Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1356964

Tuân Giữ Các Lệnh truyền

Cập nhật : 27-05-2011
 

Tuân giữ các lệnh truyền

Ga 14, 15-21

G. Nguyễn Cao Luật, OP

Tương giao mới trong Thần Khí

Những ngày trước lễ Thăng Thiên, phụng vụ sử dụng một bản văn thuật lại những lời nói của Ðức Giêsu khi Người loan báo cuộc Khổ Nạn, tức là cuộc Ra đi của Người. Ðiểm kết thúc của cuộc Ra đi này chính là việc Lên Trời. Nghe những lời loan báo của Ðức Giêsu, các tông đồ lo sợ vì mất đi người hướng dẫn. Các ông sợ sẽ bị bỏ lại bơ vơ, không có ai chỉ bảo. Ðức Giêsu biết điều đó và Người đã trấn an các ông. Người giải thích cho các ông biết rằng mối tương giao giữa các ông với Người, thay vì bị phá vỡ, sẽ trở thành một thực tại thiêng liêng. Thực tại này đưa các tông đồ đến sự hiệp thông với Chúa Cha, với Thần Khí, đồng thời đặt các ông vào trong tương giao mới với thế gian.

Ðể xác định các mối tương giao này, Ðức Giêsu mô tả một cách thức mới để nhận định về các sự vật. Thế gian, hiểu theo nghĩa tiêu cực là kẻ thù của Thiên Chúa, chẳng những không đón nhận Thần Khí sự thật, lại còn từ chối. Còn các tông đồ là con cái ánh sáng vì bước đi trong sự thật, nên nhận biết Thần Khí. Như vậy, điều cốt yếu là đạt tới một cái nhìn khác về sự vật, về biến cố, khác hẳn với cái nhìn vốn có cách tự phát. Bởi vì thực tại sâu xa và đích thực không phải là điều mà con người hiểu được theo giác quan, nhưng là một sự hiện diện thiêng liêng, sự hiện diện đem lại sự sống.

Như thế, cần phải đạt tới thực tại này. Ðiều này giả thiết rằng chính Thiên Chúa sẽ đến trợ giúp con người thực hiện sự trao đổi. Ðó là bí mật sau cùng trong thực tại của chính Ðức Giêsu, tức là ban Thần Khí.

Tuy vậy, ân huệ Thần Khí không được hiểu theo nghĩa một cuộc đưa ra khỏi trần gian. Trái lại, ân huệ Thần Khí giúp con người hiểu được con đường của Ðức Giêsu. Con đường này có những cột mốc tức là những giới răn Ðức Giêsu đã truyền lại. Các cột mốc này chính là thái độ mở rộng, là lòng quảng đại, là tình yêu thương. Ai đi trên con đường này sẽ luôn đi đúng hướng, sẽ luôn cảm thấy an toàn. Trên con đường này, có thể sẽ xảy ra những khó khăn, bước đường sẽ vất vả. Nhưng không sao, đừng xao xuyến, đó là con đường dẫn đến sự sống.

"Nếu anh em yêu mến Thầy ..."

Có gì là mới lạ, khi cuối cùng, Ðức Giêsu lại truyền cho các môn đệ phải tuân giữ các giới răn?

Những giới răn đầu tiên do Thiên Chúa truyền cho con người được ghi lại trong trình thuật sáng tạo. Khi ấy, cuộc sống mới ở giai đoạn đầu, thế gian vừa ra khỏi cảnh hỗn độn và hoang vu: các lệnh truyền của Thiên Chúa chính là ánh sáng, là sự hài hoà và là sự sống. Ðể đạt tới tình trạng này, con người phải tuân giữ giới răn của Thiên Chúa.

Sau đó, là giai đoạn của Mười giới răn được trao cho dân Do-thái, khi họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi đất Ai-cập. Các giới răn này là con đường để trở thành những người tự do, biến dân Do-thái trở thành Dân của Thiên Chúa: nếu muốn bảo vệ sự tự do đã được trao tặng, dân Do-thái phải tuân giữ các giới răn, bằng không, họ sẽ trở lại với tình trạng nô lệ.

Ðiều này không chỉ đúng với dân Do-thái, nhưng cả ngày nay nữa. Những ai từng trải qua kinh nghiệm về tự do, về sự giải thoát, hay nói đúng hơn, về ơn cứu độ, đều là những con người đã đi theo con đường do Mười giới răn vạch ra. Các giới răn này hướng dẫn tự do của con người, biến họ trở thành những con người tự do thực sự giữa những thăng trầm của cuộc sống.

Và bây giờ, Ðức Giêsu lại đưa ra các lệnh truyền. Trong các lời giảng, Ðức Giêsu không hề có ý làm cho Lề Luật ra suy yếu, trái lại Người củng cố Lề Luật: "Hãy yêu thương địch thù ... Ai xin thì hãy cho ... Ðừng xét đoán ... Hãy tỉnh thức ... Hãy đi làm hoà ...". Có lẽ nhiều người ngạc nhiên khi đọc Tin Mừng, khi thấy con số cũng như tính cương quyết trong các lệnh truyền của Ðức Giêsu.

Tại sao thế ? Tiêu chuẩn hình như quá cao. Các lệnh truyền trong luật cũ cũng đã khó thực hiện. Thế mà lúc này Ðức Giêsu lại đưa ra những lệnh truyền có vẻ như khó thực hiện hơn và có vẻ quyết liệt hơn.

Ðúng vậy, bởi vì trong Ðức Giêsu, con người nhận lãnh không chỉ các lệnh truyền, mà là chính sự sống của Thiên Chúa. Những giới răn đó không chỉ dành cho con người, nhưng chính là giới răn, là quy tắc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vì sự sống do Ðức Giêsu đem lại không chỉ là một trạng thái quân bình về xã hội hay một sự tự do cần duy trì, nhưng, theo kiểu nói của thánh Phao-lô, đó là được "đưa vào" trong sự sống của Thiên Chúa. Qua các lệnh truyền, Ðức Giêsu muốn đưa các môn đệ đi vào trong sự sống của Ba Ngôi, đồng thời mong muốn các ông có cùng tâm tình của Người: yêu mến, hiệp thông với Chúa Cha ...

Tuân giữ các lệnh truyền

Như thế, nếu muốn tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, nếu muốn được Ðức Giêsu yêu mến như Người đã yêu mến Chúa Cha, các môn đệ - cũng như chúng ta - hãy trung thành tuân giữ các lệnh truyền của Người, hãy sống theo mối tương giao vẫn chi phối đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Theo khía cạnh con người, đây là điều khó thực hiện, hay chính xác hơn, là điều không thể. Nhưng, như lời đã hứa, Ðức Giêsu vẫn ở bên trong chúng ta: Người là vị hướng dẫn nội tâm, là người mẹ nâng đỡ những bước chân đầu tiên của đứa trẻ. Và trong mọi hoàn cảnh, lời hứa của Ðức Giêsu với các môn đệ vẫn luôn là một bảo đảm chắc chắn: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng bào chữa khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thánh Thần chân lí."

Tuy vậy, chúng ta sẽ không tuân giữ các lệnh truyền của Ðức Giêsu do ép buộc hay do sợ hãi. Trái lại, các lệnh truyền cũng là ân huệ, cũng như Thần Khí là ân huệ. Với ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta không phải là những người bị bỏ lại bơ vơ giữa cuộc đời, chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi. Ngược lại, nhờ việc tuân giữ các lệnh truyền của Ðức Giêsu, chúng ta họp nhau trở thành một gia đình duy nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong gia đình này, những con người tự do luôn được tái sinh, luôn được hiệp thông trong tình yêu


Yêu người là yêu Chúa

(Ga 14,15-21)

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Ngày nay có rất nhiều người trên thế giới, trong đó có chúng ta, biết đến mẹ Tê-rê-xa thành Can-cút-ta và dành cho mẹ nhiều thiện cảm. Sở dĩ mẹ được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ là do những hoạt động từ thiện bác ái mẹ đã thực hiện cho những người nghèo khổ bất hạnh ở Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia chậm phát triển khác trên thế giới. Năm 1979 mẹ Tê-rê-xa nhận được giải thưởng Nobel hòa bình, một phần thưởng cao quý mà rất ít người nhận được, vì đã có công đóng góp tích cực cho nền hòa bình thế giới và phục vụ cho người nghèo. Mẹ Tê-rê-xa đã được nhiều người thiện chí khắp nơi sẵn sàng cộng tác giúp đỡ cả về tinh thần cũng như vật chất. Những ai cộng tác với mẹ, mẹ luôn đòi hỏi điều kiện quan trọng này là: họ phải có trái tim chứa chan tình yêu, và tình yêu này phải bắt đầu trước hết từ trong gia đình ruột thịt của họ.

Có lần Mẹ Tê-rê-xa kể lại như sau: “Trong số những cộng tác viên của tôi có một đôi vợ chồng lạnh nhạt với nhau và hay cãi lộn nhau. Một hôm tôi đã nhẹ nhàng trách cả hai: tôi không thể hiểu làm sao anh chị có thể đem Chúa Giêsu đến cho người khác, trong khi anh chị đã không thể đem Chúa Giêsu đến cho những người trong gia đình mình. Làm sao anh chị có thể thấy Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bệnh tật khổ đau trong lúc anh chị không nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện diện ngay trong người bạn đời của mình”. Nghe lời trách cứ của tôi, hai vợ chồng đã sửa đổi cách sống, sống hòa thuận với nhau cho đến bây giờ và họ luôn là cộng tác viên đắc lực của tôi. Quả thực nếu chúng ta không cảm nghiệm được Chúa Giêsu đang hiên diện trong lòng chúng ta, và đang ở nơi những người đang sống chung với chúng ta dưới một mái nhà thì chúng ta không thể đem Chúa Giêsu đến cho người xa lạ được.

Yêu mến Chúa, đó là bổn phận của chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa ? Làm sao chúng ta biết được mình yêu mến Chúa hay dựa vào điều gì để chính mình hay người khác biết được chúng ta yêu mến Chúa ? Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu bảo cho chúng ta biết một nguyên tắc, một bằng chứng, đó là giữ các điều răn của Chúa: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Chúng ta thấy Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hê giữa lòng yêu mến Chúa và việc tuân giữ các điều răn: yêu mến Chúa thì tuân giữ các điều răn, ngược lại, giữ các điều răn là bằng chứng yêu mến Chúa. Sau đây chúng ta tìm hiểu về mối tương quan hay mối liên hệ này.

Có một số người ngoại giáo nhìn đạo Công giáo với nhiều thành kiến. Họ cho rằng đạo Công giáo chỉ là một lô những điều răn và kinh kệ dài dòng mà phải mất rất nhiều thời gian mới có thể học thuộc và tuân giữ được. Quả thực, cách sống đạo của một số người Công giáo có thể đưa đến ngộ nhận trên. Tuy nhiên, thực chất của đạo Công giáo rất đơn giản. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài sai con một Ngài xuống trần gian để dạy bảo cho con người biết về tình yêu của Ngài và mời gọi con người hãy sống yêu thương để được hạnh phúc thật. Tất cả mọi điều răn và lề luật của đạo được tóm gọn trong hai chữ yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã xác định: cái cốt lõi của mọi điều răn, mọi lề luật là mến Chúa yêu người, và Chúa đặc biệt nhấn mạnh đến điều răn yêu người. Xin nêu ra một vài thí dụ:

Về điều răn “đi lễ Chúa Nhật”, có một số người đi lễ, họ thản nhiên, nếu không nói là cố ý, tới nhà thờ khi linh mục đã giảng xong, hoặc ra về khi linh mục bắt đầu cho rước lễ. Thế mà họ an tâm là đã làm xong bổn phận đi lễ ngày Chúa Nhật. Nếu có ai đặt vấn đề thì họ lý luận rằng: chưa mất phần chính, phần quan trọng của thánh lễ, thì không sao cả. Nhưng họ không ngờ rằng, làm như vậy là họ đã bớt xén bổn phận đối với Chúa, và đã hạn chế lòng yêu mến Chúa, nghĩa là họ giữ điều răn đi lễ ngày Chúa Nhật chỉ vì có luật buộc và sợ mắc tội trọng, chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.

Đối với điều răn “chớ giết người”, có một số người cho rằng: chỉ khi nào làm đổ máu hay làm thiệt hại đến thân thể người khác mới là phạm đến điều răn này. Họ đâu có biết rằng: những lời nói chua cay, những lời hành tỏi, những xét đoán bừa bãi… đều là những hình thức giết người. Nếu họ cứ thản nhiên vi phạm những điều này, thì làm sao có thể nói họ có lòng yêu người được ? Đối với những điều răn khác cũng vậy, nếu chỉ giữ bôi bác, chiếu lệ, hoặc coi thường, hoặc dễ dàng vi phạm khi biết đó là điều không quan trọng. Những người giữ các điều răn kiểu đó có thể nói họ không mến Chúa và yêu người thực sự.

Bởi vì giữ các điều răn là yêu mến Chúa, giữ các điều răn là thước đo lòng mến cao hay thấp, nhiều hay ít: giữ nhiều là yêu mến nhiều, giữ ít là yêu mến ít. Đàng khác, hễ càng yêu ai nhiều, thì càng sợ làm mất lòng người ấy nhiều, và hễ yêu ít, thì cũng ít sợ mất lòng. Chẳng hạn, có ai áy náy khi thấy kẻ thù nghịch của mình gặp chuyện rủi ro, bất hạnh không? Nhưng chắc chắn ai cũng rất sợ làm phiền lòng người mình yêu thương. Cũng vậy, những ai yêu mến Chúa, thì cũng sợ làm mất lòng Chúa, mà làm mất lòng Chúa là khi không tuân giữ các điều răn hoặc vi phạm các điều răn Chúa dạy.

Như vậy, người Kitô hữu có nhiều cách biểu lộ tình yêu của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn mến Chúa yêu người. Hơn nữa, chỉ cần xét xem, chúng ta có yêu người không là đủ, nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào, thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao.

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn yêu người. Đó là điều chúng ta cần ghi nhớ và thực hành. Chúng ta phải sống thế nào để lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện trong mọi hoàn cảnh bằng đời sống yêu thương của chúng ta. Chúng ta hãy xác tín rằng: Chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng ta mới thực sự làm chứng cho Chúa.



Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến

(Ga 14:15-21)

Giuse Lê Xuân Hiệp, OP

Giới răn yêu thương là yếu tố cốt lõi của đạo Công Giáo do Chúa Giêsu thiết lập. Đối với Ngài: “Mến Chúa và yêu tha nhân” phải song hành với nhau. Ai nói mến Chúa mà không yêu người khác là nói dối. Do đó, khi Chúa Giêsu nói: “Cứ dấu này người ta sẽ nhận anh em là môn đệ Thầy” là “anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 12). Yêu nhau là dấu chỉ rõ rệt nhất để nhân loại nhận ra họ là môn đệ Chúa Giêsu. Đây là tình yêu mến giữa các môn đệ với nhau rồi Chúa Giêsu lại nói tới lòng yêu mến các môn đệ phải có đối với Ngài.

Chỉ có một cách để trắc nghiệm tình yêu thương là sự vâng lời. Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài yêu Chúa Cha bằng sự vâng lời. Có nhiều người chỉ yêu thương qua đầu môi chót lưỡi, đồng thời lại làm cho những người họ yêu phải đau đớn, khổ tâm. Với Chúa Giêsu, tình yêu thương chân thật không phải là điều dễ dàng, tình yêu chân thật chỉ có thể chứng minh bằng sự vâng lời chân thật.

Chúa không hứa ban cho ta cơm ăn, áo mặc, của cải vật chất, giầu sang phú quý, hạnh phúc trần gian … Nhưng Chúa hứa sẽ cầu xin với Chúa Cha và Chúa Cha sẽ che chở các môn đệ và mọi người khỏi quyền lực thế gian tội lỗi. Tuy nhiên, để lãnh nhận lời Chúa Giêsu dạy, các môn đệ và mọi Kitô hữu phải yêu mến Chúa và giữ lời Ngài.

Giữa những bấp bênh của cuộc sống hôm nay, con người trải qua nhiều nỗi thất vọng khác nhau. Càng thất vọng, con người càng không tìm được lẽ sống và không biết bám víu vào đâu. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã mạc khải cho chúng ta lẽ sống chính là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn tín hữu. Sở dĩ thế gian đầy dẫy những con người thất vọng vì không có con đường giải thoát. Khắp nơi tràn ngập những gian trá, lừa đảo. Chính vì thế, "Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người." (Ga 14,17) Thế gian sống trong ảo vọng. Không thể tìm thấy niềm hy vọng trong những mớ ảo vọng đó.

Trái lại, niềm hy vọng của người Kitô hữu vững chắc như chính Thần Khí sự thật. Niềm hy vọng đó vô cùng lớn lao, "vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em." (Ga 14:17) Người luôn hiện diện giữa cộng đoàn và trong tâm hồn các tín hữu để bảo vệ họ khỏi nanh vuốt Sa-tan là cha mọi sự dối trá.

Chúa Giêsu đã hứa: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi." (Ga 14, 18) Cho dù kéo bè kéo cánh, kẻ thù vẫn không thể áp đảo các Kitô hữu. Dù bị hất hủi hay phản đối, họ vẫn không cô đơn, vì niềm tin đã khơi lên niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn và cuộc đời họ. Chính những lúc đau khổ và trống vắng nhất là những lúc họ đầy ắp ân sủng. Với nguồn ân sủng lớn lao, "Thầy sẽ đến cùng anh em" (Ga 14, 18) để đối phó kịp thời với những âm mưu đen tối. Chính tình yêu đã thúc đẩy bước chân Người đến với chúng ta.

Chính con mắt đức tin làm cho "anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống" (Ga 14,19) với tất cả niềm vui và tràn đầy hy vọng. Người môn đệ không thể thể sống mà không có Thầy. Sự sống Thầy bảo đảm cho tín hữu không phải rơi vào hố diệt vong. Ai có thể cất mạng sống Thầy ? Ai có thể thể tách lìa họ khỏi Thầy ? Còn sống là còn hy vọng. Đó là lý do tại sao họ vẫn giữ được niềm hy vọng dù phải sống giữa những hoàn cảnh tuyệt vọng. Các thánh tử đạo là một bằng chứng hùng hồn. Không một lý do tự nhiên nào có thể giải thích nổi những hành vi gan dạ đó. Không phải nhờ ý chí vững mạnh hơn người. Cũng không phải vì cuồng tín. Nhưng là từ cảm nghiệm sâu xa của niềm tin.

Như thế, dưới sự phù trợ của Thánh Linh, người tín hữu sẽ lao mình vào cuộc chiến để dành phần thắng cho Nước Chúa. Đó là lý do tại sao các môn đệ có thể mạnh mẽ "rao giảng Đức Kitô" (Cv 8,5) khắp thế giới, bất chấp mọi hiểm nguy.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban ơn Thánh Thần cho chúng con hầu chúng con có thể nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống hôm nay, xin giúp chúng con chiến thắng những cám dỗ của thế gian và không bị đồng hóa với những mặt trái của đời sống xã hội.

Sau khi trỗi dậy từ cõi chết, nhiều lần Chúa đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông. Xin Chúa cũng ban ơn bình an cho tâm hồn chúng con ngõ hầu chúng con có thể chia sẻ bình an đó cho những người mà chúng con gặp gỡ.

Các môn đệ đã trung thành làm chứng cho Chúa dù phải hy sinh cả tính mạng. Xin Chúa ban cho chúng con luôn trung thành với những đòi hỏi của Tin Mừng, biết quên mình để phục vụ Chúa, biết tuôn trào tình yêu thương và sẵn lòng trợ giúp những cảnh đời khốn khổ, bất hạnh bằng những hành động thiết thực chứ không chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Cho đi tình yêu, nơi đồng loại, là phương thế để chúng con thể hiện tình yêu của chúng con đối với Chúa. Amen./.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ