Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1360473

TUY HAI MÀ MỘT

TUY HAI MÀ MỘT

 

(Suy niệm của Lm. Xuân Hy Vọng)

Đâu đó bạn bè, những người không có đạo thường hỏi chúng ta rằng: cốt lõi của đạo Công Giáo là gì? hoặc điểm chính yếu nhất của đạo Công Giáo là gì? Đặt trường hợp, chúng ta được hỏi, liệu chúng ta có thể trả lời được chăng? hay chúng ta chỉ nhoẻn miệng cười trừ, rồi tạm biệt, hẹn ngày trở lại!!

Tin Mừng hôm nay, câu hỏi mà nhóm luật sĩ đặt ra cho Đức Giê-su cũng hóc búa chẳng kém. Tuy từ ngữ khác với câu chữ thời đại chúng ta, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy nội dung không khác gì mấy, “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22, 36). Như chúng ta biết, toàn bộ lề luật Mô-sê và sách các Tiên tri (mà bây giờ chúng ta gọi là Kinh Thánh Cựu Ước) rất nhiều, đặc biệt lề luật của người Do Thái thời ấy thì vô vàn, tỉ mỉ đáng kinh ngạc. Cho nên những ai được gọi nhà thông luật hồi đó, quả thật cũng thuộc loại xuất chúng, không xem thường được!

Họ tưởng rằng, Đức Giê-su sẽ không trả lời được, nhưng ngờ đâu Ngài tóm tắt toàn bộ sách luật Do Thái chỉ bằng một câu ngắn gọn, đó là giới răn yêu thương: kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Tuy hai điều nhưng chỉ là một. Ngài trưng dẫn nguyên văn sách Cựu ước: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (x. Đnl 6, 5) và “ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv 19, 18). Ngài quả quyết mạnh mẽ và rõ ràng: “Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy…Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”  (x. Mt 22, 38-40). Nói cách khác, Đức Giê-su đặt tầm quan trọng của điều răn mến yêu tha nhân như tính hệ trọng của điều răn yêu mến Thiên Chúa. Và hai giới răn này không được tách rời. Nếu tách biệt, hoặc trọng một điều mà không thực hiện điều kia, thì chúng ta đang rơi vào những lời biện hộ như thường được nghe, được thấy diễn ra trong thực tế của đời sống hằng ngày.

Cụ thể không ít người Công Giáo nghĩ và sống: kính mến Chúa, được thể hiện qua việc đọc kinh, tham dự Thánh lễ, tích cực hăng hái trong công việc nhà xứ, nhưng lại không dễ tha thứ, thương yêu anh chị em mình. Nhiều người vào nhà thờ đọc kinh sốt sắng, to rõ ràng, nhưng khi bước ra khỏi nhà thờ, hoặc về nhà thì lại không dễ thương, nhẹ nhàng, đón nhận yêu mến anh chị em, dễ cáu gắt, để bụng, giận hờn ghen ghét, ganh tị, nuôi hận thù…, hoặc đối xứ không tốt với hàng xóm láng giềng, và thường nhận lại lời chê bai: ‘người có đạo mà sống tệ vậy à?!!!!’ Lắm lúc, chúng ta trung thành, nhiệt tâm với nhà Chúa, năng nỗ đọc kinh hằng ngày, tham gia các hội đoàn giáo xứ, nhưng mối tương quan với anh chị em lại chẳng được tốt, hoặc không mến yêu tha nhân. Ngược lại, nhiều lúc được hỏi: tại sao không đi lễ, không đọc kinh nguyện hằng ngày, thì lời biện hộ hay lí do hay được nhắc tới, là: ‘đạo tại tâm mà, cho nên khỏi phải đi lễ, đọc kinh, chỉ cần yêu thương người, sống tốt với người khác là đủ!’, hay tiêu cực hơn với lối suy nghĩ ‘những người đi lễ, đọc kinh đấy, nhưng vẫn chửi bới người khác, chẳng muốn hy sinh gì của mình để giúp đỡ tha nhân, cho nên tôi chẳng cần làm vậy, biết giúp đỡ người khác, làm việc từ thiện là tốt đẹp rồi!’.

Chẳng cần bàn luận nhiều, hai xu thướng trên đã và đang hiện hữu ngày càng rõ rệt nơi chúng ta. Nếu chúng ta cứ sống như vậy, thì chắc hẳn giới răn yêu thương bị chia cắt; đúng hơn, chúng ta chưa sống đúng điều răn bác ái mà Chúa dạy. Thật ra, khi chúng ta thật lòng kính mến Chúa với toàn bộ con người chúng ta, thì nhờ điều này mà chúng ta mở lòng đón nhận và yêu thương anh chị em như chính bản thân ta. Và ngược lại, mỗi lúc chúng ta làm việc bái ái, giúp đỡ, tha thứ, yêu mến anh chị em thật tình, thì chúng ta cũng đang nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ và kính mến Chúa. Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta yếu đuối, tội lỗi, sa ngã, không kiềm chế và xét mình mỗi ngày, thì bị rơi vào tình trạng như thể ‘lừa dối bản thân’ vì như lời của Thánh Gio-an viết: “nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy…Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (x. 1Ga 4, 20-21).

Chính vì vậy, nếu chúng ta thật sự yêu mến hết con người mình thì lòng mến đó sẽ được bộc lộ một cách cụ thể qua những hành động, thói quen tốt lành như: tham dự Thánh lễ, nguyện gẫm, chuyện trò, tâm sự với Chúa trong các buổi tĩnh tâm, những giờ học hỏi Lời Chúa, học giáo lý; nhất là để Chúa biến đổi bản thân, đón nhận Lời và Mình Máu Thánh nuôi dưỡng chúng ta, Ngài mở lòng, thúc giục chúng ta biết chấp nhận yêu thương anh chị em như chính mình, dám hy sinh thời gian, sức lực, tiền của, trí lực, tài năng để giúp đỡ tha nhân. Những ai dám nói mình tích cực làm việc bác ái, mà không bắt nguồn từ lòng mến Chúa, từ mối tương quan thân tình với Chúa, từ việc thực hành Lời Chúa, thì có lẽ đó chưa được gọi là việc bái ái, đó chỉ có thể là việc từ thiện như biết bao nhiêu tổ chức ngoài xã hội hoặc kể cả những ai không phải Công Giáo cũng đang nỗ lực thực hiện thôi. Thoạt tiên, chữ ‘công việc bác ái’ và ‘công việc từ thiện’ dường như giống nhau và không ít người Công Giáo nghĩ có thể hoán chuyển cho nhau. Tuy nhiên, nếu xét thật gần và kỹ lưỡng về nền tảng, động lực của nó, chúng ta sẽ thấy khác xa. Công việc từ thiện thì ai cũng làm được, miễn họ có lòng thương cảm, trắc ẩn, bất luận họ là Công Giáo hay không. Trong khi ấy, việc bác ái thật sự được xuất phát từ tình mến Thiên Chúa. Đúng hơn là, Thiên Chúa yêu thương chúng ta tha thiết, vô bờ bến, và chúng ta được cảm nhận tình yêu ấy, rồi nó khiến chúng ta kính mến Người như ‘tình yêu đáp đền tình yêu’, ‘con tim đến với con tim’. Mặc khác, tình Chúa dành cho chúng ta quá lớn, nên chúng ta cảm nhận tình yêu ấy đến độ chúng ta dám ra khỏi những gì an toàn, thoải mái của bản thân mà đến với anh chị em bằng nụ cười tươi, bằng ánh mắt yêu thương, bằng đôi tay mở rộng, bằng tâm hồn trong sáng, vị tha, bằng đôi chân tiến bước giúp đỡ tha nhân, cách riêng những ai bị gán cho vùng ‘ngoại vi’, bị loại bỏ, bị xa lánh…Nói một cách chính xác, lúc ấy, chúng ta đang sống giới răn yêu thương thật sự.

Lạy Chúa, ngay giờ đây, ngay khoảnh khắc này, chúng con quỳ trước Chúa, không phải để nài nỉ cầu xin, cho bằng dâng lời cảm tạ vì Chúa đã yêu thương con vô hạn, mặc dù lòng mến của chúng con với Chúa hữu hạn, và đôi lúc tính toán, đầy những điều khoản hay lời hứa suông. Nhưng thật hạnh phúc, nhờ tình Chúa, mà mỗi ngày chúng con cảm nghiệm và được yêu mến Ngài nhiều hơn, thật hơn, cũng như biết mến yêu anh chị em khác nữa.

‘Mến Chúa yêu người’ giới răn yêu thương

Tuy hai mà một, tuy một mà hai

Không thể tách rời, trung thành thực thi

Tương giao chặt chẽ, hoà quyện vào nhau

Như sắc không màu, như màu đa sắc

Hằng ngày cảm nhận, khoảnh khắc yêu thương. Amen!

 

61.Hàng ngàn giới răn?

Một lần nữa những người Pharisêu muốn giăng bẫy Chúa Giêsu, kiểm tra giáo lý của Ngài, dồn Ngài vào chân tường, dẫn Ngài vào trong sự rắc rối của hàng ngàn luật lệ. Người ta sắp thấy điều Ngài biết, sắp thấy Ngài có dạy dỗ tốt điều cần phải dạy dỗ hay không.

Chúa Giêsu thoát ra khỏi cái bẫy với một sự tự do, một sự trong sáng và một sức mạnh sáng tạo làm cho những người Pharisêu không nói được một lời nào. Ngài trích dẫn hai câu cổ điển: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa... Ngươi phải yêu thương anh em ngươi...”. Đây là câu trả lời đơn giản của học trò giỏi, nhưng Ngài rút ra từ đó hai điều mới lạ.

Điều thứ nhất, Ngài đưa hai điều luật tới gần nhau bằng cách cho hai điều luật đó có tầm quan trọng như nhau. Kể từ giây phút này tình yêu thương anh em được nâng lên gần với tình yêu thương Thiên Chúa và sẽ không rời ra nữa.

Điều thứ hai, Ngài làm cho viên ngọc duy nhất nay sáng lên bằng cách để cho nó ngự trị trên toàn bộ những điều chúng ta nghĩ và làm: tất cả đều tuỳ thuộc vào tình yêu. Việc kể ra nhiều những điều phải làm hoặc không được làm, làm phát sinh hàng ngàn câu trả lời cho một câu hỏi: tôi có thể yêu thương như thế nào?

Chúa Giêsu nói tất cả những gì chứa đựng trong Kinh Thánh, lề luật và các tiên tri, và do đó tất cả những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, phát xuất từ hai điều răn gắn với nhau này. Những người chẻ sợi tóc làm tư đã hỏi Ngài nay bị buộc quay về điều cốt lõi: “Hãy yêu thương”.

Chúng ta cũng thế, chúng ta cảm thấy rằng tuân giữ hoàn toàn hai giới răn lớn này là một cách thức triệt để, nhưng có tính cách bó buộc đến nỗi chúng ta thích đi quanh co ở giữa hàng ngàn điều qui định. Đàng khác, những qui định này là cần thiết, “yêu thương” thì quá mơ hồ, phải hun đúc yêu thương bằng những bó buộc khác nhau. Tôi phải biết rằng tôi thật sự yêu mến Thiên Chúa và anh em của tôi nếu tôi làm điều này điều kia.

Nhưng thế rồi nổi lên một nguy cơ muôn đời: làm mất tác dụng sự bó buộc yêu thương bằng việc cứ nhắm mắt tuân thủ bó buộc đó. Với ít nhiều ý thức chúng ta lý luận theo cách này: nếu tôi làm tất cả những gì được yêu cầu thì đã yêu thương rồi đó. Không đâu. Điều đó chưa đúng, bởi vì điểm xuất phát thì xấu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng tất cả trước tiên tùy thuộc vào dự kiến triệt để đó là yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ bắt đầu bằng hàng ngàn điều phải làm nhưng là bằng xác tín mà tất cả đều tuỳ thuộc vào đó: tôi phải yêu thương.

Theo Tin Mừng, bí mật của cuộc sống là: trước hết phải thực hành yêu thương điều gì đó một cách hoàn toàn vô điều kiện. Thế rồi ý thức muốn yêu thương này sẽ dần dần hóa thân vào trong tất cả các biến cố, các cuộc gặp gỡ và các sự tuân phục –nhưng không đắm chìm vào trong đó. Sẽ là bất hạnh nếu lại rơi vào trong sự âu lo và sự nô lệ hàng ngàn giới răn, sau khi đã nhận được từ Chúa điều răn ngắn nhất và tự do nhất trong số các điều răn của cuộc sống: Tôi có yêu thương hay không?

 

62.Điều cốt yếu

Các cuộc tranh luận giữa bọn Biệt Phái về phương diện Giáo lý, đã đi tới chỗ quyết liệt nhất là khi tìm xem điều gì cốt yếu.

“Giới luật nào quan trọng nhất?”. Bọn Biệt Phái hỏi Chúa như thế. Họ mong muốn Chúa sẽ trình bày luật pháp là tạm thời, rồi mưu mô đề cao lời của Ngài để nhờ đó, họ có thể công kích hoặc nói rằng Ngài chỉ nêu lên một điểm trong toàn bộ luật pháp, và vì thế họ cũng có thể làm Ngài thua cuộc. Nhưng Đức Kitô thấu triệt được thâm ý của họ. Ngài đi thẳng vào vấn đề: nghĩa là Ngài nêu lên điểm gì là quyết định, chủ yếu, đúng như lời Thiên Chúa đã dạy, tức là nêu lên một phương diện chung duy nhất đó là đức ái.

Mến Chúa là điều cốt yếu. Điều cốt yếu không phải chỉ là khúm núm sụp lạy Thiên Chúa tạo hóa, cũng không phải là lời tuyên xưng tội lỗi của tội nhân, cũng không là cách chiêm niệm siêu thoát của một người đặc biệt, cũng không là ơn xuất thần của một tâm hồn huyền bí. Nhưng điều cốt yếu là đức ái, tức là dòng nước tình ái giữa Chúa và ta. Đó là tình trạng hiệp nhất thâm sâu và nồng thắm, là ngọn lửa thánh thiện bừng cháy trong tâm hồn, là thái độ hiến thân trọn vẹn để được tan biến trong đấng duy nhất và oai nghiêm là Thiên Chúa. Yêu và được yêu là mầu nhiệm thâm sâu nhất của Tôn Giáo Chúa Giêsu. Ở đây không có vẻ rườm ra như một tôn giáo vị luật, nhưng Ngài chỉ quyết đáp một điểm về bản tính đích thực của luật. Tất cả những giới luật chi tiết khác phải hỗ trợ cho điểm trung tâm này. 10 giới răn chỉ là những đường hướng hoạt động khác biệt. Muốn tuân giữ các giới răn ấy, phải có một lòng mến trung thực thấm nhuần tâm hồn và cảm năng, nghĩa là tâm hồn được chìm đắm sâu xa trong vẻ cao trọng huyền nhiệm của Thiên Chúa.

 

63.Giới luật thứ nhất và trên hết

(Suy niệm của Lm. An Phong)

Nếu tình cờ có ai hỏi: "Đối với bạn, điều gì quan trọng nhất?"; chắc hẳn sẽ có rất nhiều câu trả lời. Có người sẽ cho rằng đó là chu toàn trách nhiệm; vì ai sinh ra đời cũng đều lãnh nhận trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Có người sẽ không ngần ngại trả lời: đó là sống trong sạch; vì quả thật, theo nhà phân tâm học Freud, chúng ta chào đời với đầy những ám ảnh về những cấm kỵ, những cám dỗ về điều răn thứ 6, tội dâm dục…

Người khác lại sẽ cho rằng đó là sự công bằng. Bởi lẽ phải có công bằng trước đã, rồi mới có thể nói đến bác ái, tình yêu. Một xã hội công bằng, đó đã là một điều tuyệt vời lắm rồi.

Và còn có thể có nhiều câu trả lời khác nữa cho câu hỏi này; cũng như người Do Thái khi xưa đã tranh luận mãi về một giới răn trọng nhất.

Đức Giêsu, Ngài tóm tắt điều quan trọng nhất trong một giới luật: "Mến Chúa, yêu người". Tất cả những câu trả lời khác đều tốt, nếu chúng thể hiện được lòng "mến Chúa yêu người"; và sẽ chẳng là gì nếu chúng không xuất phát từ lòng "mến Chúa yêu người". Có thể chúng ta đã coi trọng chuyện "nhà thờ nhà thánh" hơn là quan tâm đến một người hàng xóm đang gặp túng quẫn; có thể chúng ta giữ kỹ mọi lề luật, nhưng lại so đo tính toán với Chúa từng ly từng tí… như thế thì còn đâu là "mến Chúa yêu người" được.

Thái độ căn bản của tình yêu là cởi mở, đón nhận. Mở lòng ra với Thiên Chúa và quảng đại đón nhận anh chị em. Mở lòng ra với Chúa để chu toàn những luật lệ đòi buộc ta không làm như người nô lệ; quảng đại đón nhận anh chị em để mối tuơng quan con người với nhau không bị đổ vỡ, méo mó vì những chấp nhất, tỵ hiềm, ganh ghét.

Thánh Phaolô đã diễn tả tình yêu đó như sau: "Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu; không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng vui khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1Cr 13,4-7).

Chỉ có một điều quan trọng nhất là lòng Mến; nhưng lòng Mến lại được thể hiện trong muôn vàn cách thức khác nhau.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu thương;

và vì tình yêu đó,

Chúa đã dám làm tất cả cho người Chúa yêu.

Xin cho chúng con

cũng được tràn đầy tình yêu như Chúa.

Xin cho chúng con cũng dám vì yêu thương

mà tận tâm phục vụ anh chị em của con.

 

64.Giới răn nào lớn nhất?

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Đoạn 22,34-44 nằm trong văn mạch của các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với các vị lãnh đạo Do thái (21,23-46): dụ ngôn hai người con (21,28-32); dụ ngôn các tá điền (21,33-46); dụ ngôn tiệc cưới (22,1-14); vấn đề nộp thuế (22,23-33); kẻ chết sống lại (22,23-33); Giới răn lớn nhất (22,34-40) và câu hỏi về Đấng Mêssia (22,41-46). Đoạn 22,34-44 có thể phân chia như sau: – Dẫn nhập ngắn (c. 34), – Vấn đề đặt ra (cc. 35-36); – Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 37-40).

Đoạn 22,34-40 bắt đầu bằng câu chuyển tiếp nhắc đến kết quả của cuộc tranh luận trước về việc sống lại giữa Chúa Giêsu với nhóm Sađucêô (c.34). Họ đã bị Chúa Giêsu khóa miệng. “Khóa miệng”,  phimoō, là làm cho không nói được lời nào nữa. Nhóm Sađucêô đi, nhóm Pharisêô lại vào cuộc. Họ đã tranh luận với Chúa Giêsu nhiều lần từ khi Người vào đền thờ (21,23). Cách nói “nhóm họp lại một nơi” gặp thấy trong Cvtđ 4,26 và Tv 2,2 và chỉ việc “các quan quyền vây cánh liên minh chống lại Chúa và chống lại Đức Kitô của Người”. Việc nhóm họp nầy báo trước ý định xấu xa của họ là “thử Người” (c.35), như họ đã từng làm trước đó là “tìm cách bắt Người” (21,46) và “gài bẫy Người” (22,15.18). “Thử Người” là hy vọng tìm được những sai lỗi căn bản trong lời giải thích của Người.

Việc người Pharisêô quy tụ cũng sẽ là khung cảnh cho đoạn tiếp theo sau, khi họ hỏi về nguồn gốc của Đấng Kitô (c. 41). Nomikos “người thông luật”, “luật sĩ”, là người hiểu biết về lề luật. Họ là người giải thích và dạy lề luật Môsê. Nomikos tương đương với grammateus trong câu song song ở Marcô (Mc 12,28). Người thông luật nầy thuộc về nhóm Pharisêô, và được gởi đến để hỏi Chúa Giêsu về lề luật Môsê.

Câu hỏi của người thông luật liên quan đến Lề luật Môsê. “Thưa Thầy, giới răn nào là lớn nhất trong lề luật?” (c. 36). Trong Matthêô không đưa ra định nghĩa nomos, “lề luật” là gì, mà chỉ nói đến việc tuân giữ và thực hành lề luật (5,19; 15,3). Trong sách Đệ Nhị Luật, lề luật là con đường Thiên Chúa đặt ra trước dân Người để họ bước đi theo đó, được sống và được vào đất hứa (x. Đnl 30,15-20). Matthêô dùng chữ “lớn nhất”, megalē, thay vì “trên hết”, prōtē, như trong câu song song ở Marcô (Mc 12,28). Trong Lề Luật của Môsê, có tất cả 613 giới răn: 248 giới luật, 365 điều cấm kỵ. Mỗi rabbin có một quan điểm riêng về việc phân biệt các giới răn lớn và nhỏ khác nhau, và họ không thống nhất với nhau về cách sắp xếp nầy. Bởi đó, khi hỏi Chúa Giêsu và gọi Người là Thầy “didaskalos”, họ muốn biết Người nghĩ như thế nào về vấn đề nầy. Vậy câu hỏi của thầy thông luật là muốn biết Thiên Chúa muốn gì nhất nơi con người.

Trong câu trả lời trích dẫn Đệ Nhị Luật 6,5 về giới răn yêu Chúa không có lời kinh Shema, “Hãy lắng tai nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Chúa độc nhất” (Mc 12,29) mà người do thái đọc hai lần sáng tối mỗi ngày. Lời trích dẫn của Matthêô giống nguyên văn với bản văn LXX, và chỉ gồm ba phần: “hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi và hết sức lực ngươi” (c. 37). So với Marcô, Matthêô thay đổi “bởi tất cả tâm hồn” thành “với tất cả tâm hồn”, và “sức lực”, dunameōs, thành “trí khôn”, dianoia.

Trong tiếng hipri động từ “Yêu” mang ý nghĩa rất bao quát. Nó đi từ tình yêu phái tính, sang tình yêu đối với các thành phần trong gia đình, bạn bè, quan hệ trong xã hội và đến tình yêu đối với Thiên Chúa. “Yêu Thiên Chúa” theo Đnl 6,5 trước tiên là hành vi vâng phục và tuân giữ các giới răn của Người. Yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi dâng hiến cả con người.

Ba khả năng “con tim”, “linh hồn” và “tâm trí” tượng trưng cho toàn thể con người. Kardia, “con tim”, là trung tâm của đời sống thể lý và tinh thần. Psychē, “linh hồn”, là trung tâm của cảm giác, ước muốn, cảm tính. Dianoia, “tâm trí”, là khả năng của sự hiểu biết. Con người phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả các khả năng nầy. Hơn nữa, bản văn luôn lập lại “của ngươi” (tính từ sở hữu ngôi thứ hai số ít) và “tất cả” ở mỗi khả năng trên: “hết lòng người, hết linh hồn người và hết trí khôn ngươi”. Điều nầy cho thấy đây là một đòi hỏi nơi mỗi người và là đòi hỏi trọn vẹn. Như thế, “yêu mến Thiên Chúa” không là một tình cảm, mà là sự dấn thân trọn vẹn và hướng trọn vẹn chính mình về Thiên Chúa qua việc nhận biết Người và sống cho Người.

Câu 38 là riêng biệt của Matthêô. Ông khẳng định tầm quan trọng của giới răn “yêu Chúa” và dùng cả hai chữ “lớn nhất” và “trên hết”. Làm như thế là ông đóng khung lại giới răn và muốn đặt ưu tiên cho giới răn nầy.

Chúa Giêsu nói đến giới răn thứ hai: “Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi” (22,39). Lần nữa, tính từ sở hữu “đồng loại của ngươi” và đại từ phản thân “chính ngươi” được đặt liên hệ với nhau. Giới răn thứ hai nầy trích từ sách Lêvi 19,18; Hai giới răn đã không được liên kết với nhau trong Cựu ước. Trong câu 5,43, plesiōn “đồng loại” “người lân cận” được đặt đối nghịch với “kẻ thù”, “Hãy yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù”. Và tiếp sau đó ở câu 5,46 đối tượng của yêu thương là “yêu người yêu mình”. Như thế, plesiōn trước tiên là người mình có tình cảm hỗ tương; vì thế ở câu 19,19, plesiōn được đặt bên cạnh cha mẹ mà con người phải hiếu thảo. Trong Cựu ước, rēa‘ chỉ bạn bè, người lân cận, người đồng hương, người sống chung một lãnh thổ. Tuy nhiên, trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy tình yêu đối với tha nhân nầy vượt qua biên giới bà con, họ hàng, dân tộc. Tha nhân là người có nhu cầu và cần được giúp đỡ. Và “yêu thương tha nhân” là để tình yêu mỗi người có trong mình hướng dẫn mình làm mọi điều tốt cho người khác (x. 7,12).

Sau cùng Chúa Giêsu đã liên kết hai giới răn nên một và cho thấy tầm quan trọng của chúng: “Toàn thể lề luật và tiên tri đều qui về hai lề luật ấy” (c. 40). Chữ “qui về” dịch từ động từ kremannymi  “treo vào” “gắn vào”. Động từ nầy gặp trong 18,6 nói về “treo cối đá vào cổ” (18,6); hay “một người bị treo vào thập giá” (Lc 23,39). Theo nghĩa đen, để có thể treo vào, cần một một vật chính làm điểm tựa hay cột trụ. Vật treo vào hoàn toàn lệ thuộc vào điểm tựa ấy. Ở đây, động từ kremannymi  được dùng theo nghĩa bóng. Hai giới răn yêu thương là cột trụ. Toàn thể lề luật và tiên tri phải bám chặt vào hai giới răn nầy mới tồn tại và có ý nghĩa. Không gắn liền với hai giới răn yêu thương nầy toàn thể việc giữ luật sẽ rơi vào duy luật và mất hết ý nghĩa của nó.

Giới răn yêu thương Thiên Chúa và người khác là ý muốn lớn nhất và trên hết của Thiên Chúa. Người muốn con người đáp lại cách cá nhân và với trọn vẹn tình yêu của mình.

 

65.Giới răn trọng nhất

(Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt)

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu trong đoạn văn này nan giải ở điểm nào? Phải chăng đây chỉ là một cạm bẫy?

2. Câu trả lời của Chúa Giêsu độc đáo ở điểm nào?

3. Những “cuộc họp nhóm” (c.34) phải chăng thường là điềm lành trong Tin Mừng Mt?

4. Tại sao Chúa Giêsu không trích dẫn một giới răn nào của Thập giới?

5. Phải chăng Chúa Giêsu chỉ muốn nói lên đâu là giới răn trọng nhất mà thôi?  Nói cách khác, việc Người đơn giản hóa phải chăng là vì quên sót?  Vì muốn loại bớt thay vì muốn triệt để hóa?

1. Trong cơ cấu văn chương của Mt, các câu này phải được hiểu như là một trình thuật về cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu với các địch thủ của người. Sau những câu hỏi về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế (cc. 15-22). Vấn đề kẻ chết sống lại ( cc.23- 33), là  đến những câu hỏi về giới răn trọng nhất (cc. 34-40) rồi về Con vua Đavít (cc.41- 46) ; bốn đề tài này là những đề tài được tranh luận nhiều nhất nơi người Do thái thời Chúa Gíêsu.

2. Khi các giáo sĩ ghi nhận sự đa phức của các giới răn, thì bao giờ cũng là để nhấn mạnh tầm quan trọng ngang nhau của chúng, từ giới răn nhỏ nhất đến giới răn lớn nhất: cũng như ai lỗi phạm mọi giới răn là cởi bỏ ách luật, đoạn tiêu Giao ước, và ngang nhiên chống lại Lề luật, thù cũng thế, ai chỉ lỗi phạm một giới răn là cởi bỏ ách luật, chống lại lề luật và đoạn tiêu giao ước” (Mekhilta sur l’exode 6), “Uớc gì giới răn nhỏ cũng được ngươi mến yêu như giới răn lớn ” (Sitré sur le Dt 12, 28),  “Nếu bắt đầu nghe chút ít, cuối cùng người ta sẽ nghe nhiều… đến nỗi giới răn ít quan trọng cũng được người yêu mến như giới răn lớn lao” (ibld. 13, 19) “Nếu lỗi phạm điều luật hay yêu mến tha nhân như chính mình, thì cuối cùng người ta sẽ phạm luật: không được báo thù, không được giận ghét, và đi  đến chỗ đổ máu tha nhân” (ibid.19, 11).

Tinh thần nệ luật tỉ mỉ này, như mọi tinh thần nệ luật đã phát sinh khi thì một niềm vui chân thành trong sự tuân phục, khi thì một niềm tự mãn có tính cách biệt phái (coi Lc 15,29), lúc lại một mối lo âu nơi những ai không thể nào thỏa mãn vô số giới răn cổ truyền (x.Mt 19, 18). Theo truyền thống của Hội đường, Lề luật gồm 613 giới luật tích cực, trong đó có 365 điểm cấm và 248 qui định. Từ lâu người ta đã muốn tổng hợp chúng lại và đưa ra những đường nét chính yếu (Đavít rút gọn các giới răn vào 11 điều chính: Tv 15, 2- 5 ; Isaia vào 6: Is 33, 15; Mica vào 3: Mca 6, 8 ; Amốt vào 2: Am 5, 4 ; Habacuc và 1: người công chính sống bằng tín trung: Hb 2, 4), nhưng vẫn không sao giờ thực sự vượt qua được tính cách tỉ mỉ quá độ của nền đạo đức này.

Thành thử tính cách độc đáo của bản văn chúng ta không nằm trong ý tưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, mà Cựu ước lẫn Do thái giáo đều quá biết rõ, nhưng trong việc chúng được đưa lại gần nhau và trong chỗ đứng tối thượng mà Chúa Giêsu ban cho “bảng tóm lược” Lề luật này. Vì cả hai giới răn ấy nằm trong những đoạn rất xa nhau của Cựu ước cũng có thể thêm rằng giới răn về tình yêu tha nhân chỉ dược ghi lại một cách rất sơ sài: “Người sẽ không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngoại, song ngươi sẽ yêu đồng loại ngươi như chính mình; Ta là Giavê ” (Lv 19, 18).

3. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ thiết lập một phẩm trật giữ các giới răn, đặt hai giới răn về tình yêu đứng đầu 613 qui định của Lề luật, theo kiểu một sự cận kề, mà còn thêm: “Toàn thể Lề luật và các ngôn sứ đều qui vào hai giới răn ấy” (c.40). Thế nghĩa là gì’? “Lề luật và các ngôn sứ ” là một thành ngữ thông dụng, một kiểu nói chỉ cái biểu thức sống động của ý muốn Thiên Chúa như đã được ghi vào toàn bộ Thánh Kinh. Vậy phải chăng có thể giản lược vào một công thức ngắn ngủi và cô đọng như thế cái ý muốn thần linh đã được ghi vào trong rất nhiều sách và đã được biểu lộ trong nhiều thời kỳ khác nhau? Phải chăng có một cách diễn tả một cách biểu lộ thiên ý mà tóm tắt được mọi cách diễn tả khác? Hay là xét về phía con người, phải chăng có một phương thế để thực hiện thánh ý Thiên Chúa đã được mặc khải rất nhiều lần và nhiều cách, nếu người ta chỉ cần giữ một giới răn hay hai giới răn nhưng được  gồm lại một? Lời của Chúa Giêsu đáp trả rõ ràng cho câu hỏi đó và vì thế đã thiết lập một Luật mới thật sự. Giới răn đôi về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân thật ra gồm tóm mọi giới răn khác. Và ta có thể xác quyết ngược lại là mọi giới răn khác rốt cục đều quy về giới răn ấy. Thật là một giáo huấn mới mẻ. Vì Chúa Giêsu không chỉ nói đâu là giới răn trọng nhất, mà còn bảo mọi giới răn khác thực ra được gồm tóm trong nó. Quả là một cuộc giải phóng kỳ diệu cho con người ! Con người không còn phải lo lắng giữ cho được 248 điều truyền và 365 giới cấm nữa. Họ chỉ còn giữ hai giới răn thôi. Ai thực sự hoàn thành những gì đòi hỏi trong hai giới răn ấy thì có thể tin chắc rằng mình đã hoàn tất Lề luật và như thế hoàn tất thánh ý đích thực của Thiên Chúa. Kể cũng ích lợi nếu xem thêm những phát biểu song song về giáo huấn này của Chúa Giêsu trong Mt 7, 12 (luật vàng) ; Gl 5, 14 và Rm 13, 8-10.

Giáo huấn Chúa Giêsu đưa ra trong cuộc tranh luận với người Biệt phái hôm nay, chúng ta đă từng biết đến qua Bài giảng trên núi; nhưng ở đây nó được nhắc lại một cách rõ ràng và được nhấn mạnh nhiều hơn. Mọi cố gắng của con người phải xuất phát từ một căn nguyên và tiến đến cùng một cùng đích: tình yêu. Con người đã không chỉ được tạo dựng để vâng phục Thiên Chúa như vâng phục chủ và chúa của mình nhưng còn để yêu mến Ngài như Cha. Việc vâng lời chỉ trở nên đích thực nhờ tình yêu mến. Thiên Chúa không mong có những tên nô lệ đầy sợ hãi, nhưng muốn có những người con tự do. Tình yêu Thiên Chúa phải là trung tâm và nguồn mạch của mọi lòng hiếu thảo vậy.

Tình yêu đối với tha nhân cũng phải phát xuất từ cùng nguồn mạch đó. Ta đã biết “tha nhân” không chỉ là người đồng hương, người đồng xứ, theo như quan niệm cổ hũ Do thái đương thời nữa. Mọi người có thể là tha nhân của tôi; nhưng thực tế không tất nhiên như vậy,  vì người ta rất dễ trốn vào trong tình yêu đối với tha nhân xa xôi, rất dễ chọn lựa đối tượng xa vời nhất của tình yêu chân chính; nên cụ thể ra, tha nhân là hết mọi ai mà tôi có liên hệ cách cụ thể và đích thực. Tình .yêu của môn đồ Chúa Giêsu không được có giới hạn biên cương. Gương mẫu của họ là tình yêu của chúa Cha, Đấng cho mặt trời soi chiếu trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa trên người công chính lẫn hạng bất lương (5, 45). Trong mọi tương quan với hết mọi người, qui tắc bao giờ cũng vẫn là một: chính tình yêu tạo nên sức mạnh sinh động và làm cho các mối tương quan đích thực, giữa nhân vị này với nhân vị kia được thiết lập dễ dàng.

Ta thấy từ bản văn này toát ra một tư tưởng cao siêu chừng nào về cuộc sống con người. Chính nhờ tình yêu mà cuộc sống được tạo thành và phải trở nên duy nhất, không một nứt rạn rẽ phân. Chẳng còn ai bị bắt buộc phụng phí sức lực của mình trong một rừng qui định, luật điều, khuyến cáo nữa. Đối với môn đồ Chúa Giêsu, chỉ có một điều đáng kể, đó là thái độ thâm sâu của mình. Trong bối cảnh ấy, thật dễ hiểu rằng ta không bao giờ bị ép buộc phải cứ mãi đi tìm một câu  trả lời cho một trường hợp cụ thể, vì ý của Thiên Chúa luôn luôn được xác định rõ nếu ta có một tình yêu thật lớn.

Chúa Giêsu không nói, ít ra trong đoạn Tin Mừng này, phải thực hành hai giới răn ấy làm sao. Phải chăng đây là hai đường hướng khác biệt, một đàng yêu mến Thiên Chúa, một đàng yêu mến tha nhân? Phải chăng tình yêu khác nhau trong cả hai trường hợp? Nhưng Người, qua cuộc sống, chỉ cho ta thấy đâu là tương quan giữa hai tình yêu đó. Trong đời Người, việc hoàn thành tôn ý của Thiên Chúa và tình yêu phục vụ nhân loại được nối kết trong cùng một thực tại duy nhất. Dĩ nhiên vì tình yêu tha nhân mà Người hoàn tất công trình cứu chuộc, nhưng tình yêu ấy không tách khỏi tình yêu Thiên Chúa, vì đó là ý Chúa Cha (20,28). Ta cũng thấy điều này được phát biểu một cách tuyệt diệu trong thư các sứ đồ và đặc biệt trong đoạn thời danh sau đây: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì cho là kẻ nói dối; vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó chẳng thấy bao giờ. Và đây là lịnh tuyền ta đã lĩnh lấy nơi Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì hãy yêu mến anh em” (1 Ga 4, 20-21).

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

"Biệt phái tụ họp lại một chỗ": Kiểu nói được dùng ở đây (“sunôthêsan epi to auto") là một trích dẫn nguyên văn từ Thánh vịnh 2,2: "Vua chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối (dịch sát chữ: "tụ họp lại một chỗ" (sunêthôsan opi to auto) chống lại Giavê và Chúa Kitô của Ngài". Thế mà, trong 26, 3 Mt sẽ còn dùng lại cùng động từ ấy (ở cùng một cách, một thì, một ngôi) để diễn tả âm mưu tại nhà Caipha giữa các thượng tế và các kỳ lão nhằm giết Chúa Giêsu. Qua sự tương đồng ấy, Matthêu ngụ ý là những cuộc tranh chấp trong chương trình này chỉ là mào đầu cho cuộc đối đầu quyết liệt sẽ đưa Chúa Giêsu đến thập giá. Những cuộc tụ họp như vậy của các đầu mục trong dân hay được Matthêu nhắc lới (2, 4; 22, 41; 26, 3. 57; 27, 62; 28,12) và thường là điềm dữ.

"Để làm Người lúng túng": dịch sát chữ: "Để thử Người" Matthêu cũng dùng động từ này (pelrazein) ở 22, 18 nơi kể lại chuyện người ta "thử" Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế. Rõ ràng luôn luôn là dùng cạm bẫy trong cả đoạn.

"Giới răn nào lớn nhất trong Lề luật": Lời giải thích được yêu cầu thật đặc biệt quan trọng, vì đây không phải là giải thích một trường hợp cụ thể, đặc thù nhưng là làm sáng tỏ một đòi hỏi luân lý trong chính bản chất của nó. Bản văn hy ngữ dịch sát chữ như sau: Đâu là giới lăn lớn trong Lề luật. Nhưng hình thức nguyên cấp (positio của tĩnh từ lớn (megalê) có giá trị tuyệt đối cấp (superlatio, như thường thấy trong Hy ngữ bình dân (Koinè) và trong bản 70 chịu ảnh hưởng của Hy bá, nhất là nếu sau nó có một danh từ tập hợp, ở đây là Lề luật, hiểu theo nghĩa toàn bộ các giới răn.

"Ngươi phải yêu mến...". Trong việc triệt để hóa Lề luật này, không có vấn đề đơn giản hóa bằng cách loại bỏ những điều lệ phụ tùy (mà Chúa Giêsu lẫn môn đồ đều tuân giữ) cho bằng là nhắc lại ý nghĩa của các giới răn, và cho thấy chúng bắt nguồn từ trong ý định tối cao của Thiên Chúa. Còn về hình thức phát biểu của giới răn này, đừng tìm cách phân tích đâu là những phạm vi tương ứng của lòng, của linh hồn, của trí khôn: ý nghĩa trùng tích của các thành ngữ là: tình yêu phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải động viên tất cả con người; dầu sao, chỉ cần một từ ngữ thôi, như "lòng" chẳng hạn, cũng đủ để ám chỉ toàn thể con người; các tiếng khác thuộc về kiểu nói hùng biện; lòng và tư tưởng (hy lạp: dianoia) là tiếng dịch chữ lòng (hy bá: leb) của Cựu ước; không nên nghĩ đến một chức năng đặc biệt nào đó của trí tuệ suy luận; trí tuệ được vận dụng vì toàn thể con người dấn thân.

"Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất": Chữ "và" nối liền hai tĩnh từ lớn và đệ nhất chắc có nghĩa giải thích hơn là có nghĩa cộng thêm: giới răn này đứng đầu hết vì nó quan trọng nhất xét về nội dung và ngược lại; tĩnh từ đệ nhất không muốn nói là giới răn đứng đầu nhiều giới răn khác nhưng là đứng đầu tất cả xét về phương diện ý nghĩa, vì chính nó đem lại ý nghĩa đích thực cho mọi giới răn. Bởi vậy kiểu nói thứ đến cũng giống như điều ấy chẳng có nghĩa là: ở hàng thứ hai xét về bậc quan trọng, nhưng là: cũng quan trọng như giới răn thứ nhất; giới răn thứ hai không thể so sánh, hay tương tự như giới răn thứ nhất, song là ngang hàng xét về tầm quan trọng cửa cái mà nó dạy truyền; tuy nhiên nó không đồng nhất theo nghĩa có thể chuyển hoán: tình yêu tha nhân chẳng được đồng hóa với lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng yêu mến tha nhân cũng khẩn thiết như mến yêu Thiên Chúa.

“Toàn thể Lề luật cùng các sứ ngôn": Chúa Giêsu hoàn toàn đứng trên lãnh vực các Sách thánh đã được ban cho tổ tiên dân Do thái. Người không phát minh điều gì; tầm quan trọng của hai giới răn này dựa trên sự kiện chúng tóm kết tất cả các Sách Thánh; nhưng đàng khác, Chúa Giêsu đã tái giải thích các Sách Thánh ấy khi mặc khải ý nghĩa thâm sâu của chúng ra (x Rm 13, 9).

KẾT LUẬN

Cái mang lại cho giới răn này uy tín và sự cao cả, chính là vì Chúa Giêsu đã phát biểu nó lên và cho nó là lớn lao, quan trọng. Người không mang đến (hay chưa mang đến) một giới răn mới mẻ, nhưng Người mặc cho giới răn cũ giá trị đích thực củ a nó. Câu trả lời của Chúa Giêsu không phải là câu trả lời của một ký lục, song là của Chủ lề luật. Chính người công bố nó và hoàn thành nó (5,17). Và chính việc người hoàn thành Lề luật đã đem lại cho Lề luật một tính cách mới mẻ thực sự. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phải chỉ là hai thái độ nhân loại được truyền làm; chúng được hiện thân trong con người của Chúa Giêsu. Chính vì đến để hoàn tất Lề luật và các ngôn sứ qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, mà Người có thể tuyên bố với uy quyền rằng tất cả nội dung của Cựu ước đều được “quy về" giới răn mến Chúa và yêu người. Chính trong Người mà không những Lề luật dưới hình thức giới răn, nhưng cả lời hứa về ân sủng đã do các ngôn sứ loan báo, đều tìm được sự thành tựu.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Yêu tha nhân không có nghĩa là yêu họ chỉ vì Thiên Chúa đòi buộc, chỉ vì để vâng lời Ngài. Mối dây Chúa Giêsu thiết lập giữa hai giới răn chẳng phải là một mối dây ngoại tại, pháp lý, tự ý người bày ra, song là nằm trong lý luận của Thiên Chúa, trong chính bản chất của sự vật mà Ngài đã tạo dựng, rằng là ta không thể yêu Ngài mà yêu anh em. Và không phải làm như thể là vì anh em, mà trong thâm tâm lại làm vì Thiên Chúa. Thiên Chúa đích thực chẳng phải là sản phẩm của những ước vọng và những tưởng tượng đạo đức của con ngươi. Ngài đã đi vào trong lịch sử của chúng ta đã can thiệp vào đó bằng cách trở nên liên đối với con người. Ngài đồng hóa với con người (Cv 9, 5: "Ta là Giêsu người đang bắt bớ") đến nói từ đây ta không thể phân biệt Ngài khỏi con người nữa. Thành thử khi thực sự yêu tha nhân vì họ (như Thiên Chúa yêu họ vì họ chứ chẳng phải vì Ngài, vì tình yêu này không đem lại cho Ngài gì cả) ta sẽ yêu Thiên Chúa vì Ngài. Chỉ có một tình yêu, cũng như con người chỉ có một quả tim, một tấm lòng.

2. Một cách cụ thể, phải yêu tha nhân thế nào? Chẳng phải bằng tình cảm (vì có một vài thứ ác cảm tự nhiên hầu như không thể vượt qua) cho bằng là qua thái độ và hành động. Thánh Phaolô đã mô tả cho chúng ta lòng bác ái đích thực như sau: "Đức ái thì khoan dung, nhân hậu; đức ái không ghen tương; ba hoa, tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ; không cáu kỉnh, không chấp nhất sự ác, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lẽ phải. Trong muôn sự, đức ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn" (1Cr 13, 4-6). Khi tìm cách tha thứ lỗi lầm của tha nhân, khi luôn hy vọng họ trở nên tốt hơn cho dù bề ngoài thế nào chăng nữa, khi chấp nhận họ như họ đang là, lúc đó chúng ta mới thương yêu thực sự, lúc đó chúng ta mới thật là con cái của Thiên Chúa.

 

66.Chúa Nhật 30 Thường Niên

(Chú giải theo Fiches Dominicales)

VẤN ĐỀ GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Vấn đề cạm bẫy về “điều răn lớn nhất”

Ba dụ ngôn về xét xử mà chúng ta đã suy niệm trong các Chúa nhật 26, 27 và 28 đã chẳng làm cho các kẻ thù địch Chúa phải câm miệng, mà con châm ngòi một loạt các cuộc tranh cãi khác. Họ liên minh với nhau và lần lượt thử Chúa cốt làm cho Người phải rơi vào bẫy của vấn đề họ đặt ra. Trước hết -Phúc âm tuần rồi- là sự xoay sở của đám "môn đệ những người Pharisiêu cùng đi với những người phe Hêrôđê". Họ tới hỏi Chúa một câu, bấm bụng rằng bẫy đặt ra như vậy là không tài nào tránh thoát: "Xin Thầy cho biết ý kiến có được phép nộp thuế cho César hay không?”. Nhưng Đức Giêsu chẳng để mình bị kẹt chút nào trong thế lường đao của họ, mà đã chuyển hướng vấn đề, và nhìn vào hình tượng in trên đồng tiền mà họ đưa cho coi Người đã tuyên bố: "Của César, trả về César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Một câu trả lời đã khiến cho đối phương của Người không nói thêm được câu nào nữa: “Họ ngạc nhiên, và để Người lại đó mà đi". Tiếp đến -đoạn chuyển tiếp không có trong sách Bài đọc năm A- là ngón xoay sở của những người "phe Sadducée”? nhóm này chủ trương "không có sự sống lại". Họ đem câu chuyện kỳ cục về một phụ nữ, có bảy đời chồng, hy vọng chế giễu chính Đức Giêsu, và lòng tin vào sự sống lại. Nhưng Đức Giêsu đã nhắc lại cho họ điều Thiên Chúa mạc khải trong câu chuyện về bụi gai rực cháy ở sách Xuất Hành 3,6: Đấng đã tỏ mình ra với ông Môsê như là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Khi nghe tin Đức Giêsu "đã làm cho nhóm Sadducée phải câm miệng", thì đến lượt những người Pharisiêu trở lại vào cuộc. Nhưng lần này là một nhóm; một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để "thử Người" rằng: "Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất”. Nên biết rằng, thời đó, sách Luật gồm, không hơn kém 613 điều răn; các kinh sư phân ra 365 điều cấm (bằng với số ngày trong năm) và 248 điều truyền (bằng với số bộ phận trong cơ thể con người). J.Potin giải thích: "Cuộc tranh luận về điều răn nào lớn nhất tạo nên mối xung khắc giữa những người Pharisiêu chủ trương 613 điều răn đều quan trọng như nhau, với những ai ước mong phải có tôn ti đẳng cấp, rõ hơn có thể giải thích cho người ngoài biết đâu là điều cốt yếu là bản chất của đạo”. (Đức Giêsu, lịch sử đích thực", NXB Centurion, 1994, trang 376).

2. Dẫn vào điểm cốt lõi của Tân Ước.

Đức Giêsu đã trả lời thật khôn khéo vấn đề của những người Pharisiêu về việc nộp thuế cho César - Người đã trích dẫn Lời Chúa để phá vỡ mưu đồ của những người phe Sadducée. Còn về giới răn lớn nhất, thì câu trả lời Người là thẳng thắn, không do dự, nhắm thẳng đích. Đức Giêsu không nhắc nhở họ về lời ban bố của sách xuất Hành, đoạn 20: Mười Điều răn Đức Chúa Trời. Người trích dẫn hay đúng hơn, Người đọc thuộc lòng lời tuyên xưng lòng tin của sách Đệ Nhị Luật 6,4-5 mà mọi người Do Thái vẫn đọc khi đi ngủ cũng như khi thức dậy; lời này được ghi trên các thẻ linh mà những người Pharisiêu vốn đeo trên trán là trên cánh tay một lời khẳng định tính cách duy nhất của Thiên Chúa mà theo sau là giới răn yêu mến Thiên Chúa, một tình yêu phải thấm nhập vào tận đáy lòng, sức lực và ý nghĩ: "Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em...” Nhưng điểm độc đáo của Đức Giêsu là Người gắn liền "điều răn thứ nhất" này với điều răn thứ hai: ‘cũng giống điều răn ấy’: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Lv 16,18). Làm như vậy không những Người diễn tả được "Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn sứ nghĩa là tập trung tất cả vào hai giới răn đứng đầu này, không có vậy thì mọi điều răn khác đều mất hết ý nghĩa, nhưng Người còn tỏ cho thấy bí quyết của chính cuộc đời Người, một cuộc đời tự hiến vì yêu mến Cha và yêu thương các anh em của Người. Cl Tassin chú giải: "Hai điều răn này chi phối toàn bộ Kinh Thánh (Luật Môsê và sách Ngôn sứ) không phải để bãi bỏ Kinh Thánh, nhưng là để đọc Kinh Thánh mà thấy rõ hơn. Và, trong Kinh Thánh, lòng yêu mến không dính dáng gì với thứ tình cảnh bồng bột, đổi thay tuỳ cảm xúc; lòng yêu mến đây chính là sự quyết định gắn bó với một ai đó mà mình cho người ấy có quyền trên mình và là những hành động cụ thể nuôi dưỡng quyết định này... không bao lâu nữa Đức Giêsu sẽ dùng cuộc khổ nạn của Người "và chứng tỏ rằng Người là hiện thân chính lòng yêu mến Thiên Chúa là lòng yêu thương mọi người này" ("Phúc âm thánh Matthêu”, NXB Centurion, trang 236).

BÀI ĐỌC THÊM

1) “Một lời để ghi nhớ: Ngươi phải yêu mến” (Giám mục L. Daloz "Le Règne des Cieux sest approché". Desclée de Brouwer, trang 309-311).

Đúng là hai điều răn: điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là những giới răn ấy không cho phép ta tuỳ thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tuỳ theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên tính lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy, giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bừng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình. Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến! Giới răn yêu thương có hai mặt hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay: Điều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là: "ngươi phải yêu người thân cận, như chính mình". Chỉ có một mình Chúa là Đấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết tn khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, và con người được tạo nên cho cõi vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hoá con người! Còn về người thân cận, Đức Giêsu truyền phải yêu người thân cận, như chính mình. Đây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Đức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12). Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hoá với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi, nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời. Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất, còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ dội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người.

Điều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Đức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa? Quả thực, đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo. Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp; bạn phải tìm kiến, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Linh điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình thì bạn sẽ gặp!

2. “Một từ tóm tắt tất cả Phúc Âm: yêu mến” (H. Denis "100 mots pour dire la coi" Desclée de Brouwer, trang 31-32).

Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ Yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ Tình yêu một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.

Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến?

Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Đấng yêu mến chúng ta? Nhưng vậy thì có nhiều cách yêu mến 'không" Chắc hẳn là có rồi, nên trong vấn đế này, tôi vẫn cứ theo gót" nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustino. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến.

Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất: Thích được yêu (aimer tres aimé). Bạn hãy nói cho tôi hay, có ai mà lại không thích điều đó không? Phải là con người hư hỏng môi dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi; nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).

Trình độ thứ hai: Thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là: lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này, người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại có vị tha. Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thêm khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bố nông tự để cho con da thịt mình. Ngay ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chúng. Bạn hãy nói cho tôi hay bạn có đủ can đảm để đi thăm một 'bệnh nhân nào đó, di uỷ lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng? Nhưng bạn hãy coi chừng. Tất cả thái quá trong lãnh vực này - quảng đại thái quá - có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi. Còn trình độ thứ ba: Yêu (aimer). Có thế thôi. Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì; ta yêu là yêu thôi. Đó mới là đỉnh cao của "tình cho không, biếu không". Hãy nhìn nhận điều này: Ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Đức Giêsu ấy muốn lấy bản tính nhân loại của ta, một Đức Giêsu ấy mới ban cho ta Thần Linh tình yêu, khi Người tắt thở, một Đức Giêsu ấy mới có thể sáng nghĩ ra nhân vật Samaritano nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người Cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về. Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm, đó là: Yêu mến.

home Mục lục Lưu trữ