Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1364302

KHÔNG AI CÓ THỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ NHỜ TIỀN

KHÔNG AI CÓ THỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ NHỜ TIỀN

 

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.

Lời khuyên của Chúa Giêsu: “ … các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16, 9), và câu kết đoạn Tin Mừng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13) khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng tq quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”.

Đúng là có nhiều điều quan trọng ta không thực hiện được chỉ vì không có tiền, nhưng không thể nói rằng có tiền là có thể mua đuợc mọi thứ trên đời. Tiền chỉ là một công cụ để chúng ta trao đổi, tự bản chất tiền không nói lên một giá trị gì cả. Như thế, tiền không thể bảo đảm sự sung túc. Ví dụ: Trên con thuyền giữa đại dương, khi người ta không còn gì để ăn, thì một túi ngân phiếu cũng không giúp ích được gì. Tiền không thể thay thế được bất cứ nhu cầu nào. Người ta không thể sống bằng những con số tiền ở ngân hàng, nhưng bằng bánh và Lời Chúa. Tiền không thể làm cho lúa lớn lên được, nó chỉ làm tăng thêm hiệu quả của công sức con người trong tương quan với thiên nhiên.

Cuốn sách mang tựa đề “Happy Money: The Science of Smarter Spending”, (tạm dịch: Tiền hạnh phúc: Khoa học chi tiêu thông minh). Tác giả của cuốn sách này là hai nhà khoa học nghiên cứu hành vi nổi tiếng: Tiến sĩ Elizabeth Dunn và Tiến sĩ Michael Norton viết rằng: Tất cả chúng ta đều mắc một sai lầm về tiền khi cho rằng kiếm được càng nhiều tiền thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc. Nếu muốn mua cho mình một cuộc sống trọn vẹn, vấn đề không nằm ở chỗ kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở cách bạn tiêu tiền.

Khi nói đến sức mạnh và giá trị của đồng tiền, có nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta từng nghe một số nhận định sau:

Tiền có thể mua một ngôi nhà, nhưng không thể mua một mái ấm gia đình.

Tiền có thể mua chiếc giường đẹp, nhưng không thể mua giấc mộng vàng.

Tiền có thể mua chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.

Tiền có thể mua quyển sách, nhưng không mua được kiến thức.

Tiền có thể mua chức vụ, nhưng không mua được sự kính trọng.

Tiền có thể trả cho bác sĩ, nhưng không thể mua được sức khoẻ.

Tiền có thể mua máu đào, nhưng không thể mua được mạng sống.

Tiền có thể mua xác thịt, nhưng không mua được tình yêu.

Có người hỏi: tiền có mua được hạnh phúc không?

Số đông quả quyết rằng “không”. Có người cho rằng, tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó có thể là công cụ mang lại hạnh phúc.

Tại sao tiền bạc có thể mua đuợc rất nhiều thứ ngoại trừ hạnh phúc?

Tiền thì không thể mua đuợc hạnh phúc vì hạnh phúc của con người không thể đo bằng thước, và càng lại không thể dùng giá trị của đồng tiền để mua hạnh phúc. Tiền là một thứ tiêu biểu cho giá trị vật chất, nên chỉ có thể mua những gì thuộc về vật chất. Còn hạnh phúc là một loại tiêu biểu cho giá trị tinh thần. Chẳng thế, Dunn và Norton cho rằng, làm cho người khác hạnh phúc trước và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sau. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên, quá nhiều người quên rằng, đây là điều phù hợp với tinh thần Kitô.

Một câu hỏi lớn được đặt ra cho chúng ta: Tiền có thể cứu độ được con người không?

Giảng trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” bởi vì “một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận: “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vì vậy, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Vì ham thích tiền mà một số người từ bỏ đức tin và gây nhiều đau khổ”. Thật vậy, sức mạnh của đồng tiền làm cho người tín hữu xa rời đức tin và thậm chí, tiền làm cho đức tin yếu dần và đưa người ta đến chỗ mất đức tin. Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ.

Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta?

Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phục thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn làm tôi Chúa và phục vụ Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được chúng ta.

Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, cảm thấy mình quan trọng; và kiêu ngạo. Và cuối cùng, tiền tạo ra sự tôn thờ ngẫu tượng.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy của thần tượng bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.

 

24.Không thể làm tôi hai chủ

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”. Có gì khiến Chúa phẫn nộ đây! Mấy người buôn bán chỉ tìm lợi nhuận để làm giầu, đến nỗi ngày sabbát trở nên một rào cản đối với công việc kinh doanh của họ trên lưng những người nghèo. Tuy nhiên, họ không thể viện dẫn khủng hoảng để bảo đảm cho công việc của mình. Vào thời bình an, kinh tế thịnh vượng; người ta tin vào những người tín hữu sống gương mẫu để diệt trừ tận gốc việc tôn thờ ngẫu tượng trong đất nước, chấm dứt sự tôn thờ các thần Baal.

Nguồn gốc của tội lỗi thể hiện trong tương quan giữa con người với ngày của Chúa, ngày sabbát. Ai không biết ngày sabbát là người không biết, không tin vào Thiên Chúa, người đó phục vụ một ông chủ khác là: Tiền bạc. Sự bất chính làm cho cán cân công lý bị sai lệch để sống ngày sabbát.

“Ta sẽ không bao giờ lãng quên”, Thiên Chúa tuyên bố một cách trang trọng như thế. Con người có thể làm quen với sự bất chính và biện minh cho tội lỗi của mình, nhưng thực ra lại chộp lấy một ngày khác. Một xã hội được xây dựng trên sự bất công là xúc phạm tới Thiên Chúa. Vì sự tôn thờ ngẫu tượng còn nguy hại hơn tôn thờ thần Baal: Tiền bạc làm cho lòng người tham lam vô độ và biến tha nhân thành nô lệ;

Vũ khí đầu tiên để chống lại sự tha hóa này là cầu nguyện. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch”. Ngài giải thích: “Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa.” Ý Chúa “muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý”, có nghĩa là, để ra khỏi chốn tù đầy bất công, con người cần phải biết đến Thiên Chúa tình yêu, Ngài đã yêu thương họ và sống cho tình yêu ấy. Chính vì vậy, mỗi Thánh lễ, lời cầu nguyện của chúng ta là phổ quát. Khi xin Thiên Chúa cho chúng ta ơn nhận biết tình yêu của Ngài

đối với nhân loại, chúng ta xin Ngài chỉ cho chúng ta biết hành động thế nào để xây dựng một thế giới công bằng và văn minh hơn.

Trong một thế giới như thế, tương quan hỗ tương là cần thiết: người ta sẽ gọi nhau là anh em. Để minh họa, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn. Khung cảnh diễn ra nơi nhà người giầu, có một viên quản lý, khi thấy anh ta lừa đảo, dối trá. Chủ liền cách chức và bắt tính sổ, không ai hay biết việc anh quản lý nghĩ gì. Chỉ thấy anh giảm nợ cho các con nợ của ông chủ. Anh ta dễ dàng hào hiệp với sự giầu có của người khác!

Thật là lạ, ông chủ khen anh...không phải vì anh lương thiện, cho bằng anh đã khôn khéo trong cách đối xử với đồng loại. Đây là điểm sáng cho tất cả người kitô hữu chúng ta. Đức Giêsu cũng bảo chúng ta: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” Thật vậy, toàn bộ đời sống ta hướng về Chúa, và chúng ta được mời gọi nhìn mọi sự trên thế gian này như là phương tiện để lắm bắt lấy. Tiền bạc là một phương tiện, người quản lý gian dối đã dùng. Chúng ta sử dụng tiền bạc với tinh thần siêu nhiên như Thiên Chúa mời gọi. Vậy, hãy làm phúc hoặc ký gửi sinh lời để giúp đỡ, hoặc tha nợ cho những người nghèo mà, chính họ mai sau sẽ đón tiếp

chúng ta vào nhà của họ, ngày mà thần chết sẽ đến để chia rẽ chúng ta với của cải tiền bạc. Nhà của người nghèo như Đức Giêsu dạy chúng ta, chính là Nước Thiên Chúa! Vậy hôm nay, hãy cho đi để mai sau được nhận lãnh nơi nhà Cha trên trời.

Tất cả chúng ta, những người đã chịu phép Rửa tôi, đều được đặt làm người quản lý các ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Tại sao chúng ta lại ích kỷ, khép kín lòng mình trước sự độ lượng của Chúa Thánh Thần? Tại sao ta lại dập tắt lòng trắc ẩn của Chúa Thánh Thần, và mua anh với sự nghèo hèn của họ? Hãy sẻ chia, hãy phân phát tất cả những gì chúng ta đã nhận lãnh, như người quản lý khôn khéo. Đây là thái độ làm hài lòng ông chủ và bảo đảm cho chúng ta có một chỗ trong nhà Cha trên Trời.

Đây là sứ điệp trung tâm của đoạn Tin Mừng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Chúng ta quyết định ung dung “làm tôi Tiền của”, trong khi chúng ta là con cái Thiên Chúa và hạnh phúc vì làm con; tại sao lại tôn thờ thần tượng tiền của, cùng với thế gian này sẽ qua đi và cửa Nước Trời sẽ đóng lại? “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.” Chỉ có một chủ chứ không có hai chủ. Ai làm đầy tớ cho tiền bạc, người ấy đương nhiên không có quyền làm ông chủ; chính họ mang trên mình cái ách nô lệ này. Sự giầu có không sinh ra với chúng ta, không theo chúng ta đến cùng đích của cuộc đời. Trái lại, Đức Kitô, ở với chúng ta vì Ngài là sự sống... Đừng là những tên nô lệ. Quả thật, đồng tiền đúng ra

không có quyền, nó là tên nô lệ bất chính (gian dối).

Đức Giêsu cảnh cáo chúng ta, tiền của còn đáng sợ hơn khi nó làm cho chúng ta tin vào sức mạnh của chính mình, tự cho mình là hoàn hảo. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm phúc và cho đi. Nếu người nghèo cần đến người giầu, thì người giầu cũng cần đến người nghèo, vì sự chia sẻ là nền tảng của đời sống huynh đệ và hạnh phúc. Người này học người kia sự đón nhận người khác là rất cần thiết cuộc sống, ai cho đi kẻ ấy phải là người khiêm nhường nhất.

Tiền của nguy hại cho tình bằng hữu, nó cũng nguy hiểm cho tương quan của chúng ta với Chúa. Đức nguyên Giáo hoàn Bênêđictô XVI nói: “Tiền bạc cho phép chúng ta hạnh phúc và làm ra của cải trên thế giới, nhưng tiền của mà thôi không đủ mang đến hạnh phúc cho chúng ta. (...) hạnh phúc là một cái gì đó mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nhưng một trong những thảm kịch của thế gian này là con người không bao giờ tìm thấy, vì nó không ở chỗ con người tìm kiếm. Chìa khóa hạnh phúc rất đơn giản: hạnh phúc thật chỉ thấy ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta phải can đảm đặt hy vọng tuyệt đối ở nơi Thiên Chúa, không phải nơi tiền của, nơi sự thành công thế gian, hay nơi người đời, nhưng là ở nơi Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những

khát vọng sâu xa nhất của lòng người” (Thư gửi các bạn trẻ trường công giáo Twickenham).

Bây giờ chúng ta tự hỏi: chúng ta đặt hy vọng vào ai? Chúng đã chọn hạnh phúc nào: hư không qua đi với thế gian này hay sự khiêm nhường thật để đến cùng Thiên Chúa?

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cách sử dụng tiền bạc và của cải ở thế gian này cách tốt nhất để chuẩn bị cho đời sống mai sau. Xin gìn giữ chúng con trong Chúa Thánh Thần, giúp chúng con tôn trọng phẩm giá anh em. Như thế, chúng con sẽ làm vui thỏa lòng Cha trên Trời và góp phần cho triều đại Nước Chúa đây và ngay bây giờ. Amen.

 

25.Dùng của cải đúng cách theo Tin Mừng

(Suy niệm của Lm. JB. Lê Ngọc Dũng)

Sử dụng đồng tiền như thế nào? Chúa Giêsu kể dụ người quản lý bất lương và sau đó giáo huấn: "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cữu" (Lc16, 9).

Để xem trong dân gian người ta nói gì về tiền, tôi tìm kiếm trên mạng internet với mấy chữ "tiền chủ tớ" thì gặp ngay câu nói quen thuộc: “Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu”.

Câu này cũng được làm đề bài văn bình luận cho các em học sinh: Em hãy bình luận câu tục ngữ Pháp "Tiền bạc là người đầy tớ trung thành và là người chủ xấu".

Liên quan đến đề bài luận này, anh sinh viên Nguyễn Trung Hiếu viết một thư gởi cho mẹ, đã gây xúc động cho nhiều người.

"Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận)...

Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải chắt bóp... để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai... "

Sau khi thấy sự cần thiết của đồng tiền đối với một hoàn cảnh nghèo, bệnh tật của mẹ, anh Hiếu lại cảm thấy ghét và sợ đồng tiền của mình:

"Con bỗng ghét, thù đồng tiền... Khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”... Con... vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa... Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi... Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Đọc những đoạn văn của anh Hiếu, nhiều người cảm động trước tâm tình hiếu thảo của anh Hiếu. Riêng bình luận về tiền thì có người thêm ý kiến:

Thử hỏi sống trên đời không có tiền thì lấy gì lo khi ốm đau? Không có tiền thì sẽ thất học, sẽ không hạnh phúc...

"Đồng tiền là ông chủ xấu nhưng là nô lệ tốt".

Đọc những bài như vậy anh chị em có nhận xét gì? Có khác gì về Lời Chúa dạy ta về việc sử dụng tiền bạc không?

Người đời có những ý tưởng, những khuyên dạy rất hay, rất tốt về tiền. Tuy nhiên, có một giới hạn, đó là họ cũng chỉ dừng lại ở những thực tại trần gian. Đối với họ tiền là điều cần thiết cho cuộc sống; phải làm chủ tiền bạc để được hạnh phúc ở đời này, hoặc hơn nữa là để sống lương thiện; không được làm nô lệ cho tiền bạc, không ham mê, đến độ coi tiền bạc là thần tiên, để rồi bóc lột, khinh khi người khác.

Còn đối với Chúa Giêsu, lời dạy của Ngài đòi chúng ta hướng lên một mức cao siêu khác: "Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu" (Lc 16, 9) Ngài không dừng lại ở chỗ: "họ sẽ đón rước anh em" nhưng Ngài thêm mấy chữ rất quan trọng là: "vào nơi ở vĩnh cửu"

Nghĩa là: Hãy dùng tiền bạc để xây dựng Nước Trời mai sau, cho hạnh phúc vĩnh cữu đời sau.

Thế gian chỉ dừng lại ở chỗ "làm chủ” đồng tiền đừng làm “đầy tớ” nó.

Chúa Giêsu lại bảo: Hãy “làm tôi” Thiên Chúa.

Bên trên sự làm chủ đồng tiền, tức là biết cách sử dụng đồng tiền cho phải lẽ, con người chúng ta được mời gọi nhận Thiên Chúa là chủ và ta nhận mình là tôi tớ Thiên Chúa.

Vì sao như vậy?

Vì sức mạnh của đồng tiền quá lớn, con người khó có thể làm chủ được nó. Thực tế cuộc sống cho thấy điều đó. Cho dù người ta có ý thức đam mê tiền bạc là tội lối là xấu xa nhưng người ta vẫn cứ làm nô lệ tiền bạc, bách hại lẫn nhau. Cần phải nhờ đến một ông Chủ khác mạnh mẽ hơn thì mới có thể làm chủ được tiển bạc. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng mạnh mẽ toàn năng, mang lại cho con người hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Chỉ có tin nhận, tôn thờ Thiên Chúa Vĩnh cửu và nhờ Ngài, con người chúng ta mới có thể dễ dàng từ bỏ, hy sinh của cải tiền bạc cho tha nhân và xây dựng được hạnh phúc đích thực cho Nước Trời mai sau.

 

26.Dùng tiền tạo lấy tình nghĩa

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Người đời hôm nay cho rằng tiền bạc là những thứ đem lại cho cuộc sống giàu sang, sung sướng, muốn gì được nấy, “có tiền mua tiên cũng được” nên họ coi “Tiền là tiên là phật, là sức bật của thanh niên, là sức khỏe của tuổi già. Là cái đà của danh vọng. Là cái lọng che thân”. Tuy nhiên, đó chỉ nhận định phiến diện về giá trị của đồng tiền vì trong thực tế, chúng ta vẫn thấy nhan nhãn có những người giàu có nhưng họ sống siêu thoát với đồng tiền, họ không tiếc xót bỏ ra từ vài đồng bạc cho đến hàng tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật, những người vô gia cư, những trung tâm nuôi các cô gái lầm lỡ, hay những người lo chôn cất hàng trăm ngàn thai nhi vô tội sát hại hằng ngày… Ngược lại, trong xã hội cũng có những người dùng tiền của để ăn chới phung phí sa đọa, tội lỗi, hư hỏng. Hoặc có những gia đình giàu có nhưng cuộc sống hôn nhân thì ngột ngạt, vợ chồng xào xáo, đưa nhau ra tòa ly dị, chẳng hạn vợ chồng ông vua cà phê Trung Nguyên đến nỗi ông phải đau đớn nói giữa phiên tòa rằng: “Nhiều tiền để làm gì để bây giờ phải đưa nhau ra tòa ly dị nhục nhã vô cùng”. Cho nên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Tiền bạc giết tâm hồn nhiều hơn là gươm giáo giết thể xác”. Vì vậy, ông bà ta nói chữ tiền luôn gắn liền với chữ bạc là đúng. Bạc không chỉ là một loại kim qúi, mà còn có nghĩa là bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền họ sẵn sàng họ đánh cha, mẹ, bỏ chồng, bỏ vợ con, vì tiền gian dối trong tình bạn hữu, lọc lừa họ hàng bà con lối xóm. Vì vậy, Trong tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã phải thú nhận: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Còn Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chua xót nói: “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết cơm hết gạo, hết ông tôi”.

Chính vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta: “Tiền bạc chỉ là tên đầy tớ tốt, chứ không thể là ông chủ tốt được. Anh em hãy dùng tiền của mà mua lấy tình bạn hữu”. Qủa thế, tiền của chỉ là những thứ vô tri vô giác, Thiên Chúa ban cho con người hưởng dùng để xây dựng, thăng tiến đời sống, đồng thời phát triển tình người, liên kết yêu thương nhau, làm cho tình nghĩa anh chị em với nhau thêm đậm đà thắm thiết và dài lâu. Vì vậy, tiền chỉ là phương tiện giúp con người tạo tình nghĩa và hạnh phúc ở đời này, nhất là đạt tới Nước Trời, là sự sống vĩnh hằng mai sau. Cụ thể, Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh quản lý bất lương làm mẫu mực cho đời sống đức tin cho chúng ta. Nhưng có người hỏi rằng tên đầy tớ kia bất lương mà làm mẫu mực cái gì? Hắn gian dối như thế mà Chúa Giêsu khen, vậy Chúa Giêsu khuyến khích mình bất lương sao?

Không, Chúa Giêsu khen cung cách ứng xử của anh ta khi đối diện với mối nguy đe doạ đến sự sống còn của mình sau này. Anh ta giảm số nợ cho những con nợ để sau này có sa cơ thất thế, nghèo rớt mùng tơi thì họ sẽ cứu vãn mạng sống của anh. Nhưng mà sự sống anh tìm cách cứu vãn là sự sống nào? Nếu xét sự sống vật chất, cơm ăn áo mặc, thân xác này, anh thành công rực rỡ; còn nếu xét đến sự sống tâm linh, đời sống đức tin, anh ta thất bại vì anh bất lương thiện, thiếu trung thực, gian dối. Cho nên, Chúa Giêsu dạy không ai làm tôi hai chủ, vì nó yêu chủ này thì nó ghét chủ kia! Vâng, tiền bạc tự nó không tốt không xấu. Giá trị tốt hay xấu tuỳ thái độ của chúng ta khi sử dụng nó. Nếu tôi lấy sự sống thân xác làm giá trị tuyệt đối, thì tôi phải lao vào kiếm tiền cho nhiều dù phải gian xảo, mánh mung, lọc lừa, đàn áp hay bót lột, như thế thì sự sống tâm linh, lương tâm tôi bị đe doạ dễ trở thành người bất nhân bất nghĩa, bất hiếu và lương. Vì vậy, tiên tri Amos trong bài đọc 1 nói rằng Thiên Chúa lên án người có tiền của mà đối xử thậm tệ người nghèo, Ngài sẽ kết án những việc làm của họ trong ngày sau hết. Vì vậy, trong cuộc sống đời này, nếu chúng ta lấy Chúa là gia nghiệp, lấy Lời Chúa làm lễ sống, và lấy giá trị tình nghĩa con người làm tuyệt đối thì tiền bạc trở thành phương tiện phục vụ Thiên Chúa, làm rạng danh Thiên Chúa qua việc đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của giáo Hội (điều răn Thứ 5 trong 5 điều răn Hội Thánh dạy). Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết dùng tiền của đệ tạo tình nghĩa con người với nhau qua việc giúp đỡ, sẻ chia tinh thần cũng như vật chất cho những người nghèo hơn chúng ta, đau yếu hơn chúng ta và tội lỗi hơn chúng ta…, chính lúc ấy, chúng ta đã đem lại hạnh phúc, bình an cho mình và cho tha nhân, đặc biệt là đem lại sự sống vĩnh hằng mai sau như Lời Chúa nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han" (Mt 25,34-36).

Vì yêu thương, Thiên Chúa giao cho chúng ta quản lý vũ trụ này, Ngài cho chúng ta quyền quản lý tiền của, thời giờ và tài năng. Chúa bảo chúng ta phải sử dụng theo ý Chúa, tức là không chỉ có bổn phận gìn giữ, sinh lời mà còn biết ban phát chúng theo ý Chúa. Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Chúa để chúng ta tiếp tục thay Ngài làm cho tha nhân được hạnh phúc, làm cho tình yêu và lòng đại lượng của Ngài trải rộng tới mọi người mọi nơi qua việc từ bi bác ái của chúng ta. Cho nên, chúng ta phải làm tôi Thiên Chúa vì Chúa là Đường, là Sự thật và là Sự sống và chỉ có Lời của Thiên Chúa mới đem lại sự sống đời đời và dẫn đưa chúng ta vào đường nẻo bình an. Ngược lại, nếu chúng ta làm tôi cho tiền của, cho qủy dữ chắc chắn chúng sẽ dẫn dắt chúng ta vào đường nẻo gian dối, tham lam, ích kỷ hưởng thụ, cuối cùng phải đau khổ và chết đời đời.

Vì vậy, qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm lại thái độ của mình khi sử dụng tiền bạc như thế nào, đồng thời thành khẩn xin Chúa ban cho chúng ta một nghị lực dứt khoát và can đảm để luôn biết chế ngự được ma lực hấp dẫn của đồng tiền, biết cách sử dụng tiền bạc để tạo tình thương, tình nghĩa với nhau bằng việc bác ái và chia sẻ. Vì thế, hãy coi trọng con người và tình người hơn tiền bạc của cải vật chất. Bởi vì tiền bạc không tồn tồn mãi mà chỉ có tình nghĩa con người. Cho nên, nhạc sĩ Beethoven xác tín rằng “Chỉ có Đạo mới làm chúng ta hạnh phúc sung sướng, chứ không phải là vàng bạc”. Còn Chúa Giêsu quả quyết được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, mất tha nhân và mất Chúa thì nào có ích gì. Cho nên, Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng: “Sự giàu có đích thực là tình yêu Thiên Chúa, được chia sẻ cho anh chị em mình. Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Ai có kinh nghiệm này thì được bình an trong tâm hồn và không sợ chết”.

Ước gì, Lời Chúa hôm nay thách bách chúng ta sử dụng tiền bạc đúng ý Chúa ngay trong môi trường mình đang sống để xã hội này đầy ấp tình người và tình Chúa. Amen.

 

27.Tiền bạc đối với người Kitô hữu

(Suy niệm của P. Trần Đình Phan Tiến)

Tiền bạc dẫn đưa con người đến hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc giả tạo.

Thật vậy, nếu nói rằng tiền bạc không cần thiết là điều không đúng. Xét cho cùng tiền bạc chính là một sự chứng nhận để lưu hành bởi một tờ giấy có ghi số và chữ. Nhưng muốn có tiền, người ta phải ra sức làm việc để kiếm tiền. Nên chi, việc sử dụng đồng tiền do công sức mình kiếm được là một điều chính đáng. Nhưng tiền bạc không phải là sự tận cùng, trên tiền bạc, đó là hạnh phúc vĩnh cửu. Vì nếu tiền bạc thật sự là hạnh phúc vĩnh cửu, thì không còn là tiền bạc nữa, không còn là hạnh phúc nữa, mà là sự chết, sự trầm luân muôn đời. Vì lúc đó con người sẽ sát phạt nhau để giành lấy tiền bạc, và bất phân thắng bại, con người sẽ không có sự sống, mà là sự chết, sự diệt vong con người. Như vậy, là sự đối nghịch với sự sống, là đối nghịch với Thiên Chúa. Với ý nghĩa đó, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người quản gia bất trung” để rao giàng Tin Mừng Nước Trời.

Từ dụ ngôn “Người quản gia bất trung”, (Lc 16,1-8), Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận thức tỉnh táo về Nước Trời. Nước Trời là một trạng thái siêu nhiên, nhưng vĩnh cửu mà không ai đạt tới được. Nước Trời quan trọng và rất đỗi thiết thực, đến độ cuộc sống hiện tại không thể không nhắm tới. “Người quản gia bất trung” còn biết dùng sự bất lương của mình mà mua lấy một cuộc sống sau khi về hưu, bị đuổi việc, huống chi là người tín hữu không biết lợi dụng thời cơ ở đời nầy mà mua lấy Nước Trời. Nghĩa đen là dùng đồng tiền, nhưng nghĩa bóng đó là, biết dùng công sức và thời gian để xây dựng Nước Trời.

Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc chắn nhiều người làm việc Tông đồ không phải vì Tông đồ mà là vì tiền bạc. Ví dụ, một linh mục khi còn làm việc được thì lo thâu tóm “chút ít” để khi về già, hưu rồi có cái để chi dùng. Nếu hiểu như vậy, thì không đúng. Nhưng chúng ta biết dùng của cải cho đúng cách với mục đích vì Nước Trời thì chúng ta thật diễm phúc, vì chúng ta biết sử dụng cái chóng qua để mua lấy sự vĩnh cửu. Qua dụ ngôn: Người quản gia bất trung, chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã đề cao tinh thần Nước Trời nơi công việc trần thế. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta sống nơi thân xác hữu hình, chúng ta cũng phải biết dùng thời gian thuận tiện để làm lợi cho đời sống tâm linh của chúng ta. Khi chúng ta được “gọi về”, chúng ta hãnh diện mang theo hành lý là Tin Mừng Nước Trời.

Chúa không đề cao sự bất trung của trần gian, nhưng qua cách khôn khéo của trần gian, Chúa Giêsu dạy chúng ta một thực tại Nước Trời. Nước Trời là điều không phải dễ hiểu, nên chi, từ dẫn chứng tự nhiên, Chúa Giêsu đã dẫn đưa con người đến sự siêu nhiên Nước Trời.

Để hiểu rõ hơn nội dung Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhớ lại câu tục ngữ như sau: “Lấy của che thân, chứ đừng lấy thân che của”.

Phần II của đoạn Tin Mừng hôm nay: Trung tín trong việc sử dụng tiền của.

Dụ ngôn trên cho thấy, sự bất lương của người quản gia, nhưng là bài học để mua lấy Nước Trời. Chuyển tiếp qua phần II là sự trung tín trong việc sử dụng tiền của. Tiền của trần gian cho dù là gì đi nữa cũng được gọi là “bất chính”, bởi vì, nếu công chính thì không bao giờ có dư tiền của, tiền của “bất chính” ở đây không phải là trộm cướp, nhưng không phải là chính đáng. Ví dụ: Hưởng thừa kế, trúng mánh, cho vay, thắng bạc, kinh doanh có lời lớn, mua một bán mười, v.v... Đó là những tiền của bất chính, tiền của bất chính là cuộc sống tạm bợ nơi thân xác, nhưng con người biết trung tín sử dụng thì nó trở nên tốt. Người ta nói: Tiền bạc là đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu. Ông chủ xấu, khi chúng ta tôn thờ đồng tiền, đồng tiền là hữu vật tự nhiên, chứ không phải thiên nhiên. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta dùng đồng tiền trần gian để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. Cuộc sống tốt đẹp là biết đến nhu cầu cảu tha nhân. Rõ ràng, người cho vay và sống bởi tiền cho vay là sống bởi đồng tiền bất chính, vì sống trên nhu cầu khó khăn của người khác.Tiền của là phương tiện, chứ không phải là mục đích. Nên Chi, nếu chúng ta không trung tín trong việc sử dụng tiền của trần thế, thì chúng ta cũng không thể được giao công việc Nước Trời. Chúng ta chính là trong vai “ người đầy tớ bất trung” trên, vì Thiên Chúa ban cho chúng ta những của cải để chúng ta sinh ích lợi cho tha nhân, chứ không phải chỉ cho chúng ta mà thôi. Chúng ta được phép làm chủ của cải, chứ không được phép tôn thờ của cải. Đó là điều cần thiết, vì nếu chúng ta tôn thờ của cải, thì chúng ta sẽ không tôn thờ Thiên Chúa. Mặc nhiên, Chúa Giêsu đưa ra một sự chọn lựa dứt khoát là:Thiên Chúa và tiền của. Thiên Chúa và tiền của là hai vấn đề luôn đối lập và hiển nhiên không đồng hành song song. Đây là điều thách thức và cũng là đòi hỏi của Tin Mừng Nước Trời. Đây chính là cửa hẹp của người công giáo.

Chúa Giêsu không định kiến với người giàu về của cải, nhưng người có của cải thì khó có Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không đứng dưới của cải, mà là Thiên Chúa đứng trên của cải. Của cải là thứ không mang được vào Thiên Quốc, vì của cải là phương tiện cho thân xác. Nhưng nếu con người biết sử dụng phương tiện của thân xác để mưu ích cho linh hồn,thì đó là điều khôn ngoan.

Vì vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Kẻ giàu có khó vào Nước Trời biết bao!” “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Thiên Quốc” (Mt 19, 23-24).

Ước gì Lời Chúa hôm nay, sẽ thức tỉnh phàm nhân để họ nhận ra ánh sáng của Tin Mừng trong mọi biến cố cuộc đời, hầu soi sáng cho họ nhận ra chân lý của Lời Chúa. Amen.

 

28.Giá trị đồng tiền – Lm Antôn Nguyễn Văn Tiếng

ĐỒNG TIỀN ĐẾN

Đề tài về “tiền của” là đề tài dễ “bàn luận” nhất, vì đó là thứ gần gũi nhất đối với con người. Người ta gọi những người thân yêu là “bà con ruột thịt”, đồng thời người ta cũng thường nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, xem thế, ta thấy đồng tiền có quan hệ “máu mủ” với con người đến mức nào!

Cái gì người ta càng cần đến, thì cái đó càng quan trọng. Cái gì càng quan trọng thì cái đó càng được nhiều người muốn sở hữu. Cái gì càng có nhiều người muốn sở hữu thì cái đó càng quý. Người nào sở hữu nhiều thứ đồ quý, thì đó là dấu hiệu người đó giàu có. Người đó có sức mạnh. “Miệng người sang có gang có thép”.

Tiền là rất cần. Giới trẻ có những câu định nghĩa “tóm gọn sức mạnh đồng tiền” nghe vui vui, tỉ như: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền là… hết ý!”.

Tiền là rất cần, nên người ta phải tìm cách có tiền. Không có cách làm ra tiền, thì làm ra tiền bằng mọi cách!

Vấn đề là chính là ở chỗ này! – Làm ra đồng tiền bằng mọi cách, không trừ những cách bất chính!- “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sđi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’” (Lc.16,1-2).

Biết bao người đã vấp ngã vì đồng tiền. Để có được đồng tiền, nhiều người đã đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm, và cả niềm tin thiêng liêng nữa.

Họ trở thành nô lệ của Đồng Tiền! Hơn thế nữa, họ thờ Tiền! Họ bị Đồng Tiền trói buộc!

Những cách làm ra tiền bất chính thì rất đa dạng, muôn thứ. Có cái sờ sờ ra trước mắt, như ăn trộm, ăn cướp, mua gian bán lận… nhưng có thứ tinh vi, khó mà biết - nhưng muốn biết cũng không khó - nhiều khi vì lý do này, lý do kia, người ta không muốn biết, hay chưa nên biết, như: tham nhũng, lương lẹo, móc ngoặc, cắt xén công quỹ…

Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể câu chuyện “Lấy của ban ngày” như sau:

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: “Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được”. Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

“Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau này tôi giàu có, tôi sđem tiền trả lại”.

Người coi chợ thấy càn dở, đánh cho mấy roi, bắt của ai trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắn:

“Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các ngươi chưa nghĩ kỹ!” (Long Môn Tử).

ĐỒNG TIỀN ĐI

Tích trữ nhiều tiền của thì phải có mục đích. Mục đích phổ thông nhất là “hưởng thụ”. Trong Tin Mừng, chúng ta gặp rất nhiều ông Phú hộ sống kiểu “hồn ta hỡi … vui chơi cho đã”. (Lc.12,16-21; 16,19-31).

Trong đời thường, chúng ta càng thấy rõ hơn nữa. Những nơi giàu có, mức độ hưởng thụ “ăn chơi” càng “cao cấp”, càng “sang trọng”, và thú vui chơi thể hiện thiên hình vạn trạng và cực kỳ tốn kém.

Sự hưởng thụ nếu không có ánh sáng Tin Mừng soi dẫn, sẽ đi dần đến mức sa đọa, khi mục đích của nó là thỏa mãn những niềm vui nhất thời và vật chất. Hạnh phúc lúc bấy giờ chỉ giới hạn trong những thứ vui chơi thỏa mãn khuynh hướng tầm thường, và chỉ còn là niềm vui của riêng mình. Sự ích kỷ sẽ đưa con người đến vô trách nhiệm với tha nhân và trở nên độc ác.

Thường tình người ta vẫn nghĩ cuộc sống cần phải vươn lên, và vì thế, người ta có quyền hưởng thụ ở mức độ cao nhất như có thể, miễn là người ta làm ăn chính đáng, không hãm hại ai, không làm thiệt hại ai, không đá động tới ai.

Nhưng chúng ta vẫn nghe trong lòng một cái gì đó rất xót xa, khi có những người mua những chiếc du thuyền, những chiếc xe con, những phương tiện giải trí hàng tỷ đồng, và bên cạnh đó, biết bao người đói ăn, đói học, đói những mái nhà đơn sơ đủ để che mưa che nắng qua ngày! Có người thở dài: biết làm sao, bàn tay có năm ngón ngắn dài khác nhau là vậy! Chuyện ấy thời nào cũng có! Chẳng có ranh giới nào để định mức đâu là trách nhiệm đối với xã hội. Chỉ có tiếng gọi của Tình Thương. Trong Phúc Âm, câu chuyện ông Phú hộ và La-gia-rô là một thí dụ. (Lc.16,19-31).

Có những người tung tiền ra để mưu cầu danh vọng. Có những người tung tiền ra để mua quan bán chức. Có một câu chuyện khoa học giả tưởng về một thành phố của ngàn năm về sau, lúc đó, con người đã chế tạo ra những “người máy” tinh xảo. Đi giữa lòng thành phố, người ta không thể phân biệt được ai là “người máy” ai là người thật! Hay nói một cách khác, ai là người “giả”, ai là người “thật”! Ngày nay, nhiều khi cũng khó biết ai là “nhân tài” thật, ai là “nhân tài” giả. Có nơi, người ta rao bán “bằng cấp” trên Internet giống như người ta rao bán chè ở vĩa hè!

Đi xa hơn nữa, sự giàu có dễ quyến rũ người ta say mê thế lực. Cá nhân rồi đến tập thể, Đất Nước. Những Nước giàu có thì chế tạo và mua nhiều vũ khí. Những nước lớn và giàu có bao giờ cũng nói chuyện bằng sức mạnh và quyền lợi của họ trước tiên. “Tiền đẻ ra Tiền”. Làm ăn với tư thế “kẻ mạnh” thì bao giờ cũng có lợi, thậm chí còn bóp chết cả địch thủ cạnh tranh, cho dù là cạnh tranh lành mạnh. Vì rằng “thương trường cũng như chiến trường”, có “chết” và có “sống”. Không có quy luật đạo đức nào cụ thể được áp dụng ở đây. “Mạnh được yếu thua”. “Cá lớn nuốt cá bé”. Ngôn ngữ ngoại giao thì rất đẹp, mà trên thực tế nằm mơ cũng không thấy!

Cứ nơi nào có nhiều mỏ dầu, nhiều tài nguyên thiên nhiên, thì nơi đó có nhiều tranh chấp. Nơi nào có tranh chấp, thì nơi đó thường có những cuộc “tập trận”, phô trương vũ khí, sức mạnh quân sự của những bên liên hệ.

ĐỒNG TIỀN ĐEM LẠI

Đồng tiền giúp chúng ta thể hiện tình thương đối với đồng loại.

“Tiền của là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu”. Nếu con người nô lệ vào tiền của, thì rõ ràng, con người gặp phải nhiều hậu quả thật tồi tệ cho cá nhân và cộng đồng nhân loại. Nếu con người làm chủ đồng tiền, thì con người sẽ cải thiện thế giới và con người sẽ hạnh phúc hơn.

Con người chỉ có một chủ là Thiên Chúa, và Thiên Chúa dạy con người biết làm chủ Tiền Của bằng Giới Luật Yêu Thương. "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc.16,13).

Mẹ Têrêsa khi nhận giải Nobel, mẹ nghĩ ngay đến xử dụng đồng tiền để giúp đỡ những người bất hạnh. Thánh Phanxicô Assisi đã bỏ cuộc đời giàu có để dành trọn cuộc đời mình lên tiếng nói bênh vực và nâng đỡ người nghèo…

Thật may mắn, trong đời thường vẫn còn đó những trái tim biết chia sẻ một cách chân thành.

Chia sẻ chân thành là chia sẻ những gì mình có. Không phải cách “lương lẹo” của tên quản lý bất lương. Anh ta tỏ ra “nhân từ” bằng đồng tiền của chủ mình với ý đồ được có nơi nương tựa và tìm cơ hội cho tương lai. Thương người kiểu đó là một cách ăn trộm mà vẫn được người ta thấy mình đạo đức. Nó cũng giống như những người cho vay ăn lời cắt cổ thiên hạ, thỉnh thoảng vào ngày rằm, mua năm mười giạ gạo bố thí cho một số người nghèo; hay mấy công ty bốc lột sức lao động công nhân bằng đồng lương chết đói, thỉnh thoảng tặng tiền cho những chương trình thuộc dạng “vòng tay nhân ái” để được vinh danh và quảng cáo thương hiệu của mình trên TV!

Trong Giới Luật Yêu Thương, Chúa Giêsu không hề bảo con người phải sống nghèo nàn, lạc hậu, nhưng là dạy con người biết cách“cho đi”. (Vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn…Mt.25,31-46).

Vì “không ai cho cái mình không có”. Nên trước tiên ta phải có mới cho được. Do đó, làm việc không chỉ là trách nhiệm đối với xã hội, mà hơn thế nữa, còn là bổn phận đối với Thiên Chúa. (Ông giao cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén… Mt. 25,14-29).

Trong Khổng Tử Gia Ngữ có câu chuyện thế này:

Khổng Tử nói rằng: Cho mình là hạng phú quí mà biết hạ mình với người với mọi người, thì người nào mà không tôn trọng mình?

Cho mình là hạng phú quý mà biết yêu người, thì người nào mà không thân với mình?

Nói ra mà không ai trái lại, thì có thể cho là hạng người biết nói vậy.

Nói ra mà mọi người đều hướng theo cả, thì có thể cho là hạng người biết thời vậy.

- Cho nên kẻ giàu có, mà lại biết làm cho người giàu có, thì dẫu có muốn nghèo, cũng không thể nào nghèo được.

- Kẻ sang trọng mà biết làm cho người sang trọng, thì dẫu muốn hèn hạ, cũng không thể hèn hđược.

- Kẻ phát đạt, mà biết làm cho người phát đạt, thì dẫu có muốn khốn cùng, cũng không thể khốn cùng được.

Đồng tiền giúp chúng ta vđến Nước Trời.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một quyển sách được nhiều người yêu thích mang tên “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy dùng tiền để mua những gì “không hư nát”. Hãy biết dùng tiền để tìm về chốn vĩnh cửu, nơi hạnh phúc vĩnh hằng. "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (Lc.16,9).

Nếu cuối cùng, ta nằm xuống. Tất cả những gì hưởng thụ qua đi. Tất cả những gì gom góp cũng bỏ lại. Ta nghe văng vẳng bên tai lời chúa từng giảng dạy: “Đồ ngốc! nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc.12, 20), ta chới với và tiếc rẻ làm sao! Bằng đó những thành đạt cuộc đời không đổi lấy được gì ư?

Có một kim chỉ nam để chúng ta định hướng đời mình. Để suy nghĩ và hành động. Đề gạn lọc và chọn lựa. Để làm phong phú đời mình. Để nuôi sống đời mình. Để đời mình không phải chỉ là một giấc mơ chóng qua và vô nghĩa. Đó là Lời Chúa. Lời Hằng Sống. Lời dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

“Cho tôi xin một vé đi Thiên Quốc”.

Để khi tôi nhắm mắt, là bước vào một cuộc hành trình mới. Tuyệt vời và hạnh phúc!

Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng tất cả những gì con có, để sinh lợi và làm giàu cho Chúa, chứ không phải cho riêng con. Vì tất cả là của Chúa. Amen.

 

29.Nhận lãnh để trao ban – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Có một nhà kia tính mời vài đạo sĩ tới lập đàn giải trừ tai nạn. Một đạo sĩ nọ tham lam, muốn một mình hưởng trọn số tiền chủ nhà trả ông, liền nhận bao thầu hết việc lập đàn cúng bái.

Ông ta chẳng kể ngày đêm. Làm việc luôn tay luôn chân, không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì kiệt sức, ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông ta chết, mang họa, liền thuê người khiêng ông về miếu. Đạo sĩ nghe vậy, cố ngước đầu lên thì thào:

Ông hãy đưa tiền thuê người cho tôi, tôi tự mình lần về miếu cũng được.

Những người coi đồng tiền to lớn hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Người khen ông quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Ông khôn khéo vì ông biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu.

Nếu “con cái đời này” biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để lo liệu cho ngày mai, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở tương lai?

Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu lại không biết sử dụng của cải phù du, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời.

Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để biết được lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta lại không “trung tín trong việc nhỏ” là sử dụng tiền của để bảo đảm cho ta của cải chân thật đời sau?

Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. Tác giả Augier còn viết: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý chủ, những quản gia trung tín và khôn ngoan. Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thực sự “làm tôi Thiên Chúa”.

Lạy Chúa, trong khi chúng con đang bôn ba tìm kiếm những của cải tạm bđời này, xin cho chúng con cũng biết khôn ngoan tích trữ cho mình gia tài vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời. Amen.

home Mục lục Lưu trữ