Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1355872

TUÂN GIỮ GIỚI RĂN LỀ LUẬT CỦA CHÚA

TUÂN GIỮ GIỚI RĂN LỀ LUẬT CỦA CHÚA

 Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Kỳ thi phổ thông quốc gia vừa qua đã để lại nhiều tai tiếng cho ngành giáo dục và xã hội. Nhiều thí sinh là con của các quan chức tại các tỉnh phía bắc có số điểm cao bất thường. Khi chấm điểm lại, người ta thấy có sự chênh lệch điểm đến không thể tin được, có những học sinh dưới trung bình được nâng thành điểm xuất sắc. Những người có liên quan tìm cách lấp liếm, quanh co chối bỏ trách nhiệm.

Thưa quý OBACE, xã hội ngày nay đang lan tràn sự gian dối, giả trá từ cấp cao nhất đến những những nhân viên thấp nhất. Người dân dường như không muốn nghe những bài tuyên giáo sáo rỗng, dối trá của những người lãnh đạo, báo đài, bởi vì sự dối trá đang làm mất lòng tin của người dân. Những người có trách nhiệm, họ nói một đàng lại làm một nẻo, ngôn hành bất nhất, khiến cho người dân mất lòng tin, xã hội trở nên rối ren, lộn xộn, vô luật pháp.

Xã hội Do Thái ngày xưa cũng rơi vào tình trạng rối ren như thế. Những người lãnh đạo chỉ lo vơ vét của cải cho bản thân và gia đình. Đời sống của họ trở nên bê bối, thành gương xấu cho người khác. Họ tùy tiện uốn nắn, thay thế lề luật của Thiên Chúa bằng các thói quen tập tục có lợi cho bản thân. Trách nhiệm chính của các nhà lãnh đạo là giảng dạy, hướng dẫn dân đi theo đúng giới răn lề luật của Chúa. Tuy nhiên, chính họ lại vi phạm lề luật và tìm cách thêm nhiều chi tiết vào luật để biện minh, che đậy cho sự sai trái của mình.

Tin Mừng hôm nay kể về cách hành xử của những người lãnh đạo Do Thái: Các người Pharisêu trách Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài không giữ tập tục thanh sạch, không thực hành nghi thức thanh tẩy chén bát và rửa tay trước khi vào bàn ăn. Họ cho rằng Chúa Giêsu và các môn đệ đã vi phạm tập tục của tiền nhân. Theo luật tinh sạch của người Do Thái: tất cả đồ ăn, đồ dùng hoặc khi ra ngoài trở về, họ phải thực hiện một nghi thức thanh tẩy: tắm rửa, thay quần áo, rảy nước trên đồ vật… Đây không phải là việc làm theo phép vệ sinh ngày nay, nhưng họ thanh tẩy vì cho rằng có thể dân ngoại hoặc người bị ô uế đã đụng chạm đến các đồ vật ấy.

Chúa Giêsu đã muốn đưa những người Pharisêu này trở lại với ý nghĩa nguyên thủy của việc thanh tẩy này. Ngài trích lời Isaia để nói với họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm”. Điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người không phải là những hình thức giả dối bên ngoài nhưng phải là tấm lòng thành. Chúa muốn mỗi người cần phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi ô uế hơn là những hình thức thanh tẩy bên ngoài. Chúa muốn mỗi người biết đặt ưu tiên cho việc chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa, sống ngay thẳng công minh, chính trực, hơn là giữ các tập tục vô nghĩa. Nói như thế, Chúa không phủ nhận các giá trị tốt đẹp của tiền nhân, nhưng Chúa chê trách những người nại vào tập tục mà bỏ qua việc chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa hoặc giữ luật mà không hiểu ý nghĩa của luật.

Đàng khác, Chúa trách những luật sĩ và biệt phái vì họ đã làm ngơ trước lề luật của Thiên Chúa và dạy người khác làm theo luật của riêng mình. Ví dụ họ cho rằng những ai chỉ cần tuyên bố sẽ dâng cúng tất cả tài sản của mình cho đền thờ, thì người ấy không phải nuôi dưỡng báo hiếu cha mẹ nữa. Đây chắc chắn không phải là điều Thiên Chúa dạy. Thiên chúa đòi buộc mỗi người phải thảo kính cha mẹ. Ai không chu toàn là có lỗi với cha mẹ và có tội trước mặt Thiên Chúa. Nhưng vì muốn cho có nhiều người dâng cúng vào đền thờ mà các luật sĩ và thượng tế đã đặt ra luật như thế.

Chúa Giêsu gọi đám đông đến và nói cho mọi người một nguyên tắc căn bản: Đó là phải tôn trọng tiếng lương tâm trong sáng, nghe và làm theo tiếng nhắc bảo của lương tâm. Chúa Giêsu dùng cách so sánh cụ thể: “Không phải những cái từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho họ ra ô uế, mà chỉ những cái từ trong xuất ra mới có thể làm cho con người ra ô uế mà thôi”. Chúa Giêsu cũng giải thích thêm “cái bên trong”  đó là: “tư tưởng xấu, tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng nó phát xuất từ trong tâm hồn và làm cho tâm hồn ô uế”. Đúng như vậy, tư tưởng sẽ chi phối hành động. Tư tưởng xấu xa mờ ám, thì dẫn đến hành động xấu xa gian dối; tư tưởng suy nghĩ quanh co thì hành động cũng quanh co không ngay thẳng; tư tưởng dâm ô thì từ lời nói đến hành động sẽ là những điều dâm ô.

Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng là mỗi người cần thanh tẩy, điều chỉnh suy nghĩ của mình trước; thanh tẩy từ trong tâm hồn. Thay đổi được suy nghĩ, sẽ thay đổi được hành động và đời sống. Suy nghĩ những điều tốt đẹp, tích cực thì sẽ hành động tích cực tốt đẹp cho người khác. Suy nghĩ những điều thánh thiện, thì cuộc sống và việc làm sẽ thánh thiện.

Ngày xưa trong Cựu ước, Thiên Chúa cũng đã dùng ông Môsê để cánh báo về việc giữ giới răn lề luật của Thiên Chúa sao cho cho tinh ròng, đừng tự ý thêm hoặc bớt lề luật Chúa. Vì lề luật của Thiên Chúa là do ý muốn của Thiên Chúa. Ai tuân giữ cách vuông tròn, đó là người khôn ngoan và lề luật của Chúa sẽ gìn giữ người ấy. Hơn nữa, Môsê còn kêu gọi mọi người hãy luôn cảm thấy tự hào vì không có dân tộc nào được Thiên Chúa ưu ái ban lề luật của Ngài như Chúa đã ban cho dân Do Thái. Tuy nhiên, những lời căn dặn của Môsê đã không được người Do thái lưu ý. Họ tìm cách sửa luật Chúa theo ý muốn và theo lợi ích riêng của mình, biến việc giữ luật chỉ còn là hình thức bên ngoài không còn ý nghĩa ban đầu. Sau nhiều thế kỷ, người Do thái đã thêm vào lề luật của Chúa nhiều chi tiết và nhiều các thứ luật khác khiến cho đa số người dân không thể phân biệt đâu là giới răn của Chúa đâu là luật của các thượng tế, luật sĩ.

Thưa quý OBACE, không chỉ những người Do thái ngày xưa, mà chúng ta hôm nay cũng bị tình trạng như thế. Nhiều người trong chúng ta tin Chúa, theo Chúa nhưng không muốn giữ lề luật của Thiên chúa. Nhiều người cho rằng luật Chúa ngày nay con người không thể giữ được. Vì vậy, họ tìm cách xén gọt luật Chúa cho vừa với ý của mình. Nhiều người khi bước vào cuộc sống hôn nhân, họ cam kết chu toàn luật Chúa và Giáo Hội. Họ công khai nói lên sự thuỷ chung và vĩnh viễn của hôn nhân công giáo. Thế nhưng, có nhiều người đã tìm cách phá vỡ mối dây hôn nhân, tìm cách hủy bỏ lời cam kết. Họ đưa ra rất nhiều lý do để biện mình cho lối sống, suy nghĩ và hành động sai trái của mình. Ngày nay có cả những phong trào nổi lên gây sức ép, nhằm phá hủy luật hôn nhân của Chúa để thay thế bằng luật của con người.

Sống trong một tổ chức nào cũng cần phải có lề luật để duy trì sự trật tự và giúp phát triển tổ chức đó. Cũng vậy, là thành viên trong gia đình Hội Thánh của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải chu toàn những lề luật của Hội Thánh. Vì Hội Thánh là của Chúa Kitô, do Chúa Kitô thiết lập để thi hành sứ mạng Chúa Kitô trao phó. Vậy mà, có những người đang tìm cách gây sức ép để Hội Thánh thay đổi lề luật của mình với lý luận: Luật do Hội Thánh đặt ra thì Hội Thánh có quyền thay đổi. Ví dụ như luật về hôn nhân gia đình, luật bảo vệ sự sống… Luật của Hội Thánh là do ý định của Thiên Chúa, nhằm xây dựng Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh không thể đi ngược với ý định của Chúa Kitô.

Trong một cộng đoàn nhỏ hơn là giáo xứ, gia đình cũng cần có những quy định phù hợp với lề luật của Thiên chúa nhằm bảo vệ, củng cố và phát triển cộng đoàn và gia đình. Vì thế, mỗi người đừng vì ý thích cá nhân, cũng đừng nhân danh tự do cá nhân hoặc quyền lợi nào đó mà coi thường luật Chúa và Giáo hội hoặc những quy định của cộng đoàn và gia đình. Vì tất cả những lề luật của Thiên chúa và Hội Thánh là nhằm giúp ta tiến triển và đạt tới đời sống thánh. Những quy định trong giáo xứ và gia đình là chuẩn mực, nhằm giúp ta hoàn thiện con người mình mà thôi.

Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra ý Chúa qua các giới răn lề luật của Chúa và giúp chúng ta thi hành, chu toàn luật Chúa cách vui tươi và tự do. Amen.

Về mục lục

 

THIỆN CĂN HỆ TẠI LÒNG TA

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Hôm nay, Chúa Nhật XXII thường niên B, chúng ta tìm hiểu về Luật Chúa là luật đích thực của tôn giáo. Luật này được kiện toàn trong bí tích tình yêu và chỉ tồn tại trong tâm hồn tinh truyền và thánh thiện. Vì thế, các bài đọc hôm nay hướng dẫn chúng ta suy tư về cách thế tốt nhất để tuân giữ luật Chúa, nhờ đó chúng ta đạt tới ơn cứu độ.

Trong bài đọc I, Môsê nhắc nhở dân người về các huấn lệnh của Thiên Chúa và yêu cầu họ phải kiên tâm bền chí tuân giữ để được sống hạnh phúc. Ông cũng nghiêm túc lưu ý họ không được thêm hoặc bớt điều gì. Tuy nhiên, lời cảnh báo này đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, bởi vì sau này những người Pharisêu đã biến 10 điều răn thành 613 khoản quy định tỉ mỉ.
Vì thế, họ đã làm cho cuộc sống trở nên khó khăn và phức tạp một cách thái quá đối với dân Chúa. Đó là lý do tại sao trong thư Galát chương 3, thánh Phaolô đã đối diện với trường hợp như thế nên ngài đã mạnh mẽ chống lại “lề luật.” Ngài không hoàn toàn lên án lề luật, nhưng lên án cách thức mà những người Pharisêu quan niệm, lạm dụng và trình bày lề luật. Ngài cho rằng tinh thần Lề Luật còn quan trọng hơn các chữ viết.

Cũng thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chống lại nhóm Biệt Phái vì sự giả hình của họ. Họ không bao giờ giữ luật mà họ đã đề ra cho dân. Đây là cách thức nguy hiểm của đời sống mà chúng ta (những linh mục, tu sĩ và những Pharisêu thời nay) phải cẩn thận xa tránh. Chúng ta không được sống một cuộc sống giả hình, cũng như làm cho cuộc sống trở nên phức tạp hơn cho người khác; hay đôi khi chúng ta chỉ thích bắt bẻ, chỉ trích và lên án người khác, nhưng lại không ý thức về giới hạn của mình.

Đặc biệt, trong khi nhóm Biệt Phái chỉ chú trọng đến hình thức và nệ luật bên ngoài, Chúa Giêsu chỉ cho thấy căn nguyên sâu xa nhất của mọi sự xấu xa và thiện hảo khi Người nói: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Người mời gọi chúng ta phải kiểm điểm chính mình. Bởi lẽ, từ bên trong, nơi lòng chúng ta, những ý định xấu xa, ghen ghét, kiêu ngạo, những khuynh hướng đồi bại mà chúng ta lưu giữ trong lòng thực sự là những gì biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta là ai. Chúng là những tật xấu làm cho chúng ta trở nên xấu xa. Chúng ta phải loại trừ chúng trước khi chúng cắm rễ sâu và làm cho toàn bộ con người chúng ta ra hư hỏng. Chúng là những kẻ thù đích thực và ẩn mặt mà chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng mỗi ngày.

Phẩm chất của đời sống chúng ta được đo lường nhờ phẩm chất của tâm trí chúng ta. Nếu tâm trí chúng ta bị phá hoại và bệnh hoạn, thân xác chúng ta sẽ bị bệnh hoạn gấp trăm lần, ngay cả khi chúng ta không ý thức điều đó. Như thế, điều quan trọng nhất mà Thiên Chúa cần nơi chúng ta là tâm hồn trong sạch như Chúa Kitô dạy chúng ta: “Phúc thay những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Cách thức tốt nhất để trung thành với huấn lệnh Thiên Chúa là để cho tâm hồn chúng ta được biến đổi nhờ Lời Chúa. Như thế, thay vì quá chú tâm đến những chữ viết của lề luật và sự trong sạch thể lý, chúng ta nên chú ý tới lời khuyên của Phaolô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Thánh ý Thiên Chúa chính là luật Người. Luật Chúa phải thúc đẩy chúng ta yêu mến người khác và làm lành lánh dữ. Luật Chúa phải kêu gọi sự sám hối đích thực và ước muốn chân thành để tha thứ cho người khác. Luật Chúa giữ chúng ta vững vàng trong đức tin. Tắt một lời, luật Chúa phải thúc đẩy chúng ta chỉ theo đuổi điều tốt lành, phải đạo, cao thượng và thánh thiện.

Hôm nay, thánh Giacôbê Tông Đồ đòi hỏi chúng ta nơi bài đọc II: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em… Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành” (Gc 1,21-22).

Vì thế, cách tốt nhất để thực hiện điều này là chúng ta hãy có gắng sống đức tin của mình vào trong đời sống hằng ngày, hãy diễn tả nó qua cách thức chúng ta sống, yêu và hành xử với người khác. Cuối cùng, Thánh Vịnh Gia nhắc nhở chúng ta rằng người công chính sẽ sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa chúng ta thực hành Lời Chúa và các giới răn với một tâm hồn trong sạch và chân thành. Vì thế, chúng ta hãy khiêm tốm cầu nguyện như vua Đavít: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51,12). Amen!

home Mục lục Lưu trữ