Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1363971

TỪ KHÁN GIẢ ĐẾN NGƯỜI TIẾP CẬN

TỪ KHÁN GIẢ ĐẾN NGƯỜI TIẾP CẬN

 

Truyền hình đang đe dọa biến tất cả chúng ta thành những khán giả, kẻ bàng quan, người ngoài cuộc. Giả sử bạn là một người yêu thích thiên nhiên. Giờ đây, bạn không cần phải để cho giày mình bị bẩn, hoặc bạn phải đội mưa. Bạn cũng không cần phải ra khỏi phòng khách hoặc đi xa lò sưởi. Truyền hình đem lại cho bạn lễ hội với quang cảnh và âm thanh. Không nguy hiểm, không mệt nhọc, không rắc rối. Tuy nhiên, đó là một sự thay thế quá nghèo nàn so với cảnh vật.

Có những người tuyên bố rằng mình yêu thiên nhiên nhưng hiếm khi hoặc không bao giờ họ đi dạo trong rừng, băng qua các cánh đồng hoặc đi dọc theo bờ biển. Nói cách khác, họ chỉ là những khán giả. Họ không thật sự bị lôi kéo để tham gia. Tham gia là góp phần mình vào việc đó. Nhưng bạn sẽ thu hoạch nhiều hơn điều bạn cho đi.

Tuy nhiên, khi làm khán giả, ít nhất, người ta cũng có sự quan tâm. Và nơi nào có sự quan tâm, ở đó có khả năng người ta sẽ thật sự tham gia.

Trường hợp của Giakêu là như thế. Lúc bắt đầu câu chuyện ông chỉ là một khán giả. Ông có thể nhìn thấy mà không bị nhìn thấy, ông chỉ là một người đi xem. Ông cảm thấy thuận tiện khi bị quan sát. Tất cả chúng ta chẳng như thế sao?

Ông không hòa nhập vào đám đông. Ông trèo lên cây sung giữa những cành cây. Và bằng cách đó, ông chơ vơ, không có chỗ để bám. Ông đứng bên lề, không phải vì nghèo nàn mà vì giàu có. Sự giàu sang đã cô lập ông với những đồng bào ông trong thành mà phần lớn đều nghèo khó.

Là một người đi xem, ông chỉ tham dự một cách thụ động. Ông ở đó trong những giới hạn của mình. Hẳn ông phải có một sự quan tâm nào đó, nhưng không liều lĩnh, không dấn thân. Khi mọi việc qua đi, ông có thể trở về nhà, và nếu ông muốn, ông sẽ quên hết mọi chuyện.

Nhưng điều gì đã xảy ra? Đức Giêsu đã nhìn thấy ông và mời gọi ông trở thành một người tham dự. Thình lình Giakêu bị lôi từ đường biên vào thẳng trung tâm của hành động. Ông giống như một khán giả đi xem bóng đá và thình lình giám đốc đội banh phát hiện anh ta, thẩy cho anh ta một bộ đồ cầu thủ và nói: “Anh ra sân đi?” Và anh thấy mình đang chơi banh.

Điều làm ngạc nhiên là không những Giakêu đáp lại một cách tích cực mà còn hân hoan làm như thế ngay lập tức. Có niềm vui khi đi xem nhưng niềm vui còn lớn hơn khi tham dự. Kết quả đối với ông thật là to lớn, nó biến đổi cuộc đời ông. Đời sống hoạt động theo ơn gọi Kitô hữu của chúng ta sẽ thay đổi đời sống của chúng ta.

Giakêu đã cảm nghiệm một ơn hoán cải – hoán cải hướng về sự thiện hảo. Với mức độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, tất cả chúng ta cần có loại hoán cải ấy.

 

42.Chúa hảo tâm với hết mọi loài - Lm. HK

Mọi du khách đến viếng thăm nhà thờ chánh toà kính thánh Phaolô tại thánh phố Luân đôn đều được người hướng dẫn cho biết về hành lang nổi tiếng, nhờ cấu trúc đặc biệt, có thể truyền được tiếng thì thầm từ phía bên này đến phía bên kia của mái vòm cho ai áp tai vào mái vòm đó.

Hành lang đó càng nổi tiếng hơn với câu chuyện về một anh thợ đóng giầy đến đó than thở với người yêu là anh chưa thể cưới nàng được đang khi còn thất nghiệp dài dài vì chưa có đủ tiền mua da và các vật liệu cần thiết. Nghe thế, người yêu của anh chỉ biết sụt sùi khóc. Tình cờ, một người ở phía hành lang bên kia nghe được câu chuyện thương tâm, và ông thấy mình phải làm một cái gì đó cho tình yêu của họ. Sau lời chia tay, lúc anh thanh niên buồn bã ra về thì ông lặng lẽ bước theo để biết chỗ ở của anh và cho người mang đến tặng anh một số da. Thế là anh chàng đóng giầy phấn khởi bắt tay vào việc. Công việc trở nên phát đạt, và anh đã tìm được hạnh phúc với người yêu xưa. Nhiều năm sau họ mới biết vị ân nhân của họ là William Gladstone, thủ tướng nước Anh lúc đó.

Thiên Chúa là Tình yêu, hạnh phúc của Chúa không phải là được yêu mến, được tôn thờ, mà là yêu thương, là ban phát niềm vui và hạnh phúc. Lời cầu nguyện đầu tiên của Đức Kitô trên cây Thánh giá không phải là cầu cho mình mà là cho chính những kẻ đang làm khốn mình.

Vì thế, khi thấy Giakêu vất vả tìm xem cho biết những gì đã được nghe về Đấng Cứu thế, Chúa liền thấy mình phải đến với ông, cho ông biết về tình yêu Chúa, và đem hạnh phúc đến cho ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Là thủ lãnh của những người thu thuế nên Giakêu giầu có và chẳng thiếu thốn chi. Nhưng việc ông phải vất vả tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu cũng nói lên được sự nghèo túng và bất hạnh trong tâm hồn ông, sự nghèo túng và bất hạnh của một người không có Chúa làm nơi ẩn náu, khác xa vua Đavít ngày xưa khi giả điên trước mặt vua Abimêléc, bị đuổi và ra đi mà vẫn có thể ca hát được: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi”, nhờ tin vào Chúa: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi”. (Tv 33,2.6).

Người Việt ta có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Việc được Chúa Giêsu, một người đang thu hút đám đông bằng đời sống và lời giảng dạy thánh thiện, đích thân đến nhà làm cho ông Giakêu, một người đang bị mặc cảm với cái tên Giakêu (người thanh sạch) của mình thấy được niềm vui của ơn cứu độ. Chúa đến nhà làm cho ông như đụng chạm được vào tình thương của Chúa, cảm nghiệm cách rõ ràng là “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối” (Kn 11,23).

Tình thương Chúa giúp ông trở lại được với chính mình, sống đúng cái tên của mình, sống đúng với ý định tốt đẹp Chúa đã đặt nơi con người từ ban đầu: “xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (2Tx 1,11).

Niềm vui đi theo niềm tin đã biến đổi con người Giakêu, giúp ông nhìn mọi sự với một nhãn quan mới. Hôm qua gom góp, tích lũy bất kể mọi mánh khoé gian ác thì hôm nay đã: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ai cũng có thể thấy được niềm vui của ông khi làm việc bác ái và đền trả cho người mình đã gây thiệt hại. Không phải là ông làm việc bác ái hay giữ luật công bằng cho bằng ông đang ca tụng tình yêu Chúa: “Lạy Thiên Chúa, tôi sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời”.

Trong Hàn lâm viện Florence có trưng bày một trong những kiệt tác vĩ đại nhất của nước Ý, là bức tượng David của Michelangelo. Mỗi năm, hàng ngàn người đến chiêm ngưỡng một tác phẩm đầu tay trong những kiệt tác của bậc thầy vĩ đại này, mà không biết rằng cái khối đá khổng lồ được dùng để tạc nên bức tượng vô giá đó đã có một lịch sử lạ lùng.

Đầu tiên, một nghệ sĩ kém cỏi đã bắt đầu làm việc với nó, nhưng vì thiếu kỹ năng, anh ta chỉ thành công trong việc đốn đẽo và phá hoại tảng cẩm thạch đó. Thế rồi nhà cầm quyền Florence đã gọi đến chàng trai Michelangelo, và tác phẩm nghệ thuật để đời này đã được ra đời.

Như một nghệ sĩ thực thụ có thể nhìn ra những đường nét của một tác phẩm kiệt xuất bên trong một khối đá méo mó, Chúa cũng thấy trong những kẻ tội lỗi nhất một tia sáng chưa bị dập tắt của sự thiện mà Ngài có thể cứu độ, vì “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Vì thế, dù tội lỗi đến đâu, tôi cũng có thể cùng hát với Giakêu: “Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa”.

 

43. Người tội lỗi - R. Gutzwiller

Đức Giêsu vừa chữa lành người mù, bây giờ Ngài lại gặp một người tội lỗi, một người vị vọng ở Giêricô. Ở thị trấn gần biên giới này, thu thuế là nghề rất phát tài. Giakêu thi hành công việc này nhiều nơi nên ông đã thu tích được một gia sản đáng kể, tuy phải dùng đến những phương sách mà người Do thái coi là bất chính. Thực thế, vì nghề nghiệp, ông luôn phải giao tiếp với lương dân và còn phải chi li từng đồng với bọn thuộc hạ, rồi với dân chúng qua những người trung gian. Thế cho nên người Do thái cứ yên trí rằng bọn thu thuế khỏi cần nói cũng là người tội lỗi. Tội lỗi đã nên như đặc điểm nơi ông Giakêu.

Tuy nhiên đó chỉ là dáng vẻ cuộc đời ‘dân sự’ bình thường của Giakêu, nhưng bên trong ông có cả một chiều sâu. Ông muốn gặp gỡ Đức Giêsu. Không phải ông là người hiếu kỳ, vì cứ theo lời ông người ta sẽ nhận ra nỗi lòng hối tiếc trong tâm tư con người dư dật đó. Ông sẵn sàng dành phân nửa tài sản để bố thí cho người nghèo và nếu có lỡ gian lận của ai thì bồi thường gấp bốn. Giakêu không thoả mãn vơí chính mình, với đời sống, địa vị và thành công của mình. Tự đáy lòng ông cảm nghiệm được sự trống vắng. Tiền của có thể dư giả, nhưng không bù lấp được tâm tư. Uy thế có thể củng cố địa vị xã hội của ông, nhưng không cứu vãn được linh hồn ông trước mặt Thiên Chúa. Với tuổi đời như Giakêu, con người không còn ảo tưởng nữa và sự vĩnh cửu bắt đầu là một cái gì có ý nghĩa. Trên đời vẫn còn có nhiều người xử sự như Giakêu.

Cái nhìn và lời nói của Chúa đến với ông thật đúng lúc. Đức Kitô không bị ràng buộc với phán đoán của con người. người thường mai mỉa những ai ra vẻ đạo đức, rồi Người luôn kêu gọi người tội lỗi trở lại đường lành. Người không hề mị dân. Trong trình thuật này, Người đã chọn Giakêu-một con người dị dạng giữa đám dân chúng. Người không chỉ trao đổi hay gặp gỡ qua loa nhưng còn đem lại niềm vui và cho ông vinh dự đón tiếp Người tại nhà cho đến ngày hôm sau. Người biết rõ, theo quan niệm đạo đức thông thường, vào nhà một người tội lỗi là làm một cái gương xấu. Nhưng Đức Giêsu đến ‘để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất’. Suốt cuộc hành trình cuối cùng đi lên Giêrusalem, Người đã nghĩ đến những kẻ lầm đường lạc lối; vì tha nhân quên mình, bất chấp quan niệm thường tình, Người đến với Giakêu vì Người đáp ứng được niềm ông mong đợi, đưa ông trở về với Thiên Chúa khoả lấp tâm hồn ông bằng sự sung mãn tinh thần, ban ân sủng, thức tỉnh và hướng dẫn tâm hồn con người để họ lắng nghe lời Ngài. Kẻ tội lỗi sẵn sàng hoàn lương ấy chính là điều Đức Giêsu lấy làm mãn nguyện.

 

44. Hôm nay nhà này được giải thoát.

Đoạn Tin Mừng hôm nay được đặt vào đoạn cuối của lần sau cùng khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, nơi đây Người sẽ chịu khổ nạn và sẽ bị giết bởi tay người Do thái, rồi ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Câu chuyện ông Giakêu được đặt kế tiếp sau phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người mù thành Giêricô. Người mù được Thiên Chúa chữa lành, vì tin vào Chúa Giêsu mà ông ta được sáng mắt. Phép lạ của người mù chuẩn bị cho thính giả hiểu được sâu xa cuộc cách mạng tinh thần của ông Giakêu, một cuộc cách mạng tận gốc rễ, đổi mới hoàn toàn. Từ bóng tối của cảnh mù lòa bước vào ánh sáng của người được chữa lành. Từ bóng tối của tội lỗi bước sang con đường sáng của cuộc đời mới, của cuộc sống thánh thiện. Từ cuộc gian tham khéo léo bước sang con đường ngay chính chân thật và quảng đại. Từ cuộc sống xa Chúa được xích lại gần Chúa hơn, được kết hợp với Chúa Giêsu và hòa giải với tha nhân.

Do đó, trọng tâm bài Tin Mừng hôm nay nêu bật một khía cạnh sâu xa nhất của tình yêu, đó là sự tha thứ, một sự tha thứ được gói gọn trong tình yêu khoan dung. Vì tình yêu này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngụ ý của lỗi lầm, của tha thứ. Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ mình yêu trong hiện tại đen tối của người ấy, nhưng còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tương lai. Trong cách hành sử của Chúa Giêsu, Ngài luôn sẵn sàng tha thứ. Để biểu lộ một tình yêu chân thành trên, Chúa Giêsu đã tiếp xúc với người thu thuế, làm bạn với những người bị xã hội bấy giờ gán cho là những kẻ tội lỗi. Ngài không cấm họ không được lui tới nghe Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài cùng ăn uống và đồng bàn với họ.

Vì thế, những cuộc gặp gỡ và giao tiếp này minh chứng rằng, Chúa Giêsu nhìn những kẻ thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: Trạng thái hiện tại của họ và những trạng thái họ có thể trở nên tốt trong tương lai. Trong hiện tại, mặc dầu họ đang sống trong tình trạng tội lỗi, nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa để khởi sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải. Và những điều họ có thể trở nên tốt được minh chứng qua những hành động cụ thể, ví dụ như hành động dứt khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa Giêsu như trường hợp của Ông Gia kêu. Ông là một người thu thuế nhưng khi nghe Chúa Giêsu gọi, ông liền bỏ bàn thu thuế đứng dậy và theo làm môn đệ của một người tự nhiên tả: “Con cáo có hang, con chồn có tổ nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”.

Do đó, sự cải tạo xã hội tận căn phải bắt đầu bằng ý thức về tội lỗi và sám hối, và đây có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta. Vào thời Chúa Giêsu, nghề thu thuế được hiểu như là cấu kết với ngoại bang để hà hiếp và bóc lột người đồng hương, nên cũng đồng nghĩa với tham lam bất chính. Một cách nào đó, phường thu thuế là một ung nhọt của xã hội, trong khi xa lánh là biện pháp thanh trừng đối với nhà lãnh đạo Do thái dành cho những người thu thuế thì trái lại Chúa Giêsu đến với họ, ngồi đồng bàn với họ. Chúa Giêsu không làm như thế để biện minh cho hành động tham lam bất chính đối với những người thu thuế cũng như đối với các cô gái điếm. Ngài đến gần họ, trước hết là để cảm thông với thân phận bị đẩy ra bên lề xã hội của họ, đồng thời Ngài mời gọi họ ý thức về hành động tội lỗi của họ.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và viên chức giàu có tên là Giakêu tại thành phố Giêricô cho thấy cuộc cách mạng ấy bắt đầu bằng việc sám hối và cải thiện cuộc sống. Thật ra, sám hối đích thật luôn đi liền với cải thiện. Ánh mắt của Chúa Giêsu đã đi xuyên suốt tâm hồn ông, khiến ông nhận ra được những lỗi lầm của mình. Ánh mắt ấy lại từ nhân và mời gọi, đến nỗi đã làm cho ông cảm thấy thôi thúc và cải thiện đời sống. Vì thế, ơn cứu độ đã thực sự đến nhà ông và cuộc tái sinh đã khởi đầu: Này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, mà nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn lần”. Ông Giakêu không chỉ sám hối và cải thiện cuộc sống bản thân, nhưng ông còn góp phần vào việc cải tạo xã hội, đúng hơn nữa sự hoán cải cá nhân của ông ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống xã hội. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được chiều kích xã hội của lòng sám hối. Vì thế, không những người tín hữu Kitô đóng góp tài trí của mình cho công cuộc cải tạo xã hội, nhưng niềm tin của họ được thể hiện bằng lòng sám hối và cải thiện cuộc sống làm trọng tâm và cũng là linh hồn của bất cứ một cuộc cách mạng và cải tạo xã hội nào.

 

45. Tiền bạc

Qua thái độ đền bù rộng rãi của ông Giakêu tôi muốn chia sẻ một vài ý tưởng nhỏ mọn về vấn đề tiền bạc.

Người xưa đã nói: của đồng lần thiên hạ tiêu chung. Thực ra tiền bạc có mục đích là để phục vụ con người. Nó được dùng để nuôi sống và thăng tiến con người toàn diện. Vì thế của cải phải được phân chia công bằng, và mọi người phải chung tay đóng góp vào đó. Kẻ giàu phải biết mở rộng con tim và bàn tay cứu giúp người nghèo túng. Còn người nghèo, không có gì phải mặc cảm khi nhận lãnh sự giúp đỡ của họ, dù giá nào mình vẫn sống khiêm hạ và công chính. Nào có ai giàu ba họ khó ba đời đâu mà lo!.

Trên thực tế, chúng ta thấy có điều đáng buồn, đó là số người nghèo quá đông, chiếm tới 3/4 nhân loại. Còn kẻ giàu lại làm giàu trên sự túng cực của người nghèo. Kẻ giàu thì như chuột sa chĩnh gạo, còn người nghèo thì lại bị chó cắn áo rách. Giàu nghèo mãi mãi trở thành hai phe chống đối nhau, gieo tai họa cho nhau.

Kinh Thánh đã lên án những kẻ giàu bất công và ích kỷ. Đồng thời tục ngữ Việt Nam cũng xác quyết:

- Của thiên trả địa.

- Của phù vân thì vần xuống biển.

Của cải dành cho một số người có nghĩa là nó sẽ loại trừ hạnh phúc của một số đông. Của cải sẽ làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa là Đấng ban phát cho chúng ta. Một xứ đầy vàng bạc sẽ chóng biến thành ngẫu tượng. Vì khi đã mãn nguyện rồi, họ sẽ kiêu căng mà lãng quên Thiên Chúa. Và chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo: Không ai có thể làm tôi hai chủ, hoặc yêu chủ này mà ghét chủ kia, cũng vậy không ai có thể làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền bạc. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.

Bởi đó, vấn đề là phải biết san sẻ cho nhau, bởi vì không ai có thể tự sống tự lập một mình, không cần nhờ cậy ai. Ngay như kẻ giàu có, cũng phải nhờ vào người nghèo túng mà trở nên khấm khá. Cho nên chia sẻ là điều hợp tình và hợp ý.

Trước hết là cùng nhau chia sẻ những gì mình có. Chẳng hạn cùng là người Việt Nam, chúng ta hãy chia sẻ gia tài quí giá cũng như phúc lộc do tổ tiên để lại về luân lý và văn hóa. Cùng là con cái Thiên Chúa, chúng ta hãy chia sẻ với nhau trong Giáo Hội những việc lành thánh và ơn cứu rỗi. Còn về của cải, chúng ta thấy các tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem đã chia sẻ cơm áo cho nhau không để của mình là của riêng.

Tiếp đến là chia sẻ cái mình hơn cho người kém, cái mình có mà người khác không có và ngược lại người khác cũng làm như thế. Đó là lá lành đùm lá rách, có đi có lại, chị ngã em nâng.

Thật ra chúng ta luôn luôn có những cái để chia sớt và luôn có những người để lãnh nhận, vì chính chúng ta cũng đang ở trong tình trạng như thế. Cùng là chi thể của một thân thể, chúng ta có trách nhiệm lẫn nhau như câu nói: ‘Môi hở răng lạnh, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ’.

Và sau cùng, chúng ta phải sống thế nào để đem lại hạnh phúc cho người khác, nhất là những người túng thiếu hơn mình. Chúng ta phải coi hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của mình. Khóc cùng kẻ khóc, vui cùng kẻ vui.

Sự chia sẻ cho người khác hàm ý cho đi mà không đòi lại, cho đi thì có phúc hơn là nhận lãnh. Hãy coi sự cho đi của tre già cho măng mọc, của cha mẹ cho con cái được phát triển. Chúng ta hãy nối rộng vòng tay tình thương đến những ai đang cần tới chúng ta để họ thuộc về gia đình của Chúa sớm hơn.

Hãy coi Chúa Giêsu, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó để nhờ Ngài mà chúng ta được trở nên giàu có, thì đến lượt chúng ta, chúng ta không có quyền sống ích kỷ hưởng thụ cho riêng mình. Tất nhiên cho đi là tiếc xót và thiệt hại, nhưng khi chúng ta đã chọn Chúa làm gia nghiệp thì Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

 

46.Lùn trí cao - Lm. Vũ Đình Tường

Lúc nhỏ nhiều người có cơ hội leo cây hái trái vì nhỏ con, vì lùn thấp không với tới trái để hái nên phải leo cây.

Ngoài việc leo cây hái trái đôi khi còn trò leo đùa vui chơi, hoạ hoằn có trường hợp leo cây xem rước dâu.

Trò leo cây đông tây đều có. Dakêu leo cây vì lùn, vì muốn nhìn thấy người ông muốn nhìn. May mắn ông đoán đúng đường Chúa sẽ đi ngang và ông được toại nguyện như lòng mong ước.

Thực ra ông được nhiều hơn những gì ông khát khao, mong đợi từ lâu. Ông chỉ mong được nhìn ông Giêsu, không dám mong mời về nhà riêng. Chính Đức Kitô đề nghị điều đó ‘này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông’.

Ông mừng rỡ đón Đức Kitô vào nhà. Niềm vui chia sẻ tăng lên, vui gấp bội, Dakêu mời bạn bè đến dự tiệc mừng. Niềm vui chia sẻ được nên trọn.

Đức Kitô đến nhà Dakêu tạo nên hai luồng sóng đối chọi nhau. Phe ủng hộ nhảy mừng ca hát, yến tiệc linh đình. Phe chống đối phê bình chỉ trích, khinh khi.

ỦNG HỘ

Phe ủng hộ có nhiều, chiếm đại đa số. Căn cứ vào đâu để đưa ra kết luận đó. Thưa hai việc làm của Dakêu.

Thứ nhất ông hứa với Chúa: ‘Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo’.

Người nghèo luôn chiếm đa số trong xã hội. Một nửa tài sản của Dakêu chia cho người nghèo tạo được tiếng vang lớn trong việc bác ái của ông. Không biết bao nhiêu nhưng chắc chắn làm cho họ vui vì Chúa vào nhà Dakêu mà họ được hưởng ơn mưa móc.

Thứ hai ông giải oan khi tuyên bố: ‘nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn’.

Những ai bị xử oan, bị chiếm đoạt trước đây, bây giờ được trả lại, không phải hoàn lại như cũ mà hoàn lại lời gấp bốn lần.

Của cải không hàn gắn vết thương lòng, xoá tan đau khổ tinh thần nhưng ít ra việc làm đó cho thấy Dakêu thực sự thay đổi tận trong tâm, đổi lối suy nghĩ, các xử thế, bỏ ham muốn vật chất, thay vào đó là yêu người và thực hành công lí theo đường lối Chúa.

Có lẽ Dakêu không phải là mẫu người tội lỗi, gian tham như quan niệm người ta gán cho người thu thuế. Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai. Theo mạch văn Dakêu không cố tình chiếm đoạt. Nếu có chỉ là lầm lẫn hơn là cố tình hay lạm dụng quyền hành. Nếu Dakêu có tội là tội không nhận biết Thiên Chúa, coi trọng của cải, vật chất. Khi gặp Chúa ông đã tự nguyện chia phân nửa tài sản cho người nghèo. Một điều mà người giầu có trong Lk 18,18 không thể làm được, chia của cho người nghèo, ông bỏ Chúa theo của. Dakêu trái lại, tự nguyện chia của cho người nghèo. Chúa nói: ‘Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này’

Dakêu thống hối đem lại niềm vui cho chính ông và hai nhóm người. Thứ nhất là nhóm nghèo được ông san sẻ cho phân nửa tài sản. Thứ hai nhóm bị oan ức (nếu có) được giải oan và nhận huê lợi hơn bốn lần thiệt hại. Việc thống hối của một người mang lại niềm vui cho nhiều người.

Dakêu quả là một người lùn, trí rất cao. Người lùn trí cao này làm thủ lãnh người thu thuế, biết nhìn ra Đấng Cứu Thế và biết chính đạo.

CHỐNG ĐỐI

Phe chống đối là thiểu số, ít người nhưng nắm quyền, nhiều phép, giỏi tuyên truyền. Người ta kết án Dakêu là tay sai cho quân xâm lược. Làm thủ lãnh thu thuế phải là kẻ tham nhũng. Giàu có nên nhất định gian tham. Dakêu chọn cửa rộng để đi, chọn đại lộ tiến thân. Họ ghét Dakêu và ghét lây ai làm bạn với người họ ghét. Tố cáo vô căn cứ mà vẫn có người tin: ‘nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ’

Trả lời họ Đức Kitô nói Ngài không trọ nhà Dakêu.

Đức Kitô đến mang ơn cứu độ. Đến tìm. Đến cứu những gì đã mất.

‘Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.

ĐƯỜNG HẸP

Con đường thương yêu, tha thứ, khuyên bảo, giúp đỡ, kết bạn. Người chọn đường này cần nhiều cố gắng, lắm gian lao, phấn đấu nên có kẻ chọn cố gắng theo, có kẻ bỏ, có kẻ giữa chừng bỏ cuộc.

ĐƯỜNG RỘNG

Con đường rộng nhẹ thì bỏ mặc, tẩy chay, ngầm phá; nặng thì kết án, chửi rủa, mắng nhiếc, từ bỏ. Đường rộng không cần cố gắng, phấn đấu. Không cẩn trọng rất dễ đi vào đường này. Mỗi khi làm một trong những điều trên là chúng ta đã tự chọn cửa rộng, đường thênh thang.

CHUNG ĐƯỜNG

Cả Dakêu lẫn phe kết án ông đi chung con đường, chọn cửa rộng thênh thang tiến bước. Kẻ kết án và người bị kết án đi chung đường. Đồng hành, không đồng tâm. Xã hội ngày nay chứng kiến lắm cảnh người này phê bình, chê bai người nọ, phe này chỉ trích, bài xích phe kia, cộng đoàn này khích bác, chê bai cộng đoàn khác vì tất cả đều chọn cửa rộng, chọn đại lộ. Cùng chọn cửa rộng nhưng sao phê bình nhau? Vì kẻ chọn cửa nhỏ hơn một chút lên tiếng phê bình kẻ chọn cửa lớn. Kẻ chọn đường đi nhỏ hơn phê bình kẻ chọn đường thênh thang hơn.

Dakêu người lùn, trí cao sớm trở về chính lộ, còn chúng ta?

 

47. Người tội lỗi hay người công chính

Chuyện kể rằng, một hôm có vị Quận công vào thăm trại tù. Ông là người tốt lành, nhân hậu. Khi ông đến, ông hỏi thăm các tù nhân về tội trạng của họ. Ông lấy làm ngạc nhiên vì các tù nhân ông hỏi đến đều nói mình vô tội. Người thì nói bị cáo gian, kẻ thì nói vì lòng ghen tỵ mà người ta thêu dệt tội trạng để bỏ tù mình, có người còn nói tại quan toà thích bỏ tù thì kết án chứ anh có làm gì sai đâu! Nhưng có một người đứng lên thú nhận tội mình: thưa quận công, tôi là người có tội, trong lúc cần tiền, tôi đã đi ăn trộm, tôi thấy mình đáng bị phạt nơi này. Lúc đó các bạn tù xỉ vả anh: anh thật tệ, anh không xứng đáng ở chung với những người vô tội. Lúc đó, vị quận công nhìn anh với lòng thương xót và tuyên bố tha bổng cho anh. Còn những người kia thì tiếp tục ở lại trong tù để có thời giờ suy nghĩ về sự công chính giả hiệu của mình.

Chúa Giêsu đến không phải để cứu chữa người công chính, nhưng để cứu người tội lỗi. Hay nói một cách khác: ai khiêm tốn và nhận lỗi, sẵn sàng để cho Chúa khám và điều trị thói hư, lầm lạc của mình thì Chúa mới chữa được. Vì Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Những người xưng mình là công chính, tự cho mình là đúng, không muốn nghe dư luận, không sửa mình, kể cả lời nhắc bảo của Chúa họ cũng để ngoài tai thì làm sao Chúa chữa lành được họ. Chúng ta biết, Chúa Giêsu khi muốn chữa bệnh cho ai, thì Ngài hỏi: “Con muốn ta làm gì cho con?” Chắc chắn Chúa biết người đó phạm tội gì, bệnh tật gì. Nhưng Ngài muốn người đó tự thú nhận, cầu xin ơn tha thứ. Kế đó Ngài mới giải tội, ra tay chữa trị cho lành cả hồn lẫn xác.

Giakêu là mẫu gương về lòng hoán cải. Giakêu biết tội mình, nhưng vì ông thấy nhiều luật sĩ và biệt phái hữu danh vô thực. Tuy mang danh là đạo đức nhưng thật ra nhiều người biệt phái luật sĩ cũng tham lam đâu thua gì ông, họ cũng ỷ quyền, áp bức kẻ khác, lạm quyền đâu kém gì ông mà có khi, ông nghĩ, họ còn tệ hơn ông nữa! Vì vậy, ông tuy biết việc mình làm là không đúng nhưng nhất định không đến thú tội với bọn người giả hình kia.

Tuy nhiên, thật may mắn cho ông, xu hướng trở về với Chúa vẫn thôi thúc lòng ông đêm ngày. Ông là người thức thời, ông nghe người ta đồn về một ông Giêsu, là một vị tiên tri đầy quyền năng, đối xử nhân từ với người thu thuế và tội lỗi chứ không như bọn Luật sĩ, Biệt phái giả hình, khinh khi và loại trừ người thu thuế. Vì thế, ông đã hỏi thăm kỹ càng ngày giờ Thầy Giêsu sẽ đi ngang qua đó. Đúng lúc đám đông theo Chúa Giêsu đi ngang, ông vội vàng trèo lên cây sung để mong được nhìn Thầy Giêsu, một người đầy lòng thương xót đối với tội nhân, và ông đã nhìn thấy Chúa. Hay đúng hơn Ánh Mắt Nhân Từ đã nhìn thấy ông trước khi ông nhận ra Ngài. Ngài đã gọi đúng tên ông. Thật ngỡ ngàng quá. Ông những tưởng chỉ có lòng ông khao khát tìm gặp Chúa, ai ngờ Chúa lại thao thức đi tìm ông. Dường như Chúa biết tất cả về ông về những tội lỗi và lòng chân thành sám hối của ông.

Thật quả đúng như lời người ta đồn đại và còn hơn thế nữa, Giêsu là Đấng Cứu Thế, Giakêu xúc động vô cùng trước tấm lòng của vị chủ chăn đi tìm chiên lạc. Ông chỉ còn biết thốt lên: tôi làm thiệt ai trong thời gian qua thì xin đền gấp 4 lần, còn phân nửa tài sản tôi xin chia cho kẻ khó. Đối với Giakêu, cuộc đời ông đã được Chúa Giêsu cứu chuộc rồi, của cải tài sản ông coi như phân phát hết cũng được, ông không cần gì khác nữa. Ông nhận ra tình thương của Chúa rồi. Cuộc đời ông tràn đầy ý nghĩa. Ông thấy cuộc đời mình đáng sống và hạnh phúc trong tình thương cứu chuộc của Chúa.

Trong ngày Chúa Nhật hôm nay, chúng ta hãy suy nghĩ đến tình thương của Chúa. Dù chúng ta thấy mình là công chính thì chúng ta hãy xét mình thêm xem mình đã đáp trả lại tình thương của Chúa đúng mức chưa? Chúng ta có dám nói như Giakêu: nếu tôi có làm thiệt hại danh giá hay vật chất của ai thì tôi xin đền gấp 4 và phân nửa tài sản của tôi xin chia cho kẻ khó. Rõ ràng, chúng ta chưa dám nói như vậy. Điều này cũng cho thấy là chúng ta chưa yêu mến Chúa bằng Giakêu. Vì vậy chúng ta phải dành thời giờ lưu lại với Chúa nhiều hơn sau thánh lễ và thiết tha cầu xin Chúa cho đời mình gắn bó Chúa hơn nữa. Ước gì chúng ta luôn biết nhận ra sự thật về chính mình để được Chúa gột rửa nên hoàn hảo, xứng đáng là môn đệ của Thầy chí thánh Giêsu. Amen.

 

48.Học cách hoán cải người tội lỗi nơi Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm. JB Lê Ngọc Dũng)

Chúng ta thường muốn sửa lỗi người khác hoặc muốn giúp người khác hoán cải, nhưng lại thấy khó khăn và lắm lúc thấy thất bại. Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã hoán cải được Giakêu, một người được coi là kẻ tội lỗi; một người khó có thể hoán cải. Thế mà tại sao Chúa Giêsu lại hoán cải được ông ta một cách dễ dàng như vậy? Chúng ta hãy học hỏi cách hoán cải người khác nơi Chúa Giêsu.

Khi Chúa Giêsu đến với ông Giakêu thì dân chúng lầm bẩm rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19,6). Trong dân chúng chắc có lẽ nhiều người tưởng rằng Đức Giêsu sẽ lên án tố cáo Giakêu, vạch trần tội ác của ông, và đe dọa rằng, nếu ông không hoán cải ông sẽ bị tiêu diệt.

Thế nhưng Đức Giêsu đã không làm như vậy. Đức Giêsu đã tỏ ta rất tôn trọng Giakêu. Ngài nói: “Gia kêu này, hãy xuống mau đi, vì hôm nay Ta phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5).

Chỉ có một lời nói của Chúa Giêsu cũng đủ làm cho Giakêu đáp trả lại ngay với lòng hoán cải. Ông đã không đợi vào nhà để bàn luận để hỏi thăm này kia, nhưng đứng ngay tại chỗ Giakêu đã thưa lại rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy nữa phần gia sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

Thật là khó có ai có một sự đáp trả lại một cách nhanh chóng như vậy, chỉ trong vòng một phút, đã sẵn lòng cho đi một nữa gia sản. Thử hỏi, một vị đại gia Việt Nam, giả sử như có 100 tỷ, lại trong không đầy một phút lại sẵn lòng cho đi 50 tỷ, lại còn bồi thường gấp bốn lần cho những ai ông làm thiệt hại, có thể xảy ra hay chăng?

Một điểm lạ lùng khác nữa: Chúa Giêsu đâu có thuyết phục hay yêu cầu ông ta làm những điều đó hay điều gì khác. Ngài chỉ nói một câu, và dĩ nhiên cùng với thái độ tử tế của Ngài. Tại sao chỉ một câu nói mà mang lại hiệu quả lớn lao như vậy?

Chúa Giêsu nói: “Gia kêu này, hãy xuống mau đi, vì hôm nay Ta phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5).

Câu này, được hiểu là Chúa Giêsu xin được ở trọ nhà ông Giakêu; chỉ xin được ở trọ nhà Giakêu chứ không đòi ông ta phỉa làm gì. Tuy đơn sơ như vậy, lời xin của Chúa Giêsu lại mang nhiều ý nghĩa quan trọng:

Trước tiên, Chúa Giêsu tỏ ra cần sự giúp đở của Giakêu. Điều này có nghĩa là: Tuy Giakêu là người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu vẫn thấy nơi ông một con người hữu dụng, có giá trị, ngược lại với chúng ta, cho rằng những người tội lỗi chỉ là đồ ăn hại, gây đau thương cho xã hội, cho người khác. Chúa Giêsu đã thấy ông là người tội lỗi nặng nề, nhưng đồng thời Ngài vẫn thấy ông có thể có lòng tốt để cho người khác, để yêu thương, để ban phát. Vì nếu không, Ngài xin trọ nhà ông để làm chi?

Thứ hai, việc xin này cũng có nghĩa là Chúa Giêsu đã đưa tay nâng ông ta lên, trả ông về với một nhân phẩm bình thường, trong khi người Do Thái khinh miệt ông ta, cho là quân thu thuế tội lỗi, gian tham bóc lột người nghèo.

Và hơn thế nữa, Đức Giêsu đâu phải là người bình thường, mà là một là một vị Thầy, được mọi người tôn kính như là một vị tiên tri được Thiên Chúa sai đến, hay như là Đấng Cứu Thế. Một vị quá cao sang như thế, mà ở lại nhà ông, thì Ngài không chỉ trả cho ông về cái nhân phẩm của người bình thường, mà còn cho ông một vinh dự quá lớn lao.

Thứ ba, Giakêu chắc cũng phải rất nể phục khi Đức Giêsu hy sinh cả tiếng tăm của mình để đến với ông. Vì ngay lúc đó, mọi người đều xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19,6). Sự xầm xì này đã làm hạ thấp phẩm giá của Đức Giêsu, một vị mà nhiều người đang tôn kính. Thế mà Đức Giêsu bất kể điều đó! Giakêu không những nể phục mà còn quá kinh ngạc với tấm lòng cao cả của Đức Giêsu. Từ cảm xúc quá kinh ngạc, Giakêu chuyển nhanh qua sự cảm động. Tâm lòng của ông bổng chuyển đổi nhanh chóng.

Trái tim ông, trước đây, bị xơ cứng, vì tiền bạc, danh vọng, quyền lực; nay, thì mềm ra. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, bổng chốc không còn là cái quan trọng đối với ông. Ông thể hiện sự thay đổi hay hoán cải của ông một cách nhanh chóng và cụ thể: “Thưa Ngài, tôi xin lấy nữa phần gia sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

Nhìn thấy cái tốt đẹp, cái nhân phẩm, cái hữu dụng, cái cống hiến của người khác, bỏ qua những cái xấu xa tội lỗi, để đến với tha nhân, là điều Chúa Giêsu đã làm. Kết quả là Giakêu đã hoán cải cách mau chóng, bất ngờ và trở nên mẫu gương cho chúng ta, những người muốn hoán cải.

Theo bài học của Chúa Giêsu, một người quản lý nhà tù đã chia sẻ kinh nghiệm rằng, chỉ có một cách duy nhất có thể hoán cải tù nhân, đó là tạo được một mối liên lạc với họ. Sẽ không bao giờ cải tiến được một người bằng cách chối bỏ hay xa tránh họ. Một sự lạnh lùng, khinh chê, lên án sẽ không có hiệu quả gì.

Nếu bạn hất hủi một người bạn sẽ làm cho trái tim người ấy trở nên khô cằn chai đá. Bởi thế, bạn cần tìm ra cách phương cách để làm trái tim ấy mềm ra. Điều cần nhớ là, tất cả mọi người cho dù có vẻ chai lì, tội lỗi nặng đến đâu chăng nữa thì vẫn còn cái tốt. Họ vẫn muốn được tốt, được hoàn thiện. Bạn đừng thất vọng về con người.

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng về người anh chị em, cũng như thất vọng về chính mình, để rồi lên án anh chị em hay lên án chính mình. Xin Chúa cho chúng ta biết tin tưởng vào tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn cứu giúp, đưa chúng ta về phẩm giá cao cả ơn gọi làm con Thiên Chúa.

 

49. Đền tội

Sau khi được Chúa tha thứ, ông Giakêu đã thưa lên cho mọi người được biết:

- Tôi sẽ lấy nửa gia tài để làm phúc bố thí cho người nghèo và nếu đã làm thiệt hại ai, tôi xin đền bù gấp bốn.

Lời nói này biểu lộ thái độ sẵn sàng đền bù và sửa lại những sai lỗi của mình. Đã có một chuyển biến, đã có một đổi thay nơi con người Giakêu. Vì thế, chúng ta cùng nhau chia sẻ một vai ý nghĩ đơn sơ về sự đền bù.

Có một người bỏ xưng tội lâu năm, tìm gặp vị ẩn tu trong sau mạc để xưng tội. Vị ẩn tu ra việc đền tội là một kinh Lạy Cha, khiến người ấy hết sức ngạc nhiên. Vị ẩn tu trả lời:

- Chỉ có vậy mà thôi, nhưng con phải đọc cho thật sốt sắng.

Người tội lỗi quì gối giữa vùng sa mạc cát nóng, đôi tay giang rộng, mắt ngước nhìn lên trời và bắt đầu đọc chậm chậm kinh Lạy Cha với tất cả sự trang nghiêm của mình. Và khi đọc tới những chữ cuối cùng, người ấy cảm thấy mệt mỏi rã rời, hơi thở đứt đoạn, rồi ngã gục xuống và nhẹ nhàng từ bỏ cuộc sống. Vị ẩn tu nhìn thấy linh hồn người ấy bay lên trời như một cánh chim bồ câu trắng.

Nhờ việc xưng thú, tội lỗi chúng ta đã được tha thứ, nhưng nhờ việc đền bù, những hình phạt do tội lỗi gây ra cũng được xóa bỏ. Chính vì thế, linh hồn có thể không phải qua luyện ngục, mà tiến thẳng đến cùng Chúa. Do đó, chúng ta hiểu được tại sao vị linh mục bao giờ cũng ra việc đền tội cho chúng ta sau mỗi làng xưng thú. Ngài muốn hoàn tất trọn vẹn công việc của ngài: xóa bỏ tội lỗi cũng như những hình phát bởi tội mà ra. Ngài muốn cho chúng ta thoát khỏi những tháng ngày đày đọa nơi luyện ngục. Bởi đó, hãy chu toàn việc đền tội của mình.

Tuy nhiên, những người thiện chí như muốn nói:

- Xin cha hãy ra việc đền tội nặng hơn một chút.

Tốt lắm! Chúng ta cứ việc hoàn tất việc đền tội linh mục đã chỉ định, rồi sau đó tự ý làm thêm những việc khác, chẳng hạn như lần chuỗi hay đi chặng đàng Thánh giá…

Sau khi xưng tội, đừng vội vã rời bỏ nhà thờ, nhưng hãy ở lại ít phút để cầu nguyện với Chúa bằng tất cả tâm hồn trong sạch của mình. Chúa sẽ lắng nhge lời chúng ta trong những phút giây ấy.

Tuy nhiên, việc đền tội không nhất thiết phải là đọc kinh nọ, kinh kia, nhưng có thể là những hy sinh và hãm mình. Hãy sống tinh thần sám hối trong chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Thánh Louis đã kể lại rằng: trong suốt cuộc sống mình chỉ phạm có hai tội nhẹ mà thôi. Tội thứ nhất, đó là hồi còn bé ngài đã ăn cắp mấy xu của một người lính. Tội thứ hai, đó là ngài đã nói lời tục tĩu một lần. Ngài đã làm nhiều việc hãm nình để đền bù hai sai lỗi nhỏ bé ấy. Là hoàng tử, nhưng ngài luôn vui vẻ giúp đỡ người khác. Mỗi khi cầu nguyện, ngài đều quì trên đất cứng, thay vì quì trên nhung lụa. Mỗi tuần, ngài ăn chay hai ngày. Ban đêm, thay vì ngủ trên chăm ấm nệm êm, thì ngài lại nằm trên một tấm ván.

Sau này, ngài đã rời bỏ cung điện để vào tu trong một nhà dòng. Tại đây, ngài vui mừng vì được làm những công việc tầm thường như quét nhà, rửa bát… Khi cơn dịch bộc phát, ngài đã hăng say đi giúp đỡ các bệnh nhân và sau cùng, ngài cũng đã mắc phải bệnh dịch.

Mặc dù đớn đau, ngài không bao giờ than van oán trách. Ngài chấp nhận tất cả để đền bù tội lỗi. Tại sao thế? Vì ngài biết Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng và sẽ trừng phạt cả những sai lỗi nhỏ bé nhất. Ngài muốn bị trừng phạt ở đời này, còn hơn là bị trừng phạt ở đời sau.

Tuy nhiên, có một cách đền tội thật tốt đẹp, đó là hãy uốn nắn những sai lỗi, sửa đổi những khuyết điểm, để thăng tiến bản thân, mỗi ngày một trở nên tốt lành và thánh thiện hơn.

Chúng ta hãy noi gương thánh Phêrô, ông đã chối Chúa ba lần, nhưng sau đó, ông đã ăn năn sám hối, đã làm lại cuộc đời và đã trở nên một vị thánh.

Trước khi xưng thú, chúng ta là những kẻ tội lỗi. Còn sau khi xưng thú, chúng ta phải trở nên những vị thánh.

 

50.Được biến đổi trong yêu thương

(Suy niệm của Lm. Giuse Lê Danh Tường)

Ở đời có người tốt có kẻ xấu. Ai cũng chỉ muốn xung quanh mình toàn người tốt. Chẳng ai muốn chung sống với người xấu làm gì cho nặng mình. Tâm lý chung của con người là mong cho mọi người tốt được sống và tất cả những kẻ xấu bị tiêu diệt. Thế nhưng sự phá bỏ chỉ là phương thế cuối cùng khi mà người ta không còn cách nào khắc phục. Trong 36 kế thì kế lược cuối cùng mới là bỏ chạy, sau khi đã tìm mọi cách để khắc phục.

Đối với Thiên Chúa, Ngài không muốn loại trừ, không muốn đánh mất một con người nào, cho dù đó là người tội lỗi, độc ác. Bởi Thiên Chúa luôn kỳ vọng và mong muốn con người ăn năn trở lại, phục hồi lại bản chất con người thánh thiện của mình để trở nên mỗi ngày một hoàn thiện hơn.

Bài đọc sách Khôn ngoan (Kn 11, 23 – 12, 2) đã lý giải lý do tại sao mà Thiên Chúa lại lặng im trước kẻ dữ. Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng nên con người. Và con người được tạo dựng là thánh thiện và tốt đẹp. Thiên Chúa chậm chễ không giáng phạt kẻ dữ là để mong họ có ngày nhận ra Thiên Chúa mà trở về với Ngài để được trở nên thánh thiện tốt lành.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 19, 1-10), tác giả trình bày một hình ảnh tuyệt vời về lòng bao dung và tình nghĩa của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi.

Ông Giakêu là người thu thuế. Là người thu thuế, ông bị mọi người lên án vì ông thu thuế của dân mà nộp cho đế quốc, vì ông được hưởng lợi hoa hồng từ chính những đồng tiền mồ hôi của dân. Dẫu sao ông cũng đã có địa vị trong xã hội, có dư đầy của cải, dù của cải ấy là bất chính. Danh vọng và của cải ông không thiếu. Nhưng dường như Giakêu vẫn thiếu một cái gì đó. Chính thao thức ấy đã khiến ông tìm mọi cách để được nhìn xem Giêsu.

Thái độ ông cố gắng để được nhìn xem Chúa Giêsu thật đẹp. Là một người như ông, nhưng ông đã bất chấp những lời đàm tiếu của dư luận để đạt được mục đích là nhìn thấy Giêsu. Dù cho đó có thể chỉ là chút tò mò, hiếu kỳ.

Thái độ đi tìm Giêsu và sẵn sàng vượt qua mọi rào cản của ông Giakêu đã là cơ hội tuyệt vời để Thiên Chúa kéo ông ra khỏi nơi tăm tối của tội lỗi.

Giakêu núp ở trên cây, tưởng không ai trông thấy. Nào ngờ Ðức Giêsu dừng lại, nhìn lên và gọi tên ông. Ngài thấy ông trước khi ông thấy Ngài. Giê-su đã nói với ông “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 9,5). Ánh mắt Ngài làm ông luống cuống, nhưng lời của Ngài lại làm ông sung sướng, ngỡ ngàng. Niềm hạnh phúc bất ngờ làm ông ngây ngất. Ðường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không rõ, nhưng chắc chắn đó là đường đầy ắp niềm vui. Thiên Chúa muốn cứu mọi người. Nhưng con người được tự do đón nhận.

Thái độ của Chúa Giêsu: Ngài đã gọi đúng tên ông có nghĩa Ngài đã biết ông từ trước; Ngài giục ông “hãy xuống mau” bởi Ngài đang chờ đợi ông, hồ hởi muốn gặp ông; Một lời gợi ý chẳng khác nào một mệnh lệnh “hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” đã nói lên lòng Ngài khao khát được ở lại với ông.

Đứng trước tình cảm mà Giê-su dành cho mình, ông Giakêu đã thực sự bày tỏ niềm vui mừng. Niềm vui của ông được bộc lộ cách cụ thể qua việc ông chia ½ gia tài của mình cho người nghèo và đền gấp 4 lần những gì ông đã chiếm đoạt của người khác.

Khung cảnh nơi nhà ông Giakêu trở nên rộn ràng tươi trẻ, đậm đà tình yêu giữa người với Chúa, giữa người với người, và ngay chính con người vui với lòng mình được biến đổi. Niềm vui rạng ngời bừng lên, như muốn lan đi đến cùng trời cuối đất.

Chỉ có sự gặp gỡ Chúa thực sự, chỉ có ánh mắt nhân từ yêu thương của Chúa mới có thể biến đổi con người như vậy. Chỉ có cách cư xử của tình yêu mới đem lại kết quả kỳ diệu như thế.

Ông Giakêu đã gặp Chúa, đã được tình yêu Chúa biến đổi. Trái tim ông đã được tình yêu Chúa chiếm đoạt. Đến lượt ông, ông cũng đã cư xử với những người xung quanh ông bằng trái tim yêu thương ấy của Chúa.

Lạy Chúa,

Xin dạy con

biết cách đến với mọi người,

và khám phá ra

đốm lửa nhỏ của sự thiện

vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi.

Ước gì đôi mắt con

nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa,

dám hy vọng không ngơi

vào lòng tốt của mỗi người,

và can đảm tin tưởng

vào sự quảng đại của tha nhân.

Trong yêu thương

thế giới này sẽ được biến đổi

cho tương lai rực rỡ huy hoàng.

home Mục lục Lưu trữ