Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 88

Tổng truy cập: 1357587

VỚI ĐỨC GIÊSU: THIÊN CHÚA TRÊN HẾT

VỚI ĐỨC GIÊSU: THIÊN CHÚA TRÊN HẾT

 

Đức Giêsu Nadarét là một sự kiện rất đặc biệt. Những người đồng hương nhận ra Ngài là một người như bao người; tuy nhiên, sau khi Ngài chết và sống lại, người ta nhận ra Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Ngài là Đấng sống ơn gọi làm người cách trọn vẹn, là Người sống theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha dù phải chết. Thiên Chúa là tất cả đối với Đức Giêsu.

I. Thập Giới diễn tả Ý Muốn Thiên Chúa

Thiên Chúa khi sai Môsê đi giải phóng dân Israel khỏi Aicập, đã nói: “khi ngươi đưa dân ra khỏi Aicập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Ex.3, 12). Môsê đã dẫn dân đến núi này, và Thiên Chúa đã “thần hiển” với Môsê và dân (Ex.19). Thập giới là điều khoản Thiên Chúa giao kết với Israel, nghĩa là, nếu dân Israel giữ các điều khoản này, Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa của dân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân.

Điều khoản giao ước không thêm gì cho Thiên Chúa, nhưng giúp dân Israel triển nở và hạnh phúc. Một khi người ta giữ giao ước, những người được hưởng nhờ đầu tiên là gia đình và những người thân yêu, sau đó là những người lân cận, rồi tới những người trong đất nước. Khi giữ giao ước, con người sẽ sống an bình với chính mình, và sau đó với người khác. Giao ước Thiên Chúa ban cho con người, không nhằm lợi cho Thiên Chúa nhưng cho con người. Tuy vậy, khi con người tuân giữ không vi phạm thập giới, thì Thiên Chúa được con người. Vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ hơn khi con người triển nở và sống hạnh phúc hơn.

Vi phạm thập giới là dấu chỉ cho con người biết họ đã vi phạm quyền lợi của ngôi vị, dù ngôi vị đó là Thiên Chúa hay tha nhân. Thiên Chúa tạo dựng con người, nên theo lẽ công bình, con người phải tôn kính Ngài. Thờ phượng là từ ngữ dùng để chỉ lòng và thái độ kính trọng đặc biệt dành cho Thiên Chúa. Cha mẹ sinh ra mình, mình cũng phải có thái độ hiếu thảo. Không tôn kính Đấng tạo dựng, không tôn kính cha mẹ, là bất công đối với Thiên Chúa và với cha mẹ mình. Vi phạm những điều khác của thập giới, là xúc phạm đến quyền lợi của người khác, chẳng hạn như giết người, cướp của người ta. Khi vi phạm thập giới, người ta biểu lộ có điều gì đó trục trặc, gây xáo trộn nơi chính tâm hồn mình, và gây xáo trộn bất an trong tương quan với người khác, ngay cả đối với những người thân và những người xung quanh.

II. Đừng biến Nhà Cha Ta thành cái chợ

Sau khi chịu phép rửa ở sông Yordan với Yoan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã trải qua thời gian dài tĩnh tâm cầu nguyện, Ngài ý thức hơn sứ mạng của Ngài, và Ngài đã khởi đầu sứ mạng rao giảng. “Nước Thiên Chúa đang tới gần, hãy thống hối và tin vào Tin Mừng.” Hôm nay khi lên đền thờ dự lễ Vượt Qua, một lễ lớn nhất đối với người Do Thái, kỷ niệm Thiên Chúa giải phóng dân khỏi Aicập, Ngài đã thấy một việc trái tai gai mắt: người ta buôn bán ngay trong đền thờ. Để có thể phục vụ những người từ xa tới có của lễ dâng cho Thiên Chúa, thì người ta đã đem cả súc vật đến bán; cũng có bàn đổi tiền cho những khách phương xa tới. Đức Giêsu đã phản đối. Ngài lấy dây làm thành roi đánh đuổi những người buôn bán chiên cừu trong đền thờ, lật đổ bàn của những kể đổi tiền, nói với những người bán bồ câu: “đem những thứ này ra khỏi đây, đừng biến Nhà Cha Ta thành cái chợ.”

Đức Giêsu đã bị phản ứng: “ông lấy quyền gì mà làm như vậy?” Theo luật, chỉ những người trách nhiệm mới có quyền cho phép hay không cho phép người ta buôn bán trong đền thờ. Đức Giêsu lấy quyền gì mà đánh đuổi người ta? Cứ theo “phép đời,” Đức Giêsu làm trái vì Ngài làm như thể Ngài có quyền mà thực Ngài không có; thế nhưng Đức Giêsu nói với họ: “cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại.” Câu trả lời của Đức Giêsu là câu trả lời “như không trả lời” Ai dám làm điều đó, ai dám tin vào lời Đức Giêsu mà dám phá đền thờ này. Tác giả Tin Mừng “giải thích” Ngài nói về đền thờ của Ngài, nghĩa là Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Nhưng chuyện giải thích này chỉ có thể làm sau khi Ngài chết và sống lại, chứ lúc đó, ai mà hiểu như vậy.

Đức Giêsu có quyền làm điều đó. Ngài ý thức điều đó và Ngài đã làm cho dù đối với người khác Ngài không có quyền làm như vậy. Ngài coi đền thờ là Nhà Cha Ngài. Ngài có quyền từ Thiên Chúa là Cha Ngài. Qua những hành vi “bất bình thường” như thế này, giúp các tông đồ và các tín hữu sau này hiểu rõ chân tướng của Ngài hơn. Ngài và Thiên Chúa có một mối tương quan đặc biệt, mà Ngài dám gọi Thiên Chúa là Cha Ngài. Ngài đến từ Thiên Chúa, Ngài là hình ảnh và biểu tượng giúp người ta hiểu biết hơn về Thiên Chúa. Ngài liên kết với Thiên Chúa và phản ánh Thiên Chúa tuyệt đến độ người ta nhận ra Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

III. Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu bị đóng đinh

Người Do Thái tìm phép lạ để biết điều gì đó có đến từ Thiên Chúa hay không; người Hylạp tìm kiếm những điều khôn ngoan vì đối với họ: chỉ có khôn ngoan mới là giá trị thật; tuy nhiên, với thánh Phaolô, Đức Giêsu chịu đóng đinh là một giá trị, và là giá trị tuyệt đối. Kể từ khi biết Đức Giêsu, Phaolô coi những điều khác như phân bón, rác rưởi. Biết Đức Giêsu là mối lợi tuyệt vời đối với Phaolô (Pl.3).

Với cái nhìn tổng hợp và không loại trừ, ta có thể nói Đức Giêsu chịu đóng đinh là một “phép lạ” cả thể và là sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho con người. Qua cách sống kết hiệp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, qua những hành vi dứt khoát chọn Thiên Chúa trên hết như việc đánh đuổi những người buôn bán khỏi đền thờ, qua việc vâng phục thánh Ý Cha trên tất cả như trong vườn dầu và trên thập giá, Đức Giêsu dạy con người biết sống sao cho đúng trên đời này. Đức Giêsu là mẫu gương sống.

Thiên Chúa là trên hết đối với Đức Giêsu, và cũng phải như vậy đối với những ai muốn là môn đệ của Ngài. Tất cả đời sống và hành vi của Đức Giêsu chuyển động và quy hướng về Thiên Chúa. Đức Giêsu đã vâng phục Thiên Chúa cho đến bằng lòng chấp nhận chết trên thập giá. Đức Giêsu chịu đóng đinh, là mẫu gương sống của Phaolô và của tất cả các Kitô hữu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Theo bạn, đâu là tiêu chuẩn sống của Đức Giêsu? Tại sao bạn nghĩ như vậy?

2. Con người là đền thờ của Thiên Chúa, bạn có được Thiên Chúa mời gọi thanh tẩy tâm hồn dịp Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ không? Bằng cách nào?

 

22.Đức Giêsu là chuẩn mực

1. Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán

Không được biến đền thờ thành nơi buôn bán. Đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Không tôn trọng nơi tôn nghiêm, là không tôn trọng những người đang hiện diện hoặc đến đây thờ phượng Thiên Chúa.

Người ta có thể lý luận "những người buôn bán này đang làm một việc bác ái", họ tạo điều kiện thuận tiện cho những người dâng lễ có của lễ để dâng kính Thiên Chúa. Thực ra khi làm như vậy, họ đã đặt cái lợi về vật chất trên Thiên Chúa và coi thường Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta là đền thờ sống động của Thiên Chúa. Đừng biến thân xác mình, con người mình thành nơi buôn bán, thành đối tượng buôn bán. Thân xác chúng ta là thánh vì thuộc về Thiên Chúa. Chính Đức Yêsu cũng coi thân mình Ngài là đền thờ: "Cứ hủy đền thờ này và trong ba ngày Ta sẽ xây lại"!

Nếu chúng ta để đam mê thống trị mình, nếu chúng ta còn mê say tiền bạc, danh vọng, địa vị chức quyền, thì Thiên Chúa không có chỗ nhất nơi chúng ta. Bài Tin Mừng còn giúp chúng ta nhìn lại xem đâu là thái độ của tôi đối với thân xác, với sức khỏe, với con người toàn diện của tôi?

Với đức Yêsu, Thiên Chúa là nhất đối với Ngài. Ngài đã đánh đuổi những người buôn bán khỏi đền thờ, dù bị những người có quyền hành không đồng ý và tra hỏi: "ông lấy quyền gì mà làm như vậy?". Hôm nay Đức Yêsu đuổi họ ra khỏi đền thờ, nhưng ngày mai thì sao? những người này có tiếp tục tôn trọng đền thờ không, hay mai họ vẫn làm như cũ? Đức Yêsu vẫn làm điều phải làm. Ngài vẫn làm cho dầu bị người ta ghét bỏ, cho dù người ta không vâng theo ngay trong ngày mai. Đức Yêsu sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn, bất chấp tất cả.

2. Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá

Cho dù người Hy Lạp coi trọng và tìm kiếm khôn ngoan, cho dù người Do Thái sính phép lạ, thì Phaolô vẫn "rao giảng Đức Yêsu Kitô chịu đóng đinh".

Cứ sự thường nếu không đáp ứng mong ước, không thỏa mãn thị hiếu của người ta, thì sẽ thất bại! Ấy vậy Phaolô vẫn rao giảng "Đức Yêsu Kitô chịu đóng đinh" cho dù không đáp ứng mong ước của người đương thời. Sở dĩ vậy vì rao giảng "Đức Yêsu chịu đóng đinh" là điều tuyệt đối cần thiết. Đức Yêsu chịu đóng đinh thập giá là một giá trị, và là giá trị tuyệt đối.

"Đức Yêsu chịu đóng đinh", đòi người ta xét lại cách sống của mình. Đức Yêsu đã chọn điều gì? Tại sao Ngài bị đóng đinh? Tôi có cùng cách sống và chọn lựa với Đức Yêsu không?

Rao giảng Đức Yêsu chịu đóng đinh, là rao giảng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nếu không yêu, tại sao Thiên Chúa lại để Con của Ngài bị khốn khổ như vậy? Nếu không yêu, tại sao Đức Yêsu phải chịu đau đớn khổ cực và ô nhục dường ấy?

Đức Yêsu chịu đóng đinh, là niềm vinh dự, mối tự hào của mọi kitô-hữu. Đức Yêsu chịu đóng đinh, biểu tượng và bằng chứng cho biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.

3. Ta là Thiên Chúa, ngươi không được...

Nội dung của thập giới là gì? Hãy tôn thờ Thiên Chúa, thảo kính cha mẹ và yêu thương con người! Đừng xúc phạm con người, đừng chà đạp nhân phẩm!

Tại sao tôi không được làm điều này điều kia? Thập giới cho thấy khi tôi vi phạm lệnh cấm của thập giới, là tôi xúc phạm con người và Thiên Chúa. Thập giới có là để bảo vệ con người. Ngày sabbat được lập ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabbat.

Luật Cựu Ước lấy con người là chuẩn, còn luật Tân Ước lấy Đức Yêsu làm chuẩn. Luật Cựu Ước dạy "hãy yêu thương tha nhân như chính mình", còn luật Tân Ước dạy: "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga.13, 34-35).

Luật Cựu Ước cho thấy: nếu xúc phạm con người sẽ bị xử, còn luật Tân Ước cho thấy: nếu không yêu thương, sẽ bị xét xử (Mt.25, 31tt).

Chính Đức Yêsu là Đấng làm cho lề luật nên trọn "Ta đến không phải để phá hủy, nhưng để làm nên trọn".

Xin cho chúng ta trở nên giống Đức Yêsu trong mọi sự.

 

23.Chúa Nhật 3 Mùa Chay

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

THÂN XÁC CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CẦN ĐƯỢC THANH TẨY

Chúa Giêsu rất mực hiền lành và Người cũng là mẫu mực của sự hiền lành như lời Người mời gọi: "Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng". (Mt 11, 29)

Khi Chúa Giêsu và các môn đệ bị người dân xứ Sa-ma-ri-a ngăn chặn không cho đi qua làng của họ để tiến về Giê-ru-sa-lem, Giacôbê và Gioan nổi giận đùng đùng, đòi khiến lửa trời thiêu đốt làng mạc của chúng. Thế nhưng Chúa Giêsu liền quở trách Giacôbê và Gioan vì lối xử sự nóng nảy mang tính gây hấn nầy. (Lc 9, 54)

Khi bị người đời phê phán là người mất trí (Mc 3, 21), là kẻ nói phạm thượng (Mt 9, 3), là người lấy phép của tướng quỷ mà trừ quỷ (Mt 9, 34), là người bị quỷ ám (Ga 7,20), là người dại dột; Chúa Giêsu vẫn bình thản như không.

Nhất là trong cuộc thương khó, dù bị lăng nhục hành hạ đủ điều, bị chế nhạo đủ cách, Chúa Giêsu vẫn nín lặng và thản nhiên. Khi chịu treo trên thập giá đớn đau tủi nhục lại còn bị chế giễu nhạo cười, Chúa Giêsu chẳng những không nóng giận mà lại còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ hành hạ và đóng đinh Người.

Tóm lại, Chúa Giêsu là Đấng rất dịu hiền và rất bao dung khiến ta nghĩ rằng Người không hề nổi giận bao giờ.

Dù rất hiền lành, Chúa Giê-su cũng không thể khoan dung với việc tục hoá đền thờ.

Vậy mà khi vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, thấy người ta làm ô uế đền thờ thì Người không thể nào chịu nổi. Người nổi giận thật sự. Tin Mừng Gioan ghi lại: "Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (Ga 2, 14-16)

Thật không ngờ! Một Chúa Giêsu rất mực hiền lành khiêm nhượng. Đấng mà 'cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi' (Mt 12,20) giờ đây đã nổi trận lôi đình, phải dùng roi vọt và biện pháp cứng rắn đối với những người xúc phạm đến sự linh thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Điều đó chứng tỏ rằng đối với Chúa Giêsu, việc làm ô uế Đền Thờ là một xúc phạm nặng nề mà Người vốn rất nhân từ và bao dung cũng không thể nào chịu đựng nổi!

Thân thể chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa.

Thế nhưng còn một đền thờ khác còn cao trọng hơn đền thờ Giê-ru-sa-lem xưa. Đó là đền-thờ-thân-xác chúng ta. Thánh Phao-lô khẳng định: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (I Cor 3,16), hoặc: "Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? (I Cor 6, 19)

Chúa Giêsu cũng dạy rằng thân xác chúng ta là đền thờ cho Ba Ngôi ngự trị: "Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng ta (tức Ba Ngôi Thiên Chúa) sẽ đến ngự trong người ấy". (Ga 14, 23)

Chính vì yêu quý đền-thờ-thân-xác chúng ta quá đỗi nên Chúa Giêsu sẵn sàng chuộc lại bằng giá máu của Người, đã thánh hoá nó bằng lời hằng sống và hiến ban Thịt Máu Người trong bí tích thánh thể để bồi bổ nó nên vạn lần cao đẹp.

Điều đó chứng tỏ rằng đối với Thiên Chúa thì thân xác con người là đền thờ vô giá!

Vì thế, nếu hôm xưa người Do-thái làm ô uế đền thờ Giê-ru-sa-lem khiến Chúa Giêsu đau lòng một phần, thì hôm nay, nếu có ai làm cho đền thờ cao quý là thân xác các môn đệ Người ra nhơ uế thì Người đau xót gấp trăm. Thế nên, Người nghiêm khắc lên án những người nầy: "Ai làm cho một kẻ nhỏ tin vào Thầy vấp phạm, (tức là làm hư hại đền-thờ-thân-xác người khác), thì thà lấy cối đá cột vào cổ người ấy rồi xô xuống biển còn hơn."

Thánh Phao-lô cũng quả quyết: "Ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy.Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em." (1Cr 3, 13-17)

Hãy sớm thanh tẩy đền thờ thân xác mình

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn thật sâu vào nội tâm kín ẩn của mình để truy tìm những điều làm cho chúng ta ra nhơ uế và quyết tâm thanh tẩy tâm hồn, vì "từ trong lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế" (Mt 15, 19-20)

Ngoài ra, chúng ta phải tôn trọng thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa, được Chúa Giêsu cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến, được Ba Ngôi Thiên Chúa vui thích chọn làm nơi ngự trị. Phải trang điểm đền thờ thân xác chúng ta bằng những đức tính tốt; phải nâng cấp bản thân bằng rèn luyện cho mình những phẩm chất cao đẹp cho xứng với danh hiệu đền thờ cao quý của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

24.Chúa Nhật 3 Mùa Chay

Anh chị em thân mến.

Có những lần tôi đi chợ, len lỏi và đôi khi phải chen lấn để vượt lên phía trước, vậy mà cũng có những lúc phải dừng lại. Quan sát kỹ, thì không phải những người đi chợ làm cho sự lưu thông bị tắc nghẽn. Nhưng chính những người ngồi mới làm cản trở lưu thông. Họ ngồi với một chướng ngại vật phía trước, chiếm một khoảng không gian rộng cùng với những vật dụng trên đó. Họ kêu mời những người đi ngang qua, ghé mắt vào những món hàng mà họ bày bán. Nhưng bổng nhiên, có một sự náo động và lưu thông được dể dàng trở lại. Thì ra xuất hiện bóng dáng một người, mặc bộ đồ đặc biệt, với chiếc băng vấn trên tay áo. Đây là người trong ban quản lý chợ, anh ta đi để lập lại trật tự cho nơi buôn bán.

Công việc đó cứ diễn ra mỗi ngày: Cứ có những người bán rong, và cũng vẫn phải có người lập lại trật tự. Vì người ta chỉ biết tìm lợi ích riêng tư mà không nhìn thấy những ích lợi chung, nên ban quản lý chợ cứ phải làm việc, phải đi, phải dẹp, để lập lại trật tự.

Chúa Giêsu là người quản lý đền thờ, còn hơn thế nữa, Ngài còn là chủ đền thờ. Ngài không thể chịu được khi nhìn thấy đền thờ không có một chút trật tự nào hết. Đền thờ là nơi tôn nghiêm mà giờ đây đã trở thành nơi ồn ào náo nhiệt của buôn bán. Đền thờ là nơi cầu nguyện , mà giờ đây trở thành nơi trao đỗi và gian lận. Đền thờ là nơi dành riêng cho Thiên Chúa, nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa, mà giờ đây con người đã biến thành nơi của riêng mình để biếng thành nơi phục vụ cho lợi ích riêng tư. Ngài mới lập lại trật tự trong đền thờ.

Đi xa hơn nữa, Ngài muốn hướng con người đến ngôi đền thờ thật sự là tâm hồn của mỗi người. Đền thờ vật chất, theo thời gian , nó chẵng còn giá trị và sẽ bị phá đỗ, vì nó là sản phẩm do con người tạo nên, nó sẽ bị biến chất. Thiên Chúa không cần một đền thờ đã bị biến chất. Ngài cần một đền thờ thật sự trong tâm hồn mỗi người, đền thờ đó luôn phải xứng đáng với những gì mà Thiên đã xây dựng nên nó từ thuở ban đầu. Nếu nó không xứng đáng, Ngài sẽ không ngần ngại dùng roi để lập lại trật tự cho ngôi đền thờ của Ngài được xứng đáng hơn.

Có thực mới vực được đạo.

Câu nói mà bao nhiêu người đã dùng nó để biện hộ cho những hành vi sai trái của mình. Biện hộ cho hành vi lười biếng: nào là con nghèo khổ quá, không còn thời gian đến nhà thờ, không thể giữ đạo được, không thể chăm sóc con cái cho tốt được. Nào là không có thời gian để làm việc bác ái, không có thời gian để sống đạo cho tốt. Nhưng cuối cùng là gì? chẵng qua là vì lười biếng, ích kỷ, muốn tìm những lợi lộc cho bản thân mà chúng ta bất chấp tất cả. Chúng ta để ra bên ngoài tất cả những luật công bằng, yêu thương, chúng ta cũng chẵng cần biết đến Thiên Chúa của mình đã nói gì, đã dạy những gì.

Còn thân xác nầy, chúng ta xem nó như là vật sở hữu riêng của chính mình, để rồi chúng ta tùy tiện xử dụng nó vào bất cứ công việc gì cũng được, xấu có , tốt cũng có, ngay chính có, mà bất chính cũng có. Chúng ta quên rằng thân xác nầy là do chính Thiên Chúa dựng nên, và thân xác nầy là đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Do đó chúng phải có bổn phận gìn giữ thân xác luôn tốt đẹp để xứng đáng đón rước Chúa. Nếu giờ nầy Chúa đến viếng ngôi đền thờ của mỗi người chúng ta, thử hỏi Ngài có thể yên tâm ngự trong đó cách thoải mái được không? Hay Ngài phải giận dữ tìm một chiếc roi để dẹp tất cả những chướng ngại vật đang ngổn ngang trong ngôi đền thờ nầy.

Chúng ta thử nhìn lại xem, giờ nầy cái gì đang thống lĩnh và chiếm hết tâm hồn của mình. Có phải là Thiên Chúa mà chúng ta hằng tôn thờ hay là chúng ta đã đem Thiên Chúa để bên ngoài , còn hiện tại, chúng ta đang tôn thờ cái gì? Có phải là tiền bạc, hay địa vị chức quyền, hoặc những đam mê nào khác. Để tất cả những cái đó thống lĩnh cuộc sống và điều khiển tất cả mọi hành động của chúng ta. Con tim đã chay lì khô cứng, ngôi đền của Thiên Chúa không còn được một trật tự tốt đẹp nữa. Thiên Chúa sẽ đánh đổ những tiền bạc, tẩy chay dọn sạch những gì đang được bày biện trong tâm hồn chúng ta để Ngài tái lập trật tự cho ngôi đền thờ của Ngài. Đó là những lúc chúng ta gặp thất bại với những toan tính bất chính, và cũng là những lúc công việc làm ăn không được thuận lợi, mặc dù mình đã cố gắng hết sức. Những lúc đó chúng ta có biết nhớ đến Chúa, nhìn lại chính mình, thì thật hạnh phúc biết bao.

Xin Chúa ban ơn giúp cho mỗi người được trở nên xứng đáng là ngôi đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

 

home Mục lục Lưu trữ