Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 19

Tổng truy cập: 1364459

KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI

KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI

Suy niệm

Chúng ta đang ở giữa mùa Phục Sinh.

Có những Kitô hữu coi sự phục sinh của Chúa Giêsu

là tột đỉnh, là hoàn tất trọn vẹn, chẳng phải chờ gì nữa.

Chúng ta hay quên một câu trong Kinh Tin Kính:

“Và Người sẽ trở lại trong vinh quang

để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Bao lâu Chúa chưa trở lại, chúng ta còn phải đợi trông.

Kitô hữu vẫn sống trong một Mùa Vọng kéo dài.

Thời gian đợi trông cũng là thời gian chiến đấu,

thời gian của khách hành hương đi trong hoang địa.

Trên thập giá, Chúa phán: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Chúa hoàn tất sau khi đã chiến đấu và chiến thắng,

nhưng ta chưa hoàn tất ngày nào ta còn sống trên đời.

Ta vẫn phải phấn đấu đi đường hẹp và qua cửa hẹp.

Con đường đời của người kitô hữu không hề dễ đi,

vì đó là con đường của Thầy Giêsu, Con Thiên Chúa,

phải qua đau khổ để vào vinh quang (x. Lc 24,26).

Con đường ấy cũng đầy hiểm nguy, cám dỗ và thử thách.

Đàn chiên của Người Mục tử Giêsu

không chỉ an toàn thảnh thơi đi trên cỏ xanh,

mà còn phải đối mặt với nhiều kẻ thù hung hãn.

Kẻ thù ấy là sói, là trộm cướp, là người lạ (Ga 10,1.2.5),

đôi khi là người chăn thuê, chẳng lo cho chiên (Ga 10,13).

Những kẻ thù chỉ muốn làm đàn chiên tan tác,

sói dữ chỉ muốn chộp lấy chiên để ăn thịt.

Mục Tử Giêsu bảo vệ đàn chiên của mình.

Ngài coi đàn chiên ấy quý hơn mạng sống,

nên Ngài làm điều mà người chăn thuê không dám làm,

đó là hy sinh mạng sống mình cho chúng (Ga 10,17.18).

Đức Giêsu đã chết cho đàn chiên.

Cái chết của Ngài không làm chiên tan tác vì mất chủ,

trái lại đã quy tụ tất cả nên một đàn chiên duy nhất.

Vì đàn chiên còn bị tấn công mãi cho đến tận thế,

nên Chúa Giêsu phục sinh vẫn phải bảo vệ đàn chiên.

Cuộc chiến giữa Ngài và các kẻ thù diễn ra ác liệt.

“Không ai cướp giựt được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).

Rõ ràng có sự giằng co giữa đôi bên.

Một bên giữ chặt, bên kia dùng sức cướp lấy.

Nhưng quyền năng của Đấng phục sinh mạnh hơn kẻ thù.

Ngài giựt lại chiên từ miệng sói.

Sói đem lại cái chết, còn Chúa Giêsu ban sự sống đời đời.

Không phải chỉ Chúa Giêsu mới là Đấng bảo vệ chiên.

Đàn chiên của Chúa Giêsu là do Cha ban cho (Ga 10,29).

Chính vì thế Cha cũng là người bảo vệ:

“Không ai cướp giựt được chúng khỏi tay Cha tôi.”

Cả Cha và Con hợp tác bảo vệ đàn chiên khỏi kẻ thù.

Chắc chắn đàn chiên sẽ được an toàn,

nhưng an toàn này được mua bằng nỗ lực của Cha và Con.

“Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10,30).

Chúng Tôi cùng làm việc để gìn giữ đàn chiên.

Tuy nhiên, chiên cũng phải biết tự bảo vệ mình.

Chiên phải có khả năng nhận ra tiếng của chủ.

Chỉ khi có khả năng này, chiên mới không đi lạc,

hay đi theo những tiếng gọi mê hoặc, đầy quyến rũ

của những người lạ hay kẻ trộm kẻ cướp.

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi… và theo tôi” (Ga 10,27).

Trong thời buổi hiện tại, những tà phái mọc lên như nấm.

Có bao tiếng gọi lừa bịp, thoạt nghe giống tiếng chủ chiên,

khiến những chiên ngây thơ bị mắc bẫy.

Làm sao để đàn chiên có khả năng lột mặt nạ

những con sói dữ đội lốt chiên, đang làm chiên tán loạn.

Mỗi kitô hữu phải cộng tác với Thiên Chúa

để bảo vệ những chiên lạc lối trong nhóm mình.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,

thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung

đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ

cho bao người trên thế giới và trong Giáo Hội.                        

Chúng con muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,

và làm cho Giáo Hội chỉ gồm những người thánh thiện.

Nhưng lạy Thầy Giêsu,

Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,

và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.

Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,

và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.

Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,

Đấng kiên nhẫn chờ con người hối cải,

Đấng cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,

và mưa rơi trên ác nhân.

Thầy cũng cho chúng con thấy khuôn mặt của Thầy,

Đấng không bẻ gãy cây lau bị giập,

không làm tắt tim đèn còn khói.

Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận

cuộc xung đột kéo dài đến tận thế

giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm,

giữa lúa tốt và cỏ lùng.

Và xin cho chúng con tin rằng

chiến thắng cuối cùng

sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện,

công lý và tình yêu.

 

3.Chúa Chiên Lành

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng con chiên trong bài Tin Mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế. Trái lại phải tích cực, chủ động. Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Nghe. Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người. Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như tiếng vỗ của một bàn tay. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.

Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của từ bỏ mình, dẫn ta lên một ngọn đồi gai góc của thập giá hy sinh và thách thức ta phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quý trên đời.

Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.

Theo. Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.

Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ. Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu. Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu. Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống vì người yêu.

Như thế, theo tức là yêu thương ở cao độ. Con chiên đi theo Chúa như thế phải hoàn toàn chủ động và nhất là thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ đoàn chiên. Hành động của Chúa chiên tốt lành được Chúa Giêsu tóm gọn trong hai động từ: “biết” và “cho”.

Biết. Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta. Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội. Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá. Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giếtsimani và trên thập giá. Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người. Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.

Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.

Cho. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quý giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Ngài. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.

Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Những giá trị bị đảo lộn. Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi guơn Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Lạy Chúa là là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Đã bao giờ bạn nghe được tiếng Chúa nói trong sâu thẳm tâm hồn bạn chưa?

2. Có lần nào bạn cảm nghiệm được sự ngọt ngào được sống thân mật với Chúa chưa?

3. Bạn cũng là Mục Tử của gia đình bạn, xóm bạn ở, sở nơi bạn làm việc. Bạn có là Mục Tử tốt lành không?

 

home Mục lục Lưu trữ