Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1361954

YÊU MẾN CHÚA

YÊU MẾN CHÚA-  Lm. Giacobe Phạm Văn Phượng

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết mối liên hệ giữa lòng yêu mến Chúa và việc tuân giữ các điều răn của Chúa: “Nếu anh em yêu mến Thầy anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”, “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Như vậy, yêu mến Chúa thì giữ các điều răn, và ngược lại, giữ các điều răn là yêu mến Chúa.

Các điều răn Chúa nói là gì? và giữ các điều răn thế nào để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa? Hiểu theo nghĩa chặt, đó là bản Giao Ước được ghi vào bia đá. Bản Giao Ước đó chính là Mười Điều Răn, mà dân Do Thái gọi là “Những lời của Giao Ước” hoặc “Mười Lời”. Hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những điều Thiên Chúa truyền dạy. Ngày nay, đạo của chúng ta cũng dạy rất nhiều điều: nào là Tin Mừng, nào là mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh, nào là luật Giáo Hội. Trong tất cả những luật ấy, chúng ta không biết điều nào là chính điều nào là phụ, sự phân vân thắc mắc đó, ngay từ xưa chính Chúa Giêsu đã giải đáp: điều chính, điều quan trọng nhất, tóm tắt tất cả những gì mọi Kitô hữu phải giữ và thực hành, đó là điều răn yêu mến: mến Chúa yêu người. Ai giữ hai điều này thì kể là giữ tất cả những điều khác, trái lại, ai giữ tất cả những điều khác mà không thực hành lòng mến Chúa yêu người thì kể như không giữ gì cả.

Tóm lại, người Kitô có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn mến Chúa yêu người. Hơn nữa, chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không là đủ. Nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Và tình yêu đó phải được thể hiện bằng những việc làm, những hành động cụ thể.

Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng: có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, vì tính khí khó chịu của anh ta nên cửa hàng luôn bị ế ẩm, anh đã làm đủ mọi cách để câu khách nhưng chẳng ai thèm mua. Có một người ăn xin ngồi bên lề đường, thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng treo lủng lẳng, rồi ông móc trong bị ra một khúc bánh mì, lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ướp vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh cách ngon lành. Anh chàng bán thịt nhìn thấy, chạy ra túm lấy áo người ăn xin đòi tiền. Người ăn xin phân trần: “Tôi đâu có mua thịt của anh, khói thịt đâu có phải là thịt”. Anh bán thịt quát lên: “Khói thịt cũng thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi”. Hai người cãi nhau, không ai chịu ai và đưa nhau đến quan tòa xét xử. Vị quan toà truyền cho người ăn xin móc ra một đồng tiền cắc và ném xuống nền nhà phát ra tiếng kêu, ông nói: “Đây là giải pháp công bằng nhất, người ăn xin hưởng khói thịt của anh, và anh thì hưởng âm thanh đồng tiền của ông ta. Thế là công bằng nhé”.

Nghe qua câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ cười chê thái độ ích kỷ, keo kiệt, vớ vẫn của người bán thịt, thế nhưng rất nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã cư xử với tha nhân như thế. Việt Nam chúng ta có câu chuyện về một người cha tham ăn đang nướng mấy con cá, người mẹ dỗ dành vỗ về đứa con nhỏ khóc đòi ăn: “Nín đi, để xem có con nào nhỏ rồi ba cho”. Anh chồng quát lên: “Cho cái gì? không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau”.

Tình thương không chia sẻ, không liên đời là tình thương không mạnh đủ hay là tình thương không có thật. Trước những nhu cầu bức thiết của người anh em, nhiều người đã tránh né, chạy trốn bằng những câu trả lời: “Chừng nào tôi đủ ăn, dư mặc tôi sẽ cho”, hay “Để lúc khác, bây giờ tôi không có thời giờ”. Và cái lúc khác sẽ không bao giờ đến, vì người ta có trăm ngàn lý do để biện minh cho thái độ thiếu lòng thông cảm, thiếu tình thương của mình.

Người Kitô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người, nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn yêu người. Chúng ta hãy sống thế nào để tỏ lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống yêu thương của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn xác tín rằng: chỉ bằng cuộc sống yêu thương chúng ta mới thực sự làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH-A

THẦN KHÍ HƯỚNG DẪN- Lm. Jos. Quốc Phong

“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”

Tất cả mọi người chúng ta hẳn đã có kinh nghiệm ít nhiều về cuộc sống, và mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm và sự đau khổ và mất mát. Sự đau khổ có thể đến từ nhiều con đường khác nhau: có thể từ gia đình, trường học, sở làm việc, và có thể đến từ chính nội tâm chúng ta. Tất cả những sự đau khổ và cùng cực đó làm cho trái tim chúng ta đau đớn, làm cho cuộc sống chúng ta cảm thấy bất hạnh, làm cho tương lai của chúng ta mù mịt, khiến những bước đi trong hiện tại trở nên nặng nề, và đôi khi trái tim đau đến nghẹn thở… nó làm chúng ta cảm thấy sợ hãi và căng thẳng, lo lắng và bất an…

Có một anh chàng cử nhân nọ, sau khi tốt nghiệp và cầm trên tay một mảnh bằng ngon lành với một chút tự hào và hạnh phúc. Anh càng tự hào hơn khi anh nghĩ rằng mình từ bỏ danh vọng để dấn thân đi theo Chúa trên con đường thánh hiến. Cuộc sống ơn gọi của anh trong những năm đầu rất thuận lợi, tất cả dường như đi theo đúng kế hoạch và chỉ tiêu do anh ta suy nghĩ và phác thảo, như thể sự vận hành của một cỗ máy cho ra sản phẩm đúng như bản vẽ. Nhưng một ngày nào đó, một số vấn đề đã xảy ra, những kế hoạch bị đảo lộn, và không còn vận hành theo ý của anh được nữa, thậm chí anh đã thất bại, và thất bại rất thảm hại. Và đã có lúc anh đã muốn bỏ cuộc vì không thể chấp nhận nổi chính mình. Tất cả các chương trình và kế hoạch của anh ta dường như tan tành theo mây khói, không có chi cứu nổi. Anh tự suy nghĩ phương pháp để sửa chữa thì nó càng sai lầm và bế tắc. Anh đã vô cùng đau khổ và khủng hoảng…

Sau đó anh cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều, ngày này sang ngày kia, tháng này qua tháng nọ, ròng rã trong suốt 2 năm trời … anh mới nhận ra được một chút ánh sáng. Một trong những sai lầm của anh là đã dựa vào mình quá nhiều, đã tin tưởng vào khả năng của mình, vào những kế hoạch do ý muốn của riêng mình. Đời sống cầu nguyện của anh đó là gần gũi với Chúa để xin Chúa chúc lành và giúp đỡ để kế hoạch của anh ta được toại nguyện, “kế hoạch nên thánh” của anh. Sau khi bị khủng hoảng, anh mới hiểu ra rằng, anh phải thay đổi lại cách thế suy nghĩ, và nhất là thay đổi lại tương quan với Thiên Chúa. Anh phải lắng nghe và nhận ra được kế hoạch mà Chúa muốn mời gọi anh, và việc anh phải làm là dấn thân vào kế hoạch của Ngài: “Xin cho Ý của Cha được nên trọn”. Sau khi đã chết đi cho chính mình, chết đi cho một tinh thần cũ, anh đã được phục sinh, bắt đầu lại một cuộc sống mới, một bước đường mới với một ánh sáng mới “xin cho Ý của Cha được thể hiện”.

Lương thực thật sự làm cho chúng ta sống và sống dồi dào, không phải là một đời sống vật chất sung túc, cũng không phải là một đầu óc thông minh sáng tạo có khả năng chế tạo hay phát minh ra những điều mới mẻ, cũng không phải là một sự tổ chức, quản lý chặt chẽ, …lương thực thật sự có khả năng làm cho chúng ta sống hạnh phúc, mang lại cho chúng ta một đại dương của sự bình an đó chính là được đụng chạm đến “Thiên Chúa”, được ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta.

Hôm nay Chúa Giêsu đã phán rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy. Và thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”. Điều kiện mà Chúa Gesu đã đưa ra là “hãy giữ giới răn của Thầy” thì Thầy sẽ ở người ấy, Thầy sẽ yêu người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Giới răn của Thầy chính là “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Hãy sống yêu thương trong sự thật, sống trong Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta sẽ đụng chạm và ở lại trong tình thương của Ngài. Trích sách tông đồ công vụ, thánh Philipphê đầy tràn Thánh Thần đi xuống sứ Samaria để rao giảng Đức Kitô và làm nhiều phép lạ. Có Thần Khí ở cùng, thánh Phipipphê đã thực sự sống và sống sung mãn. Chính sức sống mãnh liệt đó làm cho ngài có khả năng lướt thắng hết mọi thách đố và khó khăn, để rao giảng một niềm vui to lớn đến nỗi không thể nào không loan truyền cho mọi người. Trong bài đọc hai, Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi của chúng ta, Ngài đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn mạnh của sự sống, Đấng làm cho chúng ta sống và sống dồi dào.

Thiên Chúa chính là nguồn mạch của sự sống và sự sống đời đời. Chỉ có ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong chúng ta, thì chúng ta mới có được sự sống thật sự. Những gì thế gian chào mời chúng ta bằng những sự quảng cáo đủ màu sắc và nhiều lời hứa ngon ngọt, không có khả năng đem lại cho chúng ta một sự sống thật sự trong chân lý và trong an bình. Những gì của thế gian chỉ có thể đáp ứng để thỏa mãn những cơn đói bên ngoài. Hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự can đảm để chúng ta có đủ sức mạnh lột bỏ hết các tất cả các mặt nạ, các bức tường đã ngăn cản và che đi “khuôn mặt thật” của chúng ta, đó là khuôn mặt giống Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Chân Lý Vĩnh Cửu mới có khả năng thỏa mãn cơn đói tinh thần, cơn đói linh hồn vĩnh cửu của chúng ta, vì Ngài chính là Đấng Tạo Hóa, là Nguồn Mạch Bình An vĩnh cửu.

home Mục lục Lưu trữ