Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 57
Tổng truy cập: 1364307
NIỀM TÍN THÁC VÀO CHÚA
Niềm tín thác vào Chúa – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền
(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)
Ở đời người ta cần có niềm tin để sống với nhau. Nhờ tin vào nhau con người sẽ gần gũi nhau hơn, sẽ dễ dàng cảm thông với nhau hơn. Nhờ tin vào nhau con người sẽ vượt qua những rào cản của nghi kỵ, hiểu lầm để sống thân ái với nhau hơn. Ngoài tương quan giữa người với người còn có một tương quan khác chính là giữa Thiên Chúa và con người. Trong tương quan với Thiên Chúa, con người cần có đức tin. Đức tin để con người bước đi với Đấng mà mình chưa một lần gặp gỡ diện diện đối diện. Đức tin để con người có thể nhìn xem trời đất biển rộng bao la mà khám phá ra sự hiện diện đầy tình yêu quan phòng của Chúa mà phó thác, mà tin tưởng, cậy trông. Đức tin sẽ giúp con người dấn thân một cách trọn vẹn cho Thiên Chúa, cho dù có phải đi trong mênh mông đêm tối của biển đời, cho dù phải trải qua những thử thách gian truân, con người vẫn luôn xác tín một điều: Thiên Chúa không bỏ rơi con ngừơi. Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. Thiên Chúa luôn là thuẫn đỡ chở che cho cuộc đời chúng ta.
Có người đã kể lại giấc mơ của mình như sau:
– Tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng có luồng ánh sáng xuất hiện, trong đó có Chúa Giêsu đang ngự trên một tấm thảm. Người mỉm cười bảo tôi:
– Con hãy ngồi trên tấm thảm này với Ta.
Lòng tràn ngập vui sướng, tôi đến gần Chúa và ngồi trên tấm thảm bên cạnh Người và tấm thảm từ từ bay bổng lên. Nhưng rồi tôi cảm thấy như Chúa không còn bận tâm đến tôi nữa, Người chăm chú rút từng sợi chỉ từ chiếc thảm chỗ Người và tôi. Chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại một nửa, và giữa chỗ Chúa và tôi đang ngồi lại có một lỗ trống to lớn. Tay chân tôi bắt đầu run lên vì sợ rơi xuống đất chết. Nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ, đến nỗi tôi khiếp sợ kêu lên:
– Lạy Chúa, Chúa làm gì vậy? Chúa không thấy tấm thảm của chúng ta đã tan tành sao?
Chúa cười rồi cầm lấy tay tôi nói:
– Sao con nghi ngờ, kém lòng tin? Con hãy bám chặt vào Ta. Con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dầu con phải bị tước đoạt hết cả đến sợi chỉ cuối cùng.
Người vừa dứt lời thì quả thực, sợi chỉ cuối cùng đã bị rút đi. Tôi sợ hãi quá, giật mình thức dậy…
Nếu sự kiện đó xảy ra trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta có dám bỏ tất cả để chỉ bám vào một mình Thiên Chúa không? Chúng ta có dám thả trôi những sợi chỉ của tiền tài, danh vọng để chỉ còn lại một mình ta với Chúa hay không?
Một cách nào đó, đời sống của mỗi người chúng ta cũng bị trói buộc bằng những sợi chỉ tuy nhỏ bé mong manh, nhưng là những chướng ngại vật cản trở đà bay của chúng ta. Biết bao lần chúng ta tưởng mình đang đi tìm hạnh phúc thật, nhưng thật sự nó chỉ đem lại cho chúng ta thứ hạnh phúc mau qua chóng tàn, khác nào như những sợi chỉ mỏng manh kia. Biết bao lần chúng ta bám víu vào những tình cảm của con người, nhưng rồi cũng gặp phải biết bao ê chề của sự vô ơn, bội tín, bất trung. Biết bao lần chúng ta tưởng như ngồi mãi trên tấm thảm danh vọng cao sang nhưng rồi địa vị, chỗ ngồi như “của đồng lần” cũng bỏ ta để sang tay kẻ khác. Biết bao lần, thay vì bám chặt vào Chúa, đặt hết niềm tin cậy nơi Chúa, chúng ta lại chạy theo những người, những vật mỏng dòn chóng qua.
Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và hay thương xót. Người biết rõ chúng ta dễ gắn bó với tạo vật mà bỏ quên Người. Thế nên, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đặt chúa trên hết mọi quyến luyến trần gian. Hãy biết cậy dựa vào ơn Chúa để thắng vượt những ràng buộc, trở ngại trong cuộc đời.
Đã có thời người Do Thái tưởng rằng đã đến lúc Chúa Giêsu khôi phục lại vương quyền nhà Israel. Họ tưởng rằng Chúa sẽ đánh đông dẹp tây để xây dựng một nước Israel hùng cường và thịnh vượng. Họ theo Chúa xem ra chỉ nhằm mục đích để được hưởng những vinh hoa phú qúy trần gian. Tiền tài và bổng lộc trần gian là những thứ mà họ cần Chúa đáp ứng cho họ. Chúa Giêsu muốn đánh tan quan niệm, ý nghĩ sai lầm của nhiều người đang đi theo Chúa. Chúa đưa ra lời mời gọi những người muốn đi theo Ngài hãy suy nghĩ, đắn đo, tính toán xem họ có đủ can đảm, đủ nghị lực để theo Chúa đến cùng hay không? Và để theo Chúa, con người phải dành cho Ngài chỗ ưu tiên, chỗ nhất trong đời sống của mình và làm mọi việc để phụng sự Chúa, để tôn vinh Ngài. Theo Chúa là chấp nhận một cuộc mạo hiểm như Abraham đã rời quê cha đất tổ để đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Theo Chúa là buông mình theo thánh ý Chúa như Đức Trinh Nữ Maria đã mạnh dạn thưa lên cùng Chúa:”này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin vâng như lời sứ thần truyền”. Theo Chúa là chấp nhận trải qua những gian nan thử thách của giông ba bão tố, của bách hại và tù đầy như thánh Phaolô tông đồ đã từng trải qua. Như vậy, theo Chúa là uốn mình theo thánh ý Chúa và bằng lòng với phận mình mà Thiên Chúa đã an bài. Vui với phận mình là cách mà chúng ta đang để cho ý Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta.
Xin Chúa thanh tẩy trí lòng chúng ta khỏi những toan tính lợi lộc trần thế khi theo Chúa. Xin thêm ơn trợ giúp để luôn trung thành sống cho Chúa. Cho dẫu có phải hy sinh những vinh hoa phú qúy trần gian. Cho dẫu có phải hy sinh những tình cảm chính đáng và cao thượng. Cho dẫu có phải bước đi trong đêm tối của đức tin với bao hiểm nguy và chông gai, nhưng luôn có Chúa là gia nghiệp và chiếm hữu hạnh phúc Nước Trời mai sau. Amen.
26. Từ bỏ để thăng tiến – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Cuộc sống muốn thăng tiến phải biết từ bỏ. Trẻ con phải từ bỏ cái nôi để tập đi tập đứng. Lớn lên một chút phải từ bỏ mái nhà để đến trường học bao điều mới lạ. Trưởng thành lại phải can đảm từ bỏ quê hương để dấn thân vào đời. Từ bỏ cái cũ để nhận cái mới. Phải từ bỏ cái không còn phù hợp mới có khả năng đón nhận cái phù hợp với hiện tại mình hơn. Không từ bỏ con người sẽ đánh mất cơ hội để thăng tiến, để trưởng thành hơn. Từ bỏ dường như là lẽ tất yếu của định luật tự nhiên.
Có một người thanh niên luôn mong muốn mình giỏi hơn người khác, và còn muốn trở thành một học giả lớn. Nhưng qua rất nhiều năm đường học vấn vẫn ở sau nhiều người. Thất vọng, chán nản, chàng đến tâm sự với một đại sư.
Đại sư nói: “Chúng ta đi leo núi đi, đến đỉnh núi rồi con sẽ biết được nên làm như thế nào.”
Trên núi có rất nhiều hòn đá xinh xắn. Mỗi lần thấy người thanh niên nhìn thấy hòn đá ưng ý, đại sư bảo chàng cho đá vào túi để đeo sau lưng. Một lúc sau chàng thanh niên không chịu nổi nữa, nói: “Đại sư ơi, nếu cứ đeo túi này, đừng nói là leo lên đình núi, có khi bây giờ bảo con đi tiếp cũng không thể đi được nữa rồi.”
Khi đó đại sư cười nói: “Muốn tiến lên phải biết bỏ đi, nếu không bỏ đi làm sao có thể lên đỉnh núi được?”. Người thanh niên lặng người, tự dưng trong lòng sáng suốt, cảm ơn đại sư rồi ra về. Sau đó chàng tập trung học hỏi, cuối cùng trở thành một học giả lớn.
Xem ra muốn leo lên được đỉnh núi cuộc đời cần biết từ bỏ. Những viên đá nặng ta mang trong mình là những tham sân si luôn làm ta trì trệ tiến bước. Lòng tham sẽ níu kéo chúng ta ở lại để tranh dành những danh lợi thú mau qua. Sự nóng giận như viên đá cản lối ta tiến bước bình an. Sự mê muội sẽ làm ta đi lầm đường lạc lối.
Bỏ đi không có nghĩa là thất bại, cũng giống như chơi cờ tướng, tuy phải bỏ đi lợi ích nhỏ, nhưng lại nhận được lợi ích lớn hơn. Bỏ đi đôi khi làm cho con người mình thanh cao hơn, đáng kính hơn, như người nghiện ngập bỏ được thói quen xấu sẽ được yêu mến hơn. Bỏ đi những công việc không phù hợp với mình để được kính trọng hơn, như người đi tu thì không buôn bán, không tích góp tiền của… Bỏ đi những thú vui bất chính để sống có trách nhiệm với cuộc đời hơn… Nói chung, con người cần phải biết từ bỏ: từ bỏ những quyền lợi và hư danh, từ bỏ những tranh chấp đấu đá danh vọng, từ bỏ những tình bạn đã thay đổi, những tình yêu đã thất bại, những quan hệ xã giao không có ý nghĩa, những tính cách xấu, những bận rộn và áp lực không cần thiết. Biết cách từ bỏ sẽ làm ta thanh thoát, nhẹ nhàng và bình an.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta hãy can đảm từ bỏ để đi theo Chúa. Từ bỏ những cái mình yêu, mình thích thật là khó. Từ bỏ những cái mình gắn bó lâu dài càng khó hơn. Thế nhưng, vì Chúa chúng ta sẵn lòng. Vì Chúa chúng ta hy sinh. Vì Chúa chúng ta sống vâng theo thánh ý Chúa. Từ bỏ như thế gọi là thập giá. Thập giá vì lòng yêu mến Chúa sẽ trở thành thánh giá vinh quang.
Chúa Giêsu cũng từng đón nhận thập giá vì Chúa Cha. Thập giá của Chúa Giêsu đã biến thành thánh giá. Thánh giá vinh quang. Thánh giá đem lại nguồn ơn cứu rỗi cho nhân trần. Theo lẽ thường chẳng ai thích đau khổ. Ai cũng tìm an nhàn sung sướng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã chọn gian khổ, chọn hy sinh để vui lòng Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha sẽ ân thưởng vương quyền thiên quốc cho những hy sinh mà Ngài đã làm cho Chúa Cha.
Thánh Phao-lô đã từng nói rằng: những đau khổ đời này chẳng là gì so với hạnh phúc viên mãn đời sau. Thế nên, vì lòng yêu mến Chúa chúng ta biết đi vào cửa hẹp là từ bỏ những tham sân si, những niềm vui bất chính để được sống thanh thoát đời này và vinh hiển đời sau. Vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẵn lòng vác thập giá của bổn phận để phục vụ gia đình và tổ quốc hầu mai sau chúng ta cũng được ân thưởng hạnh phúc thiên đàng.
Xin cho chúng ta luôn biết đón nhận thập giá như là hồng ân Chúa gửi đến để ta lập công trước mặt Thiên Chúa. Amen.
27. Vác thập giá vì Chúa – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
“Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27)
Đôi khi để được việc nào đó chúng ta cũng phải hy sinh, phải từ bỏ rất nhiều để đạt được điều chúng ta mong muốn. Cách sống này người ta gọi là ”Khổ nhục kế”. Khổ nhục kế cũng là cách người ta dùng hy sinh, dùng nhục hình để nói lên lòng thành của mình.
Chuyện kể rằng tại lối vào một trung tâm mua sắm sầm uất ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã thực sự bị ùn tắc trước “sự cố nghiêm trọng”: một thanh niên quỳ gối nhất quyết không chịu đứng lên, khiến cho mọi người xúm lại coi! Ngay cả khi cảnh sát đến can thiệp, anh chàng cũng không chịu rời vị trí để trả lại sự yên tĩnh cho đường phố!
Anh chàng cho biết bản thân đang cực kỳ đau khổ và giày vò vì đã không giữ lời hứa với người yêu mà uống rượu, khiến cô nàng tuyên bố đường ai nấy đi! Khổ thân anh chàng lếch thếch chạy theo năn nỉ và mất dấu cô bồ ở trung tâm mua sắm này. Vì thế, anh ta quyết định quỳ gối cho đến khi nào cô ấy xuất hiện mới thôi. May mà sau vài tiếng “thi gan”, anh chàng đã khiến cho trái tim cô gái “chảy nước” nên cô đã đến và đưa anh ta đi.
Hóa ra để được việc đôi khi phải từ bỏ, từ bỏ danh dự, từ bỏ chính mình để được điều mình mong ước. Tựa như một cậu học sinh cần từ bỏ những niềm vui vô bổ để tập trung học hành mới mong công thành danh toại. Cuộc sống không có vinh quang nào mà không qua gian khó. Gian khổ càng nhiều vinh quang càng lớn. Quy luật cuộc đời trường tồn vẫn là thế.
Cuộc sống của người môn đệ cũng phải trải qua gian khổ, hy sinh, tập luyện và từ bỏ. Đôi khi phải hy sinh hay từ bỏ cả những cái mình quyến luyến, thích thú hay đam mê. Từ bỏ những cái mình yêu, mình thích thật là khó. Từ bỏ những cái mình gắn bó lâu dài càng khó hơn. Thế nhưng, vì Chúa chúng ta sẵn lòng. Vì Chúa chúng ta hy sinh. Vì Chúa chúng ta sống vâng theo thánh ý Chúa. Từ bỏ như thế gọi là thập giá. Thập giá vì lòng yêu mến Chúa sẽ trở thành thánh giá vinh quang.
Chúa Giêsu cũng từng đón nhận thập giá vì Chúa Cha. Thập giá của Chúa Giêsu đã biến thành thánh giá. Thánh giá vinh quang. Thánh giá đem lại nguồn ơn cứu rỗi cho nhân trần. Theo lẽ thường chẳng ai thích đau khổ. Ai cũng tìm an nhàn sung sướng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã chọn gian khổ, chọn hy sinh để vui lòng Chúa Cha, vì Ngài biết Chúa Cha sẽ ân thưởng vương quyền thiên quốc cho những hy sinh mà Ngài đã làm cho Chúa Cha.
Là người ai cũng ham sướng sợ khổ. Nhưng chúng ta vẫn có thể đón nhận vì một hạnh phúc lớn hơn. Tựa như người mẹ mang thai nặng nhọc và còn sinh con trong đớn đau nhưng niềm vui thật to lớn khi con được sinh ra chào đời. Là người ky-tô hữu chúng ta cũng đón nhận thập giá không phải vỉ chúng ta thích đau khổ mà vì một phần thưởng thật lớn lao trên trời mà Chúa dành cho chúng ta. Thánh Phao-lô đã từng nói rằng: những đau khổ đời này chẳng là gi so với hạnh phúc viên mãn đời sau. Thế nên, vì lòng yêu mến Chúa chúng ta biết đi vào cửa hẹp là từ bỏ những tham sân si, những niềm vui bất chính để được sống thanh thoát đời này và vinh hiển đời sau. Vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẵn lòng vác thập giá của bổn phận để phục vụ gia đình và tổ quốc hầu mai sau chúng ta cũng được ân thường hạnh phúc thiên đàng.
Xin cho chúng ta luôn biết đón nhận thập giá như là hồng ân Chúa gửi đến để ta lập công trước mặt Thiên Chúa. Amen.
28. Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng
TỪ BỎ MỌI SỰ THEO ĐỨC KITÔ, SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC
Tin Mừng Lc 14: 25-33 Theo Đức Kitô là đi theo tiếng gọi của tình yêu, Lời Chúa hôm nay mời gọi Kitô hữu hãy xem lại mối tương quan của mình với Đức Kitô. Chúng ta có thật sự theo Người vì yêu hay không?
Nếu có ai đó khẳng định rằng Kitô hữu chúng ta không xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu thì chắc hẳn chúng ta sẽ hết sức biện minh cho mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xem ra chúng ta nghe Lời Chúa thì dễ nhưng thực thi thì khó. Chúng ta còn ở rất xa trên con đường bước theo Đức Giêsu Kitô, nhất là từ bỏ mọi sự vác thập giá mình theo Người lại càng khó khăn gấp bội. Theo như Chúa Giêsu: ai không từ bỏ và không vác thập giá thì không xứng đáng là môn đệ của Người, thì hẳn nhiên chúng ta phải coi lại chính mình: chúng ta, những Kitô hữu hôm nay có xứng đáng là môn đệ cuả Đức Kitô không?
- Tìm Hiểu Lời Chúa:
Từ bỏ mọi sự theo Đức Kitô
Nhiều người mến mộ theo Đức Kitô, nhưng không phải ai cũng trở thành môn đệ của Người. Muốn là môn đệ của Người phải theo Người, phải tuôn thủ những đòi hỏi tình yêu rất khắt khe. Yêu Người trên hết mọi sự đựơc diễn tả cụ thể qua việc từ bỏ.
Có lẽ những yêu sách của Chúa Giêsu xem ra thật khó hiểu và cả mâu thuẫn nữa. Người đòi hỏi quá xa, để theo Người phải từ bỏ mọi sự, ngay cả mối dây thiêng liêng cao quí trong tình cảm con người là mối dây gia đình, vợ chồng.
Chúa Giêsu rao giảng tình yêu chứ không phải hận thù. Những đòi hỏi của Người không nhằm phế bỏ điều răn thứ tư hay huỷ bỏ hôn nhân. Người đòi hỏi ai muốn theo Người phải yêu Người hơn tất cả. Văn chương Sêmít, hay ngôn ngữ Hy_bá diễn tả ý niệm ‘thích hơn’ bằng lối văn đối ngẫu: ‘yêu – ghét’. Ví dụ thay vì nói: Thiên Chúa thích Giacóp hơn Esau, tiếng Hy Bá nói: Thiên Chúa thương Giacóp và ghét Êsau (Ml 1,2-3). Trong ngôn ngữ Sêmít ghét đồng nghĩa với hờ hững, xếp vào hàng thứ yếu. Như thế, chúng ta có thể hiểu lời của Chúa như sau: Nếu ai đến với Ta mà yêu cha mẹ, yêu bản thân, yêu của cải hơn Ta thì không thể làm môn đệ của Ta.
Những đòi hỏi của Chúa Giêsu là những đòi hỏi của tình yêu, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Vì thế, đi theo Người lòng hăng say chưa đủ, mà còn phải biết từ bỏ, từ bỏ tận căn ngay cả những gì xem ra là rất cần thiết cho cuộc sống vì tình yêu dành cho Người. Do đó, cần phải suy nghĩ chín chắn cẩn thận trước khi quyết định dấn thân theo Người, như Người dạy qua hai dụ ngôn người xây tháp và vị vua chuẩn bị ra trận.
- Gợi ý Suy Niệm
- Theo Đức Kitô là đi theo tiếng gọi của tình yêu:
Đức Kitô rao giảng tình yêu, Người sống trọn vẹn tình yêu Người rao giảng. Cho nên, Người mời gọi những ai muốn theo Người phải biết sống tình yêu, một tình yêu trọn vẹn dành cho Người, yêu Người hơn tất cả. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh “ghét” có nghĩa là “yêu ít hơn” hay chỉ là hàng thứ yếu, phụ thuộc. Đức Kitô đòi hỏi những ai theo Người thì phải coi những đối tượng khác cho dù đó là cha mẹ, vơ chồng đi nữa thì cũng chỉ là thứ yếu so với Người. Vì thế, theo Chúa cần phải có con tim yêu mến Người thực sự. Theo Người đích thực là đi theo tiếng gọi của tình yêu. Trong cuộc sống tình cảm của con nguời, một khi đã yêu mến, đam mê ai đó hay điều gì thì người đó, điều đó trở nên quan trọng nhất, được ưu tiên nhất so với những gì khác. Như thanh niên nam nữ một khi đã yêu nhau thực sự và đi đến hôn nhân thì họ cũng sẵn sàng từ bỏ cha mẹ để đến với nhau, thuộc trọn về nhau. Lúc ấy chỉ có đối tượng của mình là nhất, là trên hết. Với Đức Kitô cũng thế, theo Người đòi hỏi phải yêu mến Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn.
Theo Đức Kitô là đi theo tiếng gọi của tình yêu, Lời Chúa hôm nay mời gọi Kitô hữu hãy xem lại mối tương quan của mình với Đức Kitô. Chúng ta có thật sự theo Người vì yêu hay không? Tình yêu dành cho Người không dựa trên cảm xúc tình cảm đơn thuần mà là việc nỗ lực sống và thực thi Lời Người; can đảm trung thành với đức tin trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
- Theo Đức Kitô là quyết định dấn thân trọn vẹn:
Theo Đức Kitô phải đi theo những đòi hỏi của một tình yêu mạnh mẽ, một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Đã theo thì phải theo cho đến cùng, quyết tâm dấn thân trọn vẹn. Việc này không đơn giản là chuyện hình thức kinh kẹ tối sớm, lễ lạt hàng ngày mà liên quan đến toàn vẹn cuộc sống mỗi người. Theo Đức Kitô là một chuyện nghiêm túc cả đời người, phải biết để tâm lưu ý và cân nhắc kỹ lưỡng; phải biết khôn ngoan chọn lựa; không thể làm một cách nửa vời, hời hợt. Hai dụ ngôn Chúa Giêsu dạy: người xây tháp và vị vua chuẩn bị ra trận cho thấy tính nghiêm túc của vấn đề. Kitô hữu phải nghiêm túc và thực hành những đòi hỏi luân lý của Chúa; phải luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng; phải kiên trì trung thành với đức tin, nếu không, một cám dỗ nhỏ của ma quỉ, xác thịt và thế gian cũng đủ làm lung lay và s a ngã bỏ Chúa.
Hành trình theo Đức Kitô không đơn giản vì phải đối diện với nhiều thử thách và cám dỗ, do đó, Kitô hữu phải biết khiêm tốn cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Không Chúa không thể làm đựơc gì, nhưng có Người thì mọi sự đều có thể làm được.
- Theo Đức Kitô là hành trình từ bỏ mình để nên giống Người:
Chúa Giêsu khẳng định: nếu ai đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình thì không phải là môn đệ Ta. Từ bỏ theo Chúa không chỉ là từ bỏ những gì mình có, những gì ở bên ngoài mình mà từ bỏ những gì thiết thân nhất, tình cảm nhất, sâu xa nhất và hơn hết là phải từ bỏ chính mình. Một đòi hỏi xem ra qúa đáng? Việc từ bỏ này không phải là việc có thể làm một lần là xong, quyết định một lần là đủ. Nó đòi hỏi phải liên tục cả cuộc đời và chắc chắn cũng để lại không ít đau khổ, dằn vặt trong tâm khảm. Từ bỏ là cả một hành trình dài xuyên suốt cuộc đời mỗi Kitô hữu. Từ bỏ luôn là mất mát, mất những gì mình có, những gì mình sở hữu, thế nhưng, lại nhận được rất nhiều từ nơi Thiên Chúa, nhận đựơc tình yêu, hạnh phúc và sự sống viên mãn. Ai từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh thầy sẽ được gấp trăm và sự sống đời đời (Mt19, 29). Hành trình từ bỏ theo Đức Kitô làm cho mỗi người mỗi ngày trở nên giống Người hơn, trở nên biết yêu Người hơn.
Từ bỏ trong thực tế cuộc sống Kitô hữu ngày nay rất là khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi người cần phải biết can đảm, biết đón nhận ơn Chúa và phải thực lòng yêu Chúa mới có thể làm được.
III. Lời Cầu Chung
* Lời Mở: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đi theo tiếng gọi tình yêu của Người. Trong niền tin tưởng yêu mến Chúa chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh nhất là hàng giáo sĩ và tu sĩ luôn biết nỗ lực sống trung thành với ơn gọi của mình qua việc can đảm từ bỏ danh vọng, quyền lực và ý riêng của mình để trung thành phục vụ Chúa và Hội Thánh trong bậc sống của mình.
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia luôn biết quên mình phụng sự dân nước để mọi người dân thực sự được hưởng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc; hoà bình và công lý.
- Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, là những Kitô hữu được mời gọi làm môn đệ của Đức Kitô. Xin Chúa ban ơn giúp sức để ai nấy đều trung thành với ơn gọi Kitô hữu; biết sống và thực thi giới răn yêu thương của Chúa.
* Kết Nguyện: Lạy Thiên Chúa là tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã chọn gọi chúng con làm môn đệ của Chúa Giêsu, Con Một yếu dấu của Chúa. Xin cho chúng con luôn được đây đủ ơn Chúa để trung thành sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
29. Môn đệ Tôi
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Các nhà lãnh đạo các dân cần có số đông ủng hộ họ, thực hiện các chương trình xã hội, kinh tế… giúp họ đạt đến mục tiêu họ đề ra. Họ kêu gọi mọi người và đưa ra những điều kiện cần thiết để thống nhất hoạt động. Những người theo một lãnh đạo nào đó, là những người phục vụ cho vị lãnh đạo để được hưởng một số quyền lợi nào đó.
Chúa Giêsu cũng kêu gọi mọi người theo Ngài, không phải để ủng hộ và phục vụ quyền lợi của Ngài, mà ngược lại, để nhờ Ngài mà được sống đời đời, đạt được hạnh phúc Ngài dành cho họ.
Theo Ngài vì Ngài chính là hạnh phúc và lẽ sống của chúng ta. Không có Ngài, cuộc sống trần gian này chỉ là những ngày tháng vô vị, chẳng đưa đến một kết quả nào đáng kể, có chăng là những lợi lộc trần gian, và luôn là cực nhọc, đau khổ, bệnh tật và cái chết kết thúc tất cả.
Chúa Giêsu là “đường, là sự thật và là sự sống”. Theo Ngài, chúng ta sẽ được sống và được sống dồi dào. Sự sống trần gian chỉ tạm bợ, ngắn ngủi, sự sống Ngài đem lại là sự sống thật, sự sống sung mãn trong tình yêu của Ngài.
Nếu ai hỏi chúng ta sống để làm gì? Chúng ta sẽ trả lời sao?
Nhiều người sẽ không thể trả lời được câu hỏi này vì chính họ không biết sống để làm gì. Đối với họ, sống là để tìm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, để hưởng thụ và sau cùng chết là hết. Cuộc đời của họ chỉ là để truy tìm vật chất, tiền bạc, để hưởng thụ càng nhiều càng tốt.
Có những người biết sống là để tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc của họ chỉ là vật chất. Họ không tìm được hạnh phúc thật và họ háo hức đi tìm một thứ hạnh phúc có thể giúp họ thỏa mãn khát vọng của tâm hồn, nhưng họ vẫn thất vọng. Thi sĩ Pháp, ông Stéphane Mallarmé nói: “Con người mãi mãi là thất vọng”.
Chúng ta cũng tìm hạnh phúc như mọi người, nhưng hạnh phúc của chúng ta là Chúa Giêsu.
Mặc dù chúng ta phải đối mặt với tất cả gánh nặng của cuộc sống, nhưng chúng ta biết, chúng ta đang đi về đâu và biết mình tin vào ai.
Lời kêu gọi của Chúa, chúng ta đã chấp nhận. Chỉ có Ngài mới là lẽ sống cho chúng ta, nhưng những điều kiện của Ngài có quá khó không? Có vượt những khả năng yếu kém của chúng ta không: “Ai đến với Ta mà không dứt bỏ cha mẹ, anh em chị em… thì không thể làm môn đệ Ta”.
Chắc là rất khó, vì chúng ta yếu đuối, chúng ta có quá nhiều nhu cầu vật chất, chúng ta cần cha mẹ, anh em để sống, vì mạng sống chúng ta không thể tìm lại lần thứ hai. Làm sao có thể bỏ được những gì mà chúng ta cảm thấy cần thiết?
Thế nhưng Chúa vẫn khẳng định: “nếu không từ bỏ cha mẹ anh em…, những thứ cần thiết đó, sẽ không xứng đáng làm môn đệ Ngài”.
Chúng ta có quyền chọn lựa: Ngài hay thế gian.
Từ bỏ mọi sự để thong dong theo Ngài, có lẽ còn có thể chấp nhận được, nhưng Ngài còn đòi buộc đến tối đa “vác thập giá”, nghĩa là phải chịu án tử hình để theo Ngài thì mấy ai dám theo Ngài?
Từ bỏ ở đây có nghĩa là không quá quyến luyến, nhưng cũng là một điều vượt sức mọn của chúng ta.
Chúng ta dám không?
Nhiều người tưởng rằng, làm môn đệ của Ngài tức là giữ đạo thì cũng chỉ có bấy nhiêu việc phải làm thôi: cầu nguyện, dự lễ, xưng tội và giữ luật là đủ. Tôi không phạm tội gì nặng, không cướp của giết người là tốt lắm rồi, cần chi phải bỏ mọi sự? Chúng ta nhớ chàng thanh niên giàu có đến hỏi Chúa: “Con phải làm gì để được sống đời đời? Ngài trả lời: “Hãy giữ Luật Chúa” Thanh niên đáp: “Con đã giữ từ nhỏ”. Ngài bảo: “Con chỉ còn thiếu một điều thôi là về bán hết tài sản, bố thí cho người nghèo rồi đến đây theo Ta”. Chúng ta biết câu cuối… Chàng thanh niên thiện chí kia không xứng đáng…
Còn chúng ta thì sao?
Một số đông chúng ta giống như chàng thanh niên đó. Còn một bước cuối cùng, anh không can đảm, vì tài sản của anh quí hơn Chúa. Chúng ta có rất nhiều lý do để biện minh cho sự hèn nhát của chúng ta.
Tại sao Ngài đòi buộc gắt gao như thế? Tại sao Ngài tỏ ra quyết liệt như thế?
Vì chỉ có Ngài mới có thể giúp chúng ta hạnh phúc, điều mà ai cũng ước mơ mà không bao giờ được trọn vẹn. Trên mặt báo hay trên màn ảnh, người ta giới thiệu những đôi vợ chồng thành công, hạnh phúc. Họ thành công về mọi mặt, cuộc sống của họ an nhàn, nhưng được bao lâu? Cái chết vẫn sờ sờ ra đó. Họ vẫn biết điều đó. Dù hạnh phúc được vài chục năm, họ cũng phải lìa nhau, chấm dứt tất cả, và nỗi buồn sẽ cắn vào da thịt của họ. Hanh phúc ơi! Mi ở đâu? Họ không biết sầu muộn ray rứt sao? Nhiều lắm, ở sau hậu trường, được che giấu cẩn thận.
Chỉ có Chúa mới bảo đảm một hạnh phúc mà cái chết không thể phá hủy được. Đó là cái gì đáng quí hơn hết mọi sự, và thứ hạnh phúc này có thể đạt được với điều kiện là từ bỏ mọi sự và theo Ngài, gắn bó với Ngài, với Ngài thôi.
Tại sao chúng ta không theo Ngài?
Vì chúng ta chưa biết Ngài là ai, vì thế chúng ta không dám dấn thân yêu Ngài, chúng ta xem thế gian quí báu hơn.
Ngài đòi buộc triệt để như thế, vì không ai khác có thể lấp đầy con tim của chúng ta. Con người mang con tim vật chất nhưng những ước mơ của nó vượt tới trời cao. Chỉ có Đấng từ trời xuống mới đưa chúng ta về trời cao, lúc đó chúng ta mới biết hạnh phúc là gì.
Chúng ta dám đánh đổi những giàu sang trần thế với hạnh phúc đó không?
Đó là câu hỏi mà Chúa đặt ra cho chúng ta.
Các đấng thánh đã trả lời. Các Tông đồ, lúc mới theo Ngài, còn mơ mộng ngồi ghế nhất, làm lớn, nhưng khi đã biết Ngài là ai, họ đã liều mạng cho Ngài, buông bỏ tất cả không hối tiếc.
Thánh Phaolô có thể là một ông Pharisêu danh giá, nhưng khi biết Chúa, ông đã dứt khoát với những hứa hẹn tương lai, dấn thân phục vụ Đấng mà ông đã đả đảo, lùng bắt. Các đấng thánh mà chúng ta nghe kể tên trong kinh cầu các thánh và trong sách phụng vụ, là những người đã khám phá ra Chúa và đã bỏ mọi sự, vác thập giá theo Ngài đến cùng, và các ngài đã không thất vọng.
Chúng ta còn tiếc gì ở trần gian? Trần gian đã tặng cho chúng ta những gì khiến chúng ta còn ham mê, không thể buông bỏ nó?
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ai cũng có thể sống cho Chúa. Chúng ta có thể làm được nhưng chưa làm hết mình. Nếu Chúa ra những điều kiện không thể thực hiện, thì Ngài ra điều kiện làm gì? Bằng chứng là vô số các thánh đã làm được trong số đó có những bà mẹ gia đình như thánh Maria Luigi, có các vua và hoàng hậu như vua Luy thứ IX, vua nước Pháp và bà hoàng hậu Êlisabet Hungari…
Các thánh tử đạo đã bỏ cả mạng sống. Chúng ta sẽ bỏ những gì và như thế nào để xứng đáng làm môn đệ Chúa?
Hãy tìm biết Chúa là ai, chúng ta mới có thể đủ can đảm theo Ngài và yêu Ngài. Yêu Ngài sâu đậm, chúng ta mới đủ can đảm liều mạng cho Ngài. Chỉ có tình yêu say đắm mới đủ sức bỏ của cải và những thú vui của nó.
Chúng ta có yêu Ngài không?
Chúng ta chưa yêu Ngài nhưng Ngài vẫn yêu chúng ta. Đây, Ngài đến nơi bàn thờ, đến dưới hình thức nhỏ bé nhất, để tỏ tình với chúng ta, nuôi dưỡng sự yếu hèn của chúng ta. Hãy ăn lấy Ngài để tiến lên trong tình yêu. Tình yêu sẽ triển nở trong ta, và một ngày nào đó, chúng ta sẽ biết Ngài là ai.
30. Từ bỏ để theo Chúa
Con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý. Một trong những cái nghịch lý là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều kiện đó, là phải từ bỏ tất cả: “của cải, cha mẹ, vợ con, anh chị em và chính bản thân mình”. Đó là điều kiện gắt gao, cho nên cần phải tính toán, suy xét thật cẩn thận. Điều kiện này không phải Chúa chỉ nói với các môn đệ mà với tất cả đám đông đang nghe Chúa giảng dạy. Và như vậy đây là điều kiện cho tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh của nền văn minh vật chất hiện nay.
Trước hết, Chúa Giêsu cho biết: muốn đi theo Chúa, muốn làm môn đệ Chúa phải từ bỏ tất cả, nghĩa là phải chọn Chúa trên hết mọi sự, trên cả những tình cảm thân thương nhất, cả chính bản thân cũng như vinh quang và của cải trần gian này. Đây là một đòi hỏi mang tính chất khác thường, ngược đời và khó chấp nhận, nên Chúa đã đưa ra hai dụ ngôn để minh họa và giải thích: Cũng như người muốn xây tháp hay xây nhà: trước khi xây phải tính toán cẩn thận: có xây hay không? Xây lúc này hay xây lúc khác? Xây ở đâu? Để làm gì? Rồi vấn đề tiền bạc, công thợ, vật liệu thế nào? Có giải quyết được những vấn đề đó mới nên khởi công, bằng không thì thôi. Thà đừng xây còn hơn là xây rồi mà bỏ dở dang. Cũng vậy, một ông vua hay một ông tướng sắp lâm trận, phải biết lượng sức mình, đánh giá đúng khả năng của mình: so đo lực lượng hai bên, phải biết tinh thần quân sĩ, phải nắm vững tình thế: thiên thời, địa lợi, nhân hòa… Có nắm vững được những yếu tố thuận lợi cho mình mới nên cất quân đi đánh giặc, bằng không phải tính toán cách khác, kẻo cất quân đi đánh mà bị thua thì vừa mất quân vừa thiệt hại.
Những người muốn đi theo Chúa cũng vậy, phải biết tính toán cẩn thận và chọn lựa dứt khoát. Bởi vì con đường theo Chúa là con đường từ bỏ: “từ bỏ hết, từ bỏ tất cả, từ bỏ hoàn toàn”. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn xây tháp, xây nhà phải có tiền. Muốn thắng trận, phải có lính. Muốn theo Chúa, không cần có gì hết, nhưng phải từ bỏ mọi người ruột thịt và mọi của cải mình có. Từ bỏ tất cả để theo Chúa, nghĩa là coi Chúa hơn tất cả mọi người, hơn tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa mà thôi.
Điều kiện này là khó. Nhưng không phải là không thực hiện được. Bằng chứng là các tông đồ Chúa kêu gọi, các ông mau mắn, dứt khoát đi theo Chúa, dù phải bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp. Tiếp theo các tông đồ, từ xưa cho đến nay, biết bao nhiêu người đã sống đời tận hiến, bước đi theo Chúa trong ơn gọi linh mục, tu sĩ, cống hiến cả cuộc đời cho Chúa và tha nhân… Có biết bao người đã sẵn sàng chịu đau khổ, thử thách và hy sinh cả mạng sống vì danh Chúa Kitô như các thánh tử đạo.
Nhưng đối với phần đông chúng ta, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ của cải, cha mẹ, gia đình, vợ con, nghề nghiệp để đi tu. Nhưng Chúa đòi hỏi chúng ta phải biết từ bỏ mình. Từ bỏ mình không có nghĩa là hành hạ mình, nhưng là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu của ý chí, những lời nói cay chua của cơn tức giận, những tư tưởng kênh kiệu độc đoán của thái độ tự phụ bất chính. Nói khác đi, từ bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ tham, sân, si. Tham là tính tham lam: tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế. Chính cái tham ấy xô đẩy chúng ta vào vòng tội lỗi, gây tranh giành đố kỵ và làm khổ lẫn nhau. Sân là tính nóng nảy, thường thúc đẩy chúng ta làm những sự bất công. Sân cũng là giận. Giận mất khôn, khiến chúng ta không làm chủ được mình, dễ trở nên hung bạo, gây tai ương và đau khổ cho người khác. Si là ngu muội, tối tăm, mê mẩn. Vướng phải khuyết điểm này chúng ta thiếu sự phán đoán, sự suy luận đúng đắn, ít phân biệt được điều hay lẽ phải, khư khư sống trong thành kiến sai lầm. Hơn nữa, còn mê man những cái không đáng, những cái phù du giả dối, những cái có vẻ tốt đẹp bên ngoài mà bên trong xấu xa, thối nát. Đối với nhà Phật, phải diệt tham lam, diệt sân nộ, diệt mê si. Diệt là dứt bỏ, dứt bỏ dần dần và rồi hủy bỏ dứt khoát. Đối với chúng ta là từ bỏ chính mình, có nghĩa là không làm theo ý thích ý muốn của mình khi điều đó trái với ý Chúa. Từ bỏ như vậy để chỉ sống cho Chúa và tha nhân.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy kiểm điểm: sống là lựa chọn, mà lựa chọn tức là từ bỏ những cái mình không chọn. Thái độ từ bỏ và dứt khoát đó lại càng cần đối với việc chọn Chúa, chọn nước trời, chọn những việc đẹp lòng Chúa và làm chứng cho Chúa. Bấy lâu nay chúng ta có thái độ dứt khoát đó không hay chúng ta muốn ôm đồm tất cả và cũng tiếc rẻ tất cả? Bấy lâu nay có phải chúng ta đã theo Chúa để tìm lợi cá nhân, tiền bạc, danh vọng hoặc địa vị và một số những cái lỉnh kỉnh khác, chứ thực sự chưa có thái độ lựa chọn dứt khoát vì Chúa, vì tình thương, vì tình người, vì nước trời… có phải vậy không?
Trong xã hội chạy theo văn minh vật chất và thích hưởng thụ này, có những người giàu, có chức vị, có tiền của, có nhiều phương tiện, nhờ có tinh thần từ bỏ mình, quên mình, đã biết lợi dụng những cái đó để làm ích cho kẻ khác, để xây dựng công ích, để mở Nước Chúa. Trái lại, cũng trong hoàn cảnh như vậy, kẻ không có tinh thần từ bỏ, quên mình, thì đã lợi dụng của cải, tiền bạc, tự do, tiện nghi, để hưởng thụ cho chính bản thân mình, đã không làm lợi cho kẻ khác, cho Hội thánh, cho đồng bào, cho đất nước… Chúng ta vào số người nào?
Để từ bỏ được chính mình như thế, cần phải có thật nhiều ơn Chúa và một sự can đảm mạnh mẽ. Vì khi từ bỏ là chúng ta sẽ cảm thấy như bị thua thiệt rất nhiều ở đời này. Vì thế, từ bỏ được mình, quên mình, nói thì dễ nhưng thực hành thì không dễ dàng, nếu không có ơn Chúa trợ giúp thì không ai có thể thực hành được. Cho nên, chúng ta phải cầu xin Chúa và cố gắng rất nhiều.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết từ bỏ để mạnh dạn bước đi theo Chúa và can đảm thi hành ý Chúa. Amen.
31. Bạn đã yêu mến Chúa ở thang bậc nào??
(Suy niệm của Lm Fx Nguyễn Hùng Oánh)
Một đám rất đông người theo Chúa Kitô, cùng đi với Chúa Kitô. Lý do nào, động lực nào thúc đẩy họ? Vì phép lạ hoặc lời giảng dạy hoặc họ đã nhận ra Chúa là Đức Kitô? Câu hỏi nào cũng có thể đúng với một số người trong đám đông hỗn tạp này cả (x.Lc 14,25-38)
Chúa dạy họ. Ta có thể đoán được cái gì họ chưa có, Chúa mới dạy, “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ta”, dịch đúng là “Nếu ai đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ta”.
Một lời dạy đọc ra “chói tai”, vi phạm giới răn thứ tư. Ngôn ngữ Cựu ước thiếu lối so sánh “mà hơn”, họ dùng lối đối ngẫu, cặp đối lập thay vào, thí dụ: Thiên Chúa thương Giacóp và ghét Esau, có nghĩa là “Thiên Chúa thương Giacóp hơn Esau” (Mal 1, 2-3). Như vậy, lời Chúa dạy trên phải hiểu: Nếu ai đến với Ta mà thương yêu cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình hơn Ta thì không thể làm môn đệ Ta.
Đó là điều kiện tiên quyết đòi hỏi rất hợp lý hợp tình. Đặt Chúa trên các giá trị khác. Tình gia đình sâu thẳm, ai cũng nhận thế. “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, nhưng công của Chúa, tình của Chúa thương ta còn hơn cả cha mẹ, mến Chúa hơn cha mẹ là đúng. Chúa là cha mẹ ở bậc cao nhất vì Chúa tạo dựng mọi sự, quan phòng và cứu chuộc, chết cho ta đươc sống nên ta mến Chúa hơn cha mẹ là đúng.
Ai còn đặt một thứ tình yêu nào trên tình yêu Chúa thì không xứng đáng làm môn đệ Chúa.
Biết đặt đúng giá trị con người, sự vật, biết ưu tiên cho tình yêu mến Chúa ta phải từ bỏ, phải hy sinh, phải chịu thiệt cái này cái kia nghĩa là phải vác thập giá theo Chúa. Không hy sinh, không từ bỏ, không hạn chế điều này điều kia, ta chỉ có thể mến Chúa ngang hàng với những thứ khác (tiền bạc, danh vọng, vợ con), ta không xứng đáng làm môn đệ Chúa.
Nền tảng của con người môn đệ Chúa là yêu mến Chúa hơn mọi thứ khác hợp lý, hợp luật (yêu cha mẹ là hợp lý hợp luật, yêu anh chị em là hợp lý hợp luật v.v…). Còn thứ hạng của môn đệ, cách thể hiện người môn đệ thì khác nhau. Không phải ai cũng bỏ mọi sự theo Chúa như Mười Hai Tông đồ được. Có người xin theo Chúa, Chúa đã dạy ở nhà làm “Tông đồ giáo dân”. Chúa nói với đám đông hai dụ ngôn để họ cân nhắc, ước lượng sức của mình, biết mình nên thuộc loại môn đệ nào:
Dụ ngôn xây tháp, phải tính toán tiền bạc xem có đủ không. Xây dở chừng, không hoàn thành, người ta sẽ cười cho.
Dụ ngôn ông vua sắp đi giao chiến với vua khác, tính toán cẩn thận xem mình có đủ lực thắng không. Không thắng thì tốt nhất là đi cầu hòa, hiệp thương.
Như vậy, đối với những người theo Chúa để làm Tông đồ như linh mục, tu sĩ đã dấn thân thì nên dấn thân trọn vẹn vì đã suy tính cân nhắc rồi. Từ bỏ tất cả để sống phục vụ Chúa và tha nhân. Bất nhất là không ra gì hết.
Đối với giáo dân, đời sống trần thế là đối tượng tông đồ, làm sao cho mọi sinh hoạt trần thế có tinh thần Tin Mầng. Gia đình, công sở, xí nghiệp, chợ búa, khu xóm đều là nơi ta tiếp xúc, làm việc, sinh sống thể hiện người môn đệ của Chúa. Đời sống nào cũng phải đúng đắn, hợp luật. Thanh niên chưa lập gia đình, phải sống đời “độc thân tạm thời” cho thật đàng hoàng, đạo đức. Người lập gia đình, chọn bạn trăm năm chứ không phải mười năm, đôi ba năm rồi ly dị. Người công nhân phải chuyên cần, đem sức lao động phục vụ bản thân, gia đình và xã hội.
Đời sống nào cũng đòi hỏi quyết tâm, dấn thân trong tinh thần vì yêu mến Chúa hơn tất cả.
Các tin khác
.: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025) .: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam