Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1362894

YÊU THƯƠNG CẢ KẺ THÙ

YÊU THƯƠNG CẢ KẺ THÙ – Lm. Micae Võ Thành Nhân

 Cuộc sống của con người chúng ta không hoàn hảo, chúng ta hay phạm tội “ Nhân vô thập toàn “ , vì thế, chúng ta dễ hư mất đời đời. Đang khi đó, Chúa dạy chúng ta: “ Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện “ ( Mt 5, 48 ). Chúng ta phải nghe Lời Chúa dạy hôm nay để cố gắng sống mỗi ngày tốt hơn như ý Chúa muốn. Một trong những cố gắng đó là sống yêu thương, nhất là yêu thương kẻ thù, cụ thể là yêu thương những người mà mình không ưa, không thích, những người nghịch lại mình, những người có quan điểm, tư tưởng khác mình, đối kháng, trái chiều với mình.

       Yêu thương kẻ thù là:

       -Đừng chống lại kẻ hung ác ( Mt 5, 39a ).

       -Ai vả má bên phải của con,, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa ( Mt 5, 39b).

       -Ai kiện lấy áo trong thì con đưa cả áo ngoài ( Mt 5, 40 ).

       -Ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với họ hai dặm ( Mt 5, 41 ).

       -Ai xin thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, con đừng khước từ ( 5, 42 ).

       -Hãy làm sự lành cho kẻ ghét con ( Mt 5, 44a ).

       -Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con ( 5, 44b ).

       -Chào hỏi tất cả mọi ( 5, 47 ).

       Chúa đã sống mẫu gương này trước trong cuộc đời của Chúa. Cách riêng là trong cuộc khổ nạn, người ta xỉ vả, bịt mắt, khạt nhổ, lăng nhục, đánh đòn, tước hết tự do và cuối cùng là đóng đinh giết chết Chúa trần truồng trên thập giá mà Chúa còn thưa với Chúa Cha: “ Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm “ ( Lc 23, 34 ).

        Chúa sống và tha thứ được như vậy là vì Chúa quá yêu thương con người chúng ta. Chúa không muốn cho một ai phải hư mất đời đời. Chúa đến trần gian để Chúa dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đời đời, và rồi từng người, từng giai tầng xã hội, từng cách sống của chúng ta mà Chúa có cách để Chúa dạy dỗ, uốn nắn, hướng dẫn cách sống cho phù hợp với Tin Mừng Chúa loan báo.

       -Đối với những người biệt phái, luật sĩ: Họ là những người ưu tuyển trong tôn giáo, có chỗ đứng trong xã hội được mọi người xem trọng, nhưng họ sống giả hình, giả bộ. Chúa nhiều lần khuyên răn nhẹ nhàng, hướng dẫn, có khi nặng lời với họ là để họ sửa đổi sống tốt hơn, nhưng họ vẫn là chứng nào tật nấy ( Lc 11, 27 – 53 ).

        -Đối với những người thu thuế, gái điếm, tội lỗi: Chúa cũng có cách giáo dục như những người biệt phái, luật sĩ, nhưng họ đã nghe Chúa, họ sửa đổi cuộc sống, cho nên Chúa không lên án họ nặng lời, Chúa tha thứ cho họ ( Lc 19, 1 – 10 ).

       -Đới với những người nghèo, đói khát, bệnh hoạn tật nguyền, bị bỏ rơi, hất hủi…: Chúa thấy, Chúa động lòng trắc ẩn, Chúa yêu thương, Chúa dạy dỗ, Chúa làm phép lạ cứu giúp họ trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi họ nghe Lời Chúa ( Lc 6, 12 – 19 ).

        Chúa yêu thương tất cả mọi người, Chúa không phân biệt, Chúa đối xử tốt đẹp với tất cả mọi người, bởi vì Chúa quan tâm và không bỏ rơi một ai. Chúa không triệt hạ đường sống của tất cả mọi nười. Chúng ta phấn khởi và phó thác nơi Chúa cuộc sống của chúng ta: “ Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và làm mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương “ ( Mt 5, 45 ).

       Với tư cách là Chúa, Chúa dạy chúng ta không như những người khác. Chúa có thẩm quyền trên mọi sự. Chúa dạy chúng ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các biệt phái và luật sĩ; giáo lý của Chúa cũng mới mẻ, thu hút: “ Người xưa nói rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng… Hãy yêu thương tha nhân và ghét kẻ thù…. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con…” ( Mt 5, 38 – 48 ). Chúng ta hãy làm theo Lời Chúa dạy để chúng ta sống tốt hơn.

       Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu thương kẻ thù, Chúa không cho phép chúng con ghét người khác, dù là thù địch, đây là điều răn mới của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con xét lại các mối tương quan của chúng con với Chúa, với mọi người và với bản thân: Với Chúa, chúng con phải sống tốt với Chúa, và vì Chúa sống tốt với chúng con trước; cho nên chúng con phải tự tôn trọng bản thân mình, tốt với mình; và tốt với tha nhân. Chúng con yêu thương mọi người, không phân biệt, tôn trọng mọi người dù họ có gì đi chăng nữa. Chúng con duy trì sự tốt như thế chắc chắn Chúa sẽ yêu thương chúng con hơn và sẵn sàng ban muôn ơn lành để giúp con sống đàng hoàng tử tế mà đạt đến hạnh phúc nước trời như Chúa mong muốn cho chúng con.

        Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mỗi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao trọng và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN- A

THƯƠNG THÙ THÌ THIỆT THÒI- Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc

Hồi bé, một lần kia khi bị thằng bạn cùng lớp bắt nạt, tôi chạy về méc bà nội và hy vọng bà sẽ chặn đường nó, quất cho nó 1 trận hoặc chí ít cũng chửi cho nó nên thân, nhưng bà chỉ nhìn tôi và khuyên bảo: “Thôi tha thứ cho nó cháu ạ!”. Tôi xịu mặt tiu nghỉu và đành phải…..tha thứ, nhưng trong ấm ức…..(chẳng qua vì nó to con, tôi không thể đánh lại nó!!!).

Lớn lên, năm học lớp 12, khi đọc được những lời thơ của nhà thơ Tố Hữu diễn tả thái độ mà ta phải có trước kẻ thù, tôi cảm thấy hả hê: “Khóc nhục, rên hèn, van yếu đuối – Và dại khờ là những lũ người câm – Trên đường đi như những bóng âm thầm – Nhận đau khổ mà gửi vào im lặng”. Có thế chứ !!!: trước kẻ thù thì không có khóc lóc, không rên rỉ, không van xin, không im lặng mà phải vùng lên tranh đấu, phản kháng, bởi vì nhịn thì …. nhục, tha thì ….thiệt.

Các bạn thân mến, thương bạn –  ghét thù, đó là những tình cảm hết sức tự nhiên của con người chúng ta. Thế nhưng lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta vượt lên trên tình cảm tự nhiên ấy vì vị thế đặc biệt là con cái Thiên Chúa của mình. Là Kitô hữu, chúng ta phải thương bạn và cũng phải thương thù, bởi kẻ thù của chúng ta cũng là “hình ảnh của Thiên Chúa”, là con cái Thiên Chúa như ta. Nói cách khác, họ cũng là anh em của chúng ta. Tình thương đó, hơn thế nữa, phải được biểu lộ cách cụ thể bằng 3 việc : tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho họ. Tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù có lẽ đã được chúng ta thực hiện hơn 1 lần trong cuộc sống, nhưng việc làm ơn cho họ thì thật là khó. Việc làm ơn không chỉ trên lãnh vực tinh thần (đưa luôn má kia cho họ tát: nhịn nhục dù bị mất danh dự) mà còn cả vật chất (họ đòi lấy áo ngoài thì đưa cả áo trong). Đúng là thương thù thì thiệt thòi. Nhưng sự thiệt thòi đó sẽ được chính Thiên Chúa Cha đền đáp cho chúng ta sau này. Đó là niềm xác tín của mọi Kitô hữu và chúng ta đã, đang và sẽ sống mãi với niềm xác tín ấy.

Chúa Giêsu không dạy chúng ta bằng lời nói suông nhưng cả cuộc đời của Ngài đã thực hiện điều đó: Ngài có rất nhiều kẻ thù nhưng chưa bao giờ Ngài kết án ai. Ngài có những lời khá nặng nề với các luật sĩ và Pharisiêu “khốn cho các ngươi hỡi những kẻ giả hình…” nhưng không để trả thù mà là để cảnh tỉnh họ. Cuối cùng, trên thánh giá, Ngài đã thành khẩn xin Chúa Cha tha thứ : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Các Thánh cũng đã noi gương bắt chước vị Thày Chí Thánh của mình: Thánh Stêphanô cầu nhuyện cho những kẻ ném đá mình; các Thánh Tử Đạo VN tha thứ cho những người tố cáo, ra lệnh giết mình; Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II đã vào tận trong nhà giam để nói lời tha thứ cho Mehmet Ali Agca là kẻ đã cố ý ám sát Ngài bằng 4 phát súng lục ngày 13/5/1981….và bây giờ đến lượt chúng ta….. Chúng ta chưa phải là thánh, nhưng nếu chúng ta muốn gia nhập hàng ngũ các Thánh thì mỗi người cũng phải sống và cư xử như Đức Kitô và các Thánh đã làm: thương thù dù thiệt thân, với sự hỗ trợ đặc biệt của ơn Chúa Thánh Thần. Amen.                                          

home Mục lục Lưu trữ