Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 74
Tổng truy cập: 1355448
YÊU THƯƠNG ĐỒNG LOẠI
YÊU THƯƠNG ĐỒNG LOẠI
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Đức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Suy Niệm
Đức Yêsu đã đến kếp nạp một dân tín hữu là dân mới của Thiên Chúa. Việc này đã được các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật trước gợi lại. Hôm nay hình như Phụng vụ muốn tiếp nối tư tưởng lần trước và nói lên quy chế, hay luật pháp của dân mới. Đó là luật cũ được kiện toàn. Vì thế chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng bổ khuyết cho bài Thứ luật, luật yêu anh em được đính vào luật mến Chúa. Rồi cũng như trong dân cũ có hàng tư tế, thì vị Thượng tế của đạo mới sẽ vượt xa các Thượng tế xưa, để dân mới luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa.
Tất cả những tư tưởng này rất rõ ràng trong ba bài Kinh Thánh hôm nay mà chúng ta cầu xin ơn Chúa giúp để đọc lại.
1. Ngươi Sẽ Yêu Mến Yavê
Bài sách Thứ luật hôm nay ghi lại lời kinh hằng ngày của người Dothái. Họ đọc lên không phải để thưa với Thiên Chúa nhưng để nhắc nhở cho mình nhiệm vụ căn bản nhất của người dân trong Nước Người. Đó là lời của Môsê, vị lập quốc và lập luật. Lời vô cùng quan trọng vì sẽ đem phúc đến cho dân khi họ nắm giữ và sẽ làm cho dân nên lớn trong đất chảy sữa và mật. Tương lai và số mệnh của dân tùy ở việc thi hành những lời Môsê truyền hôm nay.
Ông dạy rằng: Hãy nghe, hỡi Israel, Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi sẽ yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lập lại cho con cái ngươi.
Phân tách những lời này, người ta sẽ phải kính phục con người nào đã biết diễn tả như thế. Chắc chắn nội dung là của Môsê rồi, nhưng hình thức của các câu văn có thể phải là kết quả của nhiều thế hệ trung thành với truyền thống của Môsê. Quả vậy, chúng ta biết: sách Thứ luật đã không thành hình trong một ngày và do một tác giả nào. Nó càng không phải là tác phẩm của thời Môsê. Nó lấy lại luật Môsê, suy đi nghĩ lại và cộng với kinh nghiệm lịch sử của Dân Chúa. Có thể hàng tư tế đã là nguồn gốc của cuốn sách này. Họ suy niệm Luật Chúa đêm ngày rồi viết ra để khuyên nhủ đồng đạo. Thế nên nó được gọi là Thứ luật, tức là Luật đến sau Luật trước; luật bổ khuyết và diễn giải Luật pháp Sinai. Nó được công bố vào những năm có nguy hiểm nhất cho dân. Nước nhà phân đôi, miền Bắc đã bị xâm lấn, miền Nam đang ngấp nghé vực sâu. Ông vua yêu nước đã chạy đến truyền thống của dân tộc, đưa sách Thứ luật ra, mưu lập một cuộc canh tân cứu nước... nhưng đã không kịp về mặt chính trị, mà chỉ phục hồi được truyền thống Môsê.
Đó là truyền thống độc thần, Israel chỉ được thờ một Chúa. Ngài là Yavê. Chính Ngài đã mạc khải danh xưng này cho Môsê trên núi Thánh. Có lẽ trong thời gian đầu Môsê tưởng Ngài chỉ là Chúa của Israel như những vị thần khác là Chúa của các lân bang và chỉ khác ở một điểm: trong khi các dân này thờ nhiều thần và vì thế gọi là đa thần; thì Israel chỉ thờ một mình Yavê và do đó được gọi là dân độc thần.
Sự khác biệt này nhiều khi thật khó giữ. Luôn luôn Israel bị cám dỗ thờ thêm thần khác, nhất là những thần của các sắc dân mạnh hơn, giàu hơn vì tưởng rằng chính các thần ban sự giàu sang sức mạnh cho dân của mình. Các tiên tri phải mạnh mẽ ngăn cản dân đi vào đường lối đó và nhắc đi nhắc lại dân phải trung thành với Yavê. Làm khác đi, thờ thêm thần khác, là "đánh đĩ" và ngoại tình.
Chúng ta không ngại nhắc đến những từ ngữ này. Chúng giúp chúng ta hiểu quan niệm tôn giáo của các tiên tri một cách sâu sắc. Người ta hay nói dân Israel chỉ có một lòng kính sợ Yavê, theo nghĩa họ khiếp sợ Ngài đến nỗi chẳng còn dám xưng danh của Ngài ra nữa. Họ dùng những kiểu nói vòng vo, gọi Ngài là Chúa, là Đấng Tối Cao... chứ không dám xưng Ngài là Yavê nữa. Thật ra đó chỉ là một diện. Còn nhiều diện khác trong vấn đề này, đặc biệt còn có quan niệm sâu sắc của các tiên tri. Các ngài luôn luôn đề cao lòng yêu mến. Hôsê chẳng hạn đã táo bạo coi tôn giáo là hôn nhân giữa Yavê và Israel; một bên như "chồng" với một bên như "vợ", và tư cách căn bản của lòng đạo đức là nghĩa tín trung. Những tiên tri khác cũng đi vào chiều hướng đó; và trong ngữ vựng của các ngài mới có những từ ngữ như trên để nói đến thái độ thất tín đối với Yavê. Chúng ta phải hiểu quan niệm của các tiên tri như thế mới ý thức được hết sức mạnh của lời sách Thứ luật hôm nay, truyền cho Israel: hãy yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi; nghĩa là phải yêu Ngài với tất cả khả năng và như quên hết mọi sự khác, giống như khi đôi bạn khắng khít yêu thương nhau, mặc cho cuộc đời bể dâu và nước chảy đá mòn.
Cho được đi đến một lòng yêu mến như vậy, Israel đã được dần dần dạy cho biết: Yavê không phải chỉ là Chúa của dân, hoặc chỉ là Chúa trên các Chúa, nhưng Ngài còn là Chúa độc nhất và duy nhất trong tất cả hoàn vũ. Các thần của các lân quốc, chỉ là ngẫu tượng và Yavê phải thống trị địa cầu. Tôn giáo độc thần của Israel sẽ là tôn giáo độc thần của mọi dân nước. Thế nên câu sách Thứ luật hôm nay nói: Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất, câu ấy có một ý nghĩa sâu sắc trong lòng các tiên tri, Yavê không phải chỉ là Chúa duy nhất của Israel, mà còn phải là Chúa độc nhất của mọi dân tộc. Và những điều này Israel phải ghi nơi lòng và lặp lại nơi con cái. Chính nhờ sự ghi nhớ và lập lại này mà có truyền thống Môsê, truyền thống độc thần, truyền thống sách Thứ luật chúng ta đọc hôm nay.
Chúng ta cảm mến Thiên Chúa đã mạc khải chân lý độc thần này sớm sủa như vậy và nơi một dân nhỏ bé như thế. Nhiều lý luận loài người còn vấp phải sự kiện lịch sử này. Và chúng ta còn phải kiểm điểm về lòng tin của mình, xem mình có thờ ngẫu tượng naò ở bên cạnh Thiên Chúa hay không (như tiền, tình, quyền...)? Và biết đâu đã không có lúc chúng ta nao núng về niềm tin nơi Thiên Chúa chúng ta thờ? Như vậy chúng ta chưa "gần Nước Thiên Chúa" như người ký lục trong bài Tin Mừng hôm nay đâu.
2. Người Phải Yêu Mến Đồng Loại
Thánh Marcô thuật câu chuyện này xảy ra trong khoảng thời gian giữa ngày Đức Yêsu khải hoàn vào Yêrusalem và hôm Người bị nộp. Đó là thời gian địch thủ tìm cơ hội bắt Người. Họ thay lượt nhau đến gài bẫy, hết các Thượng tế đến các Biệt phái, rồi phe cánh Hêrôđê và những người thuộc bè Sađóc. Hôm nay một ký lục đến hỏi Chúa Yêsu: "Giới răn thứ nhất trên hết là giới răn nào?". Ông không hỏi giới răn nào "trọng nhất", để chúng ta nghĩ đó là điều ông thắc mắc thật sự. Là vì ở thời đó luật Dothái có tới 613 khoản, và phân làm những khoản nặng và nhẹ, trọng và tùy; và sự sắp xếp nhiều khi có thể rõ ràng và dứt khoát. Ở đây, dường như người ký lục không muốn đi vào vấn đề chi tiết tỉ mỉ, ông chỉ muốn đánh giá quan điểm của Đức Yêsu, xem Người có "chính thống", tức là có ở trong và tôn trọng truyền thống của đạo Môsê hay không? Và đó là điều mà các địch thủ với Người muốn biết.
Nhưng họ chỉ phải bẽ bàng; vì Đức Yêsu đã có lần tuyên bố: Người không đến để hủy bỏ Luật pháp dù chỉ là một cái chấm hay một cái phẩy, nhưng là để kiện toàn và hoàn tất. Thế nên không có câu trả lời nào chính thống hơn câu của Người hôm nay: "Giới răn thứ nhất là: hãy nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Phải yêu mến Người hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi". Người đã đọc lại kinh Thứ luật. Người có thể dừng lại ở đó. Và người ký lục kia nhất định phải thỏa mãn với câu trả lời.
Nhưng Đức Yêsu đã không dừng lại. Người không phải như một người học trò thuộc bài và chưa phải là người bị hạch hỏi. Người muốn đóng vai Thầy dạy muôn dân. Thế nên, Người đã thêm: Thứ đến là ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Người cũng chỉ nhắc lại một câu trong sách Lêvi. Không ai có thể bảo Người không chính thống. Nhưng Người đã nhắc lại cho người ta một điều rất quan trọng mà thường khi họ sống đạo mà vẫn quên. Họ tưởng đạo chỉ là nhà thờ, kinh kệ và dâng lễ. Không, đạo còn là yêu mến đồng loại như chính mình tức là yêu người khác như bản thân. Điều này, trong thực tế, nhiều người giữ đạo "rất chính thống" mà vẫn quên và có ý quên vì nó khó giữ. Đức Yêsu không đến để nguyên dạy người ta yêu mến Thiên Chúa. Người còn luôn bảo họ phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa là cứu độ trần gian. Hơn nữa Người còn nói rõ không có giới răn nào khác lớn hơn hai việc mến Chúa yêu người này.
Người ký lục tỏ ra rất thông minh, chấp nhận ngay câu trả lời và bài học của Đức Yêsu. Ông còn phụ họa thêm và nói rằng mến Chúa yêu người như vậy "ắt vượt quá các toàn thiêu và lễ tế thay thảy". Đức Yêsu không thể không mừng khi gặp kẻ hiểu ý Người như vậy. Người tuyên bố: "Ông không xa Nước Thiên Chúa đâu!"
Lời khen này có thể trở thành một câu chất vấn lương tâm chúng ta. Chúng ta có thường coi các hành vi yêu người như toàn thiêu và lễ tế không? Chúng ta vẫn phải thi hành các nhiệm vụ mến Chúa, vì đó là lẽ sống của chúng ta như lời sách Thứ luật hôm nay nói: Đó là giới răn thứ nhất, nhưng thứ đến còn phải yêu mến đồng loại như chính mình, điều mà Đức Yêsu đã đính vào điều răn mến Chúa để làm nên như giới răn của Người. Chúng ta có thi hành không để chứng tỏ mình đang ở trong đạo mới? Để thâm tín thêm, chúng ta hãy đọc tiếp bài thư Hipri.
3. Người Là Vị Thượng Tế Thích Hợp
Tác giả so sánh các Thượng tế đạo cũ với vị Thượng tế đạo mới. Họ thì bị sự chết ngăn cấm lưu tồn mãi mãi; còn Ngài thì tồn tại đời đời nên giữ một tế vụ bất hủ. Đó là sự khác biệt quan trọng. Càng quan trọng hơn nếu ta tìm hiểu sâu về ý nghĩa sự chết theo Thánh Kinh.
Đối với các tác giả thánh, chết không phải chỉ là một hiện tượng thể lý, giết sức sống trong cơ thể, nhưng còn là hậu quả và hình phạt do tội lỗi. Sự chết không những hủy diệt thân xác, nhưng nhất là còn nói lên sự mâu thuẫn cùng cực với Thiên Chúa là sự sống. Chết và sống khác nhau hơn lửa với nước, nên ai đụng vào tử thi tức khắc đã trở nên ô uế, không được đến gần bàn thờ khi chưa chịu thanh tẩy. Chính điểm nay ngăn cấm các Thượng tế đạo cũ còn lưu tồn mãi mãi. Họ không tiếp tục làm tư tế được không những vì sự chết thể lý, nhưng nhất là vì đã trở thành tử thi, họ xa hẳn Thiên Chúa. Còn Đức Kitô thì ngược lại. Chính sự chết đã đưa Người vượt qua về với Thiên Chúa và trở thành vị Thượng tế đời đời, sống luôn mãi để chuyển cầu cho nhân loại.
Tư tưởng trên đây dẫn sang một kết luận khác: tế vụ của các Thượng tế đạo cũ khi họ còn sống cũng không hoàn toàn. Vì muốn hoàn toàn, vị Thượng tế phải có khả năng ở gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng sinh, tức là phải vô tội. Thế mà có ai trong loài người được điều kiện này? Ngược lại Đức Yêsu là Đấng vô tội và vô tì, Người cao siêu vượt các tầng trời, nên Người ở gần Thiên Chúa và có khả năng chuyển cầu cho chúng ta...
Có lẽ đối với chúng ta không cần phải nói thêm về sự khác biệt giữa các Thượng tế đạo cũ và vị Thượng tế đạo mới. Nhưng điều quan trọng hơn cho chúng ta là hãy ghi nhớ bản chất của tế vụ mà Đức Kitô đang thi hành. Người đang ở nơi Thiên Chúa và đứng gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta. Người đang nối trời với đất, Thiên Chúa với loài người. Lễ tế của Người vừa để tôn thờ Thiên Chúa vừa để cứu độ chúng ta. Chúng ta giữ đạo của Người, chúng ta vẫn đến nhà thờ dâng lễ và cầu nguyện trong chức tư tế của Người. Lẽ nào chúng ta không nhận ra rằng: một người đạo đức thật như có hai vai phải mang hai nhiệm vụ: mến Chúa và yêu người; phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân?
Vậy nếu chúng ta đã sốt sắng ở nhà thờ đối với Chúa, thì chúng ta hãy nhiệt tình với tha nhân ngoài xã hội. Khẩu hiệu kính Chúa và yêu nước, tốt đời và đẹp đạo có thể được sáng thêm trong phụng vụ hôm nay. Chúng ta hãy tận tâm thi hành trong niềm tin.
4.Mến Chúa yêu người
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Mến Chúa – Yêu Người là cốt lõi của đạo Công Giáo chúng ta. Từ thời Cựu Ước, sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta thấy, ông Môsê đã dạy cho dân biết điều răn trọng nhất là yêu mến Chúa: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (x. Đnl 6,5). Từ điều luật quan trọng đó, trải qua dòng thời gian, các luật sĩ, biệt phái đã chú giải thêm thắt thành 613 điều luật khác Vì thế, người Do Thái không biết điều nào là chính điều nào là phụ. Chính vì vậy, hôm nay một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” (Mc 12,28)
Mặc dầu biết ông ta hỏi như vậy là để thử Ngài, nhưng Chúa Giêsu không chấp mà còn dạy cho ông và mọi người biết: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 29-31). Chúa Giêsu xác nhận cách rõ rằng rằng điều răn trọng nhất là mến Chúa yêu người. Giống như cây thập giá có chiều ngang và chiều dọc: chiều dọc hướng về Thiên Chúa, chiều ngang vươn tới tha nhân. Cũng vậy, mến Chúa yêu người là hai chiều kích của tình yêu, phải luôn đi đôi với nhau. Không thể giữ điều này mà bỏ điều kia, như Thánh Gioan tông đồ đã nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.”(1Ga 2,9). “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Và Ngài khẳng định: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4:21).
1. Yêu mến Thiên Chúa
Thiên Chúa là tình yêu. Vì yêu thương nên Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật trong đó có con người là hình ảnh của Ngài. Tình yêu đó còn được thể hiện qua sự quan phòng kỳ diệu. Vì yêu thương nên Ngài đã ban chính Con Một để ai tin vào Người Con ấy thì được sống muôn đời (x. Ga 3,6). Tình yêu đó còn được thể hiện trong công trình cứu chuộc. Tột đỉnh của tình yêu là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người đời thường nói: Có đi có lại mới toại lòng nhau. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài đó là lẽ thường tình. Chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Chúa bằng nhiếu cách thế khác nhau: Tuân giữ mười giới răn của Chúa; Đọc và suy gẫm Lời Chúa; Cầu nguyện, tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích...Thực hành những việc đó với cả tấm lòng: Yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức chúng ta. Có nghĩa là chúng ta phải luôn đặt Chúa lên chỗ nhất: Trên cha mẹ, trên vợ chồng, trên anh chị em, trên của cải, chức quyền danh vọng và mọi thứ khác.
Rất có thể chúng ta đã yêu mến Chúa nhưng có nhiều lúc chúng ta vẫn chưa yêu mến hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Đó là khi chúng ta chỉ dành cho Chúa một chỗ trong tâm hồn như những thứ khác, thậm chí là kém hơn những thứ khác. Đó là khi chúng ta chỉ yêu mến Chúa lúc bình an hạnh phúc. Đó là khi chúng ta chỉ yêu mến Chúa, chạy đến kêu xin Ngài lúc chúng ta gặp thử thách, đau khổ. Rồi, chúng ta sẵn sàng bỏ Chúa vì chức quyền, danh vọng, vì thú vui trần thế, vì lợi lộc thấp hèn, vì của cải vật chất, giống như Giuđa đã bán Chúa 30 đồng bạc. Hãy can đảm xét mình để thấy được tình yêu của chúng ta dành cho Chúa lâu nay như thế nào? Hãy quyết tâm yêu Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, để có thể nói được như Thánh Phaolô tông đồ “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”(Rm 8,35). Đừng để như thánh Augustinô, hối tiếc vì đã yêu Chúa quá muộn màng.
2. Yêu thương anh em
Về mặt tiêu cực, chúng ta yêu thương tha nhân là không làm cho tha nhân những gì chúng ta không muốn họ làm cho mình. Ông Tôbia cha đã khuyên ông Tôbia con rằng: “Điều con không thích thì đừng làm cho người khác”(Tb 4,15a). Và Đức Khổng Tử cũng khuyên các đệ tử rằng: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác”. Về mặt tích cực, chúng ta làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình. Đây cũng là lời dạy của Chúa Giêsu: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
Để thực hiện giới răn Yêu Người, trước hết, cần phải yêu thương những thành viên trong gia đình: Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt, chú bác, cô dì. Sau đó, phải yêu thương những người thân cận: Bạn bè, làng xóm láng giềng, những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Từ đó, chúng ta mới có thể yêu thương những người khác, những người xa lạ, những kẻ làm hại chúng ta. Bởi vì, nếu không yêu thương những người có liên hệ với chúng ta thì làm sao chúng ta có thể yêu thương những người xa lạ, làm sao chúng ta có thể yêu thương kẻ thù của chúng ta? Vì Chúa Giêsu đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em mình (x. Lc 6,27). Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta khi Ngài tha thứ cho kẻ đóng đinh mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Noi gương Chúa, nhiều vị thánh đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Chẳng hạn, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tù thăm kẻ ám sát mình; thánh Maria Goretti đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ giết mình.
Yêu thương là phải hy sinh, trao hiến: Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã hy sinh vì nhân loại. Cao điểm của sự hy sinh đó là trao hiến chính mạng sống mình trên thập giá vì nhân loại. Noi gương Chúa Giêsu, biết bao vị thánh đã hy sinh, trao hiến đời mình để phục vụ tha nhân như Mẹ Têrêxa Cacutta, thậm chí đã chết thay cho người mình yêu như Thánh Maximilianô Kolbe.
Yêu thương phải bằng những việc làm cụ thể qua cử chỉ thăm viếng, giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho những kẻ bé mọn. Đến ngày chung thẩm, Chúa Giêsu dựa vào tiêu chuẩn này để phán xét chúng ta. Ai thương yêu giúp đỡ những kẻ bé mọn là giúp đỡ chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25, 35-36). Ngược lại, ai không giúp đỡ những kẻ bé mọn là không giúp Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (x. Mt 25, 42-43).
Xét mình lại, có lẽ không ai trong chúng ta đã chu toàn trọn vẹn luật yêu thương. Cách này cách khác, chúng ta lỗi đức yêu thương đối với tha nhân trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Ước mong rằng, mỗi chúng ta luôn cố gắng thể hiện bổn phận yêu thương trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhờ đó người khác sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa. Câu chuyện sau đây dạy chung ta bài học yêu thương hết sức thiết thực:
Một hôm trên đường trở về nhà xứ, vị linh mục già của thị trấn Picardie, vừa đi vừa đọc thầm kinh nhật tụng. Có hai viên sĩ quan trẻ cũng về chung đường. Khi rảo bước ngang qua, cả hai đều tỏ ý mỉa mai chế nhạo ông cha đạo vì từ lâu họ đã mất niềm tin nơi Giáo Hội Công giáo. Sẵn đang vui chuyện, họ tiếp tục chủ đề chỉ trích các tu sĩ, mặc kệ ông cha xứ già bị bỏ rơi lại phía sau một đoạn khá xa.
Chợt có một người hành khất ngồi bên vệ đường lên tiếng: “Các anh ơi, xin giúp kẻ nghèo này với.” Nghe vậy, một trong hai sĩ quan trẻ lục túi tìm cho người ăn mày mấy đồng bạc, trong khi anh kia cũng chợt nẩy ra một ý. Anh nói với bạn: “Ông cha già hồi nãy thế nào cũng sẽ đi ngang qua đây. Tôi dám cá độ với anh là ông ta sẽ chẳng thí cho lão ăn mày này đến một xu! Cái bọn tu sĩ đạo đức giả ấy chỉ thích làm phúc trước đám đông mà thôi. Không tin thì ta cứ rình ở đây mà xem!” Cả hai nhất trí trốn vào một bụi cây gần đó.
Ít phút sau, quả nhiên vị linh mục già chậm rãi đi tới. Ngài đứng lại nhìn người hành khất, đưa tay lục hết túi trên túi dưới, rồi hết sức ái ngại nói với ông ta: “Ông bạn đáng thương ơi, rất tiếc là ta chẳng có lấy một xu dính túi để chia sẻ cho ông bạn.”
Anh lính trong bụi nghe thế thì rúc rích cười: “Đấy, anh thấy chưa? Tôi nói có sai đâu!” Trong khi ấy, người ăn mày lại tiếp tục nài van, xin vị linh mục rộng lượng bố thí, còn ngài thì tỏ ra áy náy bứt rứt vì bó tay. Chợt, ngài nhìn kỹ bộ quần áo rách tả tơi của người ăn mày, động lòng trắc ẩn, suy nghĩ một thoáng rồi ngài bảo ông ta, giọng vui hẳn lên: “Ông bạn đợi ta một chút nhé, ta sẽ trở lại ngay!”
Dứt lời, ngài nhìn trước trông sau rồi chui tọt vào bụi cây ngay cạnh chỗ hai anh sĩ quan đang núp. Loay hoay một hồi rồi ngài lại bước ra, ngài ân cần đưa cho người ăn xin chiếc quần dài đã cuốn gọn lại: “Đây, ông bạn hãy cầm đỡ chiếc quần của ta nhé, tuy nó hơi cũ, lại đang mặc dở, nhưng có lẽ nó cũng giúp phần nào cho ông bạn. Nhớ đừng có kể cho ai nghe. Nếu có định cám ơn ta thì ông bạn cứ cầu nguyện với Chúa cho ta một điều tốt lành gì đó cũng được. Thôi ta đi nhé.” Vị linh mục quản xứ già xốc lại chiếc áo chùng thâm cho ngay ngắn, tay lại mở trang sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ đang đọc dở dang rồi tiếp tục đoạn đường.
Hôm sau, có hai người khách lạ tìm đến bấm chuông nhà xứ rất sớm. Vị linh mục già nhận lời ra ngồi tòa giải tội ngay. Và tất cả đầu đuôi câu chuyện đã được lần lượt thuật lại từ miệng hai anh sĩ quan trẻ tuổi ngày hôm qua, lòng hối hận, dạ chân thành ăn năn. Cha xứ ngẩn ngơ thốt lên: “Ôi Thiên Chúa nhân lành, chỉ với một chiếc quần cũ của con mà Ngài đã đem về cho con những hai linh hồn sao?” (Theo lời kể của Đức Ông DE SÉGUR).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam