Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 95

Tổng truy cập: 1356810

Vọng Phục Sinh

VỌNG PHỤC SINH

 

 DỰ ÁN “TỰ LÀM LẤY”

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Một người thợ mộc lớn tuổi chuẩn bị về hưu. Ông ta báo với chủ của mình ý định nghỉ làm để tận hưởng một cuộc sống nhàn hạ lúc về già. Người chủ lấy làm tiếc khi người công nhân tận tụy rời bỏ mình. Ông ta đề nghị người công nhân già  làm một căn nhà như một ân huệ cuối cùng. Người thợ mộc đồng ý. Tuy nhiên, ông đã chẳng còn nhiệt tình và thậm chí thiếu cả trách nhiệm trong công việc.

 Điều này đã mang lại kết cục không may mắn  cho sự nghiệp của ông. Khi người thợ mộc hoàn tất căn nhà, ông chủ đến xem xét và trao cho ông chiếc khóa cửa và nói: “Đây là ngôi nhà của anh, tôi tặng anh đấy !”.

 Thật bất ngờ! Và cũng thật xấu hổ! Nếu người thợ mộc biết là ông chủ đang làm nhà cho mình, hẳn ông ta đã đầu tư công sức một cách hoàn toàn khác. Bây giờ thì ông phải sống trong căn nhà mà ông đã làm quấy quá cho xong.

 Chúng ta có khác gì bác thợ mộc ấy. Chúng ta xây dựng cuộc đời mình cách cẩu thả, tùy tiện với tâm lý đối phó thay vì tích cực và chủ động làm cho nó thật tốt đẹp. Ở một vài thời điểm quan trọng trong cuộc đời, chúng ta không hề dốc hết sức lực để thực hiện mọi việc cho thật tốt. Thế rồi khi trông thấy tình trạng tồi tệ và nhận ra rằng mình đang sống trong căn nhà do chính tay ta dựng nên thì chúng ta cảm thấy bị sốc. Giá như được biết trước, hẳn chúng ta đã hành động khác đi để cuộc sống hôm nay khỏi lầm than thế này!

 Vâng, cuộc sống của mỗi người là một dự án “tự làm lấy”. Hãy sống cuộc đời cho đầy ý nghĩa. Đừng buông thả và dìm mình trong lười biếng và sa đọa. Hãy nhớ rằng: cuộc sống của bạn hôm nay là kết quả từ thái độ sống và những lựa chọn của bạn trong quá khứ. Cuộc sống của bạn ngày mai tùy thuộc vào thái độ sống và những lựa chọn của bạn ngày hôm nay.

 Hôm nay Chúa Phục sinh đã khai mở cho chúng ta một chân trời mới, một niềm hy vọng và sức sống mới. Chúa phục sinh dẫn chúng ta đi vào niềm tin đời sau, vào đời sống vĩnh hằng mà chính Chúa là Đấng vĩnh hằng đã đi vào trần gian, đã chết và đã sống lại và mời gọi chúng ta “ai tin vào Người sẽ không chết bao giờ”. Chúa phục sinh là lời nhắc nhở chúng ta tin vào có sự sống đời sau thì hãy sống nghiêm túc trong cuộc đời này. Hãy biết dùng cuộc đời này để kiến tạo đời sau. Hãy ăn ngay ở lành trong cuộc sống này để không phải đền trả bằng khổ luyện mai sau. Vì chưng, con người chúng ta không như loài vật, sinh ra rồi chết đi là hết mà con người chúng ta có hồn thiêng bất tử, nhưng sự bất tử đó là hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào lối sống hôm nay. Chúa luôn tôn trọng tự do con người. Chúa muốn con người tự quyết định về phận số của mình như xưa Chúa đã để cho Adam – Eva tự do chọn lựa. Vâng phục Thiên Chúa để sống hạnh phúc muôn đời hay phải sinh ra trong đau khổ và chết vì bất tuân phục Thiên Chúa.

 Thế nhưng, con người hôm nay vẫn đang lao đầu vào tìm kiếm những của cải phù vân. Họ tưởng rằng họ có thể kéo dài sự sống bằng tiền tài, danh vọng, bằng khoa học hiện đại. Tất cả chỉ là hư không trên mọi hư không. Cuộc sống trần gian luôn hợp rồi tan. Con người có thể làm chủ được mọi thứ trừ sự sống của mình. Ngày 11.03.2011, Nước Nhật đã bàng hoàng sau cơn động đất dẫn đến sóng thần khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Không ai tin rằng điều đó có thể xảy ra nơi đất nước văn minh hiện đại bậc nhất thế giới. Không ai ngờ rằng cuộc sống con người vẫn mong manh ngay cả khi con người được trang bị đầy đủ với những phương tiện và khoa học hiện đại nhất. Sự chết vẫn đến với bất cứ ai. Cuộc đời con người vẫn mong manh. Kiếp sống con người vẫn mỏng dòn chỉ cần một cơn gió thoảng cũng đủ làm nó biến tan. Nhưng thật hạnh phúc cho kiếp người chúng ta. Con người có sự sống đời sau. Đời này thì có hạn. Đời sau thì vô biên. Đời này có đau khổ và hạnh phúc hoà quyện vào nhau. Đời sau chỉ còn hạnh phúc miên trường.

 Ước gì niềm vui Chúa phục sinh sẽ củng cố niềm tin của chúng ta. Cho dù rằng cuộc sống có khó khăn, có thử thách nhưng vẫn can đảm vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa để được hưởng hạnh phúc mai sau. Xin Chúa Phục sinh giúp chúng ta thắng vượt những yếu đuối bản năng để luôn tự chủ hành vi của mình luôn tuân theo thánh ý Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết kiến tạo đời sống vĩnh hằng ngay từ cuộc sống này bằng đời sống lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Amen.

 

 LỄ VỌNG PHỤC SINHI

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

 Hôm nay theo thánh Augustinô, chúng ta mừng lễ “ mẹ của các lễ vọng ”. Chính vì thế, chúng ta thực hiện đêm canh thức của Dân Do Thái trước Lễ Vượt Qua. Dân Do Thái tưởng niệm biến cố vĩ đại nhất, Thiên Chúa đã thực hiện cho dân tộc họ là cứu họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tuy nhiên, đêm nay cũng hướng về tương lai là mong Đấng Cứu Thế sẽ đến. Chúng ta nhớ lại đoạn 12, 42 của Sách Xuất Hành: ” Đó là đêm Chúa canh thức để dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; vì vậy vào đêm này toàn thể con cái Israen phải canh thức cho Chúa qua hết các thế hệ của họ “.

Đêm Vọng Phục Sinh qui tụ giáo dân lại để tuyên xưng đức tin. Cuộc canh thức của lễ Vọng Phục Sinh là thắp nến sáng. Lửa mới được làm phép, rồi cây nến Phục Sinh được đốt lên, anh sáng bùng lên trong đêm tối, các cây nến con được thắp nơi cây nến mẹ, cây nến phục sinh. Mọi Kitô hữu cầm nến trong tay, để nhớ lại cây nến thắp sáng mà họ nhận được trong ngày họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Mọi người rước vào nhà thờ và vị Chủ tế hoặc Thầy phó tế công bố “ Ánh sáng Chúa Kitô “. Và rồi xông hương cây nến Phục sinh được đặt cung kính trên giá nến trước cung thánh. Và vị Chủ tế hoặc thầy phó tế hát “ Exultet “. Đây là đêm Chúa Kitô bẻ gẫy xiềng xích của sự chết, Ngài đã đứng dậy từ cõi âm phủ, trong chiến thắng khải hoàn.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Chúa muốn dạy chúng ta cử hành mầu nhiệm Phục sinh bằng cách cho ta nghe Cựu Ước và Tân Ước. Bài ca “ Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời “ kết thúc việc nghe Lời Chúa trong Lề luật và các ngôn sứ, chuông nhà thờ vang lên hân hoan, vui vẻ. Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta phép rửa tội là chết và sống lại trong Chúa Kitô. Cả nhà thờ hát vang Alléluia để chuẩn bị lắng nghe sứ điệp các thiên thần nói với các thánh nữ: ” Tại sao các bà đi tìm người sống nơi những người chết ? Ngài không có ở đây, Ngài đã sống lại “ ( Lc 24, 5-6 ).

Lễ Vọng Phục Sinh trình bầy cả một cuộc hành trình đức tin và điều rõ ràng nhất, ấn tượng và hoàn hảo nhất là Chúa đã khải hoàn ra khỏi mồ, chiến thắng sự chết. Sứ điệp các thiên thần loan báo cho các thánh nữ cũng là sứ điệp các thiên thần loan báo cho mỗi người có đức tin.

 

SỐNG QUYỆN TRONG NỔI CHẾT

Lm. Nguyễn Khoa Toàn

Tôi yêu vô cùng sáng sớm Thứ Bảy Tuần Thánh. Không gian tĩnh mịch, im lìm. Ngoài đường vắng tiếng xe qua. Vạn vật, muôn người như đang thiếp ngủ. Không! Vạn vật, muôn người cơ hồ như đang chết…

Giữa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh là khoảng thời gian mà, theo lời của Gregory Đại Đế, Chúa đã “bị dìm sâu tại một nơi sâu thẳm nhất”. Chúa chết rồi! Chết thật rồi! Không còn gì nữa… Chẳng còn gì nữa…Đau đớn! Cô đơn! Nhục nhã! Ê che …

Nhưng nếu chúng ta hối hả mong cho mau đến lễ Vọng Phục Sinh, xem cái chết của Người vô nghĩa và chỉ hướng lòng về sự sống lại thôi, chúng ta, theo thần học gia người Úc Tony Kelly, đã quên đi ý nghĩa tuyệt đối của mầu nhiệm cứu chuộc. Thà là đừng hát Alleluia! Thà là để bàn thờ, nhà tạm tang thương trơn trống, hơn là hấp tấp vội vàng và không đoái hoài chiêm nghiệm đến cái chết tức tưởi đau thương của Đức Kitô trên cây thập giá.

Vì nếu không thể cùng chết với Đức Kitô, chúng ta không thể cùng sống lại với Người. Nếu không nếm khổ đau -trốn chạy khổ đau- niềm vui Phục Sinh cơ hồ như đã mất nhiều phần ý nghĩa. Như Sharktacos đã suy tư:” Chỉ nhờ vào thánh giá mà tôi tìm đuợc hy vọng trong thế giới này. Khi Chúa Giêsu kéo lê thánh giá giữa bùn nhơ và nước bọt, Người đã minh chứng rằng Thiên Chúa đã trọn vẹn hiểu đuợc thực tế cuộc đời: những chồng chất oan khiên, những triền miên thống khổ, những khóc than không thành tiếng…”

Trong khổ đau, con người được lớn lên bội phần. Không nếm khổ đau thì không còn nhiều nước mắt. Không nếm khổ đau thì không thể yêu thương…

Và vì thế, hãy mạnh dạn bắt đầu niềm vui Phục Sinh với Tuần Thánh- tuần quan trọng nhất trong niên lịch Phụng Vu. Những giây phút cuối đời của Con Thiên Chúa được thuật lại thật chi li chi tiết trong bài Thương Khó. Và chúng ta đã nhớ đuợc những gì?

Có thể chúng ta đã không thể nhớ gì nhưng có hai chữ và cụm chữ mà chúng ta không thể đọc lướt và nghe thoáng qua là “Hosanna” (Thánh) và “Eli, Eli, lema sabachthani” (Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con).

Chưa một ai trong lịch sử cổ kim mà cuộc đời “lên voi xuống chó” như cuộc đời Chúa Giêsu. Mới hôm qua đây, mọi người dân thành Giêrusalem còn cầm cành lá ôliu tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! Vạn tuế Con Vua Đavít, mà hôm nay Nguời lại cô thân, đơn chiếc trần truồng nhục nhã phơi thân trên thập tự giá. Không một ai chung quanh ủi an, cả đến những môn đệ Người thương yêu thân tín. Không một ai, ngoại trừ hai tên trộm vô danh…

Nhưng như Nguyễn Công Trứ ngày xưa lúc làm quan không cảm thấy vinh và lúc xuống lính trơn không thấy nhục, cuộc sống chúng ta cũng phải như thế. Khi công danh vinh quang ngập trời; khi hạnh phúc tràn đầy; khi vật chất thừa dư: hãy khiêm cung và đừng kênh kiệu. Và khi bất hạnh và những bão tố cuộc đời bủa vây ập đến, hãy thở dài như Chúa đã thở dài -không phải một lần mà những đến hai lần. Nhưng đừng theo ý mình mà hãy một lòng vâng theo ý Chúa.

Rồi ai trong chúng ta mà đã không một lần qụy gối? Ai trong chúng ta mà đã không một lần lạc lối đường về? Như Phêrô chối Thầy mình. Và chìm đắm ngủ say không thể thức và cầu nguyện với Người trước giờ chung cuộc.

Nhưng có cái gì đó trong Phêrô lớn hơn, đáng nói hơn là tội chối Thầy mình. Đó là sự thống hối. Đó là sau lần qụy ngã lịch sử kia, biết can đảm đứng lên hối lỗi quay về. Thật dễ dàng đồng hoá với Phêrô khi chúng ta không thể thức và cầu nguyện cùng Thầy Chí Thánh. Thật dễ cảm thông với Phêrô khi chúng ta chối bỏ Người. Nhưng khó một ai có thể thẩm thấu đuợc sự thay đổi tận gốc rể trong con người Phêrô. Phêrô chối Chúa và Phêrô khóc lóc thảm thiết ăn năn là hai con người hoàn toàn khác biệt. Gà vừa gáy xong, con nguời củ Phêrô đã lột xác, mất và tan biến đi để trở thành con người mới.

Một trong những cảnh thương tâm và có ý nghĩa nhất trong phim “The Passion of Christ”, là cảnh Giuđa treo cổ tự vận và Phêrô khóc lóc thảm thiết. Một người bán Chúa; một người chối Thầy mình. Nhưng cả hai đã phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau: Giuđa quẫn trí điên rồ quên đi rằng mình vẫn còn là con cái Chúa, tìm cái chết thảm thương vô nghĩa. Phêrô quay về, chọn Đường, Sự Thật và Sự Sống.

Hoặc như người con hoang đàng. F.W. Norwood đã viết rằng: “Thảm kịch lớn nhất trong đời sống là mất Chúa và không còn nhớ đến Người nữa.” Ở nơi xa thật xa ấy, anh ta đã sống gần như mất Chúa. Nhưng điều cốt lỏi là anh vẫn không quên Người. Anh vẫn hiểu rằng tội lỗi anh, dẫu cho nhiều thật nhiều như trăng-sao-cát-biển, vẫn không thể nào so sánh đươc vơi tình thương vô bến bờ của Thiên Chúa.

Henri Nouwen viết là “một trong những thử thách lớn nhất của đời sống tâm linh là biết nhận sự thứ tha của Chúa.” Nhiều khi phải lên núi cao mới có thể thấy trăng sao, hoa lá. Nhiều khi phải vào rừng già mới có thể nghe được tiếng chim ca. Nếu muốn thấy mùa xuân, thực sự thấy mùa xuân, chúng ta phải sống qua những mùa đông băng tuyết đã.

Và mùa xuân đã đến. Mùa Xuân Phục Sinh. Phục Sinh: hai tiếng nghe thật bình dị nhưng nhân loại, từ ngày Adong và Evà bất tuân lệnh Chúa, đã mong chờ từng phút từng giây. Phục Sinh: vạn vật ươm mầm sống mới. Phục Sinh: Chúa vinh thắng khải hoàn. Phục Sinh: bóng tối đã lùi xa và sự chết không còn muôn đời thống trị.

Chúa đã Phục Sinh! Vinh hiển Phục Sinh! Nhưng vấn đề là chúng ta đã sống tinh thần Phục Sinh. Nói một cách khác, liệu chúng ta đã sống, đã chuẩn bị tâm hồn cho Chúa Phục Sinh vào ngự trị? Hay bóng tối vẫn còn đầy? Và Thần Chết vẫn còn thống trị?

Như có một ông kia tính tình cau có mặt mày nhăn nhó lại thêm nghi ngờ vào mầu nhiệm Phục Sinh. Một đêm kia, ông nằm mơ gặp Chúa, liền hỏi: “Xin Chúa chứng tỏ cho mọi nguời thấy và hiểu việc Chúa sống lại?” Chúa liền đáp lại: “Làm sao ta có thể chừng minh Ta từ cỏi chết sống lại khi khuôn mặt con không phản chiếu ánh sáng và niềm vui Phục Sinh?”

Hay như Anthony de Mello, một linh mục dòng Tên người An Độ, nổi tiếng với nhiều sách chuyên khảo về tâm linh, kể câu chuyện về một con cá nhỏ đang tung tăng bơi lội.

Chợt nhiên, chú hỏi cá mẹ: “Mẹ ơi! Thế đại dương là đâu vậy Mẹ?” Cá mẹ trả lời đại dương là nơi mà chú đang tung tăng bơi lội. “Nhưng đây chỉ là ‘nước’thôi mà,” chú cá bé vùng vằng trả lời, rồi hối hả bơi đi nơi khác tìm kiếm đại dương.

Đôi khi chúng ta đã lãng phí qúa nhiều thời gian về một vài vấn nạn trong đời sống mà câu trả lời, phương thức giải quyết nằm ngay trước mặt chúng ta. Thậm chí, thường khi chúng ta nhìn sự vật nhưng lãng quên đi ý nghĩa đích thực của nó. Như chú cá nhỏ kia bơi đi tìm đại dương mà không thể hiểu rằng đại dương chính là khối nước nó đang bơi sống chung quanh.

Hay như Mai Đệ Liên -người đầu tiên (phụ nữ đầu tiên)- đến ngôi mộ trống nhưng không thể nào hiểu đựợc sự kiện lịch sử mà mình vừa đươc diễm phúc và vinh hạnh chứng kiến. Người thiếu phụ họ Mai đã run rẫy vì sợ hãi: “Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mồ và tôi không biết xác Thầy để đâu?”

Nghe như thế, cả Phêrô và Gioan, một già một trẻ, chạy ngay đến ngôi mộ trống. Họ hiểu điều Mai Đệ Liên không thể hiểu; thấy được điều Mai Đệ Liên không tài nào thấy: Chúa đã sống lại từ cỏi chết ngay trong ngôi mồ trống…

Nói một cách khác, Mai Đệ Liên, Phêrô và Gioan cùng chứng kiến chung một sự kiện, nhưng cả ba phản ứng khá khác biêt nhau.

Cũng thế, hạnh phúc đời sống chúng ta tùy thuộc cách chúng ta nhìn sự việc. Như hai người lính già nhìn qua khung cửa bệnh viện. Một người chỉ thấy những bức tường trắng lạnh câm. Người kia lại nhìn thấy trăng sao hoa lá. Và còn nghe được cả tiếng chim ca.

Gioan và Phêrô cùng đi đến mồ. Gioan trẻ chạy nhanh hơn còn Phêrô già lập cập bước theo sau. Nhưng có một chi tiết rất quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua: Gioan chạy đến mồ trước, nhưng không vào trong mồ. Nhưng khi Phêrô lom khom đến, ông vào ngay trong.

Gioan trẻ, tượng trưng cho lý trí. Phêrô già, biểu hiện cho đức tin. Chúng ta cần lý trí để củng cố đức tin. Và đức tin để hướng dẫn lý trí. Đức tin và lý trí cần bổ khuyết cho nhau. Như đêm và ngày. Không thể sống đời sống công giáo chân chính bằng những tích lũy của một con người chậm tiến. Ngược lại, không thể sống đời sống văn minh có lý trí tư duy, nếu không có đức tin.

Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều rất nhiều cơ hội học hỏi trãi rộng tầm nhìn. Nhưng như Gioan, họ ngập ngừng, ngại ngùng; thậm chí, ngờ vực. Trái lại, những thế hệ trước -lập cập như Phêrô, tuy không được học rộng hiểu nhiều, không thep kịp những kỷ thuật hiện đại tân tiến, nhưng những thế hệ này đã thấy đức tin. Và sống đức tin. Họ đã không một phút giây e ngại, chần chờ.

Họ đến. Họ thấy. Họ tin. Và họ sống.

home Mục lục Lưu trữ