòi hỏi chúng ta phải trung kiên giữ đạo vì những quyến rũ của danh lợi thú trần gian. Cha ông ta đã đổ máu để giữ đạo còn chúng ta lại tìm hưởng thụ để bỏ đạo hay lơ là đạo, phải chăng chúng ta cũng đang làm mất đi công trình của cha ông đã xây dựng bằng xương bằng máu của mình?

Nói đến các Thánh Tử đạo, không thể nào ta không nhắc đến đức tin mà các vị ấy đã tuyên xưng bằng chính máu đào và bằng chính sự sống của mình. Một đức tin quá kiên trung. Một đức tin quá can đảm phi thường. Bất chấp mọi cực hình, các ngài vẫn một lòng sắt son với Thiên Chúa. Và dường như càng bị bách hại, giáo hội lại càng có nhiều người anh dũng chết cho đức tin bấy nhiêu. Vua quan, một mặt ra sức bắt đạo dữ dội, mặt khác ra sức ngăn chặn sự phát triển của đạo, thì lại vô tình làm cho đức tin càng được dồn nén, càng được nung nấu, càng được khẳng định, nếu có dịp sẽ cháy bùng lên, và nhanh chóng lan toả mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào.

Điều quan yếu nơi các thánh tử đạo không chỉ là việc đổ máu mà là một chuỗi ngày dài sống đức tin trung kiên. Một đức tin sắt son với Chúa. Một đức mến nồng nàn với tha nhân. Như trường hợp y sĩ Phan Đắc Hòa, ông luôn rộng rãi giúp người nghèo khó, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Với ông Martinô Thọ thì “Công bằng chưa đủ phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện, thế nên, ông đã trồng lúa, trồng rau để có tiền làm việc thiện.

Với ông Cai Tả thì yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình “. Với quan Hồ Đình Hy thì: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý “. Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tử tế. Ông cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành: một cô xin đi tu, một xin lập gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn.

Chính đời sống đức tin tỏa sáng bằng việc làm bác ái đã đi vào lòng quan quân, và dân chúng. Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con chòm xóm đối với người Công Giáo vẫn trước sua như một. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ “.

Thế nhưng, cha ông chúng ta đã đổ máu vì đức tin, đã hiến dâng cả mạng sống để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết. Những con người hi sinh cao cả như thế chẳng lẽ lại chỉ mong để con cháu ca hát ngợi khen, rước sách tung hô mình? Người ta đã nhận định là tín hữu Việt Nam rất nhiệt tình trong kinh hạt, rước sách linh đình nhưng lại ngại hi sinh dấn thân trong công việc mục vụ, bác ái yêu thương. Đời sống tôn giáo của tín hữu Việt Nam xanh tốt như cây nhiều cành lá mà ít hoa quả. Những nhận định không hoàn toàn đúng nhưng cũng đáng để suy nghĩ. Từ đó, thiết nghĩ, có lẽ cha ông tử đạo của chúng ta mong nơi con cháu một điều gì đó cao hơn, khó hơn việc hát ca, rước sách.

Thực vậy, Giáo hội ngày hôm nay cần có những chứng nhân giữa dòng đời. Những chứng nhân dám sống niềm tin của mình mà không sợ thiệt thòi khi mất chức, mất địa vị trong xã hội. Những chứng nhân dám sống theo chân thiện mỹ giữa một xã hội gian dối, lừa lọc, cho dù vì thế mà nghèo hèn túng thiếu. Những chứng nhân trung kiên không vì danh lợi thú mà sao lãng bổn phận thờ phượng Chúa nhưng luôn hy sinh từ bỏ tham sân si để sống đạo yêu thương giữa cuộc đời.

Mỗi khi mừng kính các thánh tử đạo là mỗi dịp để khơi dậy tinh thần tử đạo nơi chúng ta. Tinh thần tử đạo không gì khác hơn là làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời. Xưa các thánh tử đạo đã dám chết cho niềm tin của mình, thì nay chúng ta cũng phải dám hi sinh cho những giá trị tinh thần cao quí trong cuộc sống hàng ngày. Xin đừng để những giọt máu đào của cha ông đổ ra cách uổng phí khi con cháu hôm nay chỉ thích hưởng thụ, sống lười biếng, hèn nhát. Amen.

 

8.Những vị anh hùng âm thầm – Lc 9,22-26

Dân tộc nào cũng có những vị anh hùng và tôn giáo nào cũng có những vị anh hùng, được gọi những danh hiệu khác nhau. Kitô giáo có hàng ngũ các thánh, những tôi trung, con thảo của Chúa, những mẫu mực sống đạo của người công giáo. Là anh hùng trong đạo nhưng không có ai thắng. Có chăng là thắng chính mình, thắng những kẻ thù vô hình không mang quốc tịch nào như ma quỷ, xác thịt và thế gian.

Các vị tử đạo Việt Nam không cuồng tín liều lĩnh, không tự ý tìm đến cái chết: không ai tự thiêu, tự thắt cổ, tự cắn lưỡi, tự đập đầu mà chết để giữ chữ trung với đạo (không ai tự tử mà lại được phong thánh).

Trước khi tử đạo, các ngài là những người muốn sống để phục vụ gia đình, quê hương và Giáo Hội. Muốn sống mà không được sống, tránh không được thì chấp nhận, để rồi vui nhận. Cam lòng chịu chết mà không oán hận: đó là tính cách của các vị tử đạo Việt Nam. Kẻ nuôi lòng hận thù không thể làm thánh vì không xứng danh làm môn đệ của Đấng đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình.

Tôn vinh các vị thánh tử đạo Việt Nam là nêu lên một quan điểm tích cực: Lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Không khơi lên đống tro tàn để bùng cháy lòng căm thù, nhưng sáng lên một tinh thần bao dung hoà giải. Romeo và Juilette chết đi để hoà giải hai dòng họ thâm thù truyền kiếp. Cũng thế, dòng máu các vị tử đạo đổ ra không phải là vô ích. Các vị ấy về cõi trời nhưng gởi lại một thông điệp, đã có những người quyết tử để đất nước được hồi sinh, đã có những người chết vì niềm tin để con cháu được sống đức tin giữa lòng dân tộc, đã có những người bị đè bẹp vì thành kiến cố chấp để muôn người được thông cảm hoà đồng với nhau.

Đất nước Việt Nam sản sinh nhiều anh hùng: chiến sĩ anh hùng, bà mẹ anh hùng... nay có thêm những anh hùng đức tin làm cho kho tàng này được thêm phong phú.

Hướng về tương lai trong viễn cảnh thái hoà, người công giáo Việt Nam tiếp bước cha ông tiền bối của mình để sống đời chứng nhân, đem tin yêu đến cho mọi nhà. Còn biết bao nhiêu người đang phấn đấu sống theo chính đạo, chống lại bóng đen gian tà, chu toàn bổn phận của mình, làm việc với lương tâm chức nghiệp, sống lương thiện lành mạnh, chống lại các tệ nạn xã hội, tránh thoát ma lực của đồng tiền, quên đi lợi nhuận để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân, hy sinh tiết kiệm để cứu giúp những người bất hạnh. Quả là những anh hùng âm thầm trong bóng tối mênh mông.

 

9.Hạt lúa gieo vào lòng đất – Ga 12,24-26

(Trích từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)

Hôm ấy, có người nông dân mang thóc giống gieo trên thửa ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời nổi gió lớn. Có nhiều hạt rơi xuống ruộng bùn nhưng cũng có nhiều hạt bị gió thổi bạt lên vệ đường kề bên.

Bấy giờ những hạt giống nằm trên vệ đường khô ráo cảm thấy mình quá hên so với bao nhiêu hạt thóc bạn đang phải ngoi ngóp ngụp lặn dưới bùn, bèn tỏ lòng thương hại và an ủi các bạn thóc dưới sình bằng những lời ngạo mạn: “Đáng thương thay thân phận khốn khổ của các anh. Đang khi chúng tôi đây thì được ở nơi khô ráo ngon lành, còn các anh lại phải chìm lĩm trong vũng bùn tanh tưởi. Đang khi chúng tôi được tắm mình dưới nắng, thì các anh lại phải ngụp lặn trong chốn tối tăm. Đang khi chúng tôi được nhìn ngắm bầu trời xanh, nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp bên vệ đường thì các anh chẳng thấy gì, chẳng biết gì... Cuộc đời chúng tôi đầy hào quang, còn cuộc đời các anh đang tàn tạ. Bất hạnh thay cho các anh!...”

Hạt lúa ấy vừa dứt lời thì bỗng đâu có một bàn chân nặng nề dẫm đạp lên mình nó, khiến nó bị gãy đôi. Sau đó, những bánh xe từ xa chạy đến, lạnh lùng chà nát nó và những hạt lúa khác nát tan. Những hạt lúa may mắn còn nguyên vẹn lại hoá thành mồi ngon cho côn trùng và chim chóc!

Trong khi đó, những hạt lúa tưởng là bất hạnh chìm lĩm trong bùn, thì qua vài hôm sau đã ngoi lên thành những mầm non đầy sức sống. Những mầm non ấy vươn lên phơi phới, triển nở thành những bụi lúa sum suê. Không đầy ba tháng sau, từ một hạt lúa nhỏ nhoi chìm ngập trong bùn, nó trở thành những bông lúa thơm tho tuyệt đẹp, kết thành hàng trăm hạt vàng khoe mình dưới nắng.

* * *

Ai ngờ một hạt lúa bất hạnh chìm nghỉm trong bùn, tưởng chừng như đã hư thối mà nay lại chuyển hoá thành hàng trăm hạt vàng mẩy chắc ngon lành như thế! Thật là một điều kỳ diệu và là một bài học quý báu cho chúng ta. Bài học đó người đời không biết đến, nhưng Chúa Giêsu đem ra dạy chúng ta: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Một bài học đơn sơ ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một chân lý tuyệt vời.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta biết chân lý rồi để đó. Người muốn chân lý nầy được đem ra áp dụng để đời sống chúng ta được dồi dào phong phú hơn. Thế nên Người dạy tiếp: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”

Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn chúng ta tồn tại như một hạt lúa nằm trơ trọi trên vệ đường khô ráo. Người muốn chúng ta hãy chấp nhận thân phận của một hạt lúa bị vùi lấp trong bùn, để nhờ đó đặt tới hạnh phúc và thắng lợi.

Khi bước chân vào đời, mang lấy thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc, Chúa Giêsu đã chấp nhận thân phận hạt lúa bị vùi dập trong bùn đất. Người để cho người ta nghiền tán, vùi lấp Người, huỷ diệt Người. Người đời tưởng rằng họ đã tiêu diệt Đức Giêsu, xoá sổ Đức Giêsu, tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ bị mục rã trong lòng đất... nhưng họ đã lầm. Thay vì huỷ diệt Đức Giêsu, họ đã giúp Người đạt tới vinh quang và thắng lợi. Qua cái chết, Người tiến vào cõi sống; qua thập giá Người đi đến vinh quang và hiển trị đời đời!

Theo bước chân Chúa Giêsu, các thánh tử đạo đã vui lòng chấp nhận thân phận hạt lúa bị ném xuống bùn. Các ngài chấp nhận từ bỏ vinh hoa phú quý người đời hứa hẹn, từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, xa lìa cha mẹ vợ con gia đình thân thuộc, chấp nhận xiềng xích, gông cùm, tù ngục, đòn vọt và sẵn sàng hy sinh mạng sống, sẵn sàng đổ máu đào làm chứng cho Đức Kitô... Người đời tưởng rằng các ngài bị thua thiệt, bị mất mát, bị diệt vong... nhưng họ có ngờ đâu, các ngài đang khải hoàn chiến thắng và sống mãi trong hạnh phúc vinh quang. Nhờ dòng máu các ngài đổ ra, đời sống Đức tin ngày càng tiến triển, Giáo Hội được lan rộng đến khắp mọi miền đất trên thế giới. Đó là điều Chúa Giêsu đã tiên báo từ xưa: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

* * *

Hôm nay, một khi đã khám phá điều kỳ diệu của hạt lúa chìm trong bùn đất, chúng ta không sợ thua thiệt vì phải làm chứng cho Đức tin, không sợ đau khổ mất mát vì hiến thân cho lý tưởng tông đồ. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận thân phận hạt lúa bị gieo vào bùn đất như “hạt-lúa-Giêsu”, như “hạt-lúa-các-thánh-tử-đạo”, bằng lòng chấp nhận con đường thập giá, bằng sẵn sàng hiến mình để phục vụ Tin Mừng... Nhờ đó, mai đây, chúng ta sẽ đạt tới vinh quang và thắng lợi với Chúa Giêsu như lời Người phán: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy” để rồi “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.”

 

10.Tử đạo trong cuộc sống hôm nay

(Suy niệm của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy)

Ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay thôi thúc chúng ta hãy theo gương các Ngài để biết tử đạo trong đời sống hằng ngày. Hãy thực hiện lời Chúa dạy chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19/6/1988 tại Rôma, tức là 15 giờ cùng ngày tại Việt Nam, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên bậc hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.

300 năm bị bách hại với hơn 100.000 người tử đạo đủ cho mọi người thấy sự ác liệt thảm khốc cũng như sức chịu đựng bền bỉ kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin mà cha ông chúng ta đã lãnh nhận và tôn thờ.

Các ngài cảm thấy hạnh phúc vì được thuộc về Chúa, các ngài hãnh diện vì là người Công giáo, các ngài can đảm tuyên xưng danh Chúa và cương quyết giữ vững lập trường đức tin chân chính của mình.

Trong hơn 100.000 vị tử đạo, có 58 giám mục và linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Ý, 15 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu Mến Thánh Giá và 99.182 Giáo dân.

Trải qua ba trăm năm, với 53 sắc dụ cấm đạo dữ dội, Giáo Hội Việt Nam đã bị bách hại và đã biểu lộ hào hùng sức mạnh đức tin qua dọc dài lịch sử.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã chịu đủ mọi cực hình:

- Bị xiềng xích, lao tù, bị tra tấn, bị bỏ đói, bị chém đầu, bị thắt cổ, bị bá đao, phanh thây, bị kìm kẹp, bị voi dày, bị thiêu sống, bị buộc đá thả trôi sông, bị tống cổ ra khỏi nhà, làng mạc, sống vất vưởng trong rừng sâu nước độc. Các ngài đã bị chết đói, chết khát, chết bịnh và bị dã thú ăn thịt…với sức mạnh đức tin, các ngài đã chiến thắng mọi thứ cực hình dã man.

- Cho dù là gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, thiêu sống, phân thây ra từng mảnh…các ngài chấp nhận tất cả nhờ đức tin mạnh mẽ.

Các vị tử đạo cũng là những con người mang thân xác giòn mỏng như chúng ta, cũng biết rung cảm, cũng biết ham sống sợ chết như chúng ta. Nhưng giờ phút hy sinh đến, các ngài sẵn sàng tiến lên dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Mỗi vị tử đạo chết bằng nhiều hình khổ khác nhau, nhưng tất cả các ngài đều hiên ngang dùng lời nói và mạng sống mình để bênh vực chân lý và tuyên xưng đức tin. Tất cả các ngài đều là những nhân chứng bằng chính đời sống của mình và cái chết của các ngài là một câu trả lời hùng hồn, quyết liệt cho những ai còn nghi ngờ tôn giáo của các ngài.

Ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay thôi thúc chúng ta hãy theo gương các Ngài để biết tử đạo trong đời sống hằng ngày. Hãy thực hiện lời Chúa dạy chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9,23). Theo Chúa là phải từ bỏ mình, chấp nhận mọi gian nan khốn khó, vâng theo thánh ý Chúa, sống trọn cuộc sống Kitô hữu để làm chứng cho Chúa. Đó là chúng ta đang trải qua cuộc tử đạo tuy âm thầm nhưng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều cố gắng liên lỷ. Từ bỏ ý riêng, chu toàn bổn phận, trung thành với đặc sủng ơn gọi; có thể là một việc khó khăn, đòi hỏi một sự kiên nhẫn và một lòng mến chân thành. Những việc làm đó không hào quang, không rực rỡ, không một ai biết đến ngoại trừ Thiên Chúa. Chính vì vậy trong Tông Thư “tiến đến thiên niên kỷ thứ ba”, Thánh Giáo Hòang Gioan Phaolô II nói đến các vị tử đạo mới của thời đại hôm nay: “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo - thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh” - vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thầy về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những giám mục, linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (số 37).

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống. Mỗi ngày chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Chúa Giêsu y hệt như các vị Tử Đạo ngày xưa. Càng có tự do, chúng ta càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những tạo vật gây ra những bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện. Ước gì chúng ta không để mất đức tin đã được mua bằng giá máu của bao vị Tử Đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho anh em đồng bào trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

 

11.Sức mạnh đức tin qua gương tử đạo

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Minh Hùng)

Tin Mừng đến với dân tộc Việt nam gần 500 năm, thì hết 300 năm, Giáo Hội Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàn nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.

Thật vinh phúc cho Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội còn non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm.

Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu…, lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi Thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.

Một Giáo Hội còn non trẻ đến thế, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời.

Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: “Tất cả là hồng ân”. Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện.

Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng.

Đó không là một vinh phúc lớn lao lắm hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Giáo Hội còn non trẻ như Giáo Hội Việt Nam, lại có thể cùng Giáo Hội hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.

Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình.

Còn chính Thiên Chúa, Người cũng đã làm cho Giáo Hội Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các thánh.

Nếu cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là một trang sử hùng tráng cho Giáo Hội Việt Nam nói riêng và Giáo Hội hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân… và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng.

Chính cái chết của các thánh Tử đạo là một lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin…

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Đức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.

Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ là Đức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn, không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ một bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lỵ mạ nào, hay bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Giáo Hội, chà đạp chính Đấng mà mình tôn thờ.

Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Đức Chúa của mình!

Hiểu rất rõ điều đó, cho nên dù chỉ là đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế.

Và cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.

Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Giáo Hội và nơi từng người tín hữu Việt Nam.

Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên tất cả mọi bài học, máu các thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công Giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.

 

12.Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Ngày xưa, khi nhắc đến các Thánh tử đạo, nhất là các vị tử đạo Việt nam, chúng ta thường hình dung đến những cực hình ghê sợ mà người ta nghĩ ra để hành hạ các ngài. Các cực hình dã man ấy không những không làm lung lạc đức tin của các ngài, mà còn khiến các ngài càng mạnh mẽ hơn trong việc đón nhận và tuyên xưng đức tin. Ngày nay, những cái chết vì đức tin như vậy vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức tử đạo mới. Hằng năm trên thế giới vẫn có hàng ngàn người đang phải chịu khốn khổ, bị kỳ thị vì đức tin của mình. Nhiều người đã phải bỏ quê hương để đi tìm một chỗ nương thân an toàn, ví dụ như tại Irăc và Sirya trong năm vừa qua. Nhà nước IS đã tuyên bố bất cứ ai kêu tên Giêsu mà người khác nghe được thì bị xử bắn. Vì thế, trong năm qua, có đến hàng trăm Kitô hữu đã bị giết tại Sirya chỉ vì họ nhận mình là Kitô hữu. Cũng giống như thế, tại quốc gia Bắc Hàn, các Kitô hữu phải sống một cuộc sống hết sức khó khăn, bị o ép và khủng bố, có thể bị tù đày, bị giết chết bất cứ lúc nào. Tại quốc gia này, cuốn Kinh Thánh trở thành cuốn sách bị cấm. Ai đọc hoặc giữ cuốn Kinh Thánh trong người, có thể bị tử hình.

Tại Việt Nam, kể từ những ngày đầu tiên khi Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương đất nước cho đến nay, người Kitô hữu dường như liên tục bị bách hại về niềm tin của mình. Tổ tiên của chúng ta, các vị tử đạo Việt Nam, đã đón nhận đức tin trong hoàn cảnh hết sức khó khăn như thế. Các ngài đã phải chọn lựa và quyết định cho mình một niềm tin, một nếp sống khác với những người đồng hương lúc đó. Trong khi những người khác hoàn toàn sống theo tâm tình tôn giáo dân gian, sống một cuộc sống thoải mái dễ dãi, thì tổ tiên chúng ta đã chấp nhận đi vào con đường của Tin Mừng. Các ngài đi theo con đường hẹp, chấp nhận tuân theo giới răn lề luật của Thiên Chúa, từ chối các thần linh của dân ngoại. Các ngài mặc dù có chọn lựa riêng cho mình, sống giới răn riêng của Tin Mừng, nhưng các Ngài không sống tách biệt khỏi các người đồng hương, trái lại, các ngài đã sống đến cùng giới răn yêu thương, bác ái đối với những người khác. Có những thời kỳ chính quyền đã coi các tín hữu như công dân hạng hai, họ khắc trên mặt người Công giáo chữ “tả đạo” để dễ dàng phân biệt đối xử. Cha ông của chúng ta vẫn không hề thù oán, không phản kháng, không báo thù, các ngài vẫn tận tình sống tình yêu thương chan hoà với hết mọi người, khiến những người dân ngoại đã gọi họ là “những người theo đạo yêu nhau”.

Các vị tử đạo đã sống đúng như lời sách Khôn Ngoan đã nói: Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa, không một cực hình nào có thể động tới được các ngài…Trước mắt người đời, chúng tưởng như các ngài đã chết, nhưng thực ra các ngài vẫn đang sống… Người đời nghĩ rằng các ngài bị trừng phạt, nhưng các ngài vẫn chứa chan hy vọng. Ba trăm năm đầu tiên là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các tín hữu, thế nhưng, dường như những cơn đàn áp càng khốc liệt, thì Tin Mừng lại càng được loan truyền và con số những người tin theo Chúa lại càng gia tăng. Các ngài bị hành hạ nhưng các ngài vẫn hy vọng vào phần thưởng Nước Trời mà Thiên Chúa đã hứa.

Bước sang thế kỷ 20 – 21, tình hình bắt bớ, giết hại những tín hữu có phần lắng xuống, nhưng không phải đã được tự do hoàn toàn. Người Kitô hữu Việt Nam lại trải qua một hình thức tử đạo khác. Họ vẫn phải cố gắng sống và thể hiện niềm tin của mình trong một môi trường xã hội mới. Nhiều nơi, các tín hữu vẫn bị o ép giới hạn cách này cách khác. Nhiều người đã bị tù tội chỉ vì mang danh là người Kitô hữu, vì nhiệt tâm phục vụ. Nhiều tín hữu đã chết trong tù hoặc nơi rừng sâu nước độc, chỉ vì muốn sống đến cùng đòi hỏi của Tin Mừng. Bên cạnh những người mạnh dạn tuyên xưng đức tin và hết mình bảo vệ quyền được sống và thể hiện đức tin của mình, thì cũng có những người đã chấp nhận thỏa hiệp với cơn bách hại của quyền lợi và danh vọng. Trong số đó, không thiếu những người vì quyền lợi, địa vị xã hội, sẵn sàng che giấu đức tin của mình, không dám nhận mình là người có đạo. Những người này còn muốn thể hiện ra bên ngoài như thể là mình chưa từng biết Chúa Giêsu. Họ công khai từ chối Chúa Giêsu và Tin Mừng, từ chối nếp sống của người tín hữu; họ xấu hổ vì Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Bước vào thời kỳ văn minh hiện đại hôm nay, ở một số nơi, các tín hữu Kitô vẫn đang bị bách hại bởi các nhóm khủng bố, các nhà cầm quyền; còn người Kitô hữu Việt Nam lại phải đương đầu với cơn bách hại khác. Cuộc bách hại này có lẽ không đến từ những áp lực bên ngoài, nhưng là một cuộc chiến liên tục bên trong mỗi người để chọn cho mình một cách sống. Ngày xưa, cha ông chúng ta đã chấp nhận cái chết đổ máu để giữ đạo; ngày nay, chúng ta cũng đang phải từng ngày rỉ máu vì chọn lựa sống đạo. Chúng ta chọn để sống theo Đức Kitô, có nghĩa là chọn sống giống như Ngài, sống nghèo khó và quảng đại phục vụ, sống yêu thương và tha thứ.

Ngày nay, trong khi con người đề cao tự do một cách thái quá thì người Kitô hữu lại chấp nhận khép mình vào trong khuôn thước của Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi sống sự tự do của con cái Chúa, tức là thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất, dục vọng để vươn lên sống đúng với tư cách là con Thiên Chúa, những người đã được cứu chuộc. Xã hội ngày nay tìm mọi cách để thoả mãn mọi nhu cầu của con người, thì người tín hữu lại chấp nhận một cuộc sống tiết chế, làm chủ bản thân, bắt mình phải quy hướng về Thiên Chúa và thần phục Ngài.

Giàu có, sung túc đang là mục tiêu của nhiều người, nó cũng biến con người trở nên tàn ác với nhau để giành được mục tiêu đó. Người Kitô hữu không thể đứng bên ngoài dòng chảy này. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi không thể để mình sống và đối xử với nhau theo bản năng của con thú, nhưng đối xử bằng tình bác ái và tình yêu thương. Con người khi đã đạt được sự giàu có thì dễ dẫn đến cuộc sống phô trương hưởng thụ, còn người tín hữu được mời gọi sống siêu thoát, tức là sống tinh thần nghèo khó khiêm nhường, phó thác cuộc đời, công viêc, tài sản cho Chúa và sử dụng của cải theo ý Chúa. Cuộc sống khi giàu có dễ biến căn nhà của chúng ta trở thành kín cổng cao tường, làm cho con người trở nên to bụng nhưng tay chân ngắn lại, trở nên khép kín và lạnh lùng đối với nhau. Người Kitô hữu được mời gọi mở rộng cửa nhà và mở rộng đôi tay để có thể bước đến với anh em, để chia sẻ và phục vụ họ.

Cuộc tử đạo của chúng ta hôm nay là liên tục sống tình yêu thương và tha thứ. Có lẽ vì vậy mà Giáo hội đang hoàn thiện hồ sơ để tôn phong Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Fancis Nguyễn Văn Thuận, lên bậc Chân phước Tử đạo cho dù Ngài không trực tiếp chết vì đạo. Giáo hội đã nhìn thấy gương sống yêu thương và tha thứ của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận như cuộc tử đạo liên tục. Trong thánh lễ an táng ngài, Đức Thánh Giáo Hoàng JP II và cả giáo triều lúc đó đã mặc phẩm phục màu đỏ thay cho màu tím truyền thống. Trong quan tài của Đức Hồng Y, người ta đã đặt vào đó một tấm bia bằng đồng ghi tóm tắt lịch sử cuộc đời của ngài. Việc làm này cho thấy sự kính trọng mà giáo triều đã dành cho ngài như truyền thống Giáo hội vẫn làm cho các vị tử đạo.

Đức hồng Y Fancis đã tử đạo bằng đời sống yêu thương và tha thứ cho những kẻ bách hại ngài. Sau hàng chục năm tù tội bất công, bị biệt giam như một con chó, vậy mà không bao giờ ngài kêu than oán trách. Trái lại, ngài luôn cầu nguyện cho những kẻ giam giữ mình. Trong các tác phẩm để lại, cũng như các cuộc nói chuyện, ngài kể về những năm tháng tù đầy như là những năm tháng ngài được tĩnh tâm, được sống thân mật với Chúa và làm việc mục vụ bằng lời cầu nguyện. Ngài tuyệt đối không dùng một lời lẽ cay cú hay thù oán, nhưng thay vào đó là một tâm hồn bình an, thanh thản đón nhận ý Chúa.

Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, chúng ta cũng sẽ phải trải qua những cuộc tử đạo hiện đại và trở thành những vị tử đạo hiện đại. Chúng ta sẽ không chết vì gươm giáo hoặc đạn bắn, nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận chết, chấp nhận thiệt thòi vì Tin Mừng, vì sống đến cùng của lời mời gọi của Chúa: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ta… Ai liều mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Chúng ta cũng sẽ phải hết mình để chu toàn vuông tròn giới răn lề luật của Chúa và Hội Thánh, không thoả hiệp cũng không giảm thiểu.

Chúng ta sẽ phải tử đạo bằng đổ mồ hôi và nước mắt trong gia đình để bảo vệ sự vĩnh viễn của hôn nhân và để xây dựng một gia đình Công Giáo đúng nghĩa. Trước sự tấn công của các trào lưu xã hội trên các gia đình, chúng ta sẽ phải là những chiến sĩ chấp nhận hy sinh, không ngại thương tích để bảo vệ hạnh phúc và phẩm giá cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình. Trước sức ép của cuộc sống vật chất, chúng ta vừa phải lao vào cuộc sống để tìm kiếm cơm ăn áo mặc cho con cái, nhưng cũng phải chấp nhận rướm máu vì giữ giới luật công bằng, yêu thương và bác ái.

Các bạn trẻ cũng phải tử đạo liên tục để sống đúng với ơn gọi là một người trẻ Công Giáo trong xã hội biến chuyển này. Chúng ta sẽ phải đổ máu để bảo vệ sự tinh tuyền của linh hồn và thân xác khỏi cơn bão của hưởng thụ ích kỷ, phim ảnh sách báo và lối sống buông theo dục vọng. Chúng ta vẫn phải sống, phải bước đi với mọi người trong xã hội, nhưng vẫn phải chiến đấu để khỏi đánh mất mình và mục đích cuộc đời trong dòng chảy của xã hội hôm nay.

Như thế, cuộc tử đạo ngày nay xem ra không kém phần khốc liệt như cuộc tử đạo ngày xưa của các vị tiền nhân. Xin Chúa qua sự bầu cử của Đức Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giúp chúng ta là con cháu của các ngài, biết sống khí tiết anh hùng của các Tiền Nhân, dám sống cho tới cùng lý tưởng của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ