Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 66
Tổng truy cập: 1361012
XIN CHO CON ĐI TRÊN MẶT NƯỚC
XIN CHO CON ĐI TRÊN MẶT NƯỚC
(Trích trong ‘Manna’ - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Giữa lúc dân chúng định tôn Đức Giêsu làm Vua, sau khi đã được no nê bánh và cá, thì Ngài lại giải tán họ, và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia.
Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.
Chỉ còn một mình Đức Giêsu, cầu nguyện. Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Đấng sai Ngài. Nhưng Đức Giêsu không quên các môn đệ. Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình. Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.
Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến. Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi. Đức Giêsu trấn an họ: "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ."
Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị: "Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy."
Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.
Phêrô có thể chỉ cần nói: Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng. Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.
Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.
Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.
Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: "Cứ đến."
Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Đức Giêsu.
Thật không thể tưởng tượng nổi, mặt nước trở nên cứng như đá, hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.
Phêrô đi được bao xa, ta không rõ, nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi: "Đúng là Thầy rồi!"
Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước, nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.
Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô, những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.
Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đi với sóng, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển. Ông chỉ kịp kêu lên: "Lạy Thầy, xin cứu con". Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.
"Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!"
Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và nhận chìm ông xuống.
Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối chỉ vì Chúa buộc phải ra đi, khi dám xin đi trên mặt nước dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.
Gợi Ý Chia Sẻ
Qua đoạn Tin Mừng trên đây, bạn có thấy Đức Giêsu là một nhà huấn luyện giỏi để cho các môn đệ trưởng thành hơn trong đức tin không?
Thánh Phêrô đã có kinh nghiệm đi trên mặt nước. Trong đời bạn, bạn có một kinh nghiệm kinh khủng tương tự như thế không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.
2.Xin cứu con – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.
Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.
Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.
Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.
Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),
dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.
Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).
Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.
Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.
Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.
Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.
Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.
Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.
Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.
Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không?
Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.
Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.
Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.
Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.
Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).
Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.
Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.
Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ!” (c. 27).
Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.
Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).
Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.
Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.
Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.
Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.
Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.
Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.
Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).
Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?
Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.
Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.
Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.
Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.
Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.
Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.
Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.
Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.
Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.
Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.
Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.
Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.
Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.
Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
in cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.
3.Chúa Nhật 19 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Cầu Nguyện
Không rõ lúc nào thì con thuyền các môn đệ gặp gió ngược.
Có gió thì có sóng, sóng đánh làm thuyền chòng chành.
Thuyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Tiến tới bờ bên kia thì không được, mà về cũng không xong,
vì con thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm.
Các môn đệ phải tự mình đương đầu với sóng gió.
Tay chèo của họ mệt mỏi giữa đêm khuya.
Không có Thầy Giêsu ở đây, trong khoang thuyền này.
Tại sao Thầy bắt họ phải qua bờ bên kia ngay lập tức?
Tại sao Thầy không hoãn đến sáng mai, vì đâu có gì mà vội?
Bây giờ Thầy đang làm gì một mình ở chỗ hoang vắng đó?
Thầy có biết các môn đệ vì vâng lời Thầy mà gặp rắc rối không?
Có một thứ sóng gió nào đó đang xôn xao trong lòng họ.
Thầy Giêsu đến với họ lúc trời còn tối, nên chẳng ai nhận ra.
Ngài đến với họ ngay giữa sóng gió, Ngài đạp lên sóng mà đi.
Các môn đệ thấy bóng người đi trên mặt nước.
Hoảng hốt và sợ hãi, họ tưởng mình thấy ma.
Họ nghĩ chỉ có ma mới đi trên mặt nước được.
Nhưng đây không phải là ma, đây là người Thầy của họ.
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
Vậy mà Phêrô vẫn chưa nhận ra giọng nói và khuôn mặt của Thầy.
Ông muốn đưa ra một trắc nghiệm để kiểm chứng.
“Nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên nước để đến với Ngài.”
Nếu ông đi được trên nước thì người kia mới đúng là Thầy Giêsu.
Ông xác tín rằng điều Thầy làm được, Thầy cũng cho trò làm được.
Phêrô tự đặt mình vào một thách đố không dễ dàng.
Thầy Giêsu chấp nhận thách đố này và mời Phêrô: “Hãy đến!”
Thầy đã đi trên sóng nước để đến với ông.
Nay Thầy mời ông đi trên sóng nước để đến với Thầy.
Chúng ta cần hình dung giây phút Phêrô đặt chân trên mặt nước.
Mặt nước đang có sóng lớn vì gió mạnh.
Ông có ngần ngại khi bước ra khỏi thuyền không?
Ông có dám tin mình sẽ đi được trên nước không?
Phêrô đã làm gì để chiến thắng sự sợ hãi đang đè nặng?
Chúng ta chỉ biết ông đã thắng được chính mình,
đã ra khỏi thuyền, đã đặt chân trên sóng nước và bước đi.
Không rõ người ông trở nên nhẹ hay mặt nước trở nên cứng.
Càng bước đi, ông càng xác tín rằng đúng là Thầy rồi.
Và ông cứ hướng về phía Thầy mà tiến bước.
Nhưng ngay cả khi tin Thầy đang ở trước mặt mình,
Phêrô cũng bị chao đảo vì một cơn gió mạnh bất ngờ ập tới.
Ông sợ hãi và chìm xuống, nên ông la to xin Thầy cứu mình.
Thầy Giêsu lập tức đưa bàn tay ra nắm lấy ông.
Thầy trách ông đã nghi ngờ, dù chỉ trong một giây phút.
Nghi ngờ là dấu hiệu của lòng tin còn non yếu.
Lòng tin này có thể lung lay trước những biến động của cuộc đời.
Thật cảm động cảnh Thầy Giêsu nắm tay Phêrô và đưa ông về thuyền.
Gió vẫn chưa ngừng, sóng vẫn đánh.
Nhưng Phêrô yên tâm đi bên Thầy, đạp trên sóng gió mà đi.
Chỉ khi Thầy trò về thuyền, gió mới lặng.
Kinh nghiệm của Phêrô cũng là kinh nghiệm của các kitô hữu.
Kinh nghiệm bị ép phải qua bờ bên kia ngay lập tức,
trong hoàn cảnh trời tối, ngược gió, và không có Thầy gần bên.
Kinh nghiệm hoảng hốt vì Thầy đến mà mình không nhận ra.
Kinh nghiệm hạnh phúc đi được trên nước để đến với Thầy,
và rồi bị chìm, dù biết Thầy ở ngay trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy dắt về thuyền trong bình an.
Bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong từng kinh nghiệm.
Tất cả dẫn đến kinh nghiệm cuối là nhận ra Con Thiên Chúa
đang ở trong cùng thuyền với Hội Thánh hôm nay (Mt 14,33).
Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.
Chúa không tránh cho đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.
Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.
4.“Đừng sợ!”
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Trong những ngày này, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 đang bùng phát và có nguy cơ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng tại đất nước chúng ta. Mọi người đều lo lắng hoang mang, nhất là tại một số tỉnh thành có nhiều người nhiễm bệnh, được coi như ổ dịch. Những biện pháp phòng và chống dịch bệnh đã được triển khai với hy vọng dịch bệnh sẽ sớm bị khống chế. Giữa bối cảnh đầy lo âu và hoang mang lo lắng, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: “Đừng sợ!”.
Mặc dù đã theo Chúa được một thời gian, quan niệm và niềm tin của các môn đệ vào thày mình vẫn còn non nớt và lệch lạc. Nhiều lần họ bị Chúa quở trách là yếu lòng tin, hoặc chỉ nhìn mọi việc theo quan niệm trần tục. Thánh Matthêu hôm nay kể lại, khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ, các ông tưởng là ma và sợ hãi kêu la. Chúa Giêsu trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thày đây, đừng sợ!”. Xem ra ông Phêrô vẫn chưa tin đó là Thày Giêsu, nên đưa ra một đề nghị đồng thời cũng là một thách thức: “Nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Những gì được trình bày tiếp theo trong trình thuật cho chúng ta thấy: nếu Chúa sẵn sàng chấp nhận thách thức đó, thì con người lại không đủ can đảm và niềm tin. Phêrô cũng bước đi trên mặt biển, nhưng chẳng vững được bao lâu, vì đức tin của ông dao động, nên ông có nguy cơ chết đuối. Sự sợ hãi của con người khiến họ nghi ngờ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Cũng vì sợ hãi, mà có nhiều người tín hữu mang một niềm tin hỗn tạp, tức là vừa tin vào Chúa và cũng tin vào các thần linh qua những thực hành mê tín dị đoan đi ngược lại với giáo huấn của Chúa. Như thế, niềm tín thác vào Chúa đòi hỏi vượt lên mọi nghi ngờ, đến mức chấp nhận mọi rủi ro, vì tin có Chúa luôn phù giúp.
Giữa cơn hoạn nạn do đại dịch Covid-19, có những câu hỏi được đặt ra: Thiên Chúa ở đâu mà không cứu giúp con người? Câu hỏi này không mới, nhưng nó được đặt ra ở mọi thời đại, giữa chiến tranh tàn khốc, giữa các cuộc diệt chủng, giữa nạn đói hoặc thiên tai. Thiên Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta. Đau khổ luôn là một huyền nhiệm. Con người cố gắng tìm hiểu mà không có câu trả lời thoả đáng. Tuy vậy, chúng ta xác quyết rằng: Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân gây nên sự dữ, vì như thế là đối nghịch với bản tính của Ngài là tốt lành và nhân hậu bao dung. Đau khổ do chính con người tạo ra, bằng cách này hay cách khác, chủ quan hay khách quan. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, đói khát là do con người tàn phá thiên nhiên, làm mất đi sự quân bình sinh thái Chúa đã tạo dựng. Một số người giàu sống ích kỷ co cụm. Một số quốc gia độc tài không quan tâm đến công bằng xã hội và quyền lợi nhân phẩm của con người. Cũng phải kể đến sự lãng quên Thiên Chúa, thậm chí loại trừ Ngài ra khỏi gia đình và cuộc sống. Sự kiêu ngạo lớn nhất của con người thời nay là tự coi mình có khả năng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến sinh mạng, cuộc sống, hiện tại và tương lai. Họ không cần đến Thiên Chúa. Họ coi Ngài như vật cản đà tiến của xã hội và hạn chế tự do của con người. Giữa một cuộc đời đầy bất ổn, Chúa vẫn nói với chúng ta: “Đừng sợ!”.
“Đừng sợ!”, vì Chúa là Đấng quyền năng. Ngài tạo dựng nên vũ trụ và muôn vật muôn loài từ hư vô, đồng thời điều khiển vũ trụ trong trật tự kỳ diệu. Chúng ta gọi Chúa là Đấng Quan phòng, tức là Ngài yêu thương, che chở và hướng dẫn chúng ta là tạo vật của Ngài. Tin vào quyền năng của Chúa sẽ giúp con người tìm thấy bình an. Bài đọc I kể với chúng ta: ngôn sứ Elia đang gặp nguy hiểm trước sự truy đuổi của vua Akháp, sau khi thách thức với 450 tiên tri thờ thần Ba-an trên núi Carmen. Trong khi các tiên tri thần Baan kêu cầu, hô hoán, rạch mình mẩy mà không có hiệu quả, thì ông Elia đã chiến thắng khi cầu nguyện xin lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ. Sau cuộc đấu này, vua Akháp và hoàng hậu tìm giết ông. Ông tìm đến núi Khôrép để gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ này giúp ông xác tín vào sứ mạng, đồng thời giúp ông lấy lại tinh thần và nghị lực để tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa trao. Thiên Chúa không tỏ mình trong bạo lực, động đất, núi lửa, nhưng trong làm gió hiu hiu, tượng trưng cho sự thanh bình, khiêm tốn và an hoà.
“Đừng sợ!”, vì Chúa là Cha yêu thương. Đức Giêsu đã dùng nhiều câu chuyện dụ ngôn để diễn tả tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Ngài là Cha nhân hậu, luôn muốn cho con cái mình những điều tốt lành. Ngài cũng luôn bao dung tha thứ những lầm lỗi của con người, với ước mong cho họ được hạnh phúc đời này cũng như đời sau. Tín thác vào tình thương của Chúa, chúng ta không còn sợ hãi, nhưng cảm nhận sự bình an trong cuộc đời, nhất là sự bình an nội tâm, “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”.
“Đừng sợ!”, vì Chúa là Đấng chữa lành những vết thương tinh thần và thể xác của con người. Chúa Giêsu là gương mặt dịu hiền đầy thương xót của Chúa Cha. Người đã chữa lành mọi thứ bệnh tật, kể cả sự chết và tội lỗi. Hãy đến với Chúa để được Ngài băng bó tâm hồn tổn thương của chúng ta. Hãy đến với Chúa để được Ngài chữa lành những bệnh tật thể xác và tâm hồn. “Đức tin đã cứu con!”, nhiều lần Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế. Đến với Chúa mang theo niềm tín thác cậy trông, chúng ta sẽ được Chúa chữa lành.
“Đừng sợ!”, vì Chúa là Đấng Thẩm phán chí công. Cuộc sống hôm nay, thật giả lẫn lộn, nhiều người mất niềm tin nơi đồng loại. Hãy chuyên tâm làm việc thiện, không phải lấy tiếng khen của người đời, nhưng là để thực hiện lời Chúa dạy. “Đong đấu nào, sẽ nhận lại đấu ấy”, Chúa không để ai bị thiệt thòi và không để lòng quảng đại bị quên lãng. Thực tế đã chứng minh điều ấy. Mặc dù bị hiểu lầm, Tông đồ Phaolô vẫn không nản chí, vì ông tin có lương tâm và có Chúa Thánh Thần làm chứng cho sự trung tín ngay thẳng của mình (Bài đọc II).
“Đừng sợ!”, vì Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời, dù nhiều khi ta không nhận ra Ngài. Đừng nghĩ là một “bóng ma” ám ảnh đời ta, nhưng là Ánh sáng, là Đấng soi đường về chân hạnh phúc. Hãy kêu cầu Chúa và hãy xác tín nơi Ngài. Trình thuật của Mátthêu cho thấy lòng tin của ông Phêrô các môn đệ đã được phục hồi sau khi Chúa nắm lấy tay Phêrô để kéo ông lên. Các ông bái lạy Người và thốt lên: “Quả thật Người là Con Thiên Chúa”. Các ông đã mạnh mẽ tuyên xưng Đức tin và đẩy lui nỗi sợ hãi.
Giữa cuộc đời bấp bênh và đầy nguy cơ này, chúng ta hãy đến với Chúa. Xin Người kéo chúng ta lên khỏi nỗi sợ hãi trước những hiểm nguy đang rình rập chúng ta. Có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ vui tươi và an bình.
5.“Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!”
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.)
1. Đức Giê-su một nơi, các môn đệ một nơi (c. 22-24)
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, “Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước”. Với phép lạ bánh hóa nhiều, chắc chắn đã tạo ra nơi các môn đệ sự gắn bó nào đó: vinh quang của Thầy được tỏ hiện, sự thán phục của đám đông đối với Thầy, nhưng các môn đệ cũng được hưởng nữa, bánh dư tràn, và những mối tương quan với nhiều người được dệt nên qua biến cố đặc biệt này. Nhưng, đã đến lúc phải bỏ lại tất cả, vì Chúa muốn các môn đệ phải “sang bở bên kia”.
a. Chiêm ngắm Đức Giê-su
Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su. Chính Ngài giải tán đám đông chứ không phải các môn đệ ; bởi vì Đức Giê-su mới là mục tử ; đoàn chiên, là đoàn chiên của Người ; và chính Người nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không phải các môn đệ.
Sau đó, Đức Giê-su núi cầu nguyện một mình suốt đêm. Chúng ta có thể hình dung ra Đức Giê-su đang cầu nguyện, và lắng nghe Ngài cầu nguyện. Về điều này, Tin Mừng theo thánh Gioan kể lại cho chúng ta rất nhiều (x. Ga 14-17). Chúng ta có thể đoán ra rằng, một phần quan trọng của thời gian cầu nguyện mà Đức Giê-su thực hiện là việc “nhận định thiêng liêng”: phải bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa của Ngài như thế nào và bằng con đường nào: con đường mà ma quỉ gợi ra trong sa mạc và cũng là con đường mà các môn đệ mong chờ? Hay con đường mà Chúa Cha muốn từ thủa tạo thiên lập địa và được ghi khắc trong sáng tạo và trong lịch sử cứu độ? Con đường đáp ứng mọi nhu cầu của con người bằng quyền năng và những phép lạ cả thể, như bánh hóa nhiều? Hay bằng con đường của hạt lúa mì, con đường trở nên lương thực cho con người (x. St 1, 29), con đường mang lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền của loài người, con đường băng qua Biển Đỏ Sự Chết? Thánh sử Gioan làm rõ hướng đi này của Đức Giê-su, khi kể lại lời nói của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống, ngay sau phép lạ bánh hóa nhiều (x. Ga 6).
b. Chiêm ngắm các môn đệ
Các môn đệ được Đức Giê-su mời gọi xuống thuyền để sang bờ bên kia. Trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, chúng ta vẫn cứ thỉnh thoảng lại phải “sang bờ bên kia” ; và sẽ đến lúc, và lúc đó không thể tránh được, chúng ta phải sang bờ bên kia của sự chết. Những lúc như thế, hành trình “sang bờ bên kia” đều chất chứa những bấp bênh và thách đố, và nhất là phải hi sinh và từ bỏ rất nhiều, như các môn đệ bị Đức Giê-su bắt phải bỏ lại tất cả, xuống thuyền, ra khơi xa, để sang bờ bên kia. Quả vậy, một thử thách rất lớn ở giữa lòng biển cả đang chờ các môn đệ, và chắc chắn đó sẽ là thử thách không bao giờ quên:
Các môn đệ ở trên thuyền, thuyền ở giữa Biển Hồ: lúc đó là ban đêm và trên thuyền không có Thầy Giê-su.
Một hoàn cảnh như thế đã là một thử thách rồi, vì trong đêm tối và ở giữa biển, nên các môn đệ không còn thấy bở bến, có thể mất hướng đi và bị biển vùi dập và nuốt trửng bất cứ lúc nào. Nhưng, thêm vào đó, con thuyền bị sóng đánh vì gió ngược nữa, khiến các môn đệ phải vất vả chèo chống.
Vẫn chưa hết thử thách, vì Đức Giê-su biết rõ hoàn cảnh thử thách của các môn đệ, nhưng mãi canh tư Ngài mới đến, nghĩa là mãi đến rạng sáng!
Thử thách của các môn đệ nói về hay làm chúng ta nhớ tới những thử thách riêng của mỗi người chúng ta. Vậy đâu là những thử thách mà chúng ta đang phải đối diện? Nhưng Lời Chúa trong trình thuật Tin Mừng này còn mời gọi chúng ta phải biết nhận định để nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong lòng thử thách.
2. Đức Giê-su đến với các môn đệ (c. 25-31)
a. Các môn đệ và Đức Giê-su
Chúng ta hãy nhìn ngắm, lắng nghe và quan sát các môn đệ, khi họ thấy Đức Giê-su đi trên mặt nước đến với họ. Khi các môn đệ của Đức Giê-su đang bị vùi dập giữa sóng nước mênh mông và dữ dằn trong đêm tối, Ngài không đưa họ ra khỏi thử thách này, nhưng Ngài “vượt qua” biển cả hung tợn và chết chóc để gặp gỡ các môn đệ ngay giữa lòng thử thách. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp loan báo Ngài sẽ đi vào cõi chết để gặp gỡ chúng ta trong thử thách tận cùng là sự chết, để nói với chúng ta rằng: “Thầy đây, đừng sợ, vì Thầy mạnh hơn sự chết”. Nếu chúng ta đang ở trong thử thách, vậy thì đâu là cách thức Đức Giê-su đi đến và hiện diện cùng với chúng ta trong thử thách?
Cách Ngài đến thật lạ lùng, đến độ các môn đệ tưởng là ma, do đó họ rất hoảng hốt, bởi vì Ngài đi trên mặt biển mà đến với các ông! Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ: ở giữa biển và trong cảnh “tranh tối tranh sáng”, bỗng nhiên có người đi thẳng tới! Sau này, các ông cũng sẽ hốt hoảng tưởng là ma, khi Đức Ki-tô từ cõi sống lại, nghĩa là vượt qua biển cả sự chết, tỏ mình ra cho các môn đệ. Và làm sao không hốt hoảng được, khi một người đã được chôn táng cẩn thận rồi, mà này lại “trở về”!
Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Giê-su: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”. Ở giữa lòng thử thách của biển cả và sau này, trong cơn sầu khổ của cuộc Thương Khó, các môn đệ tự mình không thể nhận ra Đức Ki-tô hằng sống ; nhưng Ngài phải ra dấu cho các môn đệ bằng cách “lên tiếng”. Thật vậy, với bà Maria Ma-đa-lê-na đang khóc bên mộ, Đức Ki-tô đã gọi tên của bà: “Maria” ; với hai môn đệ đang buồn rầu thất vọng trên đường Emmau, Đức Ki-tô phục sinh đã âm thầm đồng hành và giải thích thử thách Thương Khó của Ngài dưới ánh sáng của Sách Thánh ; và với các môn đệ đang ở giữa thử thách của biển cả, Đức Giê-su lên tiếng: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”.
Và trong mọi thử thách của chúng ta, thử thách của thân phận và của số phận, Đức Ki-tô vẫn luôn lên tiếng, nói với chúng ta: “Thầy đây, đừng sợ”, vì Ngài đã trải qua tất cả và đã vượt qua tất cả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phải ở tận cùng của khó khăn và thử thách, Người mới đến và đến cách lạ lùng để cứu giúp và mở đường cho chúng ta đi ; và sau này, Chúa sẽ cứ để chúng ta chết đi, nghĩa là chúng ta phải đi vào trong bóng đêm của biển cả sự chết ; và chỉ sau đó, Đức Ki-tô Phục Sinh, là Đấng chiến thắng sự chết, mới đến đón chúng ta ở bở bên kia của sự chết.
b. Ông Phê-rô và Đức Giê-su
Ngay sau khi Đức Giê-su lên tiếng, ông Phê-rô liền thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Lời yêu cầu này của Phê-rô vừa diễn tả sự nghi ngờ, vì ông nói: “Nếu quả là Ngài…”, và vừa diễn tả cá tính đặc biệt của ông: nhanh nhẹn, thẳng thắn, can đảm, không sợ hãi và rất gắn bó với Thầy Giê-su.
“Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm”. Khi sợ hãi, thì tất yếu bị lún chìm ; và lời của Đức Giê-su mặc khải cho biết lí do của sự sợ hãi: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”. Ngài đưa tay nắm lấy ông, rồi Ngài mới trách. Nếu không sẽ quá muộn! Như thế, lún chìm là hậu quả tất yếu và tự tại của sự hoài nghi ; ngược lại, khi tin tưởng, chúng ta sẽ vững bước và vượt qua thử thách thân phận, số phận, sự dữ và tội lỗi, bởi vì lòng tin có sức mạnh cứu độ, như Đức Giê-su nói: “lòng tin của con đã cứu con” (x. Lc 7, 50 và Mt 17, 19-20).
Nhưng, một cách sâu xa hơn, điều ông Phê-rô xin, cũng chính là cách thức mà mỗi người môn đệ được mời gọi đến với Đức Giê-su: như Phê-rô, người môn đệ cũng phải “đi trên mặt nước” để đến với Đức Giê-su. Hình ảnh “đi trên mặt nước” thật là ý nghĩa: chẳng dựa vào gì hết, chỉ dựa vào Lời Chúa thôi, nhưng đầy hiểm nguy sóng gió và có nguy cơ lún chìm. Chúng ta cũng phải “đi trên mặt nước” để đến với Đức Giê-su, chắc chắn chúng ta sẽ sợ hãi, chúng ta la lên: “Chúa ơi, xin cứu con!”, và Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy chúng ta.
3. “Ngài là Con Thiên Chúa” (c. 32-33)
“Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay”. Như thế, ở đâu có Đức Ki-tô hiện diện, thì ở đó sóng yên gió lặng. Chúng ta hãy khát khao có được kinh nghiệm này: lòng chúng ta được “sóng yên gió lặng”, khi chúng ta mở rộng lòng quảng đại đón nhận Đức Ki-tô vào con thuyền cuộc đời hay con thuyền tâm hồn của chúng ta, cho dù chúng ta đang phải sống trong thử thách hay cơn khốn khó. Xin cho chúng ta nghiệm được sức mạnh chiến thắng sự chết và những gì thuộc về sự chết, mỗi khi có Đức Ki-tô Phục Sinh hiện diện.
Lúc nãy các môn đệ tưởng Ngài là “ma”, bây giờ họ tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài sẽ bày tỏ căn tính Con Thiên Chúa của Ngài một cách thực sự và trọn vẹn khi chiến thắng vượt qua Sự Dữ và Sữ Chết trong mầu nhiệm Vượt Qua.
***
Ở giữa lòng thử thách, Đức Giê-su đến cứu giúp, nhưng các môn đệ lại hốt hoảng ; và theo thánh Mác-cô, lí do là vì: “các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều, lòng trí các ông còn ngu muội” (Mc 6, 52). Lý do được nêu ra ở đây thật là lạ: phép lạ bánh hóa nhiều (x. Mt 14, 13-21), vừa được Đức Giê-su thực hiện có liên quan gì đến thử thách các môn đệ vừa trải qua?
Câu hỏi này thật đáng cho chúng ta suy gẫm. Thực vậy, nếu các môn đệ và cả chúng ta hôm nay nữa, hiểu và tin vào quyền năng của Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta no đầy trong cơn đói khát, Đấng đã đưa chúng ta từ hư vô vào trong sự sống, Đấng hi sinh chính sự sống của mình vì chúng ta, Đấng vẫn nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày bằng Lời và Mình của Ngài, thì sẽ không hốt hoảng sợ hãi và dễ dàng nhận ra Chúa vượt qua tất cả để đến gặp gỡ chúng ta ngay trong bóng tối của thử thách, của Sự Dữ, của tội lỗi và của chính sự chết.
6.Lạy Thầy xin cứu con - ViKiNi
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam