Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 64

Tổng truy cập: 1360750

Y PHỤC TIỆC CƯỚI

Y PHỤC TIỆC CƯỚI

 

(Suy niệm của JM. Lam Thy ĐVD.)

Việc tổ chức tiệc cưới trong xã hội loài người cũng khá đa dạng. Việc mời khách đến dự tiệc cưới cũng có nhiều phương cách khác nhau. Tiệc cưới dân dã nơi một vùng quê, bình thường thì chủ hôn mời cả làng đến dự cho đông vui và cũng thể hiện tình làng nghĩa xóm vui buồn ấm lạnh có nhau; nhưng tiệc cưới ở thành thị có khác hơn, khách mời được chọn lọc từ những mối dây thân tình, thân tộc, không đặt nặng vấn đề địa chỉ cư trú, thậm chí nhiều khi ở liền vách với nhau cũng không được mời vì lý do này nọ. Đến như tiệc cưới nơi cung đình thời phong kiến tuy cách tổ chức thật lộng lẫy xa hoa, nhưng khách được mời lại càng được chọn lọc kỹ càng, dân đen đừng hòng bén mảng. Nhìn vào những tiệc cưới như vừa kể, mới thấy cái lạ lùng nơi tiệc cưới trong bài Tin Mừng CN XXVIII/TN-A (“Dụ ngôn tiệc cưới” – Mt 22, 1-14).

Cái la lùng thứ nhất không phải ở chỗ nhà vua chọn lọc khách mời, nhưng ở chỗ khách được mời thay vì vui mừng hãnh diện, mau mắn áo quần bảnh bao tới dự, thì lại tỏ ra thờ ơ, lơ là, chẳng thèm để ý. Đến khi được nhắc nhở, không những đã không nhìn thấy cái sai của mình, mà còn chống đối lại chủ tiệc bằng cách sỉ nhục và giết chết những đầy tớ được sai đi nhắc lại lời mời dự tịêc. Chính vì thế, nhà vua mới giận dữ tru diệt những khách mời hết sức lạ lùng ấy, và sau đó nhà vua hạ lệnh mời tất cả mọi người bất kể quan hay dân, tốt hay xấu. Và đó chính là cái lạ lùng tiếp theo của tiệc cưới này. Cứ tưởng chỉ có lần trước, những người được chọn mời vì là những quan khách có vai vế trong dân mới chống đối lại ông chủ tiệc cưới; nhưng thật không ngờ lần sau (những người được mời ở những tầng lớp bình dân) cũng vẫn còn có kẻ coi thường nhà vua, không chịu mặc áo cưới.

Khi thấy có người không mặc y phục lễ cưới, nhà vua ôn tồn hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”, nhưng “người ấy câm miệng không nói được gì”. Vì thế, nhà vua nổi giận bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” (Mt 22, 13). Anh chàng ngoan cố đó không thể biện hộ cho việc mình khinh thường nhà vua, bởi vì đâu có ai đi dự tiệc cưới mà lại không mặc y phục lễ cưới. Sự ngoan cố của anh ta đã chuốc lấy bản án khốc liệt. Dụ ngôn trình thuật đó là cơn thịnh nộ của nhà vua chủ tiệc cưới; tuy nhiên, suy cho cùng thì anh chàng không mặc áo cưới đã “tự kết án mình”. Phải chi anh ta “mặc y phục lễ cưới” cho đàng hoàng thì đâu đến nỗi! Những cái lạ lùng ấy cho thấy đây không phải là một tiệc cưới ở trần gian, dù cho đó có là một tiệc cưới đặc biệt nơi cung đình những triều đại phong kiến đầy xa hoa kiểu cách.

Cũng bởi vì tiệc cưới trong dụ ngôn không phải là một tiệc cưới trần gian và chủ nhân tiệc cưới tất nhiên cũng không phải là vua chúa gian trần. Và vì thế tấm áo cưới ấy hoàn toàn không phải là những soirées, những complets loè loẹt kiểu cách. Từ đó suy ra khi kể dụ ngôn này, Đức Giê-su Ki-tô muốn nói đến một tiệc cưới tối quan trọng, độc nhất vô nhị: tiệc cưới Nước Trời. Nói khác hơn, Người muốn nói đến lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà chính Người đóng vai trò chủ yếu. Có thể thấy được 2 giai đoạn lịch sử cứu độ qua dụ ngôn: Giai đoạn đầu là giai đoạn dân It-ra-en được chọn mời, nhưng họ không những đã khước từ, mà còn có thái độ chống đối thô bạo (giết hại những đầy tớ được sai đi mời hoặc nhắc lại lời mời, đó chính là những ngôn sứ, tiên tri là những người được sai đi loan truyền Ơn Cứu Rỗi). Tuy rất thịnh nộ vì kẻ được chọn mời đầu tiên, nhưng lòng khoan nhân đại độ của Thiên Chúa vẫn không vì thế mà suy giảm. Và cũng vì thế, lịch sử cứu độ bước sang giai đoạn hai: Tất cả các dân nước trên thế giới đều được mời gọi và chỉ với một điều kiện duy nhất là phải mặc áo cưới khi dự tiệc.

Cũng vì tiệc cưới đó là “Nước Trời” nên lời mời dự tiệc cưới không gì khác hơn là “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17). Nói cách cụ thể thì trước khi tham dự lễ cưới, khách được mời hãy tẩy rửa con người của mình cho trong sạch (mặc áo cưới). Sự tẩy rửa này đã được “Tiếng hô trong hoang địa” Gio-an rao giảng và thực hành. Đến ngay cả Người kể dụ ngôn “Tiệc cưới” (Đức Giê-su Ki-tô) cũng làm gương bằng cách đến xin Thánh Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa (Lc 3, 21; Mt 3, 13-17; Mc 1, 9-11). Đó chính là Phép Rửa mà từ đó về sau, Giáo Hội quy định: Trong lễ Rửa tội, tấm áo trắng được trao cho người tân tòng mặc vào. Nó biểu tượng cho sự sống mới Chúa Giê-su đem lại cho họ nhờ cái chết trên thập giá của Người. Qua Bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu đã cởi bỏ con người cũ tội lỗi để mặc lấy con người mới mà sống theo tinh thần Giao Ước Mới do chính Chúa Ki-tô thi hành theo ý định của Thiên Chúa Cha. Tất cả những ai muốn được dự Tiệc Cưới của Chúa Ki-tô do Thiên Chúa Cha đãi tiệc, đều phải tiếp nhận lối sống ấy (mặc áo cưới Nước Trời).

Rõ ràng “mặc áo cưới” là “cởi bỏ con người cũ tội lỗi (sám hối) để mặc lấy con người mới (canh tân)” mà vui mừng vào dự Tiệc Cưới Nước Trời. Nói cách cụ thể là phải sống đúng tinh thần CANH TÂN và SÁM HỐI (Mt 3, 1-2; Lc 3, 3). Nói đến canh tân và sám hối là nói đến chuyện vượt qua chính mình. Trèo đèo, lội suối, vượt qua sông này, biển nọ, có thể thực hiện được, chớ “vượt qua chính mình” mới là thiên nan vạn nan. Kẻ viết bài này cứ thích nhắc đi nhắc lại cho bản thân câu nói rất hay của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Vâng, khi được mời gọi, hãy chân thành nhìn lại mình với cái quá khứ chắc chắn không ít thiếu sót sai lầm của bản thân, quyết tâm sửa chữa (sám hối) để đổi mới (canh tân) toàn bộ con người của mình. Chỉ có như thế mới tránh được “vết xe đổ It-ra-en”, hầu xứng đáng là thực khách diễm phúc trong Tiệc Cưới Nước Trời.

Là Ki-tô hữu, tức là những người “được mời gọi”, phải chân nhận đó là một hồng ân, một đặc sủng, phải quyết tâm cố gắng làm sao để có thể trở thành người “được chọn”, bởi vì “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22, 14). Muốn được như vậy, thì đừng ỷ tài, cậy sức mình, mà phải biết cậy nhờ vào sức mạnh của Thần Khí, cũng bởi vì “Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2, 18). Mà muốn đến được với Chủ nhân Tiệc Cưới để Người “đổ Thần Khí” cho, thì đừng quên chạy đến với Đức Maria trong tiệc cưới Ca-na, xin Mẹ ban cho “Áo Đức Bà” (*) cùng với tràng chuỗi Mân Côi huyền nhiệm làm vũ khí lợi hại để hộ thân, trước khi tiến vào Tiệc Cưới Nước Trời. Hãy vững tin kiên trì vững bước theo hành trình ấy, chắc chắn sẽ đạt được ước nguyện.

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN.XXVIII/TN-A).

----------------

(*) xc “Áo Đức Bà Ca-mê-lô” trong “Tài liệu về Mẹ Maria” (Thanhlinh.net)

 

64.Áo cưới

Phong tục đám cưới của người Do Thái có hai giai đoạn. Lời mời được gửi đi trước, nhưng không nói rõ ngày và giờ của tiệc cưới. Khi chủ nhà chuẩn bị xong, mới sai đầy tớ đi mời khách dự tiệc cưới vào. Những người khách khôn ngoan tắm rửa sạch sẽ, sẵn sàng áo cưới và chờ đợi ngay cửa triều đình, khi có lệnh liền nhập vào tiệc cưới ngay. Những người khách ngu dại nghĩ rằng phải chờ đợi rất lâu mới có tiệc, nên họ vẫn đi lao động ngoài đồng ruộng, nơi lò gốm… Thình lình lệnh vua mời vào dự tiệc cưới, họ chưa sẵn sàng, không mặc áo cưới, nên bị loại ra ngoài phòng tiệc, buồn bã và đói khát.

Một lần nữa Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để tố cáo những người Do Thái là những người khác được mời đến dự tiệc cưới nhưng từ chối. Trải qua bao nhiêu thế hệ, Thiên Chúa đã sai các tiên tri và sứ giả đến mời họ, như dân tộc được tuyển chọn, họ đã từ chối, hành hạ và giết chết các đầy tớ của Thiên Chúa, ngay cả đến Con Thiên Chúa. Vì thế, những người ở ngoài đường sá là dân ngoại và những người tội lỗi đã được mời tham dự vào vương quốc Thiên Chúa.

Ngày xưa, một vị vua kia có bốn người con trai được yêu cầu phải tự chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai của mình. Bốn người con mới bàn tính với nhau: “Nào chúng mình hãy đi khắp nơi trong thiên hạ và tìm kiếm lấy một nền khoa học đặc biệt”. Họ đồng ý sẽ gặp lại nhau ở một chỗ nào đó, và bốn anh em bắt đầu ra đi theo bốn hướng khác nhau. Thời gian qua đi, bốn anh em gặp lại nhau ở chỗ đã hẹn để tổng kết điều họ học hỏi được. “Tôi đã làm chủ một nền khoa học”. Người anh cả nói, “khoa học này cho phép tôi có thể làm ra một tạo vật có đầy đủ bắp thịt với điều kiện tôi phải có một miếng xương”. “Tôi”, người thứ hai nói, “học được cách làm ra da và lông nếu đã có các bắp thịt trên xương của nó”. Người thứ ba nói, “Tôi có thể tạo ra chân tay nếu tôi đã có thịt, da và tóc”. Và tôi”, người thứ tư kết luận, “biết cách ban cho tạo vật đó sự sống, nếu nó đã có đầy đủ hình thù tay chân”.

Sau khi bàn tính với nhau, bốn anh em đi vào rừng sâu tìm một miếng xương để có thể chứng tỏ những tài năng chuyên môn của họ. Như số phận đã định, miếng xương họ tìm thấy là miếng xương của một con sư tử, nhưng họ đã không biết. Một người đắp thịt vào xương, người thứ hai thêm da, lông và tóc, người thứ ba hoàn chỉnh với tay chân, và người thứ tư ban cho con sư tử sự sống. Đang khi lúc lắc bộ lông rậm rạp trên gáy, con sư tử hung dữ gầm lên một tiếng, nó chồm lên ngoác to miệng đe doạ với những chiếc răng nanh và móng vuốt nhọn hoắt. Nó nhẩy về phía những nhà sáng tạo, giết chết tất cả, rồi biến mất vào trong rừng.

Bất cứ khi nào chúng ta cố ý sống tách rời ra khỏi Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể trở nên nạn nhân của chính những công trình do mình làm ra. Tách biệt ra khỏi Thiên Chúa, sự tự do và những khả năng trí tuệ cho phép con người tạo nên vũ khí hạch nhân, sử dụng quyền hành và của cải trần gian để áp đặt sự thống trị trên những người khác… cũng tiềm ẩn một khả năng tự huỷ diệt con người.

Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn rất nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Và những người không muốn tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh.

Người Ả Rập có một ngụ ngôn kể về một người sang nhà hàng xóm xin mượn một sợi dây thừng. Người hàng xóm trả lời: “Tôi không thể cho anh mượn được, vì tôi đang dùng nó để cột đống cát”. Về nhà suy nghĩ một lúc, anh trở sang nhà hàng xóm và phân trần: “Nhưng anh không thể nào cột đống cát bằng sợi dây thừng được!” Lúc đó người hàng xóm mới trả lời một cách xảo quyệt rằng “Phải rồi, bạn có thể… làm bất cứ điều gì bằng sợi dây thừng khi bạn không muốn cho người khác mượn!”

Thiên Chúa mời gọi con người đến tham dự tiệc cưới. Tiệc cưới là tiệc vui tươi, chúc mừng tình yêu của cô dâu, chú rể. Chúa Giêsu là chàng rể và Giáo Hội là cô dâu. Thiên Chúa đã mời gọi các Kitô hữu đến bàn tiệc để chia sẻ niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

Niềm vui đó được trao ban ngay từ đời này và cả đời sau nữa. Kitô giáo không phải là thuốc phiện ru ngủ con người trong đau khổ, quên đi hạnh phúc của cuộc sống ở đời này để chỉ mơ tưởng nước thiên đàng ở đời sau.

Có một huyền thoại kể về một người câu cá tên là Aaron. Aaron sống ở bên bờ sông. Vào một buổi chiều, đang khi đi bộ về nhà, mắt nhắm mắt mở sau một ngày làm việc vất vả, anh mơ tưởng mình sẽ phải làm gì nếu giàu có. Đang khi bước đi, chân anh đá phải một cái túi da, trong lúc lơ mơ, anh nghĩ dường như đó là những hòn sỏi nhỏ. Đãng trí, anh nhặt cái túi lên và bắt đầu ném từng viên sỏi xuống mặt nước sông. “Khi ta giầu có”, anh nói, “Ta sẽ mua một cái nhà thật lớn”. Anh lại ném hòn sỏi khác xuống nước. Ném hết hòn này tới hòn khác rồi anh nghĩ, “Vợ ta và ta sẽ có những người đầy tớ phục vụ, đồ ăn dư giả với tất cả mọi sự sang trọng”. Và cứ như vậy xảy ra cho đến khi chỉ còn lại một hòn sỏi trong tay. Khi Aaron cầm nó trong tay và nhìn xuống, một luồng ánh sáng phát ra lấp lánh. Anh nhận ra rằng đây là một hòn ngọc quý giá. Anh ném xuống nước bao nhiêu viên ngọc quý đã có trong bàn tay, trong khi đó lại mơ tưởng những của cải không có thực ở tương lai.

Niềm vui trong tâm hồn giúp cho con người sống hy vọng và tin tưởng, giữa những khó khăn và khổ đau ở đời này. Bài đọc thứ hai, trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê: “Trong mọi trường hợp, và hết mọi cách, tôi đã học biết no, biết đói, biết dư thừa và thiếu thốn”. Ngài viết những lời khuyên nhủ này đang khi ở trong nhà tù. Ngài nói: “Trong mọi sự hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa”. “Trong mọi hoàn cảnh hãy tạ ơn Thiên Chúa”.

 

65.Được chọn thì ít

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Dụ ngôn Tiệc cưới (22,1-14) nằm ngay sau dụ ngôn Tá Điền Vườn Nho. Đây là dụ ngôn cuối cùng trong loạt ba dụ ngôn liên quan với nhau. Trong dụ ngôn tá điền vườn nho, Chúa Giêsu đã nói đến việc chuyển giao Nước Trời cho một dân tộc biết sinh hoa trái cho Thiên Chúa (21,43). Chủ đề của dụ ngôn nầy nói về sự thay thế ấy: những người “tốt và xấu ở các ngả ba đường” được mời vào dự tiệc cưới. Họ thế chỗ những người đã được mời mà không đến.

Các hạn từ chính trong dụ ngôn nầy:  basileus, “vua” (cc. 2.7.11.13), gamos, “tiệc cưới” (8 lần), doulos, “tôi tớ” (cc. 2.3.6.8.10), kaleō “kêu gọi/mời” (cc. 3.4.8.9 và 14). Từ basileus, “vua” (cc. 2.13) và gamos, tiệc cưới” (cc. 2.12) đóng khung đoạn nầy. Ngoài câu dẫn nhập (c. 1) và kết luận (c. 14), dụ ngôn tiệc cưới (cc. 2-13) có thể chia thành hai phần chính bởi tote, “bấy giờ” (c. 8): – Vua và những người đã được mời (cc. 2-7); Vua và những người từ các ngả đường (cc. 8-13). Cấu trúc của mỗi phần tương tự nhau: – Vua sai các tôi tớ đi mời và họ thực hiện lệnh của vua (cc. 3.4 và 9), – Hành động đáp trả của những người được mời (cc. 5.6 và 10.12), – Hành động của vua đối với những người được mời (cc. 7 và 11. 13).

Dẫn nhập (c. 1)

Lần nữa Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với các lãnh đạo tôn giáo Israel (21,23. 45). “Các dụ ngôn”, số nhiều, chỉ cả ba dụ ngôn trong 21,28-22,14. Sau dụ ngôn thứ hai thánh Matthêô ghi nhận phản ứng tiêu cực của những người nầy. Vì họ đã không hiểu là Chúa Giêsu muốn họ hoán cải khi Ngài nói cho họcác dụ ngôn nầy (x. 21,32), nên họ mới đi đến quyết định là tìm cách bắt Chúa Giêsu (21,46).

Vua và những người đã được mời (cc. 2-7)

Khung cảnh của dụ ngôn là tiệc cưới. Thánh sử tập trung cái nhìn trên lời nói và hành động của vua, cũng như khách được mời. Vua chính là Thiên Chúa (21,40), “người con”, hyios, là Chúa Giêsu Kitô (21,37-38). Ngài là chàng rể của tiệc cưới (x. 9,15; Kh 19,7-9; 21,2.9), các tôi tớ là các ngôn sứ, sứ giả của Thiên Chúa (21,34.36), và “khách đã được mời” là Giêrusalem và dân Isreal.

Trong màn đầu, vị vua sai các tôi tớ đi mời khách dự tiệc đến. Ngài không có một hành động nào khác ngoài việc truyền cho các tôi tớ của ông những điều phải nói: “Hãy nói…” (c. 4), “Hãy gọi…” (c. 9). Thời ấy người ta đi mời trực tiếp bằng miệng; keklēmenos (cc. 3.4.8) là những “người đã được mời/gọi”. Thiên Chúa gọi/mời qua miệng các tôi tớ là Ngài đề nghị với con người một chọn lựa, như Ngài đã mời gọi người vào vườn nho cho Ngài (20,8). Ngài để cho con người tự do quyết định.

Màn tiếp theo là những hành động đáp trả khác nhau của “những người đã được mời”; điểm chung của họ là không đến dự tiệc cưới. Trước tiên họ “không muốn đi” (c. 3) nghĩa là không muốn đến dự tiệc. Động từ “muốn” ở thì quá khứ chưa hoàn thành cho thấy đã nhiều lần họ không sẵn lòng đáp trả cách tích cực lời mời gọi liên tục của Thiên Chúa qua các tôi tớ của Ngài, “Ông sai các tôi tớ” (c. 3) và “lại sai các tôi tớ khác” (c. 4). Ở câu 23,37 Chúa Giêsu dùng hình ảnh ẩn dụ gà mẹ muốn qui tụ đàn con để ám chỉ điều nầy, “họ không muốn” (x. Ga 5,40).

Tiếp đến,“họ không đếm xỉa và bỏ đi” (c. 5). Trong các câu 4-6, Matthêô cho thấy những tương phản giữa hai bên. Về phía các tôi tớ của vua, họ cố gắng thuyết phục những người đã được mời nầy. Họ mở đầu câu đầu tiên bằng idou, “Nầy xem”, để lôi kéo sự suy xét (x. 10,16; 11,8; 22,4). Bữa tiệc của vua, “của tôi”, đã sẵn sàng; hetoimazō và tính từ hetoimos đóng khung câu nầy. Cách diễn tả “bò bê thú đã hạ” chỉ mọi sự sẵn sàng, và tiểu từ deute, “Hãy đến!” đầu câu hai dùng để khích lệ (21,38; 28:6); do đó chỉ còn một việc mà thôi là vào dự tiệc (x. Lc 15,23), “Hãy đến dự tiệc cướì!”. Thế mà, về phía những người đã được mời, thay vì họ “đến dự tiệc”, eis tous gamous, theo lời mời, họ lại “bỏ đi”, arperchomai, “ra đồng của họ”, eis ton idion argon. Tính từ idion, “riêng” đối lại với “ bữa tiệc của tôi” (nhà vua). Họ đi đến ruộng riêng của họ hơn là dự tiệc của vua. Động từ ameleō, “thờ ơ”, “không chú ý”, có đối tượng là lời mời của nhà vua. Họ chỉ quan tâm đến ruộng vườn và việc buôn bán của họ (c. 5). Sau cùng câu 6 mô tả họ đã đối xử bằng bạo lực với các tôi tớ, như các tá điền trong dụ ngôn trước (21,35.38). Trước sự từ chối ấy, bấy giờ vua ra tay hành động. Ngài hành động sau khi những người được mời đã quyết định. Việc họ bị tru diệt họ và thành họ bị thiêu hủy (21,41; 18,34) cho thấy sự chọn lựa của họ gắn liền với hậu quả. Vậy con người có tự do chọn lựa, nhưng lại không có tự do trước hậu quả/kết quả của chọn lựa ấy đến với họ.

Vua và những người từ các ngả đường (cc. 8-13)

Phần hai nầy dành nhiều chỗ cho lời nói và hành động của vua, cũng như cho các tôi tớ của ông. Những người được mời không có hành động nào được mô tả, ngoại trừ “thinh lặng” của người không mặc áo cưới (c. 12b).

Trước khi sai các tôi tớ đi lần nữa, vị vua đưa ra một đánh giá về “tiệc cưới” và “khách đã được mời”. Câu 8 được xem như chuyển tiếp sang phần hai của dụ ngôn tiệc cưới. “Tiệc cưới đã dọn sẵn” được lập lại ở đây, vì đến lúc nầy vẫn chưa có người vào dự tiệc cưới. Thiên Chúa đánh giá những người đã được mời là “đã không xứng đáng”, ouk axioi. Họ đã không xứng đáng vì đã từ chối mọi lời mời gọi. Họ không nghe theo lời mời gọi của các tôi tớ Ngài mà hoán cải, tin vào Chúa Giêsu Kitô để được dự tiệc Nước Trời (x. 3,8; 8,12). Bởi đó vua chọn người khác vào dự tiệc cưới.

Trong màn sai đi lần nầy, Matthêô dùng đến hai lần động từ ở thể mệnh lệnh trực tiếp “Hãy đi”, “Hãy mời/gọi” (c. 9). Động từ poreuomai, “đi” thay thế cho apostellō, “sai đi” (c. 3.4), chỉ sứ vụ đặc biệt mà Thiên Chúa ủy thác cho (2,20; 10,6; 21,2), và sứ vụ nầy liên quan đến những người chưa nhận biết Thiên Chúa (28,19); họ không phải là “những người đã được mời” (cc. 3.4.7). Dioxodoslà “các đường từ đó các đường khác đi ra. Theo mạch văn của dụ ngôn, đó là những chỗ trước khi vào thành. Các con đường từ thôn quê dẫn đến đó và chấm dứt tại đó. Thành thử đó cũng là những đường đi về thôn quê (Obadiah 1,14; Ezek. 21,21). “Các ngả đường” theo nghĩa bóng tượng trưng cho lãnh thổ các dân tộc mà các tông đồ sắp đi đến” (Thayer).

Tuân theo lệnh vua, các tôi tớ đã hành động: họ “đi ra”các đường, và “tìm thấy”, “thu gom” người về dự tiệc; chủ vườn nho cũng đã làm tương tự là ông đã đi ra ngoài và đưa vào làm vườn nho tất cả những người ông tìm thấy ở bất cứ giờ nào (20,6.8). Matthêô trình bày là các tôi tớ đã thu gom tất cả những người họ tìm thấy; osous, “bất cứ người nào”, nhiều chừng nào có thể”; bất kể họ là “người tốt hay người xấu” (c. 10; 5,45); khác với Lc 14,21. Họ chính là dân tộc, ethnos, được nói đến trong 21,43; họ được ví những “tất cả các loại cá” được bắt vào trong lưới Nước Trời (13,47); họ là những người mà Cha trên trời cho mặt trời chiếu soi cho (5,45). Và phòng tiệc cưới đã đầy người dự tiệc.

Các câu 11-13 tiếp theo nói đến các hành động của vua đối với những người đã vào phòng tiệc cưới. Cảnh được mô tả trong các câu nầy được trình bày như khung cảnh phán xét trong ngày cùng tận mà chúng ta gặp thấy ở những nơi khác: Thiên Chúa sẽ xuất hiện và mọi người hiện diện trước mặt Ngài (x. 13,40-41; 22,10; 25,19), kẻ xấu sẽ tự phân biệt với người tốt qua việc họ đã làm đối với Thiên Chúa (24,48-50; 22,12; 25,24-25), và chịu hậu quả của việc họ đã làm “quăng ra ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (13,42; 13,49-50; 22,13; 24,51; 25,30). Như thế vua xuất hiện lúc nầy, sau khi phòng tiệc đã đầy (c. 11), là để tách người không mang y phục lễ cưới ra khỏi những người trong phòng tiệc (c. 12-12); lúc nầy được ví như lúc người ta ngồi xuống lựa cá (13,48; 25,32).

Người ta đặt ra vấn đề “y phục lễ cưới”. Thật sự không có một bằng chứng nào hiển nhiên trong kinh thánh cho biết là người đi dự tiệc cưới có mang y phục cưới hay không. Nếu có, làm sao những người được đưa vào từ các ngả ba đường có sẵn y phục? Nếu không có sẵn y phục, tại sao vua lại trừng phạt người nầy? Tuy nhiên, có một số chỗ trong kinh thánh ủng hộ cho lý chứng là có thể nhà vua đã cung cấp y phục cho những người đến dự tiệc cưới (x. Quan án 14,12; Est 6,8–9; Zach 3,3–5; Lc 15,22; Kh 19,8).

Đem so sánh cảnh sau cùng của dụ ngôn nầy (cc. 11.13) với các dụ ngôn khác về phán xét trong ngày cùng tận, chúng ta sẽ thấy có những điểm tương đồng. Và dựa trên những tương đồng ấy, có thể kết luận là vua đã cung cấp y phục cho người dự tiệc cưới. Trước hết là trước ngày phán xét Thiên Chúa đối xử mọi người giống nhau: các người quản lý đều được đặt lên coi sóc gia nhân (24,17); mọi người đều được nhận một số nén bạc nào đó tùy khả năng (25,14tt ); mười cô trinh nữ đều được đi đón chàng rễ (25,1); do đó, có thể nghĩ rằng những người đã được mời vào phòng tiệc (c. 11a) đều được vua cung cấp y phục lễ cưới, “Bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới?” (c. 12). Rồi khi đến ngày phán xét, các dụ ngôn đều cho thấy là có một số người không làm theo ý của Thiên Chúa: người quản lý không chu toàn bổn phận (24,49-51), người đem nén bạc đi chôn giấu (25,26-27), năm cô trinh nữ khờ dại không đem theo dầu dự phòng (25,9-10), và ở đây có “một người không mang y phục lễ cưới” (22,12). Vậy “y phục lễ cưới nầy” có thể hiểu như là một điều kiện người dự tiệc phải hoàn thành mới có thể thật sự dự tiệc cưới Nước Trời; tương tự như những nén bạc phải làm lợi, đèn dầu phải sẵn sàng…

Kết luận ở câu 14 áp dụng cho cả dụ ngôn. Cả hai hạng người,“người đã được mời” và những người từ các ngả đường, đều được Thiên Chúa mời vào dự tiệc cưới. Tất cả họ đều là klētos. Tuy nhiên, eklektos là những người được tuyển chọn giữa những người được mời gọi nầy để tham dự tiệc cưới nầy (x. 24,31) thì không phải nhiều. Câu kết luận nầy không có ý nói đến số lượng, mà là một lời khuyến cáo. Lời khuyến cáo nầy áp dụng cho cả hai hạng người dụ ngôn đã đề cập đến. Với “những người đã được mời”, vì họ đã từ chối đến dự tiệc cưới, nên bị loại ra ngoài (x. 8,11-12). Với những người từ ngả ba đường, họ đã bằng lòng đến, nhưng không phải tất cả đều được chọn vào dự tiệc cưới, vì có người không “mang y phục lễ cưới”, nghĩa là không làm theo ý của Thiên Chúa, cũng bị loại ra ngoài.

Thiên Chúa vẫn mời gọi mọi người đến lãnh nhận ơn cứu độ. Nghe lời Thiên Chúa mời gọi để vào trong Hội Thánh Chúa Giêsu chưa đủ. Thực hiện thánh ý Thiên Chúa mới là bảo đảm để được chọn vào ơn cứu độ đời đời.

 

66.Tiệc cưới Nước Trời

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Mt 22, 1-14: Ăn năn hoán cải, thực lòng sám hối trở về cùng Chúa, đó chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi chúng ta bước vào Bàn Tiệc của Ngài.

Khi giảng dạy ở trong Đền Thờ, Chúa Giêsu thường bị các thượng tế và kỳ mục trong dân hạch sách. Rõ ràng là họ tới có ý chất vấn Người: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Ai đã cho ông quyền ấy” (21,23). Nhưng Đức Giêsu đã từ chối trả lời họ, bao lâu họ còn lẩn tránh câu hỏi của Người hỏi: "Phép Rửa của Gioan do đâu mà có. Do Trời hay do người ta (21,24). Trong bối cảnh gay cấn như vậy, Chúa Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để cảnh báo họ:

- Dụ ngôn hai người con được sai đi làm vườn nho (Phúc Âm Chúa nhật 26).

- Dụ ngôn những tá điền sát nhân ( Phúc Âm Chúa nhật 27).

- Dụ ngôn tiệc cưới (Phúc Âm Chúa nhật 28).

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

1. Đức vua ám chỉ Thiên Chúa;

2. Tiệc Cưới chỉ Nước Trời;

3. Các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc là các ngôn sứ, trong đó có Đức Giêsu;

4. Các quan khách ưu tiên được mời mà không thèm đến đó là Dân Do Thái;

5. Những người ở ngoài đường được mời dự tiệc đó là Dân Ngoại gồm các dân tộc của mọi thời.

Dụ ngôn Tiệc Cưới trong bài Tin Mừng hôm nay có hai chủ ý:

- Chủ ý thứ nhất: Ơn cứu độ hay Nước Trời ưu tiên dành cho người Do Thái, nhưng người Do Thái đã tỏ ra hờ hững, bất xứng với sự ưu tiên ấy, vì thế, sự ưu tiên ấy đã được trao cho các dân tộc khác.

- Chủ ý thứ hai là: để vào Nước Trời, cần phải có một nỗ lực cá nhân để trở nên xứng đáng với Nước Trời, tức là phải mang áo cưới.

Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước Trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi. Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người. Nhưng một số người từ chối.

Thánh Matthêu ghi lại hai lý do: "người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán". Thánh Luca thì ghi rõ hơn, tới ba lý do: "Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được" (Lc 14,18-19)

Ba lý do trong Luca có thể gom thành hai loại

- Quá mê làm ăn có thể kéo ta xa Chúa.

- Quá lo thụ hưởng cũng có thể kéo ta xa Chúa.

Thực ra hai điều ấy không cấp bách đến nỗi phải lập tức làm ngay để đành từ chối lời mời ưu ái của nhà vua. Tuy nhiên, đó là hai nguyên do khiến nhiều người chối từ lời mời của Thiên Chúa.

Trước sự từ chối của dân Do Thái, Thiên Chúa quay sang Dân Ngoại, mời họ vào Nước Trời cho thật đông để họ được thưởng thức những cao lương mỹ vị mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ. Tuy nhiên, muốn vào dự tiệc Nước Trời cũng phải có điều kiện đó là phải mặc áo cưới.

Chúng ta có thể coi chiếc áo cưới là phần nối tiếp của dụ ngôn khách mời dự tiệc, hoặc coi như là một dụ ngôn riêng. Tuy coi là dụ ngôn riêng nhưng cũng là câu chuyện nối tiếp và giải rộng ý nghĩa câu chuyện trước, trong câu truyện ở đây có một thực khách đến dự tiệc của nhà vua, nhưng không mặc lễ phục, nên đã bị tống giam.

Điều này chắc phải làm chúng ta thắc mắc: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo cưới mà mặc. Chúng ta nên nhớ đây là một dụ ngôn, nghĩa là các chi tiết ám chỉ đến một ý nghĩa nào đó. Nếu bữa tiệc cưới là hình ảnh của Nước Trời, thì chiếc áo cưới tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời. Tự nhiên được mời vào Nước Trời đã là một hồng phúc, cho nên để đáp lại thì phải có một nếp sống phù hợp với Nước Trời.

Chiếc áo cưới ở đây tượng trưng cho cách sống. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Thánh Kinh thời nay, thì chiếc áo cưới chính là sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

Ăn năn hoán cải, thực lòng sám hối trở về cùng Chúa, đó chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi chúng ta bước vào Bàn Tiệc của Ngài như người Hồi Giáo thường kể rằng:

Ngày kia Đức Allah truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời.

Sứ thần đến ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng, sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Allah. Nhưng xem ra Đức Allah không bằng lòng mấy, Ngài bảo:

- Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quí giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giầu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm và mang về trời.

Lần này Đức Allah mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra vẫn chưa hài lòng, Ngài nói:

- Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.

Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ  bên vệ đường ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần người đàn ông giải thích:

- Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hàng ngày của tôi.

Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt  nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Allah chăm chỉ nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói:

- Thế là người đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.

Đức Allah của người Hồi Giáo mỉm cười trước những giọt nước mắt sám hối, còn Chúa Giêsu thì quả quyết: “Cả thiên đàng sẽ hân hoan vì một tội nhân hối cải”.

Mọi người chúng ta đều là tội nhân. Vì thế mà từng người chúng ta đều có vinh dự đem lại niềm vui cho Thiên Chúa và thần thánh trên trời.

Thiên đàng tuy đã tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, nhưng mỗi khi chúng ta ý thức được tội lỗi mình và thành tâm sấm hối là mỗi lần chúng ta hòa nhập vào niềm vui thiên quốc và làm cho niềm vui ấy như tràn đầy thêm lên.

Quả thực lòng sám hối chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi bước vào Tiệc Cưới Nước Trời như bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

 

67.Tiệc Nước Trời

Trong một đời người chắc ai cũng có rất nhiều lần dự tiệc, nào là tiệc cưới, sinh nhật, bổn mạng... nhưng vì tình nghĩa chúng ta cũng rất ít lần bỏ qua. Họa hoằn làm chúng ta mới bỏ qua một lần, nhưng lần đó chỉ là những trường hợp bất khả kháng chúng ta không thể nào đi được. Cho dù buổi tiệc đó có lớn đến đâu, nhân vật quan trọng như thế nào đi nưa thì đó cũng cũng chỉ là buổi tiệc mau tàn, chóng qua. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta thấy một buổi tiệc vô giá, buổi tiệc quan trọng hơn gấp bội phần buổi tiệc của trần gian nay. Đó chính là buổi tiệc nước trời mà Thiên Chúa giống như vua kia tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Nước Trời có nghĩa là gia đình Thiên Chúa trên trần gian. Tiệc cưới là bàn đặt lương thực thiêng liêng. Còn mỗi người chúng ta là đầy tớ của vua cao cả. Chúa Kitô là Con của Ngài. Cha trên trời sai chúng ta đi mời mọi người chia sẻ bữa tiệc thiêng liêng do Giáo hội của Ngài khoản đãi.

Nhưng ai là người chúng ta có thể mời? Thực tế là mọi người. Có nhiều người Công Giáo không bao giờ tham dự những ngày đại phúc, tĩnh tâm hay học hỏi về đạo. Những người công giáo lơ là về đạo ấy, chỉ cần một chút thúc giục để họ bắt đầu quay về với gia đình của Thiên Chúa. Họ hăng say tham gia vào buổi tiệc mà chính Chúa đã dọn, đã mời gọi. Chính khi họ đi dự tiệc họ cũng có thể mời gọi người khác cùng đi

Hơn nữa chúng ta cũng cần nghĩ đến những người bạn chưa hề nghe, chưa hề biết, chưa hề cầm được tấm thiệp mời, đó chính là những người bạn khác niềm tin khác tôn giáo đang tìm kiếm của ăn thiêng liêng. Chúng ta có thể gặp những người khách này ở đâu? Họ có thể là người láng giềng, bạn học, bạn công nhân cả đến những người thân thuộc. Họ có thể là người quen biết trong cuộc chơi, ở tiệm bán hàng, trên xe buýt, ở phòng đợi bác sĩ, bạn đừng giới hạn sự mời đón vào những người gọi là đáng kính. Bạn hãy mời những người thấp kém, vô gia cư, tội lỗi. Như trong Tin Mừng hôm nay, ông vua truyền lệnh: "Hãy ra các ngả đường, mời bất cứ ai bất luận tốt xấu".

Hãy mời họ thường xuyên tới dự thánh lễ, hay những dịp lễ dặc biệt lễ Giáng sinh, viếng máng cỏ, nghi lễ rửa tội, lễ cưới, lễ an táng hay là viếng nhà thờ trong tuần một vài lần...

Nếu có thể, bạn hãy nói trước với cha sở về những người khách ấy. Có lẽ Ngài mong được biết có sự hiện diện của họ, và có một vào người hứơng dẫn cho họ chung quanh nhà thờ. Điều này làm họ cảm thấy được cần đến và giúp sửa được ý niệm sai lầm là người công giáo chúng ta không muốn người ngoài đạo tham dự các lễ nghi.

Giả sử như họ từ chối lời bạn mời, thì bạn cũng đã một trọn bổn phận của bạn, bổn phận của lòng tin và bác ái. Bạn đang cổ động sự hiểu biết giữa những người có niềm tin khác nhau. Bạn đang tỏ ra rằng: đức tin của bạn có một ý nghĩa đối với bạn. Bạn lưu tamâ và ân cần mong muốn người khác chia sẻ bữa tiệc thiêng liêng chúng ta tham dự trong chính giờ này.

Lạy Chúa, chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu, chỉ có lòng thành mới mới đáp trả được lời mời gọi thiết tha mà Thiên Chúa đã kêu gọi. Xin cho con biết nhân ra đâu là thánh Ý Chúa để con hăng say đáp trả bằng tình yêu và lòng nhiệt thành. Amen.

 

68.Áo cưới

Dụ ngôn của các thầy Rabbi mô tả về một vị vua đã tin tưởng trao phó cho các đầy tớ những chiếc áo cưới của triều đình. Những người khôn ngoan nhận lấy, đưa về nhà cất giữ cẩn thận với lòng quý mến. Những người khờ dại mặc nó vào đi lao động, dính bùn đất dơ bẩn. Tới ngày nhà vua ra lệnh thu hồi áo về, những người khôn ngoan trả lại vua với những chiếc áo sạch sẽ và mới tinh được cất giữ trong nhà kho, nhà vua để họ ra về bằng an. Còn những người khờ dại với những chiếc áo dơ bẩn bị bắt bỏ vào ngục tù. Dụ ngôn này dạy con người bài học phải gìn giữ linh hồn tinh tuyền cho đến khi gặp lại Thiên Chúa; nếu linh hồn dơ bẩn sẽ bị Ngài trừng phạt.

Nối kết câu chuyện phải có y phục lễ cưới trong bữa tiệc, Chúa Giêsu đã ngụ ý rằng nhà vua dọn tiệc mời khách và cũng cung cấp cho họ những chiếc áo cưới. Khách dự tiệc đã chấp nhận lời mời, còn phải bắt buộc mặc áo cưới dự tiệc. Ân sủng không phải chỉ là một món quà; nó còn là một trách nhiệm phải được chu toàn. Một người khi đã gặp Đức Kitô, không được sống cuộc đời tội lỗi nữa, phải mặc lấy tinh thần mới, đời sống mới của sự thánh thiện!

Đành rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc cũng chứng tỏ cho người khác thấy phần nào con người của mình. Khi đến thăm gia đình của người bạn với quần áo lịch sự, chứng tỏ rằng chúng ta kính trọng người bạn đó. Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp đẽ nhất của mình, chứng tỏ chúng ta kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng những người chúng ta gặp gỡ trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng đối với chính bản thân mình.

Quần áo bề ngoài xã hội như vậy, nhưng còn y phục của tinh thần và linh hồn nữa. Mỗi lần đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi; y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa.

Rất nhiều khi chúng ta đã coi thường bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đến nhà Chúa với một tâm hồn không chuẩn bị gì, chẳng có tâm tình cầu nguyện, và cũng không chịu lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo thái độ khinh thường đó rằng: “Trói chân tay nó lại, ném nó vào nơi khóc lóc nghiến răng! Vì những kẻ được mời gọi thì nhiều, còn những người được chọn thì ít”.

 

69.Phòng tiệc Nước Trời

“Gặp bất cứ ai hãy mời vào…”

Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta tham dự bữa tiệc Nước Trời. Trong Thánh Kinh, nhiều bữa được nhắc đến; như bữa ăn Tổ Phụ Abraham khoản đãi ba người khách lạ dưới lều vải (St 18,1-8), như bữa tiệc người cha già mừng con đi hoang trở về (Lc 15,22-32). Chúa Giêsu đã đi dự đám cưới ở làng Canaan (Ga 2,1-10), Ngài cũng dọn bữa ăn cho các môn đệ sau một đêm lao lực (Ga 21,1-14), cho dân chúng được ăn no từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Tất cả để báo hiệu bữa tiệc Thánh Thể.

Thì, hôm nay, tiên tri Isaia ví Nước Trời như một bữa tiệc mà Chúa khoản đãi mọi dân tộc, nhất là những ai đói khát tự do, công chính. Chúng ta cũng hãy sốt sắng tham dự vào bữa tiệc thánh là LỜI và THÁNH THỂ Chúa, hãy “hân hoan vì Chúa khoản đãi và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”.

Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu lấy lại ý tưởng của hai dụ ngôn của những người tá điền giết người. Chúa nhấn mạnh đến trách nhiệm của những đã nhúng tay vào máu của người con thừa tự, họ sẽ bị tiêu diệt và lời hứa được trao cho người khác. Chúa phác họa lịch sử cứu rỗi qua các giai đoạn chính. Từ khi Thiên Chúa gửi đến cho các tiên tri khi Ngài gửi đến chính Con Một Ngài, nhưng tất cả đều thất bại. Cây thánh giá như chóp đỉnh của lịch sử. Nhưng qua biến cố Phục sinh, lịch sử cứu rỗi vẫn tiếp diễn. phòng tiệc Nước Trời vẫn mở rộng, mời gọi hết mọi người, mọi dân tộc đến tham dự, làm sao cho phòng tiệc phải đầy ắp. Làm sao chúng ta có thể từ chối, viện lý nọ lẽ kia ti tiện hẹp hòi đòi để từ khước ơn Chúa?

Từ đời nọ qua đời kia, Ngài gửi các đầy tớ - các vị thừa sai – đi qua mọi nẻo đường thế giới, kêu gọi mọi người vào phòng tiệc, bất cứ họ là ai, tốt xấu. Thiên Chúa không loại bỏ, nhưng chính chúng ta tự loại bỏ mình.

Nhà vua đi vào bữa tiệc quan sát. Một câu hỏi được đặt ra. Làm sao nhà vua lại thịnh nộ khi đã ra lệnh “gặp bất cứ ai đều mời vào dự tiệc cưới” rồi.

Matthêu nhận thức rằng Giáo Hội càng ngày càng đông. Nhưng Giáo Hội không phải là quán cơm bình dân, ai vào cũng được, không có một chút điều kiện tối thiểu. Đành rằng Chúa rất thương kẻ có tội và Giáo Hội của Ngài đầy tội nhân hơn là vị thánh. Nhưng dẫu sao, muốn vào Giáo Hội, Chúa cũng đòi hỏi có một sự ước muốn trở lại chân thật, một “chiếc áo trắng Rửa tội”, một sự ao ước “mặ lấy Đức Kitô”.

Phải, Giáo Hội là một “bữa tiệc” của người tội lỗi, nhưng là những người tội lỗi tin tưởng vào Chúa Kitô và ơn cứu độ Ngài mang đến. Tình thương đòi hỏi chút tình thương đáp đền, mới xứng đáng dự vào bữa tiệc tình thương.

Charles de Foucauld (1858-1961) là một sĩ quan phóng khoáng, 12 năm không tin tưởng gì cả. Một hôm gặp một Linh mục, cha Huvelin, quen với gia đình. Foucauld nói với cha: “Từ ngày lên 15 tuổi, con không còn đức Tin”. Cha Huvelin như đọc được trong tâm hồn, chỉ nói: “Con hãy quỳ xuống xưng tội đã”. “từ đó tôi hiểu rằng tôi không còn cách nào khác là chỉ sống cho một mình Ngài”.

Hạ mình nhìn nhận tội lỗi là chiếc áo cưới của Charles de Foucauld, con người đã tìm thấy Chúa trong im lặng.

 

70.Tiệc cưới & Y phục lễ cưới

(Suy niệm của William Barclay & LMN)

Lần này chúng ta học hỏi Thánh kinh về bài tin mừng Chúa nhật 28 thường niên năm A qua tư tưởng của William Barclay, một nhà chú giải thánh kinh người Tô Cách Lan.

Theo William Barclay, đoạn tin mừng này gồm hai dụ ngôn: Dụ ngôn về tiệc cưới, và dụ ngôn về việc mặc y phục lễ cưới.

Những biến cố trong dụ ngôn thứ nhất phù hợp với phong tục thông thường của dân Do thái. Với những bữa tiệc như tiệc cưới, có hai lần mời. Lần thứ nhất gởi thiệp nhưng không định rõ ngày giờ tiệc cưới. Khi mọi việc xong xuôi, thì người giúp việc đi mời lần cuối cùng. Như vậy, vị vua trong câu truyện này trước đó đã gởi thiệp mời khách, và khi mọi việc sẵn sàng thì mời lần cuối cùng. Tuy nhiên đã bị khách được mời khước từ. Dụ ngôn tiệc cưới có hai ý nghĩa:

1. Ý nghĩa trước hết ám chỉ dân Do thái. Từ xưa, dân Do thái đã được tuyển chọn làm dân riêng của Chúa, nhưng khi Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đến thế gian, mời gọi tin nhận Chúa, thì họ đã chối từ. Vì thế, lời mời của Thiên Chúa được chuyển đến những tội nhân và dân ngoại.

2. Ý nghĩa thứ hai bao quát rộng rãi hơn. Trước hết, lời mời của Thiên Chúa là lời mời đến dự tiệc vui vẻ như tiệc cưới. Đức Thánh Cha Phanxicô bảo: “Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh.” Kitô giáo không phải là một tôn giáo lúc nào cũng u buồn, thiếu vắng nụ cười, nhưng là tôn giáo với mùa Chay và Phục Sinh.

Thứ đến, những lý do khiến người ta khước từ lời mời dự tiệc cưới không hẳn là những lý do xấu. Kẻ đi thăm trại, người đi buôn bán...chứ không phải đi chơi bời, ăn nhậu say xỉn, làm điều xấu. Do đó, điều chúng ta cần để tâm là thảm họa của cuộc sống không phải những gì xấu, nhưng chính là những gì tốt thường làm hỏng những điều tốt nhất. Người ta có thể quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho cuộc đời mình, quá bận rộn với việc tổ chức và quản trị đời sống mà quên đi chính đời sống. (A man can be so busy making a living that he fails to make a life; he can be so busy with the administration and the organization of life that he forgets life itself.) Người ta dễ bận tâm với những điều chóng qua đời này và quên đi những điều quan trọng đời đời. Quá chăm chú đến những lời mời gọi của thế gian, thì khó nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.

Sau cùng, lời mời gọi của Chúa là lời mời gọi của ân sủng. Những kẻ được mời ở các ngả đường không có quyền đòi hỏi gì nơi nhà vua cả. Họ không bao giờ có thể ngờ rằng mình sẽ được mời và càng không xứng đáng để dự tiệc đó. Tất cả đều do lòng quảng đại tử tế của nhà vua. Ân sủng của Thiên Chúa trao ban, con người không xứng đáng lãnh nhận, nên khi lãnh nhận cần phải khiêm tốn tạ ơn.

Dụ ngôn thứ hai bắt đầu từ câu 11 đến câu 14, kể chuyện một thực khách đến dự tiệc cưới nhưng không mặc lễ phục. Các giáo sĩ Do thái có hai câu chuyện liên quan đến vua và áo lễ. Câu chuyện thứ nhất về một vị vua mời khách dự tiệc nhưng không nói rõ ngày giờ bữa tiệc. Tuy nhiên nhà vua bảo họ tắm rửa, xức dầu và mặc y phục chuẩn bị sẵn sàng khi được mời đến. Người khôn sửa soạn sẵn sàng, người dại nghĩ rằng vì còn nhiều thời giờ nên bỏ đi làm công việc riêng. Thình lình lệnh triệu tập đến dự tiệc cưới được ban ra, người khôn vì đã sẵn sàng nên vào bàn tiệc cùng nhà vua ăn uống vui vẻ, người dại vì không chuẩn bị kịp, chưa kịp tắm rửa, thay quần áo nên phải đứng ở bên ngoài, vừa buồn vừa đói nhìn vào niềm vui mà họ đã đánh mất. Câu chuyện nhắc nhở bổn phận phải chuẩn bị sẵn sàng chờ Thiên Chúa mời đến, và y phục tượng trưng cho sự chuẩn bị đó.

Câu chuyện thứ hai về một vị vua đã trao cho các tôi tớ những bộ triều phục. Người khôn mang đồ đó cất giữ cẩn thận sạch sẽ. Người dại mang ra mặc khi làm việc nên làm dơ bộ đồ. Đến khi vua ra lệnh thu hồi các bộ đồ, người khôn trao trả trong tình trạng sạch sẽ, người dại đem trả bộ đồ dơ, khiến vua phải truyền đưa đi giặt và bỏ tù những đầy tớ ngu dại. Câu chuyện này dạy người ta phải trao linh hồn lại cho Chúa trong trạng thái trong sạch nguyên thủy, và kẻ nào làm dơ bẩn linh hồn mình sẽ phải chịu đoán phạt. Phải chăng Chúa nghĩ đến hai câu chuyện này khi Ngài kể dụ ngôn tiệc cưới?

Chúa Giêsu nói nhà vua sai đi mời tất cả vào dự tiệc cưới. Điều đó cho thấy nước Trời mở cửa cho mọi người. Tuy nhiên khi đến họ phải mang theo một đời sống thích hợp với tình yêu đã ban cho họ. Ân sủng không chỉ là một quà tặng, nhưng đi kèm một trách nhiệm quan trọng. Con người không thể tiếp tục sống cuộc sống họ đã sống như trước khi họ gặp Chúa. Cánh cửa mở nhưng không mở để tội nhân vào và vẫn là tội nhân, nhưng để tội nhân vào và trở nên thánh nhân. (Grace is not only a gift; it is a grave responsibility. A man cannot go on living the life he lived before he met Jesus Christ. The door is open, but the door is not open for the sinner to come and remain a sinner, but for the sinner to come and become a saint.)

Dụ ngôn còn nói cho chúng ta biết cung cách một người thể hiện tinh thần của người đó. Khi đến thăm một người bạn, chúng ta không mặc bộ đồ thợ thuyền hay làm vườn. Chúng ta biết rõ áo quần không thành vấn đề nhưng chúng ta ăn vận gọn gàng tề chỉnh là để tôn trọng và bày tỏ tình cảm của chúng ta dành cho bạn bè. Đối với nhà của Chúa cũng vậy, chúng ta không ăn vận như để trình diễn thời trang nhưng có những y phục của tâm hồn, của lòng trí, của khiêm nhường thống hối, niềm tin, tôn kính, mà nếu không mặc những bộ y phục này, sẽ không dám đến gần Chúa. Điều thường xảy ra là chúng ta đến nhà Chúa mà không chuẩn bị sửa soạn chút nào. Nếu mỗi người chúng ta biết sửa soạn dành ít phút cầu nguyện, suy ngắm và xét mình trước khi đến nhà thờ thờ phượng Thiên Chúa thì sự thờ phượng đó mới đúng là sự thờ phượng đích thực đem lại nhiều lợi ích cho tâm hồn, giáo hội và thế giới.

Thiên Chúa Cha đang mở tiệc cưới mời chúng ta tham dự, phải chăng chúng ta quá bận để chối từ, và nếu chúng ta đến dự tiệc cưới, chúng ta đến dự với bộ y phục nào? Điều chúng ta được nhắc nhở là Thiên Chúa đã đang chờ đợi câu trả lời của mỗi người chúng ta.

 

71.Chúa Nhật 28 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Alfonso)

Tin mừng Mt 22, 1-14: Hình ảnh “bữa tiệc” trong Thánh Kinh nhằm nói đến hạnh phúc Thiên quốc, mà những người dự tiệc là những người được hưởng hạnh phúc ấy.

Suy niệm

Hình ảnh “bữa tiệc” trong Thánh Kinh nhằm nói đến hạnh phúc Thiên quốc, mà những người dự tiệc là những người được hưởng hạnh phúc ấy.

Bài đọc thứ I trích sách Tiên tri Isaia với lời ngôn sứ mô tả niềm vui tương lai mà những người công chính được hưởng trong thành thánh Giêrusalem Thiên quốc vào thời Cánh chung. Khi Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ ban ơn cứu độ cho mọi người. Nhờ Ngài mà mọi đau khổ và sự chết sẽ không còn chỗ tồn tại trong trong Thiên quốc.

Qui chiếu với đoạn Tin mừng kể về dụ ngôn Tiệc Cưới. Một người được mời đến dự tiệc cưới là một vinh dự được chia sẻ niềm vui với gia chủ, huống hồ đây lại là tiệc cưới của vị hoàng tử do chính nhà vua chuẩn bị để thết đãi cho các vị quan trong triều. Nhà vua trân trọng các quan khách  tới nỗi sau khi gởi thiệp mời, tới ngày giờ còn ưu ái sai đầy tớ chạy tới nhắc. Nhưng ngặt một nỗi, những quan khách được mời lại chẳng nể mặt: “Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi.”

Cuộc sống của chúng ta có thể rơi vào một trong những lối sống sau đây đối với việc giữ đạo:

Lối sống thứ nhất là đi thăm trại: Nên nhớ đây là những ông chủ. Họ có các đầy tớ để giúp họ chăn nuôi, chăm sóc, cày cấy. Thế mà họ lấy lý do chẳng chính đáng, dám coi thường tiệc cưới hoàng tử trọng đại của nhà vua. Phải chăng khi nói đến hạng người này, Chúa Giêsu muốn nói về những người có trách nhiệm trên người khác. Những thành phần ưu tuyển lại bỏ bổn phận cao trọng đối với Thiên Chúa và những nhiệm vụ quan trọng đối với anh chị em mình. Họ chỉ lo tìm tư lợi mà thôi.

Lối sống thứ hai là đi buôn: Một công việc kiếm lời, mải mê kiếm tiền cạnh tranh từng đồng bạc, từng tấc đất… Họ chẳng cần tình nghĩa tương quan gì với nhà vua. Phải chăng đó là lối sống của một số người trong chúng ta quá cuốn hút theo đồng tiền để rồi không còn thời giờ cho Chúa. khiến chúng ta trở nên những kẻ hà tiện giờ giấc với Chúa từng chút một, đi lễ tới trễ, lúc về lại sớm nhất.

Lối sống thứ ba là bắt bớ, xỉ nhục và giết người vô tội. Có những người thật khinh thường tới nỗi sẵn sàng bách hại những người đầy tớ được vua sai đi mời. Ho sống bất chấp lương tâm, sẵn sàng bách hại đạo Chúa đến nỗi đã khiến cho những tiên tri được sai đến bị đổ máu, thậm chí những thánh nhân tử đạo do những người hẹp hòi, mù quáng, độc tài, loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình một cách thẳng thừng.

Còn với mỗi người chúng ta, vẫn luôn luôn có những lời từ chính Thiên Chúa mời gọi tôi đến giáo đường vào ngày Chúa nhật. Hơn nữa, Giáo hội đã nới rộng Thánh lễ Chúa nhật từ chiều ngày thứ bảy hôm trước. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta bị xã hội tiêu thụ và chủ nghĩa duy vật làm cho mình mất tự do. Xào qua tính lại, chúng ta dễ có nguy cơ để cho cuộc hẹn giữa mình với Chúa đứng ở chỗ cuối. Chẳng hạn với người lớn tuổi thì nào là “tôi chỉ có một ngày Chúa nhật để tập dưỡng sinh đông đủ với nhau, để cà phê đánh cờ, có ngày Chúa nhật con cái cháu chắt tụ về nên tôi phải dành thời giờ đi chợ nấu nướng cho chúng trước đã”. Với người có gia đình thì nào là “ chỉ có ngày nghỉ cuối tuần để cả mà tôi di du lịch thư giản”, hay “tôi còn phải tập gym, yoga cho eo thon chắc khỏe, tôi có team bóng đá và quần vợt, hay sửa chữa máy móc trong nhà, dọn dẹp bếp núc, lau dọn nhà cửa hết ngày”. Với người độc thân vui tính thì tối thứ bảy máu chảy về tim nên ngày Chúa nhật thật uể oải. Và rồi, với học sinh sinh viên thì nào là bài tập phải làm và chuẩn bị ôn thi, và không thiếu các lớp nâng cao ở các trung tâm”…

Những điều được cho là quá tự nhiên và không kém phần quan trọng nên cũng dễ xếp đặt các giờ phút gặp gỡ với Chúa, các việc đạo đức của đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện… vào những giờ phút thừa thải, những ngày giờ chẳng còn công chuyện gì để làm. Dần dà mỗi ngày một chút, người ta không còn cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, đọc kinh, thánh ca… để rồi một ngày nọ tự thấy rằng “Tôi không còn thì giờ để cầu nguyện nữa…” Chúa không hề trách vì chúng ta lo cho cuộc sống vật chất. Nhưng lo đến nỗi quên hẳn cuộc sống mai sau thì thật đáng trách.

Ơn cứu độ của Chúa dành cho hết thảy mọi người. Vì thế nếu như những người trong chúng ta có Đạo mà sống bê tha thì xem ra chỗ của chúng ta được Chúa dành cho người khác, những người lương dân thành tâm tìm Chúa. ‘ “Hãy ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.’

Nhà chú giải Th. Matura nhận định: “Cách diễn tả này chứng tỏ rằng: Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, Người lựa chọn mà không đòi hỏi, nhưng chỉ vì lòng thương xót.” Tuy nhiên, có chi tiết hơi lạ là gia nhân ra các nẻo đường, gặp ai bất luận tốt xấu, cũng tập hợp cả lại vào phòng tiệc, thì những người ấy lấy đâu ra giờ mà thay đồ? Tại vài dân tộc Đông Phương, gia chủ đã tiên liệu vài y phục lễ cưới cho khách mời ở lối vào tiệc cưới. Đoan Tin mừng mang ý nghĩa mà theo Matura lý giải: “Họ phải cảnh giác đối với ý nghĩ cho rằng chỉ cần được gọi và đáp lại Tin Mừng là bảo đảm được rỗi linh hồn. Không cần phải tuyên xưng danh Đức Kitô. Thực ra, tham gia vào cộng đồng của người (tức là chịu phép Rửa dể được vào phòng tiệc), các tín hữu còn cầm phải chu toàn các công việc mà đức công chính mới đòi hỏi. Nếu không dù là đã được nhận vào phòng tiệc rồi, người ta vẫn có nguy cơ bị ném ra ngoài bị loại trừ vĩnh viễn khỏi Nước Trời” (O.C. trang 25).

Chúng ta hãy suy nghĩ về chiếc áo chính là cách sống hiện tại của chúng ta: Nó có tốt hơn, đẹp hơn chiếc áo, cách sống của những người không được ở trong phòng tiệc không?

 

home Mục lục Lưu trữ