Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 60
Tổng truy cập: 1359491
VÌ XƯA TA ĐÓI
VÌ XƯA TA ĐÓI
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Têrêsa Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ. Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương, mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.
Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau. Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.
"Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa."
Đoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay, vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua, có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển. Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân, tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh. Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.
Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài, mà họ không hề hay biết.
Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc. Ngài ở trong những người cùng khốn.
Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.
Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người, qua những người hèn kém đáng thương nhất. Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.
Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.
Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi. Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích. Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.
Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích, nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.
Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta như vị vua giả trang làm người hành khất.
Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.
"Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu."
Tội lớn nhất là tội thiếu sót: không làm điều phải làm.
Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài. Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương, những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ, những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê, những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.
Phải làm một việc gì đó cụ thể để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.
Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ, vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thế giới hôm nay còn nhiều bất công và đau khổ do con người gây ra cho nhau. Bạn thử nghĩ, với khả năng của mình, bạn làm được điều gì để người chung quanh hạnh phúc?
Thấy Chúa Giêsu nơi những người đói nghèo, rách rưới, vô gia cư nghề nghiệp, thậm chí đã có lần phạm pháp, bạn nghĩ điều đó có khó không? Làm sao tôi có thể đối xử với họ như với Chúa?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, nếu Chúa là vua của hơn tám trăn ngàn nữ tu, nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo, thì thế giới này sẽ đổi khác, Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên, thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm về sự dữ trên địa cầu: có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền lòng chúng con, và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo chịu để Chúa chi phối đởi mình và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.
2.Làm cho chính Ta vậy
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Một số vị vua thời xưa, vì muốn biết đời sống thực tế của dân
nên đã vi hành, nghĩa là cải trang làm thường dân,
bí mật ra khỏi cung vua, không cho ai biết.
Vua cố tình che giấu thân phận thật sự của mình,
vì muốn mắt thấy tai nghe những gì đang diễn ra trong nước,
nhờ đó vua biết được dân tình, và lãnh đạo sao cho hợp ý dân.
Vi hành thường là hành vi của một vị minh quân.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta hình ảnh một vị vua.
Đây không phải là một vị vua trần thế,
mà là Vua Giêsu trong ngày Ngài trở lại
ngự trên ngai vinh hiển, bừng tỏa ánh vinh quang,
có tất cả thiên sứ của Ngài theo sau hầu cận.
Muôn dân thiên hạ đông vô kể được tập hợp trước nhan Ngài.
Vua Giêsu sẽ là Đấng tuyên bố về số phận đời đời của họ.
Ngài tách biệt mọi người thành hai nhóm, đứng hai bên tả hữu.
Nhóm bên hữu được gọi là “những kẻ được Cha Ta chúc phúc.”
Nhóm này được mời đến thừa hưởng Nước Trời.
Còn nhóm bên tả là “những kẻ bị nguyền rủa.”
Họ sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp với Satan.
Bởi đâu có sự khác biệt kinh khủng này nơi hai nhóm?
Vua Giêsu lấy tiêu chuẩn nào để phân loại đôi bên?
Biết được tiêu chuẩn này, chúng ta hy vọng được ơn cứu độ.
Có sáu việc bác ái được Vua Giêsu kể tới bốn lần:
Cho người đói ăn, người khát uống, người trần trụi áo che thân,
tiếp khách lỡ đường, thăm nom bệnh nhân, đến với tù nhân.
Một người được thưởng hay bị luận phạt
tùy theo người ấy làm hay không làm những việc ấy cho tha nhân.
Tha nhân ở đây là những kẻ thiếu thốn cả hồn lẫn xác.
Họ không chỉ cần cơm áo mà còn cần một mái nhà,
cần được an ủi, đỡ nâng, cần được lắng nghe, thăm hỏi.
Bất cứ ai dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình,
đối xử với người khác như một phần của chính mình,
người ấy đã giữ được điều răn thứ hai mà Đức Giêsu nói đến.
Nhưng nét độc đáo và lý thú của bài Tin Mừng hôm nay
lại nằm ở chỗ Đức Giêsu đưa ra một khẳng định bất ngờ.
Đó là: những kẻ đói khát, rách rưới, vô gia cư, yếu đau,
thậm chí cả những kẻ bị giam cầm tù tội,
đều là hiện thân của chính Ngài, là sự hiện diện của Ngài.
Ai giúp họ là giúp Ngài, ai từ chối họ là từ chối Ngài.
Mà ai từ chối Ngài sẽ bị Cha Ngài không nhận vào Vương quốc.
Chúng ta thường quen với hình ảnh một Thiên Chúa oai phong,
một Thiên Chúa giàu sang, luôn là Đấng ban phát dư dật.
Chúng ta không quen với hình ảnh một Thiên Chúa ngửa tay xin,
Một Thiên Chúa xấu xí vì túng nghèo, vì bệnh tật, vì vấp váp.
Vua Giêsu nhận mình chính là đấng Emmanuel lạ lùng.
Ngài chẳng những ở với chúng ta,
mà còn ở nơi những anh chị em bất hạnh, thiếu may mắn.
Như thế Ngài vẫn ở quanh ta, ở gần ta đến nỗi ta có thế chạm được.
Lúc nào ta cũng có thể tiếp xúc với Ngài: nuôi sống Ngài qua ngày,
cho Ngài trú ngụ trong nhà mình, thăm ngài ở nhà tù, nhà thương.
Ngài không chỉ là Đấng ban ơn trong nhà thờ,
mà còn là Đấng đang xin ta trợ giúp ngoài nhà thờ.
Vào ngày tận thế, hy vọng chúng ta không bị sững sờ mà nói:
“Lạy Chúa, có bao giờ con thấy Chúa đói khát, lỡ đường, bệnh tật…”
Vua Giêsu quyền năng đã đồng hóa mình với những người yếu,
mà Ngài gọi là “những anh em bé mọn nhất này của Ta đây.”
Ngài không vi hành, giả trang thường dân như các vị vua ngày xưa.
vì Ngài hiện diện thật sự nơi từng người bị xã hội coi thường.
Chúng ta phải có khả năng thấy được sự hiện diện khó nghèo ấy.
Chúng ta sẽ bị xét xử không phải vì đã làm điều xấu xa,
Nhưng vì tội thiếu sót, không làm điều tốt có thể làm cho tha nhân.
Lời Nguyện
Lạy Chúa,
Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật,
công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta.”
Thánh Têrêsa Calcutta
3.Vương quyền để phục vụ và yêu thương
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Trong những ngày này, cả thế giới hồi hộp theo dõi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ, một vị thuộc đảng Cộng hoà, một vị thuộc đảng Dân chủ. Cuộc đua càng gay cấn khi có những cáo buộc từ phía đảng Cộng hoà, cho rằng Đảng Dân chủ đã có những gian lận trong việc bầu cử, nhất là từ những lá phiếu gửi qua đường bưu điện. Những phê phán nặng lời đến từ hai phía, làm cho nước Mỹ hỗn loạn. Đã có nhiều cuộc biểu tình và bạo động đến từ những người ủng hộ các ứng viên tổng thống. Chắc chắn nước Mỹ phải có tổng thống trong vài tuần tới. Tuy vậy, những lùm xùm xung quanh việc bầu cử đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước quyền lực nhất thế giới. Nó cũng cho thấy cơn cám dỗ quyền lực thật ghê gớm và mạnh mẽ. Những hứa hẹn khi tranh cử, những thủ đoạn trong bầu cử, đều cho thấy người ta dùng mọi cách để đạt được quyền lực, mà đó lại lại quyền lực nhất thời.
Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ trụ. Danh hiệu “Vua” được coi như quy tóm những lời danh xưng mà Giáo Hội đã dành để tôn vinh Ngôi Lời nhập thể trong suốt một năm. Danh hiệu “Vua” dễ gây ngộ nhận, đồng thời có thể là cơ hội để những người thiếu thiện cảm với Kitô giáo suy diễn công kích. Thực sự, khi tôn vinh Đức Giêsu Kitô là “Vua”, truyền thống Giáo Hội khẳng định: Người là Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo. Người cũng là Đấng Cứu chuộc và xoá bỏ tội lỗi trần gian. Người là Đấng khai mở kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công bình, chân lý và tình yêu. Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, Người luôn nhấn mạnh đến những yếu tố này. Cũng như một vị vua thống trị cõi sơn hà, Đức Giêsu là Vua của hoà bình như lời tiên báo của các ngôn sứ trong Cựu ước. Người thiết lập hoà bình giữa các dân tộc, và nhất là hoà bình trong tâm hồn con người. Vương quốc của Người rộng lớn bao la và hiện diện trong trái tim của những ai thành tâm tìm kiếm Chúa và chuyên cần thực thi giáo huấn của Người.
Lời Chúa trong lễ Chúa Kitô Vua diễn tả Người là một vị Vua hoàn toàn khác với quan niệm trần gian. Ngôn sứ Edêkien diễn tả vị vua như một mục tử. Đây là hình ảnh rất quen thuộc trong xã hội Do Thái thời xưa. Vị vua này có đủ các đức tính của một mục tử, luôn ân cần săn sóc đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Hình ảnh người mục tử trong ngôn sứ Edêkien sẽ được tròn đầy ý nghĩa qua cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Người đã chấp nhận chết để nhân loại được sống. Người rảo khắp xứ Palestina để chữa lành con người tổn thương do tội lỗi và do bệnh tật thể xác cũng như tinh thần gây nên. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã quy tụ muôn dân, làm cho nhân loại trở thành gia đình của Thiên Chúa. Người đã phá bỏ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại và dân Do Thái, làm cho thế giới này trở thành vương quốc của tình huynh đệ. Thánh Phaolô đã quảng diễn điều này trong thư gửi giáo dân Côrintô (Bài đọc II). Đức Giêsu được tôn vinh là Vua, vì Người đã chấp nhận cái chết để ban cho nhân loại sự sống, như một mục tử hy sinh mạng sống để đàn chiên được bình an. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: quyền lực vương đế của Người không phải để thống trị, mà là để phục vụ và yêu thương.
Cũng hoàn toàn khác với quan niệm một vị vua trần gian hay một tổng thống ngoài đời, hình ảnh về vị Vua khiến chúng ta ngỡ ngàng hơn nữa, qua trình thuật của sử gia Matthêu về ngày phán xét chung. Lúc đó, vị Vua xuất hiện như một vị thẩm phán công minh. Người xét xử kẻ dữ và kẻ lành, trả công cho mỗi người theo công việc họ đã làm khi sống trên dương gian. Những người chịu phán xét ngạc nhiên trước lời tuyên bố của vị Thẩm phán: “Tôi bảo thật anh em: những gì anh em làm cho một trong các người bé mọn nhất này của Tôi, là anh em đã làm cho chính Tôi” (Mt 25,40). Thì ra, Đức Giêsu đồng hoá mình với những kẻ bé mọn, cơ nhỡ và bất hạnh trong cuộc đời, để rồi những ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa; những ai bỏ rơi họ là bỏ rơi Chúa. Vị Vua của chúng ta là như thế đó. Những ai chuyên tâm làm việc thiện và giúp đỡ anh chị em mình, xứng đáng được hưởng hạnh phúc đời đời.
Ngày hôm nay, vị Vua Giêsu vẫn đang cùng đi với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống, để khích lệ, thêm sức cho chúng ta trên đường đời. Mỗi khi thực thi giáo huấn của Người là chúng ta góp phần làm cho vương quốc tình yêu của Người được triển nở và lan rộng. Lời cầu nguyện “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, cần phải đi đôi với những nỗ lực cố gắng làm cho vương quốc hoà bình mà Đức Giêsu khai mở được thực hiện. Là Kitô hữu cũng là công dân của vương quốc vĩnh cửu. Xin cho chúng ta sống xứng đáng với danh hiệu cao quý này, để đáng được Chúa chúc phúc, hôm nay cũng như vào giờ phán xét cuối cùng.
4.Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc)
Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ: Chúa Nhật cuối cùng nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của mọi sự, của thời gian và cũng nhắc nhở thời điểm kết thúc cuộc đời chúng ta. Hướng về điểm tận cùng, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô là Vua Vũ Trụ, và cũng là Vua của mỗi người chúng ta, của cuộc đời chúng ta nữa, đời này và đời sau.
Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa hãy lôi kéo chúng ta, để chúng ta trở thành “thần dân” của Người, để chúng ta thuộc về Người, thay vì là “thần dân” của những điều trong thế giới này, thuộc về những gì trong cuộc đời này, chẳng hạn tiền tài, danh vọng hay những điều hư ảo.
Chúng ta cũng hãy phó thác những người thân yêu quá cố của chúng ta nữa nơi tình thương bao dung của Đức Giê-su Ki-tô Vua, như thánh Phao-lô xác tín trong bài đọc II:
Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết,
thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô,
cũng được Thiên Chúa cho sống.
(1Cr 15, 22)
Vua Vũ Trụ và điểm kết thúc
Trong Thánh Lễ Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Giê-su Ki-tô, là Vua Vũ Trụ, nghĩa là “Đấng nắm vương quyền”, như thánh Phao-lô nói trong bài đọc II: “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1Cr 15, 25-26).
Như thế, Thánh Lễ hôm nay đem lại cho chúng ta một niềm hi vọng rất lớn. Thật vậy, một đàng thời điểm cuối cùng của Phụng vụ năm A, từ Mùa Vọng năm 2016 đến hết tuần lễ này, nhắc nhớ chúng ta rằng, mọi sự, dù là trời dù là đất, dù có bền vững, dù có mới mẻ, dù còn trẻ trung, tất cả sẽ đi đến điểm kết thúc, trong đó có thế giới chúng ta đang sống, nhất là chính cuộc đời của chúng ta. Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết, giống như những người quá cố được an táng ở các nghĩa trang hay được lưu tồn trong các nhà hài cốt, mà chúng ta đã viếng thăm trong tháng 11 này, và nhất là giống như những người mới qua đời đang còn ở giữa chúng ta, vẫn chưa được mai táng.
Nhưng đàng khác, chúng ta có niềm hi vọng là Đức Giê-su Ki-tô, bởi vì Người đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Người đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta, để trở thành Vua của chúng ta, cả ở đời này lẫn đời sau. Vậy, chúng ta đừng tôn ai làm Vua, đừng biến điều gì làm chủ, làm chúa, làm thần tượng, hay làm cùng đích của chúng ta, dù đó là tiền của, phương tiện, bằng cấp, thành công, danh vọng, tiếng tăm. Bởi vì, cùng với chúng ta, tất cả rồi sẽ qua đi. Người Do thái đã tôn Đa vít làm vua, nhưng vua Đa vít cũng đã chết (x. 2Sm 5, 1-3). Vì thế, người Do-thái và chúng ta hôm nay được mời gọi hãy tôn thờ một Vị Vua duy nhất, mà vua Đa-vít chỉ là hình bóng thôi, đó là Đức Ki-tô Vua Muôn Loài.
Như thế, khi chúng ta tôn vinh Đức Ki tô là Vua, chúng ta không chỉ tôn vinh Người là Vua Vũ Trụ, nhưng còn là và nhất là Vua của cuộc đời của chúng ta, và không chỉ là Vua của cuộc đời mai sau, sau cái chết, nhưng còn là Vua của cuộc đời chóng qua của chúng ta hôm nay. Điều này sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta bình tâm với mọi sự, tương đối hóa mọi sự, đem lại hướng đi và niềm hi vọng cho chúng ta ngay hôm nay.
Và để tôn vinh và đón nhận Đức Giê-su Ki-tô là Vua của cuộc đời chúng ta, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Người mời gọi mỗi người chúng ta sống ơn gọi trở nên “con chiên”, thay vì tự biến mình “con dê”!
“Mục tử tách chiên và dê”
Trong cuộc phán xét, lúc đầu mọi người tụ tập không phân biệt, nhưng ngay sau đó Con Người đến trong vinh quang và tách cả loài người ra làm hai nhóm. Ở đây, Đức Giêsu dùng hình ảnh để diễn tả như trong các dụ ngôn: Con Người hành động giống như người mục tử tách chiên ra khỏi dê, sau đó đặt chiên ở bên phải và dê ở bên trái của mình.
Hình ảnh này thật an ủi chúng ta, bởi vì chắc chắn chúng ta không phải là “dê”, chẳng phải là dê con hay dê cụ gì cả. Loài người chúng tự bản chất là “chiên”, và con chiên là biểu tượng của sự hiền lành, vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được tái sinh trong máu của Con Chiên tinh tuyền, được kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài. Vậy cái lũ dê kia ở đâu mà ra vậy? Thế nào là chiên, thế nào là dê? Đâu là đặc điểm của chiên và đâu là đặc điểm của dê?
Đức Vua gọi những người ở bên phải là những người được chúc phúc của Chúa Cha; họ được mời đến đón nhận Nước Trời, đã được chuẩn bị cho họ từ thủa tạo thiên lập địa. Những lời này làm chúng ta nhớ lại lời của thánh Phaolô: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người” (Eph 1, 4). Họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và sống theo ơn gọi thần linh của mình, đó là thông truyền, là chia sẻ, là động lòng, là cảm thông.
Đức Vua gọi những người ở bên trái là “những kẻ bị nguyền rủa”; họ bị đuổi xa khỏi Đức Vua, để vào nơi lửa cháy muôn đời vốn đã được chuẩn bị cho ma quỉ và các thần loại của nó. Điều lạ lùng là, Đức Vua đã không kể ra những hành vi phạm tội ghê gớm mà luật cấm: ghét anh em, trộm cắp, nói dối, lừa gạt, thề gian, bóc lột, cướp của, gian dâm, giết người. Nhưng lại kể ra những việc những người này đã không làm!
Như thế, vấn đề không phải là những hành vi ghê ghớm đã phạm, bởi vì Đức Vua không lấy sổ ra đọc to lên mọi tội lỗi của chúng ta; Ngài cũng không xét xử từng người một; Ngài chỉ nêu ra thái độ thờ ơ, dửng dưng đối với anh chị em đồng loại của cả một nhóm người đứng bên trái; nghĩa là những gì chúng ta đáng lẽ phải làm, không phải vì luật buộc, nhưng vì lòng mến, nhưng chúng ta đã không làm. Đức Vua không quan tâm đến những hành vi sai trái mà lề luật đạo đời nghiêm cấm, nhưng Ngài xét xử năng động sống với người khác ở nơi sâu thẳm của mỗi người. Có thể nói, những người đứng bên trái là những người đã sống theo năng động của ma quỉ và các thần của nó, đó là qui về mình, là không san sẻ, là cứng lòng, là vô cảm. Họ sẽ về sống với ma quỉ, xét cho cùng họ không cần phải bị xét xử và bị dẫn đi đến đó, bởi vì họ lựa chọn đi đến đó. Họ sinh ra là “chiên”, nhưng họ tự biến mình thành “dê”.
“Những anh em bé nhỏ nhất của Ta”
Khi công bố lí do của lời phán quyết, Đức Vua nói chính mình đã đói, đã khát, đã là khách lạ, là người không có cái khố che thân, là tù nhân. Và Ngài không nói theo nghĩa bóng hay nghĩa liên đới, vì Ngài đã thực sự là con người đáng thương này; hay đúng hơn, tất cả những con người đáng thương trong nhân loại mọi thời, mà Ngài gọi là những người bé nhỏ nhất và là “anh em của Ngài”, đều hội tụ nơi ngôi vị của Ngài, nhất là trong cuộc Thương Khó.
Vậy là còn có “những anh chị em bé nhỏ nhất” của Chúa nữa. Họ đâu rồi? Họ là anh chị em của Đức Kitô, họ thuộc về Đức Kitô, vì thế họ không bị xét xử. Đơn giản là vì Đức Kitô, không thể xét xử người thân của mình được.
Vì thế, lời mời gọi tận cùng của Lời Chúa hôm nay, là chúng ta hãy trở nên người thân của Đức Kitô, trở nên anh chị em của Đức Kitô; điều này có nghĩa là trở nên nhỏ bé như chính Đức Kitô đã trở nên nhỏ bé trong thế giới loài người. Như thế, chúng ta sẽ không bị đưa ra xét xử, như thánh Phaolô nói:
“Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô,
thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8, 1).
5.Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Chúa nhật 34 là Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, đồng thời cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày Tận thế. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán.
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mathêu cho chúng ta thấy quang cảnh của ngày phán xét chung đó. Đức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang và chung quanh Người có các Thiên thần hậu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái: chiên là những người lành thì được thưởng trên Thiên đàng, còn dê là kẻ dữ sẽ bị phạt xuống Hỏa ngục (x. Mt 25,31).
Để đón chờ ngày Tận thế, ngày vị Thẩm Phán Giêsu ngự đến, chúng ta cần phải xác tín và thực hành những điều sau đây:
Thứ nhất, chúng ta luôn phải xác tín rằng có ngày Tận thế: Vấn đề này chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đức Giêsu cũng nói về ngày Tận thế rằng: “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong ngày của Con Người cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26). Người cũng nói với các Tông đồ: Thầy đi để dọn chỗ cho anh em và Thầy lại đến để đem anh em về với Thầy (x. Ga 14, 2-3). Tin mừng Thánh Mathêu hôm nay cũng cho biết: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.”(Mt 25,31). Như vậy, có ngày Tận Thế, nhưng ngày đó đến lúc nào thì chúng ta không biết được. Chúng ta cần phải xác tín như vậy.
Thứ hai, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử toàn thể nhân loại: Thánh Phaolô khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10). Về vấn đề này, Đức Giêsu cũng đã nói rõ ràng qua dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Qua dụ ngôn này, ông chủ chính là Đức Giêsu. Cuộc hành trình ông chủ đi xa chỉ việc Người về với Chúa Cha. Các đầy tớ là những người tin vào Đức Giêsu. Những nén bạc được trao cho các đầy tớ là những khả năng Chúa ban. Những nén bạc được các đầy tớ sinh lãi là những việc tốt chúng ta đã làm khi tận dụng các khả năng của mình. Sự trở về của ông chủ là việc Đức Giê-su trở lại trong ngày Tận thế. Khi đó, ông chủ tức là Đức Giêsu sẽ phán xét con người tùy theo công nghiệp của họ. Đầy tớ thứ nhất và thứ hai là hiện thân của những người được thưởng. Còn đầy tớ thứ ba là hiện thân của những người bị phạt. Như vậy, mỗi người chúng ta luôn phải nhớ rằng, vào ngày Tận thế, Đức Giêsu là vị Thẩm Phán sẽ xét xử chúng ta theo nguyên tắc: “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng”: Có công thì được thưởng, có tội thì bị phạt. Nhờ đó, chúng ta luôn cố gắng làm lành lánh dữ.
Thứ ba, tiêu chuẩn để được thưởng và lý do bị phạt là luật bác ái: Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đồng hòa Người với những kẻ bé mọn. Nên những ai giúp đỡ những kẻ bé mọn là giúp đỡ chính Người. Vì thế, Người nói với những kẻ lành rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta.” (Mt 25,34-36.40). Ngược lại, Người nói với những kẻ dữ rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!… Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25,41-43.45). Tóm lại, tiêu chuẩn để Đức Giêsu phán xét là luật bác ái yêu thương.
Thứ tư, chúng ta phải làm gì để đón chờ ngày Tận thế? Có ngày Tận Thế và ngày đó đến một cách bất ngờ như kẻ trộm (x. 2 Pr 3,10). Vì thế, chúng ta phải siêng năng làm việc để sinh lãi những vốn liếng Chúa trao như người đầy tớ thứ nhất và thứ hai trong dụ ngôn những nén bạc (x. Mt 25,14-30). Chúng ta phải có thái độ như người đầy tớ tỉnh thức đợi chủ đi ăn cưới về hay như chủ nhà tỉnh thức để canh chừng kẻ trộm (x. Lc 12, 35-40). Chúng ta phải chuẩn bị dầu đèn đầy đủ như năm cô trinh nữ khôn ngoan (x. Mt 25,1-13). Đặc biệt, mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực thi bác ái yêu thương, vì đó là tiêu chuẩn để chúng ta được vào Thiên đàng. Trong bài giảng “ngày quốc tế người nghèo lần thứ nhất” tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khẳng định rằng: “Người nghèo là thông hành vào cửa Thiên đàng của chúng ta.” Và Ngài nhắn nhủ mọi người: “Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mưu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất.”
Lạy Chúa Giêsu là Vua Tình Thương, xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống đức ái trong cuộc sống hằng ngày để mai sau chúng con có được giấy thông hành vào nước Thiên đàng với Chúa. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam