Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 41

Tổng truy cập: 1359428

YÊU THƯƠNG LÀ THẾ

YÊU THƯƠNG LÀ THẾ

Lm. Jos DĐH.

Câu truyện ngụ ngôn “Bõ đũa”, ít nhiều gì chúng ta cũng đã đọc, đã nghe. Truyện kể về người cha già có 3 người con, chúng không thương yêu nhau, và còn ganh ghét nói hành nói xấu nhau. Một hôm người cha gọi các con lại và nói, đây là bõ đũa, nếu ai bẻ gẫy được, cha sẽ thưởng cho túi tiền này. Và rồi từ người anh cả, đến anh kế, cho đến em út, tất cả đã lấy hết sức mà bẻ bõ đũa, nhưng anh em họ không thể bẻ gãy. Sau đó, người cha đã rút ra từng chiếc đũa và bẻ thì thật dễ dàng, người cha ân cần nói: nếu các con chia rẽ, không yêu thương nhau, chúng con sẽ giống như chiếc đũa riêng lẻ này, sớm bị giông lốc cuộc đời bẻ gẫy mất mà thôi. Biết sống hiệp nhất, yêu thương nhau, chúng con sẽ thành công, chúng con mới thực sự là con của cha.

Cuộc sống quanh ta không thiếu những bài học trân quý: lấy của che thân, không ai lấy thân che của ; hoặc người sống của còn, người chết của hết. Lấy quyền cha mẹ răn dạy con cháu thì đúng rồi, tuy nhiên, sẽ không thích hợp, khi bậc sinh thành dùng uy quyền để hù doạ con cháu. Trong tương quan xã hội: mạnh được yếu thua, nhất thế nhì thân, cậy quyền cậy thế, đã thực sự “làm hỏng” mơ ước của tiền nhân “hậu sinh khả uý” ! Khuynh hướng muốn được nổi danh nổi tiếng, hoặc ghen ăn tức ở với anh chị em mình, nếu bạn có tính xấu xa đó, bạn đã vô tình để công sinh thành dưỡng dục, bị xem là uổng phí. Bởi vì mỗi chúng ta từng được nhắc bảo: đắng cay cũng thể ruột già, dù cay, cay lắm, vẫn là anh em. Hãy vui với người vui, khóc với người khóc.

Có yêu thầy, mới hy vọng được làm thầy. Có lầm lỡ, sai quấy, có vấp ngã, và phải vất vả khi đứng lên, bạn sớm nhận ra phận người yếu đuối, bạn sẽ khiêm tốn hơn, để hiểu tại sao cha ông ta nói: không thầy đố mày làm nên. Nếu không phải là bậc thầy, không phải vì yêu thương, làm sao Đức Giêsu đủ bình tĩnh khi nghe trò nói: “lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và con đã ngăn cấm y”. Điều Thầy Giêsu mong chờ Gioan và các học trò là họ đủ can đảm, đủ yêu thương, biết ngăn cản người anh em mình đừng làm điều xấu. Điều mà các đấng bậc sinh thành mơ ước, anh chị em hãy sống đoàn kết yêu thương nhau, cùng chung tay xây dựng gia đình, dòng tộc, quê hương đất nước vững mạnh hơn.

Quan sát các hoạt động xã hội thật ý nghĩa, cứ tưởng các đấng bậc ví von cho vui: một cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao. Trong nông nghiệp, các ngài cũng đề cao xã hội tính: xấu đều hơn tốt lỏi, hay trước tình hình phức tạp giữa các huynh đệ với nhau, bằng một thông điệp, khích lệ nhau: phúc cùng hưởng, hoạ cùng chia. Để được lớn lên, trưởng thành hơn trong hiểu biết, trong tình hiệp thông liên đới trách nhiệm: làm quan ăn lộc vua, ở chùa ăn lộc Phật. Đức Giêsu dẫn đưa các học trò đến một quy luật cơ bản: “ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Đừng ngăn cấm y, đừng ngăn cản người anh chị em mình đang làm điều tốt, yêu thương là thế, làm môn đệ Thầy Giêsu là thế, hãy liên đới tình hiệp thông yêu thương. Kinh nghiệm về tình đoàn kết gắn bó tin yêu, người đời vẫn có câu: ăn cơm có canh, tu hành có bạn.

Quy định nơi cuộc sống, ai cũng có trách nhiệm, bổn phận với gia đình, ai cũng cần nghe, để biết, để hiểu, và thực hành, khởi đi từ sự công bằng: nhận và cho, được ơn ban phải chia sẻ ơn ban. Cũng có những phần tử đang biểu lộ quyền uy: lấy thịt đè người, rung cây nhát khỉ, hù ma Đức giáo hoàng, chẳng qua tiền nhân ta muốn nói đến những kẻ làm điều đó chỉ vô công tốn sức mà thôi. Trên phương diện thực hành đức ái, Đức Giêsu đã chỉ cho thấy tính chất yêu thương, được đặt trong hành động, vô cùng quan trọng. “Ai nhân danh Thầy mà cho các con dù chỉ một ly nước lã, vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Vị chi muốn ứng xử đúng, đẹp, không thể bỏ việc tập luyện ý chí, quyết tâm, muốn có gương sáng đức tin trong thực hành, không thể chỉ cậy dựa vào khả năng riêng lẻ, mà ai cũng phải cậy dựa vào tình yêu Đức Giêsu.

Sống ở đời: sắc vàng, sắc đỏ, rực rỡ có, thuỳ mị có, tất nhiên sắc đen, sắc xám, cũng tồn tại theo. Đừng ích kỷ, hãy khiêm tốn học hỏi, rút kinh nghiệm, để cùng minh chứng với hậu thế: tại sao ta cần phải khôn ngoan, chuẩn mực. Đức Giêsu đã chẳng nghiêm túc, khi nói: “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”. Chớ trêu ở đời: vợ người thì đẹp, văn mình thì hay. Bao lâu chưa thấm đủ tình yêu thương, người ta dễ để lòng ngờ vực anh chị em mình. Bao lâu ta chưa đặt để tình yêu thương của Đức Giêsu vào tâm hồn, ta dễ có đầu óc bè phái, hoặc nhìn người anh chị em mình bằng ánh mắt hình viên đạn, thật đáng tiếc ! Chúng ta cũng từng nghe: không có phụ nữ nào xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp. Kitô giáo thì quả quyết: không có cá nhân nào hư hỏng đến độ không thể được cứu độ, có chăng là họ chưa có động lực để làm việc tốt, để sống có ý nghĩa. Xin tình yêu của Thầy Giêsu trợ giúp, và hãy ở mãi nơi tâm hồn chúng con. Amen.

Về mục lục

LÀM CỚ SA NGÃ

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Cuộc sống dù trong tập thể nào vẫn luôn có những gương xấu. Gương xấu gây ra một bầu khí ô nhiễm tinh thần. Một trong những khuynh hướng xấu rất thông thường nơi con người là óc bè phái và muốn độc quyền. Sợ người khác hơn mình, làm mất ảnh hưởng và uy tín của nhóm mình, nên có lần các môn đệ cũng đã dùng quyền để hạn chế hoạt động của người khác. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Ngài đã đưa ra một cái nhìn lạc quan và tích cực để xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị, phe nhóm. “Ðừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Với con tim rộng mở, với cái nhìn siêu thoát, Đức Giêsu chủ trương tiếp nhận tất cả, hòa hợp tất cả, gần gũi tất cả, yêu thương tất cả. Nếu có loại trừ thì loại trừ sự kỳ thị, phân chia, ngăn cách, tranh giành và và chống chọi với nhau.

Có khi chính chúng ta cũng rơi vào não trạng bè phái và muốn chiếm hữu độc quyền trong việc hành thiện. Ngay trong Kitô giáo cũng chia thành nhiều giáo phái. Điều trớ trêu là các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, có khi khủng bố lẫn nhau. Đây quả là một gương xấu quá lớn, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả những ai tin vào Ngài, đồng thời  là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những gương xấu, khiến cho nhiều người thất vọng đi tìm con đường khác, đời sống đức tin gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ nào gây ra gương xấu: “… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

Gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã, và có khi là nguyên do gây ra một phản ứng quá đà mang tính xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng ta. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng cũng đã thú nhận các tín hữu chúng ta có thể chịu trách nhiệm một phần không nhỏ trong việc khai sinh vô thần. Có thể bản thân ta cũng đã từng gây dịp tội khiến cho người khác phải sa ngã. Thân xác ta cũng có thể là dịp tội cho chính mình. Ðức Giêsu đòi chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Không thể hiểu những điều đó theo nghĩa đen, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính chất quyết liệt của những đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã nêu lên.

Chúng ta đã biết có nhiều người vì bệnh tiểu đường dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. Loại bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn. Cuộc sống là điều quí giá trên mọi điều quí giá, đáng cho chúng ta loại bỏ một phần thân thể đã bị hoại tử. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì càng cần hơn nữa một cuộc cắt bỏ những điều hư hại để cứu lấy linh hồn mình.

Chúng ta có thể cắt bỏ một tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh thị, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời ta; đau vì nó quá gắn liền với bản thân ta; đau vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người mình. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong phẩm cách làm người, đạt tới sự tự do và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Thiên Chúa.

Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng: thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương; thay bộ óc với tầm nhìn hẹp hòi, cạn cợt, bằng bộ óc rộng mở, thoáng đạt và hồn nhiên; thay cái nhìn đầy thành kiến về người khác bằng cái nhìn hiểu biết và cảm thông, để khám phá ra những điều lành thánh nơi họ. Cuộc sống mới sẽ triển nở khi ta đoạn tuyệt với lối sống cũ, không còn phải sống chung với lũ hay ru ngủ đời mình cách ngây ngô.

Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn, vì nếu ta muốn vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối; muốn đạt tới Thiên Chúa thì phải loại trừ những thần tượng, và những gì gây cản trở cho đời mình.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa!
Vẫn có những gương xấu trong Hội Thánh,
không tránh được bè phái và phân tranh,
những chia rẽ và lạm dụng quyền hành,
đưa tới ganh ghét và tranh giành địa vị.

Gương xấu làm cho nhiều người thất vọng,
có khi gây khủng hoảng mất lòng tin,
nên có nhiều kẻ đi theo con đường khác,
để tìm cho đời mình sự bình an.

Xem ra gương xấu vẫn lan tràn,
làm bao người tốt phải hoang mang,
nhưng rồi chẳng ai là vô tội,
nên bản thân con cần sám hối.

Như cành lá sâu xia cần cắt bỏ,
Chúa đòi con làm sáng tỏ đời mình,
dám loại ra những gì gây hư hại,
để đem lại một sức sống tươi hồng.

Xin cho con thấy mình được khích lệ,
bởi biết bao gương sáng không thể kể,
dù bóng tối vẫn còn trong Giáo Hội,
những vết nhăn vẫn hằn trên khuôn mặt,
nhưng Giáo Hội không cần phải che chắn,
không sợ phải hạ thấp bản thân mình,
để dưới ánh sáng rực rỡ của Tin Mừng,
Giáo hội lại được kiên vững và tinh luyện.

Xin cho chúng con luôn xác tín,
mình thuộc về đoàn dân thánh thiện,
dựng xây một Giáo Hội hoàn thiện,
làm chứng về chúa Đấng toàn thiện,
cho con người sự sống mới linh thiêng. Amen.

home Mục lục Lưu trữ