Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 119

Tổng truy cập: 1349977

Vì không biết nghe

VÌ KHÔNG BIẾT NGHE

Loài vật vốn có tình bầy đàn. Con người thì có tính xã hội. Con người là hữu thể trong tương quan liên vị. Tôi chỉ thực sự là tôi trong tương quan với một ai đó. Chính vì thế sự tương quan liên vị là một nhu cầu sinh tồn của con người. Sự tương quan này được thể hiện rõ nét qua sự tiếp xúc. Một trong những cách thế để tiếp xúc hữu hiệu với tha nhân là đối thoại tức là nghe và nói. Thật bất hạnh cho những ai thiếu hay mất khả năng nói và nghe. Thoạt sinh ra mà bị câm điếc thì đúng là kém may mắn. Dân gian truyền miệng rằng hễ một người câm, không nói được thì trời cho điếc luôn để khỏi uất ức, tức tối khi nghe những lời không hay về mình mà không phản bác lại được. Thế nhưng, y học thì cho thấy ngược lại : chính vì bị điếc, không nghe được nên người ta mới bị câm. Vì không nghe được nên con người không thể tập nói. Trẻ thơ nói được là nhờ bắt chước, lặp lại những gì đã nghe.

Bài Tin mừng Chúa Nhật XXIII TN B kể lại chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm điếc mà dịch chính xác hơn là điếc và ngọng. Đây là một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai mà Thánh kinh đã loan báo. Mất đi khả năng nghe và nói về thể lý là một khốn khổ và bất hạnh. Thế nhưng sự bất hạnh và khốn khổ ấy dường như chỉ hạn hẹp ở đương sự và có chăng là nơi vài người thân thích. Tuy nhiên nếu xét về bệnh điếc, câm hay ngọng về tinh thần thì sự khốn khổ và bất hạnh nó di hại cho nhiều người và hậu quả cũng thật khó khắc phục. Dù thuộc bình diện thể lý hay bình diện tinh thần, thì luôn có mối liên hệ gần như là nhân quả giữa hai phạm trù nghe và nói. Đó là do bởi sự bất lực hay hạn chế trong khả năng nghe ( không nghe được, không chịu nghe, nghe không rõ, không đúng, không chính xác ), nên người ta mắc bệnh câm hay ngọng là không nói được, nói không rõ, không chính xác hay nói không được những điều cần nói, nên nói và phải nói, hoặc có nói thì cũng như không.

Chúa Giêsu chỉ im lặng trước Caipha và trước Philatô sau khi đã nói những gì cần nói và phải nói : Tôi là Con Thiên Chúa Hằng Sống; Tôi là Vua, đến thế gian để làm chứng cho sự thật…( x.Mt 26,64; Ga 18,37 ). Ngay phút giây hấp hối trên thập giá Người vẫn nói lời tình yêu, lời chân lý cho đến khi “mọi sự đã hoàn tất”. Chúng ta cũng không chỉ bực mình mà còn phẫn nộ truớc những người thường xuyên nói với kiểu “nói ngọng, nói vẹt”, tức là nói không đúng hiện thực hay chỉ biết nói những gì được chỉ đạo, được lập trình sẵn… Có thể có nhiều nguyên nhân chủ quan hay khách quan gây ra tình trạng này. Tuy nhiên ở đây chúng ta cùng xem xét một nguyên nhân đó là không biết nghe.

Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế, tuy nhiên cách thế thông thường mà Người phán dạy chúng ta là qua con người. Đọc lịch sử thánh chúng ta nhận ra điều này là không kể các kỳ công của cuộc tạo dựng và một số dấu lạ điềm thiêng, thì Thiên Chúa thường phán dạy qua những con người bé mọn, nghèo hèn, cụ thể là các ngôn sứ, những người nghèo của Giavê. Đến thời kỳ viên mãn Thiên Chúa lại phán dạy chúng ta qua Người Con. Đó là một người thợ mộc bình thường xuất thân từ Nagiaret, một xứ sở không có gì đáng nói, một gia cảnh không có gì đáng trọng vọng, như lời nhận định bộc trực của Nathanael với Philipphê ( x.Ga 1,46 ). Chúa Giêsu lại chọn gọi 12 người cộng tác để rao giảng Lời Thiên Chúa thì cũng là những người thấp cổ, bé phận. Thánh Giacôbê Tông đồ qua bài đọc thứ hai cảnh tỉnh ta về cái lề thói thích thiên tư, gần gủi với những người sang giàu. Đây là một trong những nguyên cớ khiến ta bị điếc về tâm linh. Rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo vẫn có nghe nhưng họ thường nghe lời từ những người có quyền có chức. Họ thường nghe nhân viên thuộc cấp báo cáo, nghe người cộng sự thân cận… mà những người này thì khó tránh được chước cám dỗ nói những gì thuận tai cấp trên, đẹp lòng lãnh đạo, thế là nhiều khi có nghe cũng như không nghe vì không nắm được thực chất của sự kiện hay vấn đề.  Một lẽ thường tình : người ta vốn thích nghe những gì dễ nghe.

Để khỏi bị điếc, tức là để nghe đúng, nghe chính xác thì không gì hơn là biết cúi xuống, gần dân, gần những người thấp cổ, bé phận, gần những người nghèo khổ lầm than. Lịch sử cho biết thỉnh thoảng có được một vài minh quân đã biết “vi hành” trong lớp vỏ một dân thường để “nghe-nhìn” cho chính xác hơn tình cảnh dân chúng mà mình đang cai trị. Ngày nay trong sinh hoạt các Hội Dòng vẫn có được chuyện tốt đẹp này khi các Bề trên theo định kỳ, đi kinh lý các cơ sở thuộc quyền và gặp gỡ riêng với từng thành viên của Hội Dòng. Dù mang kiếp “làm dâu trăm họ”, nhưng điều này không chuẩn chước cho việc mục tử phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chiên trong lẫn ngoài đàn. Đã là mục tử thì không thể không “biết” chiên. Và một trong những điều kiện ắt có để biết chiên là phải biết lắng nghe.

Vẫn có những người tuy nghe rõ, nghe đúng nhưng làm như không nghe, không hiểu. Có thể xem nhiều người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu thuộc hạng người này. Chính Chúa Giêsu đã từng lấy lời ngôn sứ Isaia để nhận định : “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy : vì lòng dân này đã ra chai đá ; chúng đã bịt tai, nhắm mắt…” ( Mt 13,14 ). Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hay nói kiểu nói ngọng, tức là nói không đúng với hiện thực khách quan, nhiều khi còn cố tình đổi trắng thay đen như trường hợp người ta vu khống Chúa Giêsu dùng tướng quỷ mà trừ quỷ ( x.Mc 3,20-30 ). Không chịu nghe hay không muốn nghe chính là  một tình trạng cố chấp và Chúa Giêsu đã từng lên án thái độ này là “chống lại Thánh Thần” ( x.Mt 12,32; Mc 3,29; Lc 12,10 ).

Chúa Giêsu đã từng minh nhiên khen ngợi sự khiêm nhu của vua quan và toàn dân thành Ninivê khi họ biết lắng nghe lời “tuyên họa” của Giona, để rồi ăn năn, sửa đổi đời sống ( x.Lc 11,32 ). Quả thật, để biết lắng nghe thì không nguyên chỉ tìm cách đến với đám đông dân chúng, vì ý của trời thường phản ánh qua ý của dân, mà chúng ta còn cần phải có một tâm hồn khiêm nhu, hướng thiện thực sự.

“Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con …” Lời kinh đầu ngày của các Giờ Kinh Phụng Vụ nhắc nhớ chúng ta chúng ta bổn phận ca ngợi Thiên Chúa. Thiết tưởng rằng lời ngợi ca đẹp lòng Thiên Chúa nhất là nói lời yêu thương trong sự thật và nói lời sự thật trong tình yêu thương. Và chắc hẳn chúng ta sẽ lại nghe lời của Đấng Cứu Độ : Ephrata ! Hãy mở ra ! Hãy mở tai, mở mắt, mở lòng để biết lắng nghe !

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

 

 

 

BÀI SUY NIỆM KHÁC

 

Khi có cơ hội tiếp xúc với những người câm điếc, chắc chắn mỗi người chúng ta, ai ai cũng phải thầm cảm ơn Chúa vì món quà ‘biết nói’ và ‘được nghe’ mà chúng ta nhận lãnh nhưng không – quý hóa là chừng nào. Không như chúng ta, những người câm điếc này phải sống một đời hoàn toàn bị cắt đứt ra khỏi thế giới âm thanh và không bao giờ cảm nghiệm được những cuộc đối thoại giữa bạn bè và giữa người thân, họ cũng chẳng có cảm giác gì về những tiếng reo họ hạnh phúc của trẻ con hoặc cái thú vị khi thưởng thức âm nhạc để thư giãn… Một cách nào đó, họ là những người kém may mắn và thật đáng thương; nhưng người trai trẻ câm điếc trong Phúc Âm hôm nay lại là người  may mắn nhất trên thế gian, vì anh được Chúa Giêsu mở miệng để ‘biết nói’ và mở tai để ‘được nghe’. Và kể từ nay, anh ta được hội nhập hoàn toàn vào lịch sử cũng như mọi sinh hoạt bình thường của cuộc sống làm người.

Trong thực tế, hầu như con người đã không nhìn thấy được giá trị thật cao quý của món quà quý báu này: ‘được nghe’ và ‘biết nói’. Nghe và nói là báu vật được Thiên Chúa tặng ban với mục đích thật cao quý, cao quý không chỉ với mục đích để loài người có thể đối thoại với nhau mà thôi, nhưng nghe và nói là phương tiện tuyệt hảo để chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và để nói Lời của Ngài cho mọi người chung quanh. Đây là mục đích vô cùng quan trọng mà chúng ta không thể coi thường và bỏ qua. Hãy nhớ rằng những gì chúng ta nghe từ Thiên Chúa và những gì chúng ta nói sẽ dẫn đến những gì chúng ta làm và từ đó sẽ biến chúng ta trở thành con người hôm nay.

 

 

Phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm hôm nay phải trở nên cơ hội cho mọi người tín hữu ý thức và biểu lộ sự quan tâm đến những người có thế cô thân đang sống bên lề xã hội, đặc biệt là những người câm điếc. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng bệnh câm điếc mà chúng ta bàn đến ở đây không phải là bệnh câm điếc được nói đến trong lịch sử của Israel vào thế kỷ thứ nhất, Chúa Giêsu muốn bao gồm sự ‘câm điếc’ của toàn thể nhân loại trong lịch sử hôm nay.

Tình trạng khốn khổ của người câm điếc trong Phúc Âm hôm nay là một biểu tượng mạnh mẽ nhất để nói lên sự câm điếc về tâm linh của loài người hôm nay – vì họ đã từ chối để lắng nghe những gì Chúa nói và không đem ra thực hành trong cuộc sống. Vì thế, hơn bao giờ hết, tất cả mọi người đều cần đến bàn tay huyền nhiệm của Đức Kitô đụng đến để chữa lành bệnh ‘câm điếc’ của họ, hầu có thể nghe và loan truyền Tin Mừng đến với mọi người và khắp mọi nơi. Chỉ có Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh ‘câm điếc thời đại’ của thế nhân mà thôi, vì thế mỗi chúng ta hãy sử dụng những khả năng này một cách triệt để, hầu đem lại lợi ích cho tất cả mọi người chung quanh; chẳng hạn lắng nghe những lời tâm sự của một kẻ cô đơn, một người đang đau khổ hoặc một kẻ khác đang lo lắng hoang mang!  Thử nhìn lại xem, đã có biết bao lần chúng ta có thể nói lên những lời cảm ơn đến những người chung quanh và bạn bè, khi họ giúp đỡ và khích lệ ủi an ta? Cũng đã có rất nhiều lần chúng ta cố giữ thái độ câm nín khi chúng ta phải bày tỏ lập trường và nói lên sự thật ? Ngoài ra, trong tình liên đới giữa vợ chồng – con cái – bè bạn và bà con lối xóm… chúng ta luôn ngại ngùng và cảm thấy thật khó để lắng nghe nhau, để cảm thông, chia sẻ và khích lệ, hầu mọi người có thể xích lại gần nhau hơn và thương mến nhau hơn? Có thể chúng ta không muốn nói và cũng chẳng muốn nghe vì vai trò và địa vị? Vì ghen tương hoặc quá tự hào?

Điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta không phải vì bẩm sinh mà chúng ta câm điếc, nhưng chúng ta có tai để nghe mà không chịu nghe và có miệng để nói nhưng không thèm nói! Vì thế, quan tâm và thương hại cho những người câm điếc bẩm sinh là điều rất tốt, nhưng có lẽ chúng ta hãy thương tâm đến chính mình vì chúng ta chính là những người câm điếc, chứ không phải một ai khác! Có lẽ chúng ta là những người cần được đem đến với Chúa Giêsu để Ngài chữa trị cái ‘bệnh câm điếc thời đại’ mà chúng ta đang mắc phải trong thế giới này… hầu chúng ta có thể mang tiếng nói đến những nơi thầm lặng, đem tình thương và sự hiểu biết đến những chỗ cô đơn và mang niềm hy vọng vào những nơi khủng hoảng - bi quan.

Lạy Chúa, xin hãy mở tai con, để con biết lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe tiếng nói của anh chị em đồng loại; đồng thời, xin Ngài mở miệng con, để con biết cao rao những lời ngợi khen và đối thoại chân thành với những người chung quanh.

Lm. Francis Trần Phươn

home Mục lục Lưu trữ