Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 39

Tổng truy cập: 1356457

VÌ MUÔN NGƯỜI

VÌ MUÔN NGƯỜI

 

Suy Niệm

Đại lễ Vượt qua gần đến. Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt qua lần cuối với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15). Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc. Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng. Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn: bánh không men, rượu, chiên và rau đắng. Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.

Bữa tiệc cuối là thánh lễ đầu tiên của Chúa. Vẫn bánh đó, vẫn rượu đó trên bàn tiệc. Nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ. Khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Ngài còn mời họ uống rượu và nói: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người.”

Như thế bánh rượu đã được bien đổi tận căn để trở thành Mình Máu Chúa. Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi thông hiệp vào cái chết sắp đến của Thầy.

Ngay hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ, và tấm thân Chúa bị nát tan. Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần, nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử.

Bữa tiệc ly chỉ diễn ra một lần, nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc ly, vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.

Mỗi thánh lễ là một tưởng nhớ hy tế thập giá. Cái chết cứu độ năm xưa, nay trở thành hiện tại để đem đến sự sống cho tín hữu thuộc mọi thời.

Rước lễ là gặp gỡ Đấng hy sinh chịu chết, là kết hợp với Đấng đã yêu đến cùng.

Ta được mời gọi sống như Đấng ta lãnh nhận, nghĩa là bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.

Ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín, khi ngày ngày rước lấy Đấng đã chết vì muôn người.

Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng, mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình, nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.

Nhiều khi có một khoảng cách quá xa giữa thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu.

Thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ, vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25, 35).

Mặt khác, càng say mê phục vụ con người, ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Đấng phục vụ.

Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ

Nhiều bạn trẻ dự lễ ngày Chúa Nhật chỉ vì sợ mắc tội. Họ chán xem lễ”. Theo ý bạn, những nguyên nhân nào đưa đến thái độ này? Có cách nào giải quyết không?

Rước lễ có thể trở thành một thói quen nhàm chán, vô nghĩa, nặng phần hình thức. Theo ý bạn, làm thế nào để việc rước Chúa thực sự đem lại lơi ích cho chúng ta?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con một tâm hồn theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh:

Một tâm hồn trong trắng, cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.

Một tâm hồn khiêm hạ tìm chiếm chỗ nhỏ bé, nhưng luôn luôn muốn bày tỏ một tình yêu lớn lao.

Một tâm hồn đơn sơ, không biết đến những phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại.

Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến.

Một tâm hồn nghèo khó, chỉ làm giàu cho mình nhờ chiếm được chính Chúa.

Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân, quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa, và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.

 

2.Dâng Lời Chúc Tụng Tạ Ơn

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Trong mùa dịch bệnh, không được đến nhà thờ,

không được tham dự Thánh lễ Chúa nhật và rước lễ,

người Công giáo thấy nhớ và thấy thiếu một điều quan trọng.

“Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy.”

Vị linh mục đọc lại những lời xưa Thầy Giêsu đã nói

khi Thầy cầm tấm bánh, cầm chén rượu, trao cho các môn đệ,

vào buổi tối trước khi Thầy bị bắt và đi vào cuộc Khổ Nạn.

“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Thầy truyền cho các môn đệ bây giờ và mai sau

làm lại những gì Thầy đã làm,

để tưởng nhớ đến Hy lễ của Thầy trên thập giá,

và làm cho Hy lễ ấy được trở nên hiện thực trên bàn thờ.

Chính vào lúc các nhà thờ phải đóng cửa vì dịch bệnh,

thế giới đau thương hôm nay lại cần Thánh Lễ biết bao.

Thế giới bệnh tật và chết chóc, sợ hãi và hỗn loạn,

được mời tham dự vào cuộc Khổ Nạn của Thầy,

ghép tất cả thánh giá của mình vào thánh giá của Chúa,

để chỉ có một Hy lễ duy nhất dâng lên Chúa Cha.

“Anh em hãy cầm lấy mà ăn. Anh em hãy uống chén này.”

Thầy Giêsu mời môn đệ ăn bánh và uống rượu trên bàn tiệc.

Thầy đã mời họ như thế trong những bữa ăn trước đây.

Bánh và rượu là thức ăn, thức uống căn bản của người Do-thái.

Ở đây bánh không men gợi nhớ đến bánh được làm vội vã

khi con cái Ítraen rời bỏ Ai-cập (Xh 12,39).

Rượu được coi là máu của trái nho (St 49,11; Đnl 32,14).

Nhưng tối nay, khi trao bánh và rượu cho họ, Thầy còn thêm:

“Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy” (Mt 26,26-27).

Như thế Thầy đã biến đổi những thực phẩm quen thuộc

thành chính con người Thầy.

Nhờ đó khi ăn tấm bánh, họ được nên một với Thầy.

Như đồ ăn trở thành thịt máu và sự sống của người ăn,

Thầy Giêsu cũng nói: “Tôi sống nhờ Cha thế nào,

thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà sống như vậy” (Ga 6,57).

Mỗi Thánh Lễ là một bữa tiệc do Chúa Giêsu khoản đãi.

Ngài mời chúng ta đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Dự lễ mà không rước lễ thì chưa trọn vẹn.

Chúng ta luôn cảm thấy mình bất xứng khi đưa tay ra

để đón lấy tấm bánh thánh đơn sơ, bé nhỏ,

vì chúng ta không hiểu nổi sự tự hạ của Đấng ngự trên cao.

Phải hết sức cẩn trọng khi lên rước Chúa (1 Cr 11,26-32),

nhưng cũng nên biết: đây là phương thuốc chữa lành,

và là sự bổ dưỡng cho người yếu đuối.

Trong bữa Tiệc Ly, trong khung cảnh mừng lễ Vượt Qua,

trên bàn tiệc có một tấm bánh lớn và một chén rượu.

Thầy Giêsu đã bẻ tấm bánh để trao cho mỗi người một phần.

Thầy cũng chuyển chén rượu cho từng môn đệ.

Tất cả các ông được ăn cùng một bánh,

và uống cùng một chén rượu mà Thầy sắp uống (Mc 10,38).

Như thế tất cả được hiệp thông với Mình và Máu Đức Kitô.

Chính khi hiệp thông với Đức Kitô

mà chúng ta được hiệp thông với nhau,

như thánh Phaolô viết: “Bởi vì chỉ có một Bánh,

và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy,

nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể (1 Cr 10,17).

Thánh Lễ không chỉ liên kết chúng ta với Đức Kitô,

mà còn liên kết chúng ta với nhau nhờ hiệp lễ.

Vì dịch bệnh, chúng ta không được dự Thánh Lễ Chúa Nhật,

chúng ta hiểu mình mất đi một sự nâng đỡ lớn lao.

Chúng ta cầu xin Chúa cho cơn dịch mau kết thúc,

để lại được cùng nhau tham dự bàn tiệc hy tế của Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Sau khi được dân chúng tung hô lúc vào thành Giêrusalem,

Chúa cũng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và Chúa đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều

vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường

những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời Chúa,

con người không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần của Nước Trời.

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng

như ông nhà giàu xây thêm kho.

Nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng,

Xin cho chúng con hiểu được giá trị của một ly nước được trao đi,

một tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn,

và chút vụn bánh rơi xuống từ bàn ăn đủ nuôi một người.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là người đói khát vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ tha nhân.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.

 

3.“Này là Máu Ta”

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Đó là hình ảnh cuộc hiến mình của Đức Kitô trên thập giá. Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu thế giới khi Người cầm chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”. Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những ý nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu ước.

Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt Qua. Để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, nhà nao có máu chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát. Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua. Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thanh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.

Máu giao ước được diễn tả qua nghi lễ ông Môsê cử hành dưới chân núi Sinai. Bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại: “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Israel tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nưa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Môsê lấy mau rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Đó là giao ước cũ hay là Cựu ước.

Tại Việt Nam cũng như tại các nước Á Đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Đức Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Đức Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên Chúa và trở nên anh em ruột thịt với nhau. Đó là máu giao ước.

Máu để tha tội được dùng nhiều trong Cựu ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên Chúa. Thày cả lấy mau con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta.

Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Đức Kitô.

Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ đã được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau đã được Người giao hòa thành một gia đình thương yêu thuan hòa, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch mọi vết nhơ.

Chúng ta được ân phúc dường ấy là nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem lại sự sống đen đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại.

KIỂM ĐIEM ĐỜI SỐNG

1) Bạn có tham dự Thánh lễ và chịu lễ sốt sắng không?

2) Mỗi khi chịu lễ, bạn có cảm nghiệm được Đức Giêsu ngự trong bạn không?

3) Yêu mến Chúa trong phép Thánh Thể, bạn có muốn nên giống Người, biết hiến thân phục vụ đồng loại không?

4) Trong Kinh Thánh, máu có những ý nghĩa nào?

 

4.Tấm bánh tình yêu

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị. Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.

Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách song Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mon, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?

2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?

3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?

home Mục lục Lưu trữ