Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1363910

VẤN ĐỀ KẺ CHẾT SỐNG LẠI

VẤN ĐỀ KẺ CHẾT SỐNG LẠI

 

(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)

Các bài đọc trong Phụng Vụ hôm nay, đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca, thánh sử muốn nêu bật cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người thuộc nhóm Sađốc, giúp chúng ta tin tưởng vào sự sống lại của thân xác đời sau và xác tín hơn vào tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Với đoạn Tin Mừng này, chúng ta cần nắm rõ và tin vào sự sống lại không đồng nhất giữa các nhóm Do thái khác nhau. Hai trong những nhóm này là nhóm Pharisêu hay còn gọi là biệt phái và nhóm Sađốc. Nhóm biệt phái là những người đạo đức, tuân giữ nhiệm nhặt những luật lệ, họ sống trong giới bình dân, phần đông gồm các ký lục, họ ít quyền hành nhưng có nhiều ảnh hưởng trong dân chúng.

Nhóm biệt phái tin linh hồn bất tử và tin có sự sống lại của thân xác, vì thế nhóm này đồng tình với Chúa Giêsu về kẻ chết sống lại. Trái lại, nhóm Sađốc là những người quí tộc Do thái thời ấy, phần đông gồm các hàng tư tế giàu có, giữ những địa vị cao nhất trong đạo Do thái. Họ lấy Ngũ Thư của Môisen làm tiêu chuẩn độc nhất về đạo lý mà những sách này không nói rõ ràng về sự sống lại, nên đối với họ linh hồn và thể xác chết là hết. Họ không tin có sự sống lại và không tin có thiên thần.

Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay những người thuộc nhóm Sađốc dựa vào luật của Môisen và tập tục của họ mà chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại đời sau. Họ làm như thế vừa để bắt bẻ Ngài, vừa để chống lại nhóm biệt phái, đồng thời cũng nói lên quan điểm hưởng thụ của họ. Nhưng Chúa Giêsu cũng dẫn chứng lỗi của Môisen mà cho họ thấy sự sai lầm của họ về đạo lý, đồng thời phá đổ thái độ hưởng thụ, ích kỷ của họ.

Đối với con người hiện nay, nói chung ai cũng tin vào một thế giới linh thiêng nào đó đằng sau thế giới đời này, mặc dầu có nhiều phong trào vô thần, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, những người tự xưng là vô thần nhưng họ vẫn hằng tưởng niệm hương hồn của những người quá cố. Thậm chí họ còn tưởng niệm và suy tôn những vị đã chết cả hằng bao thập kỷ. Nhưng cách riêng đối với Kitô hữu chúng ta, chúng ta càng xác tín hơn là sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thể xác.

Có câu chuyện kể rằng, một lần kia ông Vontain một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nói rằng, ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau để rồi trong đời sống hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh, với mình sống nhịn nhục, chịu thua thiệt với người khác, nếu không có đời sau ông là kẻ dại dột.

Pascal đã trả lời: ông nói đúng. Ông không tin linh hồn bất tử cũng không tin có sự sống đời sau nếu sống hưởng thụ thác loạn, nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ dại dột và ngu xuẩn hơn tôi, vì tôi chỉ thiệt thòi tạm đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời.

Niềm tin vào sự sống lại đời sau vừa là một khát vọng, vừa là một điều khó khăn đối với con người. Khát vọng vì con người không cảm thấy bằng lòng với cuộc sống này, không thể chấp nhận những bất công còn đầy dẫy trong cuộc sống này. Đó là điều mà không bao giờ con người có thể giải quyết nổi, không bao giờ chịu đựng được sự phi lý vì những mất mát chia lìa mà cuộc sống này phải đón chịu. Khó khăn vì người ta cảm thấy chắc tâm khi đạt được những thành công, tìm thấy những bảo đảm cho cuộc sống này để mình sung sướng, mặc dù đó chỉ là tạm bợ hơn là thả mồi bắt bóng. Ở thế giới bên kia, Von-ta-in và những người Sađốc là những người muốn an tâm với những sung sướng hiện tại rõ ràng như thế.

Bài đọc 1 trong sách Macabêô, Vatiôcô và quan thần của vua và tưởng ai cũng thế nên lấy những hình phạt thể xác đe dọa các tín hữu, bắt họ phải làm những điều trái với niềm tin của họ. Niềm tin của người Kitô hữu phải là khinh chê cuộc sống này, không phải là để thả mồi bắt bóng nhưng là qui chiếu đời sống này vào Thiên Chúa. Để hoàn thành chương trình cứu độ, khi đó Người trả lại những mất mát, Người hoàn thành những khát vọng, Người nối lại những chia lìa, Người đổi những giới hạn nên một trời mới đất mới.

Người Kitô hữu ước vọng hạnh phúc đời sau không phải là người chán đời bi quan, nhưng là người tràn đầy yêu thương, sống mãnh liệt niềm tin khát vọng, thực hiện đời mình cho tốt đẹp hơn, muốn đem lại hạnh phúc cho người khác trọn vẹn hơn.

Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Xác tín điều này giúp cho người Kitô hữu vượt qua lòng ích kỷ, thắng vượt được sự nhát đảm và cảm nhận được giá trị của niềm vui đích thực, niềm vui là con cái Thiên Chúa bởi cuộc sống lại. Ước gì mỗi người chúng ta luôn xác tín niềm tin đó, niềm tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

 

15.Tin vào sự sống đời sau

Đã bước vào cuộc đời này ắt có ngày chết. Đó là chân lý, đó là định luật của đời sống con người. Và như vậy, chết là lẽ thường tình của một kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần đặt ra, đó là: chết rồi sẽ đi về đâu? Bên kia cái chết là gì?

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận về giáo lý giữa phái Sađốc và Chúa Giêsu. Phái Sađốc mỉa mai việc kẻ chết sống lại, còn Chúa Giêsu thì khẳng định tín điều ấy. Chúng ta chẳng cần đi sâu vào chi tiết cuộc tranh luận đó làm chi. Điều cần chúng ta quan tâm hơn là hãy suy nghĩ về niềm tin của mình. Vấn đề thực tế đối với chúng ta là chúng ta tin có sự sống lại.

Những câu hỏi như thế, nhóm Xa đốc trong trang Tin Mừng hôm nay đã đặt ra cho Chúac Giêsu. Nhân cơ hội, Chúa Giêsu đã mạc khải cho họ biết về cuộc sống mai hậu. Và đây cũng chính là câu trả lời cho mỗi chúng ta về vấn nạn về cuộc sống mai hậu.

Những người Xađốc đến gặp Chúa Giêsu để điều tra về giáo huấn của Người. Họ đặt câu hỏi dựa trên luật thế huynh để xem Chúa Giêsu nghĩ gì về việc kẻ chết sống lại. Như trong giai thoại trước (Lc 20,20-26), Chúa Giêsu giải quyết vấn nạn kiểu giải nghi theo cách bất ngờ khiến các kinh sư cũng phải thán phục. Gọi là “giải nghi”, vì ở đây câu hỏi được đặt ra không nhắm đến bản thân Đức Giêsu hoặc quan hệ của Người với giới chức Giêrusalem. Câu hỏi mang tính lý thuyết, mà rất có thể thường được người Xađốc đặt ra cho người Pharisêu.

Họ đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài một câu hỏi xem ra không thể trả lời được. Căn cứ theo luật Lêvi ( Đnl 25, 5tt.), nếu một người qua đời mà không có người nối dõi tông đường, thì người em phải cưới chị dâu ấy để cho anh mình có người con nối dõi tông đường. Dựa trên luật này, họ hư cấu một câu chuyện bảy người anh em lần lượt lấy một người vợ để có người con nối dõi tông đường, nhưng đều chết mà không có con; vậy nếu có sự sống lại thì ai sẽ là chồng của người phụ nữ này. Như vậy, niềm tin vào sự sống lại thật là lố bịch.

Những người này không những tin ở Ngũ thư mà còn tin ở các sách Tiên tri và các sách khác nữa. Đó là những sách đã khởi sự với phong trào Đệ nhị luật, tức là suy nghĩ về luật pháp. Biệt phái là các thần học gia không ngừng học hỏi và dạy dỗ luật pháp. Họ quý những sách viết sau như những sách viết trước vì họ quan niệm Lời Chúa và mạc khải sống động và triển khai không ngừng. Thế nên họ tin lời sách Đaniel cũng như lời sách Maccabê về việc phục sinh sau này.

Họ dựa vào một khoản luật của Môsê để đặt ra một câu chuyện lố bịch chế diễu Chúa Giêsu. Khoản luật đó là: Nếu một người đàn ông có vợ nhưng chưa có con mà bị chết, thì một trong các anh em trai của người chết ấy phải cưới lấy người vợ góa. Khi sinh ra đứa con đầu tiên thì phải coi đứa con đó là con của người đàn ông quá cố. Mục đích của luật này là để cho người quá cố không bị tuyệt tự, nhưng vẫn có con lưu truyền nòi giống cho mình. Phái Sađốc đã căn cứ vào khoản luật này và đặt ra một thí dụ: gia đình kia có 7 anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con, người thứ hai lấy người vợ góa đó nhưng cũng chết không con, tới người thứ 3, thứ tư, năm, sáu bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không có con. Vậy khi sống lại thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai? Ta thấy mục đích của phái Sađốc là mỉa mai cho rằng sống lại là việc phi lý, vì nếu có sống lại thì chẳng lẽ người đàn bà ấy có thể là vợ chung của tập thể 7 anh em kia sao?

Câu trả lời của Chúa Giêsu khẳng định rằng sẽ có sự phục sinh, đồng thời cũng giải thích những đặc tính của sự phục sinh mà biện luận của bè Xađốc đơn giản là loại bỏ.

Căn cứ trên bộ Ngũ Thư, bè Xađốc bài bác niềm tin vào sự sống lại. Vì thế, Chúa Giêsu viện dẫn sách Xuất Hành (Xh 3, 2-6), một trong sách thuộc về bộ Ngũ Thư, để cho thấy cách hiểu sai lầm trầm trọng của bè Xađốc. Từ Xh 3, 2-6 trong đó Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho ông Môsê: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp”, Chúa Giêsu rút ra câu kết luận:“Thiên Chúa không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”, có nghĩa rằng Thiên Chúa vẫn thường hằng có mối quan hệ với Ápraham, Ixaác và Giacóp, dù các vị tổ phụ này đã chết từ lâu rồi. Vì thế, dù những người công chính này đã chết trên bình diện thể lý, họ vẫn đang sống, thật sự sống trong Thiên Chúa và mong chờ cuộc phục sinh.

Chúa Giêsu vạch cho họ thấy sự sai lầm này, Người nói: Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng; còn những ai đáng hưởng đời sau và sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng... bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã bắt lẽ các người Xađốc ngay trong chính lý luận của họ, khiến họ phải đuối lý không thể nào trả lời được. Vì thế, không lạ gì mà các kinh sư khi chứng kiến cuộc tranh luận đã phải thốt lên lời khen ngợi: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm” (20, 39).

Bề ngoài, người Xa đốc và Đức Giêsu nói về cùng mộtvì Thiên Chúa. Trong thực tế, họ quan niệm Thiên Chúa là một Đấng Tạo hóa và Nhà lập pháp lạnh lùng, đã nói tiếng nói cuối cùng khi bố trí thế giới hiện tại và khi ban Luật Môsê. Đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa không kéo con người ra từ hư vô để rồi lại đẩy nó rơi vào hư vô. Ai đã được Thiên Chúa gọi đi tới sự sống, thì được Ngài nhắm cho đạt tới sự sống đời đời. Đối với chúng ta, mọi sự tùy thuộc Thiên Chúa. Số phận chúng ta tùy thuộc Ngài là ai, và là ai đối với loài người.

Đối với người Xađốc, Thiên Chúa là một vì Thiên Chúa của những quy định pháp lý và là một vì Thiên Chúa có quyền năng đã bị cạn kiệt khi tạo dựng thực tại trần gian như hiện có. Đấy là những tiền giả định mà Đức Giêsu không chấp nhận. Họ coi Thiên Chúa như là Đấng đã ban cho dân Israel một loạt những giới luật nhằm bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt lành và trật tự trên mặt đất này. Ngược lại, đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa trước khi là Thiên Chúa của các quy định, là Thiên Chúa của lòng nhân lành luôn chiếu cố đến từng con người, hướng dẫn, săn sóc từng con người. Thiên Chúa không liên hệ với con người trước tiên bằng luật lệ, nhưng bằng lòng nhân ái tỏ ra với các tổ phụ. Thiên Chúa không chỉ săn sóc các ngài trong một thời gian ngắn để rồi sau đó bỏ mặc cái ngài trong cái chết. Đã được Thiên Chúa cúi mình xuống trên mình với lòng nhân ái, con người mãi mãi được nhắm cho sống, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống.

Chúa Giêsu phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26). Thiên Chúa làm chủ sự sống. Thiên Chúa là "Thiên Chúa của kẻ sống". Chúa là Thiên Chúa của tôi nếu tôi đang sống, nghĩa là nếu tôi còn đang ở trong tương quan mật thiết với Ngài. "Thiên Chúa của kẻ sống" có nghĩa là "đối với Người, tất cả đều đang sống". Vậy nếu tôi cắt đứt tương quan với Người tức là tôi đã chết và như thế Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa của tôi nữa.

Muốn được sống đời sống ấy trong ngày sau hết, mỗi kitô hữu cần phải đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Sống tương quan mật thiết với Chúa, thực thi lời Chúa dạy, sống công bình bác ái và hãy loại bỏ những hành vi gian ác, lối sống sa hoa, những lời nói gian tà, những tình cảm bất chính, những đam mê trần tục, không chiều theo cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Thật vậy, Chúa là sự sống lại và là sự sống, xin Chúa cho ta biết đi trên đường lối của Chúa, biết tin tưởng phó thác nơi lòng thương xót của Chúa để ta cũng được sống lại ngày sau hết, được nên giống các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa.

 

16.Chết không phải là hết

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Tôi sinh ra làm gì? Chết rồi đi đâu? Đây là câu hỏi đưa đến một hướng đi cho cuộc đời. Tin vào sự sống đời sau chắc chắn con người sẽ có cách hành xử khác với những người vô thần từ chối sự sống thần linh.

Thử hỏi, nếu không có sự sống đời sau cuộc đời này sẽ ra sao? Có lẽ người ta sẽ thấy cuộc đời là một phi lý. Sinh ra trong cuộc đời. Vật lộn với cuộc sống. Tranh đấu để tồn tại. Sống ăn ngay ở lành. Làm việc lương thiện. Chết rồi hết! Quả là bất công, vì đang khi đó có biết bao người sống chìm đắm trong lạc thú, sống vô luân họ chết cũng là chấm hết, hóa ra cuộc đời họ quá sướng, trong khi kẻ ăn ngay ở lành lại thiệt thòi vì hy sinh vô ích. Thế nên, phải có đời sau để trả lại công bằng cho cuộc sống làm người hôm nay. Người Phật Giáo thì tin vào kiếp luân hồi. Người Công Giáo thì có Cánh Chung. Chung quy đều là câu trả lời cho lý do phải sống ăn ngay ở lành trong cuộc sống làm người hôm nay.

Quả thực, nếu cuộc đời là bể khổ và chết là hết thì thật là một tai họa cho kiếp người chúng ta, đúng như một ai đó đã ngao ngán bảo rằng:

“Cây xanh thiếu lá nó xanh xanh

Biết mình thế này thà đừng sinh ra”

Vâng, nếu cuộc đời này thiếu hạnh phúc như cây xanh thiếu lá thì niềm tin cho chúng ta sự hy vọng vào một thế giới ngày mai sẽ không còn đau khổ, và không còn sự chết. Con người sinh ra không phải để chết mà là để sống. Cái chết chỉ là sự chuyển đổi một cách sống khác hoàn hảo hơn cuộc sống hôm nay.

Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã nghiên cứu đến hiện tượng gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chính là câu trả lời cho cuộc sống chúng ta. Ngài đã chết và sống lại. Sự sống Phục sinh của Ngài hoàn toàn khác lạ với cuộc sống nhân trần. Mặc dù Ngài vẫn mang thân xác con người nhưng các môn đệ đã không nhận ra Người. Sự sống Phục sinh luôn thanh thoát nhẹ nhàng. Ngài đến và đi. Ngài hiện diện chỗ này. Ngài hiện diện chỗ khác. Không gian và thời gian như dừng lại với cuộc sống Phục sinh. Ngài nói rằng Ngài về Nhà Cha. Về nơi hạnh phúc trường sinh. Nơi đó Ngài cũng dọn chỗ cho tất cả những ai tin vào Người.

Lời Chúa hôm nay cũng khẳng định cho chúng ta thấy có sự sống đời sau. Sự sống đời sau thì tròn đầy, viên mãn. Con người không còn phải lo dựng vợ gả chồng để lưu truyền nòi giống. Con người sống bất tử như các thiên thần. Vì Đấng Tạo dựng con người đã mạc khải chính mình là Thiên Chúa kẻ sống chứ không phải kẻ chết. Ngài tạo dựng chúng ta để được sống trường sinh như Ngài.

Nhưng để có một sự sống đời sau cũng đòi hỏi con người hôm nay biết sống tròn trách nhiệm làm người của mình. Chúa Giêsu luôn hoàn thành bổn phận Chúa Cha. Ngài đã tìm ý Chúa Cha để thực hiện. Ngài luôn xin vâng theo thánh ý Chúa Cha. Đây cũng là con đường tiến vào sự phục sinh vinh quang với Chúa nếu chúng ta biết đi theo con đường của Chúa. Con đường của hy sinh, từ bỏ những đam mê tội lỗi. Con đường của vâng phục theo thánh ý Chúa Cha, cho dẫu đường đời có lắm gian nguy. Con đường hẹp nhưng mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Ước gì niềm tin vào sự phục sinh mai sau sẽ giúp chúng ta biết sống một cuộc đời đầy ý nghĩa hơn. Một cuộc đời sống tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ đồng loại. Một cuộc đời lương thiện và vi tha. Xin đừng vì những quyến luyến của danh lợi thú khiến chúng ta đánh mất sự sống trường sinh. Amen.

 

17.Nếu chết là hết? – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Trong ngôn ngữ Việt Nam khi nói về sự chết luôn hàm ý là một sự chuyển tiếp chứ không kết thúc. Sự chết luôn là một khởi hành cho một chuyến đi mới ở một thế giới khác với chốn dương gian. Có lẽ chúng ta đã từng nghe và cũng từng nói những từ ngữ như: Từ trần, Qua đời, Băng hà, Đi rồi,… khi nói về một người chết. Những từ này theo từ điển Việt Nam được giải thích như sau:

+ Từ trần nghĩa là từ giã cõi này để đi đâu đó. Vậy là chết rồi vẫn còn đi tiếp.

+ Qua đời nghĩa là qua đời này đến một đời khác. Vậy là còn một đời nữa.

+ Băng hà nghĩa là đi qua một dòng sông, hàm ý qua sông để đến một chỗ mới.

Nhiều người còn lý luận rằng phải có sự sống sau khi chết mới có thể trả lại công bằng cho sự sống trần gian. Nếu không thì cuộc đời này là một phi lý khi người sống thiện lại bị thiệt thòi còn kẻ gian ác lại sống sung sướng hưởng lạc. Thế nên, sự sống đời sau sẽ là phần thưởng cho những ai sống tốt lành và ngược lại là hình phạt cho ai ăn ở ác nhân ác đức.

Đây cũng là lẽ công bằng vì nếu chết là hết thì người ta đâu cần sống tốt như bài thơ của ai đó đã viết:

Nếu chết là hết thì

Sống tốt để làm gì

Học hành có nghĩa chi

Phấn đấu làm việc cũng vậy thôi

Giàu có sung sướng rồi gì nữa

Văn minh lịch sự để làm gì

Danh tiếng này kia có ích chi

Lời Chúa còn dạy rằng: "Con người đã được định là phải chết một lần rồi sau đó chịu phán xét." Chết một lần rồi sau đó chịu phán xét, đó là quy luật của Thiên Chúa đã định cho loài người. Chết một lần rồi chịu phán xét nghĩa là chết rồi không phải là hết mà còn có đời sau. Theo Kinh Thánh thì con người là cát bụi sẽ trở về với cát bụi, nhưng đó chỉ là phần thân xác. Con người chúng ta không những chỉ có thân xác mà còn có linh hồn. Linh hồn thì giống hình ảnh Thiên Chúa nên sẽ bất tử, vĩnh hằng, dầu cho cái chết thể xác có trở về với bụi tro thì linh hồn vẫn sống trường sinh bất tử.

Lời Chúa hôm nay khẳng định có sự sống đời sau. Sự sống đó không còn lệ thuộc bởi việc dựng vợ gả chồng vì con người đã tham dự vào sự sống bất diệt của Đấng hằng sống. Sự sống đó cũng không còn lệ thuộc bởi vật chất, hay bởi danh lợi thú vì con người không còn cảm thấy thiếu thốn mà đã đạt đến sự sung mãn trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và con người là hoạ ảnh của Thiên Chúa, nên con người cũng được thừa hưởng sự sống thần linh của Chúa. Đây chính là niềm vui, là sự khích lệ cho cuộc đời chúng ta. Đau khổ cuộc đời này sẽ qua. Những khốn khó trần gian sẽ qua đi. Cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ. Sự sống thần linh mới là vĩnh cửu. Cuộc sống đó không còn những tranh chấp của danh lợi thú, không còn những khổ đau của thiếu thốn, không còn nước mắt của dòng đời bể khổ mà chỉ còn hạnh phúc viên mãn bên Chúa mà thôi.

Nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống luôn nâng đỡ phù trì chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen.

 

18.Cuộc sống mai sau

(Suy niệm của Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

Niềm tin vào cuộc sống mai sau đã bén rễ sâu vào tâm trí nhân loại từ rất xa xưa.

Khi mai táng người chết, các bộ tộc thời thượng cổ chôn cả những dụng cụ săn bắn chung với người qua đời vì tin rằng người quá cố sẽ tiếp tục sử dụng chúng khi bước qua thế giới khác.

Các vua chúa Trung quốc thời xưa thì cho chôn luôn cả hoàng hậu, phi tần, quân hầu… theo mình để những người này tiếp tục hầu hạ, phục dịch nhà vua trong thế giới bên kia.

Người Bana, Jarai cùng một số các dân tộc khác đang sinh sống ở Tây Nguyên tin rằng khi qua đời, người chết lại bắt đầu một cuộc sống mới, tiếp tục lao động, sản xuất, sinh sống như ở cõi trần. Vì thế, người ta chôn theo người chết nhiều vật dụng từ các loại nông cụ đơn giản như liềm để cắt lúa; rìu và xà gạt để chặt cây, phát rừng làm rẫy; xà bách để làm cỏ... đến các thứ chén bát, xoong, nồi, vàng bạc… để khi về thế giới bên kia, người chết có của mà dùng.

Tại Việt Nam, mỗi năm vào chiều ngày 30 tết, nhiều gia đình có nghi lễ đón rước ông bà cha mẹ đã qua đời về ăn tết với con cháu, trình báo lên ông bà tổ tiên những sinh hoạt quan trọng trong năm, rồi có lễ đưa tiễn ông bà vào chiều mồng 3 tết.

Những hình thức tín ngưỡng này biểu lộ niềm tin vào linh hồn, vào sự sống đời sau.

Tuy nhiên, thời xưa cũng như hiện nay, vẫn còn nhiều người không chấp nhận sự sống đời sau, trong số đó, có những người thuộc phái Xa-đốc thời Chúa Giêsu, được thuật lại trong Tin mừng thánh Lu-ca trích đọc hôm nay.

Chúa Giêsu dạy có sự sống đời sau

Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giêsu về cuộc sống đời sau, Chúa Giêsu khẳng định là có. Ngài dạy rằng có “những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần” (Lc 20, 36).

Đặc biệt là qua dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời” (Mt 25,46). Như thế, Chúa Giêsu khẳng định không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn báo cho ta biết có sự sống đời sau khi đoan hứa rằng: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở... Thầy đi dọn chỗ cho anh em. … và Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-2).

Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giêsu còn dùng cả cuộc đời của Ngài để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.

Sự kiện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết chứng tỏ có sự sống đời sau

Dù là Thiên Chúa quyền năng, Chúa Giêsu đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống kiếp phàm trần như chúng ta, đã chết như chúng ta và qua ngày thứ ba, Ngài đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển. Điều nầy chứng tỏ loài người có sự sống đời sau.

Công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu chứng tỏ có sự sống đời sau

Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì Chúa Giêsu chịu khổ nạn cách đau đớn và chịu chết tức tưởi, ô nhục trên thập giá để làm gì? Cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai. Cuộc khổ nạn đó hoàn toàn vô ích. Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa lại chịu khổ nạn và chịu chết cách vô ích sao?

Chính vì muốn cứu loài người khỏi phải án phạt đời đời trong hỏa ngục và để cho họ được tiến vào thiên đàng hưởng phúc đời sau nên Chúa Giêsu đã không ngại trao hiến thân mình chịu chết đau thương như thế. Điều nầy chứng tỏ cuộc sống mai sau hoàn toàn có thực.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho niềm tin vào cuộc sống đời sau trở thành một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy chúng con sống tốt lành thánh thiện để mai đây được hưởng phúc đời đời.

Xin cho niềm hy vọng nầy cũng thúc đẩy chúng con hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng 11 nầy để cầu cho ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng con được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

 

19.Có chăng một thế giới bên kia?

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatio Trần Ngà)

Sau khi Raymond Moody xuất bản quyển Life after life (Cuộc Sống sau cõi đời nầy) vào năm 1975, công chúng phương Tây ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm cận tử (tạm gọi là trải nghiệm sự chết đi sống lại). Có một số người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã được giới chuyên môn về y khoa xác nhận là đã chết lâm sàng và thi thể của hđược đưa vào nhà xác. Nhưng sau đó họ hồi sinh.

Năm 1982, George Gallup ước lượng có khoảng 8 triệu người ở Mỹ và 23 triệu người trên toàn thế giới đã trải qua kinh nghiệm nầy.

Những năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ rất chú ý đến hiện tượng nầy. Hđã phỏng vấn 1,370 người trải qua kinh nghiệm cận tử. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

- Có một cuộc sống khác ở "cõi bên kia" và cuộc sống đó hạnh phúc hơn cuộc sống đời này.

- Điều đặc biệt là sau khi "chết đi sống lại", không ai còn sợ chết nữa, không còn ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. (Willie Hoffsuemmer).

Bác sĩ George Rodonaia, có học vị tiến sĩ trong ngành thần kinh học (về sau nầy cũng là một tiến sĩ tâm lý học tôn giáo) vốn là công dân Liên Xô, nhập cư vào Mỹ năm 1989. Ông là chuyên gia nghiên cứu về thần kinh tại Đại học Moscow. Ông đã trải qua một kinh nghiệm cận tđặc biệt nhất được ghi nhận từ trước đến giờ. Ông được giới y khoa xác nhận là chết ngay lập tức sau một vụ tai nạn ô tô vào năm 1976, được đưa vào nhà xác và được quàn tại đó trong ba ngày. Ông vẫn không hồi sinh cho tới khi bác sĩ tiến hành giải phẩu phần bụng như một phần của công tác khám nghiệm tử thi.

Ông thuật lại trải nghiệm về cuộc sống bên kia và xác quyết rằng chính biến cố nầy khiến ông đổi đời tận gốc rễ.

Trước khi trải qua kinh nghiệm cận tử, ông vừa là bác sĩ vừa là một nhà thần kinh học, và là người theo chủ nghĩa vô thần. Vậy mà sau lần chết đi sống lại đó, ông chú tâm học bộ môn tâm lý học tôn giáo, nhận bằng tiến sĩ tâm lý học tôn giáo. Sau đó ông trở thành tín đồ thuộc giáo hội Eastern Orthodox. Hiện nay, ông là mục sư tại nhà thờ the First united Methodist ở Nederland, bang Texas, Hoa Kỳ. (nguồn: Tổ Chức Nghiên Cứu Về kinh nghiệm cận tử (Near Death Experience Reseach Foundation. (http://www.nderf.org/Vietnamese/index.htm)

Có chăng một cuộc sống đầy hoan lạc ở 'cõi bên kia' như những người trải qua kinh nghiệm cận tử xác quyết?

Những người thuộc phái Xa-đốc không tin điều đó. Họ dựng lên một kịch bản một vợ bảy chồng để phi bác niềm tin vào sự sống đời sau.

Chúa Giêsu Dạy Cho Chúng Ta Biết Có Sự Sống Đời Sau

Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại, Chúa Giêsu khẳng định có sự sống đời sau. Ngài dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần (câu 36). Rồi Ngài cũng trích dẫn sách thánh, đoạn sách nói về Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trong bụi gai, để chứng tỏ rằng Abraham, Isaac và Gia-cóp dù đã từ trần từ lâu nhưng vẫn còn đang sống. Mà nếu các vị nầy còn sống, tức là có sự sống đời sau.

Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì "phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời." (Mt 25,46) Như thế, Chúa Giêsu tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài "muôn đời muôn kiếp."

Cuộc Đời Của Đức Giêsu Minh Chứng Cho Sự Sống Lại

Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giêsu còn dùng cả cuộc đời của Ngài để minh chứng cho thấy có cuộc sống đời sau.

* Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng hoả ngục, con người chết rồi là hết, chỉ còn là bụi đất... thì Chúa Giêsu chịu khổ nạn để làm gì? Máu Chúa Giêsu đổ ra hoàn toàn vô ích.

Nhưng chính vì để cứu con người khỏi hư mất và đem lại cho họ sự sống hoan lạc đời sau nên Con Thiên Chúa đã xuống trần, chịu vô vàn đau thương khổ luỵ và chấp nhận trả bằng giá máu để chuộc lấy con người.

* Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa quyền năng, nhưng đã trở nên hoàn toàn là người như chúng ta, đã sống như chúng ta, đã chết như chúng ta nhưng rồi Người đã từ trong cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển.

Sự kiện Chúa Giêsu sống lại chứng tỏ cho chúng ta biết có sự sống đời sau và những ai gắn bó với Chúa Giêsu, trở nên chi thể trong Thân Mình Người thì cũng sẽ được sống lại như Người.

* * *

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay.

Ước gì niềm tin nầy thôi thúc chúng ta sống theo đường lối Chúa Giêsu để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến. Ước gì niềm hy vọng nầy cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn trong tháng 11 nầy để cầu cho ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

 

20.Kẻ chết sống lại và sự sống đời đời

(Suy niệm của Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

Lc 20: 27. 34-38: Một trong những chân lý nền tảng của đức tin Công giáo đó là sự phục sinh kẻ chết. Chân lý này được tuyên xưng trong Kinh Tin kính: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại". Niềm tin này dựa trên nền tảng chắc chắn là Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Một trong những chân lý nền tảng của đức tin Công giáo đó là sự phục sinh kẻ chết. Chân lý này được tuyên xưng trong Kinh Tin kính: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại". Niềm tin này dựa trên nền tảng chắc chắn là Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là niềm hy vọng, là động lực để mỗi Kitô hữu sống cách tốt đẹp, thánh đức hành trình dương thế của mình.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA: Lc 20,27-38

Thiên Chúa của người sống

Tin mừng ghi lại câu trả lời của Chúa Giêsu về vấn nạn của những người Sadducêô, một trong những nhóm người Do thái quan trọng thời bấy giờ. Nhóm này nghi ngờ và chối bỏ niềm tin kẻ chết sống lại. Chúa Giêsu khẳng định sự phục sinh của kẻ chết.

a. Những người Sadducêô (nghĩa là con cháu của Sadoc), thuộc chi họ Lêvi (Ed 40,46), là giai cấp tư tế. Từ lâu họ không còn giữ đạo cách thuần túy nữa. Họ chỉ chú trọng đến việc phượng tự bên ngoài và ít quan tâm đến các giáo điều tôn giáo. Họ thoả mãn với những việc phụng tự của mình. Họ phủ nhận sự sống lại mặc dầu có tin linh hồn bất tử, nhưng khi chết linh hồn ở trong Shéol. Với họ, niềm tin vào sự sống lại là chuyện do con người tạo ra chứ trong Kinh thánh (Ngũ Thư) không có xác quyết.

b. Niềm tin vào sự sống lại xuất hiện trước thời Chúa Giêsu khoảng hai thế kỷ với Đaniel (Đn 12,2-3). Chúa Giêsu không dựa vào Đaniel để trả lời vấn nạn vì những người Sadducéens không chấp nhận. Chúa Giêsu đặt nền tảng trên lề luật: Thiên Chúa là Thiên Chúa của các Tổ phụ, mà Thiên Chúa thì hằng sống, Thiên Chúa của kẻ sống. Vậy các Tổ phụ là những người nghĩa thiết của Chúa thì làm sao chết được.

c. Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng mạc khải cho biết về cuộc sống mai hậu. Cuộc sống này hoàn toàn khác với cuộc sống tại thế này: Con cái đời này lấy vợ gả chồng, còn những người xét đáng được hưởng sự sống lại thì không, họ như các thiên thần. Cuộc sống mới là cuộc sống của con cái Chúa, con cái tự do. Không còn phải nô lệ cho sự chết và tội lỗi nữa. Con cái Chúa đã đạt đến sự bất tử nên không còn cần hôn nhân nữa. Cuộc sống mai hậu không giống và không tiếp nối cuộc sống tại thế này. Tuy nhiên, những gì người ta sống ở trần thế này lại ảnh hưởng đến việc xét xem có đáng được đi vào cuộc sống mới hay không. Ngay tại thế này người ta cũng có thể tiên hưởng, cảm nếm sự sống đời sau nếu biết sống theo ý Chúa.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Tín điều: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại", tín điều không dễ tin

Những người Sadducêô không tin vào sự sống lại. Họ đến chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề này. Những người này không tin vì họ chưa hiểu hết vấn đề, hơn nữa, chính họ cũng chưa hiểu hết lời Kinh thánh đã được mạc khải. Thực ra mạc khải về sự sống lại chỉ có từ Thế kỷ thứ II TCN với Đaniel, và chỉ thực sự rõ ràng với sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô. Đây quả là một vấn nạn không thể hiểu nỗi với lý trí con người, cho dù người ta phần lớn trong nhân loại đều tin tưởng con người có linh hồn bất tử. Nhất là với thời đại ngày nay, khi mà khoa học phát triển thì lý trí con người càng tự mãn với việc cố kéo dài tuổi thọ hơn là chấp nhận có sự sống đời sau, có sự sống lại. Tìm vui hưởng cuộc sống tại thế này hơn là mơ tưởng đến cuộc sống mai hậu. Chính xã hội và con người ngày hôm nay cũng đến để chất vấn Kitô hữu về vấn nạn này như ngày xưa người Sadducêô đã chất vấn Chúa Giêsu.

Vì thế, đức tin của Kitô hữu hôm nay phải đối diện với vấn nạn không dễ giải thích vì dù sao đó cũng là mầu nhiệm đòi phải tin hơn là đi tìm lời giải thích. Chính đời sống đức tin, cung cách sống hiện tại của Kitô hữu sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho câu chất vấn của ngày hôm nay.

2. Tin vào sự sống đời sau, một hướng đi cho đời hiện tại

Đối diện với cái chết luôn là một nỗi âu lo, ám ảnh và đáng sợ đối với tâm thức con người. Quan niệm về cái chết và sự sống đời sau như thế nào thì sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống và cách sống tại thế này. Phần đông trong tâm thức và niềm tin bình dân của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng thì mô phỏng cuộc sống Cõi Âm cũng giống như ở dương thế vậy. Những người Sadducêô khi chất vấn Chúa Giêsu đưa ra lập luận về hôn nhân, họ cũng nghĩ tưởng đời sống mai hậu như cuộc sống hiện tại mà thôi. Tất cả đều dựa trên kinh nghiệm về cuộc sống hiện tại để suy đoán cuộc sống mai sau. Từ đó, cách sống sẽ hướng theo quan điểm này. Với người Kitô hữu thì khác, câu trả lời của Chúa Giêsu trước người Sadducêô cho thấy cuộc sống đời sau không phải như hiện tại này: không dựng vợ gả chồng, người ta sống như các thiên thần. Điều này không có nghĩa là không còn là người hay đã biến thành các thiên thần nhưng có nghĩa là con người đã thực sự được giải thoát khỏi kiếp nô lệ cho tội lỗi và sự chết, đồng thời, thoát khỏi mọi giới hạn của thế giới này để trở nên bất tử, nên con cái tự do của Thiên Chúa.

Sự sống đó triển nở từ nơi Thiên Chúa, do đó, cách sống của Kitô hữu sẽ là một cách sống được thể hiện bằng niềm lạc quan vui sống, hy vọng và tín thác vào Thiên Chúa. Họ không còn sợ chết nữa và sự chết không làm gì được họ.

3. Từ lời giải đáp vấn nạn của Chúa Giêsu đến việc tôn trọng và bảo vệ sự sống giữa xã hội hôm nay

Sống hiện tại và tin vào cuộc sống mai sau khác với cuộc sống hiện tại này không có nghĩa là cả hai đối lập nhau, tách rời nhau. Trong công trình sáng tạo, sự sống của Thiên Chúa được trao ban cho con người. Với công trình cứu độ cũng chính sự sống phát xuất từ Thiên Chúa được trao ban cho con người được cứu. Sự sống hiện tại và sự sống đời sau đều phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất là Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa chỉ có một, nhưng cách đón nhận của con người và biểu lộ sự sống ấy của con người thì khác. Nói cách khác, sự sống ở đời này và sự sống đời sau đều xuất phát từ Thiên Chúa nên đều được yêu quí và tôn trọng như nhau. Nếu không có sự tôn trọng sự sống đời này, nếu chỉ biết hủy diệt sự sống đời này thì sẽ không bao giờ có sự sống đời sau. Ngày nay, nhân loại đang chứng kiến một nền văn minh của sự chết hoành hành thế giới: chiến tranh, hận thù, chia rẽ, nghèo đói, bất công bạo lực, phá thai, không tôn trọng quyền con người…

Với thực trạng đó, niềm tin vào sự sống lại phải là nỗ lực làm cho con người hôm nay được sống và sống dồi dào ngay từ trần thế này. Niềm tin vào sự sống lại không nhằm tìm cách chốn chạy khỏi thực tại này, nhưng là động lực để dấn thân phục vụ sự sống, bảo vệ và phát triển một nền văn hóa của tình thương và sự sống.

III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Mở đầu: Anh chị em thân mến, khi minh chứng có sự sống lại, Chúa Giêsu đã khẳng định Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa hằng sống những ước nguyện của chúng ta:

1. Giáo hội chính là cộng đồng đón nhận và hiệp thông sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho niềm tin vào sự sống lại luôn được loan truyền và phát triển sâu rộng trong mọi thành phần Giáo hội.

2. Nền văn minh của sự chết ngày nay đã và đang đẩy biết bao con người vào trong thảm cảnh bi thương và chết chóc. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn có được sự khôn ngoan để biết đề ra những quốc sách mang lại lòng yêu mến, tôn trọng sự sống, phẩm giá và quyền sống của mọi con người.

3. Sự sống do chính Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn biết yêu thương, chăm lo phát triển sự sống và nhân cách nơi thanh thiếu niên. Xin cho mọi người trẻ biết yêu quý sự sống của mình để tránh xa những tệ nạn hủy hoại cuộc sống và nhân cách.

Lời kết: Lạy Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương cho chúng con được làm người, làm con Chúa. Xin cho chúng con ngày càng biết phát triển sự sống của mỗi người bằng nỗ lực thăng tiến đời sống trong công bằng, bác ái và thánh thiện. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

home Mục lục Lưu trữ