Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1363499

VÂNG THEO Ý CHÚA

VÂNG THEO Ý CHÚA

 

(Trích từ ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nếu Ngài đã tạo dựng thế giới chỉ bằng một lời quyền năng của Ngài, thì Ngài cũng có thể cứu chuộc con người một cách dễ dàng bằng một lời tha thứ. Nhưng Thiên Chúa đã không làm thế. Ngài tôn trọng tự do của con người và muốn chính con người sử dụng tự do của mình để cộng tác vào công trình cứu độ. Nhưng bằng cách nào? Thưa, đó là luôn vâng theo ý Chúa như Đức Maria và thánh Giuse đã sống.

Thật vậy, Đức Maria chỉ là một thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác, sống trong một làng quê nhỏ bé, âm thầm; chỉ có một điều khác biệt là người đã luôn vâng theo ý Chúa trong mọi sự. Người đã thưa xin vâng, dù chưa biết rõ chương trình lạ lùng của Thiên Chúa. Cũng thế, thánh Giuse chỉ là bác thợ mộc nhà quê, nghèo hèn, nhưng có điều khác biệt là ngài đã luôn tuân theo ý Chúa, điển hình là ngài đã rước Đức Maria về nhà mình sau khi được sứ thần cho biết là Đức Maria thụ thai là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Mỗi kitô hữu chúng ta cũng có thể là một Giuse hay một Maria khác. Mặc dù chỉ là những con người bé nhỏ, tầm thường, tội lỗi, chúng ta cũng có thể góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa nếu chúng ta biết thể hiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong sự tuân phục thánh ý Chúa, được biểu lộ qua luật Phúc âm, qua giáo huấn của Giáo Hội và của các vị Bề trên… Cuộc sống tốt đẹp của chúng ta sẽ trở thành một dấu hỏi cho người chung quanh: Tại sao người Công giáo lại vui tươi, bình an như thế; gương sống đạo của chúng ta sẽ tác động những người khô khan và là một khuyến khích nâng đỡ cần thiết cho những anh em đồng đạo của chúng ta.

Ước gì chúng ta ý thức được phần đóng góp tuy nhỏ bé, nhưng hữu hiệu của chúng ta, trong việc làm cho mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu được mọi người nhận biết, và làm cho nhiều tâm hồn trở thành nơi an bình cho Chúa giáng sinh.

 

21.Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)

Những người yêu nhau, thường thích ở gần nhau. Thiên Chúa yêu chúng ta, Ngài muốn ở mãi cùng chúng ta. Hơn nữa, Ngài còn muốn chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong đời sống mỗi người.

1. Qua tạo vật

Với một bông hồng nhung, hoặc hồng bạch, hoặc một đoá cúc trắng, người ta có thể trầm trồ khen “đẹp quá”. Khi đi xem vịnh Hạ Long, nhiều người buột miệng: “Thiên Chúa tài thế, Ngài tạo dựng cảnh đẹp tuyệt”. Tạo vật vô tri vô giác cũng là dấu chỉ Thiên Chúa đang hiện diện với con người. Qua nét đẹp của tạo vật, con người có thể nhận ra Thiên Chúa đẹp tuyệt vời.

Thiên Chúa hiện diện một cách đặc biệt qua con người. Nét đẹp tinh thần của con người, như lòng vị tha, lòng thương xót và bác ái được thể hiện qua việc làm, là những dấu chỉ giúp con người nhận ra “Thiên Chúa hiện hữu” và “Ngài đẹp tuyệt vời”.

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người”. Những người bình thường, không bị bệnh về mắt “thiêng liêng”, có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện qua trung gian các tạo vật.

2. Qua lịch sử dân Do Thái

Với những thăng trầm trong dòng lịch sử, như biến cố thoát cảnh nô lệ Aicập qua Môsê, việc thoát cảnh đàn áp bóc lột của những dân tộc xung quanh qua các thẩm phán, việc dân lưu đày trở về quê hương qua Kyrô, người Do Thái nhận biết Thiên Chúa không chỉ hiện hữu, những còn là Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Qua lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa cũng tỏ lộ chính Ngài cho các dân tộc khác. Chẳng hạn qua việc giải phóng dân Do Thái khỏi Aicập, Thiên Chúa cũng tỏ lộ chính Ngài cho người Aicập nữa.

Tuy vậy, những can thiệp này cũng có giới hạn, vì làm người ta tưởng rằng Thiên Chúa chỉ yêu thương người Do Thái mà ghét bỏ các dân tộc khác, nhưng thật không phải vậy. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi dân tộc chứ không riêng gì dân tộc Do Thái, nhưng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người nói chung, theo sư phạm Ngài cần diễn tả tình yêu của Ngài đối với những con người và dân tộc cụ thể.

Thiên Chúa không chỉ mặc khải Ngài là Đấng can thiệp vào lịch sử dân Do Thái, nhưng còn cho thấy Ngài quan tâm đến tương lai của một gia đình, một dòng họ. Qua lời hứa với Ahaz trong bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Isaya, Thiên Chúa là bảo đảm và niềm hy vọng của một gia đình, của một dòng tộc, và của cả một dân tộc.

3. Thiên Chúa hiện diện qua những con người

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa: “Ta hãy tạo thành con người giống hình ảnh Ta” (St.1, 26). Qua lịch sử đời người, con người hiểu biết hơn về Thiên Chúa. Thánh Yuse là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa cho Đức Maria. Trong trình thuật biến cố Đức Maria có thai, thánh Yuse cho thấy Ngài là người tuyệt vời. Ngài không tố cáo Đức Maria, không làm gì gây xúc phạm đến thanh danh và mạng sống của Đức Maria, tuy dù nếu Ngài tố cáo thì Ngài cũng vẫn chỉ là nói lên một sự thật. Không chỉ vậy, thánh Yuse còn quảng đại bảo bọc Đức Maria trong những giây phút khó khăn thử thách của cuộc sống. Thiên Chúa yêu thương bảo vệ Đức Maria qua thánh Yuse.

Đức Maria cũng phản ánh tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho con người hôm nay. Bao người cầu xin với Đức Mẹ, và họ nhận ra Thiên Chúa hiện diện và an ủi họ khi họ được nhận lời. Đức Maria cũng là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hiện diện và yêu thương Yuse. Qua tiếng “xin vâng” của Đức Maria, Thiên Chúa yêu thương và hiện diện cách đặc biệt với con người qua Đức Yêsu.

Đức Yêsu, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col.1,15). Nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài một cách tuyệt vời nhất. Với cái chết và phục sinh, Đức Yêsu tỏ cho con người thấy Thiên Chúa là ai: Đấng trung thành, yêu thương, kiên nhẫn và tha thứ. Nơi Đức Yêsu, con người thấy rõ Thiên Chúa yêu thương và ở với con người. Thiên Chúa đã làm tất cả, đã có sáng kiến tuyệt vời để cứu độ con người. Ngài ở với con người.

4. Emmanuel

“Thiên Chúa ở với chúng ta”. Đây là câu nói tuyệt vời. Ngày xưa, Thiên Chúa đã nói lời này với Isaac (St.26, 3.24), với Yacob (St.31, 3), để đồng hành và bảo vệ những người được Ngài yêu thương. Thiên Chúa đã ở với Môsê (Xh.3, 12), để giải phóng dân Do Thái ra khỏi Aicập, Thiên Chúa đã ở với Yoshua (Gs.1, 5), để dẫn dân riêng của Ngài vào đất hứa. Thiên Chúa đã ở với Yêrêmia (Gr.1, 19), để giải phóng tiên tri khỏi bao người bách hại ngài. Thiên Chúa đã ở với các tiên tri (Is. 41,10; 43,12), để giúp các tiên tri thi hành sứ mạng được trao.

Thiên Chúa ở với ai, là để yêu thương và bảo vệ người đó. Nơi Đức Yêsu, Thiên Chúa ở với con người, để yêu thương và giải phóng con người khỏi tội, để chỉ con người con đường “yêu thương” cứu độ, để giúp con người kiên nhẫn vượt qua chính mình và đến với người khác.

“Chúa ở cùng anh chị em”. Đây vừa là lời chào trong thánh lễ, vừa là lời chúc, và lời khẳng định một thực tại sâu thẳm. Với Đức Yêsu, Thiên Chúa ở mãi với con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Trong kinh nghiệm sống, bạn có gặp ai diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho bạn một cách đặc biệt không? Xin bạn chia sẻ.

2. Bạn được mời gọi để giúp ai nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện và yêu thương họ? Bằng cách nào?

3. Bạn có kinh nghiệm Thiên Chúa đang ở với bạn không? Làm sao để có kinh nghiệm Thiên Chúa đang ở với mình?

 

22.Hãy làm sáng danh Chúa

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một em bé về kể với mẹ: Mẹ ơi, hôm nay khi một chiếc xe chở bia bị lật, con thấy nhiều người ra hôi bia về uống.

Mẹ nói: Vì họ là người tham lam. Họ phạm tội ăn cắp một cách công khai đáng bị lên án.

Đứa bé: Nhưng con thấy có cả chú tư, cô ba gần nhà mình cũng vui vẻ bưng một thùng bia về nhà.

Mẹ: Vì chú tư, cô bà đã bán sĩ diện mình bằng vài lon bia.

Đứa bé: Con thấy không một ai nhặt giúp bia cho người bị nạn mà ai cũng tranh thủ chộp một vài lon hay vài thùng rồi lên xe chạy hết.

Mẹ: Vì họ sống theo bản năng đói thì ăn, khát thì uống mà không còn xét về luân lý được ăn hay không?

Đứa bé: Vậy nếu xã hội mà con người chỉ biết sống theo bản năng thì xã hội sẽ ra sao?

Mẹ: Thì xã hội sẽ chẳng còn luật lệ, người ta sẽ mạnh ai người ấy sống, hay “cá lớn nuốt cá bé”. Xã hội sẽ loạn lạc, chẳng còn ai tin vào ai.

Đứa bé: Vậy sống trong một xã hội mà con người không còn thân thiện, giúp đỡ nhau thì mình phải làm sao?

Mẹ: Mình phải là một ánh sáng cho thế gian bớt u tối bằng việc làm tốt, không hùa theo đám đông làm chuyện xấu. Dù chỉ là ánh sáng lẻ loi nhưng vẫn phá tan những đêm tối của lòng người. Nhất là mình là người Công giáo phải sống chứng nhân cho Chúa qua dấu chỉ yêu thương để người ta nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa, và đừng bao giờ vì một vài lon bia mà làm ô danh đạo thánh của chúng ta.

Cách đây hơn hai ngàn năm giữa một khung trời đầy những bóng tối của tội lỗi, của sự ích kỷ lòng người Ngôi Hai Thiên Chúa đã ngự xuống trần gian. Ngài là Emanuel ở cùng chúng ta. Ngài đến để thắp sáng trên trần gian ánh sáng của tình bác ái, của sự hiệp thông. Ngài là ánh sáng cho trần gian. Ngài soi chiếu ánh sáng chân lý để đầy lùi bóng tối gian tà. Ngài thắp sáng ánh sáng tình yêu để xua tan bóng đêm của ích kỷ, lạnh lùng. Ngài đi vào trần đời để ném ngọn lửa yêu thương, lửa bác ái, lửa tin yêu cho trần gian.

Thế nhưng, vẫn có những con người khước từ ánh sáng. Họ thích sống trong tăm tối. Họ thích sống theo bản năng, nuông chiều tính xác thịt. Họ ngồi trong u tối nhưng không muốn ra ánh sáng. Vì theo ánh sáng phải bỏ bóng tối. Bóng tối của ích kỷ, của dửng dưng, của gian tà. Nhưng tiếc thay, con người lại thích sống theo bản năng nên họ khước từ ánh sáng.

Ngày nay cũng có nhiều người không muốn theo một đạo nào. Không phải là họ không tin mà điều quan yếu là họ sợ phải sống đạo, phải giữ đạo. Họ thà không theo đạo để sống theo bản năng của mình. Thế nhưng, bản năng thường ích kỷ, thường lầm lỗi và hẹp hòi nên vẫn còn đó những việc làm thiếu tình liên đới, hiệp thông yêu thương trong tình người.

Ngày nay Thiên Chúa vẫn đang cần chúng ta hãy trở thành ánh sáng cho trần gian. Hãy chiếu sáng cho thế gian ánh sáng của yêu thương, của tình liên đới và hiệp thông. Hãy dẫn dắt con người đến cùng ánh sáng đích thực là chính Chúa Giêsu là nguồn mạch ánh sáng.

Thánh Giu-se và Đức Maria năm xưa đã cộng tác với Chúa để mang ánh sáng vào trần gian. Mẹ đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để đón nhận hài nhi ngự trong cung lòng Mẹ. Thánh Giuse đã cộng tác bằng hai tiếng xin vâng để trở thành cha nuôi của Chúa Giêsu. Cả hai cùng thưa xin vâng như lời dâng hiến cuộc đời để trở thành khí cụ của Chúa mang ánh sáng vào trần gian. Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể cư ngụ giữa chúng ta là nhờ tấm lòng hy sinh của hai thánh nhân. Chính các ngài đã từ bỏ ý riêng, từ bỏ nếp sống của mình để hành xử theo ý Thiên Chúa.

Nếu cuộc đời mà ai cũng biết từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa thì cuộc đời tốt đẹp biết bao. Nếu dòng đời ai cũng biết chế ngự bản thân để sống cho tha nhân thì dòng đời sẽ không còn vẫn đục bởi hôi của, bởi dưng dưng trước khốn khó của đồng loại mà ai cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Mùa Noel nữa lại đến như mời gọi chúng ta hãy là ánh sáng cho trần gian. Xin đừng vì những quyến luyến trần tục, những tham lam bất chính mà bản rẻ lương tâm, nhân phẩm của mình. Nhưng mỗi người hãy là những vì sao sáng trên bầu trời loan báo tin vui Chúa giáng sinh cho nhân trần. Xin Đấng Emaul mãi ở lại trong tâm hồn chúng ta ban niềm vui và hạnh phúc để chúng ta cũng ra đi xây dựng tình yêu và hạnh phúc cho nhân trần. Amen.

 

23.Gia đình cần niềm tin nơi nhau

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Cuộc sống chung cần niềm tin nơi nhau. Niềm tin sẽ cho nhau hạnh phúc, và sự bình an. Niềm tin sẽ khích lệ nhau vượt qua khó khăn, vì ở giữa những phong ba bão táp vẫn có người tin tưởng ở bên chúng ta. Nhất là trong đời sống vợ chồng càng cần niềm tin nơi nhau hơn. Vợ chồng không tin nhau sẽ đầy đọa nhau suốt đời. Lấy phải một người đa nghi thì suốt ngày được nghe những bản án vô cớ nơi người bạn của mình.

Có một bà vợ hay ghen một cách vô cớ. Mỗi lần ông chồng đi đâu về là bà đều khám xét kỹ lưỡng trên áo xem có gì lạ không. Ngày thứ nhất bà thấy có 1 sợi tóc quăn trên áo, bà liền phán: hôm nay lại ôm cái con tóc quăn phải không? Ông chồng ậm ừ cho qua. Ngày thứ hai bà khám xét lại thấy một sợi tóc bạc. Ông chồng liền phán đừng nói tôi ôm bà lão nhé, nhưng bà vợ liền phán: Hôm nay tôi đoán chắc ông ôm con tóc bạch kim phải không?. Ông chồng đành chịu thua. Lần thứ ba, bà khám kỹ lưỡng nhưng không có sợi tóc nào dính trên áo ông. Tưởng cho qua, ai dè bà phán một câu xanh rờn: Hôm nay, lại ôm cái con trọc đầu rồi!

Ghen tương là biểu lộ tình yêu, nhưng ghen tương vô cớ sẽ đánh mất tình yêu, đánh mất tự do của người mình yêu. Hai người cần phải biết tin tưởng lẫn nhau, biết cảm thông cho nhau, nhất là biết tôn trọng nhau mới có thể cùng nhau đi qua kiếp người với lòng trung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Nếu không tin nơi nhau sẽ đầy đọa và làm khổ nhau suốt đời.

Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Tình yêu của Ngài đôi lúc cũng có những ghen tương. Ngài đòi con người chỉ được yêu một mình Ngài và không có được thờ một thần linh nào khác. Nhưng tình yêu của Ngài không ghen tương mù quáng. Người luôn tin tưởng con người. Ngài luôn tôn trọng con người. Điều Ngài có thể làm để níu kéo con người về với Ngài chính là tình yêu. Ngài đã dùng tình yêu hy sinh, tận hiến cho người mình yêu được sống và sống hạnh phúc. Tình yêu của Ngài luôn bao dung có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi con người, tha thứ và nhẫn nại chờ đợi con người.

Phúc âm hôm nay cho ta thấy tình yêu đầy tin tưởng nơi thánh Giuse. Ngài từng khó hiểu tại sao người bạn đính hôn của mình lại mang thai. Ngài cũng có những giao động đến nỗi định tâm bỏ đi cách kín đáo. Nhưng niềm tin vào Mẹ Maria đã giữ ngài ở lại. Ngài tin Mẹ Maria là người đoan trang thanh khiết. Ngài tin rằng với tính cách của Mẹ Maria sẽ không làm gì trái với lương tâm hay trái với luân thường đạo lý. Trên hết mọi sự chính là niềm tin nơi Thiên Chúa. Thánh Giuse đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài để cho Thiên Chúa thực hiện ý định của Ngài. Ngài tin vào đường lối của Thiên Chúa luôn tốt nhất cho từng người. Ngài đã để thánh ý Chúa thực hiện theo như chương trình đã định.

Chính niềm tin vào Thiên Chúa và sự tin tưởng nơi người bạn đính hôn, thánh Giuse đã đón nhận Mẹ về nhà mình. Không có niềm tin tuyệt đối thì làm sao có một mái ấm gia đình Nagiaret? Không có niềm tin nơi nhau làm sao thánh Giuse có thể có thể nhận làm cha nuôi của Chúa Giêsu?

Cuộc sống sẽ tốt hơn nếu con người dám tin nơi nhau. Niềm tin sẽ giúp nhau bỏ qua những nghi kỵ, hiểu lầm, những toan tính để sống chia sẻ với nhau. Niềm tin cũng có nghĩa là phó thác trọn vẹn. Khi vợ chồng tin cậy nhau sẽ phó thác cả cuộc đời mình cho nhau. Vui buồn, sướng khổ cùng chia sẻ ngọt bùi với nhau. Lòng tin cũng được bày tỏ bằng sự cảm thông và chấp nhận nhau. Cuộc sống nếu tin nhau sẽ không còn phê phán hay lên án nhau. Cuộc sống nếu tin nhau sẽ giúp gia đình hòa hợp, yên vui và hạnh phúc bên nhau.

Ước gì các đôi hôn phối biết tìm được niềm vui hạnh phúc bên nhau khi biết tin tưởng nơi nhau, khi biết sống bao dung đón nhận nhau hầu xâu dựng một mái nhà rộn ràng niềm vui và hạnh phúc. Amen.

 

24.Được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ

Dường như theo cách nghĩ thông thường của con người thì ai càng yếu đuối thì càng cần nhiều đến sự giúp đỡ của người khác. Thiên Chúa chúng ta là Đấng Toàn Năng quyền phép vô cùng nhưng Người vẫn cần nhờ đến sự cộng tác của con người là thụ tạo của mình. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Thiên Chúa mời gọi hai con người cộng tác đặc biệt vào chương trình cứu độ loài người.

"Này đây một thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en" (Is 7, 14) Đây là lời loan báo của tiên tri Isaia ở cuối Bài đọc I cho biết Thiên Chúa đã có dự định từ lâu về chương trình cứu độ loài người. Đến giờ đã định Người đã sai thiên sứ Gapriel đến mời gọi Đức Maria cộng tác bằng cách cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế Giêsu.

Cũng vậy, trong đoạn Tin mừng hôm nay Thiên Chúa tiếp tục cho thiên sứ đến mời gọi Giuse: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần". (Mt 1, 20b). Thiên Chúa mời gọi Giuse làm cha Đấng Cứu Thế Giêsu cho hợp với luật pháp dân sự.

Với lời thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền" (Lc 1, 38) Đức Maria đã thật sự đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa. Còn Giuse thì: "Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà." (Mt 1, 24). Cả hai Đấng đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa một cách vui vẻ. Với sự đón nhận ấy trước mắt họ chẳng có ích lợi gì cho bản thân mình. Một trinh nữ mà phải mang thai khi chưa hề biết đến chuyện vợ chồng. Một thanh niên phải đón nhận Maria về để chăm sóc và phụ với nàng nuôi dưỡng đứa con không phải của mình.

Dầu vậy, nhờ đó Đấng Cứu Thế được sinh ra đến trong thế gian này . Người được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đầy đủ cha mẹ như bao trẻ thơ khác.

Thánh Augustinô đã có lần nói: "Để sinh ra con Nguời không hỏi ý kiến con nhưng để cứu chuộc con Nguời phải hỏi ý kiến con". Như vậy, Thiên Chúa đã hoàn tất chương trình cứu độ của Người nơi Đấng Cứu Thế Giêsu. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta tùy theo cương vị và bậc sống cộng tác với Người trong việc cứu độ chính mình và anh chị em. Chúng ta hãy noi gương Đức Maria và Thánh Giuse đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời mình. Khi có Chúa Giêsu ở cùng thì dù có khó khăn mấy chúng ta vẫn có thể cộng tác tốt với Chúa.

 

25.Ngài từ đâu đến? – Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Bắt đầu bài trích Phúc Âm hôm nay, Thánh Mátthêu đã giới thiệu: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô...”. (Đức Giêsu Kitô sinh ra thế này - Et voici comment Jésus Christ fut engendré...bản dịch của Cha Thuấn, La Bible de Jérusalem) (Mt 1,18).

Khi thánh sử Mátthêu mở đầu Phúc Âm của ngài, ngài đã trang trọng viết: “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham”. (Gia phả Đức Giêsu Kitô, con Đa-vít, con Abraham. – Généalogie de Jésus Christ, fils de David, fils d’Abraham. Bản dịch của Cha Thuấn, La Bible de Jérusalem). (Mt.1,1-17).

Người xưa có câu: “vô tri bất mộ”. Không biết không yêu.Trong cuộc sống, cũng không ai đặt niềm tin vào người mà mình không hề biết “gốc tích” người đó. Làm sao ta có thể an lòng đặt niềm Tin Yêu vào một người mà ta không biết gì về “lý lịch”?

Nên, không phải vô tình mà thánh Mátthêu mở đầu sách Tin Mừng, ngài đề cập đến hai lần “gốc tích” của Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì, để dọn đường cho Đức Tin độc giả, thánh Mátthêu muốn độc giả hiểu rõ về Chúa Giêsu. - Đức Giêsu, Ngài từ đâu đến?

Đức Giêsu: nhân vật lịch sử.

Không một sử gia nào ngày hôm nay còn nghi ngờ tính chất lịch sử của Chúa Giêsu, khái niệm Ngài không phải là một nhân vật đã sống thực sự trong lịch sử không còn giá trị gì trên phương diện sử học.

Ngay cả những tranh luận thời xưa, Celse ở thế kỷ thứ hai, Porphyre ở thế kỷ thứ ba đã qui tụ nhiều lập luận chống lại Kitô giáo, dựa trên sự nghiên cứu sâu rộng về kinh Thánh, về truyền thống truyền miệng; nhưng các ông không hề nghi ngờ gì về thực tại của những lời chứng do các môn đệ đã biết Chúa Giêsu tuyên xưng, hay những lời của Phao-lô, chứng nhân và văn sĩ Kitô hữu đầu tiên. Sự sống lịch sử của Chúa Giêsu cũng không bị đặt nghi vấn bởi truyền thống Do Thái, và ngay cả kinh Coran cũng coi Ngài như một vị tiên tri loan báo đấng Mahomet của Hồi Giáo.

Trong những văn kiện ngoài Kitô giáo, chiến tranh Do Thái (la guerre Juive) và những Cổ truyền Do Thái (les antiquités Judaiques), được soạn thảo bởi sử gia Do Thái Flavius Josèphe, có nói hai lần đến sự hiện hữu của Chúa Giêsu.

Trong những cổ truyền Do Thái (XX & 200), Flavius nhắc đến cuộc tử đạo của Jacques năm 62: Vị giáo quyền Anan triệu họp đại hội những thẩm phán để xử án jacques, anh em của Giêsu còn gọi là Kitô, và một phạm nhân khác. Họ bị kết tội đã vi phạm Luật Thánh và bị kết án tử hình bằng ném đá. Bản văn này cần hai chú thích sau: thứ nhất là chữ dịch anh em phải được hiểu theo nghĩa của ngôn ngữ nguyên văn (acception sémitique), nó được dùng để chỉ những người cùng gia đình, họ hàng, bạn bè; thứ hai là chữ Kitô, dưới ngòi bút của tác giả ngoại giáo và thân Roma này, được dùng theo nghĩa xấu để chỉ những người hay gây rối loạn ở vùng Judée thời đấy.

Trong chiến tranh Do thái (Flavius Josèphe XVIII, &63-64), ông có viết: Trong thời đó có Giêsu, một người khôn ngoan, nhưng có nên gọi như thế hay không, bởi vì đó là một người làm nhiều điều phi thường, một bậc thầy đối với nhiều người muốn tìm chân lý. Nhiều người Do Thái và Hy lạp theo ông. Đó là Đức Kitô. Khi ông bị tố cáo và bị Philatô kết án đóng đinh trên thập giá, những người theo ông vẫn không từ bỏ. Bởi vì ông sống lại trong ngày thứ ba; nhiều vị tiên tri thần linh đã nói về những điều này và muôn vàn những điều kỳ diệu khác về ông. Cho tới bây giờ, nhóm người Kitô vẫn còn tồn tại. (Theo Le Figaro Magazine, 01.10.1999, Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ).

Còn rất nhiều bằng chứng, để có thể tin chắc một người mang tên Giêsu như Tân Ước ghi lại, đã từng có mặt trong lịch sử nhân loại. Đó không phải là một nhân vật huyền thoại, được tưởng tượng ra để phục vụ cho những lý do trần tục của nhân loại.

Vì Giêsu, Ngài là một nhân vật từng có mặt trong lịch sử nhân loại, nên Ngài phải có “gia phả”, có “gốc tích” rõ ràng, Ngài là con ai, cha mẹ là ai, sinh ra ở đâu, quê hương, cuộc đời và sự nghiệp Ngài như thế nào. Đó là “nhân tính” của Đức Giêsu.

Nhưng, Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử bình thường. Ngài không phải chỉ là một vĩ nhân. Ngài còn là: Thiên-Chúa-làm-người.

Đức Giêsu: “Thiên-Chúa-làm-người”.

“Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt.1,18).

Lý lịch của Chúa Giêsu rất hợp lệ theo thủ tục của con người, nhưng không tự nhiên theo kiểu con người, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngài là Thần Linh Sự Sống, là nguồn sống, Ngài là Đấng ban phát sự sống, Ngài đến để tái tạo sự sống cho con người, Ngài không thể được hình thành từ máu huyết phàm nhân.

Thánh Giuse là “người công chính”, chắc chắn đã được Thiên Chúa mạc khải chương trình huyền nhiệm về Chúa Cứu Thế Giáng Sinh mà ngài có bổn phận nuôi dưỡng, nhưng, trong sự hiểu biết hạn hẹp của một phàm nhân, hẳn ngài luôn cần Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn thêm, qua việc Thiên Thần đến với ngài trong giấc mơ, để ngài an tâm thực thi sứ mạng cao cả của ngài, là cha nuôi của Đấng Cứu Thế.

“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt.1,23-24).

Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đây mới đích thực là “gốc tích” của Giêsu. Giêsu, không phải chỉ là một “vĩ-nhân-ở-cùng-chúng-ta”, nhưng là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Và nhân loại phải nhận ra “gốc tích” đích thực này của một con người lịch sử mang tên Giêsu.

Con người mang tên Giêsu ấy, có “gia phả” từ ngọn nguồn của mọi sự sống. Con người ấy là Thiên Chúa đã lặng lẽ đến với nhân loại để “ở với nhân loại”, “đồng hành với nhân loại”, mà nhân loại đã không nhận ra “gốc tích” thật sự của Ngài. Đó là “Thiên Tính” của Đức Giêsu.

“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Ga.1,12).

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14).

Đón tiếp Thiên Chúa Giáng Sinh.

Lễ Giáng Sinh ngày nay tưng bừng đèn hoa ngày hội và gần như cả cộng đồng nhân loại biết đến. Nhưng phần lớn nhân loại mừng Sinh Nhật Chúa Giêsu khi chỉ được biết Chúa Giêsu như một nhân vật lịch sử và dừng lại ở sự kính trọng Ngài như một vĩ nhân. Nhưng, ngày lễ Giáng Sinh chỉ thật sự đúng ý nghĩa khi con người chào đón Ngài là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Niềm Tin ấy chỉ có được khi con người nhận ra “gốc tích Đức Giêsu là Thiên Chúa”.

Và, như thế, đón mừng Giáng Sinh, là đón mừng Tình Yêu Thiên Chúa dành trọn vẹn cho con người với Mầu Nhiệm Nhập Thể.

“Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt.1,23); hay “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14), đó là hồng ân lớn lao vô bờ bến mà không một ai trong kiếp nhân sinh đầy khổ ải này lại không mong mỏi đợi chờ.

Yêu nhau trăm sự chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Cao vời nào cao vời như Thiên Chúa, thấp hèn nào như thấp hèn kiếp bụi tro, nhưng “một trăm chỗ lệch” ấy đã được “kê bằng” để Thiên Chúa đến với con người, ở giữa con người, sống như con người, chỉ trừ tội lỗi. Chỉ có Đức Giêsu Kitô với hai bản tính Thiên Chúa và con người, Ngài mới thật sự là nhịp cầu nối trời và đất. Thiên Chúa cúi xuống với con người để con người được vươn lên tới Thiên Chúa.

Không có Tình Yêu nào không đòi hỏi sự đồng hành, và sự đồng hành của Thiên Chúa dành cho con người gần gũi và chia sẻ đến mức không thể hơn thế được.

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (Pl.2,6-7).

Quả thực, chỉ có Tình Yêu ngự trị vũ hoàn này, sức sống mới thật sự hồi sinh, và hạnh phúc mới tìm lại được trong mọi con tim nhân thế.

Vì Chúa đến, không phải đem lại cho con người những cuộc vui chóng tàn hay những lợi lộc chóng qua, nhưng Ngài đến để đem lại cho con người những giá trị vĩnh cửu mà nếu không có Ngài, tất cả chỉ là khát vọng.

Lòng chúng ta sẽ trống rỗng nếu chúng ta không tiếp đón Ngài là Thiên Chúa Nhập Thể trong chính tâm hồn chúng ta. Ngài đến để đi vào mọi ngõ ngách tâm hồn chúng ta, nơi mà chúng ta chưa bao giờ dám chia sẻ cùng ai, đồng hành cùng ai. Và điều kỳ diệu sẽ đến với chúng ta khi mỗi bước đi của chúng ta là mỗi bước an bình và đầy hoan lạc trong ánh sáng Tình Yêu của Ngài. Vì như thế mới đúng với danh xưng của Ngài: Em-ma-nu-el: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Hiểu được Đức Giêsu Kitô là ai, Ngài từ đâu đến, con người mới biết cách tiếp đón Ngài và đón tiếp Ngài với trọn vẹn niềm Tin Yêu và hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Này đây Máng Cỏ lòng con,

xin Ngài ngự đến.

Nghèo hèn và bé nhỏ,

không xứng với Vua Trời Đất,

nhưng con tin rất vừa

với Chúa Tình Thương. Amen.

 

26.Truyền tin cho ông Giuse

(Trích ‘Sống Lời Chúa’ – Damiano)

Việc Chúa Ngôi Hai đến trong thế gian là một khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên cái mới nối tiếp cái cũ chứ không hủy bỏ. Vì Cựu Ước đã chuẩn bị cho Tân Ước. Sự hiện diện của Giuse là bản lề cho sự nối kết này. Nhờ Giuse mà Chúa Giêsu được thuộc dòng dõi Đavít: “Đây là gốc tích của Chúa Giêsu... Đức Kitô con vua Đa-vít, con của Abraham... Giacob sinh Giuse, chồng Maria, từ nơi bà sinh ra Đức Giêsu, cũng gọi là Đức Kitô...”

Để cắt nghĩa vai trò tế nhị của Giuse: Sở dĩ thánh Giuse nhận là chồng của bà Maria và cha của Chúa Giêsu cách hợp pháp mà không phải là bất đắc dĩ là vì ông là người công chính. Công chính là người sống theo thánh ý Thiên Chúa. Giai đoạn này được coi như một màn kịch: một hoàn cảnh bế tắc: sinh ra mà không có cha (người mẹ sẽ bị ném đá chết, chương trình Thiên Chúa sẽ bị bế tắc hay sao?). Việc Giuse nhận làm cha nuôi theo lời Thiên Thần truyền tin cho ông , đã gỡ rối cho sự bế tắc nầy (thế là Chúa Giêsu ra đời một cách hợp pháp). Bây giờ chỉ còn việc thực hiện sứ mạng nữa thôi: Khi thức dậy, Giuse đã thực hiện điều Thiên Chúa truyền: ông rước vợ về nhà mình. Vì thế, trong chương trình của Thiên Chúa, Giuse có một chỗ đứng rất quan trọng: vừa làm vai trò bản lề giữa Cựu và Tân Ước, vừa là công tác viên tích cực không thể thiếu được trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Nhưng trọng tâm bài Tin Mừng hôm nay không phải là ông Giuse mà chính Chúa Giêsu gọi là Emmanuel (Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-tôi). Ngài có hai nguồn gốc: nhờ Giuse và Maria mà Ngài là con Đa-vít cách hợp pháp, nhưng đồng thời Ngài cũng ra đời bởi phép Chúa Thánh Thần. Qua câu: Đây là nguồn gốc... Thánh sử Mátthêu muốn cho thấy nơi Đức Giêsu có hai bản tính rõ ràng. Trong Ngài đất trời đã được nối lại với nhau; Thiên Chúa và con người lại được giao hòa. Vì thế Chúa Giêsu gọi ông Giuse là cha đồng thời Ngài cũng là con Đấng tối cao.

Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu, điều đó nói gì với chúng ta hôm nay? nếu Giuse đã săn sóc giữ gìn Chúa Giêsu, thì ngày nay ngài cũng đóng vai trò trước mặt Thiên Chúa cho chúng ta, vì chúng ta là Kitô hữu, thuộc Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ngài tiếp tục là cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc cứu rỗi chúng ta. Biết bao nhiêu lần trong lịch sử Giáo Hội, thánh Giuse đã tỏ ra thật sự là cha tinh thần của rất nhiều con cái, khi họ kêu cầu người.

Thánh Giuse đưa người lầm lạc trở về.

Một cha xứ ở Pháp kể rằng: Từ 17 năm rồi, có một người lạc đạo đến cư ngụ trong giáo xứ của ngài, và ngài đã lui tới khuyên nhủ, nhưng vô hiệu.

Sau đó một thời gian anh ấy lâm trọng bệnh. Nghe tin, cha lại đến khuyên bảo, nhưng cũng vô hiệu. Đến giờ dâng lễ, cha phải trở về. Trước khi mặc áo lễ, cha ra quỳ trước bàn thờ thánh Giuse, cầu nguyện cho kẻ lầm lạc. Lễ xong, cha lại trở lại thăm anh ta. Và kỳ lạ thay, lần này, anh ta đã thay đổi rõ ràng. Cha vừa lên tiếng chào thì anh đã vui vẻ đáp lại và tỏ dấu sám hối ăn năn thật lòng. Anh đã xin chịu các bí tích cần thiết và sau nửa ngày thì anh ta qua đời cách bình an.

 

home Mục lục Lưu trữ