Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 49
Tổng truy cập: 1355024
Vào Lúc Anh Em Không Ngờ
Cập nhật : 26-11-2010 |
Vào Lúc Anh Em Không Ngờ (Mt 27,37 - 44) Giuse Nguyễn Cao Luật, OP Kết thúc và khởi đầu Phần phụng vụ Lời Chúa của ngày Chúa Nhật hôm nay trích một đoạn thuộc phần cuối Tin Mừng thánh Mat-thêu để khởi đầu cho một năm phụng vụ mới. Thực ra, đầu và cuối cũng đều quy về mầu nhiệm Đức Giêsu. Không phải chỉ ngày hôm nay mà thôi, nhưng cách chung trong Tin Mừng, tất cả mọi kết thúc đều là một khởi đầu. Kết thúc của một điểm này nhưng là khởi đầu của một điểm khác. Kết thúc của một giai đoạn này, nhưng lại mở ra một giai đoạn khác. Cái chết của Đức Kitô là điểm kết thúc cuộc đời của Người trên trần gian, nhưng đó cũng là cửa ngõ mở ra một thế giới mới, là bình minh của những ngày lễ Noel mới. Có những điểm khởi đầu bất chợt, âm thầm, không ai hay biết : có thể do không quan tâm để ý, có thể không hiểu ý nghĩa. Xưa kia, khi ông Nô-ê đóng con tàu, thiên hạ vẫn ăn uống vui chơi, có người còn chế giễu ông làm chuyện điên rồ. Ông đã khởi đầu cho một giai đoạn mới, nhưng thiên hạ không nhận ra, họ không thấy điểm kết thúc đang đến. Khi ông và cả gia đình vào sống trong tàu, thiên hạ cũng chẳng để ý. Chỉ khi nước ập đến, họ mới hiểu việc ông làm. Trong câu chuyện về ông Nô-ê, có những chu kỳ vẫn hoạt động đều đặn : - chu kỳ đời sống : ăn uống, cưới vợ lấy chồng - chu kỳ kinh tế : ruộng đồng, cối xay bột - chu kỳ “sở hữu” : ông chủ và ngôi nhà, của cải… “Thiên hạ không hay biết gì”, vì ba hệ thống này vận hành quá tốt đẹp. Đó là những sinh hoạt thường xuyên của đời sống con người. Đó là những điều, tự nó không phải là cái gì xấu xa. Trái lại, đó là những thực tại mà ở thời nào cũng có, lúc nào cũng vậy. Những sinh hoạt đó quá bình thường, bình thường đến nỗi chẳng có ai hiểu rằng, tự nó, sự vận hành này đã là một kết thúc. Và bất thình lình, nạn Hồng Thủy xảy đến. Một biến cố ghê gớm ập xuống. Biến cố này phá vỡ những thói quen, nhận chìm mỏi của cải, cuốn phăng mọi thứ. Biến cố này tạo nên một thứ khủng hoảng, buộc con người phải suy nghĩ lại về tương lai của mình, bắt họ phải nhìn lại điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc của cuộc đời. Những cặp mắt rộng mở Trong câu chuyện, Đức Giêsu không có ý phiền trách con người về những điều xấu xa. Người chỉ muốn cảnh giác họ. Thực ra, họ vẫn sống những điều bình thường của mọi người, của mọi thời… thế nhưng, sự quan tâm đến những nhu cầu bình thường ấy đã làm họ xao lãng điều thiết yếu. Họ không có được nhận định đúng đắn về cuộc đời, về thực tại. Họ có cảm tưởng như những điều đang xảy ra, những sinh hoạt của họ là những điều vĩnh cửu, và cuộc sống đang diễn ra trước mắt là tất cả ý nghĩa thực sự của con người. Vì thế, họ không muốn đi xa hơn, không muốn khám phá những thực tại ẩn dấu phía sau những sinh hoạt hữu hình. Họ không biết rằng thực tại ẩn dấu đàng sau những chu kỳ mới là điều thiết yếu. Thực tại ẩn dấu đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa, là ơn cứu độ, là cùng đích của đời người. Đó là một thực tại thâm sâu và thiêng liêng, một thực tại âm thầm nhưng sống động. Chỉ người nào tỉnh thức, chỉ người nào nhạy bén mới nhận ra được. Nói theo Tin Mừng, thực tại ấy không thể được nhận ra bằng cặp mắt thường, phải có cặp mắt rộng mở, cặp mắt của lòng tin. Như thế, quan tâm tới thực tại ẩn dấu, nghĩa là quan tâm tới điều chính yếu hơn là điều phụ thuộc, để ý đến điều vĩnh cửu hơn là điều mau qua, chú trọng đến điều đang tới hơn là điều đang qua đi. Thực tại đó, theo quan niệm Kitô giáo, là chính Thiên Chúa đang đến với con người, đến trong con người để giải thoát, để cứu độ họ ; và ngược lại, con người đang đến với Thiên Chúa, đang đến gặp Người. Tuy vậy, phải nói thêm rằng, đây không phải là vấn đề thời gian khi nào thực tại đó xảy đến, nhưng là vấn đề nội dung, là thái độ, là chiều hướng mà thực tại đó đem lại cho đời sống, bởi vì thực tại đó đã đến rồi : Thiên Chúa đang đến và không ngừng đến. Người Kitô hữu không tỉnh thức để chờ đợi một biến cố sẽ xảy ra trong tương lai, cũng không phải là đón chờ một ngày lễ sắp đến, nhưng là đối diện với một thực tại đang có, thực tại của ngày hôm nay, ở đây và lúc này. Do đó, người kitô hữu không chỉ mở rộng đôi mắt để hướng về tương lai xa xăm, nhưng thiết yếu và chính xác hơn, là nhìn rõ những điều đang xảy ra, khám phá những huyền nhiệm ẩn dấu bên trong để có thái độ, cách hành động xứng hợp. Ngay trong nhịp sống bình thường Có nhiều lúc, con người có khuynh hướng chỉ nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ đến vào ngày thế mạt, hay gần hơn, là trong cái chết của mỗi người. Thực ra, Đức Giêsu nói cho họ biết rằng Thiên Chúa chính thức đến thăm, đến gặp gỡ, đến cứu họ ngay giữa những sinh hoạt bình thường, bận rộn nhất. Thiên Chúa vẫn đến với con người tại nơi họ làm việc, ngay trong nhà họ ở, cả khi họ ăn uống, ngủ nghỉ… và trong những mỗi tương giao rất riêng tư của họ, giữa con người với con người. Bởi thế, nếu là người kitô hữu đích thực, Người ta sẽ phải chờ đón Thiên Chúa tại những ngõ rẽ của cuộc đời, phải gặp gỡ Người ngay trong những sinh hoạt của đời thường. Họ phải đón tiếp Người, phải sống với người giữa những đổi thay, và trong cả cái đơn điệu của nhịp sống. (Một khi nhận ra sự hiện diện sống động của Thiên Chúa, sự đơn điệu ấy vẫn có ý nghĩa và chẳng còn là… đơn điệu !). Thiên Chúa đang đến trong mỗi giây phút của cuộc đời. Điều này giúp con người tránh khỏi sự chờ đợi của việc Chúa đến vào ngày mai, tháng sau, vào lễ Giáng Sinh… Thực tại ấy đã bao phủ cả con người, cả cuộc đời của họ rồi. Phải nói thêm rằng, thực tại ấy quá âm thầm, quá đơn giản, quá thường xuyên và vì vậy, làm cho con người ngỡ ngàng. Người ta thường chờ đón những biến cố lớn lao, rầm rộ, nhưng khi biến cố ấy xảy ra cách bình thường, người ta lại không nhận ra, và nếu có nhận ra, họ lấy làm ngạc nhiên : sao lại có thể như thế ? Vậy mà Thiên Chúa của chúng ta như thế đó, Người đến như vậy đó. Khi nhắc lại chuyện ông Nôê và nạn Hồng Thủy, Đức Giêsu không có ý đe dọa, cũng không muốn gây sợ hãi. Người báo trước để nhắc nhở con người phải tỉnh thức, phải ở trong tư thế sẵn sàng để đón chờ, và nhất là phải can đảm để hoạt động. Chờ đợi điều bất ngờ Mùa Vọng, Lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta về việc Chúa đến, về thực tại thiêng liêng, về những điều bất ngờ. Thay vì nhìn vào khía cạnh tiêu cực của biến cố, chúng ta phải khai thác khía cạnh tích cực. Không chỉ coi nạn Hồng Thủy như một đại họa, nhưng phải nhìn nhận đây là hành vi cứu độ. Qua biến cố này, Thiên Chúa cứu vớt con người, ký kết một giao ước mới, và từ đó làm phát sinh một nhân loại mới. Biến cố bất ngờ ấy là cuộc đăng quang của một cái gì mới, để đạt tới một cái gì cao hơn, đẹp hơn, sâu xa hơn. Giao ước với Nô-ê củng cố những giao ước trước kia, cho con người nhìn thấy rõ hơn sự can thiệp của Thiên Chúa vào trong lịch sử và con người tham dự sâu xa vào chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến mở ra kỷ nguyên vĩnh cửu, mở ra những tương giao mới, tương giao của tình yêu. Như thế, Lễ Giáng sinh là một cuộc sáng tạo mới và ngược lại, mỗi khi con người được tái tạo, là một lần Giáng Sinh. Và Mùa Vọng là chờ đợi điều bất ngờ, chờ đợi ngay trong giây phút này, ngay ngày hôm nay, chờ đợi nơi những điều bình thường nhất, chờ đợi những kết thúc và những khởi đầu… Hướng đến cuộc Giáng Sinh nội tâm Mt 24,37-44 Fr. Jude Siciliano, OP Thưa quý vị. Từ nhiều năm nay, mỗi khi Mùa Vọng tới là tôi lại cảm thấy ân hận. Ân hận vì người ta đã làm mất ý nghĩa của Mùa này, Mùa mong đợi. Mới đầu Mùa Vọng người ta đã đua nhau thắp đèn Giáng Sinh, bầy hang đá, bán hàng lưu niệm, quà biếu xén, đồ chơi cổ truyền từ thời Victoria. Các gia đình đã lên chương trình thăm bạn bè, họ hàng xa gần. Mới đầu Mùa Vọng người ta đã bàn tính nghỉ Giáng Sinh, dẹp bỏ bớt hận thù, hiềm khích, những phức tạp của cuộc đời bon chen. Mới đầu Mùa Vọng người ta đã bàn tán hoài cổ, nhớ nhung quá khứ, dự kiến tương lai, những cuộc vui chơi của các ngày nghỉ sắp tới … Hồi ấy Mùa Vọng có đâu như bây giờ … Mùa Vọng tràn đầy những hình ảnh động đất, đói khát, ôn dịch, điềm lạ trăng sao, mặt trời múa nhảy báo trước những tai hoạ khủng khiếp, thiên hạ lo sợ … tuỳ vào các bài đọc sách thánh theo chu kỳ hàng năm. Ðó mới là Mùa Vọng. Dĩ nhiên năm nay, mọi sự đều đã xảy ra khác. Hàng ngày tôi mở Radio, TV đều phải ngạc nhiên tự hỏi : "Thế giới ra sao rồi đây ? Ðiều chi xảy ra kế tiếp ?" Các bài đọc Mùa Vọng thực sự đang xảy ra trên trái đất mà TV, Radio trình chiếu trước mắt mọi người. Hàng triệu người đang chạy trốn các cuộc chiến tranh. Ðói khát, bệnh tật đang đe doạ nhiều vùng trên thế giới, nhất là ở Afganistan, từng triệu tấn bom tàn phá các toà nhà kiên cố nhất, hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng có khủng bố, tội ác. Như vậy liệu chúng ta có xứng đáng nghỉ lễ Mùa Giáng Sinh này ? Xứng đáng vui chơi đùa giỡn trên những đau khổ của đồng loại ? Liệu những lời loan báo của Kinh thánh có đủ để chúng ta cảnh giác chăng ? Tôi thiết nghĩ là quá đủ, chẳng cần thêm đau thương và sợ hãi để nghĩ đến ngày Chúa đến! Tác giả Fred Craddock đã viết rằng Mùa Vọng đến để chúng ta có cơ hội cùng nhau thốt lên lời than vãn. Than vãn vì những mong đợi chưa đến, than vãn với tất cả tạo vật đang rên siết vì sẽ bị huỷ hoại. Thực ra chúng ta đã kinh nghiệm huỷ hoại ngay chính ngày hôm nay, trên mặt địa cầu này. Tan rã đang từng giây, từng phút gậm nhấm muôn loài, muôn vật. Ðặc biệt trong Mùa Vọng này chúng ta cần phải kêu to hơn nữa lời than vãn bởi vì chúng ta được chứng kiến tận mắt lòng thù hận đang trào dâng tàn phá nhân loại, nhiều người phải chết mà không rõ lý do. Họ đang làm việc, đang uống cà phê, đang lo toan công việc làm ăn, tai hoạ thình lình ập tới cướp mất sinh mạng mà không kịp nhắn nhủ người thân lấy một lời. Chúng ta cần phải than vãn bởi vì công lý vĩnh cửu của chúng ta mà hàng trăm ngàn kẻ vô tội phải trả giá bằng sinh mạng, hàng triệu người khác phải chịu đói khát, rét mướt trong Mùa Ðông sắp tới. Chúa Thánh Thần không những lắng ta nghe những lời than vãn của chúng ta trong Mùa Vọng này, mà còn như thánh Phaolô nói (Rm 8) liên kết chúng ta, cảnh giác chúng ta về những đau khổ anh chị em chúng ta đang phải chịu đựng trên khắp mặt đất. Chúng ta chẳng cần phải tăng cường lời cảnh cáo Mùa Vọng về những tai hoạ bất ưng sắp xảy đến. Chúng ta đã bị hàng ngàn biến cố đột xuất đè bẹp. Chúng ta chẳng cần đại hồng thuỷ No-e nhận chìm và cuốn trôi loài người không sẵn sàng. Chúng ta cần bây giờ là Thiên Chúa lại đến để hoàn tất những gì chưa được hoàn thành trên thế giới. Công bình và bác ái, ơn thánh và thương yêu, hy sinh và cầu nguyện, … Thế giới này đã quá mệt mỏi và tan nát và chúng ta, các tín hữu, chẳng có được mấy phương tiện để giúp đỡ, vực dậy, và tiếp tế sinh lực cho nó. Chúng ta khao khát một triều đại bình an, thịnh vượng như lời các Ngôn sứ mô tả trong Thánh kinh. Nhưng thực tế, chỉ có một thế giới chia năm, xẻ bảy đầy hận thù và tối tăm. Vậy chúng ta đón Chúa trở lại ở nơi nào ? Trốn khỏi đây để đi tìm một thế giới khác ? Ðiều đó chẳng có thực tế chút nào ! Nếu chúng ta tin vào Kinh thánh, thì hãy ở lại đây, trên trái đất này còn ăn còn uống, còn cày ruộng, thu gặt mùa màng, dựng vợ gả chồng, nhưng trong một thể thức khác, lành thánh hơn để đón Chúa đến. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã đặt chương trình cho các tín hữu Roma : "Vậy anh em hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ, ghen tương" (Rm 13,12). Ðời xem ra vẫn bình lặng trôi qua, nhưng dưới hết mọi sự Chúa đang mở lối vào thế gian. Chúng ta phải "tỉnh thức" để chờ đợi Ngài. Mùa Vọng là cơ hội để thức tỉnh mọi người về biến cố đó. Ngài đến để chỉnh đốn mọi sự theo thánh ý Thiên Chúa. Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô và thấy chúng là "tốt". Nhưng tội lỗi đã làm chúng nên xấu xa, mờ tối. Chúa đang đến, điều đó là chắc chắn. Chúng ta đừng mê ngủ, cũng đừng lừa dối mình. Mùa Vọng là mùa mong đợi, nhưng không phải là ngồi không, mà là tỉnh thức thi hành những nhiệm vụ quan trọng trước khi Ngài đến. Hơn lúc nào hết, hoà bình đang cần bàn tay kiến tạo của nhân loại thiện tâm thiện chí, của mỗi người chúng ta. Xin hãy lợi dụng hết mọi cơ hội, mọi thời gian để kiến tạo công lý và hoà bình trong viễn cảnh Chúa đang trở lại thế gian. Nếu không có hy vọng Ngài trở lại, nhân loại sẽ thất vọng biết bao ! và tiếng than vãn của chúng ta sẽ vô cùng, vô tận hoặc là tiếng kêu kinh hoàng của ngày huỷ diệt vũ trụ ! Dựa vào bằng chứng nào mà bảo Chúa đang đến ? Tôi chẳng thể trả lời được câu hỏi đó. Nhưng tôi không hy vọng hão huyền. Tôi vẫn tin tưởng vào Ngài đang làm việc với các môn đệ tỉnh thức để kiến tạo Nước Trời và Ngài tuyên bố Nước Trời đang ở giữa chúng ta. "Không biết" đó là đặc tính của bài Tin Mừng hôm nay. Thời No-e người ta "không biết" và người ta đã bị biến cố đại hồng thuỷ "bắt chợt". Chúa Giêsu khuyên nhủ các Tông đồ "hãy tỉnh thức" vì các ông không thể biết "ngày nào, giờ nào" Chúa sẽ đến. Người chủ nhà trong dụ ngôn hôm nay cũng "không biết" lúc nào kẻ trộm đến. Chúng ta cũng chẳng thể biết khi nào "Con Người" sẽ đến. Hai ngàn năm đã trôi qua nhân loại vẫn chưa được chứng kiến biến cố Ngài quang lâm. Khi thánh Mat-tê-o viết Phúc Âm cho giáo đoàn Do thái tiên khởi, Ngài cũng cảm thấy mong đợi của giáo đoàn đã mòn mỏi. Họ đã mong chờ quá lâu các dấu hiệu ở trên trời rằng Chúa Giêsu đang trở lại. Nhưng chẳng thấy dấu hiệu nào cả ! Ngài đề cập đến sự chậm trễ này bằng cách khuyên nhủ giáo đoàn nhìn kỹ hơn vào việc Chúa thường trở lại trong cuộc đời mỗi người. Dụ ngôn "ông đạo chích" lọt vào nhà bày tỏ tư tưởng đó. Ông "đạo chích" Giêsu cũng thường lọt vào linh hồn chúng ta bất chấp mọi cảnh giác. Thời nay nhà cửa vẫn thường được gài chuông báo động điện tử tối tân, nhưng báo chí vẫn loan tin trộm cướp gia tăng với tốc độ chóng mặt. Ðạo chích có mánh lới riêng của họ mà không ai ngờ trước được. Chúa Giêsu cũng có "tài" của Ngài lẻn vào hết mọi ngõ ngách của cuộc đời nhân loại, không ai ngăn cản được. Vậy thì "tỉnh thức" là yếu tố căn bản của cuộc đời tín hữu, nhất là trong "Mùa Vọng" này. Xin ngợi khen Thiên Chúa về ông "Tướng trộm" Giêsu. Ông quá khôn ngoan và khéo léo. Ông có thể xâm nhập mọi con tim mà không cần mở khoá. Ông vào đó hoạt động, mang ơn hối cải và hạnh phúc cho mọi tâm hồn. Có lẽ Mùa Vọng là thời gian thuận tiện để chúng ta tắt hết các máy báo động. Sự thật sẽ được rao giảng, chúng ta cần Ngài đến, lẻn qua các hàng rào canh chừng, phá huỷ mọi ảo tưởng, ảo giác, lườn khươn của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phản kháng, dựng nên những vỏ bọc, thành trì vững chắc hơn, hứa hẹn thay đổi trong ngày mai. Nhưng ông "Tướng" đó chẳng chịu nghe. Ông ương gàn đòi hỏi đáp ứng ngay tức thời ở chính hoàn cảnh chúng ta đang sống (Hic et nunc). Nếu chúng ta "thức tỉnh" chúng ta sẽ tìm cách thoả hiệp với ông về một vài đường lối nào đó để đầu hàng, như quân Taliban đầu hàng Liên Minh Miền Bắc ở Kunduz. Một trong các đường lối "đầu hàng" mà Mùa Vọng này gợi lên là danh từ rất hấp dẫn "quà". Không phải quà cho người khác mà quà của Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta. Catherine Gunsalus Gonzalez lưu ý rằng chúng ta đang ở Mùa nhận quà của Thiên Chúa. Nhận quà của Thiên Chúa là ý thức tất cả chúng ta, trẻ, già, trai, gái, đàn ông, đàn bà, da trắng, da đen đều phải lệ thuộc vào một nhu cầu căn bản, tối hệ trọng tức ơn cứu độ. Ðừng để cho những quà cáp Giáng Sinh làm lu mờ món quà quý giá này, nhưng hãy tăng cường nó bằng tâm tình "chờ đợi" của Mùa Vọng. Clyde Crews đề nghị Mùa Vọng là thời gian sửa soạn cho cuộc giáng sinh thứ hai của mỗi tâm hồn. Giáng sinh nội tâm. Ðể đạt được trạng thái này chúng ta phải trả giá bằng cầu nguyện, ăn chay, bố thí, lắng nghe lời Chúa, hy sinh, … Thay đổi cuộc đời không có nghĩa là tưởng tượng mà là hành động thực tế để nó có thể mời gọi tha nhân nhận ra Chúa Giêsu đang đến. Amen Chuẩn Bị Tâm Hồn Phanxicô đờ Xan Lê Văn La Vinh, O.P Bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội bước vào một năm phụng vụ mới : năm Phụng vụ 2004-2005. Và năm Phụng vụ mới này được bắt đầu bằng ngày chúa nhật hôm nay : Chúa nhật I Mùa Vọng. Mùa Vọng có nghĩa là mùa chờ đợi, mùa dọn lòng, mùa chuẩn bị đón biến cố Chúa Kitô giáng sinh. Và khi sống trong tâm tình chờ đợi này, điều cần thiết cho mỗi người tín hữu chúng ta là phải có sự chuẩn bị, phải biết chuẩn bị tinh thần ; và điều này thánh Mát-thêu trong bài Tin Mừng hôm nay đã nói rõ cho chúng ta thấy được sự cần thiết và cấp bách phải có khi đang sống trong sự chờ đợi này. Mỗi người chúng ta khi sống trong cuộc đời này ai cũng có việc phải lo, ai cũng có trách nhiệm phải làm ; và khi chúng ta lo lắng và thực hiện chu toàn những công việc ấy thì thật là điều đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng có một điều là đừng để những lo toan, những công việc trần thế đó lấn lướt, hay làm quên đi bổn phận chuẩn bị và lo lắng cho cuộc sống tâm hồn. Những người dân xưa kia họ cũng chỉ làm những việc bình thường thôi : “lấy vợ, gả chồng và ăn uống” nhưng họ quên mất đi phần tâm linh, quên đi đời sống của linh hồn! Nơi hai người đàn ông làm ruộng hay hai người đàn bà xay bột cũng thế, họ vẫn đang làm bổn phận của mình đấy thôi. Thế nhưng , một ngươi được đem đi vì người đó biết và có chuẩn bị tâm hồn, còn ngươi kia thì bị để lại… Những điều vừa trình bày trên đây cho chúng ta một kết luận quan trọng đó là phải luôn có thái độ sẵn sàng, phải luôn biết tỉnh thức để đón Chúa, để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Mở đầu cho Mùa vọng, chúng ta không phải chỉ dọn lòng chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh ; nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải biết chuẩn bị tâm hồn mình để đón chờ ngày Chúa Tái Quang lâm vinh hiển để đón chúng ta. Sống trong tâm tình mùa Vọng cũng là dịp nhắc nhớ mỗi người chúng ta phải luôn biết thức tỉnh, sẵn sàng. Mọi người ai ai cũng phải hoàn thành những công việc, những bổn phận trần thế Chúa trao ; nhưng không vì đó mà lơ là, quên đi việc chuẩn bị cho cuộc sống Nước Trời mai sau. |
Nguồn : gxnl |
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam