Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1360626

VƯỜN NHO CỦA CHÚA

VƯỜN NHO CỦA CHÚA-  Trích Logos A

Bà Terri Schiavo, 41 tuổi, bị hư não, bất toại với đời sống thực vật suốt 15 năm. Bà đã qua đời ngày 31-3-2005 sau 13 ngày bị rút ống dẫn thức ăn uống theo ý của người chồng, trong khi cha mẹ và những người bảo vệ sự sống không đồng ý, vì muốn cho bà tiếp tục được sống. Thực vậy, việc rút máy tiếp ăn uống cho bà là không hợp với luân lý. Bà không hôn mê, không cần trợ sinh, bà chỉ cần chăm sóc cơ bản và sự trợ giúp tiếp nhận thức ăn và nước uống. Như lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong dịp tiếp đón 400 tham dự viên của Tổng hội nghị quốc tế, được tổ chức bởi liên đoàn thế giới của những hội y tế Công giáo và Hàn lâm viện Giáo hoàng về sự sống, vào ngày 20-3-2004, đã khẳng định : “Con người, thậm chí dù có bị ốm đau trầm trọng hay bị liệt cả thân thể, thì họ vẫn luôn là những con người, và sẽ không bao giờ trở thành “những con vật” hay những “loài vật”. Nhân phẩm của anh chị em chúng ta trong hoàn cảnh “dở sống dở chết” này phải được tôn trọng và gìn giữ một cách trọn vẹn.

Hành động làm cho bà Terri Schiavo chết một cách không tự nhiên này, đi ngược lại với giáo huấn của Hội Thánh (Dựa vào Tuyên ngôn về an tử của Thánh bộ giáo lý đức tin 1980, vào Giáo lý Công giáo và tài liệu của Hàn lâm viện Giáo Hoàng phục vụ sự sống. Với lý do : Không ai có quyền trên sự sống con người, quyền này thuộc về Thiên Chúa, và con người có bổn phận sống hòa hợp với tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa).

Vườn nho Israel

Thiên Chúa dựng nên con người vì yêu thương, Thiên Chúa muốn cho con người được thông hiệp vào tình yêu trọn vẹn của Ba Ngôi. Con người là vườn nho mà Thiên Chúa là chủ. Hình ảnh dân Do Thái là vườn nho là một hình ảnh quen thuộc mà tiên tri Isaia đề cập ( Is 5, 7 ).

 “Vườn nho địa đàng” đầu tiên đã bị phá vỡ, do con người bị Satan cám dỗ. Vì muốn làm chủ, muốn “cho mình được tinh khôn” bằng Thiên Chúa nên đã không vâng phục (x.St 3, 6). Ngôn sứ Isaia ví dân Israel là một vườn nho được Thiên Chúa chăm sóc, bảo vệ, hy vọng để nhận được hoa quả ngon ngọt. Thế nhưng, những giới chức tôn giáo, những kẻ chịu trách nhiệm lo cho vườn nho phát triển, thì lại làm suy thoái bằng cách giết những vị tiên tri và ngôn sứ của Chúa gửi đến, đến ngay cả Con một Chúa cũng bị chúng đóng đinh.

Vườn nho Israel mới

Cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô đã gầy dựng lại một vườn nho mới, chính là Hội Thánh. Vẫn là vườn nho của tình yêu, được gọi là “dân Thiên Chúa”, được chăm sóc một cách đăc biệt hơn, cẩn thận hơn, chu đáo hơn qua những lời dạy dỗ, những cử chỉ yêu thương đầy tình người có sức thuyết phục của Chúa Giêsu đối với mọi người, nhất là những người nghèo, người bị bỏ rơi. Chúa Giêsu còn thiết lập các Bí Tích mà Hội Thánh luôn gìn giữ như là kho tàng ân sủng quí báu để ban sức sống thần linh cho những ai tin vào Ngài. Tình yêu thương đến cùng và không giới hạn đó mời gọi mỗi người chúng ta tiếp sức để tha nhân đón nhận được sức sống mãnh liệt của chính Chúa Giêsu và dẫn đưa họ vào Hội Thánh Người.

Quyền lợi và trách nhiệm làm cho vườn nho phát triển

Chúng ta là những người được chọn, được quan tâm và được tín nhiệm. Thiên Chúa đã không ngần ngại trao cho mỗi người mỗi công việc, với sự tự nguyện đáp trả, không ép buộc, để chúng ta hoàn toàn tự do và sáng kiến hầu đem lại lợi ích cho vườn nho. Thuộc về vườn nho và làm cho phát triển, chính là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người. Đôi lúc với tính so sánh hơn thua, chúng ta nghĩ : mình không như những người Do Thái ngày xưa, bàn tay của mình vẫn còn tinh sạch vì không dính tới cuộc đổ máu của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Thực ra, không đơn giản như vậy, bởi chính trong từng ý nghĩ, hành động của ta có thể là nguyên nhân gây xung đột, bất hòa, chia rẽ. Những gì mà ta đang xúc phạm đến nhân phẩm của những người chung quanh bằng lời nói, việc làm là chúng ta cũng đang đi trên con đường chống lại Chúa và giết chết tình yêu Chúa.

Chúng ta đang lợi dụng những ân ban để “tự do phóng túng” muốn làm gì thì làm theo ý của mình, phung phí hết những khả năng, thời giờ vào những việc chẳng đem lại ích lợi cho đời sống đạo là một Kitô hữu. Trong hoàn cảnh của nền văn minh tiến bộ, người ta đang đề cao những thành quả có tính cá nhân, làm cho chúng ta cũng bị lôi cuốn vào đó. Tự khẳng định mình chỉ bằng những mục tiêu danh vọng, chức quyền. Chúng ta quên rằng bổn phận và trách nhiệm của người Kitô hữu là làm phát triển cộng đoàn, từ cộng đoàn nhỏ là gia đình đến cộng đoàn lớn hơn là giáo xứ … Vì chỉ nghĩ đến mình, nên nhiều lần ta đã làm cản trở đến sự hiệp nhất.  Biết bao lần lo toan cho những việc làm để mưu cầu cho đời sống cá nhân, bất chấp mọi phương tiện bất chính, kể cả những thủ đoạn gian dối, miễn sao đem lại ích lợi cho mình, để rồi làm hại đến người khác, gây tai họa cho môi trường sống. Như thế thì có khác chi những giới chức tôn giáo Do thái ngày xưa.

Vườn nho của Chúa bền vững muôn đời .

Dù bị con người phá vỡ bằng đủ mọi cách, nhưng vườn nho của Chúa vẫn luôn luôn bền vững. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và chờ đợi ngày này qua ngày khác, vẫn tạo điều kiện cho mỗi người có nhiều cơ hội ăn năn, và làm lại cuộc đời. Người không báo thù ngay từ đầu, mà luôn mở tấm lòng bao dung để chúng ta có dịp trở về với Người.

Những đầy tớ lần lượt được sai đến đều bị chối bỏ và giết đi. Người Con yêu dấu của Chúa Cha đến sau cùng là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết tất cả những gì đã xảy ra trước đó. Vì thế Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng để đến và đối diện với cái chết. Những người giết được Chúa Giêsu tưởng rằng như vậy sẽ chiếm đoạt được vườn nho. Nhưng không, chủ vườn nho “Thiên Chúa” đã đến và tước đoạt tất cả và họ bị diệt như những tên gian ác.

Những mưu toan, quyền lực của sự dữ không thể nào ngăn chận được chương trình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là tảng đá bị người ta loại bỏ lại trở nên nền móng để mọi thiện hảo được xây lên, là đá tảng góc nhà, để mọi người được liên kết chặt chẽ với nhau. Chính vì thế, chúng ta đừng lo lắng gì cả, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cứ cầu khẩn, van xin những điều cần với Thiên Chúa  (bài đọc 2).

Biết tin tưởng vào Chúa

Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng. Ngài thích làm những chuyện khác thường với những bình thường của con người. Chính vì thế, nếu ta sẵn sàng tín thác và dâng cho Người tất cả những gì ta có, và luôn biết cố gắng chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã giao, Thiên Chúa sẽ thực hiện được những điều kỳ diệu nơi ta.

Tất cả sẽ được định đoạt trong ngày sau hết của mỗi người. Không phải là những tội gây ra do sự lầm lẫn không biết, hay là những lần vô tâm nào đó. Chúng ta chỉ bị tước lấy tất cả, khi những việc chúng ta làm có ý thức, với một sự chống đối và khước từ có toan tính đối với tình yêu thương của Chúa, trải dài trong suốt cuộc sống. Thiên Chúa không xét xử oan sai ai bao giờ.

Một giáo sư Đại học đã đưa các sinh viên lớp xã hội đến khu nhà ổ chuột ở Baltimore để lập hồ sơ nghiên cứu về hoàn cảnh của 200 cậu bé sống ở đó. Sau chuyến đi, giáo sư yêu cầu các sinh viên viết bài thu hoạch nhận định về tương lai của từng cậu bé.  Các sinh viên đều kết luận : “Các cậu bé này không có cơ hội phát triển”.

Hai mươi năm sau, một giáo sư Xã hội học khác tình cờ xem lại hồ sơ nghiên cứu trước đó. Ông yêu cầu các sinh viên tiếp tục công trình ấy để điều tra số phận sau này của những cậu bé đó. Ngoài 20 trường hợp các cậu bé đã chuyển đi nơi khác hoặc không biết tin tức, các sinh viên nhận thấy rằng có 176 trong số 180 còn lại đều thành đạt trên mức bình thường, tất cả đã trở thành những luật sư, bác sĩ hay các doanh nhân thành công.

Vị giáo sư rất đỗi ngạc nhiên, ông quyết tìm hiểu kỹ hơn mọi chuyện. Rất may, các cậu bé ngày xưa vẫn sinh sống tại các khu lân cận nên ông có thể tiếp xúc với tất cả. Câu hỏi ông đặt ra là : “Đâu là nguyên nhân cho sự thành đạt của bạn hôm nay ?”. Trong tất cả các trường hợp, câu trả lời luôn đi kèm với sự xúc động : “Đó là nhờ một người thầy của tôi.”

Người thầy đó vẫn còn sống, nên vị giáo sư quyết tâm đi tìm và hỏi người phụ nữ, tuy cao tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn ấy rằng : phép lạ nào đã giúp bà cứu các cậu bé thoát khỏi khu nhà ổ chuột và đạt được những thành công như ngày hôm nay.

Đôi mắt của bà chợt sáng lên và với một nụ cười dịu dàng trên môi, bà nói : “ Điều đó rất đơn giản. Vì tôi có niềm tin vào những cậu bé đó.”

Chúa đã đặt niềm tin vào mỗi người. Chớ gì khi Chúa đến, thành quả của chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, để cùng với Chúa Giêsu Kitô được sống trong “vườn nho vĩnh cửu của Chúa”.

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN- Năm A

CHÚA LÀ ĐẤNG TRUNG TÍN- Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay chúng ta quan sát điều gọi là mầu nhiệm khước từ Thiên Chúa nói chung và cụ thể là Chúa Giêsu Kitô . Ngạc nhiên thay cho sự cứng đầu cứng cổ của con người trước tình yêu bao dung của Thiên Chúa.

Điều ấy ngụ ý nói, dụ ngôn này liên quan đến việc người Do Thái khước từ Chúa Giêsu: “Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó’. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.” (Mt 21, 37-39) Thật không thể hiểu nổi : Chúa Giêsu Kitô “Đấng Mêsia”, Đấng mà người Do thái mong đợi đến cứu dộ trần gian. Vậy mà khi Người đến, họ lại khước từ.

Khi tôi ở Đất Thánh, người ta có phát cho tôi một tờ hướng dẫn du lịch, trong đó có in thông tin về những người Do Thái nổi tiếng nhất trong lịch sử Do thái: từ Maisen, Giêđêôn và Giôsuê đến Ben Guriôn, người sáng lập Nhà nước Israel. Tuy nhiên, lại không có một chút thông tin nào về Chúa Giêsu. Dù Chúa Giêsu là người nổi tiếng nhất trong lịch sử Do thái : dầu đã chết cách đây gần 2000 năm, nhưng hôm nay cả thế giới biết đến.

Theo dòng thời gian những bậc vĩ nhân ấy luôn được tôn trọng nhưng không còn được yêu nữa. Ngày nay, người ta không thích Cervantê hay Michel Angelô. Trái lại, Chúa Giêsu là người được yêu thích nhất trong lịch sử. Trên thế giới có hàng ngàn người nam cũng như nữ đã hiến dâng mình cho Chúa. Có những người đã đổ máu đào vì Chúa, một số khác sống từng ngày cho Chúa.

Chúa Giêsu là người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Các giá trị đạo đức có hiệu lực ở mọi nơi đều có nguồn gốc Kitô giáo. Không chỉ vậy, mà còn hơn thế nữa, ngày nay Chúa Giêsu rất gần với thời đại chúng ta, ngay cả những người Do Thái, (“người anh cả của chúng ta trong đức tin”, nói theo kiểu Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II). Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách riêng cho người Do Thái đã hoán cải theo Chúa Kitô, những nhân vật vĩ đại này sẽ có lợi cho toàn thể thế giới.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với người Do thái, đồng thời phác họa lịch sử tương quan của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể trách cứ dân Israel hay cha ông họ là những tá điền sát nhân, vì chẳng những từ chối tình yêu thương của Thiên Chúa mà còn giết hại chính Con Một Ngài. Coi chừng câu nói : “Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó” (Mt 21,38) lại là của chính chúng ta. Bởi lẽ, ngày hôm nay chúng ta phải nói rằng Chúa Giêsu đã “bị quăng ra ngoài vườn nho,” bị quăng ra ngoài bởi những người xưng mình là Kitô hữu, hay là có khi phản Kitô hữu. Những lời nói của những tá điền vườn nho dội lên không bằng lời thì cũng ít nhất bằng những việc làm trong xã hội tục hóa ngày nay. Nhân loại tục hóa muốn làm người thừa tự, làm ông chủ.

Chúng ta tự hỏi: Tôi đã chuẩn bị thế nào để Chúa Kitô sống trong tôi? Tôi đáp trả tình yêu vô biên của Chúa dành cho tôi bằng cách nào? Tôi đã tình cờ quăng Người ra ngoài nhà tôi, ngoài sự sống của tôi; nghĩa là tôi đã quên và không biết Chúa Kitô chăng?

Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín. Tình yêu của Ngài mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của con người. Ngài tiếp tục sai chính Con Một Ngài đến trao nộp vì chúng ta để bảo đảm cho tới cùng tình yêu trao ban cứu độ thế gian.

Lịch sử nhân loại được hoàn tất nhờ cái chết trên Thập giá. Nhờ cái chết, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự dữ. Nhờ phục sinh, Thiên Chúa đã nâng con người lên bằng sức mạnh của tình yêu, Người đã tiêu diệt hận thù. “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc ” (Mt 21, 42), đền thờ Thiên Chúa được phục hồi. Vườn nho trở nên Vương Quốc của Giao Ước Mới, vì Nước Trời không bị phá hủy, từ nay “ Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái” (Mt 21, 43).

Ông chủ vườn nho nói : “Chúng sẽ nễ con Ta” (Mt 21, 37). Giờ đây, Cha trên trời sắp sai Con của Người đến với chúng ta trong Bí tích Mình và Máu Người. Ta có hiểu sự cao trọng lúc này không? Ta có sẵn sàng đón tiếp Người với sự sùng kính mà Chúa Cha mong đợi không?

Hôm nay chúng ta đọc lại lịch sử Dân Chúa chọn để lên án sự loại bỏ Đức Kitô do Chúa Cha sai đến. Nhưng cũng ý thức về sự khốn cùng của chúng ta khi loại bỏ “viên đá góc”, lúc chúng ta có ý xây dựng thế giới này theo tiêu chí của chúng ta, tự coi mình là những ông chủ vườn nho của Chúa.

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ” (Lời nguyện Nhập lễ). Amen.

home Mục lục Lưu trữ