Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 70

Tổng truy cập: 1364554

CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI

CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI

Khoảng giữa thế kỷ 19, Thánh Gioan Bossco bắt đầu làm việc cho giới trẻ nghèo khổ và bị lâm nguy tại thành phố Turin ở Ý. Chẳng bao lâu, các thanh niên nhận ra rằng nơi ngài, đến nỗi một lần kia, khi ngài lâm bệnh nặng, họ đã hết lòng cùng nhau cầu nguyện sốt sắng, và một số người còn muốn được thay thế vào chỗ của ngài, bằng cách tận hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Sau sự kiện đó Thánh Gioan Bosco đã được hồi phục. Mối tương quan này không thể tồn tại được, trừ phi có sự gần gũi, và sự gần gũi lôi kéo theo sự nhận biết và được nhận biết.

Đức Giêsu, Chúa Chiên Lành nói “Tôi biết các chiên của tôi”. Người biết các chiên của Người một cách chính xác, bởi vì Người là Chúa Chiên Lành. Có nhiều mức độ nhận biết khác nhau. Chúng ta quen biết một số người chỉ qua khuôn mặt hoặc danh tính. Còn đối với những người khác, chúng ta chỉ mới quen biết sơ giao mà thôi. Và có người chúng ta quen biết với tư cách là bạn bè.

Có một điều đáng buồn trong việc không nhận biết con người. Elie Wiesel, một văn sĩ người Do Thái, rất gắn bó với cha của ông, người đã bị chết tại Aushwitz vào năm 1944. Tuy nhiên, khi viết cuốn tự thuật, ông nói:

“Tôi chưa biết bao giờ thực sự nhận biết cha tôi. Thật đau lòng khi phải thừa nhận rằng tôi biết rất ít về con người mà tôi yêu thương nhất trên đời, một con người mà chỉ cần một tia nhìn, cũng có thể lay động tâm hồn tôi. Tôi thắc mắc không biết những người con trai khác có cùng một vấn đề giống như tôi không. Liệu họ có nhận biết cha họ như là một con người nào khác với một khuôn mặt đầy uy quyền, cứ mỗi buổi sáng đều rời khỏi nhà, và trở về nhà vào buổi tối, để nuôi sống cả gia đình chăng?”.

Tôi e rằng đó là một tiếng than phổ biến. Con cái không biết gì về cha mẹ của họ; cha mẹ không biết gì về con cái. Để nhận biết về nhau, cần phải dành ra thì giờ và công sức, những điều này sẽ mang lại thành quả vĩ đại. Khi thiếu mất sự nhận biết này, thì sẽ để lại hậu quả là sự mất mát lớn lao. Cuộc sống trôi qua vô cùng nhanh chóng. Chúng ta biết về nhau một cách nghèo nàn. Bạn không thể yêu thương một người nào đó mà bạn không hề quen biết.

Sự nhận biết đặc biệt quan trọng đối với những người làm công việc săn sóc người khác. Người săn sóc cần phải nhận biết những người làm công việc săn sóc người khác. Người săn sóc cần phải nhận biết những người mà họ săn sóc. Biết tên của những người đó là một bước khởi đầu tốt. Nhưng để thực sự biết về họ, thì phải biết về lịch sử cuộc sống của họ. Những người được săn sóc sẽ không hơn gì những chiếc bóng đối với người săn sóc, trừ phi người săn sóc biết được một số điều về thế giới mà từ đó người được săn sóc xuất phát.

Lối nhận biết mà chúng ta đang nói đến đòi hỏi phải có thì giờ, sự kiên nhẫn và hy sinh. Nhưng sự nhận biết này được bù đắp bằng phần thưởng lớn lao. Bất chấp chúng ta không ưa một cá nhân nào đó như thế nào, nhưng một khi đã biết về lịch sử cuộc đời của người đó, thì thái độ của chúng ta đối với họ sẽ mềm mỏng hơn.

Tuy nhiên, sự nhận biết này phải là một công việc có hai đường lối. Đức Giêsu, Chúa Chiên Lành, biết những con chiên của Người một cách thiết thân. Nhưng họ cũng biết Người: “Những kẻ thuộc về tôi thì biết tôi”. Đức Giêsu không ngại ngùng trong việc để cho mình được nhận biết. Nhưng đôi khi, chúng ta lại có cảm giác đó. Chúng ta không muốn để người khác đi vào cuộc đời của mình. Sẽ không có ai biết được những cảm giác, nhu cầu, nỗi đau và niềm hy vọng thực sự của chúng ta là gì.

Có lẽ nỗi sợ hãi bị khước từ làm cho chúng ta tự co rút mình lại. Chúng ta sợ rằng nếu người ta thực sự biết được con người bất toàn của mình, thì họ sẽ khước từ chúng ta. Hậu quả là người khác sẽ nhận biết về chúng ta theo như hình ảnh mà chúng ta có ý tưởng về mình, hơn là đúng với con người của chúng ta. Sẽ thật là điều đáng buồn, khi chúng ta phải sống và chết đi, mà chưa bao giờ được người khác biết đến một cách sâu xa, chưa bao giờ được kể ra câu chuyện cuộc đời mình.

Làm sao chúng ta có thể tạo thành một mối quan hệ với người khác được, nếu chúng ta cứ giữ một khoảng cách đối với họ, do đó, chúng ta đã ngăn cản không để cho họ nhận biết mình? Nếu họ cũng giữ một khoảng cách đối với chúng ta, và nếu điều đó để lại hậu quả là họ không tin tưởng hoặc sợ hãi chúng ta, thì liệu chúng ta có trách cứ họ không?

Đức Giêsu chính là Chúa Chiên Lành đối với chúng ta. Người mong muốn chúng ta có được sự sống ở nơi đây và có sự sống đời đời sau này. Nhưng đây phải là một công việc hai chiều. Chúng ta phải đáp lại tình yêu của Người. Con Chiên trung thành thì phải biết lắng nghe tiếng nói của chủ chiên và đi theo họ. Chúng ta phải nhận biết Chúa, lắng nghe và thực hành lời của Người.

Suy Niệm 2. TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN.

Đức Giêsu nói “Sẽ không ai cướp được đàn chiên khỏi tay tôi được”. Bằng cách này, Người đang nhấn mạnh rằng đối với Người, đàn chiên quý giá đến thế nào. Nếu có Người giúp đỡ, thì không bao giờ có một điều xấu xa nào có thể xảy ra cho bất cứ người nào trong số họ.

Khi kẻ làm thuê trông coi đàn chiên, thì lũ chó sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là cứu thoát người thân của mình mà thôi. Người chủ tốt lành của đàn chiên thì không như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của lũ sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.

Thật không may, chúng ta đang sống trong một thế giới mà đàn chiên, đặc biệt là những con cừu, thường bị vồ chụp và vật cho chết. Nhưng đây chính là một thế giới mà trong đó, hơn bao giờ hết, người ta càng cần đến người chủ chiên tốt lành. Ngày nay, tất cả mọi sự đều có khuynh hướng to lớn ra và được tập trung hoá, làm cho việc nhận biết và săn sóc trở nên không dễ dàng gì, bởi vì tất cả mọi sự đều mất đi tính chất con người. Trong hệ thống này, con người được thuê mướn và củng cố vì hiệu quả công việc, chứ không vì tình yêu và sự quan tâm săn sóc, mà họ có khả năng bày tỏ ra.

Ngày nay, người chủ chiên tốt lành không chắc hẳn phải đương đầu với một đàn chó sói. Nhưng họ có thể phải đương đầu với một điều gì đó còn tệ hại hơn – một bè lũ tội phạm. Philip Lawrence là một hiệu trưởng tại trường Công Giáo Thánh George ở Luân Đôn. Vào một ngày trong tháng 12 năm 1995, ông đã bị đâm nay bên ngoài trường học của ông, trong khi đang cố gắng bảo vệ một trong số các học sinh đang bị một tên côn đồ tấn công, và ông đã chết vì những vết thương quá nặng. Ông đã được các thính giả cảu chương trình Thời Đại Ngày Nay ở đài phát thanh BBC bình bầu là Nhân Vật Ấn Tượng nhất trong Năm. Ông nhận được 23.130 phiếu bầu, trên cả ông John Major, người sau này làm Thủ tướng (18.260 phiếu).

Vợ ông đã nói rằng chồng bà “chắc chắn sẽ cực kỳ bối rối về tất cả điều này. Ông ấy rất khiêm tốn tới mức độ không tán thành chính bản thân mình”. Thật là một điều hay, khi biết rằng người ta vẫn còn nhận ra sự vĩ đại nơi một hành động giống như vậy. Và thật là một điều hay, khi biết rằng có người nào đó có thể làm được một hành động như vậy, và nhìn vào hành động này như là một điều gì đó bình thường và tự nhiên.

Philip Lawrence là một người chủ chiên nhân hậu đối với các học sinh của ông. Ông đã cố gắng tạo ra được một môi trường an toàn trong đó các học sinh có thể được học hỏi và phát triển, để có thể tự hào về bản thân mình. Đối với ông, ông không thể chấp nhận nổi sự việc cứ để mặc cho một trong số các học sinh của ông bị một tên côn đồ đánh, mà không ra tay ngăn cản.

Philip Lawrence nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng tình yêu đích thực có nghĩa là gì, và tình yêu đó có thể mang giá trị gì. Nếu chỉ yêu thương giới trẻ mà thôi thì chưa đủ, mà chúng con phải được biết rằng chúng được yêu thương. Điều này không chỉ áp dụng nơi học đường mà còn trong gia đình nữa.

Lawrence đã lấy được sức mạnh và tinh thần nơi đức tin Kitô hữu của ông. Ông đang mô phỏng theo tình yêu của Đức Giêsu, Chúa chiên lành, Đấng đã hiến mạng sống cho đàn chiên. Mạng sống của Người không bị lấy đi, cũng không phải theo lệnh của Chúa Cha. Chính Người đã tự ý trao ban, và trao ban một cách vui lòng. Người tự hiến cho đàn chiên, để mang chúng về đồng cỏ của sự sống đời đời.

Mỗi Kitô hữu được gọi là người mang tình yêu thương và sự chăm sóc. Chúa Nhật hôm nay là lễ của những người biết quan tâm đến kẻ khác. Lễ này khuyến khích và nâng đỡ những ai đang cố gắng noi guơng Chúa Chiên Lành, và khêu gợi lương tâm của kẻ chăn thuê.

Những người bước theo đường tình yêu thì tự mở ra khả năng sẽ hạnh phúc hơn những người khác, và cũng đau khổ hơn. Nhưng, như Carlo Carretto nói: “Không có gì là khủng khiếp trên trái đất này nếu điều đó dạy cho chúng ta biết yêu thương”.

 

44.Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)

Chúa nhật IV Phục sinh: chúng ta đã quen với tên gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành. Một ngày rất thích hợp để giúp chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu là vị mục tử tốt lành và cũng để theo ý Giáo hội, cầu nguyện cho Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ.

Tin mừng hôm nay rất vắn gọn ghi lại phần III trong diễn từ Mục tử tốt lành với lời như sau: "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời..."

- Chiên nghe tiếng chủ chăn. Đó là đức tính nổi bật của chiên. Người chăn chiên gọi hay hô một tiếng là chiên nghe ngay. Người ta kể chuyện có một đàn chiên theo con đầu đàn đi về phía khu đất có cỏ xanh tốt nhưng đó lại là bãi mìn, người lính gác thấy đàn chiên lâm nguy nên cố gắng hết sức để ngăn lại, nhưng chiên không nghe, nó cứ tiếp tục đi gần tới. Khi đã sát bãi cỏ, bấy giờ người chăn chiên huýt sáo, lập tức đàn chiên dừng lại ngay và tránh được nguy hiểm. Thánh Phaolô nói: "Fides ex auditu : Đức tin có được nhờ nghe giảng (Rm 10,17)". Là chiên của Chúa, chúng ta nghe Lời Chúa dạy trong Kinh thánh, chúng ta cũng vâng nghe giáo huấn của Giáo hội vì Giáo hội diễn giải trung thực Lời Chúa cho chúng ta. Nhiều khi Chúa cũng nói cho ta qua tiếng lương tâm cho nên khi có sự soi sáng của Chúa qua lương tâm, ta cũng cần phải nghe theo. Nếu biết đón nhận lời Chúa, tâm hồn ta sẽ nên như mảnh đất tốt làm cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết trái tốt đẹp.

- Tôi biết chúng. Chúa Giêsu  là mục tử biết chiên. Biết đây không phải chỉ là biết bằng lí trí mà còn bằng chính con tim.  Chúa hiểu biết từng con chiên và Chúa yêu mến chiên. Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu cứu độ, là yêu cho đến cùng. Nhưng đây là sự hiểu biết và yêu thương hỗ tương. Chúa đòi ta phải biết đáp lại. Vậy chúng ta yêu mến Chúa, học biết về Chúa và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

- Chúng theo Tôi: Như đoàn chiên đi theo chủ chăn, người tín hữu chúng ta đi theo Chúa. Khi còn ở thế gian, đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu nhiều lần kêu gọi các môn đệ cũng như dân chúng đi theo Chúa bằng lời:"Hãy theo Ta" nay Lời này vẫn còn vang vọng bên tai chúng ta hôm nay, chúng ta hãy đáp bằng cuộc sống của người môn đệ: vác thập giá mình đi theo Chúa. Chúng ta theo Chúa cách tự nguyện chứ không vì miễn cưỡng, theo Chúa bằng cách từ bỏ đam mê tội lỗi, thế gian, ma quỉ thực hiện lời hứa ngày chịu phép Rửa tội.

Ban sự sống đời đời: Chúa Giêsu mục tử hứa ban cho tín hữu theo Chúa sự sống đời đời: Đó là phần thưởng cao quí nhất mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta được. Chúa bảo đảm cho chúng ta là không ai có thể cướp được người theo Chúa khỏi tay Chúa, vì họ được cả Chúa Cha lẫn Chúa Con bảo vệ gìn giữ. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho (Mt 6, 33)"và lời thánh Phaolô: "Nếu chúng ta chỉ hi vọng vào Đức Kitô trong cuộc sống đời này, thì chúng ta là người vô phúc nhất trong thiên hạ (1Cr 15, 20)". Dĩ nhiên Chúa không để ta phải thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu về phần xác như Chúa Giêsu Phục sinh đã dọn bữa điểm tâm cho các môn đệ sau một đêm các ông lao động trên biển nghề cá vất vả, cũng như  Chúa Giêsu đã từng hóa bánh và cá ra nhiều cho dân chúng ăn no nê khi họ theo Chúa ở nơi hoang vắng trước khi giải tán họ về. Chúng ta xác tín theo lời Thánh vịnh 22: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi": Không thiếu thốn cả phần hồn lẫn phần xác.

Câu chuyện một vị chủ chăn: Cha Mychal Judge dòng Fanxicô, một linh mục tận tụy và chuyên chăm việc bổn phận. Năm 1991, cha  được bề trên đặt làm tuyên úy cho các lính cứu hỏa ở thành phố New York. Cha dành thời giờ đi thăm từng người lính và gia đình họ, sẵn lòng giúp đỡ khi họ cần. Ngày 11/9/2001, bọn khủng bố cướp hai máy bay thương mại và lái đâm vào Tòa nhà Tháp Đôi ở New York. Tòa nhà cao chọc trời bốc cháy khói đen bay lên nghi ngút. Cha và hơn 100 lính cứu hỏa xông vào để cứu giúp những người bị kẹt trong đó. Cha chạy đi chạy lại ban bí tích giải tội và xức dầu cho những người bị nạn trong đó có cả những lính cứu hỏa nữa, đang khi gạch đá và các mảnh vỡ từ đám cháy do hai chiếc máy bay đâm vào tiếp tục rơi xuống giết chết nhiều người trong đó có cha Mychal Judge đang xức dầu cho những người hấp hối. Cha là vị mục tử hi sinh mạng sống mình vì đoàn chiên như gương Chúa Giêsu là mục tốt lành hiến mình vì đoàn chiên.

Mỗi người chúng ta vừa là chiên trong đoàn chiên Chúa vừa  là mục tử nơi gia đình và nơi chức vụ chúng ta lãnh nhận. Chúng ta  chu toàn bổn phận con chiên khi nghe theo lời Chúa dạy và noi gương Chúa Giêsu chu toàn sứ mạng mục tử giúp ích cho tha nhân để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Chúa dành cho các tôi tớ trung tín và khôn ngoan. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ