Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 62
Tổng truy cập: 1356391
XÚC PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN
XÚC PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN
JM. Lam Thy ĐVD
Bài Tin Mừng (CN X/TN-B – Mc 3,20-35) trình thuật Đức Ki-tô bị đám kinh sư Do Thái cho rằng Người bị qủy vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Sở dĩ vậy, vì Đức Ki-tô đã chữa lành cho rất nhiều bệnh nhân mắc đủ thứ bệnh; đồng thời Người còn trục xuất những thần ô uế ra khỏi bệnh nhân, khiến chúng nhìn thấy Người là hô lên: “Ông là Con Thiên Chúa”, nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai (Mc 3, 10-12).
Chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ chữa bệnh, trừ quỷ… do Đức Ki-tô thực hiện, nhất là thấy dân chúng đi theo Người rất đông; đám kinh sư, luật sĩ Do Thái liền “rình xem Đức Giê-su có chữa người bệnh trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người…, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.” (Mc 3, 2-6). Vì nhóm kinh sư luật sĩ bất cứ chuyện gì, bất cứ lúc nào, chúng cũng gài bẫy hoặc tìm cớ giết Đức Ki-tô, chuyện đó còn khả dĩ hiểu được; nhưng đến như những thân nhân của Người cũng đi bắt Người vì cho rằng Người đã mất trí (“Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” – Mc 3, 20-21), thì quả thật “hết biết”!!!
Riêng về chuyện đám kinh sư cho rằng Đức Giê-su bị quỷ ám (“Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ… Ông ấy bị thần ô uế ám.” – Mc 3, 22.30), Đức Ki-tô “liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” (Mc 3, 23-27). Cuối cùng, Đức Ki-tô nói thẳng cho họ biết: họ nói Người bị thần ô uế ám thì mặc nhiên họ đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần và như thế thì không tha thứ được (“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”
Thánh sử Mat-thêu và Lu-ca cũng nói rõ: “Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” (Mt 12, 31-32); “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” (Lc 12, 10). Khi đi chia sẻ tại các huynh đoàn Đa Minh mà gặp phải bài Tin Mừng như hôm nay, chúng tôi thường bị chiếu bí: “Xin cho biết tại sao tội “nói phạm thượng (phạm đến Chúa Cha), tội nói phạm đến Con Người (Đức Giê-su), thì được tha hết; duy chỉ có nói phạm đến Thánh Thần là không được tha? Xúc phạm đến Ngôi Cha và Ngôi Con thì được tha mà Ngôi Ba lại không được tha – Lạ lùng quá!!!”
Quả thật là hết sức lạ lùng! Bị chiếu bí, về cố gắng lục tìm tài liệu thì chỉ tìm được trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1864): “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha.” (Mt 12, 31) (x. Mc 3, 29; Lc 12, 10). Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho (x. DV 46). Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời.” Vẫn chưa thấy rõ ràng, đành lại mò mẫm trên mạng để cố tìm cho ra đáp số. Cuối cùng thì cũng tạm thỏa mãn. Xin được trình bày:
Kinh Thánh nói đến Chúa Thánh Thần bằng nhiều danh xưng như: Thần Khí, Thần Chân Lý, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ… (Giáo lý HTCG số 691-693). Vì là Ngôi Ba Thiên Chúa kết hợp mật thiết với Ngôi Cha và Ngôi Con, nên Thánh Thần đã hiện diện cả trong Cựu Ước và Tân Ước, suốt dọc quá trình lịch sử cứu độ từ khởi nguyên đến tận cùng. Ngay từ tạo thiên lập địa, Thánh Thần đã hiện diện trong sáng tạo vũ trụ và loài người của Thiên Chúa (“Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” – St 1, 1-2; “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khívào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” – St 2, 7-8).
Thời kỳ Cựu Ước cũng vậy, Thánh Thần luôn hiện diện để soi sáng và hướng dẫn các tiên tri, ngôn sứ – nói chung là dân Chúa – trong mọi trường hợp, điển hình như “Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi.” (1Sm 16, 1-13); “Thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên ông Ê-li-sa.” (2V 2, 15) v.v… Không chỉ có sách Sa-mu-en và sách Các Vua như vừa dẫn, mà hầu hết các sách Cựu Ước đều trình thuật những sự kiện chứng minh có sự tác động rất mạnh của Thần Khi vào những việc Thiên Chúa thực hiện thông qua các ngôn sứ, tư tế hay các vua (xc. St 1, 2; G 33, 4; Ed 37, l4; G 34, 14-15; Dcr 7, 12; Mk 3, 8; Ds 11, 16-17.25-26; Ds 27, 28-33; Đnl 34, 9 v.v…),
Đến thời Tân Ước thì phải nói một điều Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong tất cả mọi sự kiện diễn ra trên trái đất, cụ thể là nơi vùng đất được tuyển chọn (It-ra-en). Chính Đức Giê-su cũng luôn luôn nhắc đến vai trò đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng chính là Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4, 24). Không những Đức Ki-tô giảng dạy cho các môn đệ hiểu về sức mạnh và sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng; mà chính Người cũng luôn chịu sự tác động của Thánh Linh khi Người chịu phép rửa tại sông Gio-đan (Mt 3, 13-17), khi Người được Thần Khi dẫn vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4, 1-11), khi Người giảng dạy (Mt 10, 19-20 ; Ga 7, 38-39 ; Ga 14, 16-18 ; Ga 15, 26 ; Ga 16, 7-8…) và thậm chí cả khi Người chịu chết trên thập tự rồi sống lại hiển vinh (“Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết.” – Rm 8, 11; – xc thêm Mt 22, 43-44; Tv 110; Cv 1, 16; Cv 28, 15; 1Pr 1, 10-11; 2Pr 1, 20-21; 2Tm 3, 16; Dt 3, 7 v.v…).
Nếu không có sự phù giúp vô cùng hữu hiệu của Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể lớn lên trong sự thánh thiện và khôn ngoan, cũng như không thể chu toàn được sứ mệnh mà Chúa Ki-tô đã trao phó trước khi Người về trời. Vì thế, Giáo hội luôn cầu xin ơn Thánh Linh trước khi làm bất cứ việc lớn nhỏ nào. Và phong trào, đoàn thể nào có mục đích xin ơn Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống thiêng liêng, thêm yêu mến Chúa Ki-tô và ơn cứu độ của Người, thì đều được Giáo hội khuyến khích, nâng đỡ. Nói chung, toàn thể Ki-tô hữu (bao gồm tất cả Giáo sĩ và Giáo dân) đều rất cần ơn Chúa Thánh Linh để sống và tuyên xưng đức tin và mời gọi thêm nhiều người khác nhận biết và tin Chúa Ki-tô, là Đấng duy nhất cứu chuộc loài người qua Hy tế Thập giá.
Điều đó cho thấy, nếu con người còn tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, thì mọi tội lỗi đều có thể được tha thứ. Vậy, nếu nhờ Thánh Thần mà nhận biết Đức Chúa là Cha nhân lành để chạy đến xin tha thứ mọi lỗi phạm vì yếu đuối, vì lầm lạc; thì điều kiện để được tha thứ là phải nhìn nhận tội lỗi của mình và đặt hết tin tưởng nơi lòng thương xót, thứ tha của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu chối từ Thiên Chúa, thất vọng hoàn toàn về tình thương tha thứ của Người, cũng như không còn tin và yêu mến Ngôi Cha và Ngôi Con nữa, là xúc phạm nặng nề đến chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã giúp người tín hữu nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhận biết công trình cứu chuộc vô giá của Chúa Ki-tô, cũng như giúp mọi người nhìn nhận tội lỗi đã phạm.
Chúa Thánh Thần cũng là Đấng đã nung lửa yêu mến Thiên Chúa trong lòng mọi tín hữu. Do dó, xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là không tin mọi công việc Người đã làm trong linh hồn mỗi người tín hữu và trong Giáo hội của Chúa Ki-tô. Tắt một lời: xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là xúc phạm đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Căn cứ vào những phân tích ở trên, có thể nói tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội mang nội dung: * Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng thương xót và tha thứ. * Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Ki-tô. * Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mạc khải cho con người. * Không còn nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin được tha thứ. * Thất vọng về ơn cứu rỗi của mình. * Ngoan cố trong tình trạng tội lỗi. * Thà chết mà không chịu hối cải.
Tóm lại, khi con người đã có những định kiến sai lầm cộng với thái độ ngoan cố như nêu trên, nhất là khi được ơn hiểu biết thông suốt mọi tội lỗi đã mắc phạm, nhưng vẫn không sám hối khi còn tại thế, thì điều tất yếu sẽ là: “không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau” (“ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” – Mc 3, 29; “ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” – Mt 12, 32). Điều này chứng tỏ khi xúc phạm đến Chúa Thánh Thần tức là cùng lúc xúc phạm đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói cách cụ thể là khi đã biết là có tội nặng, người ta vẫn không chịu thống hối ăn năn trong giờ lâm chung, nghĩa là người ta đồng ý chết trong tội trọng. Tội này không những đã không được tha ở đời này vì người ta từ chối việc đền tội, mà ở đời sau cũng chẳng được tha, vì ở đó (nơi hỏa ngục) không còn cơ hội đẻ hưởng ơn cứu chuộc.
Trong Thông điệp về Chúa Thánh Thần “Dominum et Vivificantem” (số 46), Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cũng nói về tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại sự chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực của Cây Thập Giá.” Hiểu được như vậy, người Ki-tô hữu hãy luôn luôn nhìn lại mình để nhận biết những sai phạm, tội lỗi đã vướng mắc, cầu xin Đức Ki-tô ban Thánh Linh soi sáng tâm trí và thêm lòng can đảm, ngõ hầu thực hiện nghiêm chỉnh việc “sám hối và canh tân” trong suốt hành trình tiến về quê hương đích thực. Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN X/TN-B).
28.Hạnh phúc thật ở đâu?-- Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!
Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.
Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.
Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.
Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!". Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".
Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.
Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền.... Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa. Amen.
29.Thi hành Lời Chúa, là thân nhân của Ngài--Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP
Không có bà mẹ nào mà lại không thương con, nhất là những đứa con bị khiếm khuyết cách này hay cách khác!
Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về, vì có tin đồn đoán rằng Đức Giêsu bị điên!
Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, và, đứt dây đương nhiên đụng đến rừng, tức là nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa không khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn khả tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên!
Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.
Tuy nhiên, khi thấy Mẹ và anh em đến tìm mình, Đức Giêsu đã thốt lên và chỉ vào những người đang ngồi quanh Ngài mà nói rằng: ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Thưa chính là những người thực hành ý muốn của Cha tôi, người đó là mẹ tôi và anh chị em tôi.
Một câu nói nhằm mặc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc thực thi Lời Chúa hơn là những chuyện bề ngoài. Khi đã thực thi thánh ý Chúa, chúng ta không quan trọng chuyện người ta nói này hay nói kia để bêu dếu, làm mất thanh danh tiếng tốt của ta. Ngược lại, chỉ có một điều đáng làm cho chúng ta sợ, đó là khước từ Lời Chúa và chạy đua những thứ mau qua, chóng hết ở đời, làm cho chúng ta xa dời hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, dù có phải chịu khốn khổ vì Lời Chúa thì vẫn một mực trung thành. Amen.
30.Họ hàng với Chúa--Trích Logos B
Cách nay ít năm, tại bệnh viện Milwankee, có một bé sơ sinh mù và còn bị chuẩn đoán là đần độn bẩm sinh do bại liệt não. Sau khi sanh ít ngày, người mẹ đã nhẫn tâm bỏ đứa con sơ sinh tật nguyền. May mắn cho em, một chị y tá tên là May Lempke, thấu hiểu tình trạng bé sơ sinh bị bỏ rơi đồng nghĩa với cái chết, đã nhận em về nuôi.
Chị May cùng chồng đặt tên cho đứa con nuôi đặc biệt của mình là Leslie. Họ thay nhau xoa bóp cho Leslie hằng đêm, cầu nguyện cho Leslie hằng ngày. Chị May khóc suốt vì Leslie đau đớn. Leslie càng lớn, sự chăm sóc Leslie càng nhiêu khê: chị May phải khéo léo cột Leslie vào chiếc ghế để em khỏi té nếu chị muốn rời em.
Một ngày nọ, May thấy dường như Leslie có những biểu hiện khác thường khi nghe những bản nhạc. Thế là, vợ chồng chị mua một cây đàn piano cũ và tranh thủ đánh đàn cho Leslie nghe; mua nhiều băng đĩa hoà tấu hy vọng Leslie được vui.
Bỗng vào một đêm đông năm 1971, vợ chồng May nghe thấy ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky. Họ thức dậy để xem tiếng đàn lạ từ đâu. Họ sửng sốt thấy Leslie đang vẹo mình trước đàn và chơi nhuần nhuyễn bản nhạc. Từ đó, các bản nhạc Leslie đã nghe như đã tồn trữ trong óc và nay đang tuôn ra trên đôi tay của cậu. Leslie giờ đây đã 28 tuổi, đi lại vẫn khó khăn, nói năng vẫn ngọng ngịu, nhưng là một tài năng âm nhạc. Các bác sĩ giải thích: Leslie bị chậm phát triển về trí tuệ do não bị tổn thất nhưng lại cực kỳ tài năng. Tài năng đó được duy trì và bộc phát nhờ tình yêu đặc biệt của cha mẹ nuôi là vợ chồng chị May Lempke (theo Reader’s Digest).
Đứng trước nghịch cảnh Leslie, liên hê do máu huyết đã chào thua liên hệ do đức ái. Hôm nay trong Tin Mừng, Đức Giêsu đang giới thiệu mối liên hệ đức ái đó. Một cách nào đó, Đức Giêsu đã gọi mối liên hệ này là họ hàng của Ngài.
Thiết lập họ hàng thiêng liêng
Trong xã hội có nhiều mối liên hệ. Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da. Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào. Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn. Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền. Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…
Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất. Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta?”. Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được! Sao Chúa lại hỏi vậy? Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé. Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái và kiên trì nhờ đức Cậy trông. Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa. Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng. Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng. Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.
Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi. Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.
Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang”. Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài. Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”. Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.
Phá vỡ họ hàng thiêng liêng
Nếu vâng nghe lời Chúa giúp ta nên họ hàng nghĩa thiết với Chúa thì ngược lại, bất tuân lệnh là biến mình thành kẻ xa lạ với Ngài. Sự bất tuân khởi đi bằng sự thiếu tín nhiệm. Adam – Evà trước khi giơ tay hái quả cấm thì trong lòng đã dấy lên sự không tin Chúa tốt lành (x St 3, 1-6). Anh em họ hàng của Chúa trước khi đi bắt Chúa thì lòng họ đã không tin việc Chúa làm là bình thường, là khôn ngoan. Chỉ có lòng tín nhiệm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa mới giữ con người sống trong đạo lý Chúa. Mất tín nhiệm đồng nghĩa với khởi sự phản bội. Không trung thành với đường lối Chúa biến người ta đang là kẻ nghĩa thiết họ hàng với Chúa thành kẻ xa lạ và hơn nữa thành kẻ thù của Tình Yêu. Adam – Evà sau khi trái lệnh Chúa, đã đánh mất tình thân với Chúa, chẳng còn cảnh ngày ngày gặp Chúa đàm đạo thân tình nữa (x. St 3, 8-10).
Thiếu lòng tin vững chắc vào sự sống đời sau dễ làm cho ta trái ý Chúa ở đời này. Đúng vậy, mọi lỗi phạm thường do ta thiển cận, chỉ thấy cái được trước mắt mà không thấy cái mất lớn lao đằng sau. Người ta sẵn sàng chịu thương chịu khó để hy vọng được mùa lúa bội thu; người ta chấp nhận khổ luyện để hy vọng chiến thắng. Cũng vậy, khi đã xác tín vào phần thưởng phục sinh vinh quang vô tận Chúa dành cho kẻ nghĩa thiết với Chúa thì bằng mọi giá ta sẽ duy trì mối liên hệ họ hàng với Chúa. Mọi sự từ bỏ ở đời này để vâng ý Chúa sẽ là chuyện nhỏ khi ta đã thấy được vinh quang lớn lao mai sau.
Howard kelly là một nhà sinh vật học nổi tiếng kiêm bác sĩ. Lần kia, sau một ngày nghiên cứu, ông đến một nhà nghèo xin nước uống. Một bé gái xuất hiện và ân cần biếu ông một ly sữa tươi mát. Ông cám ơn và mong có dịp đền ơn bé. Ít lâu sau, mẹ bé đau nặng, người ta chuyển mẹ bé tới một bệnh viện trên thành phố. Cuối cùng bà khỏi bệnh nhưng không biết lấy tiền đâu để trả viện phí. Như một phép lạ, bác sĩ chữa bệnh xuất hiện trên tay cầm phong bì bên trong viết: Viện phí đã được thanh toán để trả ơn một ly sữa. Ký tên – Bác sĩ Kelly.
Hy sinh cả đời thì có đáng gì so với vinh hạnh được là họ hàng của Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam