Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1359663

YÊU THƯƠNG QUA VIỆC GIÚP ĐỠ NHAU

YÊU THƯƠNG QUA VIỆC GIÚP ĐỠ NHAU- Lm. Giuse Đinh Tất Quý

 

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn cho các ngươi”(Mt 25,33)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong những câu chuyện sống động nhất của Chúa Giêsu và bài học Chúa dạy cũng hết sức rõ ràng. Bài học đó là Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta theo những việc chúng ta làm cho nhau trong cuộc sống hằng ngày. Sự phán xét này không tùy thuộc vào kiến thức chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm chúng ta đã đạt được, nhưng tùy vào sự giúp đỡ chúng ta làm cho nhau.

– Ta phải giúp đỡ nhau từ những nhu cầu thật đơn giản trong cuộc sống của mọi người như kẻ đói cần được cho ăn, kể khát cần được cho uống, những người khách lạ cần được tiếp đón, những kẽ bị cầm tù cần phải được viếng thăm.

Ngày nay Mẹ thánh Têrêsa còn cho biết thêm: có nhiều người đói thức ăn, nhưng cũng có nhiều người đói những thứ khác như đói được biết đến, đói được yêu thương, đói được tôn trọng…

Trần truồng không phải chỉ là không quần áo, mà còn là không nhân phẩm, không trong sạch, không tự trọng.

Vô gia cư không phải chỉ là không có nhà, mà còn là bị ruồng bỏ, bị coi là vô dụng.

Chứng bệnh nặng nhất của thế giới hôm nay là cảm giác bị bỏ rơi không ai để ý đến, không ai quan tâm chăm sóc….

Sự ác lớn nhất của thế giới hôm nay là thiếu tình yêu, là dửng dưng với người bên cạnh.Đó là những việc chúng ta có thể gặp hàng ngày. Tất cả cần phải được quan tâm.

-Phải giúp đỡ nhưng giúp đỡ với tinh thần nào? Thưa là tinh thần không tính toán.Tất cả những người đã giúp đỡ người khác trong câu chuyện hôm nay đều không ai nghĩ

rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng yêu thương chân thật.

Oscar Wilde đã viết một câu chuyện rất đẹp, tựa đề là The Happy Prince (Ông Hoàng Hạnh Phúc). Câu chuyện như sau:

Một ông Hoàng kia sống một cuộc đời rất hạnh phúc.Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.

Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của ông hoàng. Ông đang khóc.

– Tại sao ông khóc? Ông là ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!.

– Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?

–  Không được, tôi phải bay đi Ai Cập.

–  Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.

–  Thôi được! Bây giờ ông muốn tôi làm gì?

–  Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.

Chim én dùng mỏ cạy viên ngọc ra và bay đến trao cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.

Hôm sau ông hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của ông hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình ông hoàng không còn gì quý giá nữa. Và lúc đó mùa đông đã tới, trời đổ lạnh rất nhiều. Sáng hôm đó, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng ông hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia.

Vâng có ai ngờ những việc tốt chúng ta làm cho nhau lại là làm cho chính Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40).

Ngược lại như Lời Chúa quả quyết những gì chúng ta từ chối không giúp đỡ người khác cũng có nghĩa là chúng ta không giúp Chúa.

Khi đã không muốn giúp đỡ những người khác thì người ta có thể nại ra đủ mọi thứ lý do để từ chối.

Năm 1880, ở thành phố Paris, có một Linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một Cha Sở xin được trọ qua đêm. Cha Sở tiếp rất thờ ơ rồi chỉ cho Linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.

Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bật hiển thánh. Khi nghe tin đó, – Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để ngài ở  trên cái gác xép ấy, trại lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho ngài rồi.

Quả thật chúng ta không bao giờ biết rõ những kẻ chúng ta gặp là những người như thế nào. Nhưng điều này không quan trọng. Điều quan trọng đối với những kẻ có đức tin là chính Chúa hiện thân trong những người ấy.

-Và cuối cùng Chúa cổ võ tình yêu thương qua việc chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau để làm gì? Câu trả lời cũng không khó lắm. Thưa để thiết lập Nước Trời của Chúa ngay trên trần gian này.Nước Thiên Chúa, đó là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu nói tới nhiều nhất, nhưng có lẽ đó cũng là một trong những điều chúng ta hiểu cách mù mờ nhất.

–  Ngày xưa người Do Thái hiểu Nước Thiên Chúa chính là Nước Do Thái, một nước Do Thái hùng cường phồn vinh làm bá chủ nhiều nước khác. Hiểu như vậy là sai.

–  Ngày nay nhiều người hiểu Nước Thiên Chúa là Giáo Hội, một Giáo Hội có rất đông tín đồ, một Giáo Hội có tổ chức quy mô, khiến cho người ngoài nể phục. Hiểu như vậy có đúng không? Thưa chỉ đúng một phần thôi, là phần bề ngoài, phần hình thức, phần tổ chức.

Bởi thế trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu đã không so sánh Nước Thiên Chúa với hình ảnh những đạo quân hùng hậu hay với những đám người đông đảo. Trái lại Ngài so sánh Nước Thiên Chúa với hạt cải và với nắm men, những hình ảnh nói lên sự nhỏ bé và âm thầm. Tuy nhiên nhỏ mà lớn, âm thầm mà rất mạnh. Hạt cải sẽ trở thành cây to, nắm men sẽ khơi dậy cả thúng bột.

Một hiệp sĩ Samurai hung bạo. Ông tìm đến với một thiền sư và hỏi:

– Yêu cầu ông cho tôi biết Thiên Đàng hỏa ngục là gì ?

Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói:

– Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hoả ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi .

Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém đầu vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại và nói:

– Hỏa ngục là thế đó!

Nhận được bài học thực tế của vị thiền sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư đã dám hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hoả ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả tấm lòng thành tâm sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn sâu vào đôi mắt y và bảo :

– Thiên đàng là thế đó.

Vâng! Chỉ có Thiên đàng khi con người biết sống yêu thương hài hòa với nhau. Chỉ có Thiên Đàng khi con người biết cảm thông, tha thứ, phục vụ, hy sinh quên mình vì người khác như Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta biết sống, biết thực hành những Lời Chúa dạy chúng ta để chúng ta thấy được Thiên Đàng ngay trong cuộc sống của chúng ta. Amen.

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- NĂM A- LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

VUA TÌNH YÊU – Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

Ez 34, 11-12. 15-17; 1 Cr 15, 20-26a. 28; Mt 25, 31-46

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta họp nhau nơi đây để mừng lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Với cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi quyền lực của sự dữ, kể cả quyền lực mạnh nhất là sự chết như lời thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Người đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực… Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết”. Với chiến thắng này, Chúa Giêsu đã được Chúa Cha suy tôn làm vua trên toàn thể vũ trụ. Chúa Giêsu đã chinh phục và chiến thắng không phải bằng gươm giáo, nhưng bằng chính tình yêu bao la của mình, một tình yêu sẵn sàng hiến mạng sống của mình cho người mình yêu.

1. Thiên Chúa là tình yêu:

Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta vừa bao la, mênh mông hơn biển cả, vừa cao hơn núi, sâu hơn vực thẳm, nhưng cũng không vì thế mà Ngài xa cách chúng ta. Thiên Chúa vẫn chú ý đến từng người chúng ta chăm sóc cho chúng ta từng nhu cầu nhỏ nhặt nhất, như cảm nghiệm của vua Đavít trong bài đáp ca: “Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng… Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”. Thiên Chúa chính là người mục tử nhân lành quan tâm đến từng con chiên nhỏ nhất trong đàn, như lời ngôn sứ Ézékiel trong bài đọc một: “Nầy chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng… Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán… Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau”. Tình yêu của Thiên Chúa đã lên đến tuyệt đỉnh khi Người trao ban cho chúng ta chính Người Con Một yêu dấu của Ngài, Đức Giêsu Kitô.

Phần Đức Giêsu Kitô, mặc dù là Chúa của các chúa, Vua trên các vua, nhưng khi đến trong thế gian, Ngài đã không dùng sức mạnh vũ lực để thống trị. Ngài cũng không huỷ diệt và cũng không loại trừ con người, dù con người ngụp lặn trong tội lỗi, dù con người phản bội lại tình yêu của Ngài. Thật vậy, Vua Kitô đã sống yêu thương và đã thể hiện tình yêu thương ấy cho đến tột cùng với cái chết trên thập giá, để đem lại cho mỗi người chúng ta một sự sống mới, như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai: “Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc… Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy”. Nhận được tình yêu của Vua Giêsu, mỗi người chúng ta hôm nay cũng đang được mời gọi để đáp trả lại tình yêu đó. Mà tình yêu chỉ có thể được đáp trả bằng tình yêu. Do đó, Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta thể hiện tình yêu Chúa một cách cụ thể nơi những người anh em sống bên cạnh mình, những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là những người nghèo khổ, bé mọn, bị bỏ rơi.

2. Lời mời gọi sống yêu thương:

Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta sẽ thật dễ dàng trong việc cư xử tử tế với những nhân vật quan trọng, hay những người mà chúng ta biết rằng họ có hoặc sẽ có một hình thức đáp trả lại nào đó cho chúng ta. Trái lại, chúng ta thấy có vấn đề, khi phải cư xử tử tế với những người mà chúng ta không thể trông mong được đáp trả lại, nhất là việc đối xử tốt với một người mà chúng ta biết chắc là ngay cả một lời cám ơn cũng không có thì càng khó khăn hơn nữa.

Hàng ngày trong cuộc sống chung quanh chúng ta vẫn còn đó rất nhiều người nghèo: Nghèo cơm áo, nghèo sức khỏe, nghèo tình thương, nghèo hiểu biết, nghèo niềm tin, nghèo đạo đức… Có biết bao cảnh đời thê lương đang bày ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Bao nhiêu người chết vì đói ăn. Bao nhiêu người quằn quại trên giường bệnh. Bao nhiêu người dù sống trên nhung lụa nhưng luôn khắc khoải, luôn cảm thấy chơi vơi và thất vọng vì thiếu một niềm tin và hy vọng để bám víu. Bao nhiêu người đang phải khóc thầm ngày đêm vì cô đơn, vì thiếu tình yêu, dù họ đang sống giữa một thế giới đầy người…

Những mảnh đời đau thương ấy có thể là người nhà của chúng ta, là người trong cùng xóm ngõ với chúng ta, là người trong cộng đoàn của chúng ta… và biết đâu người đang ngồi bên chúng ta trong nhà thờ lúc này cũng đang phải chiến đấu kịch liệt với những nghiệt ngã ấy?

Tất cả những con người đau khổ ấy đang van xin chúng ta một ánh mắt thân thiện và cảm thông. Họ cầu cứu chúng ta một sự chia sẻ và giúp đỡ chân thành. Trái tim con người bình thường đã không cho phép chúng ta đóng cửa lòng và nắm chặt bàn tay mình lại trước những mảnh đời đau thương ấy. Trái tim của một người con Chúa, một công dân của Nước trời lại càng không cho phép chúng ta nhắm mắt làm ngơ, bởi lẽ những con người ấy không chỉ là anh em của chúng ta, mà còn là hiện thân của Chúa chúng ta: “Mỗi lần anh em làm hay không làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Tôi đây là anh em đã làm hay không làm cho chính Tôi”. Chúng ta đã và đang làm gì để xoa dịu đi nỗi đau khổ trong tâm hồn và thể xác của những người đang sống chúng ta quanh chúng ta? Hàng ngày, chúng ta vẫn ăn chơi phung phí, nhậu nhẹt say sưa trong khi đó bên cạnh chúng ta vẫn còn đó những mảnh đời phải kiếm sống từng bữa.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua, suy gẫm về lời dạy của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay là một cơ hội để chúng ta nhìn lại  tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Tình yêu tha nhân sẽ là thước đo để xác định tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Đó cũng là tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Vua Kitô sẽ dùng để xét xử chúng ta.

Ước mong nhờ sự soi sáng của Lời Chúa hôm nay, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta hãy có một lời cầu nguyện cho người ngồi ngay bên cạnh chúng ta. Và khi trở về nhà, chúng ta hãy tiếp tục chia sẻ tình yêu của Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi bí tích Thánh Thể cho anh chị em của mình, để cộng đoàn của chúng ta thực sự chan hoà tình yêu. Nhờ đó, vào ngày Vua Kitô, vị vua của tình yêu trở lại, tất cả chúng ta sẽ hân hoan cùng nắm tay nhau bước vào cõi sống ngàn thu. Amen.

home Mục lục Lưu trữ