Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 67
Tổng truy cập: 1364543
AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA
AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA
(Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Trong phân đoạn thứ ba (từ ch. 5) của phần Phần i của TM Ga (“Sách các Dấu lạ” [ch. 2–15]), tác giả tiếp tục giới thiệu Đức Giêsu (các công việc, các dấu lạ và các cuộc tranh luận của Người) trong khung cảnh các đại lễ của Do Thái giáo: ngày sa-bát, lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều. Với chương 10, chúng ta đến đại lễ cuối cùng là lễ Cung Hiến. Trong ch. 10 này, có hai câu hỏi căn bản được nêu lên: Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia chăng (c. 24)? Người có tự cho mình là Thiên Chúa không (c. 33)? Mỗi câu hỏi nhận được một câu trả lời dài gần như nhau (cc. 25-30; cc. 34-38) và đều kết thúc bằng đề tài khẳng định Đức Giêsu với Thiên Chúa (Cha của Người) là một (c. 30; c. 38).
Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay thuộc về câu trả lời thứ nhất.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đoàn chiên và Đức Giêsu (10,27-28);
2) Đoàn chiên và Chúa Cha (10,29);
3) Đức Giêsu và Chúa Cha là một (10,30).
3.- Vài điểm chú giải
- chiên của tôi (27): Đức Giêsu có thể nói là các chiên thuộc về Người bởi vì Chúa Cha đã ban các con người cho Người (x. Ga 6,37.44.65; 17,6-7).
- Tôi và Chúa Cha là một (30): Bản văn này đã gây ra nhiều tranh cãi. Đức Giêsu không nói: Tôi và Chúa Cha là “một người” (heis, ở nam tính) duy nhất, nhưng là “một điều/sự” (hen, ở trung tính) duy nhất. Người muốn nói rằng Người và Chúa Cha cùng một bản tính; chính vì thế tay Người (c. 28) cũng mạnh mẽ như tay Chúa Cha (c. 29). Các nhà thần học không thuộc phái Ariô[1] đã coi c. 30 này là công thức Kinh Thánh nói về bản tính như nhau và ngôi vị khác nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đoàn chiên và Đức Giêsu (27-28)
Điểm nhắc đến đoàn chiên ở cc. 26-27 gợi lại cc. 1-21 và như thế đóng khung hai phần của ch. 10. Bằng cách quy chiếu về dụ ngôn Người mục tử tốt lành (10,1-18), Đức Giêsu mô tả tương quan giữa Người và những kẻ thuộc về Người. Nhưng cũng như ở cc. 7-10 và 11-16, cc. 27-28 không lưu ý nhiều đến đoàn chiên mà lưu ý đến người mục tử. Người Do Thái không nghe tiếng Người mục tử và không đi theo bởi vì họ không phải là chiên của đoàn. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói rằng nếu họ không đi theo Đức Giêsu, thì không phải là bởi vì Người không phải là mục tử, nhưng bởi vì họ không phải là chiên. Muốn nghe được tiếng Đức Giêsu, người ta phải thuộc về Thiên Chúa (x. 8,47), phải “đứng về phía sự thật” (18,37).
Câu 28 gợi đến ý tưởng của c. 12 là có những con sói đến để tàn sát đoàn chiên. Tuy nhiên, Đức Giêsu là Vị Mục tử kiểu mẫu sẽ bảo vệ đoàn chiên mà Chúa Cha đã ban cho Người.
* Đoàn chiên và Chúa Cha (29)
Tiếp đó, Đức Giêsu nhắc lại quyền tối tượng của Chúa Cha trên loài người. Câu 29 này gợi ý đến các tư tưởng của Cựu Ước nói rằng các linh hồn ở trong tay Thiên Chúa (Kn 3,1) và không ai có thể giựt họ khỏi tay Thiên Chúa (Is 43,13). Câu 28 và 29 nói về Đức Giêsu và về Chúa Cha theo cùng một cách: không một ai có thể cướp được các chiên khỏi tay hai Đấng. Điều này đưa chúng ta tới chỗ hiểu được c. 30.
* Đức Giêsu và Chúa Cha là một (30)
Sự duy nhất giữa Đức Giêsu và Chúa Cha là một sự duy nhất về quyền lực và công việc. Chúng ta có ở đây như một tổng hợp của tác giả Gioan về quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Con phát xuất từ Cha (8,42); tuy nhiên, Cha là Đấng sai phái Con, luôn ở với Con (8,29). Cha yêu thương Con (3,35); Con biết Cha thật thâm sâu (8,55; 10,15). Trong sứ mạng trên trần gian, Con chỉ có thể làm những gì đã thấy Cha làm (5,19), chỉ có thể xét xử và phán quyết như đã nghe từ Cha (5,30). Con được Cha dạy dỗ (8,28) và đã nhận được từ Cha mọi quyền xét xử (5,22) và có sự sống và ban sự sống (cc. 21.26; 6,57). Con làm theo ý của Cha (4,34; 6,38) và đã nhận được một lệnh truyền từ Cha liên hệ đến cái chết và sự sống lại của Người (10,18).
Nhưng chúng ta lưu ý là các quan hệ này giữa Chúa Cha và Chúa Con được mô tả theo hướng các tương giao của Chúa Con với loài người. Bởi vì như Chúa Cha và Chúa Con là một, hai Đấng nối kết loài người với nhau thành một (x. 17,11). Chính sự duy nhất này, đã được thông ban cho các tín hữu, khiến không một ai có thể cướp các tín hữu khỏi Chúa Cha hay Chúa Con.
+ Kết luận
Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia, nhưng không phải là một Mêsia trần thế, đầy vẻ huy hoàng và quyền lực, nhưng Người là Vị Mục tử đến ban một sự hiệp thông riêng tư bền vững với Người. Nhưng sự hiệp thông của Người với các môn đệ phát xuất từ Chúa Cha và ở dưới sự che chở của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã ký thác các môn đệ cho Đức Giêsu; họ được an toàn trong tay Chúa Cha. Không một ai mạnh mẽ hơn Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu, Mục tử tốt lành, được nâng đỡ bởi tình yêu của Chúa Cha. Sự hợp nhất của Người với các môn đệ Người được bảo vệ bởi bàn tay mạnh mẽ của chính Người và bàn tay mạnh mẽ của Chúa Cha. Đức Giêsu và Chúa Cha là một trong các ý hướng và trong hành động.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu là Mục tử tốt lành. Nhưng chính do điểm này, chúng ta hiểu là Người sẽ không làm gì cho các chiên theo cách ép buộc hoặc ngược ý muốn của họ. Đức Giêsu luôn trợ giúp hữu hiệu, nhưng người ta chỉ nhận được sự trợ giúp đó nếu mở lòng ra với Người. Người cũng có thể đi tìm kẻ khép lại với Người, để đưa kẻ ấy về với Người; đó là cách Người cư xử với các kẻ thù. Nhưng để có một sự hợp nhất đích thực, hai bên phải hướng về nhau, nhìn nhận nhau và trân trọng nhau. Chúng ta đi vào hiệp thông với Vị mục tử tốt lành nếu chúng ta nghe tiếng Người và đi theo Người, nếu chúng ta tin tưởng vào sự hướng dẫn của Người và tin rằng Người chỉ cho chúng ta con đường ngay thẳng và ban cho chúng ta sự sống viên mãn.
2. Đức Giêsu khẳng định rằng không ai có thể hứa cho kẻ khác điều Người hứa, dù có thương yêu kẻ ấy đến đâu: sự sống đời đời, sự bảo vệ khỏi mọi sự dữ, sự hiệp thông bền vững muôn đời. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ kẻ khác nếu người này còn sống; đối với Đức Giêsu thì ngược lại, Người không bị giới hạn bởi cái chết. Mục tiêu và đỉnh cao của cuộc đời Đức Giêsu, Mục tử tốt lành, là ban cho chúng ta sự sống đời đời. Nếu Người che chở chúng ta, chúng ta không thể nào bị diệt vong; sự che chở của Người bảo đảm hơn mọi quyền lực trần gian. “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
3. Hôm nay là ngày cầu xin ơn thiên triệu, xin Thiên Chúa ban cho có những mục tử mới. Chắc chắn chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho có thêm các mục tử tốt lành “như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15), theo gương Đức Giêsu, Vị Mục tử tốt lành. Nhưng cũng cần phải cầu nguyện cho các mục tử đang làm việc trên khắp cánh đồng của Thiên Chúa cũng biết khép mình vào kiểu sống của Đức Giêsu; đồng thời cũng xin Người ban cho có các con chiên biết nghe và đi theo tiếng của Vị Mục tử tốt lành, mà các mục tử đang truyền đạt. Mục tử cần nhớ rằng đoàn chiên được Chúa Cha ký thác cho mình để đưa họ đến sự sống đời đời; con chiên cần nhớ rằng mục tử được gửi đến để làm việc theo chương trình của Chúa Cha.
4. Mục tử cũng như con chiên đều cần suy ngẫm về quan hệ giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Khi đó mục tử và con chiên sẽ hiểu rằng có một thứ độc lập trong nếp sống và trong lối suy tư đưa tới diệt vong, và cũng có một mối quan hệ lệ thuộc, một sự hợp nhất, đưa tới sự phong phú và sự sống dồi dào.
--------------------------------------------
[1] Ariô (256-336) là linh mục ở Alexandria. Ông cho rằng Đức Giêsu là thọ tạo cao cả nhất, nhưng không phải là Thiên Chúa. Ông đã bị kết án tại Công đồng Nixê năm 325.
95.Chúa Nhật 4 Phục Sinh
(Suy niệm của nhóm Nha Trang)
“Ta ban cho các chiên ta được sống đời đời”.
I. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hômnay ghi lại lời tuyên bố quan trọng của Chúa Giêsu về việc Người tự xưng đồng bản tính với Thiên Chúa Cha để trả lời cho những người Do Thái đến tranh luận với Người về chính nguồn gốc của Người.
II. SUY NIỆM:
Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem trong dịp lễ cung hiến đền thờ. Tại đây xảy ra cuộc tranh luận với người Do Thái về vấn đề người có phải là Đấng Thiên Sai không và cuối cùng Người đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa (Lc 22,70) bằng cách tuyên bố rằng Cha Người ở trong Người và Người ở trong Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn đời sống và việc làm (Lc 10,22-41).
Bài Tin Mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận và ghi lại lời Chúa Giêsu quả quyết Người đồng bản tính với Chúa Cha.
1. “Chúa Giêsu nói rằng: chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”
Trước khi trả lời dứt khoát, Người đồng bản tính với Chúa Cha, Chúa Giêsu tuyên bố sự khác biệt nhau giữa người Do Thái và “Chiên của Người”, tức là những kẻ tin theo Người. Đối với những người Do Thái, những lời Người nói và những việc Người làm là các phép lạ, không đủ thuyết phục họ, vì xét cho cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Ngược lại, chiên của Người là những người biết ngoan ngoãn đón nhận. Vì họ không cần đến nhiều dấu lạ bên ngoài để làm điều kiện cho việc đi theo Người.
Động từ “nghe” ở đây bao hàm ý nghĩa tin tưởng và đón nhận. Nghe Chúa Giêsu là tin tưởng và đón nhận Ngài.
2. “Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”:
a) Tiếng “biết” ở đây bao hàm ý nghĩa chủ động, tức là do sáng kiến từ Thiên Chúa.
• Thiên Chúa biết Abraham (St 18,19) biểu lộ ý nghĩa Thiên Chúa tuyển chọn và chăm sóc Abraham.
• Thiên Chúa biết dân Người “Trong các dân tộc trên hoàn cầu Ta chỉ biết duy một mình có ngươi thôi” (Am 3,2). Ở đây có ý nói Chúa Giêsu tuyển chọn và chăm sóc các chiên của Người.
b) Chúng theo Tôi: Tiếng “theo” ở đây bao hàm ý nghĩa liên đới trong sự lệ thuộc. Theo ai là dõi theo bước chân người đó là bước theo sát bước chân người đó. Ở đây có ý nói các chiên dõi theo Chúa Giêsu để rập theo khuôn mẫu sống của Người. Hay nói cách khác theo Chúa là đáp trả lời mời gọi của Chúa.
3. “Ta cho chúng được sống đời đời…”:
Con chiên đi theo chủ chăn thì sẽ được dẫn đến dẫn đến đồng cỏ xanh tươi bảo đảm cho sự sống. Cũng vậy, những ai thực sự đi theo Chúa, tức là để Chúa dẫn dắt, thì sẽ được bảo đảm đưa đến sự sống đời đời.
Sự sống này, một đàng không thể mất được vì đã được chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống bảo đảm, đàng khác cũng không bị ai cướp đi được, vì một khi đã được Chúa chăn dắt thì không còn sợ vấn đề Người không đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ cho đàn chiên nữa.
Ở đây muốn nói khi đi theo Chúa Giêsu thì sẽ được Người ban sự sống đời đời và được Người đảm bảo sự sống ấy cách chắc chắn không thể mất được.
4. “Điều mà Chúa Cha ban cho Tôi”
Chúa Cha trao ban cho Chúa Giêsu những con chiên, chúng được coi như là những món quà tặng quý giá nhất. Vì tính cách quý giá như thế nên Chúa Giêsu phải giữ gìn món quà tặng đó như Chúa Cha đã gìn giữ vậy. Ở đây cho chúng ta thấy Chúa Cha và Chúa Con cùng làm việc bảo vệ gìn giữ đàn chiên. Và như vậy Chúa Giêsu liên kết Cha Người vào công trình của Người vì Cha Người là nguồn mạch mọi ơn huệ.
5. “Tôi và Cha Tôi là một”
Lời tuyên bố này có ý nói đến sự hiệp thông thân mật của Chúa Giêsu với Chúa Cha, và đây là một mạc khải quan trọng rõ ràng nhất về thần tính của Chúa Giêsu và mầu nhiệm sâu sa của Thiên Chúa.
Cũng cần lưu ý rằng các Thần học gia từ Tertulien đến Augustinô đã dùng lời tuyên bố này của Chúa Giêsu làm nền tảng cho việc chứng minh Chúa Cha và Chúa Con đồng bản tính nhưng khác ngôi vị, để chống lại lạc thuyết Ariô vốn phủ nhận thần tính của Chúa Giêsu.
III. ÁP DỤNG:
A. Áp dụng theo Tin Mừng:
Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng này trong mùa Phục sinh để nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu sau khi Phục Sinh, vẫn còn chăm sóc đàn chiên của Người và Giáo Hội, và vì vậy chúng ta phải xác tín vào vai trò hoạt động của Chúa Giêsu trong Giáo Hội và trong từng con chiên là các Kitô hữu.
B. Áp dụng thực hành:
a. Nhìn vào Chúa Giêsu:
1. Xem việc người làm:
- Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh con chiên để ví người Kitô hữu và mục tử là chính Người để dạy cho chúng ta về sự chăm sóc của Người đối với mỗi người chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu chúng ta phải chăm sóc nhau, nhất là những người có trách nhiệm liên đới tới tha nhân như người mục tử chăm sóc đàn chiên và lưu tâm từng con chiên.
- Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về thiên tính của Người, để dạy cho chúng ta biết những công việc của Người làm là công việc của Thiên Chúa. Noi gương Chúa Giêsu chúng ta phải biểu lộ ý hướng ngay lành trong công việc chúng ta làm để gây nên niềm tin tưởng cho tha nhân.
2. Nghe lời Chúa nói:
- Chiên Tôi nghe tiếng Tôi: là con chiên đích thực của Chúa thì phải biết nghe Chúa bằng cách tin và đón nhận lời Chúa vào cuộc sống của mình.
- “Tôi biết chúng…”: Chúa chăm sóc những ai sống theo Người. Những ai biết chăm chỉ dõi theo Chúa bằng sự suy niệm, cầu nguyện để sống mỗi ngày một hoàn thiện “như Cha của các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” thì sẽ được bảo đảm sự sống đời đời.
- “Không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi”: Nhờ ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ vượt thắng được mọi gian nan thử thách và không việc gì có thể tách rời ta ra khỏi Chúa được.
- “Cha Tôi và Tôi là một”: Chúa Giêsu mạc khải cho ta về sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con. Vì vậy ai hiệp thông với Chúa Giêsu qua các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể thì cũng được hiệp thông với Thiên Chúa. Thật là diễm phúc cho những ai biết ý thức sự hiệp thông với Thiên Chúa mỗi khi nhận lãnh Bí tích, nhất là khi rước lễ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025) .: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam