Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1372756
AI CHUỘNG BÓNG TỐI HƠN ÁNH SÁNG ?
Ai chuộng bóng tối hơn ánh sáng?
Giữa biển trần gian mịt mù sóng gió, những người có thiện chí vẫn khát mong tìm về bến bình an. Thật ra, bến đỗ cuộc đời toạ lạc nơi đâu? Có phải là nơi cái chết do bệnh tật và tuổi già? Những người không biết Chúa, không tin có đời sau vẫn nghĩ như vậy và họ cảm thấy cuộc đời là vô vị, là tuyệt vọng. Nếu chỉ có đời này thì người ta lao vào tìm kiếm những gì? Phải chăng là tiền bạc, địa vị và lạc thú chóng qua, để rồi khi chết thì ai cũng như ai!
Xem ra, không có mấy người phủ nhận hoàn toàn đời sau, chỉ là không muốn để thời giờ tìm hiểu cho cặn kẽ thôi. Nhiều người chủ trương sống tự tiện, buông thả theo thói đời và lấy sự hơn thua vật chất làm tiêu chuẩn cho cuộc đời mình.
Nói như vậy thì những người không biết Chúa có phải là lỗi của họ chăng? Có thể nhưng không hẳn là như vậy. Một phần do hoàn cảnh, một phần do thành kiến. Có người lý luận theo vòng lẩn quẩn: cha mẹ tôi theo Hồi giáo, tôi tuy thấy đạo Kitô giáo hay hay nhưng vì cha mẹ tôi không giữ đạo này nên tôi cũng vậy. Họ không có sự bứt phá, không muốn tìm hiểu thêm.
Thế nhưng, giới trẻ ngày nay rất thích khẳng định mình, muốn vượt qua ranh giới thuần phong mỹ tục. Họ cho rằng cha mẹ không hợp thời, họ không chấp nhận kiểu: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó như ngày xưa, họ thích sống tự do với bạn bè, thích nhạc rap, nhạc hip- hop, thích sống thử... Những điều này làm các phụ huynh phải đau đầu, thấy mình bất lực khi con cái mình trở thành những con thiêu thân đi vào chỗ chết, đánh mất lễ nghĩa gia phong, đạo đức của cha ông.
Giới trẻ và loài người ngày nay muốn tìm cái mới lạ và tự do theo ý mình. Họ muốn tìm một cuộc sống riêng tư, theo ý riêng và họ nghĩ như vậy mới là hạnh phúc, sung sướng. Nhưng nhiều nhà đạo đức thấy rằng: nhiều người trong thế hệ này lầm lạc. Nếu như giới trẻ muốn tự do vì cần tìm hiểu nghiên cứu để phát minh những cái hay cái tốt thì đáng hoan nghênh. Nhưng vẫn có rất nhiều người chạy theo trào lưu phóng túng chỉ vì để cho giống bạn mình! Họ không biết tại sao. Họ cũng không cần biết đến mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Họ chỉ theo phong trào ai làm sao tôi làm vậy, không có lập trường của riêng mình, không có định hướng riêng.
Thật ra, giữa thế gian nhiều hỗn độn này, bao nhiêu bóng tối bủa vây, bóng tối của hận thù, chiến tranh xuất phát từ sự ích kỷ của con người, bong tối của đam mê tiền bạc hay dục vọng ươn hèn. Giữa thế gian đầy bong tối đó, người Kitô hữu hãy trở nên ánh sáng soi lối cho tha nhân. Tuy chúng ta không toả ánh sáng như mặt trời nhưng có thể là ngọn nến trong gia đình và làng xóm của mình, chúng ta hãy phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa qua những hành động yêu thương, vị tha, hy sinh, giúp cho đời bớt khổ, cho những ai thành tâm tìm Chúa được gặp thấy Ngài nhờ ánh sáng đức tin của chúng ta.
Ước chi thế nhân hôm nay năng biết hướng lòng lên cao để nhận ra ánh sao Chúa ban và tìm đến thờ lạy Con Thiên Chúa.
Ước chi đừng ai giống Hêrôđê chỉ biết đến bản thân mình, chỉ biết thu vén cho mình. Ông ở gần Bêlem mà không tìm hiểu về Chúa, chỉ muốn hiểu Kinh Thánh theo kiểu trần gian nên đã tàn sát các con trẻ ở Bêlem.
Ước chi chúng ta biết bắt chước Ba Vua lên đường, ra khỏi sự ích kỷ và thành kiến của mình để nhận ra Chúa đang hiện diện trong Hội Thánh Công giáo, trong những người nghèo hèn bé mọn đang cần sự giúp đỡ. Ước chi toàn thể nhân loại trên thế giới này biết có đời sau, nhận ra sự chóng qua và bất toàn của đời này. Phải chi loài người thức tỉnh, nhận biết giới hạn của đời mình và tìm đến hạnh phúc chân thật mà Chúa đã hứa ban cho nhân loại.
SỰ SÁNG là Chúa Giêsu Kitô đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng(x. Ga 3, 19). Xin Chúa cho chúng con đừng chạy theo thế gian nhưng biết chọn Chúa là nguồn hạnh phúc cho đời mình.
17. Gặp gỡ Chúa
Những hạng người nào đã được diễm phúc gặp gỡ Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem? Trước hết là các mục đồng, những người canh giữ đoàn vật. Họ là những người nghèo và hơn thế nữa, họ còn là những người bị khinh dể bị coi thường. Các luật sĩ và Biệt phái thường gọi họ là bọn dân đen. Cái đám người không biết đến lề luật, họ là những kẻ bị chúc dữ. Thế nhưng, chính đám người bị chúc dữ ấy, chính đám người không biết đến lề luật ấy lại là những người đầu tiên được đón nhận Hài Nhi Giêsu.
Tiếp đến là những nhà bác học xa lạ. Đường không quen, nẻo không thuộc. Họ từ xa mà đến, dám chấp nhận mọi hy sinh gian khổ. Cái nghèo của những người này chính là thái độ sẵn sàng của họ. Các Luật sĩ và Biệt phái coi họ là dân ngoại. Thế nhưng, cái đám dân ngoại này lại được diễm phúc gặp được Hài Nhi Giêsu.
Từ những sự kiện trên chúng ta rút ra được hai nhận định. Nhận định thứ nhất đó là sự gặp gỡ giữa người giàu và kẻ nghèo nơi Hài nhi Giêsu. Đúng thế, từ xưa cho đến nay vẫn có một hố ngăn cách giữa giàu và nghèo. Sự ngăn cách này được tạo nên bởi những nghi ngờ và thù oán. Mỗi bên đều có cái lý của mình. Tuy nhiên trong lịch sử đã có một khoảnh khắc trong đó giàu và nghèo không còn đố kỵ nhau, đó là khoảng khắc Chúa Giêsu sinh ra. Bởi vì có những người giàu, giàu về tiền bạc cũng như giàu về kiến thức đã đến viếng thăm một Hài nhi nghèo nàn, sinh ra không cửa không nhà.Thế nhưng, cái nghèo của Hài Nhi Giêsu mà ba nhà đạo sĩ khám phá ra đã không đẩy lùi họ, trái lại còn hấp dẫn họ, không làm cho họ hổ thẹn, trái lại còn làm họ cảm thấy được tôn vinh. Vì vậy, không ngỡ ngàng, không nghi vấn, họ tự dâng của lễ cho một Hài Nhi của người nghèo, như triều cống cho một hoàng tử của đế vương.
Nhận định thứ hai đó là các mục đồng và dân ngoại là những người ít được chuẩn bị nhất lại nhận ra Chúa. Trong khi đó các Luật sĩ, Biệt phái và tư tế, là những người đã được chuẩn bị nhiều nhất, đã được thông tin hoàn toàn nhất, bởi vì chính họ đã cho các đạo sĩ biết rõ nơi gặp gỡ đích thực của vị Vua mới sinh ra, thế nhưng cuối cùng họ đã không nhận ra Ngài. Họ có dư khả năng để biết nhưng lại không có khả năng để hiểu. Đúng thế, họ biết được bằng trí tuệ, bằng những phương tiện thông tin đầy đủ có trong tầm tay, nhưng muốn hiểu thì còn cần đến tấm lòng, cần đến con tim nữa.
Các mục đồng là những kẻ thiếu học, còn các nhà đạo sĩ là những người thiếu thông tin. Họ không có khả năng để biết, nhưng lại có khả năng để hiểu. Không phải chỉ sáng trí, có học là đủ để đi vào những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trái lại, cần phải có thiện chí, cần phải có tấm lòng, dám chấp nhận những hy sinh, dám từ bỏ cái tự cao tự đại của mình, thì mới có thể đến gần và gặp gỡ Chúa.
Bởi đó, là những người có đức tin, thế nhưng chúng ta đã gặp gỡ Chúa như các mục đồng và như ba nhà đạo sĩ phương đông hay chưa?
18. Thiên Chúa tỏ mình
Ngày hôm nay Thiên Chúa tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông, nghĩa là những người ở ngoài dân Chúa và bị người Do Thái xếp vào hàng dân ngoại. Chính vì thế lễ Hiển Linh có thể được coi như là lễ Giáng sinh của người ngoại. Tuy nhiên, qua phụng vụ chúng ta thấy được tính cách bi đát của chương trình cứu độ như thánh Gioan đã diễn tả: Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà các người thân đã không tiếp nhận Ngài.
Thực vậy, Isaia đã đưa ra những lời tiên đoán đầy phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng cứu thế xuất hiện. Ngày ấy, Giêrusalem sẽ trở thành trung tâm ánh sáng và mọi người từ bốn phương trời sẽ tiến về đó với muôn vàn lễ vật. Nhưng trớ trêu thay, vào ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, theo như lời tiên tri Isaia loan báo, ánh sáng đã chiếu trên Giêrusalem, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới nhận ra ánh sáng ấy, còn dân trong thành thì vẫn tiếp tục sống trong u tối. Giêrusalem đã có thể chỉ rõ nơi vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới tới thờ lạy Ngài.
Một ngôi sao xuất hiện trên bầu trời thì có chi đáng quan tâm. Nhưng tất cả cuộc hành trình kỳ diệu lại khởi đầu từ đó. Đêm hôm ấy, hẳn cũng đã có nhiều người nhìn lên trời, ngắm những vì sao nhưng lại không thấy được vì sao của Ngài. Cũng thế, những biến cố, những sự kiện diễn ra hằng ngày trên đường phố, trong xã hội. Chúng ta cũng có thể đọc được những sự kiện, những biến cố ấy trên cùng một trang báo, qua cùng một chương trình thời sự, nhưng có mấy khi chúng ta thấy được trong một biến cố, trong một sự kiện dấu chỉ về một đòi hỏi của Chúa?
Tuy nhiên, các nhà đạo sĩ đã không chỉ bằng lòng với việc thấy được vì sao của Ngài. Các ông còn chuẩn bị lễ vật và hăm hở lên đường với một cuộc hành trình mang tính cách phiêu lưu, tiến tới một nơi vô định mặc dầu có ánh sao dẫn lối. Tin Mừng cho thấy là cũng đã có lúc không còn ánh sao nữa và các ông đã phải hỏi thăm về nơi các ông phải tới với những người không quen biết. Và không phải là không có những cạm bẫy. Hêrôđê có đó với tấm lòng nham hiểm đằng sau những lời nói đầy vẻ ân cần. Vượt không biết bao nhiêu dặm đường để rồi cuối cùng đứng trước một hài nhi yếu ớt, nhưng các ông cũng đã sấp mình thờ lạy, và dâng lễ vật với lòng hân hoan toại nguyện. Phải chăng đó chính là thái độ của một lòng tin đích thật. Các thượng tế và luật sĩ, mặc dù thông hiểu Kinh Thánh, nhưng vẫn ngồi yên tại chỗ. Sự hiểu biết của họ như đã không đủ sức để lay chuyển họ. Là những người ở trong, họ đã tự đặt mình thành những kẻ ở ngoài. Trong khi đó, những người vẫn bị xếp vào hạng ở ngoài, vì đã đi theo tiếng gọi của Chúa, mà đã trở thành những người ở trong. Những điều chúng ta thấy và hiểu biết về Tin Mừng, về Đức Kitô, về Nước Trời, về ơn cứu độ, có đủ sức lay chuyển chúng ta đi theo tiếng gọi của Chúa hay không?
19. Hiển Linh - Marcellino D'Ambrosio
(GB. Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ)
Lúc bấy giờ, tất cả cũng đều khá khiêm tốn, một xe lừa đến một thành phố bụi bặm phía nam Giêrusalem. Tất cả các phòng khách sạn đã được đặt trước. Sinh con trong một chuồng ngựa và đặt nằm trong một máng ăn gia súc thay vì một cái nôi ấm áp.
Trong cảnh nghèo nàn ít ai biết đến này đột nhiên xuất hiện một đoàn tùy tùng kỳ lạ từ một nơi xa xôi. Những kẻ sang trọng trong lễ phục tặng cho hài nhi mới sinh những món quà đắt giá mà dường như không có ở những nơi tầm thường này.
Biến cố này có ý nghĩa đến mức nó được nhìn nhận như một ngày lễ trong phụng vụ Rôma, được cử hành một cách truyền thống vào ngày 6 tháng Giêng ngay sau ngày thứ 12 từ lễ Giáng Sinh. Lễ trọng này được gọi là Lễ Hiển Linh [Epiphany], có nghĩa là “tỏ mình” hay "tỏ hiện".
Một em bé cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nghèo khổ, xem ra không hơn gì những đứa trẻ khác, nhưng "hóa ra" Ngài thật sự là Vua muôn vua, Chúa các chúa. Món quà Ngài nhận, được tiên báo trong sách Isaia 60,6 qua câu chuyện: vàng tương xứng với một vị vua, nhũ hương dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa và mộc dược – cay đắng nhưng quý giá – dành cho vị anh hùng hi sinh mạng sống mình vì dân.
Có một vài điều quan trọng đáng chú ý về những vị khách danh giá này. Họ là những dân ngoại, không phải người Do Thái. Ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống nhân loại, rõ ràng Chúa Giêsu không chỉ là Đấng Mêsia của người Do Thái, Đấng đến để giải thoát dân Israel khỏi ách ngoại bang. Không, Người còn là vua vũ trụ, Đấng thống trị tất cả, Đấng đã đến để phá hủy bức tường hận thù chia cắt giữa người Do Thái với dân ngoại, nước này với nước kia.
Nếu bạn đã từng tự hỏi “Công Giáo” có nghĩa là gì, thì đây là nghĩa của nó. Được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa “theo tất cả”, nó có nghĩa rằng Chúa Kitô không đến để thiết lập một giáo phái địa phương nào đó cho số ít người được tuyển chọn, một lối “thờ cúng” giữa nhiều lối khác nhau. Không, Ngài thành lập Giáo Hội là “Công Giáo” hay phổ quát, lan rộng khắp trần gian, đón nhận toàn thể nhân loại thành một nước, một gia đình, dưới một vị vua.
Vài điều nữa về những vị khách nổi tiếng này. Không phải là người Do Thái, họ là người ngoại giáo. Trên thực tế, thuật ngữ “Magi” rõ ràng liên quan đến “ma thuật”. Nó không có trong Kinh Thánh nơi mà bình thường họ tìm kiếm sự thông thái (nếu không thì họ đã biết đường thẳng tới Bêlem rồi). Nhưng, trong phần thưởng dành cho sự hăng hái của họ, dẫu cho có sai lạc trong việc tìm kiếm chân lý, dù sao đi nữa Thiên Chúa đã dẫn họ đến với Chúa Kitô bằng lòng thương xót bao la của Ngài.
Kể từ thời Balaam, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết rằng dân ngoại có thể được đến gần Ngài một cách huyền nhiệm và được Ngài dùng, thậm chí qua những truyền thống khôn ngoan bất toàn của chính họ. Nếu bạn đến nhà nguyện Sistine và nghiên cứu tác phẩm của Michelangelo bạn có thể thấy bằng chứng về điều này. Hàng trên cùng của một bức tường của nhà nguyện là những bức tranh nổi tiếng về các ngôn sứ thời Cựu Ước. Đối diện với những bức tranh này không phải là hình các tông đồ thời Tân Ước như người ta mong đợi. Nhưng đúng hơn là, một dãy các bà đồng bà cốt, những nữ ngôn sứ thời xưa, mà trong những lời sấm của họ có nhiều lời ám chỉ không rõ ràng được khám phá về một vua cứu thế trong tương lai. Một trong các nữ ngôn sứ của Michelangelo miệng há hốc vì kinh ngạc, mắt nhìn chăm chăm vào bức họa Chúa Giêsu phục sinh nằm phía sau nhà nguyện. Quả thật, những khao khát sâu thẳm nhất của tất cả các dân tộc, những yếu tố của chân lý được tìm thấy trong tất cả các tôn giáo và triết lý của họ đều được thực hiện trong Chúa Kitô.
Có phải điều này có nghĩa là tất cả các tôn giáo đều như nhau và chúng ta không nên áp đặt ý tưởng của mình lên người khác không? Không phải tất cả. Thánh Giustinô nói rằng có “nhiều hạt giống Lời Chúa” nằm rải rác ở khắp thế giới. Nhưng những hạt giống đều được nhắm tới việc nảy mầm, phát triển và sinh hoa kết quả. Nghe Tin Mừng đầy đủ và dự phần vào tất cả những phương tiện của ân sủng nói chung thì cần thiết để làm cho điều đó xảy ra. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền đến với sự tràn đầy Công Giáo này. Và đó là bổn phận của chúng ta để chia sẻ nó. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đúng khi nói rằng: “Những người khác có thể có khả năng được cứu độ mà không cần lắng nghe Tin Mừng, nhưng liệu chúng ta có thể được cứu độ nếu chúng ta sao lãng việc rao giảng Tin Mừng không?”.
20. Ánh sao đạo đức - ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.
Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.
Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.
Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.
Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.
Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm của Ba Vua? Bạn có kiên trì tìm Chúa như Ba Vua không?
2. Bạn nghĩ gì về bổn phận làm chứng cho Chúa? Bạn có mong ước trở thành ngôi sao dẫn đưa mọi người đến với Chúa không?
3. Đâu là những ánh sáng người Kitô hữu phải có để dẫn người khác tới Chúa? Trong năm mới này, bạn sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam