Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1362861
YÊU KẺ THÙ LÀ THÁNH
YÊU KẺ THÙ LÀ THÁNH
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Mở đầu sách Đại học của Nho Giáo đã nêu rõ mục đích là “Đại học chi đạo: Tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”.
Kết thúc Hiến chương nước Trời trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt rõ mục đích là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời... là yêu kẻ thù”.
Nho Giáo ở phương trời Viễn Đông, Kitô giáo ở phương trời Cận Đông, tuy xa nhau hàng ngàn dặm, nhưng tình yêu đâu có khác nhau?
Một đàng muốn con người nên chí thiện ở tại thân dân, thương yêu dân.
Một đàng bảo: “Anh em hãy nên toàn thiện ở tại thương yêu cả kẻ thù”.
Một đàng: “Minh minh đức”, minh là làm sáng tỏ, minh đức là đức sáng láng của Trời; minh minh đức là làm cho đức sáng của Trời sáng tỏ ra, chiếu sáng ra.
Một đàng bảo: hãy cầu nguyện, cốt yếu của cầu nguyện là làm cho danh thánh Cha trên trời hiển sáng, chiếu sáng ra khắp muôn dân. Thiên Chúa là ánh sáng, Đức Kitô là ánh sáng bởi ánh sáng (Ga. 1, 9).
Phần kinh của sách Đại học chỉ có 205 chữ: đây là cương lĩnh, là Hiến chương của Nho Giáo, mục đích đào tạo người học Thánh quân tử, thánh nhân.
Hiến chương nước Trời của Đức Giêsu cũng rất ngắn gọn, vài trăm chữ, nhằm đào tạo con người thành con Cha trên Trời, thành Thánh nhân của Thiên Chúa.
Hai Hiến chương có lẽ chỉ khác nhau ở chỗ: Tin Mừng nói rõ Cha trên trời là Đấng hoàn thiện và hạnh phúc Nước Trời; sách Đại học không nói rõ, nhưng cũng ngầm hiểu: làm cho dân được hạnh phúc là ở tới đích chí thiện; chí thiện chính là Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay đặt chương trình nên chí thiện, nên chí thánh rất cụ thể.
Bài I (Lv. 19, 1-2; 17-18) Chúa phán dạy: “Các ngươi phải nên thánh”. Nhờ sống thánh thiện, mới tránh được: ghen ghét, oán hận, trả thù; mới biết yêu đồng loại như chính mình. Nền tảng của dân thánh đặt trên: “Ta là Đấng Thánh”.
Ở thời Cựu Ước, trước kỳ lưu đầy, khi nghe nói đến “Đấng Thánh” thì dân nhớ đến Đền Thánh, nhớ đến nơi cực Thánh trong cung thánh, nhớ đến những ngày lễ Thánh, những việc Thánh họ phải làm nơi đền thờ để được nên thánh.
Đến thời lưu đầy đền thờ bị phá hủy, dân bơ vơ, không còn điểm tựa để nhận ra Giavê là Đấng Thánh cho dân nên thánh. Họ phải nhớ lại giới luật giao ước núi Sinai mà Giavê, Đấng Thánh đã ban cho họ. Họ cần sống thực hiện giới luật đó để họ nên thánh như Đấng Thánh đã truyền dạy họ. Họ mới mong Đấng Thánh giải phóng họ khỏi cảnh lưu đầy như Ngài đã giải phóng tổ tiên họ khỏi nô lệ Ai Cập.
Bài II (1Cr. 3, 16-23) Phaolô không nhắc tới đền thờ Giêrusalem, không nhắc đến luật cũ nữa. Tân Ước là thời đại mới, dân Chúa thực sự không nên thánh nhờ đền thờ hay lề luật. Họ nên thánh, họ là dân thánh (1Phêrô 2, 9) nhờ được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Phaolô cho họ thấy: “Anh em là đền thờ Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” Từ nay họ là chi thể thánh của Đức Kitô “Anh em thuộc về Đức Kitô, Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”
Thánh Phaolô đã cho ta biết rõ, bản chất cốt yếu của thánh thiện, không nhờ đền thờ hoặc bất cứ ai dù là Phaolô... hay luật lệ chỉ nhờ một mình Thiên Chúa: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người” đã làm cho ta nên thánh.
Khi đã nhờ Người mà nên thánh, thì chính nhờ Người mà chúng ta mới có thể yêu kẻ thù.
Nhờ Người và như Người, chúng ta sẵn sàng chịu vả má phải và giơ thêm má trái cho họ vả, chứ không như luật dạy: mắt đền mắt răng đền răng. Nhờ Người và như Người, chúng ta không cần che thân, không cần bảo vệ, sẵn sàng chịu bóc lột áo trong cũng như áo ngoài. Nhờ Người và như Người không có hòn đá gối đầu, chúng ta không tiếc xót khi cho vay mượn, không bám gót của cải, dễ dàng cho đi, bỏ đi.
Nhờ Người và như Người đã vác khổ giá, chúng ta sẵn sàng phục vụ công việc như nô dịch, làm phu như ông Simon vô cớ bị quân dữ bắt làm phu vác đỡ thánh giá Chúa. Hơn nữa, còn phải sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để yêu kẻ thù.
Như thế, mới được trở nên con Cha, Đấng đã làm cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống cho kẻ dữ cũng như người lành. Chiêm ngắm những kỳ công bao la đó, Nho gia xưa đã rất ngạc nhiên kêu lên: “Ôi đạo của bậc thánh vĩ đại thay! mênh mông như biển cả, sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, thánh hóa tất cả vạn vật trong vũ trụ từ đất đi tới trời cực kỳ tốt đẹp: Đại tai thánh nhân chi đạo! dương dương hồ, phát dục vạn vật; tuấn cực vu thiên” (Trung Dung - chương 27)
Thánh như vậy đã “phối hợp với trời đất rộng dầy cao minh: bác hậu phối địa, cao minh phối thiên” (Trung Dung - 26)
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thấy ba mức độ thánh thiện:
Thánh thiện ở đền thờ, kinh lễ như hạng tư tế, bị Chúa phê: quân này mến Ta bằng môi miệng và lòng nó xa Ta.
Thánh thiện ở giữ trọn lề luật như chàng thanh niên giàu có, nhưng anh thiếu một điều là: hãy về bán những gì anh có mà cho người nghèo, người nghèo là kẻ thù của người giàu.
Thánh thiện ở yêu kẻ thù, yêu kẻ thù mới thực là tình yêu chí thiện, chí thánh phản ánh rõ nét tình yêu Thiên Chúa đã thí mạng sống Con Một cho kẻ thù: kẻ thù của Thiên Chúa là kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa, xin thánh hóa tình yêu con, cho con biết yêu mến mọi người, nhất là những người thù ghét, oán hận con. Amen.
7.Yêu thương kẻ thù
Hãy yêu thương kẻ thù. Cứ sự thường người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ khôn ngoan.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng nay Chúa Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đang là con cái Thiên Chúa và mới trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ.
Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới luật yêu thương này. Đúng thế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, ngay cả trong khi chúng ta còn nằm trong tội lỗi, còn quay lưng chống lại Ngài như lời thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Rôma đã viết: Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đó là khi chúng ta còn tội lỗi, thì Đức Kitô đã chết để chúng ta được sống.
Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài, Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta mãi mãi.
Một trong những đặc tính nổi bật của tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Không phải những kẻ khoẻ mạnh là là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.
Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi. Tên ăm mày thấy thế bèn khóc lóc xin được tha thứ.
Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có thực sự yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ghét bỏ chúng ta hay không?
8.Mở toang cửa lòng – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu)
Một vị vua của Trung Quốc nói với triều đình của mình rằng: “Khi nào ta chinh phục đất nước ấy, ta sẽ tiêu diệt hết kẻ thù”.
Chẳng bao lâu sau, ông đã toàn thắng trở về. Đình thần của ông đều chờ đợi một cuộc thảm sát đẫm máu. Họ mong cho kẻ thù phải bị phanh thây không còn một tên sống sót. Nhưng họ lại vô cùng sửng sốt khi thấy kẻ thù ngồi ăn uống với nhà vua, cười cười nói nói vui vẻ như kẻ thắng trận. Họ liền tâu nhà vua:
-Muôn tâu Thánh Thượng, trước khi xuất quân lâm trận, ngài đã tuyên bố là sẽ tiêu diệt kẻ thù cơ mà! Sao bây giờ…?
Hoàng đế ôn tồn cười nói: “Không phải ta đã tiêu diệt hết kẻ thù rồi sao? Những người ngồi đây không phải là bạn hữu của chúng ta sao?”
***
Sự trả thù theo Kinh Thánh, nó như một con dã thú nằm phục trong bóng đêm ở cửa nhà, sẵn sàng nhảy ra nhe răng và vươn vuốt (Kn 4,7). Con dã thú ấy ở đâu đó trong lòng con người.
Abraham Lincoln, vị Tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ đã phát biểu một câu danh tiếng: “Biến thù thành bạn, phải chăng đã là tiêu diệt được kẻ thù rồi?” Đó chính là sức mạnh của tình yêu cứu độ.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù”. Từ khi con người xuất hiện trên trái đất này, chưa có một tôn giáo nào kêu gọi “Hãy tha thứ cho kẻ thù”, chưa có một vị sáng lập đạo giáo nào đã dạy: “Hãy yêu kẻ thù”. Duy nhất, mình Đức Giêsu, Người không chỉ dạy “Hãy yêu kẻ thù” mà còn khuyên: “Hãy cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 6,44). Người không chỉ dạy phải tha thứ cho kẻ thù, mà Người còn làm gương trước cho mọi người. Lời cao đẹp nhất tren môi miệng của Đức Giêsu, chính là lời thốt ra khi Người đang quằn quại trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ”. Và nghĩa cử hào hiệp nhất trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế, chính là việc Người biện hộ cho những kẻ hành hạ mình: “Vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Nhưng làm sao chúng ta có thể yêu kẻ thù?
Trước tiên, hãy học cho biết tha thứ. Không biết tha thứ thì không thể yêu thương. Khi người cha nhân hậu đã sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho đứa con hoang đàng, ông mới có thể ôm hôn người con vào lòng, đeo nhẫn, xỏ giầy, mặc áo mới, giết bê béo ăn mừng. Tha thứ là tháo gỡ rào cản, phá đổ bức tường ngăn cách. Tha thứ là cất đi gánh nặng, là xóa bỏ món nợ. Tha thứ là hòa giải, là gặp lại nhau, là thiết lập lại quan hệ mới. Tha thứ là chất xúc tác rất cần thiết cho một khởi đầu mới. Tha thứ là mở toang cánh cửa lòng mình, cho nắng ấm tình yêu tràn ngập tâm hồn. Như thế, mức độ tha thứ chính là thước đo mức độ yêu thương kẻ thù.
Thứ đến, hãy biết rằng kẻ thù không hoàn toàn xấu. Nơi người xấu nhất vẫn có cái tốt và nơi người tốt nhất vẫn có cái chưa thật tốt. Chính thánh Phaolô cũng phải thú nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Trong biển đời mênh mông, mỗi người đều không ngừng thay đổi cả hướng tốt lẫn hướng xấu, chúng ta chớ cho rằng mình đã hiểu ai đó tới chân tơ kẽ tóc. Nhìn kỹ vào kẻ thù, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, điều xấu họ làm thường xuất phát từ sợ hãi, thiên kiến, hiểu lầm hay ngu dốt. Nhưng dù sao, họ vẫn mang đậm hình ảnh của Thiên Chúa. Cũng chính vì những yếu đuối, bất toàn và khiếm khuyết ấy họ mới cần được Thiên Chúa cứu chuộc và mong chờ chúng ta yêu thương.
Cuối cùng, chúng ta đừng nuôi hờn giữ oán, đừng tìm cơ hội trả đũa, làm nhục kẻ thù hay thẳng tay tiêu diệt họ. Trái lại, mọi lời nói, cử chỉ, hành vi của chúng ta nên tỏ ra thân thiện, dễ gần gũi, để gia tăng sự hiểu biết và cảm thông với kẻ thù, để khai mở thiện chí hoán cải trong họ. Tấm lòng bao dung bao giờ cũng gói trọn con tim vô cùng độ lượng. Chính tấm lòng bao dung, quảng đại như thế sẽ dẫn chúng ta đến với tình yêu chân thành, một tình yêu sâu lắng hơn cảm xúc, một tình yêu tràn đầy, không chờ đợi điều gì cho mình, một tình yêu được tác động từ Thiên Chúa.
Chúng ta yêu kẻ thù vì chính Thiên Chúa đã yêu họ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ghê tởm điều ác họ làm. Yêu như thế là chúng ta đang dấn thân vào tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu cứu chuộc. Chỉ với tình yêu đó, chúng ta mới “trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,48). Hoa nhân đức cứ tỏa hương mà không cần có người khen ngợi. Lòng bao dung cứ rộng mở cho dù chẳng ai hay biết.
***
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết rằng: Lấy oán báo oán sẽ làm tăng thêm hận thù, chỉ có tình yêu tha thứ mới có khả năng biến thù thành bạn. Hơn nữa, hận thù còn làm tổn thương tinh thần và hủy diệt nhân cách.
Xin cho chúng con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi làm công việc khó khăn này, là “Hãy yêu kẻ thù”.
Nếu chúng con chưa bao dung được cho kẻ thù, thì xin cho chúng con nghe được lời bao dung của Chúa: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ”. Amen.
9.Tình yêu khỏa lấp hận thù - Dã Quỳ
Giữa một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tự nhiên của con người là ăn miếng trả miếng, muốn trả đũa, muốn thắng người khác và hơn người khác. Chính vì thế, nói đến "bỏ qua, tha thứ" dường như người ta nghe lạ lẫm, chứ chưa nói đến yêu thương cả kẻ thù, người bách hại mình... Thế nhưng Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mời gọi và hơn nữa Người truyền lệnh cho chúng ta: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác... Hãy yêu kẻ thù..." Là Kitô hữu, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực thực thi mệnh lệnh yêu thương của Chúa, cố gắng "Nên Hoàn Thiện" như Cha trong cách thức sống, và chứng thực chúng ta là con cái của Cha - Thiên Chúa Tình Yêu.
Luật Môsê dạy rằng: "Mắt đền mắt, răng đền răng." Khoản luật này xem ra vẫn còn nhẹ nhàng và khoan dung, bởi trong thời Sáng Thế, Đức Chúa đã phán với Cain rằng ai giết ông, sẽ bị trả thù gấp 7 lần (x. St 4,15). Nhìn vào thực tế đời sống xã hội hôm nay, chúng ta vẫn thấy nhan nhản những con người trả thù tàn bạo, vẫn còn đó những não trạng bất nhẫn và không chút khoan dung với tha nhân khi họ phạm tội! Chỉ cần nghe một người làm gì sai trái, ta chưa biết nguyên nhân dẫn họ đến hành động như thế, nhưng suy nghĩ tiêu cực luôn tràn trong trí óc là kết án, ném đá, đòi xử tội... dù ta vô can trong chuyện đó. Vì vậy, câu danh ngôn Latinh đã viết "Con người là chó sói của nhau". Điều này có nghĩa là con người nhẫn tâm cư xử tàn bạo với nhau, dã man với nhau hơn cả lang sói!
Còn Thầy Giêsu, Thầy bảo anh em: "Đừng chống cự người ác..." Tất cả những bạo lực xảy ra đều do lòng người đã nhen nhúm sự tức giận, ghen ghét nhỏ nhen....để rồi dẫn đến hận thù và báo oán! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những Kitô hữu hãy khử trừ khỏi lòng mình mọi hình thức trả thù. Hãy "Lấy ân đền oán", vì không có con đường nào bình an và hạnh phúc cho tâm hồn bằng con đường tha thứ và yêu thương. Thật dễ khi ta cho đi những gì ta có hay dư giả như vật dụng, tiền của...Nhưng rất khó để ta trao tặng sự tha thứ vì nó đòi ta từ bỏ chính mình, gạt đi cái tự ái, bản thân, danh dự.... Chính vì vậy, ta cần có ơn Chúa trợ lực, sức mạnh Chúa giúp ta chiến thắng chính mình, thắng được lòng hận thù trong chính chúng ta. Có như thế, ta mới trở nên con cái của Cha chúng ta và có thể yêu thương cả kẻ thù như Chúa mong muốn ta thực hiện.
Thầy bảo anh em: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em." Có lẽ trong đời sống hằng ngày, nhiều người trong chúng ta nghĩ mình không có kẻ thù. Thế nhưng, sao ta lại hay bực bội, khó yêu thương người khác. Những người làm ta trái ý, ta không vui; những người không giống ta, khác ta nhiều quan điểm và lối sống... Hơn thế nữa, những người đã và đang làm hại ta về vật chất, tinh thần, thanh danh, sức khỏe... và thế là ta đã khó yêu thương, chẳng thể sống hòa hợp! Nỗi bất bình cứ nhen nhúm và lớn lên, rồi một lúc ta xem người khác không còn phải là anh chị em mình nữa. Thế là sự thù nghịch, ghét ghen, diệt trừ nhau xảy ra. Chính vì điều này, ta cần phải ý thức, nhất là chúng ta, những Kitô hữu, hãy biết giữ lòng mình nhân từ, bao dung, rộng lượng bỏ qua cho anh em những khuyết điểm, sai lỗi hằng ngày. Đừng để lòng cay đắng, oán giận ai. Có như thế, khi ta gặp ai đó làm ta khó chịu, la mắng ta, đổ oan, vu khống hay làm thiệt hại ta, với tình yêu và ân sủng của Chúa, ta sẽ có thể dâng người anh em lên Chúa, cầu nguyện cho họ và sẵn lòng tha thứ cho họ và như vậy, ta mới xứng đáng là con của Cha- Đấng Nhân Từ.
"Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình , thì anh em nào có công chi? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?" Yêu thương những ai không yêu mình, chào hỏi những người chẳng quan tâm thăm hỏi ta... đó là chúng ta bắt chước Thiên Chúa. Làm điều tốt cho những ai làm điều dữ cho ta, đó là tinh thần của chính Thiên Chúa. Trong mọi lời nói và cư xử, luôn có sự tự chủ, cần phải nhìn lên mẫu gương của Chúa, yêu thương, đón nhận anh chị em không giới hạn.
Chúa Giêsu đã yêu cầu chúng ta vượt qua bên kia cái tình cảm tự nhiên ban đầu để làm cho vòng tròn yêu thương xung quanh của ta được mở rộng không biên giới. Nếu như chúng ta chỉ yêu những ai đáp lại tình yêu của ta, giống ta, suy nghĩ như ta, cùng tôn giáo với ta, những người trong dòng tộc hay thân quen của ta, những người trong làng xóm của ta...thì thực sự chưa đủ với tinh thần của người Kitô hữu và những gì Chúa muốn ta sống. Vì vậy, Chúa mong ta hãy làm lớn trái tim của ta, mở rộng tấm lòng của ta, để rồi chúng ta có thể yêu thương không giới hạn, không biên giới, không phân biệt. Có như thế, ta mới thực sự trở nên con của Cha- Đấng hoàn thiện, mà Chúa Giêsu mời gọi ta: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện."
Ước mong sao từng Kitô hữu chúng ta luôn biết rằng: Nếu ta loại trừ ai đó ra khỏi tình yêu của ta, ta sẽ không có một tình yêu hoàn hảo. Người nào đó ta không yêu, chính Thiên Chúa đã và đang yêu họ. Người yêu thương cách tuyệt đối, yêu thương kẻ thù của Ngài. Hình ảnh Chúa Giêsu tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh giết Người "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm", chứng minh Thiên Chúa yêu những kẻ không yêu Ngài. Vậy chúng ta, cũng hãy đi và làm như vậy. Hãy cầu xin Tình Yêu Chúa lấp đầy trái tim ta, để ta có thể yêu thương kẻ thù như Thiên Chúa- Đấng hoàn thiện đã yêu thương; để ta có cái nhìn khoan dung, có tâm hồn nhân hậu; để chúng ta luôn biết lấy sự lành đáp lại điều dữ, lấy tình yêu đáp lại hận thù, biết cảm thông thay cho chấp nhất, tha thứ thay cho kết án. Và để trong mọi hoàn cảnh sống, ta luôn can đảm tỏa sáng tình yêu Chúa trong từng cung cách sống và hành vi của ta, chứng tỏ ta là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn giúp sức và dạy chúng con biết yêu như Chúa yêu, biết tha thứ như Chúa đã tha thứ và trên hết, biết cầu nguyện cho anh chị em, kể cả người thù nghịch bách hại chúng con. Amen.
10.Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”
Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”
Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.”
Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì…Thôi được, con sẽ làm. Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.”
Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”
Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”
Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”
Câu chuyện trên dạy chúng ta bài học về sự tha thứ, không những tha thứ mà còn thương yêu và làm ơn cho kẻ thù của mình. Lời dạy của vị sư phụ đối với đệ tử của mình rất phù hợp với Lời Chúa hôm nay. Thật vậy, tha thứ cho kẻ thù là lệnh truyền của Thiên Chúa, là lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu, của các thánh và của rất nhiều vị hiền nhân. Vì thế, tha thứ cũng là bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Thứ nhất, tha thứ là lệnh truyền của Thiên Chúa: Khi chúng ta tha thứ và yêu thương kẻ thù là chúng ta thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Bài đọc 1, trích sách Lêvi, Thiên Chúa phán với Mô-sê: “Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình” (Lv 19,17-18). Khi chúng ta tha thứ và yêu thương kẻ thù là chúng ta nên giống Thiên Chúa là Cha chúng ta “Đấng cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”(Mt 5,45). Thật vậy, Thiên Chúa là người Cha yêu thương hết mọi người, không phân biệt người lành kẻ dữ. Ngài đã tha thứ cho Tổ Tông sau khi hai ông bà phạm tội. Không những thế, mà Ngài còn yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Thế. Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, biết bao lần dân Do Thái bất trung, nhưng mỗi lần biết thống hối quay đầu trở lại, Ngài đã tha thứ và ban ơn. Sự tha thứ của Thiên Chúa được ngôn sứ Isaia diễn tả rõ ràng rằng: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18).
Thứ hai, tha thứ là thực hiện lời dạy và làm theo gương sáng của Đức Giêsu: Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài tiếp tục dạy cho nhân loại bài học về sự tha thứ. Bài Tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”(Mt 5,44). Chính Ngài đã nói với Thánh Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”(Mt 18,22). Ngài còn nói thêm: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi. Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”(Mt 5, 46). Ngài còn dùng nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề tha thứ và yêu thương để dạy cho dân chúng: Dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13, 24,30.36-43); ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Lc 15,1-32); câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoài tình (x. Ga 8,1-11)…
Đức Giêsu không chỉ dạy về sự tha thứ mà Ngài còn làm gương cho chúng ta: Biết Giu-đa phản bội, Ngài không những tiếp tục yêu thương mà còn cho ông ngồi đồng bàn, nhiều lần Ngài cảnh tỉnh để Giu-đa từ bỏ ý đồ xấu. Khi Giu-đa dẫn quân lính đến bắt Ngài, Ngài ôn tồn nói những lời yêu thương: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”(Lc 22, 48). Ngài tha thứ cho Phê-rô khi ông chối Thầy ba lần. Ngài tha thứ cho kẻ trộm lành. Ngài tha thứ cho Phao-lô khi ông bắt bớ và chém giết người Kitô hữu. Ngài tha thứ cho những kẻ bắt bớ, đánh đập và đóng đinh Ngài trên thập giá, bằng cách cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23, 34).
Thứ ba, các thánh và các hiền nhân đã dạy và làm gương cho chúng ta về sự tha thứ:
Gương của các thánh để lại: Gương của Thánh Vương Đa-vít tha thứ cho Saul; Gương của Thánh Stêphanô, đã yêu thương và cầu nguyện cho kẻ giết mình: “Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này. Nói thế rồi, ông an nghỉ”(Cv 7, 59-60). Gương của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đến thăm và tha thứ cho Ali Agca, kẻ có ý giết Ngài; Thánh nữ Maria Goretti tha thứ cho Alexander…
Gương của các hiền nhân: Khổng Tử chủ trương: “Dĩ đức báo oán.” Đức Phật Thích Ca cũng dạy: “Lấy oán báo oán, oán ấy chập chồng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.” Còn ông Gandhi, vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ thì cho biết: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”; “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú.” Ngoài ra, còn biết bao nhiêu mẫu gương khác, không những chủ trương tha thứ mà còn tha thứ bằng lời nói và hành động cho những kẻ làm hại mình.
Thứ tư, tha thứ là bổn phận của mỗi người Ki-tô hữu: Theo tâm lý bình thường, thì chúng ta yêu thương kẻ yêu thương mình và chúng ta ghét kẻ thủ của chúng ta. Kẻ thù là những người bắt bớ, sỉ nhục, vu khống, đặt điều nói xấu và làm những điều bất công với chúng ta. Vì vậy, để yêu thương những kẻ chúng ta coi là xấu không phải là một việc làm dễ dàng. Nhưng vì là lệnh truyền của Thiên Chúa và lời dạy của Đức Giêsu, cũng như gương sáng của các thánh và của các hiền nhân nên người Ki-tô hữu chúng ta có bổn phận phải thi hành. Chúng ta không những tha thứ mà còn phải cầu nguyện cho họ để họ thay đổi đời sống. Đặc biệt, chúng ta phải làm ơn cho họ, giúp họ nhận ra sai trái để trở về nẻo chính đường ngay. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 3,18).
Tóm lại, chúng ta có bổn phận tha thứ, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù, vì đó là lệnh truyền của Thiên Chúa, là lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu, của các thánh và của các hiền nhân qua mọi thời đại. Vậy chúng ta hãy đặt mình vào những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống để xét mình xem chúng ta đã thực hiện lời dạy về sự tha thứ như thế nào?
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tha thứ cho anh em như Chúa đã từng tha thứ cho chúng con. Amen.
11.Yêu thương kẻ thù
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường phân chia người khác thành từng loại: thân thiết, thù địch và dửng dưng, để rồi từ đó chúng ta có những thái độ cư xử khác biệt. Với người thân thiết, chúng ta yêu thương. Với kẻ thù địch chúng ta ghét bỏ và với kẻ dửng dưng, chúng ta thờ ơ.
Thế nhưng, bầu khí phụng vụ hôm nay đã làm đảo lộn hay nói đúng hơn đã phá đổ cái trật tự, cái lẽ thường tình này. Trong bài đọc thứ I, Maisen đã khuyên chúng ta: Đừng giữ lòng thù ghét anh em, đừng tìm cách báo oán và cũng đừng để lòng những lời nhiếc mắng của kẻ khác. Còn thánh Phaolô qua bài đọc II, thì đòi buộc chúng ta không được khinh rẻ người khác.
Và nhất là Chúa Giêsu Ngài muốn chúng ta phải có một tình thương tuyệt đối trong cách cư xử giữa người với người. Đúng thế, trong đoạn Tin Mừng của Chúa nhật tuần trước, chúng ta thấy đối với Chúa Giêsu việc làm hoà với nhau còn cấp bách hơn cả việc dâng của lễ cho Chúa: Khi các ngươi lên đền thờ dâng của lễ mà sực nhớ người anh em có điều chi bất bình thì hãy để của lễ đó, trở về làm hoà với người anh em trước đã rồi mới đến mà dâng của lễ sau. Còn trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Người đòi hỏi chúng ta phải yêu thương cả kẻ thù, phải thoả mãn cả những đòi hỏi phi lý nhất của kẻ khác: Nếu các con bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện các con để cướp lấy áo trong thì hãy cho nó lấy cả áo ngoài nữa. Nếu ai bắt các con đi một dặm thì hãy đi với nó hai dặm. Điều Chúa đòi hỏi qua những trường hợp cụ thể được nêu lên ở trên, đó là phải đi cho tới tận cùng của tình yêu thương, hãy hết lòng với người khác dù người đó chính là kẻ thù của mình. Những đòi hỏi đó xem ra chẳng thực tế chút nào, nhưng lại là những đòi hỏi chính yếu của thời cứu độ, của thời mà trong đó tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, như lời Người đã phán: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con, như vậy các con mới được trở nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời vì Ngài cho mặt trời mọc lên, soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mua xuống trên kẻ dữ cũng như người lành.
Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Một khi đã là con cái Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta phải là một phản ảnh trung thành cho tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không ngăn cách, không phân biệt, không hạn hẹp, phải yêu thương kể cả kẻ thù và những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì biên giới của yêu thương đó là yêu thương không biên giới.
12.Hãy sống yêu thương và nên trọn lành
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Kết thúc "Bài giảng trên núi", căn tính của người kitô hữu là muối là ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải cho khi dạy các môn đệ và cũng dạy chính chúng ta về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: "Các con đã nghe bảo... Còn Thầy, Thầy bảo các con ". Vậy nghe bảo gì? Và cụ thể giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ mình ra làm sao?.
Khi Chúa Giêsu khi trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng khi trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước "Mắt đền mắt, răng đền răng " (Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời Lamek, bởi Lamek đã từng nói với hai vợ: "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! " (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật "Mắt đền mắt, răng đền răng" (Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác" (Mt 5, 39).
Theo Chúa Giêsu, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Ngài bảo chúng ta "đưa má bên kia cho nó nữa, " là Ngài muốn chúng ta xây đắp tình hiệp thông anh em. Đưa má bên kia là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực.
Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.
Cho nó cả áo choàng, đi với nó hai dặm không phải một mà áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu. "Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ " (Mt 5, 44).
Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu không chỉ lên án một hệ thống dùng bạo lực để trả thù cho cân, Ngài còn muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại - người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến là người bạn ngươi. Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa Giêsu đã nói: đó là người thân cận của ngươi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bác bỏ sự phân biệt của chúng ta. Người khác không phải luôn là một người bạn, nó có thể trở thành kẻ thù. Điều quan trọng là tất cả mọi người là anh em với nhau.
Thật phù hợp để người kitô hữu khẳng định căn tính là con Thiên Chúa của mình khi thực hành lời Chúa Giêsu dạy để trở nên con cái của Cha trên Trời. Giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu để lại đã mạc khải rõ về hồng ân yêu thương. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù, kẻ muốn cắt đứt tương quan là con Thiên Chúa và anh em với ta. Luật ăn miếng trả miếng không còn tồn tại. Chỉ có tình yêu mới biến đổi được hận thù, tình yêu làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa và thể hiện chức phận là con đối với Người.
Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy về thánh ý Thiên Chúa trong đời sống: "Các ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời này, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời đặt luật lệ xã hội trên giới răn "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình" (Lv 19,18). Tuy nhiên, phải đi xa hơn để tình yêu của chúng ta được phổ quát nhằm cho luật cũ được kiện toàn. Khi yêu như thế, ta đang thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5,48).
Nhưng ai có thể nên trọn lành? Sống trọn lành là thi hành thánh ý Chúa trong tư cách là con. Thánh Xip-ri-a-nô từng viết: "Cách hành xử của con cái Thiên Chúa phải tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa được tôn vinh và ca tụng từ những việc tốt lành của con người " (De zelo et livore, 15: CCL 3a, 83). Như thế, con người có thể trở nên trọn lành khi sống tròn đầy cương vị làm con cái Thiên Chúa. Chúa Cha làm khác chúng ta là những người bỏ người này chọn người kia. Chúa Cha làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Chúa Cha quan tâm đến cả hai, người lành cũng như kẻ dữ ; con cái Thiên Chúa cũng phải trở nên trọn lành "như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mt 5, 48).
Xem ra có thể khó, nhưng Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trước khi nói: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5, 44-45). Ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết lòng, người ấy có khả năng bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa hầu hiện thực hoá một hiện hữu mới được nuôi sống bởi tình yêu và hướng đến sự vĩnh cửu. Tình yêu là điều vĩ đại, chúng ta đọc thấy trong sách Gương Chúa Giêsu, một điều tốt làm nhẹ đi những nặng nhọc và nâng đỡ những điều khó khăn. Tình yêu thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là con Cha trên Trời. Amen.
13.Yêu thương kẻ thù
Hãy yêu thương kẻ thù. Cứ sự thường người ta đối xử với nhau theo cái luật: Răng đền răng, mắt đền mắt, ân đền oán trả, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta và ghét bỏ những kẻ ghét bỏ chúng ta. Kẻ nào làm hại chúng ta thì chúng ta sẵn sàng để trả đũa, và người đời cho đó là lẽ thường tình, là thái độ khôn ngoan.
Thế nhưng, qua đoạn Tin Mừng nay Chúa Giêsu bảo chúng ta phải vượt lên trên cái lẽ thường tình ấy. Ngài phán với chúng ta: Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta. Bởi vì có thực hiện được điều đó, chúng ta mới xứng đang là con cái Thiên Chúa và mới trở nên giống Ngài, Đấng đã cho mưa xuống trên người lành cũng như trên kẻ dữ.
Chúa Giêsu không phải chỉ truyền dạy chúng ta mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta trong việc thực thi giới luật yêu thương này. Đúng thế, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, ngay cả trong khi chúng ta còn nằm trong tội lỗi, còn quay lưng chống lại Ngài như lời thánh Phaolô trong bức thư gởi tín hữu Rôma đã viết: Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đó là khi chúng ta còn tội lỗi, thì Đức Kitô đã chết để chúng ta được sống.
Đúng thế, Ngài luôn luôn mong ước những điều tốt, những điều phải cho những kẻ bách hại Ngài. Ngài chịu đau khổ và chịu chết để những ai bắt Ngài phải đau khổ và phải chết được hết đau khổ và chết chóc. Trước sự từ chối của con người không đáp trả tình thương yêu của Ngài, Ngài vẫn duy trì cái quyết định tuyệt đối của Ngài, đó là yêu thương chúng ta mãi mãi.
Một trong những đặc tính nổi bật của tình yêu nơi Thiên Chúa đó là sự tha thứ. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử tốt lành lên đường tìm kiếm con chiên lạc. Và khi đã tìm thấy thì vác nó trên vai và đem về nhà. Rồi Ngài đã xác quyết: Một kẻ tội lỗi ăn năn sám hối sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần sám hối ăn năn. Không phải những kẻ khoẻ mạnh là là những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi biết đường sám hối ăn năn. Ngài sẵn sàng chịu chết trên thập giá để làm gì nếu không phải là để tha thứ cho chúng ta. Trong giây phút đớn đau nơi thập giá, Ngài cũng đã thứ tha cho tất cả những kẻ độc ác đã hành hạ Ngài bằng lời van xin: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.
Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia trong một hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù đang đi trong rừng. Hắn liền bắt cô bé, chặt đứt ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy vừa khóc, còn hung thủ vừa đi vừa la: Ta đã trả thù được rồi. Mười năm sau, cô bé lúc đó đã có chồng và có con. Ngày kia, một kẻ ăn mày tới xin ăn, bà nhận ra đó là kẻ đã chặt tay mình, nên vội vàng vào nhà, bảo tôi tớ đem cơm thịt và cá ra đãi. Khi kẻ thù đã ăn xong, bà bèn giơ bàn tay cụt ra cho coi và nói: Tôi cũng đã trả thù được rồi. Tên ăm mày thấy thế bèn khóc lóc xin được tha thứ.
Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta có thực sự yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ghét bỏ chúng ta hay không?
14.Tha thứ kẻ thù
Đâu là phương thế để làm cho thêm bạn bớt thù trong cuộc sống của mình?
Có một bản du ca tôi rất thích hát, bản du ca ấy có những lời lẽ như thế này: Kẻ thù ta đâu có phải là người giết người đi thì ta ở với ai. Đúng thế, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi của mình. Nhân vô thập toàn là thế. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh là thế.
Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền, như một câu danh ngôn đã bảo: Hễ ở đâu có hai người sống với nhau, thì ở đó thế nào cũng có sự xích mích và giận hơn.
Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy trên đời đâu phải chỉ có một hay hai người làm cho tôi sự mất lòng, làm cho tôi phải nhục nhã và tức giận. Ngay cả đến những người bạn thân tình, ngay cả đến cha mẹ và anh chị em ruột thịt cũng đã nhiều lần làm cho tôi phải bực bội.
Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này.
Hơn nữa, xã hội và ngay chính bản thân tôi, sẽ không thể nào được xây dựng trên sự thù oán và đấu tranh, vì thù oán này sẽ nảy sinh ra thù oán khác, như một thứ bệnh truyền nhiễm làm cho xã hội bị sụp đổ, còn bản thân tôi sẽ phải quay quắt khổ đau. Thế nhưng, điều tệ hại nhất, đó là chính bản thân tôi nhiều khi lại là nguyên nhân cho sự thù oán, vì hơn một lần tôi đã sai lỗi, hơn một lần tôi đã gian tham và bất công. Cho nên người đáng phải giết, đáng phải loại trừ lại chính là bản thân tôi. Vì vậy mà bản du ca trên có những lời lẽ được tiếp nối như sau: Kẻ thù ta tên nó là gian ác, tên nó là điêu ngoa, tên nó là tham tàn...
Phương thế hữu hiệu nhất để làm cho thêm bạn bớt thù, không phải là chết giết những kẻ thù ở bên ngoài, vì sự trả thù chỉ là cái vui của những tâm hồn đê tiện, nhưng là phải lột mặt nạ và tận diệt cho bằng được những thói hư tật xấu, là những kẻ nội thù, nằm sẵn trong cõi lòng chúng ta, như người xưa đã dạy: Kẻ thù đích thực thì ở trong tâm hồn, vì đó là những nguyên nhân gây nên thù oán ngoài xã hội.
Cùng với việc uốn nắn sửa đổi những sai lỗi của mình, chúng ta hãy có thái độ khoan dung và tha thứ, cố gắng đi bước trước tiến đến sự hoà giải cùng nhau. Đừng khoan dung với mình mà gay gắt với anh em, trái lại hãy khoan dung với anh em mà gay gắt với chính mình. Cách tốt nhất để khỏi băn khoăn về kẻ thù là hãy làm cho họ trở nên một người bạn, bởi vì thù oán không thể huỷ diệt được thù oán, chỉ có tình thương mới huỷ diệt được nó mà thôi.
Ngày kia thánh Clementê đi vào một tiệm ăn, ngửa tay ra và nói:
- Xin quý ông rộng lượng bố thí cho các em mồ côi một miếng cơm, một manh áo.
Tức thì các thực khách cười lên hô hố một cách khinh bỉ. Sau đó, một anh thợ giày đã nói:
- Một miếng ư, được lắm.
Rồi anh ta uống một ngụm bia, phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân. Chúng ta thử tưởng tượng xem thánh nhân đã phản ứng như thế nào? Có lẽ ngài sẽ giáng cho anh ta một cái tát tai. Nhưng không, ngài vẫn bình tĩnh, rút khăn lau mặt, rồi lại ngửa tay và nói:
- Thưa quý ông, đó là phần của tôi, còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy.
Anh thợ giày bỗng té nhào xuống đất như bị một cú đấm thôi sơn, vì anh ta chẳng bao ngờ tới trên cõi đời nham nhở này mà lại có được một người khích phách như vậy. Anh lòm còm ngồi dậy và lắp bắp nói:
- Tôi... tôi sẽ gởi tặng các em.
Sau đó, anh đã dành một phần sản nghiệp và trao tận tay thánh nhân một số tiền lớn để tạ lỗi.
Hãy tha thứ để rồi bản thân sẽ được Chúa thứ tha.
15.Thiên Chúa là tình yêu – Cố Lm Hồng Phúc
Thiên Chúa phán cùng Moisê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể Cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của các ngươi”.
Thiên Chúa là Đấng siêu việt, là Đấng Thánh. Không có một tì ố, một vết nhơ, như dòng nước trong veo, bầu trời trong sáng tuyệt đẹp. Và Ngài bày tỏ quyền năng và vinh hiển khi Ngài tạo dựng, giải phóng cũng như khi Ngài sát phạt và tha thứ. Tiên tri Isaia như bị chết ngộp khi được cảm nghiệm sự thánh thiện Thiên Chúa trong đền thờ, và tiên tri Ôsê kêu lên: “Đấng Thánh đang ở giữa anh em”. (11, 9)
Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên thánh, nghĩa là chúng ta phải rửa sạch vết nhơ của Lề luật bên ngoài mà phải thực thi đức công chính, vâng lời và yêu thương (Nhị luật 6, 4-9), một sự thánh thiện trong mọi bối cảnh sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. “Hãy nên thánh như Ta là Đấng Thánh, Thiên Chúa của các ngươi”.
Trong Đạo cũ, người Do thái thường tôn đền thờ, “Đền thờ của Thiên Chúa là Thánh. Ai xúc phạm tới Đền Thánh thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy”. Trong Đạo mới, Chúa Giêsu tự ví mình là Đền thờ hiện diện giữa loài người (Ga 1, 4; 2, 19). Thánh Phaolô trong bài đọc II, còn đi xa hơn nữa, Người nói Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa, một đền thờ thiêng liêng, và Giáo hội cũng là Đền thờ do Chúa Giêsu xây dựng (1Cr 3, 10-17), trong đó người Do thái cũng như dân ngoại đều được mời vào như thành phần nhiệm thể Chúa. Đừng ai cho mình là khôn ngoan, là đồ đệ Phaolô, Kêpha hay Apollô, nhưng, “Anh em tất cả thuộc về Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.
Trên tất cả, Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Giêsu đến để đem lại một tình yêu bác ái gạn lọc mọi dơ bẩn, mọi lớp vỏ bao quanh như tình máu mủ, dân tộc, gia đình, quốc gia, lễ giáo chật hẹp. Người xưa bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, người ta xúc phạm mình mức nào, mình có quyền ăn miếng trả miếng, đối xử với họ như họ đã đối xử.
Còn Chúa, Chúa không dạy lấy sự dữ đối lại với sự dữ. Chúa dạy lấy sự lành đối với sự dữ và hơn thế phải làm sự lành hơn mức đòi hỏi: “Thầy bảo các con: đừng chống cự lại kẻ hung ác, trái lại, nếu ai vả má bên phải của các con hãy đưa má bên kia cho nó nữa… Ai xin, thì con hãy cho, ai muốn vay mượn, con đừng khước từ”. Chúa nói rằng đức bác ái không có biên giới, không phát xuất từ xác thịt mà từ một tâm hồn yêu mến Thiên Chúa, yêu mến đến từ bỏ mình, đến hy sinh.
Việc hy sinh lớn lao hơn cả là hy sinh tính tự ái của mình, là tha thứ cho kẻ làm nhục ta, là tha thứ cho kẻ thù. Xưa nay, chưa có một đạo giáo nào dạy tha thứ cho kẻ thù. Chúa phán: “Các con nghe dạy rằng: ngươi hãy yêu thương anh em ngươi và thù ghét kẻ làm hại ngươi. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương kẻ thù”.
Người Do thái quan niệm anh em là người đồng hương hay người cảm tình với đạo. Đối với Chúa Giêsu, anh em là tất cả, là người Samaritanô, là người ngoại bang, là người lạc đạo nữa (Lc 10, 29-37). Chúa biết trái tim con người có thể vượt tính tự ái, mở rộng trái tim và vòng tay để ôm ấp cả kẻ thù.
Chúa đã tha thứ cho kẻ giết mình, “Lạy Cha, xin tha cho chúng” (Lc 23, 34). Khó thật nhưng Chúa ban cho kẻ thật lòng xin ơn biết tha thứ.
Văn hào Henry Bordeaux kể: Ngày kia, một nhóm thợ thuyền 20 người được Đức Giáo Hoàng Piô XII đến thăm và trò chuyện thân mật. Bỗng có một người thợ quỳ xuống và nói: “Thưa Đức Thánh Cha đây là cuốn sách con đọc điều dữ và đây là… con dao con muốn ám hại Đức Thánh Cha, con xin lỗi Ngài.” Đức Piô trả lời: “Con ơi, Chúa chúc lành cho con như cha” (Images romaines, plon, trang 279).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương thù địch, làm lành cho kẻ ghét và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống chúng con…, để chúng con trọn lành như Cha trên trời.
16.Hãy hoàn thiện như Chúa
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có câu chuyện kể rằng: Nhà truyền giáo trên hòn đảo nọ rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ mang nắm cát ướt bước vào lều của ông, và nói:
- Ông biết đây là gì không?
- Nó giống như cát.
- Ông có biết vì sao tôi mang nó vào đây không?
- Tôi không hiểu ý bà.
- Đây là tội lỗi của tôi, tội tôi không thể đếm được như cát biển này. Làm thế nào tôi biết chắc được tha thứ tất cả?
- Bà hãy đem cát ra biển và chất thành đụn cát, rồi ngồi nhìn xem sóng biển ập tới, chắc chắn sẽ cuốn đi tất cả. - Thưa bà, đó là cách Thiên Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài dành cho tội nhân. Lòng nhân từ, thương xót và tha thứ của Chúa bao la như đại dương. Hãy thành thật ăn năn để hưởng hồng ân của Thiên Chúa. Đó chính là lòng nhân từ của Thiên Chúa cho những ai có lòng ăn năn và tin cậy Ngài.
Thiên Chúa là Đấng rất mực yêu thương con người. Tình yêu đã thôi thúc Ngài thể hiện qua muôn ngàn cách dành cho con người. Ngài tạo dựng con người giống hình ành Ngài. Con người phản bội. Ngài vẫn thứ tha và hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc lỗi lầm con người. Con người sa đi ngã lại trong lầm lỡ. Ngài vẫn chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Con người thì bất trung. Ngài thì trung thành mãi với tình yêu dành cho con người. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì vô bờ.
Tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể qua Đức Giê-su. Đấng hiện tại hóa tình yêu ấy nơi dương gian. Một tình yêu nhân từ nhẫn nại trước sự dữ bủa vây. Chính Ngài không chỉ nói: “Khi người ta vả má này thì đưa má kia cho người ta tát” mà Ngài đã dám sống điều đó trong cuộc tử nạn. Chính Ngài đã để quân dữ lột áo ngoài của Ngài để chia nhau với thái độ bình thản đầy nhân từ. Chính Ngài vẫn một lòng nhân từ cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Ngài còn chúc phúc cho mọi người như chính Chúa Cha đã làm khi cho mưa thuận gió hòa trên kẻ lành người dữ.
Có một em học sinh trong lớp giáo lý đã hãnh diện nói về niềm tin mình rằng: “Khi con đặt Chúa Giê-su làm trọng tâm cuộc sống mình, thì con mới thấy ngày hôm nay vui hơn, con tử tế với mọi người hơn, và dễ tha thứ với mọi người”.
Quả thực, theo lẽ thường con người thường “ăn miếng trả miếng”, nhưng nếu mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su, con người sẽ sống tha thứ và nhân từ với nhau. Nếu biết đặt Chúa Giê-su làm trung tâm con người sẽ thôi chiến tranh hận thù nhưng luôn biết vì Chúa mà làm hòa với nhau, vì Chúa mà đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ. Đó cũng là lời mời gọi mà Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà sống cao thượng hơn lẽ thường. Lẽ thường chỉ yêu thương kẻ yêu mình nhưng còn là ky-tô hữu thì phải yêu thương cả kẻ thù mình nữa. Lẽ thường chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì chưa đủ mà còn phải thân thiện với tất cả mọi người.
Ước gì chúng ta biết hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Hoàn thiện trong cách yêu mến tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Hoàn thiện trong cách sống phục vụ như Chúa đã quan phòng gìn giữ chúng ta. Amen.
17.Sống chữ Nhẫn – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn. Thế mà có những lúc không đủ ăn. Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà. Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.
Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:
Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì! Bây giờ tôi không cho chú đi. Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.
Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: "Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!"
Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể. Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn. Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý. Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: "Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?
Hàn Tín ôn tồn bảo: "Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban".
Lối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là hay. Đối với người ân thì ban thường, song đối với người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù. Thật là một người quân tử.
Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng ta hãy làm hoà trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn. Đây là một lời khuyên quan trọng: chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải đi trước một bước mà làm hoà. Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây cho ta: như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo gian... Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng chúng ta như muốn trả đũa ngay. Đó là tính tự nhiên của con người. Nhưng Chúa muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn. Chúa muốn chúng ta tha thứ và làm hoà. Tha thứ và làm hoà là điều kiện phải có để đến với Chúa. Không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ. Nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần phải biết tha thứ cho nhau. Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung và tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được vời mình. Đây cũng là điều mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình yêu tha thứ. Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình. Không chỉ quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình. Bởi vì, oán báo oán thì oán chập chùng. Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Chính Chúa đã sống tình yêu đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài, thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành cũng như người dữ. Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống tình thương bao dung đó cho anh em của mình. Hãy quên đi những xúc phạm của nhau. Hãy làm hoà để thêm bạn bớt thù. Hãy tha thứ để tìm được sự bình an tâm hồn cho bản thân và cho những người chung quanh. Xin Chúa là Đấng hằng thương xót và tha thứ, xin giúp chúng ta biết tha thứ lỗi lầm của anh em, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Amen.
18.Yêu “kẻ thù” như thế nào đây?
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Quả thật đã từng có nhiều ý kiến khác chiều, thậm chí có khi là trái chiều liên quan đến những lời dạy của Chúa Kitô về việc không chỉ “đừng chống cự lại kẻ ác” mà còn “giơ má kia cho người ta đánh” hoặc “phải yêu kẻ thù” (x.Mt 5,38-44).
“Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Lời một bài ca khá phổ biến này dường như được cảm hứng từ những lời Tin Mừng trên đây. Nếu nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình thì hẳn sẽ không có chuyện giết hay ghét bỏ. Chỉ có ma quỷ mới là kẻ thù đích thực của chúng ta.
Trước hết chúng ta cần phân định rõ lời dạy của Chúa Kitô qua đoạn tin mừng Mt 5, 38-48 mà giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật VII TN A. Nội dung chính lời dạy của Chúa Kitô là cần phải vượt qua cái giới hạn của đức công bình cũng như giới hạn của đức yêu thương theo luật Cựu ước.
Thiết tưởng cần nhìn nhận mặt tích cực của luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng, sưng đền sưng, bầm đền bầm…”. Luật này giúp hạn chế sự gia tăng mức độ báo thù mà thường theo bản năng người ta khó tự kiềm chế. Chuyện bị đánh gảy một cái răng thì đánh trả lại người ta gảy nguyên cả hàm vẫn còn nhan nhản ngay trong thời đại hôm nay. Nước này phóng vào lãnh địa nước kia mười quả đạn pháo thì nước kia sẽ phóng trả đủa lại không dưới mười quả, có khi là gấp ba, gấp bảy lần. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” dường như vẫn còn giá trị của nó. Tuy nhiên giới luật này không khử trừ sự ác, điều xấu cách tận căn mà nhiều khi dẫn đến tình trạng không lối thoát.
Chuyện thật như bịa theo ý cha Anthony de Mello: Có tay trộm choai choai lẻn vào khuôn viên nhà thờ lúc bốn giờ sáng, định cuỗm thứ gì đó. Chưa thu được chiến lợi phẩm gì thì bị “ông từ” đi đánh chuông phát giác. Hoảng quá cậu nhóc leo đại lên tháp chuông trốn tưởng rằng qua được mắt ông từ già. Nhưng rủi cho cậu nhóc là cặp mắt ông từ vẫn còn tinh. Ông từ kiên nhẫn ngồi dưới tháp chuông chờ có người đến thì la làng. Cậu nhóc đoán được ý ông từ đành làm liều nhảy đại xuống từ độ cao khoảng bốn mét (tầng cuối). Ai ngờ cậu nhóc nhảy xuống vấp phải ông từ khiến ông già trẹo một chân. Dù gảy chân nhưng ông từ vẫn ôm chặt cậu bé và la lớn tiếng. Người ta chạy đến và cậu nhóc bị tóm. Tất cả dẫn cậu nhóc vào cha xứ. Ngài hỏi cậu nhóc đã ăn trộm cái gì. Cậu ta thưa là chưa lấy được gì cả. Ngài phán tiếp: “thế thì theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ông từ được quyền leo lên tháp chuông và nhảy xuống để làm trẹo một chân cậu nhóc!” Mặt ông từ tái xanh.
Chúa Giêsu đã dùng lối nói “ngoa ngữ” dạy chúng ta dùng chính tình yêu, việc lành để giải hoá sự hận thù, diệt trừ sự dữ tận gốc rễ. Cần lưu ý rằng văn phong “ngoa ngữ” thường được sử dụng không phải cố ý dạy những gì được trình bày nhưng để nhằm nhấn mạnh ý tưởng muốn nói. Chẳng hạn khi dạy chúng ta rằng nếu mắt hay tay chân ta gây cớ cho ta phạm tội thì chặt chúng đi, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến việc dứt khoát tránh dịp tội chứ không biểu chúng ta móc mắt hay chặt chân, chặt tay (x.Mt 5,29-30). Hiểu được điều này thì chúng sẽ không thấy có sự mâu thuẩn giữa lời dạy và hành động của Chúa Giêsu. Trước mặt thượng tế Khanan, khi bị một thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt thì Chúa Giêsu đã chất vấn: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”(Ga 18,23). Khi dạy chúng ta “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa” thì Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh điều này: “đừng chống cự người ác”, nghĩa là đừng báo thù, kiểu ăn miếng trả miếng.
Tình yêu thì không có biên giới cả về mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân thì Chúa Giêsu đã long trọng nhắc lại lời Cựu ước và nhấn mạnh thêm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Hạn từ “hết” đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ “như chính mình” làm nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.
Xét về đối tượng, luật Cựu ước đòi hỏi phải yêu thương người đồng bào, người đồng đạo. Luật còn dạy phải quan tâm đến người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, kiểu gặt sạch sành sanh, đừng mót các gié bị vương vải. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng…Tất cả những thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ… (x. Lv 19, 9-10). Tuy nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên tuy không bị ghét bỏ, nhưng thường không được xem là anh em, là người thân cận với người Do Thái. Một vị thông luật đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” Nhân dịp ấy Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” và qua đó khẳng định rằng chúng ta phải làm người thân cận với tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót của chúng ta (x.Lc 10,25-37).
Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt…?
Nếu cho rằng yêu thuơng là một phạm trù thuộc tình cảm thì quả thật rất khó vượt qua tâm lý bình thường của kiếp người. Tuy nhiên cần lưu ý rằng yêu thương trên hết là một quyết định của ý chí tự do được biểu lộ cả bằng tình cảm và hành động. Không chỉ có những tình cảm trìu mến, quyến luyến mới phản ánh tình yêu mà ngay cả khi giận dữ, buồn phiền cũng có thể phản ánh tình yêu. Chuyện thương con cho roi cho vọt là chuyện như hiển nhiên mang tính quy luật. Không chỉ khi xúc động trước đoàn lũ đông đảo dân chúng như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu mới tỏ bày tình yêu, cũng không phải khi Người rơi lệ trước cái chết của Ladarô thì mới là yêu, nhưng cả khi Chúa Giêsu buồn phiền trước lòng chai dạ đá của một số kinh sư và biệt phái cũng là vì yêu hay khi Người xung giận bện dây thành roi đánh đuổi những người đã biến Ngôi nhà Chúa thành nơi chợ búa, thành hang trộm cướp thì cũng là yêu thương vậy.
Yêu thương là không chỉ muốn mà còn phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo thì mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau thì trên bình diện tiêu cực, chúng ta không được phép loại bỏ nhau dù dưới bất cứ hình thức nào. Trên bình diện tích cực thì cần giúp nhau tồn tại, phát triển theo thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Cách thế biểu lộ tình yêu có thể khác nhau tùy từng trường hợp nhưng luôn với ý hướng là để người mình yêu nên tốt hơn, nên hoàn thiện hơn. Có thể nói rằng cách chung đối với những người tội lỗi thuộc hàng bé mọn, yếu đuối, thì Chúa Giêsu thường bày tỏ lòng khoan dung, sự trìu mến, cử chỉ khích lệ, còn với những người tội lỗi thuộc hàng phận cao, quyền trọng mà cố chấp thì Người nghiêm khắc cách tỏ tường.
Với người này thì chúng ta biểu lộ tình yêu bằng cách thế này, người kia thì cách thế kia, nhưng xin đừng quên rằng chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho tất cả mọi hạng người. Vâng lệnh Chúa Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho tha nhân, cho xã hội… Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu thương “kẻ thù”, yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở về nẽo chính, đường ngay. Ngôn sứ Êdêkien đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (x. Ed 3,18). Có thể có nhiều cách thế yêu thương, nhưng thiết tưởng dù yêu bằng cách thế nào đi nữa cũng không thể thiếu hai động thái trên đây.
Phải chăng đang có đó nhiều Kitô hữu, thậm chí là nhiều tu sĩ, linh mục, giám mục những tưởng rằng mình đã yêu “kẻ thù”, đã làm ơn cho người “làm hại mình”, nhưng thực ra chỉ yêu chính mình mà thôi?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam